Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2022

Giới thiệu tác phẩm “Người Mỹ trầm lặng” của Graham Greene

 Giới thiệu tác phẩm “Người Mỹ trầm lặng” của Graham Greene

Thời còn học Trung học Đệ Nhất cấp, tôi đã đọc quyển “Người Mỹ trầm lặng” của nhà văn Anh Graham Greene ở thư viện nhà trường và sau năm 1975, gặp dịp nhà xuất phẩm Tác phẩm mới “tái bản” cuốn tiểu thuyết nổi tiếng một thời này, tôi đã mua đọc lại, nhưng thật sự không hài lòng với những cuốn sách dịch sau này vì những... lưỡi kéo kiểm duyệt!
Quyển tiểu thuyết “Người Mỹ trầm lặng” nguyên tác tiếng Anh là “The quiet American” được Graham Greene viết vào năm 1955, đến năm 1957 được chuyển thể thành bộ phim cùng tên do Joseph L Mankiewicz làm đạo diễn công chiếu năm 1958 nhưng chính phủ VNCH thời ấy cấm chiếu vì vai Phượng (Nữ diễn viên người Ý Giorgia Moll thủ vai) không phù hợp và làm “méo mó”, không tiêu biểu cho người Việt lúc bấy giờ!
Và gần đây vào năm 2001, phim “Người Mỹ trầm lặng” do đạo diễn Phillip Noyce thực hiện, đã được dựng lại và vai Phượng do Đỗ Thị Hải Yến người Việt đóng, chứa đựng nhiều cảnh quay được ghi hình tại Việt Nam như Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng...
Graham Henry Greene (1904-1991) là nhà văn, nhà báo người Anh, sinh quán tại Berkhamsted – Hertfordshire. Ông từng theo học Đại học Oxford, sau đó làm việc cho tờ báo London Times trong giai đoạn 1926-1929 rồi hành nghề ký giả tự do. Năm 1935, ông nhận chân điểm phim cho tờ Spectator, và đến in 1940 nhận chân chủ bút văn học. Trong thời gian 1942-1943, ông phục vụ Bộ Ngoại giao Anh ở miền đông châu Phi. Sau Thế chiến thứ Hai (1939-1945), ông đi đến nhiều nơi.
Graham Greene khởi đầu sự nghiệp văn chương với những sách thuộc loại “giải trí” vì thuộc thể loại hành động, như truyện gián điệp. Dần dà, ông mới chuyển qua thể loại “tiểu thuyết,” nổi tiếng nhất là The quiet American (Người Mỹ trầm lặng – 1955).
Graham Greene có xu hướng viết về những đấu tranh tâm linh trong một thế giới đang mục rữa. Tác phẩm của ông có đặc tính đi vào chi tiết sống động, và lấy bối cảnh đa dạng ở nhiều nơi (Mexico, châu Phi, Haiti, Việt Nam), miêu tả nhiều nhân vật sống dưới những áp lực khác nhau về xã hội, chính trị hoặc tâm lý.
Tác phẩm cuối cùng, A world of my own: A dream diary (xuất bản 1994), được viết trong những tháng cuối cùng trong cuộc đời của tác giả, có tính nửa hư cấu nửa tự thuật dựa trên 800 trang tác giả ghi lại qua 24 năm.
Graham Greene duy trì đời sống hôn nhân trong vòng 20 năm nhưng những cuộc tình của ông thì không đếm xuể. Năm 1925, khi mới 21 tuổi, Graham Greene phải lòng cô gái xinh đẹp theo Thiên chúa giáo La Mã tên Vivienne Dayrell- Browning. Graham Greene mất tới hai năm và hàng trăm lá thư tình mùi mẫn mới chinh phục được cô gái, sau đó phải cải đạo để cô chấp nhận lời cầu hôn năm 1927. Nhưng cách nhìn nghiêm khắc về tình dục của Vivienne lúc này mới gây nên những bất đồng với Graham Greene vốn sống bản năng với nhu cầu. Cuối cùng, họ ly dị năm 1947.
Nhưng ngay từ năm 1938, Graham Greene đã bắt đầu quan hệ với Dorothy Glover, một nhà thiết kế trang phục sân khấu. Đến thập kỷ 50, ông lại phải lòng nữ diễn viên người Thụy Điển Anita. Trong thời gian qua lại với Anita, ông đồng thời cũng có quan hệ với Catherine Walston.
Thời gian này, Graham Greene viết tặng Catherine cuốn tiểu thuyết “Đoạn cuối của cuộc tình”, dựa trên mối tình tay ba giữa Greene, Catherine và chồng cô. Đầu những năm 1960, Graham chuyển sang Pháp và cũng chấm dứt chuyện tình với Walston, ông lại mê mẩn một người phụ nữ tên là Yvonne Cloetta và mối tình này kéo dài trong suốt hơn 30 năm còn lại.
Graham Greene được trao Giải Jerusalem năm 1981.
Với cuốn tiểu thuyết “Người Mỹ trầm lặng”, Graham Greene được coi là người viết về chiến tranh Việt Nam ấn tượng nhất. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, Graham Greene đã lưu lại khách sạn Metropole trong lần đầu tiên đến Hà Nội vào năm 1951 để viết tiểu thuyết nổi tiếng này. Sau đó năm 1952 ông vào Sài Gòn sống mấy tháng ở khách sạn Continental. Và cuốn tiểu thuyết lừng danh “The quiet American” ra đời sau chuyến phiêu du đến xứ sở nhiệt đới năm 1955.
Cuộc tình rối rắm trong “Người Mỹ trầm lặng” được mô tả một cách chân thực, đầy uẩn khúc, bí ẩn khiến người ta liên tưởng đến những mối tình rối như tơ vò trong cuộc đời Graham Greene!
Bối cảnh của “Người Mỹ trầm lặng” tập trung phần lớn ở Sài Gòn trong những năm 1950 khi cuộc chiến tranh Đông Dương sắp đi vào kết thúc.
Nước Mỹ được biết đến bởi con người hấp dẫn, lịch thiệp, nhưng đến bất cứ đâu cũng có mục đích thầm kín. Người Mỹ trầm lặng là thuật ngữ phổ biến biểu trưng cho tính cách và tinh thần của họ. Những đặc điểm này đã hội tụ trong tiểu thuyết của Graham Green.
Trong bối cảnh của cuộc chiến tranh Đông Dương ở giai đoạn cuối là câu chuyện tình tay ba giữa cô gái tên Phượng với một ký giả người Anh và một nhân viên Viện trợ kinh tế Hoa Kỳ, hai nhân vật này cùng sống ở Sài Gòn năm 1952.
Thomas Fowler là phóng viên người Anh của tờ London Times có nhiệm vụ theo dõi tình hình chiến sự Việt Nam.
Alden Pyle là một bác sĩ nhãn khoa người Mỹ, sang Việt Nam với mục đích “làm từ thiện” cho nông dân nghèo.
Cả hai đều yêu một cô vũ nữ người Việt tên Phượng. Thomas Fowler yêu nhưng không thể cưới Phượng nhỏ chỉ bằng nửa tuổi ông và cũng bởi vợ ông không chịu ly hôn. Còn Alden Pyle còn độc thân, muốn thay đổi cuộc đời “gái nhảy” của Phượng, và sẽ đưa cô về New Zeland sinh sống đàng hoàng
Ấn tượng trước một “người Mỹ trầm lặng”, tốt bụng và dễ mến, Thomas Fowler giới thiệu Phượng, người yêu của ông cho Alden Pyle mà không ngờ rằng chính Pyle cũng say mê Phượng ngay từ lần gặp đầu tiên. Alden Pyle thành thực thú nhận với Fowler tình yêu của anh dành cho Phượng. Chiến sự vẫn diễn biến ngày một phức tạp tại miền Nam Việt Nam. Viên tướng Trình Minh Thế (1922-1955) một chỉ huy cao cấp trong Quân đội của Giáo phái Cao Đài bất ngờ hùng hồn tuyên bố chống lại cả Pháp lẫn Việt Minh.
Bóng dáng của một thế lực mới xuất hiện. Thomas Fowler nhận thấy bác sĩ Alden Pyle lai vãng xung quanh đám biểu tình. Và cuối cùng, khi cả hai lọt vào ổ phục kích trên đường về Sài Gòn, Pyle bỗng chốc trở thành một kẻ xông xáo như một chiến binh được đào tạo bài bản.
Sau sự kiện đó, Thomas Fowler vẫn tiếp tục công việc của một phóng viên chiến trường với những thử thách khắc nghiệt. Anh cùng cộng sự lọt vào kho hàng của một nhà buôn Hoa kiều có quan hệ mật thiết với tướng Trình Minh Thế, và tại đây họ phát hiện ra nhiều thùng hàng chất nổ nhập từ Mỹ. Dần dần, Thomas Fowler nhận ra những âm mưu chiến tranh và tiên đoán được đoạn sau của cuộc chiến Đông Dương: Mỹ sẽ hất cẳng Pháp và trực tiếp can dự vào Việt Nam.
Về giai đoạn lịch sử Việt Nam cận đại thì vào thời kỳ đầu năm 1954, khi nội bộ Cao Đài còn đang ngấm ngầm tranh giành ảnh hưởng, thế lực với nhau, thì Pháp thua trận Điện Biên Phủ. Chính phủ Mỹ không muốn Việt Nam thống nhất dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, nên quyết định can thiệp, hỗ trợ Lực lượng thứ ba. Cố vấn quân sự Mỹ là Đại tá Edward Lansdale, người chịu trách nhiệm hỗ trợ chính phủ Ngô Đình Diệm, đàm phán với tướng Trình Minh Thế về việc sử dụng lực lượng vũ trang của ông ta để hỗ trợ cho Thủ tướng Diệm và Quân đội Việt Nam Cộng hòa.
Thông qua Edward Lansdale, Mỹ tiếp tục tài trợ cho tướng Thế và các nhóm Cao Đài khác. Tuy nhiên, do chính phủ Đệ nhất Cộng hòa thời kỳ đầu còn non trẻ, nên nhiều chỉ huy các phe nhóm vũ trang và các giáo phái tuyên bố chống lại chính phủ Ngô Đình Diệm và tổ chức đảo chính.
Cuối tháng 8/1954, sau khi ký hiệp ước Geneve 20/7/1954, qua trung gian của Edward Lansdale, trao tận tay tướng Trình Minh Thế bức tâm thư với thủ bút của Thủ tướng Diệm, để mở đường cho ông trong sự tiến tới thảo luận việc trở về hợp tác với Chính phủ Quốc gia và cuộc tiếp xúc đầu tiên đã diễn ra ngay sau đó
Tháng 9/1954, Edward Lansdale phát hiện ra tướng Nguyễn Văn Hinh, Tổng tham mưu trưởng quân đội Việt Nam Cộng hòa, đang tiến hành âm mưu lật đổ Thủ tướng Ngô Đình Diệm. Cùng lúc, quân Pháp phong tỏa các lực lượng Cao Đài định tiến vào Sài Gòn giải nguy cho ông Ngô Đình Diệm. Cuộc đảo chính bị thất bại khi Lansdale mua chuộc được các sĩ quan cấp dưới của tướng Hinh đi nghỉ mát, thiếu những thuộc hạ cốt cán này, cuộc đảo chính không thể tiến hành được.
Giữa năm 1955, khi đang Chỉ huy hành quân truy nã lực lượng Bình Xuyên của Lê Văn Viễn, tướng Trình Minh Thế bị trúng đạn tử thương tại Khánh Hội - Sài Gòn.
Mặc dù khi viết “The quiet American”, nhà văn Graham Greene tuyên bố rằng đây chỉ là một tiểu thuyết bình thường với những nhân vật và sự kiện là hư cấu tưởng tượng, không phải là một tài liệu lịch sử, nhưng nhiều người sống vào thời kỳ ấy cho rằng “Người Mỹ trầm lặng” được xây dựng trên những sự kiện và hình mẫu có thật trong lịch sử!
Người ta khẳng định chính Graham Greene đã lấy hình ảnh của Đại tá tình báo Mỹ Edward Lansdale làm “nguyên mẫu” khi xây dựng nên nhân vật Alden Pyle với “vỏ bọc” là một bác sĩ nhãn khoa làm từ thiện!
Alden Pyle tuy là một viên chức Tòa Lãnh Sự Mỹ nhưng lại có những “đam mê” về những âm mưu chính trị. Graham Greene tả nhân vật Alden Pyle không rõ nét lắm, đại khái Pyle say mê chủ thuyết tạo dựng một cái gọi là “lực lượng thứ ba” ở những quốc gia hãy còn bị người châu Âu đô hộ như Việt Nam!
Graham Greene cho người đọc biết lờ mờ chuyện Alden Pyle lén đưa chất nổ gọi là plastic, vào Việt Nam, lén đưa plastic cho lực lượng cuả Tướng Trình Minh Thế. Đây là công việc của một “điệp viên” nhà nghề chứ không phải là của một bác sĩ dân sự!
Trong tiểu thuyết The Quiet American, vụ đánh plastic ở trước Khách sạn Continental được kể là do lực lượng quân sự của Tướng Trịnh Minh Thế thực hiện, không phải do Việt Minh.
Ngay sau vụ nổ, Alden Pyle bị ám sát, xác thả dưới sông gần cầu Dakao. Truyện không cho người đọc biết phe nào giết Pyle và tại sao anh Mỹ “trầm lặng” ấy lại bị giết.
Trong tiểu thuyết “Người Mỹ trầm lặng” của Graham Greene, chủ mưu vụ nổ được cho là Trình Minh Thế. Nhưng khi chuyển thể tiểu thuyết thành phim năm 1957, đạo diễn Joseph L. Mankiewicz lại gán cho Việt Minh như gợi ý của Landsdale!
Ngày nay với những trải nghiệm lịch sử, có thể người đọc hiểu phần nào “ẩn dụ” của tiểu thuyết “Người Mỹ trầm lặng” khi “xoáy” vào ba nhân vật chính của truyện là Thomas Fowler, Phượng và Alden Pyle.
Thomas Fowler, một nhà báo Anh lớn tuổi có máu phiêu lưu, có thể ví như một anh “thực dân châu Âu” già nua vẫn còn ham hố gái trẻ như cô vũ nữ Phượng, biến cô thành nhân tình hay một dạng “nô lệ tình dục” khi xa cách bà vợ già nua tận trời Tây.
Cô Phượng, một cô gái phương Đông bình thường, vì hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc muốn thoát khỏi cảnh “ba chìm bảy nổi” nên chấp nhận làm một “người tình bé bỏng” của anh già Thomas Fowler với hy vọng mong manh sẽ “thuộc” về anh thực dân già nua này !
Tuy vậy với một anh chàng Mỹ trẻ trung là Alden Pyle xuất hiện. Anh chàng người Mỹ trẻ trung, thẳng thắn, sòng phẳng thì muốn đàng hoàng đoạt được người đẹp một cách ngay thẳng. Cô Phượng này bất chấp vẫn còn là “người tình” châu Âu nhưng vẫn muốn “đánh đu” với anh nhân tình mới rủng rỉnh tiền bạc chuyên làm từ thiện và sẵn sàng “lên giường” cùng anh Mỹ cũng với niềm tin sẽ có ngày “thuộc” về nước Mỹ trẻ trung này!
Như bà chị của Phượng đánh giá thì “Phượng là một cô gái đẹp Á Ðông đang trượt ra khỏi tay ông thực dân già châu Âu để rơi vào lòng một anh đế quốc trẻ mà tương lai xem ra hứa hẹn hơn ...”
Cái “thân phận nhược tiểu” mà Phượng là “biểu tượng” xuất thân và là đại diện sẽ mãi là như vậy! Và như thường thấy ở mọi cuộc chiến, người đẹp “nhược tiểu” kia một khi chỉ là con mồi, là đối tượng chiếm đoạt thì không thoát khỏi thân phận ba chìm bảy nổi, bị đẩy qua đẩy lại trong những vòng tay của “ông chủ lớn”.
Để rồi sau cái chết của Alden Pyle, Phượng lại tiếp tục quay lại nghề gái nhảy hằng đêm ngồi chờ đợi những “vị khách” mới đến mời nhảy và tiếp tục một niềm hy vọng mới!
Biến cố chiến tranh dù có tàn khốc đến đâu thì cũng bị lu mờ trước số phận những con người; và số phận của Phượng, nhân vật trung tâm của tiểu thuyết, nhìn từ bình diện của sự vĩnh hằng và sự tuyệt đối, chẳng qua chỉ là số phận của hàng bao triệu con nguời trong nhân loại, ở đâu và thời nào cũng vậy thôi, trong chiến tranh cũng như trong hoà bình, trong mọi hoàn cảnh thì cũng chỉ có một “nguyện vọng” nhỏ nhoi là qua khỏi và được sống, và cuối cùng là sống được. Đó chính là nguyện vọng nhỏ nhoi và trần tục nhất của con người...
Hoài Nguyễn - 04/8/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét