THÁNH GM.STÊPHANÔ CUÉNOT THỂ TĐVN.
Chào đời ngày tám tháng hai (08.02.1802)
Vào năm một tám lẻ hai nhà nghèo
Bélieu, Pháp Quốc, cheo leo
Chàng là con cả khó nghèo em đông
Cha mẹ đạo đức vun trồng
Siêng năng bổn phận gánh gồng phụ cha
Thông minh đạo đức thật thà
Ước ao được sống nhất là đời tu
Chàng là anh cả khiêm nhu
Mười người em kế, mặc dù khó khăn
Họ hàng sống ở chung quanh
Cùng nhau giúp đỡ cho anh học hành
Đường tu tâm nguyện của anh
Besanc chủng viện tâm thành hiến dâng
Ngày đêm chăm chỉ tiến thăng
Học tu thần, triết cầm bằng cử nhân
Bề trên vui vẻ ân cần
Truyền phong linh mục thân nhân vui mừng
Hăm ba tuổi trẻ phấn hưng
Xin sang tuyền giáo Tin Mừng Á Đông
Thừa Sai Paris đồng công
Lên thuyền lướt sóng mỏi trông phương nào
Tháng mười tàu đến Ma Cao (15.10.1828)
Ở đây sáu tháng chờ vào Việt Nam
Siêng chăm học chữ chưa cam
Nóng lòng vào bến Việt Nam yêu kiều
Tháng năm vào đến Lái Thiêu (02.05.1829)
Chủng viện Sông Bé một chiều hăng say
Lòng nung đốt cháy vùng này
Gương lành rao giảng đêm ngày không ngơi
Tấm gương đạo đức tuyệt vời
Bảy năm truyền đạo sáng ngời gương nhân
Nhờ gương kiên nhẫn ân cần
Người lương thương mến đến gần noi theo
Như hạt giống tốt được gieo
Mùa màng nở rộ vui reo xanh rì
Bảy năm nguy hiểm kiên trì
Khó khăn bệnh tật quản gì gió sương
Bề trên thấy rõ tấm gương
Tấn phong Giám Mục thêm đường hiểm nguy
Vâng lời ngài chẳng ngại chi (03.05.1835)*
Trông coi Nam Bộ thực thi hết mình
Trời đang rực ánh bình minh
Bỗng đâu chiếu chỉ triều đình ban ra
Lệnh truyền cấm đạo xót xa
Vua Minh Mạng bắt các cha bỏ tù
Khó khăn chồng chất ba thù
Ngài luôn kiên nhẫn mặc dù rất nguy
Quyết tâm ở lại chỉ vì
Con chiên bổn đạo ngại chi thân mình
Và điều đó đã chứng minh
Gương người mục tử hy sinh cho đời
Hơn ba mươi bốn năm trời
Hy sinh kham khổ gieo Lời Yêu Thương
Tây Nguyên lặng lẽ mở đường
Gieo hạt giống tốt vô thường Phúc Âm
Lời kinh Ánh Sáng nảy mầm
Những Lời Thiên Chúa âm thầm mọc lên
Rễ sâu vào đất vững bền
Vươn lên xanh ngát khắp miền Quy Nhơn
Quyết tâm đào tạo nhiều hơn
Những linh mục trẻ thêm ơn theo Thầy
Đặt tòa Giám Mục nơi này
Chính là Gò Thị dạn dày gió sương
Tạo thêm nhân ái tình thương
Tông đồ truyền giáo lên đường truyền rao
Dòng Mến Thánh Giá vươn cao
Nữ Tu hăng hái đi vào từng thôn
Thuốc men chăm sóc ôn tồn
Gieo hương bác ái vào hồn thảo dân
Như gương Chúa dạy ân cần
Phúc Âm Lời Chúa thấm dần khắp nơi
Bỗng đâu tiếng sét ngang đời!
Quan quân kéo đến rợp trời bao vây
Biết rằng ngài ẩn nơi đây
Bắt dân trói lại từng dây nối dài
Nếu mà chưa bắt được ngài
Chúng tăng đánh đập dân chài xót xa
Tự mình ngài quyết đi ra
Nộp mình cho chúng để mà cứu chiên
Thấy ngài chúng cứ như điên
Trói gông cổ lại luôn phiên đánh đòn
Chỉ huy ra lệnh thật dòn
Nhốt vào trong cũi để còn mang theo
Khiêng ngài như thể khiêng heo
Không cho ăn uống đói teo cả người
Phơi mưa phơi nắng nhạo cười
Giải về Bình Định rã rời xác thân
Ba tuần sau ngài từ trần
Vùi nông nấm mộ muôn phần xót xa
Triều đình án trảm chuyển ra
Nhưng ngài đã chết người ta chôn rồi
Nhưng vua Tự Đức chẳng thôi
Lệnh truyền đào xác thả trôi sông ngòi
Chiếu theo lệnh của vua đòi
Quan cho đào xác lên rồi thả sông
Giáo dân đau xót nát lòng
Thương thay Giám Mục mải mong giúp đời
Gương ngài nhân đức sáng ngời
Tông đồ công chính tuyệt vời dường bao
Trên hàng Hiển Thánh anh hào
Quan Thầy giáo phận đồng bào Quy Nhơn
Ngài luôn phù hộ ban ơn
Những ai cầu khẩn van lơn đến ngài.
Thanh Sơn 18.04.2013
*-Mặc dù Đc Stêphanô Thể không thực sự đổ máu vì đức
tin, nhưng căn cứ vào bản án và ngàn nỗi truân chuyên chịu vì đạo, GH tôn kính
Ngài với tước hiệu “Tử Đạo”
*- Ngày 02/05/1909, Đức Thánh Cha Piô X nêu danh Đức
Cha Stêphanô Thể đứng đầu danh sách 20 vị TĐVN được suy tôn lên hàng chân phước
cùng ngày.
*- Và ngày 19/06/1988, tại Đền thánh Phêrô- Rôma, chân
phước Stêphanô Thể được phong lên hàng hiển thánh trong số 117 vị Thánh TĐVN.
*- Đức Cha kiệt sức và Ngài thở hơi cuối cùng vào đêm
14-11-1861 lúc 59 tuổi, kết thúc 32 năm truyền giáo “bất chấp mọi khó khăn và
mọi gian lao thử thách”. Hôm sau ngày Đức Cha qua đời, bản án trảm quyết từ Huế
mới đến Bình Định. Thấy Ngài đã từ trần, quan Trấn thủ Bình Định không cho chém
nữa, truyền đem đi chôn. Những tín hữu đang bị tù xin phép mua cho Đức Cha một
cỗ áo quan xứng đáng, nhưng quan Trấn thủ không chấp thuận. Sau đó, Triều đình
Huế lại gởi vào một bản án mới ghi thế này: “Tây dương đạo trưởng Thể đã lẫn
lút trong nước ta 40 năm nay, y đã giảng đạo lừa dối dân chúng. Bị bắt và tra
hỏi, y đã thú nhận mọi tội lỗi. Lẽ ra phải chém đầu y bêu lên giữa chợ, nhưng
vì y đã chết trong tù, Ta truyền phải quăng xác y xuống sông”.
*- Chiếu theo bản án ấy, quan Trấn Thủ cho đào mộ Đức
Cha lên, liệng thi hài Ngài xuống sông.
Gepostet vor 18th April von .
Labels: Các Thánh TĐVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét