Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

ĐỨC CHA JANNIN (PHƯỚC), GIÁM MỤC TIÊN KHỞI ĐỊA PHẬN KONTUM


ĐỨC CHA JANNIN (PHƯỚC),

GIÁM MỤC TIÊN KHỞI ĐỊA PHẬN KONTUM
                                                                        (1867-1940)

Đức Cha Jannin (Phước), Đại diện Tông toà, Giám quản Địa phận Kontum đã chết! Một lao công cần cù của Chúa đã ra đi vĩnh viễn. Một người kế thừa xứng đáng của  những đấng đầu tiên đặt chân lên Cao Nguyên, là một trong những đấng đã tạo dựng, đã tổ chức hình thành Kontum, trước khi chính quyền Pháp đến, họ đến chỉ là tiếp tục công việc đã khởi đầu. Trong vòng 50 năm, không ngừng, không nghỉ, không về Pháp, Đức Cha đã đương đầu với tất cả những hiểm nguy của bước đầu xâm nhập miền Cao Nguyên, tất cả những bệnh hoạn, tất cả những khó khăn đủ loại. Không bao giờ chán nản, trong thể xác già nua 73 tuổi, vẫn giữ một tâm hồn trẻ trung, một trí lực dồi dào trong lao động xây dựng, trong công trình sáng tạo hoặc trùng tu, người dân xứ Pháp - Comtois này, mạnh thể xác vững tâm hồn, đã theo đuổi cách can cường lý tưởng thừa sai mà ngài đã tự nguyện dấn thân từ lúc tuổi trẻ. Nên nhắc lại cho tất cả những ai sinh sống tại Kontum hiện thời: người Pháp, người Việt - Kinh lẫn Dân tộc - rằng họ đều mang ơn vị Giám mục già của họ về kinh nghiệm dồi dào cũng như về tâm hồn quảng đại của ngài.

Không ai đến Kontum mà không tìm cách gặp Đức Cha Jannin, bởi vì ngài nổi danh hoà nhã, đơn sơ, tốt bụng. Đối với một số người, tôi còn có thể nói ngài có “máu du lịch” nữa. Thật là một quang cảnh không kém phần lý thú khi nhìn vị Giám mục già này (chắc là mặc áo dòng tím, nhưng đã phai màu và sờn rách) leo lên chiếc xe “Fort tiền sử’ của ngài, gọi là “Bà Già”, ngồi vào tay lái, tay vặn chỗ này, chân đạp chỗ kia, miệng không ngừng cổ võ từ 10 đến 20 người đẩy giúp xe, có như thế “Bà Già” mười lăm mã lực mới chịu nổ máy! Bỗng chốc, tất cả đều chuyển động trong tiếng ồn ào hỗn độn đinh tai nhức óc của máy mòn, của sắt vụn. Chiếc xe ì ạch tiến lên. Từ xa, mọi người đều biết là xe của Đức Cha đã đến gần, khỏi cần bóp kèn! “Bà Già” không chịu im lặng chút nào! Người chủ của bà càng khiêm tốn, thì “Bà” càng làm cho người ta chú ý. Và tiếng vang hỗn độn của thùng xe bằng ‘tôn’ nứt hở lung tung này đã kêu gọi dân chúng ở chung quanh đó, Kinh có, Dân tộc có, họ đổ xô ra quỳ ngoài lề đường trong khi Đức Cha thả tay lái ban phép lành, bên phải, bên trái, vừa mỉm cười vừa luôn miệng: “A, các con ngoan, các con ngoan”. Trong những người xa lạ chứng kiến cảnh tượng này, có người chỉ mỉm cười, có người vội vàng chớp ảnh, nhưng tất cả đều nhận thấy gương sống động của tính đơn sơ tổ phụ và của lòng nhân ái đang đi qua.

                                                        Chiếc xe hơi của Đức Cha Jannin

Tính đơn sơ và lòng nhân ái này được gặp lại ở Toà Giám Mục mỗi lần ngài tiếp chuyện. Căn phòng gọi là phòng khách của ngài không có gì cho ra vẻ cả: cây ván chống đỡ bên trong mối mọt gặm nhấm loang lỗ; vách tường còn đứng vững chắc là do thói quen thôi. Nhưng ta không chú ý làm gì đến cái “phông” không hề có ấy. Đức Cha từ buồng riêng bước ra, giang tay về phía khách, trong  một cử chỉ như nói lên: “Bạn ở đây như ở nhà mình vậy”. Và câu chuyện bắt đầu về Kontum thuở xưa, về những năm anh hùng của khởi đầu miền truyền giáo. Ngài nói về thời dĩ vãng rất thiết tha đối với ngài, như chỉ với tư cách một khán giả khách quan, chứ không phải với tư cách một trong những người đóng vai chính trong cuộc. Chỉ nghe ngài nói thì tất cả mọi việc đều đã được thực hiện do các vị thừa sai đồng sự với ngài mà ngài trìu mến, chỉ các bức ảnh treo trên tường: những Dourisboure (Cố Ân), những Vialleton (Cố Truyền), những Kemlin (Cố Văn), những Guerlach (Cố Cảnh).v.v.

Nếu mà ta muốn tâng bốc công trình cá nhân của ngài hoặc đề cao đặc tài sáng kiến và xây dựng của ngài, thì ngài liền nghiêm nét mặt, nói: “ồ ồ ồ”. Ba tiếng độc vận ấy có một ý nghĩa mà ta không thể nghi ngờ: lời nịnh bợ, không có chỗ đứng trong nhà này.

Ta muốn làm hài lòng Đức Giám Mục của ta chăng? Hãy hỏi ngài về “con chiên Bahnar” của ngài. Không ai yêu thương họ như ngài đã yêu thương họ; không có ai đã cố công ra sức bằng ngài để làm cho họ yêu mến Thiên Chúa; không có ai đã biết quên đi như ngài, những khiếm khuyết của họ, thói lười biếng, thiếu năng nổ của họ. Không phải là ngài mù quáng đâu, ngài hoàn toàn thấu suốt tâm tính người Bahnar và đôi khi, trong lúc trò chuyện thân mật, ngài để lộ một vài lời nói, qua đó ta có thể đoán biết tất cả nỗi đau buồn của ngài về bản tính kỳ cục, ngoan cố và hay thay lòng đổi dạ của những kẻ mà ngài đã hiến dâng cả cuộc sống và cả tấm lòng, không một chút dè xẻn. Nhưng, là tông đồ đích thực, vì nhân đức, ngài nín lặng, không nói ra nỗi buồn của ngài. Ngài quên đi những cơ cực quá khứ để duy trì một sức sống tông đồ luôn luôn trẻ trung và đầy hy vọng. Bất cứ lúc nào “con cái Bahnar” của ngài cũng có quyền quấy rối ngài; vì họ, ngài ngưng công việc đang làm, bắt chuyện với họ, hỏi han, vỗ về họ làm như ngài cùng đồng chủng, cùng cảnh ngộ, cùng tâm hồn như họ, và với tất cả sự đơn sơ của một người anh cả, ngài nghe họ líu lo trầm trồ có khi hàng tiếng đồng hồ  mà không hề tỏ vẻ chán mệt. Có Chúa mới biết thâm tâm ngài, ngài có bực bội hay không đối với nhiều cuộc chuyện trò chỉ  là con cà con kê tràng giang đại hải một cách vô bổ; thế nhưng, đối với ngài, đó cũng là một phương thế chiêu dân cho Chúa.

Vì “con chiên” Bahnar của ngài, để thăng tiến đời sống của họ cho xứng hợp với tư cách là con người, ngài đã cố công ra sức trong vòng 50 năm, suốt thời gian hiện diện của ngài ở Kontum. Ban đầu, ngài đặc biệt lưu ý đến đời sống vật chất của họ, thử cách cày bừa trồng trọt theo kiểu Châu Âu. Kết quả phải về lâu về dài, phải chờ số người Kinh đến định cư và những khích lệ của chính quyền để phần nào cải tiến những phương pháp cổ truyền của người bản xứ. Tuy nhiên, ta không nên quên từ lâu đã có những cố gắng, những thử nghiệm đầu tiên.
                                                                       Trường Kuênot

Ít lâu sau, Đức Cha Jannin đã đặt trọng tâm vào việc đào tạo về trí tuệ và luân lý cho giới trẻ, mong rằng qua họ, một cuộc sống mới sẽ được khởi đầu trong các buôn làng. Ngài đã là đấng tiền hô, là cha đẻ của “trường học Thượng” ở Kontum. Là người đầu tiên, ngài đã thành công trong việc quy tụ một số ít trẻ con Thượng, làm cho chúng chấp nhận học tập và sống tập thể trong một kỷ luật nghiêm túc. Có lẽ chính đây là công trạng to lớn nhất của ngài; chính trong công tác này mà ngài đã sử dụng đến tối đa sự kiên nhẫn và quyết tâm của mình. Ban đầu, nhiều lần, học sinh của ngài đã bỏ ngài mà về với rừng núi của chúng. Không buồn chán, ngài đã đi tìm lại chúng từng đứa, an ủi dỗ dành, đem trở về những đứa có vẻ xiêu lòng và tuyển lựa thêm một số học sinh mới. Ngày hôm sau phá vỡ mất công việc đã hoàn thành ngày hôm qua! Nhưng trên những đổ vỡ đó, ngài lại xây dựng không ngừng; và từ những cố gắng không ngừng này, ngôi trường giảng viên giáo lý Thượng đã ra đời, ngôi trường đầu tiên trên miền Thượng, được đặt tên là Trường Cuénot. Mục đích của Đức Cha là phần nào khai hoá số con cái của núi rừng này, đào tạo họ thành một lớp ưu tú giữa dân Thượng: trong mỗi họ đạo Thượng sẽ có một hay hai giảng viên giáo lý (chú Giáo Phu), biết đọc biết viết, với một số kiến thức thường thức cơ bản, có thể duy trì mức sinh hoạt tôn giáo khi thiếu vắng linh mục, đi mời linh mục cho người bệnh tật sắp qua đời và có thể  phân phát một số thuốc men cần thiết. Để cho họ sử dụng, ngài đã biên soạn một tập nhỏ “chỉ nam y dược” [1]; hằng năm, ngài cung cấp cho họ nào thuốc sốt rét, thuốc tiêu chảy, nào thuốc trị mụt nhọt, ghẻ chốc, trị vết thương. Đó phải chăng là tổ chức đầu tiên về  “cứu trợ y tế” trên xứ Thượng này?

Trong bài viết khiêm tốn này, không thể nói hết được về công trình mà Đức Cha đã thực hiện. Mong rằng sẽ có một biên tập tiểu sử thật sự sau này để có thể làm nổi bật khuôn mặt tốt đẹp của vị Giám mục thừa sai này. Ở đây chúng ta chỉ muốn quả quyết rằng năng lực và ý chí của Đức Cha Jannin là khó tin nhưng có thật.

Không một ai trong các vị thừa sai thuộc quyền của ngài, dầu năng nổ nhất, dầu mạnh mẽ nhất cũng không có thể tranh đua với ngài về việc liên tục dốc toàn lực trong công tác không ngừng nghỉ. Ngài ân cần niềm nở với hết mọi người, ngài biết lắng nghe con cái Bahnar của ngài hàng giờ liền, như chúng ta đã nói; nhưng thật sự nghỉ ngơi hoàn toàn di dưỡng, nghỉ định kỳ, ngưng công tác thì không bao giờ. Đối với ngài, nghỉ ngơi tức là từ  công việc này bắt tay sang làm công việc khác. Là đầu tàu của Miền truyền giáo, Giám đốc thực tế của Trường Cuénot cho đến ngày cuối đời ngài, ngài vẫn dành đủ thời giờ để sửa chữa, cải tiến cơ cấu điện lực của ngài, để biên soạn toàn bộ sách giáo lý bằng tiếng Bahnar, tập quy luật cho giáo phu và để điều khiển cơ sở ấn loát của ngài. Ngài đã là kiến trúc sư và sáng tạo phẩm cuối cùng của ngài là ngôi trường Tiểu chủng viện, biểu hiện tất cả những gì là khéo léo và tiện lợi, vừa là nghệ thuật trong con người “kỷ sư nửa mùa” này, như một số người đã gọi đùa Đức Cha. Có khách lạ nào lại không thán phục khi chiêm ngưỡng ngôi nhà nguyện của Tiểu chủng viện?

                                                               Chủng viện Thừa sai Kontum

Tất cả những hoạt động bên ngoài này là nhằm cho “Danh Cha cả sáng”; tất cả tấm lòng sốt mến truyền giáo này đã được nuôi dưỡng trong cuộc sống thiêng liêng kết hợp gắn bó với Thiên Chúa mà ngài đã thực hành từng giờ một. Những ai chỉ nhìn thấy ngài leo lên chiếc xe “Bà Già”, chỉ viếng thăm ngài vài lần nơi Toà Giám Mục, chỉ nhìn  qua ngài đang làm việc trong các cơ sở hoặc trong các cuộc giao tiếp thông thường thì chưa có thể  biết ngài cách hoàn toàn. Chỉ những người đã sống gần gũi với ngài mới có thể biết hết vẻ đẹp của một đời sống linh mục lâu dài. Tất cả thời giờ nào không dành cho công việc là dành cho kinh nguyện. Đức Cha biết rằng linh mục thừa sai truyền giáo, tự mình không thể làm được việc gì để có thể tác động thiêng liêng trong các linh hồn. Vì thế, mỗi ngày, hằng giờ liền, trước Thánh Thể trong Nhà Tạm, ngài đã đổ tuôn trào tất cả nỗi lòng sốt mến của ngài đối với Thầy Chí Thánh của ngài. Không phải là bịa đặt theo trí tưởng tượng đâu. Tất cả những người thân cận ngài đã có thể bất chợt nghe thấy đôi lời đàm thoại của ngài với vị Khách Trú Chí Thánh trong Nhà Tạm, khi mà Đức Cha chỉ có một mình ngài trong nhà nguyện. Lòng sốt mến của ngài, vừa mãnh liệt và hiện thực, vừa chất phát và dịu dàng như của một đứa bé thơ. Ngài tin dựa vào Chúa trong mọi việc. Lòng tin cậy của ngài không hề giảm phai, có người còn bảo: “lòng tin cậy ngoan cố”. Ngài đã không bao giờ thôi nói với Chúa là ngài yêu mến Chúa. Và một trong lời nói cuối cùng của ngài đã diễn dịch khá rõ thân tình của ngài đối với Chúa: “Chúa muốn cho  con sống thêm ít lâu nữa. Không đâu. Hãy để cho con chết. Chính là đã đến lúc con phải đi gặp Giêsu của con”. Bài học mạnh mẽ xiết bao cho chúng ta: chúng ta đừng quên. Thời gian dành cho kinh nguyện không phải là thời gian mất đối với công việc làm, nhưng đó chính là thời gian canh tân, một thức dinh dưỡng hữu hiệu nhất trong các món bồi dưỡng, là tia sáng soi linh hồn nhất. Đức Cha Jannin đã hoạt động thành công nhiều là vì ngài đã cầu nguyện nhiều.

Đức cha Jannin luôn luôn khởi đầu những là thơ của ngài bằng câu: “Hãy chúc tụng Đức Nữ Đồng Trinh”. Yêu mến Con, ngài cũng yêu mến Mẹ; hai tình yêu này kết hợp làm một trong những linh hồn thật sự là Kitô giáo. Và Đức Trinh Nữ đã muốn tỏ bày rằng Người hài lòng đối với sự sùng kính của vị Giám mục già, cho nên Người đã đến rước linh hồn tôi tớ của Người đúng vào một trong các ngày lễ kính Người - ngày 16 tháng 7 dương lịch - giống như Người đã thường làm đối với những tôi tớ sủng ái nhất của Người.


                                    Đức Cha Jannin qua đời ngày 16.7.1940 tại Trường Kuênot
                                                             (Tòa Giám Mục thời đó)

Chúng tôi xin một lời cầu cho linh hồn Đức Cha Jannin được đến nơi an nghỉ vĩnh hằng. Nhưng chúng tôi sẵn sàng lặp lại lời nói của nhiều người lúc Đức Cha qua đời: “Chớ gì chúng ta có được một đời sống tốt đẹp như thế để dâng hiến cho Thiên Chúa. Chắc chắn phúc thiên đàng là dành để cho những tín hữu, những Linh mục, những Giám mục tầm mức như vậy thôi”.   
               
                                                                                                                                   MỘT THÂN HỮU

[1]Sách “Hlabar Pơgang”, nhà in Kontum năm 1932.
________________________________
Nguồn tài liệu:
- Dịch từ Bulletin de la Société du MEP, năm 1944, tr. 599tt.
- Tài liệu trên do Nữ tu Dòng Thánh Phaolô (SPC) - Cộng đoàn Têrêxa Kontum cung cấp cho LMS năm 1997, bản đánh máy chữ.


Được đăng bởi Lý Tân vào lúc 01:31

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét