Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2022

BÀ PHAN THỊ MINH YẾN, Bà Là Ai?

 

🧡 🍂 HỒI TƯỞNG.
BÀ PHAN THỊ MINH YẾN, Bà Là Ai?
Tác Giả: Minh Nguyệt
Ngày nay, tại ngôi đình làng cũ tỉnh Sơn Tây có thờ bài vị của tướng công Lê Nguyên Vỹ, Tư Lệnh Binh Đoàn Số 5 của quân đội Sài Gòn. Ông đã tự sát vào ngày đất nước thống nhất và hòa bình.
Đó là cách ghi nhận của người đồng hương Sơn Tây với một chút tự hào. Và hình ảnh của ông vẫn trong lòng các con Lê Nguyên Quang, Lê Nguyên Minh, Lê Nguyên Chính và con gái út Lê Nguyên Đại Tường Vi tại miền Virginia Hoa Kỳ.
Từ một nữ sinh trường đầm kiêu sa, thành bà Tướng đầy uy quyền, rồi thế thời đổi thay thành thợ hớt tóc 30 năm dài để nuôi 4 người con nên người mang tên QUANG, MINH, CHÍNH, ĐẠI, đặt tên theo tâm niệm của người chồng chiến binh một đời anh dũng.
Đó là Bà Phan Thị Minh Yến, phu nhân Tướng Lê Nguyên Vỹ, vị tướng tư lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh Quân Lực VNCH, một trong 5 vị tướng Miền Nam đã tuẫn tiết để nêu cao khí phách anh dũng và để gìn giữ danh dự của một quân đội vừa mới thua trận trong biến cố 30/4/1975.......
......Vào năm 1954, cô Phan Thị Minh Yến còn rất nhỏ, nhà ở Cầu Đất, Hải Phòng bắt đầu theo cha mẹ di cư vào Nam. Cô gái Bắc Kỳ nhỏ nhỏ được gia đình cho học chương trình Pháp tại Sài Gòn và đã có câu chuyện tình từ năm 17 tuổi. Khi được 19 xuân xanh thì chính thức lập gia đình với một anh Đại Úy Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Lúc đó là mùa Xuân năm 1964. Chàng hơn nàng 10 tuổi. Nhưng trước sau cô Yến chỉ có một mối tình từ khi biết yêu cho đến lúc thành hôn. Tiếp theo là 10 năm làm vợ lính thời chinh chiến. Rồi bắt đầu làm mẹ. Những đứa con lần lượt ra đời. Các cháu Quang, Minh, Chính, Đại. Ba đứa con trai đầu lòng đặt tên với niềm tự hào của người cha cương trực sống trong một hoàn cảnh đất nước nghiêng ngả. Nhưng cô Út bé bỏng, xinh đẹp chỉ được gọi là em Đại ở trong gia đình. Khi ở ngoài lớp học thì đây là cô nhỏ Tường Vi của bà mẹ Hải Phòng.
Suốt thời gian thơ ấu, người cha đi chinh chiến đêm ngày. Các con phần lớn sống gần gũi và trông cậy vào mẹ. Tuy nhiên, hình ảnh người cha quân đội vẫn là chỗ dựa tinh thần mạnh mẽ cho cả mẹ con.
Tháng 4 năm 1975, bà mẹ 29 tuổi dẫn 4 con từ 6 tuổi đến 10 tuổi di tản qua Hoa Kỳ. Người chồng chỉ huy đơn vị nên không có cơ hội tiễn chân vợ con. Lần chia tay sau cùng mà vợ chồng không biết là lần vĩnh biệt. Anh đã ra đi vào miền vĩnh cửu khi quân đội tan hàng. Không một mảnh khăn tang. Không một giọt nước mắt. Vợ con cũng không hề biết tin về cái chết của người thân yêu. Năm đó chưa 30 tuổi, cô Phan Thị Minh Yến trở thành góa phụ ở vậy nuôi con
Qua Hoa Kỳ, một mẹ và 4 con nhỏ, Minh Yến bắt đầu bằng nghề cắt tóc. Cố gắng tự lập nuôi con. Vừa làm mẹ, vừa làm cha. Từ nữ sinh trường đầm ở Sài Gòn, trở thành vợ lính sống cảnh gia binh, rồi trở thành góa phụ.
Sau bằng ấy năm trời, các con đã trưởng thành, tốt nghiệp đại học, có cháu nội cháu ngoại. Hỏi rằng bây giờ chị làm gì” Còn làm gì nữa. Trước sau cũng chỉ làm một việc cắt tóc chải đầu.
Nhưng nghề chính là vừa làm cha vừa làm mẹ.
Làm mẹ thì cũng dễ vì đã làm mẹ từ Việt Nam. Nhưng làm cha cho những đứa con trai ở Hoa Kỳ mới thật khó. Tất cả đều phải quyết định một mình. Không bàn với ai được. Ba đứa con trai ở tuổi niên thiếu tại miền đất lạ. Biết bao nhiêu là khó khăn. Chuyện học hành, chuyện sinh sống, chuyện yêu đương của các cháu rồi đến chuyện hôn nhân. Cái gì cũng là chuyện của các con.
Khi được hỏi rằng thế chị làm ở tiệm tóc thì làm chủ hay làm thợ. Được trả lời rằng trước sau chỉ làm công mà thôi. Đã bảo rằng nghề chính là làm mẹ, nếu bôn ba mở tiệm, e rằng không có đủ thì giờ trông nom lũ nhỏ.
Hỏi rằng đi làm như vậy có gặp những điều gì khó chịu không. Trả lời rằng lúc đầu cũng thấy tủi thân lắm. Nhưng rồi thì cũng phải nhịn nhục cho quen đi. Vả lại, ở đây cũng không ai biết hoàn cảnh mình ra sao nên cứ việc mình, mình làm. Cũng thi lái xe, cũng lấy bằng, cũng tìm đường đi học nghề, đi làm và nuôi con. Vâng, việc chính là nuôi con.
Chị có buồn giận về chuyện anh nhà đã không đi được vào năm 1975 hay không” Trả lời rằng thì anh nghĩ coi, ai mà chả muốn có vợ có chồng. Các con muốn có đủ cha mẹ. Nhưng phần số đã như vậy thì mẹ con phải sống sao cho phải đạo với sự hy sinh của ông nhà tôi. Ông ấy mà còn thì cũng chỉ muốn cho các con của chúng tôi được học hành tốt nghiệp đại học, rồi dựng vợ gả chồng cho các cháu như bây giờ gia đình tôi đã được như vậy.
Ngoài việc hãnh diện về chuyện con cái, bà mẹ gốc Hải Phòng còn kể thêm với niềm hào hứng đặc biệt. Đó là mối liên hệ với mẹ chồng.
Số là ngay sau khi di tản qua Hoa Kỳ, gia đình được tin chồng chết nên đã tìm cách báo về Bắc cho bà mẹ già biết tin. Tội nghiệp chưa. Ông nhà tôi, lời chị Yến, cũng di cư vào Nam từ 54, mẹ con xa nhau 21 năm không liên lạc. Bây giờ bà cụ mới biết tin con dâu và các cháu ở Mỹ thì đồng thời cũng biết tin con trai đã qua đời.
Những năm đầu ở Hoa Kỳ cũng rất chật vật nên không tiếp tế được nhiều. Những năm sau này bắt đầu gửi tiền về miền Bắc cho bà cụ. Chính tôi là con dâu mà chưa hề biết mặt mẹ chồng. Đến khi liên lạc được thì chồng đã chết. Gia đình tôi và các cháu tiếp tục liên lạc về Bắc. Mấy năm gần đây cụ vào Nam gặp các bà chị tôi rồi thu xếp cải táng đưa di hài nhà tôi về Bắc. Xong công việc quan trọng, cụ mới qua đời mấy năm gần đây.
•••••
Vâng, thưa quý vị, tôi vừa kể hầu quý vị một câu chuyện của bà mẹ Việt Nam trong nghĩa vụ thay chồng làm cha thời hậu chiến kéo dài hơn 30 năm tại Hoa Kỳ. Một người thiếu nữ 10 năm làm vợ nhưng đã có đến 30 năm vừa làm cha, làm mẹ, và làm dâu hàm thụ qua thư tín.
tại Hoa Kỳ, với vốn liếng Pháp văn và Anh ngữ của trường Đầm Sài Gòn, trước sau bà cũng vẫn chỉ là cô Yến làm tóc tại Hoa Kỳ. Bởi vì, người phụ nữ Việt Nam đơn giản này đã có một nghề cao quý vô cùng mà bà phải hết lòng theo đuổi. Đó là nghề làm mẹ. Do đó Ngày Của Mẹ hàng năm sẽ là ngày đặc biệt đối với những đứa con của bà.
Và mỗi năm, ngày tang 30 tháng 4 cũng là ngày giỗ bố của đám nhỏ. Bà mẹ Việt Nam tổ chức giỗ chồng bằng âm lịch những vẫn dặn con vào ngày cuối tháng 4, dù ở đâu cũng phải dành cho bố những giây phút tưởng niệm.
Bởi vì thân phụ của các cháu đã chết đúng ngày 30 tháng 4 năm 1975. Tên ông là Lê Nguyên Vỹ, người Sơn Tây, Bắc Việt, chết tại Lai Khê miền Đông Nam Phần.
Đối với lũ trẻ Quang Minh Chính Đại, ba trăm sáu mươi lăm ngày, ngày nào cũng là Ngày Của Mẹ.

Có thể là hình ảnh về 1 người và văn bản cho biết 'CHUẨN TƯỚNG LÊ NGUYÊN VÝ TƯ LỆNH SƯ ĐOÀN 5 BỘ BINH (1933 -1975)'
Nguồn : Quý Nguyễn.

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2022

CHUYỆN VỀ MỘT BÁC SĨ QUÂN Y VIỆT NAM CỘNG HÒA ĐƯỢC PHÍA BẮC VIỆT NGƯỠNG MỘ

 CHUYỆN VỀ MỘT BÁC SĨ QUÂN Y VIỆT NAM CỘNG HÒA ĐƯỢC PHÍA BẮC VIỆT NGƯỠNG MỘ

THE STORY of LE NGỌC DŨNG MD"
Tác giả : Clyde W.Jones, MD
Người dịch: Lê Tịnh Xuân
Chuyện kỳ lạ xảy ra TRONG TRẠI TÙ CẢI TẠO của các cựu quân nhân VNCH, sau 1975, là nhiều lính Bắc Việt đã cùng nhau đồng loạt ký thỉnh nguyện thư, yêu cầu các cấp có thẩm quyền cho một người tù cải tạo VNCH được ra khỏi tù.
Bởi vì người tù cải tạo này chính là một bác sĩ quân y đã tận tình cứu chữa khi họ bị thương, khi họ bị bắt đưa về bệnh viện quân y điều trị. Đó là chuyện về bác sĩ Lê Ngọc Dũng, một bác sĩ giỏi có tiếng về lĩnh vực Ngoại khoa thần kinh.
Vào tháng 11-1995, LẦN THỨ SÁU tôi trở lại thăm Việt Nam kể từ cuộc chiến tranh.
Tôi là một thành viên của đội phẫu thuật tham gia tổ chức quốc tế Phẫu thuật Nụ Cười.
Mục đích của tổ chức này là giải phẫu tạo hình, tái tạo cho trẻ em và thiếu niên bị hở môi, hở hàm ếch
VÀ các di chứng sẹo bỏng.
Chúng tôi làm việc ở Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, nơi mà tôi đã có cơ hội viếng thăm người bạn của mình:
Lê Ngọc Dũng MD , bác sĩ trưởng khoa ngoại - thần kinh, Phó giám đốc BV Đa khoa Đà Nẵng.
Đây là câu chuyện về vị bác sĩ đặc biệt đã gây cho tôi nguồn cảm hứng để viết về anh.
Tôi đã phục vụ ở Bệnh viện Dã chiến Hải quân US với chức vụ Trưởng gây mê trong cuộc chiến năm 1968. Tôi đã từng triển khai một đội tăng cường từ căn cứ Pendleton suốt cuộc chiến Tết Mậu Thân 1968.
Đội của tôi đã nhập vào đoàn tình nguyện Thủy quân 27 và đến VN sau 48 giờ được thông báo. Chúng tôi đáp xuống phi trường dã chiến Đà Nẵng, nơi mà tôi trở lại sau đó trong nhiệm vụ của tổ chức Phẫu thuật Nụ cười.
Vào năm 1991, tôi trở lại Việt Nam với vai trò là thành viên đội phẫu thuật đi tiền trạm cho một công việc ở Huế. Chúng tôi đến Hà Nội theo một thỏa thuận của cộng đồng quốc tế và được đón tiếp tại trụ sở chính của đảng.
Chúng tôi đã họp với GS Nguyễn Huy Phan, chuyên gia cao cấp về giải phẫu tạo hình ở Việt Nam, một thiếu tướng quân đội. Đó là một người đàn ông lịch thiệp, cuốn hút và là một chuyên gia cao cấp nổi tiếng.
Ông đã đón tiếp chúng tối rất nhiệt tình. Chúng tôi ăn tối với ông ấy ở một nhà hàng đặc sản. Chúng tôi đã trao đổi nhiều giờ với ông ấy và các nhân viên cũng như các bác sĩ nội trú. Tôi chắc chắn rằng đó là một trải nghiệm tuyệt vời nhất khi những ký ức chiến tranh vẫn còn lưu giữ trong lòng mình.
Chúng tôi bay tới Đà Nẵng ngày hôm sau, hạ cánh ở một phi trường thân quen vắng vẻ. Tôi không thể diễn tả đầy đủ những cảm xúc đan xen lẫn lộn đang trỗi lên trong lòng tôi lúc đi ra khỏi chiếc máy bay VN Airlines.
Chúng tôi đã được tiếp đón bởi Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cùng với các nhân viên của ông ấy, trong đó có nhân vật chính của câu chuyện này: Bác sĩ LÊ NGỌC DŨNG.
Đón chúng tôi ở sân bay còn có một thầy thuốc khác, BS KHÔI người có mối liên quan trong câu chuyện thực, nhiều cảm xúc này. Những danh lam thắng cảnh quen thuộc: Sơn Trà, Non Nước… và những nhà vòm cong... vẫn còn rải rác đã gợi lên những cảm xúc rối bời trong tôi.
Chuyến viếng thăm đi dọc bãi biển, sau đó đi ngang qua những căn cứ nơi đóng trạm của Bệnh viện Hải quân dã chiến ở Đà Nẵng trước đây, nơi tôi đã nhiều lần viếng thăm năm 1968.
Chúng tôi đã đi theo quốc lộ 1 đến Huế, cố đô cũng là cung điện hoàng gia. Đường quốc lộ này, suốt thời kỳ chiến tranh là một cung đường nguy hiểm, những đoàn công voa thường xuyên bị tập kích khi đi qua đây. Giờ đây nó là một cung đường đẹp ngất ngây, chúng tôi đã thưởng ngoạn cảnh đẹp của nó mà không lo lắng gì cả.
Ở Huế, chúng tôi đã họp với ông giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế phối hợp với Trường Đại học Y Huế, Bác sĩ Thế, người đàn ông với dáng vóc khiêm tốn nhưng tài năng và danh tiếng vượt trội. Dưới sự giám sát và lãnh đạo của ông ấy, chúng tôi đã quay lại với một công việc mỹ mãn vào tháng 11 sau đó, và có cơ hội khám phá thành phố lịch sử và đẹp đẽ này.
Trong tất cả những con người tài năng và tuyệt vời mà tôi đã gặp ở Việt Nam, có một người rất đặc biệt để nhớ mãi. Đó là :
BS Lê Ngọc Dũng. Bác sĩ Dũng sinh 1941 tại Đà Nẵng. Anh ấy tốt nghiệp Đại học Y khoa Sài Gòn 1959-1966, sau đó nghiên cứu về giải phẫu tổng quát 1966-1968.
Anh ấy tham gia vào Quân lực Nam Việt Nam trong năm 1966. Khi làm việc với vai trò bác sĩ ngoại tổng quát tại Bệnh viện quân đội Đà Nẵng (Tổng Y viện Duy Tân ) Anh đã quan tâm đến vấn đề GIAI PHẨU THẦN KINH.
-Bởi vì không có một bác sĩ ngoại thần kinh nào là người Việt ở bệnh viện quân đội.
-Họ phải cần tới sự giúp đỡ của các bác sĩ ngoại - thần kinh Hải quân Hoa Kỳ.
Bác sĩ Dũng đã trở thành bạn bè với các bác sĩ ngoại - thần kinh Hải quân Hoa Kỳ bởi khát vọng và kỹ năng tuyệt vời của anh ấy. Anh ấy đã được dạy về kỹ thuật giải phẫu thần kinh. Bác sĩ Nicholas Kitrinos (đã bị bệnh), bác sĩ Sidney Tolchin và bác sĩ Victor Schorn cũng nhiều người khác đã lãnh trách nhiệm đào tạo cho anh ấy.
Anh ấy đã làm việc dưới sự giám sát của họ cả ở bệnh viện Việt Nam và Trạm Y tế Hải quân Hoa kỳ.
Nhờ sự huấn luyện này anh đã trở thành một thầy thuốc duy nhất ở Việt Nam CHUYÊN VỀ : giải phẫu thần kinh.
Anh ấy luôn cảm kích và tri ân các bác sĩ giải phẫu của chúng tôi. Khi tôi gặp anh ấy lần đầu năm 1991, anh đã nhờ gửi lời cảm ơn chân thành tới bác sĩ Kitrinos, nhưng... lạy Chúa, ông ta vừa mới qua đời.
Trong thời gian được huấn luyện bởi các bác sĩ phẫu thuật Hải quân Hoa Kỳ, anh đã gặp nhiều tù binh bộ đội Bắc Việt bị thương ở đây đang được cứu chữa. Chúng tôi được yêu cầu phải làm việc VỚI SỰ NHÂN ĐẠO và PHI QUÂN SỰ. Chính nhờ việc phục vụ tận tâm và cứu đối với các tù nhân Bắc Việt Nam đã giúp bác sĩ Lê Ngọc Dũng bớt khó khăn sau này.
Vào tháng 3-1975 khi cuộc chiến đã kết thúc, anh bị đưa đến trại cải tạo bởi PHE CHIẾN THẮNG Bắc Việt. Dù là một chuyên gia ngoại thần kinh duy nhất của tỉnh (Quảng Nam - Đà Nẵng), anh cũng không tránh được việc này.
Anh ấy được nhập đội cùng với khoảng 4.000 đến 6.000 người mà công việc của họ là giải phóng đường sắt, rà gỡ bom mìn đã từng được cài đặt bởi cả 2 phía.
Những người cùng làm đã che chở anh ấy và nói rằng: -"Anh đã cứu giúp chúng tôi khi chúng tôi gặp xui xẻo, hãy để chúng tôi làm và gỡ mìn tốt hơn là anh làm”.
Thật kỳ diệu, một số trường hợp bị thương nghiêm trọng đã được bác sĩ Dũng xử lý trong các điều kiện thô sơ nhất.Trong lúc này, một số tù binh Bắc Việt được cứu bởi bác sĩ Dũng trong thời gian nằm ở bệnh viện quân y, khi nghe về hoàn cảnh bi đát của anh, họ đã ký thỉnh nguyện thư yêu cầu thả anh ra.
Thỉnh nguyện thư được khởi thảo bởi MỘT THÂY THUỐC TỪNG LÀ TÙ BINH VÀ ĐƯỢC BS DŨNG CHỮA LÀNH VẾT THƯƠNG Ở CHÂN VÀ SAU ĐÓ ĐƯỢC TRAO TRẢ VỀ PHÍA BẮC năm 1972 trong lần trao đổi tù binh. Đó chính là bác sĩ Khôi, hiện là Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế. Thỉnh nguyện thư đã phải mất 18 tháng để được các cấp có thẩm quyền chấp nhận.
Năm 1992, BS Lê Ngọc Dũng có học bổng một năm về tập huấn phẫu thuật thần kinh ở trung tâm Perpignon (PHÁP) nhằm hoàn chỉnh chương trình đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này.
Người đàn ông đặc biệt này cũng có cậu con trai tốt nghiệp trường Y Huế và đã được dạy về phẫu thuật thần kinh mà thầy giáo chính là ba cậu ấy. Cậu ta cũng có một cơ hội học bổng một năm cho nghiên cứu phẫu thuật thần kinh ở PHÁP và bây giờ là bác sĩ ngoại thần kinh thứ 2 ở Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.
Bác sĩ Dũng đã ở lại Việt Nam để phục vụ đồng bào mình. Anh đã làm việc với những ĐIỀU KIỆN LẠC HẬU cùng cực trong hoàn cảnh khó khăn của đất nước này. Bất chấp tất cả những trở ngại, anh đã phục vụ với tinh thần làm việc chăm chỉ, chuyên nghiệp, năng động, linh hoạt, vui vẻ, tự nguyện, niềm nở trong một phong cách tuyệt vời và với sự kiên nhẫn tận tụy tràn đầy nhiệt huyết.
Tôi thán phục người Việt Nam và ngưỡng mộ kỹ năng sinh tồn của họ. Anh Lê Ngọc Dũng đã nói với tôi “Thực hành phẫu thuật thần kinh ở Bệnh viện Đà Nẵng giống như vượt qua Thái Bình Dương bằng thuyền nan!”.
Tôi ngồi với người bạn của tôi từ miền đất xa xôi này. Việt Nam đã trở thành một DÂU ẤN LỚN trong đời tôi. Chúng tôi chuyện trò với nhau về nhiều thứ như những điều không thực đã và đang diễn ra.
Vượt ra ngoài những bất đồng của cuộc chiến với nhiều vết thương chìm, nổi… chưa lành
chúng ta có thể thu nhận bài học từ sự chia sẻ hết lòng những kiến thức, kỹ năng để rồi cảm nhận một cách chân thành sâu sắc rằng: LẤY YÊU THƯƠNG XÓA BỎ HẬN THÙ.
Một câu chuyện thú vị về NHÂN ĐẠO QUỐC TẾ đã vượt qua nhiều rào cản. Các rào cản được dựng lên bởi các chính phủ, các bên tham chiến và khó khăn về kinh tế không thể làm lu mờ những đòi hỏi chính đáng của sự hợp tác thú vị này.
Tôi thấy mình nhỏ bé trước BS Lê Ngọc Dũng và khâm phục những thành tựu vượt qua khó khăn của anh ấy.
BS Clyde W.Jones
Hình Hai bác sĩ Clyde W.Jones và Lê Ngọc Dũng (Ngày xưa và Ngày nay).
Có thể là hình ảnh về 3 người
Nguồn: Quí Nguyễn.

CÁI CỦA QUÝ CỦA VUA NÃ PHÁ LUÂN

 CÁI CỦA QUÝ CỦA VUA NÃ PHÁ LUÂN

Napoleon Bonaparte mà các cụ ta xưa phiên âm thành Nã Phá Luân, chắc ai đã cắp sách tới trường đều biết. Ông này văn võ toàn tài, rất thích chinh chiến và đã tạo được nhiều chiến công hiển hách, trở thành hoàng đế của Pháp. Ông đã mất được 201 năm, vào năm 1821, tại đảo Ste. Helène, nơi ông bị lưu đầy từ tháng 10 năm 1815. Trước đó ông đã bị lưu đầy tại đảo Elba của Ý nhưng đã vượt ngục, tập họp quân đội và cố gắng chinh phục Âu Châu một lần nữa. Ông làm mưa làm gió ở Âu châu trước khi bị quân Anh và Phổ đánh cho xất bất xang bang dẫn tới thất bại thảm thương trong trận Waterloo vào năm 1812.
Sống đã tạo sóng gió tại châu Âu, chết cũng nhiều chuyện mà lịch sử phải ghi lại. Ông mất vì bệnh ung thư dạ dày, giống như cha ông. Có giả thuyết nói ông bị đầu độc từ từ bằng thạch tín. Điều này để các sử gia lo, chúng ta nói chuyện khác. Khi ông trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh, 17 người có mặt trong đó có 7 bác sĩ người Anh, 2 hầu cận của ông, linh mục Vignali, người đầy tớ Ali và bác sĩ riêng của ông tên Francesco Antommarchi. Bác sĩ Antommarchi đã giải phẫu tử thi, cắt bỏ gan ruột, thả vào bình rượu ethylic để nghiên cứu sau. Thừa lúc đám đông hỗn loạn không chú ý, bác sĩ Antommarchi tiện tay cắt phăng dương vật của tử thi và giấu đi.
Dương vật được ông bác sĩ giao cho linh mục Ange Vignali cất giữ. Vị linh mục đã mang về đảo Corse, quê hương của Napoleon. Khi linh mục Vignali qua đời, của quý của người tạo giông bão tại Âu châu đã được trả lại cho gia đình Napoleon. Họ cất giữ tới năm 1916, gần một trăm năm sau ngày Napoleon mất. Dương vật sau đó vào tay ông Charles-Marie Gianettini, cháu của linh mục Vignali.
Ông này chắc có máu lý tài nên bán liền vào năm 1916 cho công ty bán sách và sưu tập Anh Maggs Bros. Ltd. có trụ sở tại London. Năm 1924, hộp đựng của quý được mô tả như “một đoạn gân được lấy từ cơ thể của Napoleon trong quá trình khám nghiệm tử thi”, được bán cho nhà sưu tập người Mỹ tên A.S.W. Rosenbach, ngụ tại Philadelphia với giá 400 bảng Anh. Ông tiến sĩ Rosenbach này rất tự hào khi làm chủ được “báu vật”. Đi dự tiệc hay hội họp ở đâu ông cũng khoe nhặng xị về chiến công này. Ông cho bảo tàng nghệ thuật Pháp “Museum of French Art” ở New York mượn trong một thời gian ngắn vào năm 1927 để trưng bày cho công chúng coi. Phóng viên báo Time tới coi và mô tả nó “như một chiếc dây cột giày da hoẵng bị co lại”. Một phóng viên khác lại cho nó trông giống như “một con lươn bị teo lại”. Thực ra vật thể này không được bảo quản tốt nên nhìn bề ngoài có vẻ chỉ hơi giống dương vật, xù xì như một miếng da thuộc.
Tiếp tục cuộc phiêu du, 23 năm sau, của quý của Napoleon được Tiến sĩ Rosenbach bán lại cho nhà sưu tập Donald Hyde. Sau khi Hyde qua đời, vợ ông lại bán cho nhà sưu tập John Fleming. Fleming bán tiếp cho Bruce Gimelson. Mua xong, Gimelson ký gửi nó cho nhà bán đấu giá Christie’s ở London. Người thắng trong cuộc đấu giá là bác sĩ tiết niệu John Lattimer. Cuối cùng, vào năm 1977, Lattimer quyết định chấm dứt hành trình di chuyển lung tung của cậu nhỏ này bằng cách giấu kín dưới gầm giường, không cho ai coi nữa. Nhà tiết niệu học Lattimer mất vào năm 2007, cậu nhỏ của Napoleon được bà Evan, con của Lattimer, cất giữ. Kể từ đó, không có tin tức chi thêm về bửu bối nho nhỏ của vị hoàng đế lừng danh của nước Pháp.
Thiệt chóng mặt với cuộc chu du hơn trăm năm của cậu nhỏ của ông vua danh vang khắp thế giới. Mà nhỏ thiệt. Bửu bối của Napoleon có kích thước chẳng đáng chi. Chỉ dài có 1,5 inch (3,8 phân). Thiệt đáng xấu hổ với một con người chọc trời khuấy nước. Trong cuốn Napoleon’s Private, tác giả Tony Perrottet tiết lộ: “Nó nằm trong một chiếc hộp da nhỏ, đã được sấy khô trong không khí, không dùng formaldehyde hoặc các hóa chất khác nên trông giống như miếng thịt bò khô”.
Tôi nghĩ chẳng nên mất nhiều thời giờ về thứ mà đàn ông ai cũng có, và có một cách hùng tráng hơn. Nhưng chính sự nhỏ thó bất thường của nó đã làm nên tính cách của Napoleon khiến thay đổi cả lịch sử. Vậy mới biết nó bé nhưng là thứ bé hạt tiêu cay nồng.
Không biết có phải vì kích thước khiêm nhường của cậu nhỏ không mà đời sống tình dục của Napoleon rất nản. Ông chiếm hạng bét trên giường chiếu. Thời lượng một cuộc mây mưa của ông rất chóng vánh. Đây là một bi kịch ám ảnh ông suốt cuộc đời. Bi kịch thêm…bi khi chỉ ở tuổi 42 ông đã…giã từ vũ khí. Đời sống của một quân vương lừng lẫy trên chiến trường khiến ông có rất nhiều phụ nữ say mê. Ông cũng đáp lại nhưng chỉ là những mối tình chay tịnh. Hai bà vợ của ông đều có một cuộc sống tình dục riêng với những người đàn ông khác. Sừng ông mang trên đầu chắc có số lượng không ít.
Thông thường anh đàn ông nào cũng muốn thể hiện mình như một người hùng. Hùng có nghĩa là chinh phục được phái yếu. Muốn vậy, kích thước của vũ khí là một yếu tố quan trọng. Ngay từ thời xa xưa, các nền văn hóa đều cho dương vật là sức mạnh và uy quyền của một nam nhân, làm sinh sôi nảy nở giống nòi và lòng tôn kính của người phụ nữ. Ngay từ những năm trước công nguyên, các vị vua chúa đã được tôn vinh bằng những bức tượng hay tranh chân dung với một cậu nhỏ có kích thước khổng lồ. Tại các lăng mộ chôn cất các vị vương, các nhà khảo cổ đã tìm thấy những di chỉ khắc hình những dương vật vượt tầm cỡ. Các nền văn hóa La Mã và Ai Cập không hiếm những tác phẩm được khắc chạm với những dương vật khổng lồ tượng trưng cho sức mạnh. Như thần Geb, một vị thần đất được dân Ai Cập vô cùng tôn kính, khi tạ thế đã được tạc một bức tượng với dương vật vừa to vừa dài hướng thẳng lên trời trong một tư thế đầy kiêu hãnh. Dân La Mã cũng có một vị thần đất tên Priapus. Vị thần này cũng đã được tạc tượng với thân hình cuồn cuộn bắp thịt và một chiếc dương vật có kích thước khủng chĩa thẳng về phía trước.
Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói khúc thịt lắm chuyện của nam giới là của quý. Nó quý thật. Càng sừng sỏ càng quý. Một trong những yếu tố tạo nên sức mạnh sừng sỏ này là kích thước của nó. Anh nào sở hữu thứ…vĩ đại coi như mình được tạo hóa ưu đãi. Anh nào chịu cảnh xinh xinh thường có mặc cảm. Mặc cảm tự ti thường biểu hiện thành tính hiếu thắng và hiếu chiến. Napoleon ưa chinh chiến và hiếu sát chính là vì sự thua kém của thứ được coi là hùng dũng của một nam nhi.
Nhà độc tài Hitler cũng rứa. Hitler độc tài và tàn ác như thế nào, ai cũng đã rõ. Nhưng tại sao nhân vật lịch sử khét tiếng này lại dễ sợ như vậy? Hai nhà sử học Jonathan Mayo và Emma Craigie viết trong cuốn “Hitler’s Last Day: Minute by Minute” (Ngày Cuối của Hitler: Từng Phút): “Hitler được cho là có hai dị dạng ở bộ phận sinh dục: thiếu một tinh hoàn và niệu đạo không nằm ở đầu dương vật (hypospadias)”. Hypospadias là một chứng bệnh hiếm và có nhiều mức độ. Hitler bị mức độ cao nhất, niệu đạo nằm ở cuối dương vật khiến cho bộ phận này có kích thước rất nhỏ.
Hội chứng này khiến Hitler phải đi tiểu thông qua một một lỗ nhỏ trên dương vật chứ không phải bằng đầu dương vật như các nam nhân bình thường khác. Hai khiếm khuyết nơi cậu nhỏ của nhà độc tài lớn này được cho là nguyên nhân của tính khí kỳ quái của Hitler. Ông thường xuyên nổi giận và rất sợ bị người khác coi thường. Bác sĩ Theodor Morell, bác sĩ riêng của Hitler, đã phải cho ông uống nhiều loại hormone và thuốc kích thích để cải thiện ham muốn tình dục của nhà độc tài này.
Nhà sử học người Anh Ian Kershaw viết trong một cuốn tiểu sử Hitler là nhà lãnh đạo Đức Quốc Xã gốc Áo này đã tự kiêng cữ các hoạt động tình dục vì sợ bị nhiễm trùng và mắc các bệnh truyền nhiễm khác. Trong khi đó nhà viết tiểu sử người Đức Hike Gortemaker lại cho rằng nhà độc tài phát xít này có một đời sống tình dục viên mãn và một cuộc sống hạnh phúc với nhiều tình nhân. Ngay cả người tình Eva Braun, người đã cùng tự sát với Hitler vào ngày 30/4/1945, cũng đã từng chung tình với nhà độc tài.
Chuyện nhà độc tài phát xít có của quý khác thường là một thú vị cho phe Đồng Minh trong Thế Chiến II. Họ đặt ra một bản nhạc mang tên: Hitler Has Only One Ball (Hitler chỉ có một viên bi!). Binh lính Đồng Minh rất khoái chí khi hát bài này. Thực ra đây chỉ là bài hát chế lời của bài Colonel Bogey March, tác giả của lời chế này không biết là ai. Chắc nhiều người thuộc thế hệ cùng với tôi còn nhớ cuốn phim Cầu Sông Kwai (The Bridge of River Kwai) được sản xuất vào năm 1957 với các diễn viên gạo cội Alec Guinness, William Holden, Jack Hawkins và Sessue Hayakawa. Bản nhạc của phim mà chúng ta quen gọi là bài “Cầu Sông Kwai” chính là bài Colonel Bogey March.
Bài nhạc chế Hitler Has Only One Ball có lời như sau:
Hitler has only got one ball,
Goering has two but very small,
Himmler is rather sim’lar,
But poor old Goebbels has no balls at all.
Tạm dịch: “Hitler chỉ có một bi / Goering có hai nhưng rất bé / Himmler cũng dzậy / Nhưng ông già đáng thương Goebbels lại chẳng có bi nào”. Tên các nhân vật được nhắc trong bài hát đều là các cận thần của Hitler. Theo các nhà nghiên cứu thì bản nhạc này được phổ biến vào năm 1939, khi đang có Thế Chiến II giữa Phát Xít Đức của Hitler và các nước Đồng Minh. Đây là một chiêu tuyên truyền miệt thị cái giống của các tên phát xít nhưng không chỉ trích dân Đức khi cho các nhà lãnh đạo phát xít vì khiếm khuyết tại cơ quan sinh dục nên mới nổi điên sanh ra tàn ác vô nhân tính. Đây là một kiểu tuyên truyền dìm hàng các tướng địch để nâng cao tinh thần binh lính Đồng Minh.
Trở lại với cuốn phim “Cầu Sông Kwai”. Đây là một kiệt tác của nghệ thuật thứ bảy, được coi như một tác phẩm lớn của mọi thời. Cuốn phim đã chiếm bảy giải Oscar kể cả giải Phim Hay Nhất. Bài hát này khi được lồng vào phim đã trở thành một bài hit trong giới trẻ. Ngày xưa, khi coi phim này, tôi cũng là một người trẻ. Cho tới bây giờ tôi vẫn có thể ê a rất đúng nhịp, đúng điệu bài hát. Có lẽ các bạn tôi cũng vậy. Chúng ta cứ thử hát lời bài hát trích ở trên coi. Vẫn còn rất ngon cơm. Nhưng có một chuyện hậu trường khi quay phim rất lý thú. Trong phim, bài hát được các binh sĩ Đồng Minh đồng ca khi đang bị tù trong một trại giam của quân phiệt Nhật tại Miến Điện. Nhật là một đồng minh với phát xít Đức, cùng phe Trục, trong Thế Chiến II. Cảnh trong phim là cảnh các tù binh Đồng Minh được điều động làm cây cầu bắc qua sông Kwai nối giữa Bangkok và Rangoon. Trong kịch bản đầu tiên của đạo diễn David Lean, các tù binh sẽ hát với lời của bản Hitler Has Only One Ball để diễn tả sự chống đối của tù binh. Nhưng bà vợ góa của tác giả bài chính gốc Colonel Bogey March phản đối, không muốn cho hát lời chế của bản nhạc trong cuốn phim. Cuối cùng mọi người đồng ý không hát lời trong phim. Các tù binh chỉ huýt sáo điệu nhạc, ai muốn hiểu lời nào tùy ý! Khi coi phim, tôi lại khoái cảnh huýt sáo này, nghe vừa hào hùng của nhịp quân hành vừa như cất giấu nỗi ẩn ức trong lòng các thân phận tù đầy. Sau này, khi bị nhốt trong trại tù cải tạo của cộng sản, những lúc muốn bày tỏ nỗi căm phẫn, chúng tôi cũng huýt sáo bài này. Nghe thấy một người huýt, lập tức mọi người bắt theo. Người nào cũng nước mắt lưng tròng.
Chuyện mấy anh chim nhỏ ác lớn tưởng đã chấm dứt với cái chết của Hitler vào ngày 30/4/1945, ai ngờ 77 năm sau, trong thời đại văn minh, lại đẻ ra một anh khốn lịn khác, anh Vladimir Putin. Anh này gốc KGB, tàn ác số một. Khi không, thế giới đang yên bình, anh lại ào ạt mang quân sang tấn công nước láng giềng nhỏ bé Ukraine. Máy bay, xe tăng, phi pháo đủ mọi cỡ được anh dùng hết với quyết tâm làm cỏ Ukraine, bắt quy hàng trong ba ngày. Ba ngày mơ ước đó không bao giờ tới, anh nổi điên ra tay tàn sát. Quân Nga pháo kích vào khu dân cư, bệnh viện, nhà thờ giết hại không biết bao nhiêu dân lành trong đó có nhiều trẻ em. Bù lại lính Nga chết như rạ, máy bay, xe tăng và các chiến cụ khác phơi thây trên chiến trường cũng lắm. Putin điên tiết bỏ bom, pháo kích vô tội vạ, gần như muốn san bằng đất nước có nhiều di tích văn hóa và lịch sử quý giá. Nhìn cảnh dân Ukraine dùng bao cát quây bảo vệ những tượng đài trên các quảng trường mà xót xa cho nền văn minh của nhân loại. Con người không tim Putin bị hầu như toàn thế giới nghỉ chơi, cấm vận, bị tonton Mỹ Biden gọi là tên đồ tể, tội phạm chiến tranh, và kẻ thù của nhân loại.
Putin là một người ưa phô trương sức mạnh. Những tấm hình ông cởi trần đi bơi, đi săn hoặc phô trương võ nghệ được phổ biến rộng rãi có phải để che giấu một thứ mặc cảm nào không? Tâm lý gia Jenifer Higgins lý giải: “Thông thường một người trung niên có của quý nhỏ chỉ mua một chiếc xe xịn Ferrari hoặc khởi sự một cuộc du lịch không gian. Nhưng khi người đó có trong tay một đội quân thuộc hàng lớn nhất thế giới, vấn đề sẽ khác hơn”. Và bà khôi hài đề nghị quân NATO đột nhập vào Nga, ghép dương vật khác cho Putin. Bà viết: “Đó có lẽ là phương cách nhanh nhất để chấm dứt chiến tranh!”. Nhà văn nổi tiếng người Pháp Frederic Begbeder hô hào: “Các bạn Ukraine thân mến! Ba ngày trước đây, tôi nghĩ Zelensky (Tổng thống Ukraine) là một anh hề, nhưng nay tôi biết ông có cặp bi lớn nhất thế giới. Và Vladimir Putin không chỉ là một tên điếm đàng mà còn là một tên chết nhát và lố bịch. Ông ta có một dương vật rất, rất nhỏ, một con chim rất rất nhỏ!”.
Chuyện thuộc về lịch sử luôn cần sự tìm tòi nghiên cứu thêm. Không biết chuyện chim nhỏ của các “đồ tể” có bao nhiêu phần chính xác nhưng tôi khoái hướng nghiên cứu này. Hóa ra những chuyện lớn tày trời của nhân loại lại có nguyên do từ những cái rất nhỏ.
Nguồn: Quý Nguyễn.

Thứ Ba, 26 tháng 4, 2022

Lục lại một chút hồi ức:

 Lục lại một chút hồi ức:

Một thời mà không ai muốn nhớ lại, và rồi, cũng không thể nào quên được!
Sáng 30-4-75, tôi dựng xe Honda ở bờ sông Sài Gòn, đứng nhìn chiếc tàu Hải Quân của VNCH cuối cùng rời bến. Người ta bỏ lại xe hơi, xe Honda, xuống tàu thong thả như một chuyến du lịch. Trong đầu tôi không có một chút xíu nào nghĩ rằng đó là lần họ vĩnh viễn rời đất nước.
Thế nhưng không hiểu sao tôi lại đứng như trời trồng, không theo họ. Làm một cuộc viễn du cũng thích thú lắm chứ. Nếu như đất nước sau nầy tốt, đối xử tử tế thì mình lại trở về, có sao đâu. Cái ân hận nầy làm cho tôi ray rứt mãi, nhất là những ngày đói khát, thất tha thất thểu ở Sài gòn… Những đêm tập trung “ngụy quân, ngụy quyền” ra phường hội họp, ngồi dưới đất nghe người thắng trận trong rừng mới ra, mang dép râu, đội nón tai bèo, xối xả chửi vào mặt người ngồi nghe là thứ bán nước, theo chân đế quốc, “Ngụy” tặc. Thấm đau cho cái ngu si không biết chọn lựa của mình, để bây giờ phải lỡ khóc lỡ cười.
Tôi lên xe Honda chạy qua Khánh Hội, người ta đang mở kho vơ vét. Tôi dừng xe ngồi nhìn. Một tay thuộc loại “anh chị” khiêng bao gạo 50 kí-lô trên vai hỏi tôi có cần mua không? Tôi gật đầu. Anh ta ném bao gạo trên yên sau xe Honda của tôi, không cần biết tôi đưa bao nhiêu tiền, anh trở vào kho vác bao khác ra ngoài, đứng dáo dác không có ai mua, anh cho tôi thêm một bao nữa để phía trước xe mà không lấy tiền thêm. Cửa kho mở rộng, ai muốn vào lấy cũng được, tội gì phải bỏ tiền ra mua.
Tôi chạy xe về nhà người bạn tôi đang ở nhờ. Yên tâm trong bụng không sợ đói. Tôi chạy qua lại tìm mua một thùng nước mắm, hàng “hôi của” nên trả bao nhiêu tiền cũng được. Như vậy, tôi vững bụng không còn sợ thiếu ăn trong những ngày sắp tới, trong những ngày tranh tối tranh sáng, vô chính phủ.
Về nhà mua một lít đế, mấy miếng khô cá, tôi và thằng bạn vừa nhâm nhi, vừa mở radio nghe ông Dương Văn Minh đọc diễn văn bàn giao đất nước lại cho người thắng trận. Xem như hạ màn một cách nhanh chóng, chế độ Miền Nam cáo chung, nhường sân khấu cho cộng sản điều hành đất nước. Hòa bình mà toàn dân khao khát đang thực sự “hiện thực”. Thế nhưng lòng người tan hoang, những chính sách sắt máu ụp trên đầu dân chúng. Đốt sách, cải tạo, đánh tư sản mại bản, đổi tiền v.v… toàn những món dân Miền Nam không thể nuốt trôi, ói ra máu.....
Đường phố áo quần lính chất đống, người người đi trên phố khuôn mặt ngơ ngác, không ai biết được mình sẽ đi về đâu. Mấy người trai trẻ hàng xóm mà tôi biết là những người lính Miền Nam, đi ngang qua nhà nhập vào uống rượu với tụi tôi. Hết lít nầy họ chạy đi mua lít khác. Tụi tôi ngồi nhậu tới chiều. Một bữa nhậu mà không có một tiếng nói to, âm thầm uống, hồn ai nấy giữ. Xong cuộc nhậu tự động ra về, chỉ chào nhau bằng cái gật đầu nhè nhẹ. Tôi thấy mọi người đều “xanh mặt”, mệt mỏi, lo sợ, như chờ đợi một cái gì không may ụp trên đầu mình.
Ngày hôm sau, có những người mang băng đỏ trên tay xuất hiện trong xóm và điều khiển xe cộ trên đường phố. Trong xóm tôi ở đường Minh Mạng, Phú Nhuận, có một ông ca sĩ nổi tiếng Sài Gòn, lái chiếc xe jeep của người anh trước đây là Trung Tá của Miền Nam đi Mỹ để lại, trên xe ông và những người mang băng đỏ chạy khắp Phú Nhuận, hò hét như các tay “cách mạng” thứ thiệt. Có lẽ thời điểm nầy tôi đã chứng kiến biết bao khuôn mặt tráo trở, họ không có một chút xíu ngượng ngùng, tiếp tay chỉ điểm, đắc lực làm tay sai. Quả thật, tụi tôi hồi đó không sợ những người cộng sản, mà sợ những thành phần nầy, họ làm bất cứ việc gì để lấy điểm. Nên tụi tôi thấy họ phải lo tránh xa. Không loại trừ thành phần nào trong xã hội Miền Nam, đâu cũng có thứ nầy. Qua Mỹ lại thấy ông ca sĩ nầy mặc đồ lính rằn ri hát những bài ca của lính. Họ thay đổi còn hơn tắc kè. Đúng là cuộc sống đầy những nhiễu nhương.
Chiến dịch Bài trừ Văn Hóa Đồi Trụy (21 tháng 51975)!
Bây giờ kể lại những chuyện nầy như kể chuyện đời xưa, nghe lại thấy tức cười. Tội nghiệp cho những con người yếu đuối, vì tìm một chỗ yên thân mà họ phải táng tận lương tâm, làm những chuyện ruồi bu. Mấy ông có người thân đi tập kết về thì dựa hơi, bắt nạt người khác, hoặc to tiếng khẳng định lập trường của mình. Trong lúc chưa có người thì người ta để yên, mượn tay các ông để răn đe người khác. Khi có đầy đủ nhân sự thì cho các ông “chầu rìa”. Lúc đó các ông mới biết cái “lố bịch” của mình đối xử với anh em thì đã muộn. Có người phải tránh mặt anh em vì khi gặp nhau ngượng ngùng mắc cỡ. Có người bắt đầu ngồi quán café chửi đổng vì bị thất sủng.
Có lẽ trong buổi giao thời, tranh tối tranh sáng, mình mới thấy được những bộ mặt “ghê tởm” nầy xuất hiện. Họ như những tên hề đứng trên sân khấu múa may mà không biết trơ trẽn, lớn tiếng chỉ trích anh em có chút máu “ngụy”, như một tay cách mạng chính hiệu. Cái trò chỉ điểm, tố cáo để kiếm điểm, tìm một chút địa vị, lúc ấy thật đáng sợ, anh em thiêm thiếp chịu trận, không dám hé răng. Cái bối cảnh lúc ấy thật nhố nhăng, thật sắt máu, nghi kỵ lẫn nhau, chà đạp nhau để vươn lên. Những người lập công cho “cách mạng” kiểu nầy dần dần bị đào thải, anh em thì xa lánh. Họ thui thủi như một bóng ma. Cho đến bây giờ thời gian quá lâu, mọi chuyện đã phôi pha, trong lòng mọi người không ai muốn nhớ lại.
Những năm đầu “giải phóng” người Miền Nam không ai ra được Miền Bắc để trông thấy ngoài ấy ra sao. Tôi có một thằng bạn thuộc “gia đình cách mạng”, muốn đi một chuyến ra Bắc, thế nhưng phải năm lần bảy lượt mới đi được, phải cỡ thứ trưởng bảo lãnh mới được cấp giấy cho đi. Sau khi trở về hỏi gì nó cũng không nói chỉ lắc đầu. Một bữa tôi với nó đi uống café, nó nói nhỏ vào tai tôi là trước khi nhận giấy ra Bắc, người ta dặn không được nói với ai về cuộc sống ngoài đó, nên nó không dám nói chuyện nầy với ai. Sau mấy đêm suy nghĩ, nó tự thấy như vậy là không đúng, tại sao không nói cho thiên hạ biết “chiếc nôi” của chủ nghĩa xã hội, cái thiên đường đã đánh đổ Miền Nam để cả nước cùng tiến lên. Nó không thể nào tưởng tượng Miền Bắc nghèo đói và lạc hậu đến thế. Phố xá cũ kỹ dơ bẩn, ngoài đường áo quần chỉ mỗi một màu ô-liu, thỉnh thoảng mới thấy màu xanh đậm, hình như cho công nhân, họa hoằn lắm mới thấy chiếc áo trắng, còn xe đạp bạt ngàn, không thấy có một chiếc xe gắn máy nào, nếu có thì chắc từ Miền Nam mang ra. Hà Nội dưới mắt nó sao thấy thảm thương quá chừng. Sau đó nó nói với tôi bằng giọng mỉa mai, “Tiến lên xã hội chủ nghĩa như vậy đủ rồi, còn tiến mạnh tiến nhanh thì chắc chết quá mầy ơi”.
Mười năm sau (1985), tôi có việc phải ra Miền Bắc vì mấy cái hợp đồng với thương nghiệp ngoài đó. Tôi đứng giữa Hà Nội mà lòng thấy se thắt. Mấy chục năm, người dân “văn vật” chịu đựng một cách dai dẳng mà không nổi loạn nghĩ cũng lạ thật. Áo quần nghèo nàn nhưng con gái Hà Nội mặt mày sáng chưng, phần đông đẹp hơn các thành phố trong Nam. Dưới con mắt tôi, cái thanh lịch chỉ còn lại trên nét mặt của người con gái Hà Nội, còn bao nhiêu cái khác, sau ba mươi năm xã hội chủ nghĩa đã tẩy sạch hết, tiêu tan hết.
Mấy năm trước đây, tôi gặp nhiều văn nghệ sĩ Hà Nội qua Boston theo chương trình của William Joiner. Trong lúc trà dư tửu hậu, tôi có nói với họ về chuyện ra Miền Bắc của tôi năm 1985. Họ đều cười và nói với tôi rằng có dịp bây giờ nên ra Miền Bắc một chuyến, mọi thứ đều thay đổi một cách chóng mặt. Cái chính sách xã hội chủ nghĩa chỉ còn trên lý thuyết, người dân bây giờ giàu có, không còn tiến nhanh tiến mạnh như khi xưa, mà họ chạy đua theo kịp đà tiến hóa của tư bản. Đó là một bước tiến đáng mừng cho dân chúng, để họ được hưởng những tiện nghi, những phúc lợi mà thế giới đã giành được qua những phát minh phụng sự cho con người. Đứng trên phương diện nhân bản, thật đáng mừng cho những mảnh đời tưởng rằng sẽ sống trong tăm tối mãi mãi. Bây giờ ấm no hơn, thoải mái hơn, tuy nhiên vẫn còn bị những rào cản về tự do, dân chủ còn bị siết chặt.
Tôi có dịp lên Thái Nguyên, nhìn những cánh đồng chè bạt ngàn, những người hái chè buổi sáng sớm trong sương mù thật tội nghiệp. Đồng lương công nhân của công ty chè quốc doanh không bao nhiêu, mà phải chịu cực khổ một cách nặng nề. Tôi cũng có dịp đi Quảng Ninh, trông thấy công nhân mỏ than lam lũ trong hầm mỏ. Không biết những nhà lãnh đạo của giai cấp nầy trước đây có giống như anh chị em công nhân, mặt mày lấm lem, sống trong điều kiện kham khổ như vậy không. Chứ khi ấy nhìn họ thấy không khá nổi. Còn nhiều cảnh thật tang thương cho một chế độ xã hội chủ nghĩa mà họ ca tụng như là thiên đường. Thú thật tôi vỡ mộng.
Trước đây tôi không tin những gì mà bộ máy tuyên truyền của Miền Nam nói về Miền Bắc. Tôi không tin những tác phẩm của Xuân Vũ nói về chế độ Miền Bắc. Tôi cho đây chỉ là những tuyên truyền rẻ tiền để hạ nhau, chứ thực tế không đến nỗi như vậy. Sau khi ra Hà Nội, tận mắt nhìn thấy đời sống dân chúng, chứng kiến cảnh làm việc, nhìn thấy sinh hoạt của người dân từ nông thôn đến thành thị, thấy trật tự xã hội bị đổ nhào, đạo đức văn hóa không ai cần phải giữ gìn, những cảnh trắng trợn không ai cảm thấy xấu hổ. Tàu hỏa và xe buýt là nơi bọn đầu trộm đuôi cướp hoành hành mà cơ quan công lực không làm gì được. Dân chúng bị hà hiếp không biết kêu than nơi đâu. Phải công nhận người dân Miền Bắc gặp cảnh tai trời ách nước cay nghiệt, mà họ không hề phản kháng, chỉ cắn răng chịu đựng. Mà phản ứng làm gì được khi bao tử đói meo, chỉ lo mỗi cái ăn chưa xong, hơi đâu ôm đồm chuyện khác.
Xe chạy đến huyện Kỳ Anh (tôi không nhớ thuộc tỉnh nào vì lâu quá, hình như là Hà Tĩnh). Chúng tôi vào một quán cơm bên đường, người con gái bán cơm rất đẹp, nói giọng Hà Nội. Tôi nghĩ giữa nơi đồng không mông quạnh, lại có người nho nhã, ăn nói lễ phép và đồ ăn rất ngon. Trong lúc đó ngay tại Hà Nội chưa có quán ăn nào vừa ý. Tôi xin nói thêm chỗ nầy, Hà Nội lúc đó tìm một quán café cũng rất khó. Đi ăn phở phải xếp hàng và trả tiền trước.
Đặc biệt, khi chúng tôi xếp hàng thì người giữ trật tự mời vào ngồi bàn trước, ăn xong mới trả tiền (ưu tiên cho dân Miền Nam). Tôi hỏi người thu tiền tại sao chúng tôi được đặc ân như vậy. Thì họ trả lời là phải thu tiền trước để biết khách muốn ăn bát phở giá bao nhiêu, thì làm đúng với giá tiền, nếu không họ chỉ trả ít hơn thì mình không biết phải làm sao, hoặc ăn xong không trả tiền rồi bỏ chạy. Còn các anh ở Miền Nam đã quen với cái lối trả tiền sau, các anh nhắm mình có đủ tiền mới vào quán và nếu có bỏ chạy thì các anh không biết đường nào mà chạy thoát được. Vì vậy chúng em phải tiếp các anh như ở Sài Gòn vậy.
Chính quyền cách mạng xem tụi tôi như một thứ ghẻ lở, nhưng bà con Miền Bắc thì lại xem tụi tôi rất thân tình. Sau khi ăn xong, tôi hỏi về gia đình. Giọng nói của cô gái khác với những người chung quanh. Cô cho biết cha mẹ cô là dân Hà Nội chính gốc, sau 54 bị tịch thu nhà cửa và đi kinh tế mới nên phải trôi giạt vào đây. Cô hiện thời là sinh viên, cuối tuần phải về để giúp đỡ cha mẹ bán cơm. Nhìn hình ảnh của cô, tôi liên tưởng đến những bà con ở Sài Gòn đi kinh tế mới. Chắc chắn họ không được may mắn như gia đình cô hiện thời, cái gốc Sài Gòn của họ rồi cũng sẽ mất. Nhà to cửa lớn của họ đã được các “quan cách mạng tiếp thu”, đổi chủ một cách hà khắc.
Chưa có một cuộc sống nào người dân phải chịu đựng oan ức như trong thời “giải phóng”. Tôi nhìn ra cánh đồng xa xa, thấy những chiếc áo tơi (chầm bằng lá buông mà vào khoảng thập niên 60 không còn thấy xuất hiện tại Miền Nam), nhấp nhô trên đồng ruộng. Tôi hỏi cô gái trời nắng như vậy mà tại sao phải mặc áo tơi. Cô ta cho biết, làm gì có áo mặc để làm ruộng, họ mặc áo tơi để thay cho áo vải. Nhìn qua cánh đồng khác tôi thấy người kéo cày thay cho trâu bò. Lần đầu tiên trong đời tôi mới thấy cái cảnh thân hình thiếu ăn ốm o, choàng sợi dây trên vai kéo cái cày, có một đứa bé đứng phía trên, thật tội nghiệp.
Những năm của Miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã gặt hái những gì tốt hơn cho người dân? Cái cảnh trông thấy trước mắt mà tôi có dịp ra Miền Bắc, cho tôi một bài học là phải bằng mọi cách tìm đường ra nước ngoài, nếu không thì quá trễ, và viễn ảnh cho thấy cuộc đời sẽ khốn nạn, thê thảm, bần cùng như bà con ruột thịt Miền Bắc đang gánh chịu.
Một chuyện buồn cười. Xe của chúng tôi tới Bến Thủy, chờ lên phà để về lại trong Nam. Đoàn xe nối đuôi nhau dài cả cây số. Tôi nghĩ trong bụng ở đây chờ ít nhất phải hai ngày trời mới tới phiên mình, vì lúc ấy chiếc “phà” chỉ chở được bốn chiếc xe vừa qua lại mất cả tiếng đồng hồ. Nói là “phà” cho nó oai vậy, chứ quả thật là mấy cái phao cột dính lại với nhau, một chiếc tàu nhỏ như ca-nô kéo đi.
Tôi nghe các tài xế chạy trên đường xuyên Việt kể lại rằng trong mùa nước lũ, phà bị đứt dây trôi mất là chuyện thường. Tôi hỏi thế thì xe và người trên phà phải làm sao? May mắn thì được vớt, còn không thì chết thôi. Chuyện quan trọng như vậy mà người kể chuyện xem như thường và những cơ quan có trách nhiệm điều hành về phà qua lại trên sông, tỉnh bơ xem đó không quan trọng, không phải trách nhiệm của mình. Chiếc phà bao năm vẫn không thay đổi. Cho nên mấy chiếc phà bắt qua bắc Cần Thơ hay bắc Vàm Cống thấy rất an toàn.
Đang ngồi trên xe tán chuyện với nhau, thì người phu cầm cờ đỏ chạy đến xe chúng tôi hỏi có cần phải qua phà nhanh không? Người tài xế hỏi ông giá bao nhiêu. Ông trả lời muốn đi ngay thì cho nhiều một chút, muốn qua phà chậm thì ít hơn. Người phu cầm cờ đỏ đưa hai ngón tay (có ý là hai trăm đồng) chạy ngay. Hai trăm đồng - Lương công nhân thuở đó là năm mươi đồng một tháng. Ông ta cầm cờ đỏ giơ cao chạy trước, miệng la lớn: “Anh em Miền Nam giúp đỡ anh em Miền Bắc”. Họ xem cái chuyện đút lót nầy là bình thường, là công khai, cho những chiếc xe khác noi theo. Chiếc xe của tụi tôi ưu tiên xuống trước. Đứng trên phà qua sông, thật tình tôi ngao ngán cho một xã hội mà tôi đã chứng kiến trên Miền Bắc. Rồi đây Miền Nam của chúng tôi sẽ lăn trên vết xe của đồng bào ngoài kia đã trải qua. Bấy giờ chúng tôi đã thấy ngột ngạt khó thở, người ta đã bắt đầu áp dụng đường lối cứng rắn để uốn nắn dân Miền Nam rập khuôn Miền Bắc.
Xe chạy đến Quảng Bình, thành phố xem như bình địa vì bị bom của Mỹ rải nát, mười năm sau vẫn còn nguyên si, không sửa chữa. Thành phố lợp tranh trên những nền nhà cũ. Nhà thờ chính Quảng Bình chỉ còn trơ lại gác chuông. Dấu tích chiến tranh vẫn chưa xóa, nhìn thành phố chúng ta đủ biết nơi đây đã nhận biết bao nhiêu bom đạn. Chúng tôi vào uống nước tại một căn nhà tranh trên Quốc Lộ, chủ quán là một anh thương binh trạc tuổi tôi. Lúc đầu mới vào anh nói chuyện với chúng tôi sặc mùi cộng sản. Chẳng hạn như về những năm tháng chiến tranh mà Quảng Bình nhận lãnh hậu quả nặng nề nhất.
Anh nói rất tự hào: “Quảng Bình quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Người dân Quảng Bình kiên cường đứng đầu cả nước chống giặc xâm lăng Mỹ”. Tụi tôi chỉ lắng nghe anh thao thao bất tuyệt về chiến tranh, về chính sách, về con người sống thế nào cho phù hợp chế độ. Luận điệu nầy tôi đã từng nghe những người thắng trận lớn lối nói ra rả vào tai tụi tôi. Anh hỏi tôi trước khi hòa bình tôi làm gì ở Miền Nam. Tôi không trả lời ngay câu hỏi của anh, tôi vén ống quần cho anh thấy cẳng chân giả làm bằng plastic. Tôi chỉ trả lời vỏn vẹn: “Tôi là người lính của Miền Nam”. Sau khi nhìn thấy sự mất mát thân thể của tôi, sau khi nghe tôi xác định một cách chắc nịch về con người thật của tôi, con người mà đứng trên chiến tuyến là đối nghịch với anh. Tôi nói không có một chút thù hận, không tranh cãi với anh, tôi chấp nhận danh phận không may mắn của tôi. Thái độ nầy tôi làm cho anh bất ngờ lúng túng. Tôi thấy anh ngồi suy tư, nhìn tôi có chút ngậm ngùi. Anh thấy những gì anh nói với tôi đều là những câu tuyên truyền không cần thiết, mười năm “giải phóng” tôi đã hiểu rõ chân tướng của chế độ, có đánh bóng nó cách mấy cũng không thể che đậy cách trả thù hèn hạ trên đầu anh em chúng tôi. Tôi trả tiền nước rồi ra xe, anh chạy theo bắt tay tôi thật chặt, anh nói là anh cảm thấy mắc cỡ ăn nói quá nhiều hàm ý tuyên truyền, khi nhìn thân thể tôi, anh biết không dễ gì lay chuyển được tôi. Dù là người bại trận, đang sống dưới chế độ thù nghịch, tôi vẫn không tránh né về thân phận của mình.
Từ Quảng Bình về Quảng Trị con đường gập ghềnh, lởm chởm. Xe qua cầu Hiền Lương, chiếc cầu lịch sử ngăn chia Nam Bắc. Chiếc cầu nhỏ nhắn, dễ thương, nó đứng giữa ranh giới chứng kiến biết bao nhiêu tai ương đổ xuống trên đầu nhân dân hai miền Nam -Bắc. Nó ngăn cách không những chế độ bên nầy, bên kia, mà nó còn ngăn cách cả lòng người, xé tan tình tự của dân tộc. Bao nhiêu năm hòa bình mà ấn tượng, đố kỵ còn nặng nề quá vẫn chưa biết làm sao nối lại được. Chiến tranh chỉ trong vòng 20 năm, mà đến 35 năm sau sống trong hòa bình vẫn chưa có cách nào chung sống trong tình anh em ruột thịt. Tuy không còn cầm súng giết hại nhau, không còn ranh giới phân chia chiến tuyến, thế nhưng bức tường chắn giữa lòng người (nói theo kiểu Tưởng Năng Tiến) vẫn còn kiên cố ngăn cách đôi bên, không ai chịu phá bỏ và quên đi cái thời xa xưa nhục nhã của dân tộc.
Chút hồi ức nầy không dụng ý khơi dậy đống tro tàn, nhưng để nói lên cho chúng ta biết “có một thời như thế”, một thời mà không ai muốn nhớ lại, và rồi, cũng không thể nào quên được!!!
Phan xuân Sinh
Có thể là hình ảnh về 7 người, ngọn lửa và ngoài trời

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2022

XƯA VÀ NAY

 XƯA VÀ NAY

Nhân Thế Hoàng
Mình là người BẮC nhưng nghe những người cao tuổi đã từng sống qua hai chế độ kể rằng :
Việt Nam bây giờ, thực sự chẳng khác gì một cỗ máy quay ngược thời gian với ngày xưa.
Xưa SG có cây xăng tự động vào những năm trước 30.4.1975 thì giờ cả xã hội trầm trồ vì một cây xăng có ông quản lý cúi chào khách.
Xưa SG có các chính khách nói tiếng Anh, tiếng Pháp như gió, giao tiếp không cần phiên dịch thì giờ sau 30.4.1974, các chính khách nói tiếng Việt còn bị ngọng, giăng mác êu rô với cờ lờ vờ mờ. Phải cầm giấy đọc như mấy cháu lớp 1 trường làng.
Xưa SG có nhà thương thí (nhà thương miễn phí), giáo dục miễn phí thì giờ sau 30.4.1975, bệnh viện sẽ không chữa nếu không đóng tiền trước và học sinh sẽ bị cho nghỉ học nếu không đóng đủ tiền, thậm chí đóng tiền muộn còn bị bêu tên để làm xấu.
Xưa SG lúc người dân bị thương thì có trực thăng tới đưa đi nếu là các trường hợp cấp cứu, giờ xe đi đón bệnh nhân cấp cứu gặp tắc đường là bệnh nhân chỉ còn nước theo ông bà xuất ngoại sang thế giới bên kia, đã vậy còn bị cả cảnh sát giao thông đón lại bắt đóng bánh mì.
Xưa SG nếu nhà dân hay các xí nghiệp bị cháy thì có trực thăng cứu hoả múc nước ở sông lao đến dập lửa. Giờ nhà dân hay các xí nghiệp có cháy đi nữa thì đội cứu hoả đến như để làm cảnh, đám cháy chỉ được dập tắt khi đã cháy không còn gì và tài sản cứu được là... miếng đất còn tất cả tài sản thì được bà hoả mang đi.
Xưa dân Nam Hàn, Phi qua SG làm thuê thì giờ sau 30.4.1975 dân Việt Nam qua đó làm culi ngược lại với con số đông hơn gấp nhiều lần. Nhưng giờ đang có nguy cơ các nước ko nhận lao động việt vì họ mang đến quá nhiều tệ nạn như trộm cắp đĩ điếm... buồn cho nền giáo dục thời nay.
Xưa SG coi Cam coi Thái là mọi thì giờ ta qua đó bị coi ngược lại như thế, còn viết cả tiếng Việt để cảnh báo trộm cắp hay do ăn búp phê bỏ thừa quá nhiều.
Cái cỗ máy thời gian này nó đưa Việt Nam tụt hậu mấy chục năm so với Thái Lan và hơn cả trăm năm so với Singapore - những đất nước trước đây chỉ dám nhìn Hòn ngọc Viễn đông của ta với ánh mắt mơ ước, thèm thuồng và kính nể.
Ôi, công lao trời bể này thuộc về ai?
FB Nhân Thế Hoàng
Có thể là hình ảnh về 5 người và mọi người đang đứng