Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2022

Một cách nhìn khác về Trịnh Công Sơn đối với chiến tranh Việt Nam.

 *Một cách nhìn khác về Trịnh Công Sơn đối với chiến tranh Việt Nam.

Cuộc chiến tranh Việt Nam có thể nói là một cuộc chiến “kỳ lạ” nhất trong lịch sử loài người vì mặc dù cuộc chiến này đã kết thúc hơn 40 năm nhưng những hệ lụy từ nó không phải là ít!
Trên Trái Đất này đã từng xảy ra đây đó rất nhiều cuộc chiến tranh, đang xảy ra chiến tranh nhưng có thể những sự tàn phá về vật chất hữu hình còn nhận thấy được, có thể hàn gắn lại sau một thời gian nhưng dường như sau những cuộc cuộc chiến đó, người ta không còn để lại những “hận thù”, không phải đòi hỏi, kêu gọi “sự hòa hợp, hòa giải”.
Sau những cuộc chiến tranh trên , người ta không có khái niệm “phe thắng cuộc – kẻ bại trận” mà tất cả những ranh giới đó đã tiêu tan sau khi tiếng súng đã ngưng, hòa bình đã lập lại…
Còn sau cuộc chiến tranh Việt Nam 20 năm (1955 – 1975), không biết bao nhiêu bút mực sách vở của cả “hai phe” trong cuộc chiến mổ xẻ phân tích những nguyên nhân, bản chất, lý do thắng thua của mỗi phe và cũng không tiếc lời chỉ trích thóa mạ nhau!
Có những câu chuyện trước đây thuộc dạng “bí mật” nhưng với thời đại toàn cầu hóa và internet như hiện nay thì dường như tất cả đã được “phanh phui” và chúng ta càng được tiếp cận với những dạng thông tin kiểu này!
Trong phạm vi bài viết này, tôi muốn trình bày một cái nhìn khác không có ác ý về một nhân vật khá nổi tiếng, có lẽ rất nhiều người ái mộ từ trước và ngay đến cả hiện nay – Đó là cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Trịnh Công Sơn (28/2/1939 – 01/4/2001), được coi như một trong những nhạc sĩ lớn nhất của Tân nhạc Việt Nam với nhiều tác phẩm rất phổ biến. Hiện nay chưa có thống kê về số tác phẩm để lại của ông (ước đoán con số không dưới 600 ca khúc), phần lớn là tình ca. Tuy nhiên số ca khúc của ông được biết đến rộng rãi là 236 ca khúc (cả lời và nhạc). Nhiều ca khúc của ông được nhiều người cho là có thông điệp “phản chiến” trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam và phần lớn bị cả Miền Bắc và Miền Nam Việt Nam thời chiến tranh cấm đoán. Nhạc của Trịnh Công Sơn được nhiều ca sĩ thể hiện, nhưng thành công hơn cả là Khánh Ly. Ngoài ra, ông còn được xem là một nhà thơ, một họa sĩ không chuyên.
Ông quê gốc ở làng Minh Hương, tổng Vĩnh Tri, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế nhưng sinh ra tại Ban Mê Thuột. Ông lớn lên tại Huế. Lúc nhỏ ông theo học các trường Lyceè Francais và Provindence ở Huế, sau vào Sài Gòn theo học triết học trường Tây Lycée Jean Jacques Rousseau Sài Gòn và tốt nghiệp tú tài tại đây.
Tác phẩm âm nhạc của Trịnh Công Sơn được công bố đầu tiên của ông là Ướt mi, do nhà xuất bản An Phú in năm 1959.
Năm 1961 vì muốn tránh thi hành quân dịch nên Trịnh Công Sơn thi và theo học tại trường Sư phạm Quy Nhơn, ra trường ông dạy tại một trường tiểu học ở Bảo Lộc, Lâm Đồng.
Trong khoảng thời gian dạy học này, Trịnh Công Sơn sáng tác nhiều ca khúc trữ tình rất nổi tiếng và vẫn còn thịnh hành đến ngày nay.
Trịnh Công Sơn sáng tác được khoảng hơn 600 ca khúc, những tác phẩm có ca từ độc đáo, mang hơi hướng suy niệm. Tuy nhiên, còn một đánh giá khá phổ biến cho rằng phần nhạc của Trịnh Công Sơn quá đơn điệu.
Nhạc tình của ông đa số là nhạc buồn, thường nói lên tâm trạng buồn bã, cô đơn như trong "Sương đêm", "Ướt mi", những ca khúc nhạc tình vẫn mênh mang nỗi buồn kiếp người như "Diễm xưa", "Biển nhớ", "Tình xa", "Tình sầu", "Tình nhớ", "Em còn nhớ hay em đã quên", "Hoa vàng mấy độ", "Cỏ xót xa đưa", "Gọi tên bốn mùa", "Mưa hồng"...
Những bài hát này thường mang giai điệu nhẹ nhàng, dễ hát, thường được viết với tiết tấu chậm. Phần lời được đánh giá cao nhờ đậm chất thơ, nhiều chiêm nghiệm nhờ những biện pháp ẩn dụ, hoán dụ... đôi khi pha lẫn hơi hướng siêu thực, trừu tượng.
Trong thời gian này, cuộc chiến tranh Việt Nam đang dần dà leo thang do miền Bắc tăng cường chi viện người và vũ khí cho lực lượng MTGPMN do chính miền Bắc dựng lên tại miền Nam.
Xã hội và chính trường miền Nam lúc này hết sức rối ren sau cuộc đảo chính lật đổ chính phủ của Tổng thống Ngô Đình Diệm, phe quân đội nắm quyền điều hành đất nước, Phật giáo biểu tình chống chính quyền …
Chính quyền miền Bắc khi tiến hành chiến tranh với mục tiêu cuối cùng “là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” đã sử dụng đường lối “chiến tranh nhân dân”, “lấy nông thôn bao vây thành thị” với biện pháp “ba mũi giáp công” lấy chính trị làm nòng cốt, hỗ trợ là quân sự.
Cán bộ cộng sản đã thâm nhập vào xã hội miền Nam, các cơ quan công quyền từ hạ tầng cơ sở đến cả thượng tầng, len lỏi hoạt động trong nhiều lĩnh vực như quân sự, chính trị, văn học nghệ thuật, học đường, tôn giáo … để lũng đoạn nhiều mặt hết sức tinh vi với chiêu bài "hòa bình" đưa ra hết sức hấp dẫn người dân vốn dĩ chán ngán chiến tranh!
Thật sự thì chiến tranh chính do miền Bắc chủ trương và miền Nam chỉ thụ động chống trả nhằm bảo vệ lãnh thổ và phần đất tự do của mình. Người lính VNCH hoàn tòan không có chủ trương tấn công qua vĩ tuyến 17 để “giải phóng” miền Bắc như ngoài đấy chủ trương. Người lính cộng hòa lúc đó cầm súng hoàn toàn vì tự vệ và bảo vệ gia đình, đất nước VNCH của mình đã được thế giới công nhận là một quốc gia có chủ quyền.
Tuy nhiên người lính VNCH đã bị những người vì những động cơ cá nhân, động cơ chính trị nằm trong chiến lược “dân vận – binh vận – địch vận” và sau này có cả “trí vận” đâm sau lưng khiến phần nào ảnh hưởng đến tâm lý chiến đấu của họ.
Đến giai đoạn hết sức rối loạn và tồi tệ trong xã hội miền Nam thì đến năm 1965 người Mỹ đem quân đội viễn chinh của họ vào miền Nam.
Đây chính là một “nước cờ non” mà chính quyền VNCH lúc ấy bí thế phải “đi liều” và là nguyên nhân cho chính quyền miền Bắc có cớ phát động chiến tranh tổng lực tại miền Nam nhằm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”.
Nhiều tài liệu sau cuộc chiến tranh Việt Nam cho thấy rằng trong giai đoạn Mỹ trực tiếp tham chiến, nhiều cơ sở hoạt động nằm vùng của cộng sản đã phát triển rất mạnh trong cả quân đội, chính quyền và nhiều lĩnh vực khác mà sau cuộc Tổng Công kích Tết Mậu Thân một số cơ sở nằm vùng đã bị chính quyền VNCH phá vỡ phải thoát ly thành phố chạy vào “bưng biền” và sau ngày 30/4/1975 thì đã hoàn toàn lộ diện.
Chiến tranh tiếp tục leo thang và sự khốc liệt được đếm cụ thể theo mức độ tàn phá các làng mạc, thành phố và số người chết của cả hai phe tham chiến, của cả những người dân ở nông thôn cũng như thị thành.
Thời gian này, Trịnh Công Sơn vẫn còn tiếp tục “trốn lính”, từ chối làm một bổn phận công dân để bảo vệ quốc gia VNCH của mình! Có một số tài liệu cho rằng, trong thời gian này qua những đường dây “móc nối” từ những người bạn của mình đã hoạt động bí mật cho phía bên kia, Trịnh Công Sơn đã có những “chuyển biến” về ý thức hệ, ngấm ngầm hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật như một đòn tâm lý đánh vào sau lưng những người lính VNCH đang chiến đấu ngoài mặt trận.
Theo những người bạn của Trịnh Công Sơn kể lại, lúc này ông đã khá nổi tiếng với những bản tình ca sáng tác trước đây, ông vẫn “trốn lính”, và sau này “ma mãnh” kiếm được cái giấy hoãn dịch vì “lý do sức khỏe” sống cùng bạn hữu tại Quán Văn trong khuôn viên Đại học Văn khoa, rồi sau đó cùng với Khánh Ly truyền bá “Ca Khúc Da Vàng” mà thời ấy và cho cả bây giờ người ta vẫn xếp vào “dòng nhạc phản chiến”!
Thời ấy, tôi chỉ học ở bậc Trung học Đệ nhất cấp, được một ông thầy giới thiệu tập “Ca Khúc Da Vàng” và lớp học trò chúng tôi thời ấy cũng “a dua” theo báo chí và cho rằng Trịnh Công Sơn là một “hiện tượng” lạ và khác thường trong rất nhiều dòng âm nhạc thời ấy!
Ở cái lứa tuổi thời ấy, và cả sau này gần như nhiều người đánh giá rất hời hợt và những "tác động" tinh thần ghê gớm của các bản nhạc tập “Ca Khúc Da Vàng” này.
Tuy nhiên chính quyền VNCH thời ấy đã “phát hiện” ra những “phần chìm” của các ca khúc mà người ta gọi là nhạc “phản chiến” này!
Bây giờ có quá nhiều tài liệu đã “soi”, mổ xẻ từng lời nhạc, từng từ ngữ trong ca từ của “Ca Khúc Da Vàng” và người ta giật mình đánh giá lại “thái độ” gọi là “phản chiến” của Trịnh Công Sơn đối với cuộc chiến tranh Việt Nam thời ấy!
Nếu cho rằng Trịnh Công Sơn vì “bất mãn” với chính quyền thời ấy, bất mãn người Mỹ mà có thái độ chống đối chiến tranh là không đúng!
Trịnh Công Sơn sinh ra và lớn lên trong một gia đình công chức, được học trường Tây, được hấp thụ nền giáo dục, nền văn hóa thiên về tự do của phương Tây, khi vào học sư phạm nghiễm nhiên đã được ưu đãi là không đi quân dịch, cầm súng ra chiến trường như những người bạn cùng thời khác, ra trường với giáo viên tiểu học nhưng đã được hưởng mức lương thời ấy mà quy đổi ở thời điểm bây giờ có giá trị khoảng hơn bốn lượng vàng thì chẳng có lý do gì để mà “bất mãn” chế độ cũng như chính quyền! Cũng nhờ sống trong môi trường tự do sáng tác của miền Nam thời ấy, những tác phẩm âm nhạc của Trịnh Công Sơn mới có cơ hội được “thăng hoa” và công chúng tiếp nhận một cách tự nhiên.
Tuy nhiên sau ngày 30/4/1975, trong một bài báo phỏng vấn Trịnh Công Sơn về thái độ của ông với chính quyền thời ấy thì không úp mở, Trịnh Công Sơn cho biết đã có thái độ “ghét” chính quyền bấy giờ với lý do người cha của ông bị chính quyền VNCH bắt giam nhiều lần tại nhà lao Thừa Phủ ở Huế và sau đó qua đời, có lẽ với lý do liên quan trong thời chiến tranh Việt – Pháp trước khi ký kết Hiệp định Genève?
Đối với chiến tranh thì chẳng có một ai là yêu thích nó cả trừ những người mất trí! Nhưng muốn có thái độ phê phán chiến tranh thì phải thật sự “trung lập” về tư tưởng và chỉ xét trên bình diện “nhân văn” có nghĩa là không thiên lệch chính kiến nghiêng về một phía nào tham gia trong cuộc chiến!
Nên nhớ lại rằng trong thời chiến tranh Việt Nam, xã hội và chính trường miền Nam hết sức rối ren do cái “môi trường tự do dân chủ” tạo ra!
Chính trị thì không thiếu những loại chính khách “sa-lông”, chính trị “bắt cá hai tay”, những tay hoạt đầu, cơ hội chính trị, tạo ra những phe nhóm đối lập nhưng thực chất là những người “hai mang” …
Quân sự thì cũng chia bè kéo cánh, trong giai đoạn đầu có phe thân Pháp rồi sau đó là thân Mỹ, tiếp đó là đảo chính quân sự năm 1960 và 1963 mà rõ nét nhất là có sự can thiệp của Phật giáo với cao điểm là “chính biến miền Trung 1966” làm quân đội VNCH có phần nào suy yếu, dẫn đến sự can thiệp quân sự của người Mỹ.
Rồi chiêu bài Hòa bình, quyền Dân tộc tự quyết … được đưa ra trong hàng ngũ sinh viên học sinh, trí thức, văn nghệ sĩ miền Nam … khiến người dân sống ngột ngạt như trong khói bụi mù!
Người ta nghi ngờ lẫn nhau, bắt bớ cầm tù nhau vì có những thái độ, chính kiến khác nhau là chuyện như cơm bữa …Thân phận làm người trong một đất nước thời chiến thật mong manh và chính lúc ấy, dòng nhạc gọi là “phản chiến” của Trịnh Công Sơn có sức hút và lôi kéo thành phần trẻ trong xã hội chống lại chính quyền, trốn lính mà lẽ ra theo bổn phận công dân, họ phải cầm súng bảo vệ quê hương.
Bây giờ thì ai cũng có thể tìm được rất nhiều tài liệu để biết rằng tất cả những diễn biến xảy ra thời ấy đều nằm trong “kịch bản” của chính quyền miền Bắc khi xác định vai trò chủ công trong chiến tranh Việt Nam lại là chính trị.
Bây giờ thì ai cũng có thể khẳng định rằng cuộc chiến tranh Việt Nam 20 năm (1955-1975) là chiến tranh ý thức hệ, là một bộ phận trong cuộc Chiến tranh Lạnh giữa hai khối thuộc Thế giới Tự do và Thế giới Cộng sản.
Miền Bắc chỉ đạo cuộc chiến tranh ở miền Nam lúc ấy cũng nằm trong kế hoạch nhuộm “đỏ” miền Nam và vùng Đông Nam Á của Liên Xô và Trung Quốc trong cuộc Chiến tranh Lạnh này, và đương nhiên những nước cộng sản đàn anh này tuồn vũ khí tiền bạc không tiếc cho miền Bắc Việt Nam, thậm chí còn đưa quân vào bảo vệ cho miền Bắc để lúc ấy rãnh chân tay vào “giải phóng miền Nam”.
Miền Nam trước tình thế đó buộc phải tự bảo vệ mình và dựa vào sự tài trợ của Thế giới Tự do, như họ đã "phong" cho VNCH là “tiền đồn” của Thế giới Tự do.
Chiêu bài Hòa bình đòi hỏi hòa bình với mọi giá, kể cả việc chấp nhận “thống nhất” với miền Bắc theo chế độ Cộng sản, nhắm vào mục đích kêu gọi người dân và chính quyền miền Nam hãy ngưng đánh nhau, và ngưng tay đánh nhau có nghĩa là sẽ bị lực lượng quân sự Cộng sản đánh bại và chiếm luôn miền Nam. Có lẽ lúc ấy Trịnh Công Sơn tin rằng rồi thì hết chiến tranh, hai miền thống nhất thì mọi sự sẽ hoàn tốt đẹp như trong những bài hát do ông viết ra. Nhưng dù Trịnh Công Sơn thực tình tin hay không tin thì những bài hát ca ngợi hòa bình của Trịnh Công Sơn được những người thuộc phe miền Bắc khai thác sử dụng với mục đích đánh chiếm miền Nam. Đến khi thống nhất rồi thực tế không giống như những gì Trịnh Công Sơn viết trong bài hát mà cũng không thấy Trịnh Công Sơn lên tiếng nói gì về chuyện này thì đó là một dấu hỏi trong muôn vàn dấu hỏi mà nhiều người đã đặt ra khi nghĩ về Trịnh Công Sơn.
Chiêu bài Quyền Dân tộc tự quyết đòi hỏi dành quyền tự quyết về tay dân miền Nam, nghĩa là miền Nam phải đuổi quân đội Mỹ đi, không để cho Mỹ can thiệp vào miền Nam nữa và miền Nam không nhận sự trợ giúp của Mỹ nữa. Đòi hỏi này không đả động gì đến miền Bắc cả mặc dù chính họ chủ động tạo nên cuộc chiến tranh này, nhưng ai cũng có thể thấy khi miền Nam ngưng nhận sự trợ giúp của Mỹ và miền Bắc tiếp tục nhận sự trợ giúp của Liên Xô và Trung Quốc, và tiếp tục đem quân đội đánh miền Nam thì trước sau miền Nam cũng sẽ sụp đổ!
Từ nhiều năm nay đã có nhiều người ca ngợi các bản nhạc “phản chiến” và thái độ “phản chiến” của Trịnh Công Sơn nhưng cũng có những người lên án các bản nhạc và thái độ này. Nói chung những lời khen chê đều xoay quanh “lập trường phản chiến” của Trịnh Công Sơn. Từ những quan điểm và khía cạnh nhìn khác nhau mà người ta khen hoặc chê.
Bao nhiêu năm nay, những người nhắc đến Trịnh Công Sơn để khen cũng như để chê dường như quên bẵng hoặc không biết đến các lời nhạc được gọi là “phản chiến” này. Phần lớn các lời nhạc này được viết trong khoảng thời gian từ 1968 đến 1975, một số bài nằm trong tập nhạc Kinh Việt Nam, Ta Phải Thấy Mặt Trời.
Sở dĩ ít người biết hay nhắc đến phải chăng vì sau 1968 các bài nhạc của Trịnh Công Sơn bị cấm nên khó phổ biến hay là vì chúng không hợp với cách suy nghĩ và tình cảm của người dân miền Nam, đặc biệt là giới trí thức thời đó?
Nếu thật sự “phản chiến” thì thái độ “phản chiến” phải thuần túy lên án, phê phán chiến tranh một cách vô tư của người có tư tưởng trung lập, không thiên vị bên “tả “ hay “hữu”.
Tuy nhiên, bây giờ có dịp ngồi nghe lại thật chậm từng bản nhạc, phân tích từng từ ngữ chứa đựng rất nhiều “ẩn dụ” này thì chúng ta thấy rất rõ thái độ thiên vị của Trịnh Công Sơn đối với cuộc chiến tranh mà chính ai cũng biết qua những bài ca “phản chiến” này đã như một liều thuốc an thần ru ngủ và làm băng hoại sự đề kháng của những người cầm súng bảo vệ miền Nam lúc đó!
Do số lượng những ca khúc gọi là “phản chiến” của Trịnh Công Sơn khá nhiều nên trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ xin trích dẫn và phân tích gợi ý một số “ẩn dụ” mà nếu nghe thoáng qua thì rất chung chung, vô thưởng vô phạt, lẫn lộn trắng đen…
Những lời lẽ trong “Ca Khúc Da Vàng” xuất bản năm 1967, thì chắc là nhiều người đã biết vì chúng được nhắc đến nhiều. Chẳng hạn như:
Ðại bác đêm đêm dội về thành phố
Người phu quét đường dừng chổi lắng nghe.
Hàng vạn tấn bom trút xuống đầu làng
Hàng vạn tấn bom trút xuống ruộng đồng cửa nhà Việt Nam cháy đỏ cuối thôn.
Hàng vạn chuyến xe, claymore lựu đạn
Hàng vạn chuyến xe mang vô thị thành từng vùng thịt xương có mẹ có em
(Đại bác ru đêm)
Rõ ràng đây là một thái độ thiên vị rõ nét và có hại cho phía VNCH, là người “bị động” trong cuộc chiến tranh này!
Không bỗng dưng lại có đại bác, lại có bom bắn ném xuống ruộng đồng, thôn xóm nếu những nơi này không xuất hiện những đội quân gọi là “giải phóng” ẩn núp?
Tại sao lại chỉ có mìn Claymore, lựu đạn (chắc chắn là nói đến vũ khí Mỹ) mà không đề cập đến tên lửa, pháo tầm xa, mìn bẫy …của Liên Xô, Trung Quốc “gửi biếu” cho dân miền Nam.
Nên nhớ thời ấy, các đô thị miền Nam phải hứng chịu nhiều trận pháo kích từ trên núi về, đường bộ đường sắt bị gài mìn, xe bị tan nát vì mìn của mấy ông “giải phóng” không phải là ít (Riêng nhà tôi cũng đã có ba mạng người bị chết vì mìn của mấy ông giải phóng này ở Thạch Trụ - Mộ Đức – Quảng Ngãi vào mùa hè của năm Mậu Thân 1968)
Hoặc trong bài Chờ Nhìn Quê Hương Sáng Chói trong tập “Kinh Việt Nam”, xuất bản năm 1968:
“Nơi đây tôi chờ, nơi kia anh chờ
Trong căn nhà nhỏ Mẹ cũng ngồi chờ
Anh lính ngồi chờ trên đồi hoang vu
Người tù ngồi chờ bóng tối mịt mù
Chờ đã bao năm, chờ đã bao năm, chờ đã bao năm …”
Có một số dấu hỏi đặt ra với đoạn nhạc này: Tại sao lại “Nơi đây tôi chờ, nơi kia anh chờ”? Với một người dân sống ở miền Nam thì chờ cái gì? Nếu người ấy chỉ lo làm ăn bình thường thì chỉ mong cho được yên ổn mà làm ăn không thể mang tâm trạng luôn luôn chờ đợi, khắc khoải đến thế! Còn những binh sĩ VNCH đang chiến đấu thì cũng không mang tâm trạng chờ đợi như vậy.
Rồi thì “Trong căn nhà nhỏ Mẹ cũng ngồi chờ”. Mẹ nào ngồi chờ trong căn nhà nhỏ nhỉ, mà chờ cái gì mới được?
Sau đó là “Anh lính ngồi chờ, trên đồi hoang vu” Anh lính VNCH thì đóng trong đồn, có đâu mà lại ngồi “trên đồi hoang vu” mà chờ. Vậy anh “lính” đây chỉ là anh “lính giải phóng” mà Trịnh Công Sơn cố tình tung hỏa mù một cách chung chung là “anh lính”!
Lại còn “Người tù ngồi chờ bóng tối mịt mù”. Người tù nào ngồi chờ trong bóng tối mịt mù . Nếu là tù vì trộm cắp, cướp giựt thì chẳng ai đem vào bài hát làm gì. Thế thì tù về chính trị mới là đáng nhắc đến, mà ở miền Nam người bị tù vì chính trị phần lớn là vì hoạt động cho phe Cộng sản.
Rồi đoạn tiếp theo bộc lộ rõ nét ý đồ của Trịnh Công Sơn hơn về cái sự “chờ đợi” này:
“…Chờ mai này ta dậy trong tiếng hò reo
Chờ cho lòng căm thù đến lúc chìm sâu
Chờ hòa bình đến, chờ tiếng bom im
Chờ bước đi trên những con đường không chông mìn
Chờ đường giao thông chấp nối chuyến xe qua ba miền …
…Chờ tiếng kèn đưa về đây những đàn con
Chờ tim người không còn nuôi những hờn căm
Chờ đêm không cấm, chờ sáng thênh thang
Chờ lúa thơm lên dưới những bàn tay dân mình
Chờ lòng yêu thương đất nước quyết đi xây thanh bình …”
Như thế là những người có lòng “căm thù” trên “chờ đợi” đất nước “thống nhất”, cũng có nghĩa là chờ ngày miền Bắc chiếm được miền Nam. Vào thời đó thì chỉ có phe Cộng sản là đem quân đánh miền Nam với danh nghĩa là “giải phóng miền Nam thống nhất đất nước” chứ miền Nam có đánh miền Bắc để thống nhất đâu. Mà “tiếng kèn đưa về đây những đàn con” tức là “đàn con” đó ở xa đến, đàn con này không phải là quân đội VNCH vì họ đóng quân ngay tại phần đất của mình kiểm soát. Chỉ có “đàn con” của quân đội Bắc Việt Nam thì mới ở xa mà về!
Nếu chúng ta “soi” kỹ bài “Huế - Sài Gòn - Hà Nội” trong tập Ta Phải Thấy Mặt Trời, xuất bản năm 1969:
Huế - Sài Gòn - Hà Nội, Quê hương ơi sao vẫn còn xa
Huế - Sài Gòn - Hà Nội, Bao nhiêu năm sao vẫn thờ ơ
Việt Nam ơi! còn bao lâu, những con người ngồi nhớ thương nhau
Triệu chân em, Triệu chân anh, Hỡi ba miền vùng lên cách mạng…
Thì chúng ta thấy thái độ gọi là “phản chiến” của Trịnh Công Sơn không còn nữa!
Trịnh Công Sơn đã “kêu gào” triệu triệu thanh niên nam nữ vùng lên làm cách mạng, một từ ngữ mà phía miền Bắc sử dụng để gán cho tổ chức MTGPMN, cho đội quân này khi làm công tác dân vận, luôn tự xưng họ là “cách mạng”!
Vào thời điểm lúc đó làm cách mạng như thế nào mà có thể nối liền Hà Nội, Huế và Sài Gòn được nếu không phải là dùng “bạo lực cách mạng” để lật đổ chính quyền miền Nam và để miền Bắc chiếm miền Nam? Trịnh Công Sơn hô hào mọi người làm “cách mạng” như thế, làm “cách mạng” bằng súng đạn hô hào phải chém giết để “thống nhất” hai miền Bắc Nam như thế thì có còn là “phản chiến” nữa hay không?
Nếu đã là người phản chiến thì sẽ phản đối chiến tranh dưới mọi hình thức, người không thích bắn giết và không muốn tham gia bắn giết. Còn một người “trốn lính” của một bên và “gia nhập” bên kia dẫu chưa thật sự cầm súng nhưng lại làm bài hát hô hào kêu gọi mọi người gia nhập phe mình chọn để đánh bại phe kia thì người đó đâu thể gọi là “phản chiến” được phải không? Như vậy chiêu bài “phản chiến” ở đây của Trịnh Công Sơn chỉ là đòn tung hỏa mù và mị dân, tạo một sự thu hút với những người có nhận thức chính trị lúc đó còn hết sức mơ hồ.
Trong rất nhiều bài hát trong “Ca Khúc Da Vàng” này mà tôi không có điều kiện để trích dẫn và phân tích nhận xét ở đây, khi đọc và suy ngẫm kỹ từng lời nhạc, chúng ta có thể khẳng định một điều là Trịnh Công Sơn chẳng có thái độ “phản chiến” nào cả!
Những lời kêu gọi trong bản nhạc này luôn có thái độ thiên lệch, kêu gọi “chiến đấu” với tinh thần quyết chiến, đầy tính hiếu chiến chứ nào phải phản chiến! Rồi lại thề thốt “Mặt đất âm u đang dọn ngày về trong câu thề máu xương” như thế là quyết hy sinh xương máu trong chiến đấu chứ không phải là phản đối chiến tranh nữa, như thế là tham chiến với thái độ hăng hái, tích cực chứ không phải là phản đối chiến tranh.
Với nội dung ca từ mang tính ẩn dụ nhưng cũng quá lộ liễu như trên thì chính quyền VNCH không cấm mới là chuyện lạ! Nhưng điều đáng nói ở đây là qua những lời ca trên, Trịnh Công Sơn không còn đứng ở lập trường phản chiến nữa mà chấp nhận tham gia cuộc chiến và tham gia vào phía bên Cộng sản với lòng mong mỏi là phe Cộng sản sẽ thắng trận, chiếm được miền Nam. Qua những lời ca này, chẳng những Trịnh Công Sơn từ bỏ lập trường phản chiến mà đứng về phe gây chiến tranh, tức là miền Bắc Việt Nam.
Theo một số tài liệu đọc được từ những bài viết của ông Liên Thành, thiếu tá Chỉ huy trưởng Ty CSQG Thừa Thiên – Huế thì Trịnh Công Sơn đã nhận làm việc cho phía Cộng sản và trong đường dây “trí vận”, kích động phong trào “phản chiến” trong tầng lớp trí thức, sinh viên học sinh miền Nam thời đó!
Nhiều người cho rằng Trịnh Công Sơn là một “đặc công văn hóa”, điệp viên “ hai- ba mang” với những ý đồ của những người cầm đầu của mỗi phe trong cuộc chiến và cái danh xưng “nhạc sĩ phản chiến” chỉ là bình phong, làm một “thần tượng” thu hút lớp trẻ thời ấy chống lại chính quyền VNCH.
Bài hát mà nhiều người biết đến và vẫn hay sử dụng hát tập thể là bài “Nối vòng tay lớn” trong tập nhạc Kinh Việt Nam, xuất bản năm 1968 có câu:
“Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng
Bàn tay ta nắm nối tròn một vòng Việt Nam….
… Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay
Ta đi từ đồng hoang vu vượt hết núi đồi …”
Cái ngày “từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay” đó đã đến đúng như Trịnh Công Sơn mong mỏi, đó là ngày 30/4/1975 khi mà Trịnh Công Sơn lên đài phát thanh Sài Gòn hát bài “Nối vòng tay lớn”, cái "mặt nạ phản chiến" của ông đã rớt xuống, và người ta châm biếm ông là một trong những đám người "trở cờ", xu thời phụ thế, là loại "cách mạng 30"!
Khi phe miền Bắc đã đánh sụp đổ hoàn toàn chính quyền VNCH, những nhân vật “nằm vùng” hoạt động cho phía Cộng sản đã xuất đầu lộ diện công khai và trong những người ấy, tùy theo những hoạt động và công trạng trong thời gian “nằm vùng” suốt cuộc chiến tranh mà được hy vọng được “phong thần” vào những vị trí trong chế độ mới.
Đa số những người được kể là “có công với cách mạng”, hoạt động nằm vùng, nhảy bưng… sau 1975 không được kể là công thần chế độ, chỉ được giao những chức vụ ngồi chơi xơi nước, không có thực quyền và lần hồi chỉ là những chiếc bóng mờ nhạt, những chiếc vỏ được bóc đi, vứt bỏ không thương tiếc. Điều này chắc ai cùng rõ!
Trịnh Công Sơn cũng không ở ngoài trường hợp này. Ông đã bị dẫn độ về Huế tham gia học tập và lao động cải tạo, suýt nguy hiểm tới bản thân vì đi gỡ mìn trên các bãi hoang. Chỉ sau khi Trịnh Công Sơn trở lại Sài Gòn, tham gia vào Hội văn nghệ Thành phố và được sự che chở bao bọc của ông Võ Văn Kiệt, một quyền chức cao cấp đương thời, do nguyên nhân nào không rõ, đời ông mới phất lên được.
Có một ca khúc nhiều người biết và phổ biến rộng rãi là “Gia tài của mẹ” nhưng chỉ vì bị chính quyền mới cho là “mơ hồ lập trường” về cuộc chiến khi cho rằng cuộc chiến tranh vừa kết thúc chỉ là cuộc “nội chiến” nên Trịnh Công Sơn đã bị “đập” cho một trận:
“…Một ngàn năm nô lệ giặc Tàu
một trăm năm đô hộ giặc Tây
hai mươi năm nội chiến từng ngày
gia tài của mẹ, một bọn lai căng
gia tài của mẹ, một lũ bội tình…”
Chính quyền mới đã không mấy “ưu ái” Trịnh Công Sơn như nhiều người vẫn tưởng một thời gian mặc dù ông đã cố “nhảy tót” lên Đài Phát thanh Sài Gòn gào thét “Nối vòng tay lớn” những mong “kiếm điểm”. Vì thế Trịnh Công Sơn đành phải “ngậm đắng nuốt cay” một thời gian dài, các ca khúc của ông dù là trữ tình hay “phản chiến” cũng chung số phận!
Sau khi được thế lực lớn bảo bọc, và dây trói bắt đầu được nới một tí Trịnh Công Sơn dần dà sáng tác đều trở lại. Thời kỳ này có đôi bài ca phục vụ, ca ngợi chế độ mới như “Bài ca đường tàu Thống Nhất,” “Em là thế hệ rạng rỡ đóa hoa” hẳn nhiên phải có, song song với những ca khúc vô thưởng vô phạt như “Em ở nông trường Em ra biên giới,” “Như hòn bi xanh,” “Chiều trên quê hương tôi” hay nhạc phim “Đời gọi em biết bao lần”… Đó là nhạc nổi. Còn nhạc “chìm” Trịnh Công Sơn? Ông vẫn viết thật với lòng mình, phổ biến hạn chế giữa nội bộ anh chị em bằng hữu văn nghệ những ca khúc về tình yêu, thân phận còn nguyên chất Trịnh Công Sơn khởi thủy như: “Một cõi đi về,”“Cõi tạm,” (Ở trọ) “Lặng lẽ bên đời,” “Giọt lệ thiên thu,” “Bay đi thầm lặng”… và sau này “Tôi ơi đừng tuyệt vọng,” “Tiến thoái lưỡng nan,” mang tâm trạng của kẻ xuống tinh thần “dùng dằng nửa ở nửa về.”
Thời gian sau này, không biết viết vì “ngẫu hứng” hay thương cảm thật sự những “người mẹ chiến sĩ” trong chiến tranh, Trịnh Công Sơn đã sáng tác bản nhạc “Huyền thoại Mẹ”:
“Ðêm chong đèn ngồi nhớ lại
Từng câu chuyện ngày xưa.
Mẹ về đứng dưới mưa
Che đàn con nằm ngủ
Canh từng bước chân thù.
Mẹ ngồi dưới cơn mưa.
Mẹ lội qua con suối,
Dưới mưa bom không ngại
Mẹ nhẹ nhàng đưa lối,
Tiễn con qua núi đồi.
Mẹ chìm trong đêm tối,
Gió mưa tóc che lối con đi…”
Đến đây thì ai cũng thấy Trịnh Công Sơn cố gắng vớt vát với chế độ mới bằng một ca khúc ca ngợi bà mẹ của những đứa con đi làm “cách mạng bạo lực” này và suy ngẫm về thái độ gọi là “phản chiến” của ông!
Chẳng có gì là “phản chiến” cả nếu trong một cuộc chiến huynh đệ tương tàn, cả hai bà mẹ có hai người con ở hai bờ chiến tuyến, một bà mẹ được ca ngợi là “huyền thoại” còn bà mẹ kia chẳng lẽ lại là … “phù thủy”?
Bà mẹ “huyền thoại” chắc chắn che cho “đàn con” ở đây là những du kích quân MTGPMN, và ngăn từng bước”chân thù” thì cũng chắc chắn là cản trở sự truy kích của quân đội VNCH! Vậy thì chẳng có thái độ “phản chiến” như người ta vẫn nghĩ cho Trịnh Công Sơn từ trong cuộc chiến tranh đến ngay khi cả đã kết thúc cuộc chiến tranh này!
Một nhạc sĩ ca ngợi những người ủng hộ, giúp đỡ người lính dù ở phe nào trong cuộc chiến thì nhạc sĩ đó có còn có thái độ phản đối chiến tranh nữa hay không hay đó là thái độ ủng hộ chiến tranh, xem cuộc chiến tranh đó là chính đáng, là có chính nghĩa? Lời của bài Huyền Thoại Mẹ cho thấy Trịnh Công Sơn đứng hẳn về “phe thắng cuộc” và ca tụng những người lính của “phe thắng cuộc” thì đến đây cũng có câu trả lời là Trịnh Công Sơn có “phản chiến” hay không rồi!
Nếu Trịnh Công Sơn mong mỏi hòa bình, mong cho mọi người không hận thù, hờn căm nữa thì đúng là Trịnh Công Sơn ghét chiến tranh, đúng là phản chiến rồi.
Nếu Trịnh Công Sơn vì ghét chiến tranh nên không đi lính và sáng tác nhạc “phản chiến” thì có thể cho rằng ông là nhạc sĩ phản chiến là không sai.
Tuy nhiên thái độ về sau Trịnh Công Sơn khi gia nhập phong trào tranh đấu của học sinh, sinh viên trong lòng đô thị miền Nam do chỉ đạo từ miền Bắc để lật đổ chính quyền miền Nam là ngược lại với tinh thần phản đối chiến tranh lúc đầu.
Nhưng nếu Trịnh Công Sơn vì “ghét” chế độ miền Nam nên không đi lính và làm nhạc phản chiến thì thái độ này lại phù hợp với việc sau này Trịnh Công Sơn tham gia hoạt động trong phong trào nhằm lật đổ chế độ miền Nam. Và thái độ này không thể gọi là thái độ phản chiến.
Do sự thiên vị của người sáng tác nên những tác phẩm của người ấy không thể nào độc lập với khuynh hướng tiềm ẩn khi tạo ra nó là điều chúng ta phải suy ngẫm!
Công tâm mà nói trong giai đoạn đầu, Trịnh Công Sơn có làm một số bài nhạc nói lên nỗi niềm của mình về chiến tranh về thân phận con người. Thời gian sau, có thể do những tác động của công tác “trí vận” của phía miền Bắc gợi ý nhằm làm lung lạc ý chí chiến đấu tự vệ của miền Nam, Trịnh Công Sơn đã phát triển dần lên một số bản nhạc kêu gọi, thúc giục mọi người tham gia chiến đấu, ca ngợi những người thuộc phía miền Bắc có quyết tâm “thống nhất” đất nước bằng giải pháp chiến tranh. Giai đoạn “phản chiến” nếu muốn nói chính xác là giai đoạn Ca Khúc Da Vàng, từ 1965 cho đến 1968. Sau đó, từ 1968 trở đi, Trịnh Công Sơn không còn phản chiến nữa mà “gián tiếp” tham gia vào cuộc chiến đấu trên mặt trận văn hóa nghệ thuật tư tưởng, đứng hẳn vào hàng ngũ phe miền Bắc để chống lại chế độ miền Nam và làm cho chế độ VNCH hoàn toàn sụp đổ vào ngày 30/4/1975.
Tri thức là vậy nhưng Trịnh Công Sơn cũng chưa kịp ngộ được “Điểu tận cung tàn” là như thế nào nên cứ tưởng rằng với những “chiến công đánh vào ý chí” của miền Nam như thế thì cái công trạng của ông phải được đền trả một cách tương xứng!
Sau này, một đôi bài sáng tác của Trịnh Công Sơn có lui về dạng nguyên thủy của thân phận ca này như “Một cõi đi về,” “Lặng lẽ nơi này.” ..
“…Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt
Rọi suốt trăm năm một cõi đi về… ”
Thời gian sau này đến khi trở thành một “hạt bụi về với mây”, Trịnh Công Sơn chỉ vui chơi với anh em, bạn bè và không nhắc chuyện cũ, không đả động chuyện mới. Xem như một thời đã qua.
Bản thân tôi, người viết bài này chỉ có một cái “nhìn lại” về thái độ phản chiến của Trịnh Công Sơn trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam cũng bởi khi đó thì Trịnh Công Sơn đã “thành danh” và quá nổi tiếng, còn tôi cũng chỉ là một anh học trò trung học đến tuổi cận lính, được bạn bè, thầy giáo giới thiệu nên cũng chỉ hiểu một khía cạnh bề nổi của dòng nhạc gọi là “phản chiến” của Trịnh Công Sơn.
Lũ trẻ chúng tôi lúc ấy tôn sùng Trịnh Công Sơn là “thần tượng” một cách rất a dua như một “mốt” thời thượng ngày ấy, cũng xúm nhau lại biểu tình chống đi lính, chống bắt lính một cách hết sức vô thức!
Sau này, nhận thức đầy đủ và chín chắn hơn thì có thể tôi và một số người khác nhận chân ra rằng tất cả những gì diễn ra cũng chỉ là phần nổi của những toan tính mà lớp trẻ chúng tôi thời ấy, kể cả hai miền Nam Bắc cũng chỉ là những quân cờ nhỏ nhoi trong một ván cờ lớn. Trịnh Công Sơn dù đã trở nên “đình đám” nhưng rồi cũng không nằm ngoài cái quy luật nghiệt ngã đó!
Năm nay tròn 15 năm ngày Trịnh Công Sơn trở về cát bụi, như ông đã từng than thở và đặt dấu hỏi “ hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi”, tôi vẫn yêu quý dòng nhạc trữ tình với những ca từ huyễn hoặc, siêu thực, mang chút triết lý hiện sinh, buồn bã của các tác giả văn học phương Tây thập niên 60 như Jean Paul Sartre, Albert Camus,... Toàn bộ âm nhạc của ông đẹp như một bức họa trừu tượng hơn là tả thực. Cả nhạc lẫn lời, cả xác lẫn hồn thơ của Trịnh Công Sơn nghe lãng đãng, mơ hồ, khó phân định cho đúng nghĩa…
Chỉ là một chút nhìn khác về thái độ gọi là “phản chiến” của Trịnh Công Sơn trong những ca khúc phát hành trước đây trên cơ sở một số phân tích nghèo nàn ít ỏi do phạm vi của bài viết, nên kèm theo bài này tôi xin chép lại đường dẫn để các bạn có thể nghe lại và có những suy nghĩ đúng hơn về một “nhạc sĩ lớn” của miền Nam trước đây mà ngày nay vẫn có thể rất nhiều người vẫn tôn làm “thần tượng” mà có khi cũng chưa hiểu hết về “thần tượng” của mình!
Hoài Nguyễn - 24/02/2016
Có thể là hình ảnh về 1 người và văn bản

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét