BÀI 17: TRƯỞNG THÀNH [P.8]
46/17: Đừng ăn nói cợt nhả, một lời hai ý.
- Có khi lộ ý móc mỉa người khác.
- Có khi làm cho người ta hiểu nghĩa tục.
Thánh Phaolô dạy: “Lời lẽ của anh em hằng phải thanh nhã, mặn mà, ý nhị, biết đối đáp sao cho phải với mỗi một người” (Cl 4, 6).
Bởi thế: “Con không ngồi chung với phường giễu cợt” (Ger 15,17a)
47/17: Đừng quá tự tôn cao vọng về mình.
Đến như thánh Tông Đồ còn phải nói: “Ai tưởng mình đứng vững, hãy coi chừng kẻo ngã” (1Cr 10,12). Chỉ khi nào ta sống theo mẫu gương thánh Phaolô vì ông đã bắt chước Chúa Kitô (1Cr 11,1), ta mới có quyền tự hào, vênh vang, như thánh Phaolô nói : “Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa” (1Cr 1, 31).
48/17: Phải kiên nhẫn và chịu đựng sống trong một cộng đoàn tương đối êm đẹp.
Sống trên đời không ai có thể tìm được một cộng đoàn lý tưởng để dung thân. Đến như Giáo Hội tuy được gọi là thánh mà Đức Giêsu còn ví như một thuở ruộng có lúa và cỏ mọc chung, đầy tớ tình nguyện đi nhổ cỏ, nhưng chủ bảo cứ để như thế đến mùa gặt hãy tính (x Mt 13, 24-30). Mà nếu mảnh đất nào cỏ không mọc được, thì chẳng ai có thể trồng trọt gì. Nói cách khác, đất mà có cỏ mọc um tùm thì đó lại là đất tốt!
Gia đình Nazareth tuy là một gia đình thánh mà có lúc phải chịu đựng nhau. Cụ thể, Đức Giêsu đến tuổi 12 đã khôn lớn, mà Ngài trốn cha mẹ ở lại Đền thờ dạy giáo lý, làm cha mẹ rất đỗi ưu phiền suốt ba ngày đi tìm con (x Lc 2, 41t).
Đức Giêsu phải thức suốt đêm cầu nguyện với Chúa Cha, xin Cha giúp Ngài chọn 12 môn đệ, thế mà Ngài chọn phải tên Giuđa phản bội (Lc 6,12-13).
Nhóm Mười Hai hay bất hòa vì tranh nhau địa vị nhất nhì (x Mc 9,33-37). Nếu họ không chịu đựng tha thứ cho nhau, cộng đoàn đó đã tan rã và Đức Giêsu không có người cộng tác.
Bởi vậy thánh Phaolô nói:
- “Những sự chia rẽ giữa anh em thế nào cũng có, nhưng nhờ vậy mới rõ ai là người đạo đức chắc chắn” (1Cr 11, 19).
- “Yêu thương nhau thì hãy vác lấy gánh nặng của nhau” (Gl 6, 2).
49/17: Khi thấy một cộng đoàn có bất hoà, thái độ ta phải thế nào?
1. Ðừng vội kết án phía nào, Kinh thánh nói: “Luật không cho phép ta kết án người nào trước khi nghe người ấy, và biết người ấy làm gì” (Ga 7,51).
2. Ðừng nói: Tôi chẳng thuộc phe nào! Mà phải tìm hiểu nguyên nhân nào đưa tới sự bất hoà. Khi biết ai đấu tranh vì chân lý, ta phải đứng về phía họ để bênh vực, đừng sợ mang tiếng chống đối. Bởi vì Chúa Giêsu đã xác quyết: “Sự thật sẽ giải phóng các ngươi” (Ga 8,32). Kìa sứ mệnh “Đức Giêsu làm cho nhiều người chỗi dậy, nhiều kẻ bổ nhào” (Lc 2, 34). Chỉ vì Ngài đấu tranh cho sự thật lên ngôi.
3. Bởi đó, ai theo Chúa Giêsu phải biết gây chia rẽ vì bảo vệ chân lý. Thánh Tông đồ dạy: “Nếu tôi luôn làm hài lòng người đời, tôi không còn là nô lệ của Đức Kitô”(Gl 1,10) vì sự khôn khéo của đời là điều điên dại đối với Chúa (1Cr 3,18-20)
50/17: Đừng có nhờn mặt. Khi người dưới thấy người trên dễ dãi, bình dân, có lối sống thân tình với mọi người kể cả người dưới, thì người dưới đừng vì thế mà nhờn mặt, đến nỗi không coi trọng lời dạy bảo của người trên!
Thánh Phêrô dạy: “Những kẻ hậu sinh (người dưới), hãy biết suy phục hàng niên trưởng (người lãnh đạo). Còn đối xử với nhau hết thảy (người trên cũng như kẻ dưới) hãy mặc lấy đức khiêm nhường” (1Pr 5, 5).
“Ðừng gần chùa gọi bụt bằng anh!”(Tục ngữ).
LM. GIUSE ĐINH QUANG THỊNH [phaolomoi.net]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét