Thánh
Elisabeth Nước Hungary
(1207-1231). Lễ nhớ ngày 17/11
Trên thế giới này có vô số
các bà hoàng, nhưng chỉ một số ít trong đó thật sự là "nữ hoàng"
trong lòng con người, nhất là những người nghèo khổ; và là "nữ hoàng"
được biết đến, được yêu quý và trợ giúp cho bao ngưòi, xuyên suốt hàng bao thế
kỷ. Một trong số đó là Elizabeth nước Hungary.
Elisabeth theo nghĩa tiếng
Do Thái "Thiên Chúa là sự giàu có".
Elisabeth sinh năm 1207, là công chúa con vua Andre II nước Hungary. Ngay từ nhỏ ngài đã được
dạy dỗ sống theo tinh thần Chúa Kitô là nghèo khó, đơn sơ, yêu thương và phục
vụ. Dưới những chiếc áo sang trọng, Elizabeth
luôn mặc chiếc áo nhặm để hãm mình. Không ai nghi ngờ sự khắc khổ của Ngài.
Isentrude, người đày tớ theo hầu và có nhiệm vụ đánh thức Ngài ban đêm để cầu
nguyện đã làm chứng: “Ngài hoàn thành những công trình bác ái trong tâm hồn vui
tươi và không đổi nét mặt”. Theo tục lệ thời đó, Elisabeth đã đính hôn rất sớm
lúc14 tuổi với Louis, con trai của Bá Tước Turinge, lúc đó đang làm chủ một
vùng lãnh thổ rộng lớn ở nước Hunggary.
Louis ngây ngất vì vẻ đẹp dịu dàng, đạo đức, thánh thiện của vị hôn
thê. Lễ Hôn phối được cử hành khi Louis 21 tuổi và Elizabeth 14 tuổi. Cuộc hôn nhân này đúng là
gương mẫu cho mọi người. Năm sau họ có con đầu lòng và hai năm sau nữa
sinh con thứ hai. Một ngày sống của nữ bá tước trẻ đẹp và thánh thiện rất bận
rộn. Ngoài việc coi sóc gia đình trong lâu đài với tư cách là chủ
nhân, ngài còn chuyên chăm cầu nguyện, làm việc bác ái và cùng với các phụ
nữ khác dệt len cho người nghèo và rảo quanh các làng quê phân phát các đồ
cứu trợ, săn sóc các bệnh nhân nghèo, băng bó các vết thương cho họ. Mỗi khi đi
nhà thờ Elisabeth lại cởi vương miện ra vì ngài không muốn mang nó đến trước Vị
Chúa phải đội mão gai. Các đầy tớ của thánh nữ nói về ngài: “Bà kêu đến
Chúa trong mọi hành vi, bà sống khiêm tốn, rất bác ái và say mê cầu
nguyện”.
Louis yêu quý người vợ có khuôn mặt dịu hiền, tâm hồn thanh khiết, thánh thiện
và đời sống phục vụ ngập tràn yêu thương, nên hết sức nâng đỡ Elisabeth
trong đường thánh thiện. Một câu truyện được truyền tụng càng tôn vinh vẻ đẹp
của cuộc đời thánh nữ. Vào một ngày mùa đông, sau khi đi săn về, Louis gặp vợ
cong mình xuống dưới sức nặng các đồ ăn giấu trong vạt áo. Ông hỏi: “Em mang gì
đó”. Vạch áo ra ông chỉ thấy những bó hoa hồng trắng rất đẹp. Vị bá tước xúc
động vì phép lạ này nên càng ưu ái, yêu thương và tôn trọng người vợ thùy mỵ
của mình hơn nữa.Cuộc Thập tự chinh tái chiếm Đất thánh Giêrusalem được phát động, Louis phải ra trận. Ở nhà, Elizabeth gia tăng lời cầu nguyện, đánh tội và dâng những đau khổ lên Chúa. Thời chiến, đi đâu cũng thấy nhan nhản những người nghèo khổ, Elizabeth bán hết nữ trang và đá quí để giúp đỡ người nghèo, phân phát lúa gạo dự trữ, thiết lập những nhà thương. Vì thế dân chúng gọi Ngài là “mẹ”. Khi chồng trở về, ngài tươi cười nói: “Em đã dâng cho Thiên Chúa cái thuộc về Ngài để bảo vệ của cải của chúng ta”.
Những thử thách lớn lao tiếp đó đã đưa Elisabeth tới đỉnh cao thánh thiện. Louis tử trận năm 1227, trước vài ngày Elizabeth sinh hạ người con thứ ba. Người ta đưa tin buồn này cho ngài ít lâu sau đó và họ ghi nhận lời than của ngài: “Thế giới với tất cả niềm vui của tôi đã chết rồi!”. Ngài lại còn bị người em tham lam, ghen ghét, độc ác của Louis không cho thừa hưởng tài sản của chồng. Và chính Elizabeth cũng không muốn nhận cấp dưỡng những thứ mà ngài coi là của ăn cắp của dân nghèo. Bị ruồng rẫy và phải tự tay làm lụng, trú ngụ trong một chuồng heo cũ và trải qua bao khốn cực, nhưng ngài vẫn vui tươi vì được trở nên nghèo khó.
Dầu vậy, Elizabeth vẫn cảm tạ Chúa vì đã “bóc trần” ngài như thế. Trong một nguyện đường của Dòng Các Anh Em Hèn Mọn, ngài đã đặt tay lên bàn thờ thề hứa từ bỏ tất cả. Cậu của Elizabeth là giám mục miền Bamberg rất muốn ngài tái giá và còn gọi ngài tới lâu đài Haute Francoine nơi đặt hài cốt của chồng. Tại đây ngài đã dâng lời nguyện: “Lạy Chúa, con yêu biết bao. Nhưng Chúa biết con không hối tiếc việc hy sinh người yêu của con cho Chúa. Anh đã tự hiến mình cho Chúa, con cũng hiến dâng anh cho Chúa để yểm trợ thánh địa. Nếu được con cho cả thế giới để đổi lấy anh, rồi chúng con cùng đi ăn xin với nhau. Nhưng con xin chứng tỏ rằng, nếu trái với ý Chúa, con sẽ không muốn chuộc lại sự sống của anh, cả đến sợi tóc đi nữa... Nguyện ý Chúa thành sự trong chúng con”.
Các Hiệp sỹ, bạn hữu của Louis, trở về sau khi tham dự cuộc Thập tự chinh, biết được sự đối xử thậm tệ của gia đình chồng Elisabeth. Họ đã tranh đấu để phục hồi quyền lợi cho ngài và các con. Và họ đã thành công. Nhưng lòng quyến luyến vinh hoa trần thế nơi người góa phụ trẻ đã chết, ngài đã sống trong một căn nhà nhỏ bằng cây vách đất gần một tu viện Dòng Phanxicô, dệt vải để nuôi thân và chịu đựng mọi hy sinh cực khổ. Ít lâu sau, ngài xin gia nhập Dòng Ba Phanxicô để sống đời sống thanh bần, phục vụ và cầu nguyện và dùng tiền của chồng để lại để điều hành một nhà thương, nơi ngài vẫn ngồi ăn chung với các bệnh nhân nghèo khó.
Cha giải tội của Elizabeth là Conrad còn thay thế luôn cả hai người bạn của ngài từ hồi trẻ và nay tình nguyện theo ngài giúp đỡ bằng một đứa trẻ vô giáo dục và một bà già điếc lác khó chịu. Elisabeth vâng phục và cư xử với họ rất chân thành, yêu thương như với hai người bạn. Ngài còn dành lấy những công việc gớm ghiếc nhất. Ngài săn sóc một đứa trẻ bất toại và nó bắt ngài thức dậy mỗi đêm sáu lần và chính ngài phải giặt giũ áo quần hôi hám của nó. Khi đứa trẻ chết, ngài thay vào đó một đứa trẻ phong cùi và nói: “Tôi không đang cởi giây giầy cho em. Đối với tôi Chúa Giêsu đang ở vào đại vị của em”.
Bao gian khổ ập xuống trên Elizabeth nhưng ngài luôn vững mạnh để chịu đựng vì ngài biết tìm đến nguồn sức mạnh bổ trợ là Chúa. Trong những giờ cầu nguyện người ta thấy ngài ngây ngất và nét mặt trở nên rực sáng. Chính Elisabeth đã châm biếm những người nhân đức mà mặt mày buồn thảm là: “Những người có vẻ muốn làm khiếp đảm Thiên Chúa nhân lành, đang khi Người lại yêu thích những kẻ cho đi một cách vui tươi”.
Nhà thờ kính thánh Elisabeth ở Budapest, Hungary.
Thánh nữ Elisabeth Hungary đã qua đời ngày 17 tháng 11 năm 1231 khi vừa tròn 24 tuổi. Nhiều người mộ mến nhân đức và đời sống khó nghèo, phó thác, yêu thương và phục vụ của ngài, đã tìm đến mộ ngài kính viếng cầu khấn, và họ đã nhận được nhiều phép lạ. Năm 1235, Ðức Giáo Hoàng Grêgoriô IX đã phong ngài lên bậc Hiển Thánh.
Tác giả bài viết: khango
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét