TN CN 33C. Ngày 17.11.2013. 2Mcb 7,1.20-23.27b-29; Rm 8,31b-39; Lc 9,23-26
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
“Máu các
Tử đạo là nguồn ân sủng cho anh em trước tiên, để anh em thăng tiến
trong đức tin. Giữa anh em đức tin của tổ tiên vẫn tiếp tục và còn
truyền tụng sang nhiều thế hệ tương lai. Đức tin nầy tồn tại để làm nền
tảng xây dựng sự kiên trì cho tất cả những người là Việt Nam thuần tuý
sẽ trung thành với quê hương đất nước, nhưng đồng thời vẫn là người tín
hữu của Chúa Kitô” trích bài giảng của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (số 6) ngày phong thánh cho các tử đạo tại Việt Nam 19. 6. 1988.
Vinh
quang và danh dự cho Giáo Hội Việt Nam! Một Giáo Hội trưởng thành
trong nước mắt. Giáo Hội Việt Nam đã vượt qua những bách hại không
thua kém gì Giáo Hội Rôma vào thế kỷ đầu, khi Kitô giáo mới phôi thai.
Sau cái chết của Chúa Giêsu thành Nadarét, sự việc cứ tưởng sẽ êm xuôi,
người chết sẽ đi vào quên lãng theo thời gian. Nhưng không ! Đó là điểm
khởi đầu cho một tôn giáo lớn mạnh. Phân bón và chất xúc tác làm
trưởng thành Giáo Hội Rôma lại là việc bắt đạo cực kỳ gay gắt của hoàng
đế Nerôn, một bạo chúa điên loạn, độc ác, đã tự tay giết vợ, mẹ và con
của mình. Ông đã cho đốt thành Rôma để lấy hứng làm thơ tiêu khiển, để
chạy tội trước nhân dân, ông đã khéo léo đổ lỗi cho người Kitô hữu. Thế
là cuộc bách hại tàn khốc bùng nổ ! Những cực hình man rợ nhất mà
người ta có thể tưởng tượng ra đều trở thành hiện thực đem áp dụng cho
người Kitô hữu thời sơ khai: đâm chém, chặt đầu, phân thây, đóng đinh
thập giá hay đốt như đuốc. Người Kitô hữu trở thành trò đùa tiêu khiển
cho dân thành phố, họ bị lột trần thả vào hầm thú dữ làm mồi ngon cho
chúng. Hí trường Colisée tại Rôma ngày nay là chứng tích đau thương
ngày xưa. Thánh Phêrô bị đóng đinh vào năm 64 và Phaolô bị giết vào năm
67 thời Neron. Câu chuyện lịch sử được lặp lại.
Giáo Hội Việt Nam không thua kém gì. Văn sĩ công giáo Tertulianô để lại di ngôn bất hủ: “Máu các vị Tử đạo là hạt giống sinh người Kitô hữu” (Sanguis Martyrum semen Christianorum).
Bước đầu thuận lợi : Năm 1591 công chúa Mai Hoa, chị của vua Lê Trang
Tông đã được giáo sĩ De Cevallos rửa tội. Năm 1624 cha Đắc-Lộ đã rửa
tội cho Minh Đức Vương Thái Phi (1568-1648) vợ thứ của Chúa Nguyễn Hoàng
tại Kim Long, Huế. Bước khởi đầu thuận lợi đó chẳng bao lâu qua đi,
tiếp theo là gần 300 năm bắt đạo, với nhiều lý do khác nhau.
Thời
gian bắt đạo kéo dài từ 1580 và kết thúc vào 1888. Với nhiều hình khổ
đa dạng: lưu đày, lao tù, gông cùm, xiềng xích, xử trảm, xử giảo, bá
đao, thiêu sống, lăng trì. Kết quả không phải chỉ có 117 vị tử đạo được
phong hiển thánh mà thôi, nhưng ước tính có đến 300.000 vị được phúc tử
đạo. Và qua nhiều triều đại giáo hoàng : năm 1900 Đức Lêô XIII phong A
Thánh cho 64 vị; năm 1906 Đức Piô X phong 8 vị; năm 1909 Đức Piô X
phong thêm 20 vị; năm 1951 Đức Piô XII phong 25 vị. Dòng máu tử đạo còn
tiếp tục được vinh danh: Một giáo dân, cũng là lý viên Anrê Phú Yên
(1625-1644), “người chứng thứ nhất”
của Giáo hội Việt Nam, theo cách gọi của cha Đắc-Lộ, được tôn phong Á
thánh ngày 5. 3. 2000 do Đức Gioan Phaolô II tuyên phong tại Rôma. Và
chúng ta còn chờ đợi kết quả hồ sơ phong thánh của một vị khác: Tôi Tớ
Cha Đức Hồng Y Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận.
Những
trang sử oai hùng của tiền bối làm chúng ta ngửng cao đầu. Tuy nhiên
đừng quên sống đức tin và truyền đạt đức tin cho thế hệ tương lại. Đức
tin đòi chúng ta vượt qua tất cả, ngay đến hy sinh mạng sống,“ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô?”
( Bài đọc 2. Rm 8, 31b-39). Quê thật chúng ta ở trên trời, đó là niềm
hy vọng được xây dựng trên lời hứa của Chúa Giê-su Ki-tô Chúng ta đành
mất mạng sống để được sự sống đời đời (x, Bài Tin Mừng Lc 9,23-26).
Lạy
Chúc Giêsu, con cảm tạ đội ơn Chúa đã ban cho Hội thánh Việt Nam nhiều
chứng nhân anh dũng trung kiên làm chứng cho đức tin. Xin các Thánh Tử
Đạo Việt Nam cầu bàu cho người dân Việt biết đón nhận và sống đạo theo
gương các ngài. Amen
Linh mục Lu-y Gonzaga NGUYỄN QUANG VINH
CHÁNH XỨ GX. PHƯƠNG HÒA – KONTUM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét