.
KHAI TRƯƠNG TRIỀU ĐẠI MỚI
Bài suy niệm
.
Phụng vụ lễ
Chúa Kitô Vua Vũ Trụ minh chứng cách đáng ngạc nhiên sự hoàn tất Kinh
thánh! Một khoảng cách chừng 900 năm giữa sách Samuen và Tin Mừng Luca,
cho chúng ta thấy hai cuộc phong vương: một của vua Đavít tại Khép-rôn,
được xức dầu làm vua Ítraen (Bài đọc 1. 2Sm 5,1-3) và một của Chúa
Giêsu thành Nadarét thuộc dòng tộc Đavít, được thực hiện ở Núi Sọ xảy ra
quanh Thập giá, một cuộc lên ngôi vô tiền khoáng hậu, mang tính ứng
biến của Vị Tân Vương đầu đội mũ gai ( Lc 23, 35-43). Một cuộc lên ngôi
được nhại theo cách thức của triều đình mà những yếu tố chính yếu được
giữ lại: trên đầu tử tội có ghi rõ rệt phẩm hàm danh phận vị tân vương: Giêsu Vua Dân Do Thái
(INRI). Việc lên ngôi theo luật Môsê được thực hiện giữa hai nhân
chứng. Thật diễu cợt ! đó là hai tên vô lại trộm cướp. Cuối cùng sự
chế nhạo diễu cợt gây cớ vấp phạm thay cho những tràng pháo tay cổ vũ
tân vương lên ngôi.
Tân
vương bị cột chặt bất động vào thập giá. Còn dân chúng, các thủ lãnh,
và binh lính được dịp phun ra những lời thô tục chửi rủa và ném vào mặt
vị tân vương, những lời thách thức: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. “Nếu ông là vua dân Do thái thì cứu lấy mình đi”.
Không trả lời những thách thức đó, Ngài cũng không làm gì để giải thoát
mình. Chúa Giêsu rút lui vào bóng tối một thời gian, như hạt lúa mì
chấp nhận thối nát để sinh bông hạt. Ngài đang vượt qua để cứu chuộc,
để khai trương một triều đại mới. Chết là cái giá phải trả để đổi lấy
ơn cứu chuộc. Ngài âm thầm chấp nhận đi đến cùng vì yêu thương, trở nên
đuốc sáng soi chiếu vương quốc mà Ngài mới khai sinh. Không phải vương
quốc thống trị kiểu Xêda quyền lực và độc tài. Nhưng là lắng nghe và
cảm thông người tử tội cùng chịu khổ hình: “Xin hãy nhớ đến tôi, khi ông vào Nước của ông”. Người trộm lành chấp nhận đức tin. Ông trở nên nhà thần học mà không hay biết điều mình làm. Tức thì ông được bảo chứng: “Tôi bảo thật anh, hôm nay , anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”.
Chúa Giêsu đã khai ân cho người trộm lành, Ngài khai trương vương quốc
của Ngài, không phải vương quốc trần gian, nhưng trong một trật tự siêu
nhiên. Lời khai ân nầy không phải của hôm qua mà rất thời sự cho hôm
nay và cho đến khi Ngài lại đến lần thứ hai trong thế gian. Tất cả mọi
người đều được mời gọi nhìn lên Thập giá Chúa Giêsu để đón nhận hồng ân
cứu chuộc, nơi đó đặt ngai của Ngài. Ngài lên ngôi chính khi Ngài lên
thập giá, nơi mà không một vị vua nào ở trần gian đã nghĩ ra.
Giáo
Hội ngày nay mang sứ vụ của Chúa Giêsu đến khắp mọi nơi trên thế giới,
Giáo Hội cắm Thập giá Chúa Giêsu vào những miền xa xăm hẻo lánh, mời gọi
con người làm thần dân của Thập giá Chúa Giêsu, suy tôn Chúa làm vua,
mà ách thì êm ái và gánh thì nhẹ nhàng. Từ cạnh sườn Chúa Giêsu, Giáo
Hội được khai sinh như một Dân Mới có sứ mệnh chuyển thông cho muôn dân
ơn cứu độ được chính Chúa Giêsu thiết lập trên Thập giá. Thánh Phaolô
khẳng định chân lý cứu độ: “Người giải thoát chúng ta khỏi quyền lực
tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái; trong Thánh Tử chúng ta
được cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi” (Bài đọc 2. Cl 1, 12-20). Đem
ơn cứu độ đến cho muôn dân là mục đích của sứ mạng Truyền giáo mà Giáo
hội luôn trung thành thi hành trong mọi hoàn cảnh. Điển hình những ngy
thng qua, Gio hội địa phương liên tục gửi các thừa sai trẻ vào cánh đồng
truyền giáo, đặc biệt vo phía Bắc Ty Nguyn. Việc ra đi có khi rất âm
thầm, không tống tiễn, không tiệc tùng chào đón, tựa như sự lên ngôi
thập giá của Vua Ki-tô. Người thừa sai đến đâu là khai trương triều đại
mới đến đó, triều đại của tình yêu.
Lạy
Chúa Giêsu Kitô Vua Vũ Trụ, chúng con thờ lạy và tôn vinh Chúa vì Chúa
đã đổ máu châu báu mình ra mà chuộc tội chúng con. Xin cho con biết yêu
mến và thi hành trọn vẹn thập giá là bổn phận của mình hằng ngày .
Amen
Lu-y Nguyễn Quang Vinh, Lm chánh xứ Phương Hòa Kontum
GPKONTUM (20.11.2013) KONTUM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét