Thứ Tư, 20 tháng 4, 2022

Luận về nhân vật Tiêu Phong.

 *Luận về nhân vật Tiêu Phong.

Luận đàm – Hoài Nguyễn
---------------------------
Hồi còn học Trung học Đệ Nhất cấp, tôi chuyển hướng đọc sách qua thể loại kiếm hiệp, trinh thám và một số tác phẩm văn học khác. Tôi may mắn có thằng bạn và ba nó là Giáo sư Anh văn dạy học cho cả bọn tôi vốn rất mê truyện kiếm hiệp, nhà có mấy tủ sách trong một “thư phòng” khá lớn với đủ các loại sách. Ông hầu như có đủ bộ từ đầu đến cuối truyện của Kim Dung nên tôi có dịp tha hồ đọc truyện Kim Dung, bình quân cứ ba bốn ngày đọc được một bộ khoảng bốn năm quyển gì đó! Mà hồi đó còn nhỏ nên đọc truyện kiếm hiệp cũng chỉ nhằm cho biết, vì tò mò và giải trí là chính chứ nào biết gì cái ẩn ý của tác giả để mà luận bàn!
Rồi lớn lên, có dịp đọc lại, đọc thêm những bình luận của nhiều nhà “Kim Dung học”, dần dần cũng hiểu thêm những khía cạnh triết lý, nhân sinh quan trong những tác phẩm của nhà văn Tàu Hongkong quá nổi tiếng thế giới này.
Trong các truyện võ hiệp của Kim Dung thì nhân vật mà tôi ưa thích nhất là Tiêu Phong và Lệnh Hồ Xung. Đây mới thực là hai trang nam hán tử có tính tình phóng khoáng, sống ung dung tự tại, không thích gò bó theo khuôn phép, hành xử chính trực, dù có bị người khác nghi oan cũng không muốn tự mình bào chữa mà cứ sống thực với lòng mình, thực sự có phong cách lãng tử giang hồ và uống rượu như nước lã, luôn sống hết mình vì bạn bè…
Khi đọc bộ “Thiên Long Bát Bộ” rồi sau này đọc những bộ khác của Kim Dung, có lẽ nhiều người cũng như tôi từ thuở ấy cho đến ngày nay đều yêu quý và thương tiếc cho một nhân vật kiếm hiệp có thể gọi là một “chân anh hùng”, có một đời riêng tư mang nhiều bi kịch từ thuở sơ sinh cho đến khi kết thúc cuộc đời!
Tiêu Phong hay con gọi là Kiều Phong có cha mẹ vốn là người Khiết Đan (Liêu quốc), cha là Tiêu Viễn Sơn có võ công thuộc hàng thượng thừa.
Lúc Tiêu Phong còn nhỏ, được cha mẹ đưa vào Trung Nguyên để thăm bà ngoại Tiêu Phong, nhưng lại bị các cao thủ đứng đầu Trung Nguyên vây đánh ở Nhạn Môn Quan. Sau mới biết do âm mưu khôi phục nước Yên của Mộ Dung Bác mà Tiêu Viễn Sơn đã bị vu oan là vào Trung Nguyên để ăn cắp bí kiếp võ công Thiếu Lâm Tự.
Tiêu Viễn Sơn có võ công thượng thừa nên các cao thủ Trung Nguyên bị đánh chết gần hết, đại ca của nhóm cao thủ cũng bị đánh trọng thương. Trong lúc giao chiến, người vợ của Tiêu Viễn Sơn không biết võ công nên đã bị đám quần hùng hung hãn đánh chết. Quá bi thương, Tiêu Viễn Sơn ôm vợ con nhảy xuống vực tại Nhạn Môn Quan tự vẫn.
Khi đang nhảy xuống, thấy đứa con thơ nay đã tròn một tuổi hóa ra vẫn sống, chưa bị đám quần hùng giết hại, Tiêu Viễn Sơn đã quăng con lên trở lại. Đứa con này được trưởng bối đại ca đám cao thủ vây đánh Tiêu Viễn Sơn tha cho không giết, đem giao cho vợ chồng tiều phu họ Kiều đất Trung Nguyên nuôi dưỡng. Do đó nên Tiêu Phong mang họ của cha mẹ nuôi nên có tên là Kiều Phong.
Thuở nhỏ có lần đang chơi đùa trong núi, Kiều Phong bị một con sói tấn công. Sư phụ Huyền Khổ của chùa Thiếu Lâm đi ngang cứu giúp, nhận Kiều Phong làm đệ tử và truyền dạy võ công. Sau này Kiều Phong được gia nhập Cái Bang và được bang chủ Uông Kiếm Thông truyền dạy Hàng Long Thập Bát Chưởng, một trong hai tuyệt học trấn bang, có thể nói là độc bá võ lâm. Tất cả nhũng sự việc đó Kiều Phong tưởng là do duyên số nhưng sau này ông biết được do những cố nhân năm xưa ở Nhạn Môn quan, phần vì muốn chuộc lỗi với cha mẹ ông, phần vì muốn rèn giũa ông nên người nên đã sắp đặt và thử thách ông như vậy.
Nhờ tài năng võ công siêu việt và bản sắc anh hùng hiệp nghĩa, đồng thời hoàn thành xuất sắc nhiều trọng trách được giao, Kiều Phong được kế thừa chức vị Bang Chủ Cái Bang sau khi Uông Kiếm Thông qua đời. Kiều Phong được cả giang hồ kính nể về tài nghệ võ công lẫn nghĩa khí. Câu nói "Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung" đã thành nổi tiếng không ai không biết trong chốn giang hồ . Tên tuổi Kiều Phong được xếp trước cả dòng họ Mộ Dung, một võ học danh gia ở Giang Nam.
Trong một lần tình cờ gặp Đoàn Dự một vương tôn công tử nước Đại Lý tại quán rượu, do hữu duyên cả hai kết thành anh em kết nghĩa. Lúc này Kiều Phong vẫn chưa biết nguồn gốc mình là người Khiết Đan.
Trong yến tiệc chiêu đãi nhậm chức Bang Chủ, Mã phu nhân, vợ của Mã phó bang chủ Cái Bang là một người đàn bà dâm tà, phải lòng Kiều Phong. Nhưng Kiều Phong lại không ngó ngàng làm Mã phu nhân sinh hận. Người đàn bà này dùng nhan sắc dụ dỗ một số người có chức trong bang và xúi chồng nói ra nguồn gốc Kiều Phong cho thiên hạ biết. Từ đây Kiều Phong mới biết tên của mình chính là Tiêu Phong. Ông bị phế truất ngôi vị bang chủ. Tuy nhiên ông không oán hận một lời.
Người Khiết Đan và người Trung Nguyên đã có thâm thù từ lâu vì Khiết Đan luôn rình rập đánh chiếm Tống Triều. Người Trung Nguyên thường gọi người Khiết Đan là chó Liêu: "cẩu tặc Khiết Đan". Nhưng do được nuôi nấng từ nhỏ ở Trung Nguyên, Tiêu Phong nghĩ rằng mình là người tộc Hán nên một lòng bảo vệ Đại Tống.
Cái bi kịch của cuộc đời Tiêu Phong chính là sự mâu thuẫn dằn vặt giữa nguồn gốc của bản thân và nơi nuôi dưỡng cuộc đời mình!
Do một âm mưu đen tối muốn triệt hạ và ly gián Tiêu Phong với quần hùng Trung Nguyên, một cao thủ giấu mặt cải trang Tiêu Phong để giết cha mẹ nuôi, sư phụ cùng những người năm xưa tham gia vào trận đánh ở Nhạn Môn Quan, rồi đổ hết lên đầu Tiêu Phong. Tiêu Phong mang tội bất trung, bất hiếu, bất nhân, bất nghĩa. Tất cả anh hùng Trung Nguyên đều thù hận và muốn giết chết Tiêu Phong.
Tiêu Phong biết chuyện mạo danh mình để làm điều ác, nghi rằng đại ca đám quần hùng năm xưa ra tay bịt miệng, liền lên đường đi tìm “thủ phạm”. Trên đường đi, Tiêu Phong gặp khá nhiều cao thủ, nhưng không ai đánh lại và Tiêu Phong luôn tha mạng cho họ.
Trong khi điều tra, Tiêu Phong gặp A Châu trong Tàng Kinh Các của Thiếu Lâm Tự. A Châu bị phương trượng chùa Thiếu Lâm đánh bị thương. Vì lòng hiệp nghĩa, Tiêu Phong muốn cứu sống A Châu.
Đại hội quần hùng diễn ra ở Tụ Hiền Trang, tất cả các nhân sĩ võ lâm và các môn phái tập trung lại để bàn ra kế hoạch bắt Tiêu Phong. Biết rằng Tiết Thần Y – người duy nhất có khả năng cứu chữa được A Châu – cũng đang tại đại hội quần hùng này, Tiêu Phong liều mình dẫn A Châu vào đại hội quần hùng để A Châu được cứu, dù biết nguy hiểm.
Tiết Thần Y nhận lời chữa trị cho A Châu, nhưng mối thù giữa quần hùng và Tiêu Phong thì không thể bỏ qua. Trận chiến không thể không xảy ra. Trước khi đánh, Tiêu Phong lấy rượu ra uống xem như tuyệt giao với các bằng hữu trước đây. Trận chiến diễn ra, một mình Tiêu Phong chống quần hùng bằng võ công Giáng Long Thập Bát Chưởng uy trấn thiên hạ. Mới đầu Tiêu Phong còn giữ lòng nhân nghĩa, không ra tay tuyệt tình, nhưng về sau, dưới sức ép to lớn của quần hùng, Tiêu Phong mất tự chủ, giết hết phân nửa người tham gia đại hội. Tiêu Phong vì xót thương, hối hận, không muốn giết thêm người vô tội, lại kiệt lực thiếu sức, định tự vẫn để tạ tội. Trong lúc đó có một người mặc áo đen nhảy ra cứu Tiêu Phong.
Sau khi cứu, người áo đen kia bỏ đi, sau này mới biết đó chính là Tiêu Viễn Sơn - cha ruột của Tiêu Phong. Về phần A Châu sau khi được cứu, nàng trốn thoát ra ngoài, ngày đêm đứng đợi ròng rã ở Nhạn Môn Quan chờ Tiêu Phong đến vì nàng đoán ông sẽ đến để điều tra lại nguồn gốc và để xem năm xưa cha của Tiêu Phong viết gì trên vách đá trước khi tự vẫn. Tiêu Phong đến và gặp A Châu. A Châu cảm mến tính hiệp nghĩa khí phách của Tiêu Phong. Tiêu Phong mến nàng vì luôn có nàng bên cạnh an ủi và chia sẻ hoạn nạn không hề rời ông. Hai người hết mực thương yêu nhau. Chữ viết kia đã bị người khác xóa hết.
Sau này, do hiểu lầm nên Tiêu Phong nghi ngờ Đoàn Chính Thuần – cha của A Châu – là đại ca lãnh đạo. Tiêu Phong hẹn Đoàn Chính Thuần ra quyết đấu. A Châu vì thương cha không đành lòng che bị Tiêu Phong giết hại nên cải trang thành Đoàn Chính Thuần, Tiêu Phong vô tình giết chết A Châu. Từ đó Tiêu Phong cảm thấy hối hận khi biết Đoàn Chính Thuần không phải là vị thủ lĩnh đại ca năm xưa và lại càng không phải là người đã giết chết cha mẹ nuôi và ân sư của mình, ông đã giết oan A Châu. Tiêu Phong hết sức hối hận, và nhận lời chăm sóc A Tử, em gái A Châu theo lời trăng trối của người chị. Tiêu Phong nguyện sau khi trả thù cha mẹ nuôi xong sẽ tự vẫn để được nằm lại bên nàng.
Sau này Tiêu Phong lưu lạc sang Khiết Đan, nhờ cứu mạng được Hoàng đế nước Liêu Gia Luật Hồng Cơ, được vua kết nghĩa anh em. Nhờ giúp vua phá được loạn Sở Vương nên Tiêu Phong được Liêu đế phong chức Sở Vương tức Nam Viện Đại Vương, chuyên Nam chinh đánh Tống. Sau đó Tiêu Phong trở về Trung Nguyên tìm A Tử là em gái của A Châu, A Tử được phong làm quận chúa Liêu quốc.
Lần trở lại Trung Nguyên trong công cuộc tìm kiếm này ông tình cờ tìm đến Thiếu Lâm Tự trong lần lúc Cái Bang do ngụy bang chủ Trang Tụ Hiền Du Thản Chi khiêu chiến chùa Thiếu Lâm trước sự có mặt của rất nhiều quần hùng võ lâm. Tại đây ông kết nghĩa huynh đệ với nhà sư Hư Trúc.
Cha mẹ Du Thản Chi hắn trước đây bị Tiêu Phong giết nên bây giờ hắn tìm Tiêu Phong để trả thù. Dù không đánh lại, hắn tình cờ nhặt được bí kíp võ công do Tiêu Phong làm rơi, chính là một trong hai bộ võ công được đánh giá là đệ nhất thiên hạ, Dịch Cân Kinh (Lục Mạch Thần Kiếm là tu luyện võ công, còn Dịch Cân Kinh là tu luyện nội lực). Quyển bí kíp này vốn là do A Châu ăn trộm trong chùa Thiếu Lâm. Vì bị thương, Du Thản Chi bị A Tử bắt lại, chữa lành rồi trở thành kẻ mua vui cho nàng. A Tử cho đóng một mặt nạ sắt lên mặt Du Thản Chi, rồi gọi hắn là Thiết Sửu (Hề Sắt).
Hắn cũng bị A Tử cho rắn, rết, sâu độc cắn để thử độc tính cho nàng luyện độc công. May mắn là hắn có Dịch Cân Kinh hộ thể nên không những hóa giải mà còn hấp thu độc tính tăng nội lực cho cơ thể. Tình cờ hắn bắt con sâu cực độc Băng Tằm cho A Tử, A Tử bắt hắn cho sâu cắn, hắn biết chắc sẽ chết nhưng cũng đồng ý làm theo. Hàn khí cực mạnh của Băng Tằm khiến Du Thản Chi đông thành băng, A Tử cho là hắn đã chết nên cho người vất xác xuống sông. Tuy nhiên, Du Thản Chi nhờ có Dịch Cân Kinh nên lại lần nữa may mắn thoát chết và hấp thu được Băng Tằm Hàn Kình vào thân thể. Sau này hắn về lại Trung Nguyên, rồi lên chùa Thiếu Lâm để thách thức với tất cả các môn phái khác tranh chức vô địch võ lâm. Lúc này chỉ xét về nội lực thì hắn rất thâm hậu, có thể sánh với các đại cao thủ, vì có Dịch Cân Kinh và vô tình luyện được thần công khi ở bên A Tử.
Cũng trong lần này, chân tướng của sự việc ở Nhạn Môn Quan được hé lộ hoàn toàn. Vị trưởng bối đại ca năm xưa vốn là trụ trì của Thiếu Lâm Tự. Tại đây xuất hiện Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn cải trang làm hòa thượng nhằm lén vào Tàng Kinh Các nghiên cứu võ công. Cả hai người đều có mục đích riêng: Mộ Dung Bác chính là kẻ đưa tin giả gây ra vụ Nhạn Môn Quan năm xưa, hắn giả chết để trốn tránh tội lỗi và đánh cắp bí lục võ công của Thiếu Lâm Tự tiếp tục thực hiện âm mưu phản quốc, làm loạn võ lâm của mình. Còn Tiêu Viễn Sơn nghiên cứu võ học để trả thù những kẻ thủ ác năm xưa, chính ông là kẻ giết người bí ẩn khiến cho Tiêu Phong phải chịu bao tai tiếng.
Cuối cùng Ân oán được giải bởi một vị cao tăng vô danh chuyên làm tạp dịch trong Tàng Kinh Các. Tiêu Viễn Sơn và Mộ Dung Bác đều xuất gia đầu Phật.
Tiêu Phong trở lại Khiết Đan mới biết nhà vua định xâm lược Nam triều Đại Tống. Tiêu Phong được vua phong chức Bình Nam đại nguyên soái cầm đầu quân lính tấn công Nam triều. Tiêu Phong ra sức can ngăn vì không muốn thấy cảnh thường dân vô tội bị tàn sát, ông bị nhà vua bắt nhốt. Nghĩa đệ Hư Trúc Tử (mới đổi tên sau này, Hư Trúc là pháp danh của Phật gia, đổi thành Hư Trúc Tử - pháp danh của Đạo gia) và Đoàn Dự cùng nhân sĩ võ lâm đi giải cứu. Anh em Cái Bang muốn Tiêu Phong nhận lại ngôi vị bang chủ và lãnh đạo. Nhưng Tiêu Phong không chấp nhận, anh đã có dự trù cho việc này.
Sau đó tất cả kéo đến Nhạn Môn Quan. Quân Khiết Đan do nhà vua lãnh đạo lúc này cũng đã tràn đến Nhạn Môn Quan chuẩn bị đánh vào Đại Tống. Do viên tướng canh cửa Nhạn Môn Quan của nhà Tống sợ hãi trách nhiệm, hèn nhát, nên không chịu mở cửa quan ải cho quần hùng Trung Nguyên rút chạy. Quân của Đoàn Dự , giờ đã là vua nước Đại Lý, phối hợp cùng quân của Hư Trúc, chủ nhân Linh Thứu Cung, cũng là chủ nhân 72 động 36 đảo, và cũng là phò mã của Tây Hạ, cùng tất cả các quần hùng Trung Nguyên như Cái Bang, Thiếu Lâm… một lòng chống quân Khiết Đan xâm lược đứng chờ sẵn tại Nhạn Môn Quan.
Tiêu Phong, Hư Trúc và Đoàn Dự xông vào trận bắt được vua Khiết Đan. Vì tránh để sinh linh đồ tháng, thường dân vô tội bị chết oan, Tiêu Phong yêu cầu sẽ thả Gia Luật Hồng Cơ, nếu ông hứa không được đánh Tống nữa. Sau đó vua Khiết Đan rút quân và hứa nếu ông còn sống thì quân Khiết Đan sẽ không bao giờ đánh Tống. Lúc này, Tiêu Phong là một người Khiết Đan lại đi phản lại vua Khiết Đan, với phía Tống triều ông lại là một Liêu cẩu, ngay cả chỗ dựa cuối cùng là A Châu cũng đã rời xa ông từ lâu. Trời đất bao la nhưng không có chỗ nương thân cho Tiêu Phong, không còn cách nào khác, ông đành phải lấy cái chết để tạ tội với tổ tông và để chứng minh rằng mình hoàn toàn trong sạch, bẻ đôi mũi tên, Tiêu Phong tự đâm vào lồng ngực mình tự sát. A Tử - em của A Châu - móc cặp mắt trả lại cho Du Thản Chi - kẻ si tình bậc nhất trong Thiên Long Bát Bộ, rồi ôm Tiêu Phong nhảy xuống bờ vực Nhạn Môn Quan, bi kịch ba mươi năm trước lặp lại.
Cái chết của Tiêu Phong thể hiện lòng mong ước thái bình, đập tan bạo tàn, chiến tranh của người dân. Đó là cái chết của một anh hùng, vì sơn hà xã tắc, vì hiệp nghĩa mà hy sinh. Tiêu Phong là hình tượng anh hùng đẹp nhất và cũng là hình tượng bi kịch nhất trong tất cả các truyện của Kim Dung. Tiêu Phong đã trở thành một nhân vật kinh điển nhất trong giới võ thuật truyện kể.
Theo Liêu sử, Tiêu Phong (1030-1065) là đại thần của Liêu quốc, người Khiết Đan. Khi hoàng đế Liêu Đạo Tông (Gia Luật Hồng Cơ) lên ngôi, Tiêu Phong được phong Văn ban Thái bảo, rồi Đồng tri Khu mật viện sự. Năm 1048, ông tham gia đánh dẹp bộ tộc Trở Bốc, năm sau phá được bộ tộc Địch Liệt. Sau đó, ông phát hiện và mật tấu âm mưu tạo phản của cha con Gia Luật Trùng Nguyên – thân tộc của vua.
Khi Trùng Nguyên dấy binh làm phản, Tiêu Phong tham gia khởi binh dẹp loạn, đuổi Trùng Nguyên về vùng sa mạc phía Bắc rồi bức phải tự sát.
Nhờ lập được đại công nên Tiêu Phong được phong làm Nam Viện đại vương. Năm 1065, Tiêu Phong bị bệnh chết, được vua Liêu Đạo Tông truy phong là Liêu Tây quận vương.
Với những người thích truyện kiếm hiệp của Kim Dung, hẳn ai cũng nhận ra những nhân vật chính của ông như Quách Tĩnh, Trương Vô Kỵ, Dương Quá... trước khi trở thành các quán tuyệt quần hùng, họ đều nếm trải muôn vàn bất hạnh, đắng cay. Nhưng có lẽ nhân vật bất hạnh, khổ đau nhất trong truyện Kim Dung, chính là nhất đại kiêu hùng Tiêu Phong.
Chuỗi đời bất hạnh của Tiêu Phong bắt đầu từ trận chiến đầu tiên trên Nhạn Môn Quan khi ông mới là đứa bé tròn một tuổi còn nằm trong nôi. Khi ấy, vì mắc mưu của Mộ Dung Bác, các đại cao thủ của võ lâm Trung Nguyên đã vây đánh cha mẹ Tiêu Phong, mẹ ông tử nạn còn cha là Tiêu Viễn Sơn sau khi báo thù đã ôm cả Tiêu Phong nhảy xuống vực. Vì thương con nên cuối cùng Tiêu Viễn Sơn đã ném ông trở lại với cuộc sống.
Trong đám người vây hãm Tiêu Viễn Sơn bị thương không chết, bang chủ Cái Bang và Huyền Khổ đại sư của Thiếu Lâm tự đã đem Tiêu Phong về và giao cho một gia đình nông dân nuôi dưỡng. Tiêu Phong được Huyền Khổ truyền thụ võ công và làm đệ tử Cái Bang. Vậy là từ lúc mới nằm trong nôi, Tiêu Phong đã mất cha mất mẹ, rồi phải nhận kẻ thù bức hại cha mẹ làm thầy!
Khi Tiêu Phong tròn 30 tuổi thì những biến cố bất hạnh tiếp theo bắt đầu.
Lúc này, với tài năng, đức độ của mình, Kiều Phong đang là bang chủ Cái Bang, được giang hồ ca tụng là đại anh hùng, là đệ nhất cao thủ võ lâm với lời truyền Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung. Nhưng đang lúc ở đỉnh cao danh vọng, trong một lần xuống Giang Nam, ông lại bị mưu hại đến thân bại danh liệt, mất chức bang chủ và trở thành một kẻ không rõ thân thế, nguồn gốc. Cả giang hồ đã đổ tội giết cha mẹ, giết thầy, giết bằng hữu lên đầu Kiều Phong và ráo riết truy sát ông.
Và trong quãng đời chém giết cô khổ ấy thì Kiều Phong gặp được A Châu, người con gái Giang Nam đã mang đến ước mơ, mang đến hy vọng, mang đến tình yêu cuộc sống và tưới mát cả tâm hồn đang khô héo của ông. Nhưng nghiệt ngã thay, cũng lại vì giang hồ hiểm ác mà Kiều Phong đã lỡ tay đánh chết A Châu, dập tắt cả ước mơ về cuộc sống tiêu dao miền tái ngoại của hai người và chính bản thân ông từ đó trở đi cũng sống không bằng chết.
Về sau, Tiêu Phong tìm lại được cha đẻ của mình là Tiêu Viễn Sơn. Năm xưa, Tiêu Viễn Sơn nhảy xuống vực sâu tự tử nhưng vì vướng vào cây cối nên không chết. Nhưng thật trớ trêu thay, lúc Tiêu Phong tìm lại được cha thì cũng là lúc Tiêu Viễn Sơn quy y cửa Phật, bỏ mặc con trai quỳ gối 7 ngày 7 đêm cũng không ra gặp mặt.
Cuối cùng, trong trận chiến thứ hai tại Nhạn Môn Quan, vì để tránh họa binh đao cho bá tánh hai nước Tống – Liêu, Tiêu Phong đã bị vua Liêu là Gia Luật Hồng Cơ hạ chỉ cấm trở về đại mạc, nơi chôn rau cắt rốn của chàng. Lúc này, Tiêu Phong đã trở thành một kẻ vô thân vô thích, không nhà không cửa, có quê nhưng chẳng có đường về. Còn con tim ông thì đã chết cùng nàng A Châu thương yêu.
Tiêu Phong đã tự vẫn ngay tại Nhạc Môn Quan, tại chính nơi mà 30 năm trước, ông từ cái chết tìm về sự sống và đến giờ lại từ sự sống bay về với cõi chết. Thân thể Tiêu Phong lại gieo mình xuống vực thẳm một lần nữa, kết thúc 30 năm oanh liệt nhưng đầy đau khổ và cũng là khép lại kiệt tác võ hiệp Thiên Long Bát Bộ của Kim Dung.
Tác phẩm Thiên Long Bát Bộ được bắt đầu được đăng trên tờ Minh báo ở Hongkong và Nam Dương thương báo ở Singapore vào ngày 3/9/1963 đến ngày 27/5/1966, liên tục trong 4 năm. Đây là tác phẩm viết với thời gian lâu nhất và cũng là tác phẩm dài nhất của Kim Dung.
Nội dung tác phẩm thấm đượm tinh thần Phật giáo mà Kim Dung vốn ngưỡng mộ, tiếng nói của Phật giáo trong tác phẩm vừa dịu dàng sâu lắng vừa thật hiển minh, quán xuyến từ đầu chí cuối tác phẩm. Có thể nói Thiên Long Bát Bộ là tác phẩm vĩ đại nhất của nhà văn Kim Dung. Tuy tựa đề của Thiên Long Bát Bộ xuất phát từ kinh Phật, nhưng nội dung của bộ truyện lại hoàn toàn kể về mối quan hệ giữa người với người.
Thiên Long Bát Bộ là truyện nhiều tình tiết nhất, đông nhân vật, mỗi vai có một đặc tính riêng không người nào giống người nào và có đến năm sáu người có thể coi như vai chính.
Bộ truyện này đã được Kim Dung sửa đổi nhiều chi tiết, mặc dầu nội dung không khác nhưng đã tạo nên những nét chấm phá mới khiến cho nó được xếp vào một trong những kỳ thư của nhà văn Hongkong.
Thiên Long Bát Bộ là một bộ truyện phải đọc đi đọc lại từ đầu chí cuối nhiều lần mới thấy hết được cái hay của nó. Thiên Long Bát Bộ có thể nói là một bộ truyện mà Kim Dung rất tâm đắc.
Thiên Long Bát Bộ là một chuyến du hành khắp đất nước Trung Hoa trong thời Tống, một giai đoạn mà nhiều nước sống bên cạnh nhau, vẫn bang giao nhưng cũng đầy xung đột. Cứ theo những nhà chuyên khảo về Kim Dung đây là bộ truyện mà Kim Dung dụng công hơn cả, chẳng khác gì một bức tranh trải dài hàng dặm với tất cả những chi tiết ly kỳ khiến cho người đọc phải say mê không sao dứt ra được.
Với tác phẩm này, Kim Dung muốn nói đến mối quan hệ nhân - quả giữa chính bản thân các nhân vật với gia đình, xã hội, dân tộc, đất nước. Câu chruyện xảy ra vào thời Bắc Tống và còn bao gồm các cuộc chiến tranh giữa nhà Tống, Đại Lý, Đại Liêu, Thổ Phồn và Tây Hạ.
Nhiều nhân vật chính liên tiếp mà tuyệt nhiên không có một nhân vật nào hoàn toàn nổi bật và chi phối toàn cục khiến chúng ta có cảm tưởng đây là nhiều truyện được nối lại với nhau. Cách dựng truyện đó đã tạo nên một nét đặc thù và đưa Kim Dung lên một tầm vóc riêng mà không phải ai cũng có được.
Nếu những ai đã từng đọc truyện, xem phim về võ hiệp của Kim Dung mà bỏ qua “Thiên Long Bát Bộ” thì thật sự là một điều đáng tiếc và xem như chưa hiểu mấy những ý tưởng lớn mà nhà văn Hongkong này muốn gửi gắm vào nó …
Hoài Nguyễn - 22/9/2016
Có thể là hình ảnh về 1 người, đang đứng và ngoài trời

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét