Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

ĐỨC MẸ FATIMA, Ngày 13/5

ĐỨC  MẸ  FATIMA,
Ngày 13/5




Mỗi nơi Mẹ Maria hiện ra đều mang một dấu ấn và để lại ấn tượng kỳ diệu nơi  mỗi người suốt thể kỷ này tới thế kỷ kia.Ngôn ngữ loài người không gì có thể diễn tả hết về người Mẹ. Danh xưng Mẹ vẫn là từ ngữ hợp với tâm tình của con người nhất. Nói đến Mẹ, tự nhiên con người ai cũng cảm thấy như có một cái gì đó dâng đầy con tim,tràn ngập tâm hồn con người. Hôm nay, mừng kính Đức Mẹ Fatima, mãi muôn đời nhân loại sẽ khôngbao giờ quên sứ điệp của Mẹ đã nói với Lucia, Jacinta và  Phanxicô trên đồi Cova da Iria ngày 13 tháng 10 năm 1917.

BA TRẺ LUCIA, JACINTA VÀ PHANXICÔ

Ba trẻ Lucia, Jacinta và Phanxicô là ba bé chăn chiên thuộc gia đình nghèo làng quê Fatima, nước Bồ Đào Nha. Các trẻ em này thuộc giáo phận Leiria. Hàng ngày các em được gia đình, cha mẹ trao phó việc dẫn đoàn súc vật: chiên, cừu đi ăn cỏ ở các vùng đồi núi quanh đó. Các em thường có thói quen sau khi để bầy súc vật ăn cỏ, liền qùi gối trên bãi đất trống đọc kinh, lần chuỗi mân côi chung với nhau. Vào mùa hè năm 1917 lúc đó thế chiến thứ nhất đang tiếp diễn, ngày 13 tháng 5 năm 1917, khi các em đang sốt sắng đọc kinh, lần chuỗi mân côi lúc gần giữa trưa, một luồng chớp chói lòa làm các em bỡ ngỡ, kéo hoàn toàn sự chú ý của các em về những ngọn cây trên đồi Cova da Iria, một Vị sáng láng hiện ra, Thiếu Nữ ấy xin các em cầu nguyện cho những người tội lỗi ăn năn trở lại, chiến tranh sớm kết thúc Thiếu Nữ dặn các em hãy trở lại nơi này vào ngày 13 mỗi tháng. Theo lời Thiếu Nữ căn dặn, các em tới đó và được nhìn thấy Thiếu Nữ hai lần sau đó vào ngày 13 tháng 6 và ngày 13 tháng 7. Ngày 13 tháng 8, nhà cầm quyền địa phương ngăn cản các em không cho tới Cova da Iria, nhưng Thiếu Nữ đã hiện ra với các em vào ngày 19. Ngày 13 tháng 9, Thiếu Nữ xin các em lần hạt Mân Côi để cầu cho chiến tranh sớm kết liễu. Ngày 13 tháng 10, Thiếu Nữ hiện ra và xưng mình là Mẹ Rất Thánh Mân Côi. Mẹ mời gọi các em cầu nguyện và làm việc đền tạ. Lần này, một hiện tượng rất lạ đã xẩy ra làm rúng động mọi người: Chính quyền, dân chúng và các
nhà báo, hiện tượng này gọi là Mặt Trời múa hay thái dương như rơi khỏi bầu trời và lao xuống đất. Ngày 13 tháng 10 năm 1930, sau nhiều năm điều tra, xác minh và cầu nguyện, tìm hiểu, Đức Giám Mục Leira đã công nhận chính thức việc Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ tại đồi Cova da Iria , Fatima, Bồ Đào Nha và cho phép tổ chức các việc đạo đức để cung kính Đức Maria Mân Côi nơi Mẹ đã hiện ra vào năm 1917.

SỨ ĐIỆP FATIMA, NƯỚC BỒ ĐÀO NHA

Chính phủ Bồ Đào Nha lúc đó coi đây là huyền thoại tôn giáo, một sự tuyên truyền dị đoạn, cần phải đánh đổ, nhưng sự thật vẫn là sự thật. Sự thật sẽ giải phóng con người. Đức Mẹ đã hiện ra đúng như lời Mẹ loan báo trước và sự kiện thái dương như muốn rơi xuống đất, làm khiếp kinh hồn vía mọi người, đã minh chứng quyền năng của Thiên Chúa. Qua biến cố lạ lùng như thế, Mẹ Maria Rất Thánh Mân Côi kêu mời nhân loại hãy ăn năn sám hối. Sứ điệp của Fatima là hãy cầu nguyện cho các tội nhân, lần chuỗi Mân Côi và sám hối. Ngày 13 tháng 10 năm 1917, Đức Mẹ dậy:” Mẹ đến kêu nài các tín hữu hãy lần hạt Mân Côi. Mẹ mong ước nơi đây có một nguyện đường tôn kính Mẹ. Nếu người ta cải thiện đời sống thì chiến tranh sớm kết thúc “.
Đức Mẹ đã hiện ra với ba trẻ để qua các em, Mẹ nhắn nhủ nhân loại siêng năng cầu nguyện, năng lần chuỗi Mân Côi và thống hối ăn năn. Mẹ đã trao cho ba trẻ nhiều bí mật và căn dặn các em sống thánh để cầu nguyện cho những kẻ có tội và cứu vãn thế giới. Trải qua nhiều năm, Fatima đã thu hút biết bao khách hành hương đến tôn vinh Mẹ Rất Thánh Mân Côi. Các Đức Giáo Hoàng Piô XII, Phaolô VI và Gioan Phaolô II, đã đích thân tới Fatima để tôn vinh Mẹ, cử hành thánh lễ nơi Đức Mẹ hiện ra và dâng loài người cho Đức Trinh Nữ Maria.


BA TRẺ VỚI SỨ MẠNG MẸ TRAO PHÓ

Được chiêm ngưỡng Đức Mẹ hiện ra, ba trẻ Lucia, Jacinta, Phanxicô đã sống theo ý Chúa, tuân lời Đức Mẹ. Chúa có con đường của Ngài và Ngài dọn chỗ cho con người tùy lòng xót thương của Ngài. Phanxicô được nhìn thấy Đức Mẹ, nhưng không được nghe lời Đức Mẹ nói, đã qua đời ngày 04 tháng 4 năm 1919, Giacinta qua đời ngày 20 tháng 2 năm 1920. Chúa còn để Lucia sống trong tu viện kín ở Tuy cho đến ngày nay...Ba trẻ đã được hạnh phúc chiêm ngưỡng và nghe lời Đức Mẹ chỉ bảo, dậy dỗ. Với sứ điệp Fatima, Mẹ Maria Rất Thánh Mân Côi muốn nói lên một sự thật tuyệt vời: con người hư đi, thế giới đang dần xa Thiên Chúa, chỉ có thể được cứu vãn bằng những phương thế mà Mẹ dậy:” Cầu nguyện, lần chuỗi Mân Côi và Sám hối ăn năn “.

Lạy Mẹ Fatima, xin giúp chúng con biết siêng năng cầu nguyện, lần hạt Mân
Côi và ăn năn thống hối .

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

THÁNH NÊRÊ và THÁNH ACHILLÊÔ, (St. Nereus and Achilleus) Tử đạo, ngày 12/5

THÁNH NÊRÊ và THÁNH ACHILLÊÔ, (St. Nereus and Achilleus)
Tử đạo, ngày 12/5



Các vị thánh là những người đã sống tới mức anh hùng của các nhân đức,các ngài cố gắng hết sức họa lại hình ảnh của Chúa Giêsu. Như một tảng đá các Ngài phấn đấu gọt dũa sống hết mình vì Đức Kitô. Hai thánh Nêrê và Achillêô đã để lại mẫu gương tuyệt vời về lòng trung kiên đối với Chúa Giêsu Kitô.

HAI THÁNH NÊRÊ và ACHLLÊÔ ANH HÙNG

Hai thánh nhân trước khi được phúc chết vì đạo đều là những binh sĩ  ngoại giáo. Quả thực, Chúa muốn tuyển chọn ai là do sự tự do, tấm lòng quảng đại, hoàn toàn vô vị lợi của Chúa. Một tiếng gọi, một lời mời vang lên: Chúa có con đường và có cách của Ngài. Tiếng của Chúa có thể ngỏ trực tiếp với một người, nhiều người, con người có sẵn sàng đáp trả hay không tùy thuộc tự do của mỗi người.
Thường khi Chúa kêu mời ai, người đó mau mắn đáp lại tiếng gọi của Ngài.Trường hợp của Nêrê và Achillêô ghi đậm lời sách khải huyền:” Ai thắng, Ta sẽ cho ăn quả cây sự sống, trồng ở trên thiên đàng của Thiên Chúa”( Kh 2, 7 ). Thánh Nêrô và thánh Achillêô đều phục vụ trong quân đội như thánh Sêbastianô dưới thời Hoàng Đế Điôclêtianô. Cơn bách hại đạo xẩy ra vào năm 304, các Ngài còn là người ngoại giáo,nhưng trước những mẫu gương sáng chói của các vị tử đạo, các Ngài đã có đức tin và xin quay trở về với Chúa Giêsu Kitô. Vì lòng can đảm, đức tin sắt đá của các Ngài, hai thánh nhân đã bị bắt, bị tra tấn và bị giết vì danh Chúa Kitô. Ngày nay khi tới Roma, người ta sẽ được viếng, được chiêm ngưỡng hai vương cung thánh đường dâng kính thánh Nêrê và thánh Achillêô: một được xây cất vào thế kỷ thứ IV ở đường Ardéatina và một thánh đường do Đức Thánh Cha Lêô III xây dựng và cung hiến vào những năm 795-816 tại đường Appia.

 CHÚA THƯỞNG CÔNG CHO CÁC NGÀI
Vì lòng mến Chúa và hy sinh cuộc đời, hy sinh mạng sống của mình cho Chúa như lời Chúa nói:” Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của Người hiến mạng sống vì người mình yêu”( Ga 15, 13 ). Thánh Nêrê và thánh Achillêô đã nói lên cái cuối cùng của mình là hy sinh chết vì tình yêu. Các Ngài đã có một giấc mơ như M. Luther King đã nói:” Tôi có một giấc mơ”( I have a dream ).Hai thánhNêrê
và Achillêô đã có một giấc mơ, không phải một giấc mơ được giầu sang, phú quí,  mà là một giấc mơ hiến trọn đời mình cho Chúa bằng chính cái chết của các Ngài.

Lạy Thiên Chúa toàn năng, hôm nay chúng con mừng hai thánh Nêrê và Achillêô tử đạo đã anh dũng tuyên xưng đức tin. Xin cho chúng con luôn được các Ngài bênh vực chở che trước tòa Chúa”( Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Nêrê và Achillêô ).

      Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

THÁNH PHILÍPPHÊ VÀ THÁNH GIACÔBÊ, (St. Philip and St. James) Tông đồ, ngày 03/5

THÁNH PHILÍPPHÊ VÀ THÁNH GIACÔBÊ, (St. Philip and St. James)
Tông đồ, ngày 03/5


Ca nhập lễ ngày lễ hai thánh Philípphê và Giacôbê tông đồ có viết rằng:” Đây là những vị thánh, Chúa đã lấy tình thương chân thành mà tuyển chọn và đã cho các Ngài được vinh quang muôn thuở “. Hại thánh Philípphê và Giacôbê đã được Chúa yêu thương cất nhắc, mời gọi để các Ngài trở nên cột trụ và nhân chứng cho Giáo Hội Chúa Kitô.

ƠN GỌI CỦA CÁC NGÀI


Chúa kêu gọi ai, tuyển chọn, cất nhắc người  nào là do tình thương nhưng không của Ngài.Trường hợp của hai thánh tông đồ Philípphê và Giacôbê nói lên tình yêu thương vô biên của Chúa. Chúa đã mời gọi hai Ngài và tất cả hai Ngài, đã bỏ mọi sự mà theo Chúa Giêsu. Thánh Philípphê ở Betsaiđê cùng quê với thánh Phêrô và Anrê, một làng quê trên bờ biển Tibêriát. Thánh Philípphê đã theo thánh Gioan tiền hô và sau này trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Thánh Philípphê đã bảo cho Nathan biết Đấng Cứu Thế đã đến và dẫn Nathan đến gặp Chúa Giêsu. Tin Mừng đã thuật lại những sự liên hệ mật thiết giữa Chúa Giêsu và thánh Philípphê. Trước khi Chúa Giêsu làm phép lạ cho bánh và cá hóa nên nhiều, Ngài đã thử hỏi xem Philíphê có tìm đâu ra thức ăn cho số đông người ăn hay không ? Chính Philíphê trong bữa tiệc ly đã xin Chúa cho thấy Cha của Ngài:” Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha. Và như thế là chúng con mãn nguyện rồi”. Chúa Giêsu trả lời:” Anh Philípphê. Ai xem thấy Thầy là thấy Cha của Thầy”( Ga 14, 6-9 ).Thánh Philípphê cũng được số đông lương dân xúm lại hỏi han Ngài, xin Ngài cho họ xem Đấng Cứu Thế. Sau khi Chúa về trời, được Chúa Thánh Thần tác động, đổi mới, thánh Philípphê đã rao giảng, loan báo Tin Mừng và giới thiệu Chúa Kitô cho toàn thể dân thành Sitti . Rồi Thánh Nhân đến rao giảng cho dân Hiêrapoli, xứ Rigie và cũng như Thầy mình, Ngài được phúc tử đạo, bị đóng đinh vì danh Chúa Kitô. Xác thánh nhân được dân chúng mai táng ở Rigie, sau đó được cải táng về Roma, chôn cất cạnh thánh Giacôbê. Thánh Giacôbê hậu là anh em họ với Chúa Giêsu. Sở dĩ gọi Ngài là Giacôbê hậu để  dễ phân biệt với thánh Giacôbê con ông Alphê. Thánh nhân trở thành giám mục tiên khởi cai quản thành Giêrusalem. Sau khi Chúa Giêsu phục sinh, Chúa đã hiện ra với Ngài và chính Ngài đã viết một bức thư còn lưu lại trong Tân Ước. Thánh nhân luôn trung thành với đức tin, bảo vệ Giáo Hội và vững tay chèo vững tay lái trên ngai giám mục. Vì ghen tương, đố kỵ, thánh nhân bị bọn biệt phái và một số người cứng lòng, ngạo mạn tố cáo và kết án. Thánh nhân bị bọn chúng bắt, đưa lên nóc nhà thờ, xô Ngài xuống đất và ném đá Ngài cho đến chết. Trước khi lià cõi đời, thánh nhân đã quì gối cầu nguyện, xin Chúa tha thứ cho những kẻ thù hãm hại mình.

CHÚA TRAO MŨ TRIỀU THIÊN CHO CÁC NGÀI và GIÁO HỘI TÔN PHONG CÁC NGÀI:

Như Thầy của mình, các môn đệ đã liều mình, hy sinh mạng sống của mình để làm chứng cho Chúa Giêsu phục sinh. Các Ngài nhất nhất chết cho tình yêu. Đúng như Chúa Giêsu đã nói:” Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu”( Ga 15, 13 ). Như Chúa Giêsu các Ngài đều nhất loạt cầu nguyện cho kẻ thù làm hại các Ngài:” Xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”( Lc 23, 34 ). Các Ngài đã cảm nghiệm sâu sắc thế nào là tình yêu đến tự Thiên Chúa như Henri J.M Nouwen đã viết:” Khi tình yêu đến từ Thiên Chúa, thì tình yêu đó bền bỉ “.

Lạy Chúa, hằng năm Chúa cho chúng con được hân hoan mừng lễ hai thánh tông đồ Philípphê và Giacôbê. Xin Chúa thương nhận lời các Ngài cầu thay nguyện giúp mà cho chúng con biết thông phần vào cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Giêsu để được chiêm ngưỡng nhan thánh Chúa muôn đời( Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Philípphê và Giacôbê, tông đồ ).

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT

THÁNH ATHANASIÔ (St. Athanasius) Giám mục, tiến sĩ Hội Thánh, ngày 02/5

THÁNH ATHANASIÔ (St. Athanasius)
Giám mục, tiến sĩ Hội Thánh, ngày 02/5


Ca hiệp lễ, lễ  thánh giám mục có viết:” Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em. Để anh em ra đi, thu được kết quả, và kết quả của anh em được lâu bền”( Ga 15, 16 ). Thánh Athanasiô đã được Chúa tuyển chọn để làm chứng cho Chúa và củng cố lòng tin cho các tín hữu.

THIÊN CHÚA QUAN PHÒNG


Giáo Hội của Chúa ở trần gian có lúc thịnh, có lúc xem ra đầy an bình, nhưng có những lúc đen xen ánh sáng và bóng tối. Hội Thánh trong mọi thăng trầm của mình đã được Chúa Thánh Thần luôn chở che, gìn giữ và soi sáng. Giữa những phong ba bão táp, bách hại đạo, cấm cách đạo ở muôn thời, Giáo Hội của Chúa Kitô luôn đứng vững vì Chúa luôn thực hiện lời hứa:” Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Năm 311, cơn cấm cách, bắt đạo vừa chấm dứt, Giáo Hội lại bị bè rối nổi lên, phá phách, xuyên tạc giáo lý, làm nhiều người chưa vững đức tin bị lung lay. Arius tại Alexandria tuyên truyền giáo thuyết lạc đạo chối bỏ thiên tích của Chúa Giêsu. Hội Thánh được tràn đầy Thánh Thần luôn cương quyết bảo vệ đức tin, vào năm 325, Giáo Hội triệu tập công đồng Nicée để lên án Arius và xác quyết:” Đức Kitô là Thiên Chúa, được sinh ra mà không phải tạo thành, đồng bản tính với Đức Chúa Cha”. Cuộc chống lại Giáo Hội với giáo thuyết lạc đạo này đã kéo dài tới 50 năm, Arius đã làm lung lạc nhiều người, làm cho nhiều người không biết đâu là bến bờ, là chân lý. Thiên Chúa có cách của Ngài như lời thánh vịnh nói:” Hãy nói với chư dân: Chúa là vua hiển trị, Chúa thiết lập địa cầu, địa cầu chẳng lay chuyển, Người xét xử muôn nước theo đường ngay chính”( TV 96, 10 ). Thiên Chúa đã ban cho Hội Thánh nhiều vị bênh vực đầy Thánh Thần và khôn ngoan mà nổi bật nhất là thánh Athanasiô.

THÁNH ATHANASIÔ BÊNH VỰC GIÁO HỘI

Không sợ Hoàng Đế, không ngán ngẩm, sợ sệt các giám mục chạy theo  bè rối chống lại Hội Thánh. Thánh Athanasiô không sợ gian nan, nguy hiểm, hình phạt. Thánh Athanasiô với cương vị mục tử từ năm 328 tới 373, đã 5 lần bị lưu đầy, tù tội. Thánh nhân thực hiện lời Chúa dậy:” củng cố lòng tin”, Ngài đã hiên ngang, anh dũng, đã giữ vững đức tin, với một ý chí sắt đá, với một lòng tin không gì lay chuyển nổi, thánh Athanasiô đã luôn bảo vệ giáo lý chân chính của Chúa Kitô. Thánh nhân đã viết nhiều bài giảng ca tụng đức trinh khiết và bậc sống ẩn tu, Ngài đã diễn tả tình yêu mật thiết với Đức Kitô, Đấng đến trần gian để cho nhân loại được sống và sống dồi dào( Ga 10, 10 ). Thánh nhân đã luôn tâm niệm lời thánh vịnh: “ Ai gieo trong nước mắt sẽ về giữa tiếng cười…”. Thánh Athanasiô đã được Giáo Hội tôn vinh và đặt Ngài làm tiến sĩ Hội Thánh.

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã cho thánh giám mục Athanasiô được can đảm đứng lên bênh vực niềm tin của Giáo Hội về thần tính của Đức Kitô, Con Một Chúa. Xin nhận lời thánh nhân chuyển cầu, cho chúng con biết nghe lời Người giảng dạy, để ngày càng hiểu biết và yêu mến Chúa hơn.”( lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Athanasiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh ).

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

THÁNH GIUSE THỢ (1.5)

THÁNH GIUSE THỢ (1.5)

THÁNH GIUSE THỢ (1.5)
(Mt 13, 54-58)

Một cha giáo lớn tuổi có lần chia sẻ với anh em chúng tôi trong lớp thế này: “Các thầy bây giờ sung sướng hơn chúng tôi ngày xưa rất nhiều; thay vì phải chạy đến chiếc tivi, chiếc đầu máy để bật tắt hay chuyển kênh, thì bây giờ chỉ cần ngồi một chỗ với chiếc remote; thay vì phải đi đến với người khác thì giờ đây chỉ cần alô; thay vì phải vào thư viện, vào nhà sách để tra cứu tìm tòi, thì chỉ cần ngồi tại chỗ với chiếc máy tính, gõ mấy chữ vào trang google,…”; rồi ngài nói vui: “Nhìn thấy những sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, tôi khám phá ra một nhân đức mới; nhờ nhân đức này mà các thầy có được những tiện nghi như hôm nay, đó là NHÂN ĐỨC LƯỜI”. Thế là cả lớp có một trận cười.
Tôi nhận thấy lời cha giáo cũng phần nào có lý. Lẽ dĩ nhiên, những tiến bộ, phát minh mới của khoa học kỹ thuật chỉ nhằm mục đích chính là phục vụ cho đời sống con người; nhưng rồi con người lại lạm dụng quá mức, chỉ đi tìm một cuộc sống dễ dãi, một cuộc sống hưởng thụ, mà không biết trân trọng công lao khó nhọc của những bàn tay con người; và thế là họ đánh mất hết ý nghĩa và giá trị của cuộc sống. Tệ hại hơn, có khi họ trở thành nô lệ cho những phương tiện, những máy móc.
Trong thời Khổng Tử – khoảng ba ngàn năm trước – một lần Khổng Tử đến thăm ngôi làng nọ. Trong vườn, ông gặp một lão già cùng cậu con trai đang lấy nước dưới giếng lên. Đối với ông già, việc lấy nước rất là mệt nhọc dù đã có người con giúp đỡ. Mà ông thì đã quá già. Khổng Tử lấy làm lạ vì ông già này không biết rằng giờ đây người ta dùng trâu hoặc ngựa để kéo nước thay cho người. Ông già vẫn đang tự kéo nước lấy. Ông vẫn còn dùng cách cũ!
Vì thế Không Tử đến gần ông già và nói: “Ông bạn! Ông không biết có một sáng kiến mới ư? Người ta dùng trâu hoặc ngựa để mà kéo nước. Tại sao ông vẫn tự mình làm?”.
Ông già trả lời: “Hãy nói nhỏ thôi, nói nhỏ thôi! Đối với tôi, dù bạn nói gì cũng không thành vấn đề, nhưng tôi sợ con trai tôi nghe thấy”.
Khổng Tử hỏi: “Thế nghĩa là gì?”
Ông già trả lời: “Tôi biết những sáng kiến ấy, nhưng mọi người sáng kiến như thế sẽ đưa con người tách biệt khỏi lao động. Tôi không muốn con tôi tách khỏi lao động; bởi ngày mà nó bị tách biệt khỏi lao động, nó sẽ bị tách biệt khỏi chính cuộc sống”.
Cuộc sống và lao động là đồng nghĩa. Cuộc sống và lao động có cùng một ý nghĩa. Nhưng dần dần, con người bắt đầu cho rằng ai mà không phải lao động thể lực nhiều là người may mắn, còn những ai phải lao động nhiều là kém may mắn. Vì lẽ đó mà có những người suốt ngày chỉ ăn rồi ở không trong khi những người khác phải lao động vất vả suốt cả ngày.
Lao động dù là chân tay hay trí óc thì cũng mang cùng một ý nghĩa; khi con người sử dụng thân xác và trí óc của mình để lao động, họ hiện thực chính cuộc sống của mình, phát triển nhân vị và làm cho cuộc sống có giá trị ở giữa trần gian. Thánh Giuse là một con người bình thường được nhắc tới với một chút khinh thường là “bác thợ mộc” lại là gương mẫu cho mọi Kitô hữu và cách riêng cho những người sống nghề lao động chân tay. Đức Giáo Hoàng Piô XII đã xác định lễ thánh Giuse Thợ vào ngày 1.5. 1955 như là một nhắc nhở cho chúng ta ý thức về giá trị của lao động và những người lao động. Chính Thánh Giuse đã lao động bằng đôi tay mình để nuôi sống gia đình Thánh Gia. Hơn nữa, Đức Giáo Hoàng cũng muốn cho chúng ta ý thức rằng, bất cứ một sự lao động chân chính nào cũng là một cộng tác đáng quý vào công việc sáng tạo của Thiên Chúa.
Đức Hồng Y Carlos Martini nói: “Chúng ta là thành quả của việc lao công của Thiên Chúa. Thiên Chúa làm việc vì chúng ta, và tiếp tục làm như vậy. Chúng ta được trao cho trách nhiệm để làm y như thế. Bổn phận của chúng ta là hãy làm như Thiên Chúa đã làm, làm việc trong tình yêu và niềm vui”.
Lời của Đức Hồng Y cũng là lời nhắc nhớ cho mỗi người chúng ta. Cầu xin Chúa cho mỗi người chúng ta ý thức hơn trong mọi công việc mình làm, để qua mọi việc chúng ta làm dù là chân tay hay là trí óc, chúng ta đều làm vì sáng danh Chúa. Amen!.
*Bài viết của thầy Lovely Priest

LỄ THÁNH GIUSE 1-5

LỄ THÁNH GIUSE 1-5
Lm Nguyễn Hồng Giáo
THÁNH GIU-SE THỢ

Ngày 1 tháng 5 là ngày Quốc tế Lao động; trong Giáo Hội Công Giáo đó là ngày kính thánh Giu-se Thợ, thánh Giu-se người lao động. Lễ này được Ðức Giáo Hoàng Pi-ô XII lập ra năm 1955 nhằm đề cao giá trị của lao động và của công nhân, và để cầu nguyện cho tất cả mọi người lao động.
Có người cho rằng Giáo Hội Công Giáo thành lập một số lễ trùng với những dịp kỷ niệm hoặc lễ lớn của xã hội là có một ý đồ xấu. Ví dụ trong cuốn tiểu thuyết Ngày Phán Xét của Bá Dũng (Hà Nội 1985), tác giả viết rằng lễ thánh Giu-se ngày 1/5 hoặc lễ Gia đình Na-gia-rét (nhằm ngày 19/8, ngày Cách mạng Tháng 8 thành công) v.v. là để "buộc chân con chiên" trong nhà thờ, không cho họ tham dự mít tinh kỷ niệm (tr.17).
Ðiều quả quyết này hoàn toàn sai. Trước hết không có lễ Gia đình Na-gia-rét nào vào ngày 19/8 cả. Còn lễ thánh Giu-se Công nhân chỉ là một lễ thường, không bắt buộc giáo dân phải tham dự, thì chẳng buộc tay buộc chân ai được. Quả quyết như trên là do không hiểu rõ hoặc do ác cảm.
Thật ra, việc lập một số lễ nhằm vào một số kỷ niệm nào đó về phần đời là một cách nhìn nhận giá trị của chính biến cố phần đời đó. Ðây là một nguyên tắc hành động của Giáo Hội, tức là nhìn nhận, lấy lại, nâng cao, thánh hóa tất cả mọi giá trị "tự nhiên" của nhân loại và mọi tục lệ tốt lành trong các nền văn hoá. Trong tiếng chuyên môn của thần học, người ta gọi nguyên tắc đó là "hội nhập văn hoá".
Trở lại mục đích của ngày lễ thánh Giu-se Công nhân. Lao động là một giá trị căn bản của loài người. Hơn nữa, lao động còn mang một giá trị tôn giáo cao cả. Xã hội đề cao lao động và người lao động, thì Giáo Hội càng vui mừng vì lao động nằm trong thánh ý của Thiên Chúa, và hơn nữa chính Con Thiên Chúa khi làm người đã muốn sinh ra, lớn lên trong một gia đình lao động nghèo và tự tay mình làm việc để sinh sống như mọi người bình thường. Vậy chẳng có lý do gì để Giáo Hội phải cạnh tranh với xã hội cả.
Công Ðồng Va-ti-can II trong Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng (số 33-34) đã nhắc lại:
"Con người đã luôn cố gắng phát triển thêm mãi đời sống mình bằng việc làm và tài năng. Ngày nay, nhất là với sự trợ giúp của khoa học kỹ thuật, con người đã và đang không ngừng nới rộng sự thống trị của mình gần như trên tất cả thiên nhiên... Ngày nay con người đã dùng sức cần lao để tự cung ứng nhiều phẩm vật mà xưa kia họ mong đợi trước nhất nơi các quyền lực thần linh." Vậy đâu là giá trị và ý nghĩa của hoạt động cần lao ấy? Công Ðồng tiếp: "Ðối với các tín hữu, chắc chắn họat động cá nhân và tập thể của loài người, hoặc nỗ lực vĩ đại của con người vất vả qua các thế kỷ nhằm cải thiện hoàn cảnh sinh sống, tự nó là phù hợp với ý định của Thiên Chúa. Thực vậy, được tạo nên giống hình ảnh của Thiên Chúa, con người đã nhận được mệnh lệnh của Thiên Chúa phải chinh phục trái đất và cai quản vũ trụ... Những điều nói đây cũng áp dụng cho công việc đơn sơ thường nhật. Thực vậy, khi mưu sinh cho mình và cho gia đình mình, tất cả những người hoạt động để phục vụ xã hội đều có lý để tin rằng nhờ lao động của mình, họ nối tiếp công trình của Ðấng Tạo Hoá, phục vụ anh em, đóng góp vào việc hoàn thành ý định của Thiên Chúa trong lịch sử. Người Kitô hữu không những không coi các công trình do con người dùng tài năng và sức lực riêng để thực hiện là chống đối quyền năng Thiên Chúa, không coi con người là địch thủ của Tạo Hoá mà còn xác tín rằng các thắng lợi của nhân loai là dấu hiệu biểu dương Thiên Chúa cao cả và là kết quả của ý định khôn lường của Người".
Ðó là giáo lý rõ ràng của Giáo Hội dựa trên Kinh Thánh.
Tuy nhiên, cũng phải khiêm tốn nhìn nhận rằng trong nhiều thế kỷ, Giáo Hội cũng đã có lúc không đi sát với giáo lý Kinh Thánh, nhưng để cho những lý thuyết xa lạ ảnh hưởng trên thái độ của mình đối với lao động, nhất là lao động tay chân. Có một thời Giáo Hội cũng đã coi lao động tay chân là lao động của người nô lệ, chỉ lao động trí óc, lao động tinh thần mới xứng với người tự do. Vì thế trong ngày Chúa nhật, Giáo Hội cấm làm việc tay chân, nhưng làm việc trí óc vẫn được phép. Qui định này, đúng ra, bao hàm quan niệm của Hy-lạp, không phải của Kitô giáo, về lao động. Và có lẽ cũng là quan niệm Việt Nam ta thời trước: Nhất sĩ nhì nông, Hết gạo chạy rông, Nhất nông nhì sĩ!
Phải khiêm tốn nhìn nhận rằng nhiều khi Giáo Hội đã không tích cực tham gia vào những phong trào đấu tranh gian khổ để bênh vực quyền lợi của người lao động. Không biết từ bao giờ, người Công giáo đã thường nhìn các phong trào công nhân, các nghiệp đoàn và những cuộc đình công, bãi thị với con mắt e dè và ngờ vực nếu không phải là tiêu cực. Mình phần lớn cũng là dân nghèo, Chúa của mình xuất thân cũng là một người lao động tay chân nghèo khó, thế nhưng hễ nghe nói tới đấu tranh cho người nghèo, người lao động thì cứ vẫn dửng dưng, nhiều khi lại còn lo sợ hoặc nghi ngờ! Tôi biết rồi, những người đầu tiên đấu tranh có tổ chức cho giới công nhân ở thế kỷ XIX bên Phương Tây phần nhiều cũng chống lại Giáo Hội vì cho rằng Giáo Hội tiên thiên đứng về phía giai cấp bóc lột, đàng khác lắm khi họ dùng việc đấu tranh cho công nhân như một phương thế để lật đổ trật tự xã hội hiện hành, thiết lập một chính quyền mới của giai cấp công nhân. Ðiều đó vẫn còn đúng mãi về sau, cho đến gần hết thế kỷ XX. Tuyên ngôn Cộng sản của Mác và Ăng-ghen (một tuyên ngôn cho giới công nhân là nạn nhân của chế độ tư bản man rợ thời đầu) đã ra đời năm 1848, nhưng mãi đến năm 1891 Ðức Giáo Hoàng Lê-ô XIII mới ban hành Thông điệp Tân Sự, là thông điệp xã hội đầu tiên của Giáo Hội. Một sự nhập cuộc muộn màng, dù rằng rất cần thiết và hữu ích. Giáo Hội đành phải ngậm ngùi mà ghi nhận rằng Giáo Hội thế kỷ XIX đã đánh mất giai cấp công nhân!
Ngày nay vị trí và vai trò của Giáo Hội đối với các vấn đề của thế giới nói chung và của giới lao động nói riêng đã rất khác so với thời Ðức Lê-ô XIII và ngay cả thời Ðức Piô XII. Lịch sử đã cho thấy rằng rất nhiều hứa hẹn tốt đẹp cho giới lao động đã không được các ý thức hệ lớn thực hiện. Chủ nghĩa Duy kinh tế và chủ nghĩa Tiêu thụ đã chứng tỏ là không phục vụ lợi ích thực sự và bền vững của con người; cả hai đều bao hàm một quan niệm sai sót về con người. Các nhà nghiên cứu nói rằng thời kỳ của các ý thức hệ đã chấm dứt. Trong tình hình mới, tiếng nói của Giáo Hội ngày càng thêm uy tín. Giáo Hội luôn luôn khẳng định rằng kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa chỉ có lý do tồn tại trong sự phục vụ con người và là con người toàn diện, con người trong mọi chiều kích của nó, cá nhân và xã hội, thể xác và tinh thần, "tự nhiên" và siêu việt.
Thánh Lô-ren-sô Tử đạo nguyên là một thày Phó tế của Ðức Giáo Hoàng Xit-tô II, thế kỷ thứ III, và là người quản lý tài sản của Giáo Hội Rô-ma. Khi biết mình sắp được phúc tử đạo, ngài đã bán nhiều tài sản của Giáo Hội và phân phát cho người nghèo. Thật ra, thường ngày Giáo Hội đã phải nuôi khoảng 1.500 người nghèo rồi. Thị trưởng Rô-ma nghe tin, liền ra lệnh cho ngài phải nộp các của cải Giáo Hội cho Hoàng đế. Lô-ren-sô xin khất ba ngày để gom đủ tài sản, kỳ thực thì trong thời gian đó ngài qui tụ một đám thật đông những người mù loà, tàn tật, đau yếu, cô nhi…, rồi đến ngày hẹn, ngài dẫn cả đám người khốn khổ ấy đến dinh thị trưởng và nói: "Ðây là tài sản của Giáo Hội chúng tôi".
Ưu thế của Giáo Hội xưa nay khi bàn đến các vấn đề xã hội vẫn chỉ là Con Người và mối ưu tiên dành cho người nghèo.

THÁNH GIUSE THỢ, ngày 01/5

THÁNH GIUSE THỢ,
ngày 01/5


Đời sống lao động luôn gắn liền với con người: người ta có thể làm việc chân tay và có người dùng tới trí óc. Tất cả đều là lao động.Có một thời giới thợ thuyền đã đứng lên tranh đấu để nâng cao phẩm giá và nâng cao đời sống của họ vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ thứ XX tại Aâu Châu. Nhiều phong trào đấu tranh đã nổi dậy đòi giới chủ ông phải tăng lương và xem xét lại giờ giấc, điều kiện lao động. Giáo Hội qua các vị lãnh đạo tinh thần đã lắng nghe tiếng nói, tiếng cầu cứu của họ. Đức Thánh Cha Lêô XIII và Piô XI đã mở ra những chân trời mới trong giới lao động. Đức Giáo Hoàng Piô XII đã chọn Thánh Giuse làm bổn mạng của giới cần lao. Thế giới đã dùng ngày 01 tháng năm để mừng ngày lễ lao động.

THÁNH GIUSE LÀ AI ?

Thánh Giuse sinh tại Nagiarét, một thôn nhỏ bé và nghèo thuộc nước Do Thái. Thánh Giuse thuộc hoàng tộc vua Đavít, nhưng vì gia cảnh sau bao nhiêu đời, bao nhiêu thế hệ lâm cảnh sa sút, nên thánh Giuse phải sống cuộc đời khó khăn, nghèo nàn với nghề thợ mộc để kiếm sống, nuôi gia đình. Thánh Giuse là một người lao động chân chính. Cuộc đời của Ngài là một chuỗi những thử thách triền miên. Tuy nhiên, Thiênn Chúa đã chọn Ngài làm bạn Đức Trinh Nữ Maria và là Cha của Chúa Giêsu Cứu Thế. Suốt đời của Ngài năm chìm bảy nổi chín long đong. Được chọn lựa làm bạn với Mẹ Maria để săn sóc Con Một Thiên Chúa và để giúp nhau sống đời tận hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa. Thánh Giuse đã gặp thử thách ngay khi đính hôn với Maria. Đức Trinh Nữ Maria đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần:” Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu”( Lc 1, 31). “ Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà…”( Lc 1, 35 ). Thánh Giuse lúc đó chưa hiểu ý Chúa, nên Ngài đã bị thử thách lớn lao. Rồi, thánh Giuse và Mẹ Maria đi về quê quán làm sổ hộ khẩu, Mẹ Maria tới ngày mãn nguyệt khai hoa, đã đản sinh Chúa Giêsu nơi hang đá Bêlem(Lc 2, 1-20 ). Như thế vẫn chưa hết, khó khăn và thử thách hầu như lúc nào cũng gắn liền với thánh Giuse: thánh Giuse đưa Mẹ Maria, Chúa Giêsu trốn qua Ai Cập để tránh sự tàn bạo của Hêrôđê, rồi khi Hêrôđê băng hà, Ngài lại đưa Mẹ Maria và Hài Nhi Giêsu trở về Nagiarét( Mt 2, 13-23 ). Rồi tới tuổi, thánh Giuse lại đưa Chúa Giêsu cùng với Mẹ Maria dâng Chúa vào đền thờ: Oâng già Siméoon nói ngôn sứ về Hài Nhi( Lc 2, 22-28 ). Trong mọi biến cố, trong mọi sự chông gai khó khăn, thánh Giuse luôn can đảm, phó thác và sống hoàn toàn công chính, tin cậy tuyệt đối vào sự quan phòng của Thiên Chúa Giavê. Thánh Giuse đã được các thánh sử viết Tin Mừng ca ngợi là người công chính, người được ơn nghĩa với tHiên Chúa. Giáo Hội ca ngợi thánh Giuse:” Người công chính tươi tốt như cây dừa, lớn lên như cây hương nam núi Liban trồng nơi nhà Chúa trong đền thánh Người (Tv 92, 13-14 ) và ca nhập lễ, lễ thánh Giuse 19/3 đã viết:” Đây là người quản gia trung tín và khôn ngoan. Chúa đã đặt lên coi sóc gia đình Chúa”( Lc 12, 42 ). Thánh Giuse quả thực trở thành gương mẫu cho mọi người về mọi nhân đức.

THÁNH GIUSE LÀ MẪU GƯƠNG LAO ĐỘNG CẦN CÙ


Đứng đầu gia đình thánh tại Nagiarét, thánh Giuse đã cần cù lao động, âm thầm thinh lặng và làm việc, đưa lại cho lao động một ý nghĩa cao sâu linh thánh. Thánh Giuse đã chấp nhận một công việc, một nghề tay chân: nghề thợ mộc. Với nghề thợ mộc, một nghề không có gì là vinh dự lắm trong xã hội Do Thái, thánh Giuse vẫn kiên trì phục vụ. Ngài làm việc với tất cả ý thức trách nhiệm của mình. Qua việc làm, qua nghề thợ mộc, thánh cả Giuse đã âm thầm chiêm ngắm mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô, Đấng đang sống nhờ nghề thợ mộc của Ngài. Nơi Nagiarét, thánh Giuse đã phục vụ hết mình: mồ hôi, sự mệt nhọc và lòng hy sinh, quảng đại cố gắng của thánh Giuse đã mặc cho lao động một ý nghĩa tốt đẹp.  Chúa Giêsu trong gia đình thánh nagiarét đã học nơi thánh Giuse sự cần mẫn lao động, đã học nơi Mẹ Maria sự kiên nhẫn, đơn sơ phục vụ trong những công việc gia đình hết sức tầm thường nhưng là những công việc của đời thường, là những lao công của cuộc đời con người. Khởi đi từ gia đình Nagiarét, người Kitô hữu trên khắp thế giới cũng được mời gọi yêu mến lao động dù là lao động chân tay hay lao động trí óc. Tất cả đều được gọi mời gắn liền với thánh cả Giuse, quan thầy và là Đấng bảo trợ của giới lao động. Trong một thế giới đan xen ánh sáng và bóng tối, trong một thế giới văn minh tuyệt đỉnh, lao động dù trí óc, chân tay hay kỹ thuật máy móc điện tử vẫn luôn cần thiết. Sự im lặng: nói ít, làm với hết khả năng, với óc sáng tạo luôn được đề cao, trân trọng. Thánh Giuse đã im lặng để phục vụ, để làm việc. Sự thinh lặng nội tâm của Ngài luôn có một ý nghĩa quan trọng. Thánh Giuse đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm: làm việc với đức tin , với lòng yêu mến.

Trong năm thánh hoá gia đình, việc lao động cũng cần được mọi gia đình xem xét lại vì cuộc đời của từng con người liên kết với công ăn việc làm của mình. Gia đình có đủ ăn, đủ mặc, gia đình có bảo đảm được vật chất, kinh tế của mình, đời sống tâm linh mới tốt hơn. Thánh Giuse đã nêu gương cần lao, đã biến gia đình Nagiarét thành trường đào tạo công ăn việc làm với tất cả lòng tin yêu. Chúa Giêsu cũng đã xuất thân trong gia đình Nagiarét, đã chấp nhận một công việc và làm cho việc lao động tràn đầy ý nghĩa. Mẹ Maria cũng đã làm việc nội trợ với tất cả ý thức, với tất cả lòng tin yêu của mình. Mừng lễ thánh Giuse thợ 01 tháng 5, xin thánh cả Giuse cầu thay nguyện giúp để mọi người, mọi gia đình luôn yêu mến công việc của mình vì những công việc chân chính sẽ giúp cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa.

Lạy Thiên Chúa tạo thành trời đất, Chúa đã muốn cho con người lao động để tiếp tục công trình của Chúa. Xin nhận lời thánh cả Giuse chuyển cầu, cho chúng con biết noi gưong Người để lại là chu toàn nhiệm vụ Chúa đã giao phó, hầu được hưởng niềm vui Chúa đã hứa cho tôi tớ trung thành(  lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Giuse thợ ).

Giuse Nguyễn H ưng Lợi, DCCT

THÁNH PIÔ V, Giáo hoàng, ngày 30/4

THÁNH PIÔ V,
Giáo hoàng, ngày 30/4


Ca nhập lễ, lễ thánh Giáo Hoàng có viết:” Chúa đã lập với vị thánh này một giao ước bình an. Đặt người làm thủ lãnh và ban cho Người chức tư tế, tồn tại đến muôn đời”( Hc 45, 30 ). Thánh Piô V, giáo hoàng đã được Chúa chọn làm thủ lãnh Giáo Hội để củng cố lòng tin cho mọi Kitô hữu trên toàn cầu.

THÁNH PIÔ V GIÁO HOÀNG LÀ AI ?

Thánh Piô V sinh ngày 17 tháng 01 năm 1504 tại làng Bosco( xứ Piémont) Alêsan, thánh nhân có tên thật là Ghiliêri. Được sinh ra trong một gia đình không khá giả, chỉ đủ ăn, thánh nhân từ lúc nhỏ đã phải góp tay vào việc lao động giúp đỡ cha mẹ, Ngài phải đi chăn chiên, cừu . Thánh nhân chỉ được tới trường khi Ngài lên tuổi 13. Ý Chúa rất nhiệm mầu, Ngài đã chọn thánh nhân từ muôn thuở như lời tiên tri Eâdêkiên đã viết:” Ta sẽ kiểm điểm đoàn chiên của Ta và đặt một mục tử chăn dắt chúng. Còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng”( Ed 34, 11. 23-24 ). Thánh nhân đã xin gia nhập Dòng Đa Minh và sau những thời gian tu luyện, nhà tập, Ngài đã được nhà Dòng chấp nhận cho khấn trọng thể. Thánh nhân đã theo đuổi những năm triết và thần học theo giáo luật. Mãn thần học ở đại học Bologne, thánh nhân đã được nhà Dòng cho lãnh nhận sứ vụ linh mục qua tay Đức Giám Mục, Ngài đã làm giáo sư ở đại học Bologne suốt 15 năm. Suốt cuộc đời của Ngài ngời sáng nhân đức vâng phục và bác ái. Thánh nhân luôn bênh vực Hội Thánh, chống lại các bè rối. Với lòng nhiệt thành, sự thông minh và lòng nhân ái nhưng đầy quả cảm, Đức Thánh Cha Piô IV đã đặt Ngài làm bộ trưởng thánh vụ, giám mục Népi và Sutri. Chỉ hai năm sau đó, Đức Giáo Hoàng Piô IV lại cất nhắc Ngài lên chức Hồng Y. Đức Thánh Cha lại giao cho Ngài tòa Mondovi trong xứ Piémont. Dù trên ngôi cao, chức trọng, thánh nhân vẫn giữ sự  khắc khổ, khó nghèo: ăn mặc thô sơ và từ chối mọi của cải, gia tài cha mẹ chia cho Ngài. Thiên chúa có cách chọn của Ngài, nên vào năm 1566, thánh nhân đã được cơ mật viện bầu vào ngôi tòa Giáo Hoàng. Đăng quang Giáo Hoàng, thánh nhân bắt tay ngay vào việc thánh hóa hàng giáo sĩ. Thánh nhân rất khiêm tốn, hiền lành nhưng đầy quả cảm, cương quyết. Thánh nhân mở rộng lãnh vực hoạt động và đã đem lại nền hòa bình cho nhiều quốc gia trên thế giới. Thánh nhân rất thương người nghèo và bệnh nhân. Đây là nhân đức nổi bật, sáng chói của thánh giáo hoàng Piô V. Thánh nhân cương quyết bảo vệ đức tin, củng cố đức tin cho mọi người và tìm mọi cách chống lại các trào lưu, các tư tưởng nghịch với giáo lý công giáo và các bè rối, ly giáo vv…Thánh nhân cũng có lòng sùng kính Đức mẹ, Ngài làm mọi việc dưới sự che chở, phù hộ của Đức Trinh Nữ Maria. Ngài củng cố, thánh hóa hàng giáo sĩ, cẩn thận, cân nhắc việc đề bạt giám mục và rất cẩn thận trong việc truyền chức cho các đại chủng sinh.

THIÊN CHÚA TÔN VINH VÀ GIÁO HỘI TÔN PHONG NGƯỜI


Đức Giáo Hoàng Piô V qua đời năm 1572 sau một cơn bệnh nặng, hưởng thọ 68 tuổi. Với những nhân đức nổi bật, anh hùng của Ngài, Đức Thánh Cha Clêmentê X đã cất nhắc Ngài lên bậc chân phước, Đức Giáo Hoàng Clêmentê XI vào năm 1712 đã tôn phong Ngài lên bậc hiển thánh. Thiên Chúa đã trao mũ triều thiên vinh quang cho Ngài…

Lạy Chúa, chúa đã an bài cho thánh Piô V làm Giáo Hoàng để bảo vệ đức tin và canh tân phụng vụ. Vì lời thánh nhân chuyển cầu. Xin cho chúng con biết cử hành các mầu nhiệm của Chúa với đức tin sống động và lòng mến nhiệt thành( Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Piô V, giáo hoàng ).

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

THÁNH CA-TA-RI-NA XI-Ê-NA, (St. Catherine) trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh, ngày 29/4

THÁNH CA-TA-RI-NA XI-Ê-NA, (St. Catherine)
trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh, ngày 29/4


Ca nhập lễ thánh trinh nữ Ca-ta-ri-na Xi-ê-na có viết rằng:” Đây là một trong số các trinh nữ khôn ngoan, đã cầm đèn sáng ra đón Đức Kitô”. Thánh nữ Ca-ta-ri-na
Xi-ê-na đã được Hội Thánh ca ngợi là khôn ngoan, công chính và thông minh.

MỘT CON NGƯỜI. MỘT CUỘC ĐỜI


Thánh nữ Catarina chào đời năm 1347 trong một gia đạo đức và thế giá. Ngay từ lúc còn nhỏ, Catarina đã được hưởng một nền giáo dục hết sức nhân bản và đạo đức của gia đình: Ngài được thụ hưởng đức tính cương nghị của người cha, đức tính hiền lành, khiêm nhượng của người mẹ. Hai đức tính của cha mẹ, đã hun đúc thánh nhân nên con người quả cảm nhưng rất cương quyết, nghiêm túc trong cuộc đời và đời tu. Thánh nhân đã có ý định dấn thân cho Chúa ngay từ lúc còn nhỏ tuổi. Đến lúc trưởng thành vì thánh nhân có đức tính tốt, có lòng đạo đức, hiền lành, nên nhiều chàng trai đã đến ngỏ ý xin cưới Người làm vợ, nhưng tất cả đều bị Người từ chối. Chúa có cái nhìn của Ngài và ý định của Ngài vô phưng dò thấu như lời thánh Phaolô tông đồ đã viết:” Sự giầu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên chúa sâu thẩm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được ! “( Rm 12, 33 ).Thiên Chúa đã giúp Người qua qua biết bao nhiêu chông gai thử thách của cuộc đời. Năm 1364, với bao nhiêu cố gắng, hy sinh, ăn chay cầu nguyện, cha mẹ của thánh nữ Catarina đã chấp thuận cho Người đi tu. Thánh nhân đã xin gia nhập Dòng Đaminh với tên gọi là Thống Hối( Pénitence ). Thánh nhân đã sống một đời sống khó nghèo, khổ hạnh đầy gương mẫu và thánh thiện. Thánh Đaminh đã nhiều lần hiện ra yên ủi và khuyến khích thánh nữ sống con đường tận hiến tốt đẹp. Chúa Giêsu cũng đã nhiều lần tỏ mình ra để trò chuyện và dạy bảo thánh nữ. Thánh nữ đã sống rất hài hòa với mọi người: hòa mình trong đời sống, giúp đỡ mọi người nhất là những người nghèo khó, tật nguyền, bơ vơ, tất bạt. Thánh nữ cũng đã hòa giải được nhiều gia đình, nhiều dòng họ đã có những mối thù lâu đời. Tuy nhiên, có kẻ thương cũng có kẻ ghen tỵ, ganh ghét, manh tâm chê bai, ghép cho Người nhãn hiệu giả hình. Thánh nhân cũng đã có công trong việc vận động đưa Giáo Triều về lại La Mã vì Giáo Triều lúc đó đang lưu vong ở Avignon nước Pháp, Người chấn hưng lòng đạo đang sa sút, xin tổ chức đạo binh thánh giá để chống lại người Hồi Giáo. Thánh nữ còn được Tòa Thánh tin tưởng, tín nhiệm cho mời về La Mã làm cố vấn cho Giáo Triều.

THIÊN CHÚA TÔN VINH NGƯỜI


Thánh nữ ra đi về nhà cha vào ngày 29 tháng 4 năm 1380. Đức Thánh Cha Piô II đã tôn phong Catarina lên bậc hiển thánh vào năm 1491. Với bao nhiêu công đức, với những tư tưởng đạo đức, thần bí theo đúng tinh thần Phúc Aâm, thánh nữ Catarina thành Xiêna đã được Hội Thánh cất nhắc lên bậc tiến sĩ Giáo Hội.

Lạy Chúa, Chúa đã đốt lửa yêu mến nồng nàn trong lòng thánh nữ Catarina Xiêna, khiến thánh nữ vừa thiết tha chiêm ngưỡng Đức Kitô chịu khổ nạn, vừa hăng say phục vụ Hội Thánh. Xin nhận lời thánh nữ chuyển cầu, cho dân Chúa biết thông phần khổ nạn với Đức Kitô, để được vui mừng chiêm ngưỡng vinh quang Chúa” (Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na, trinh nữ, tiến sĩ Hội Thánh).

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

THÁNH PHÊRÔ MARIA CHANEL, (St. Peter Chanel) linh mục, tử đạo, ngày 28/4

THÁNH PHÊRÔ MARIA CHANEL, (St. Peter Chanel)
linh mục, tử đạo, ngày 28/4


Thánh vịnh 92,13-14 viết rằng:” Người công chính vươn lên tựa cây dừa tươi tốt, lớn mạnh tựa huơng bá Li-băng được trồng nơi nhà Chúa, mơn mởn giữa khuôn viên đền thánh Chúa ta”. Thánh Phêrô Maria Chanel quả thực là người công chính Chúa đã chọn để làm chứng cho bộ mặt đầy yêu thương của Ngài.

THÁNH PHÊRÔ MARIA CHANEL LÀ AI ?


Thánh nhân sinh ngày 12 tháng 7 năm 1803 tại Cuet, một làng thuộc địa phận Lyon, nước Pháp. Gia đình của thánh nhân gồm tám anh em và Ngài là thứ năm. Thánh nhân theo ban cổ học tại Maximieux, rồi học thần học tại Đại Chủng Viện Brou và lãnh nhận sứ vụ linh mục ngày 15 tháng 7 năm 1827. Thánh nhân ban đầu được bổ nhiệm làm phó xứ, giáo xứ Ambérieu, sau đó Ngài được cất nhắc làm cha sở giáo xứ Crozet. Thánh nhân xin gia nhập hội thánh mẫu Maria vào năm 1831. Thánh nhân làm giáo sư tiểu chủng viện Belley năm năm và sau đó Ngài xin đi truyền giáo tại Océanie. Thánh nhân luôn xác tín lời thánh vịnh:” Kẻ gắn bó cùng Ta sẽ được ơn giải thoát, người nhận biết danh Ta sẽ được sức phù trì”( Tv 91, 14 ).

Thánh nhân cùng với hai người bạn ra đi truyền giáo:” Ra đi trong nước mắt, sẽ về giữa tiếng cười”. Bước loan báo Tin Mừng của Ngài đầu tiên là ở đảo Futuna. Vua đảo Futuna cho các Ngài tạm trú hai năm. Nhưng ý đồ của nhà vua thâm hiểm, vua nghi ngờ người công giáo sẽ tiếm ngai vua, nên vua đã ngưng tiếp tế lương thực cho các Ngài, hạn chế và theo dõi mọi sinh hoạt của các Ngài. Để kiếm sống, các Ngài phải tự lực cánh sinh bằng cách canh tác, nhưng nhà vua và thuộc hạ lại ra lệnh cướp hết hoa mầu của các Ngài. Dù thiếu thốn, đói khổ, nguy hiểm, các Ngài vẫn kiên trì phục vụ, số tín hữu càng ngày càng trở nên đông đảo đúng như lời thánh vịnh:” Ngài cho con ngẩng đầu hãnh diện, tựa như trâu ngạo nghễ giương sừng, thân con, Ngài xức dầu thơm mát. Mắt con nghênh những kẻ địch thù, tai nghe biết lũ hại con mạt vận”( Tv 92, 11-12 ).

THÁNH NHÂN ĐƯỢC PHÚC TỬ ĐẠO


Chông gai, thử thách giăng tứ phía, thánh nhân vẫn ngẩng đầu giương cao và không hề sợ nguy hiểm dẫu có phải hy sinh cả mạng sống. Nhà vua càng cấm cách, ngăn cản, số người theo Chúa càng đông. Nhà vua căm hờn, tức giận đã quyết định giết các Ngài. Trước tin đầy nguy hiểm ấy, các Ngài không chút sợ hãi, lo âu mà vẫn tỏ ra không hề rúng động, xôn xao, nao núng. Thánh nhân tin và phó thác vào Chúa:” Dù tả hữu có ngàn người ngã qụy, dù hai bên có chết cả vạn người, riêng phần bạn tuyệt nhiên không hề hấn”( Tv 91, 7 ). Hung hăng, tự mãn, nhà vua ra lệnh cho nhóm đông sáng ngày 28 tháng 4 năm 1841 mang gậy gộc, giáo mác kéo đến gây chuyện, hành hung và giết chết Ngài. Chúa thưởng công cho Ngài là cho cả đảo Futuna ít lâu sau đó đã trở về với Chúa và Giáo Hội hoàn toàn.

Lạy Chúa, Chúa đã cho thánh Phêrô Sa-nen được vinh phúc tử đạo để mở mang Hội Thánh Chúa. Trong niềm hân hoan của mùa phục sinh này, xin cho chúng con biết tham dự vào mầu nhiệm Đức Kitô chịu chết và sống lại, hầu trở nên chứng nhân của sự sống mới” ( Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Phêrô Sa-nen, linh mục, tử đạo ).

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

THÁNH MÁC-CÔ, (St. Mark) tác giả sách Tin Mừng, ngày 25/4

THÁNH MÁC-CÔ, (St. Mark)
tác giả sách Tin Mừng, ngày 25/4


Thánh Mác-cô là một trong bốn tác giả đã ghi lại cuộc đời của Chúa Giêsu. Bốn thánh sử viết Tin Mừng của Chúa Giêsu là Matthêu, Máccô, Luca và Gioan. Tất cả bốn thánh sử, mỗi người một vẻ, mỗi người một cách đã tường thuật đầy đủ cuộc đời của Chúa Giêsu. Thánh Mác-cô đã được Chúa gọi mời, tuyển chọn để trở nên tông đồ và là một người tường thuật lại đời sống của Chúa Giêsu.

MỘT CON NGƯỜI. MỘT CUỘC ĐỜI


Chúa Giêsu khi muốn chọn ai, Ngài đã cầu nguyện lâu giờ vì việc tuyển chọn con người là một công việc hết sức quan trọng. Chúa chọn ai là do quyết địnnh hoàn toàn tự do của Ngài. Ơn gọi của một con người nói lên tình thương và sự nhưng không của Chúa Giêsu. Vì yêu con người, Chúa đến trần gian và cũng vì yêu con người, Ngài tuyển chọn, cất nhắc con người với tất cả sự tự do của Ngài. Thánh Mác-cô là người Do Thái, thuộc dòng họ Lêvi. Sau khi Chúa lên trời, thámh nhân theo thánh Phêrô, vị tông đồ trưởng sang La mã. Thánh nhân được thánh Phêrô trìu mến và yêu thương, nâng đỡ cách đặc biệt. Thánh Mác-cô hăng say giảng đạo và nhờ lòng nhiệt thành, hăng say loan báo Tin Mừng cho Chúa Giêsu, nhiều người đã quay trở về với Chúa và Giáo Hội. Số người trở lại càng ngày càng đông, nhưng không có một tài liệu nào để giúp giáo dân học hỏi và tham khảo. Nhiều người ao ước có một bản viết về cuộc đời của Chúa Cứu Thế. Với những yêu cầu và khao khát của nhiều người. Thánh Mác-cô đã viết lại cuộc đời của Chúa Giêsu một cách mạch lạc và rõ ràng theo chương mục dựa theo lời giảng dạy của thánh Phêrô. Thánh Phêrô đã cho phép phổ biến và dùng trong giáo đoàn. Thánh Mác-cô sau đó đã được thánh Phêrô, vị Giáo Hoàng tiên khởi sai đi truyền giáo ở Ai Cập. Với lòng nhiệt thành, đạo đức, tài hùng biện và lợi khẩu, thánh nhân đã đưa rất nhiều linh hồn về với Chúa. Thánh Mác-cô là vị sáng lập và là Giám Mục đầu tiên của giáo đoàn Alexandria.

THÁNH MÁC-CÔ ĐƯỢC PHÚC TỬ ĐẠO


Được Chúa mời gọi, thánh Mác-cô đã đáp trả lại lời gọi mời yêu thương của Chúa. Với lòng đạo đức, trí thông minh, sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, thánh Mác-cô đã đem muôn vàn người trở về với Chúa. Vì ghen tức, ích kỷ, những lương dân đã quyết tâm hãm hại Người. Họ đã bắt thánh nhân với mục đích lăng mạ, bêu xấu Ngài và lôi kéo Ngài trên đường đá ghồ ghề, lởm chởm cho tới khi Ngài trút hơi thở cuối cùng vào ngày 25 tháng 4 năm 67. Với những công đức to lớn, với cuốn Tin Mừng thánh Mác-cô để lại, danh của thánh nhân mãi mãi ngời sáng trong Giáo Hội và triều thiên vinh hiển Thiên Chúa trao cho Ngài muôn đời sẽ rực sáng trên nước trời. Mãi mãi nhân loại và đặc biệt Giáo Hội sẽ tôn vinh thánh nhân vì lòng nhiệt thành, sự thánh thiện và gương sáng thánh nhân để lại cho dân Chúa.

“Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh Mác-cô vinh dự rao giảng và ghi chép Tin Mừng. Xin cho chúng con được hiểu thấu những lời thánh nhân giảng dạy để trung thành bước theo Chúa Kitô “( Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Mác-cô, tác giả sách Tin Mừng ).

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

THÁNH FIĐÊLÊ đệ SIGMARINGA, (St. Fidelis of Sigmaringen) tử đạo, ngày 24 tháng 4

THÁNH FIĐÊLÊ đệ SIGMARINGA,
(St. Fidelis of Sigmaringen)
tử đạo, ngày 24 tháng 4


Thánh Luca viết:” Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi  báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát”( Lc 4, 18 ). Thánh Fiđêlê đệ Sigmaringa đươc Chúa chọn để làm chứng nhân cho Người bằng việc hy sinh đổ máu.

THÁNH FIĐÊLÊ đệ SIGMARINGA


Thánh nhân sinh năm 1577 tại Sigmaringa, Ngài có tên là Marc Rey, thuộc gia đình đạo đức và công chính. Thánh nhân học triết ở Fribourg, Thụy Sĩ. Ngài thông minh và học giỏi, nên được tặng cho danh hiệu là triết gia công giáo. Thánh nhân cũng chuyên về luật. Với ơn Chúa thúc đẩy, soi sáng, thánh nhân đã xin gia nhập dòng thánh Phanxicô. Ngài đã học thần học và sau đó được lãnh nhận sứ vụ linh mục. Thánh nhân sống khó nghèo cách hết sức nhiệm nhặt theo mối phúc thứ nhất:” Phúc ai có tinh thần nghèo khó…”( Mt 5, 1 ). Cảm nghiệm sự thanh thoát của vật chất, thánh nhân đã dâng hết tài sản của mình cho quĩ bảo trợ cấp giáo sĩ. Thánh nhân có lòng sùng kính Đức Trinh Nữ Maria cách đặc biệt. Ngài bám chặt lấy Mẹ như thuẫn che chở và nhờ Mẹ để vượt khỏi tính ươn hèn, biếng nhác. Thánh nhân hết lòng yêu mến Chúa, khuyên răn, giảng dạy và sửa trị giáo dân. Ngài luôn làm gương cho các tu sĩ khác bằng đời sống khó nghèo, khiêm nhượng của mình và thúc giục họ nên thánh vì Ngài ý thức:” Thật con ở với Chúa luôn, tay con Ngài nắm chẳng buông chẳng rờ, dắt dìu khuyên nhủ bao lời, một mai đưa tới rạng ngời vinh quang”( Tv 73, 23 ). Thánh nhân có ơn Chúa ban đặc biệt, nên khi các bè rối nổi lên tung hoành khắp nơi, nhất là tại miền Grisons, thánh nhân được Bề Trên sai tới để chấn hưng đức tin công giáo. Nhiều người thuộc các bè rối đã ăn năn trở lại. Nhưng một số kẻ cuồng tín tức giận đã âm mưu hại Ngài và giết chết Ngài cho hả lòng căm tức cuồng nhiệt của họ.

THÁNH NHÂN LÃNH TRIỀU THIÊN TỬ ĐẠO


“ Ai gieo trong nước mắt, sẽ về giữa tiếng cười…”, ngày 24 tháng 4 năm 1622, tại một ngôi thánh đường ở Sévis, thánh nhân đã bị những kẻ âm mưu hãm hại, đánh đập hết sức dã man, tàn nhẫn và giết chết. Chúa đã thưởng công Ngài bằng việc cho Ngài làm nhiều phép lạ để minh chứng sự thánh thiện của Ngài:” Còn hạnh phúc của con là ở kề bên Chúa, chốn ẩn thân đặt ở Chúa Trời. Mọi việc Ngài làm con xin kể lại, nơi cửa vào thành thánh Xi-on”( Tv 73, 28 ). Đức Giáo Hoàng Benoit XIV đã cất nhắc thánh nhân lên bậc hiển thánh để cho toàn Giáo Hội soi chung.

“Lạy Chúa, Chúa đã cho thánh Phiđen, lòng nhiệt thành yêu mến Chúa và được phúc tử đạo đang khi Người truyền bá đức tin. Vì lời thánh nhân chuyển cầu, xin ban cho chúng con một đức ái mãnh liệt để cùng Người, chúng con được nghiệm thấy quyền năng của Đức Kitô phục sinh”( Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Phiđen ).

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

THÁNH GIO-GI- Ô, Tử đạo, ngày 23 tháng 4

THÁNH GIO-GI- Ô,

Tử đạo, ngày 23 tháng 4



Thánh Gioan viết:” Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”( Ga 12, 24-25 ). Thánh Gio-gi-ô đã rất anh dũng, can đảm làm chứng cho Chúa.

MỘT CUỘC ĐỜI


Thánh Gio-gi-ô sinh tại Cappadoce trong một gia đình quí tộc, danh tiếng và giầu có. Lúc còn nhỏ, thánh nhân được giáo dục theo tinh thần Kitô giáo. Khi tới tuổi khôn lớn, tự ý thánh nhân xin được rửa tội để trở thành con cái Chúa và Giáo Hội. Thời ly loạn, với tuổi trai tráng, Ngài được gọi nhập ngũ và mau chóng được thăng cấp đại đội trưởng vì đức tính can đảm, cương quyết của Ngài dưới thời Hoàng Đế Đioclêtianô. Hoàng Đế lúc đó có ý bách hại đạo Chúa, Vua tỏ ý định ấy cho các sĩ quan quân đội. Mọi người đều tán thành ý kiến của Đioclêtianô, riêng đại úy Gi-gi-ô đứng lên phản đối sự bất công phân biệt đạo giáo, trái với ý Thiên Chúa. Thánh nhân cương quyết bảo vệ đức tin dẫu có phải hy sinh vì đạo, vì lý tưởng. Hoàng Đế và các sĩ quan khuyến dụ nhưng vô ích, không sao lay chuyển con người sắt đá, bảo vệ đức tin” Lạy Thiên Chúa, Ngài là nơi con náu ẩn, là đồn lũy chở che, con tin tưởnng vào Ngài”( Tv 91, 2 ). Nhà Vua ra lệnh dùng những hình phạt hết sức đau đớn để xem có lay chuyển Ngài được chăng, tuy nhiên mọi hình phạt đều vô ích đối với Ngài vì :” Chúa phù trì chở che, dưới cánh Người, bạn có chỗ ẩn thân: lòng Chúa tín trung là khiên che thuẫn đỡ “( Tv 91, 4 ). Cuối cùng, những thuộc hạ nhà Vua đưa Ngài tới các tượng thần hòng bắt Ngài thờ lạy, nhưng sau những lời cầu nguyện của Ngài, các tượng thần rơi rớt xuống đất bể tan tành trước sự hốt hoảng của các sư sãi đang xúi giục dân chúng xông vào bắt Ngài và xin trảm quyết Ngài ngay.Nhưng” Chính Chúa gìn giữ bạn, khỏi lưới kẻ thù giăng, khỏi tai ương tàn khốc”(Tv 91, 3 ).

THÁNH NHÂN ĐƯỢC PHÚC TỬ VÌ ĐẠO

Thánh vịnh 91,14 viết rằng:” Kẻ gắn bó cùng Ta sẽ được ơn giải thoát, người nhận biết danh Ta sẽ được phúc phù trì “. Thánh nhân đã được phúc tử đạo ngày 23 tháng 4 sau khi đã cầu nguyện cho mình và cho những kẻ hãm hại mình. Thánh Gio-gi-ô được các quân nhân và hướng đạo sinh chọn làm bổn mạng vì tính can đảm, anh hùng và gương mẫu của Ngài.

Lạy Chúa, Chúa đã cho thánh Gio-gi-ô, tử đạo, được kết hợp với Đức Kitô trong mầu nhiệm thương khó. Chúng con ca ngợi quyền năng Chúa và tha thiết nài xin cho chúng con là những kẻ yếu hèn được trở nên chứng nhân dũng cảm( lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Gio-gi-ô, tử đạo).

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

THÁNH ANSELMÔ, Giám mục, tiến sĩ Hội Thánh, ngày 21/4

THÁNH ANSELMÔ,

Giám mục, tiến sĩ Hội Thánh, ngày 21/4



Ca nhập lễ, lễ các thánh Giám Mục viết rằng:” Ta sẽ kiểm điểm đoàn chiên của Ta và đặt một mục tử chăn dắt chúng. Còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng”( Ed.34,11.23-24). Thánh Anselmô là một trường hợp rất đặc biệt Thiên Chúa đã chọn Người để điều khiển cộng đoàn dân Chúa ở Cantorbéry, Anh Quốc.

MỘT CON NGƯỜI. MỘT CUỘC ĐỜI


Thánh Anselmô sinh tại Aoste, một thành phố nhỏ nằm trên ranh giới xứ Piémont và Thụy Sĩ. Người xuất thân trong một gia đình quí tộc, danh tiếng và giầu có. Mẹ của Người là một con người rất đạo đức, giầu lòng nhân ái và quảng đại, vị tha. Cha của Người xem ra khô khan vào lúc đương thời, nhưng vào cuối đời Oâng đã hiến mình trong một tu viện. Sớm nhận ra ý Chúa trong cuộc đời và thấy sự dối trá, gianmanh của thế gian muôn mặt, thánh nhân đã quyết dấn thân tìm hiến mình cho Thiên Chúa trong một tu viện, nhưng Ngài gặp không biết bao trở ngại lúc ban đầu, mãi sau này Ngài mới được toại nguyện. Vào năm 27 tuổi, thánh nhân xin gia nhập dòng Biển Đức. Với ơn Chúa, với sự nỗ lực và tính hăng say của tuổi trẻ, thánh nhân đã ra công tập luyện nhân đức. Sự thánh thiện và gương sáng của Ngài đã mau chóng được người ta đồn thổi khắp nơi nơi. Thánh nhân được bầu làm Bề Trên tu viện. Rất nhiều người đã tới để nghe thánh nhân giảng dạy, chỉ bảo và hướng dẫn trên đường nhân đức. Vua nước Anh băng hà, Hoàng Đế nối ngôi ra sức áp chế hàng giáo sĩ, chiếm đoạt tài sản của Giáo Hội, thánh nhân lên đường sang Anh Quốc để can thiệp với Hoàng Đế. Nhờ ơn Chúa giúp với tài lợi khẩu của thánh nhân và với sự tác động của Chúa Thánh Thần, thánh Anselmô đã thuyết phục được vị Hoàng Đế kiêu căng đó. Việc gì Thiên Chúa muốn, Ngài đã thực hiện, số là vào năm 1093, Đức Tổng Giám Mục Cantorbéry Lafranc và là Thầy dạy cũ của thánh nhân tạ thế, thánh Anselmô được chọn lên thay thế làm Tổng Giám mục Cantorbéry. Thánh nhân đã hăng say phục vụ, lãnh đạo, lèo lái Tổng Giáo Khu Cantorbéry càng lúc càng thăng tiến. Tuy nhiên vì ham lợi lộc trần gian và vì keo kiệt, hà tiện, tham lam, vị Vua Anh Quấc lúc đó và các nịnh thần của Vua ra tay lăng mạ, vu khống Hội Thánh Chúa Kitô. Thánh nhân đã nỗ lực hết sức để cản ngăn vị Vua tham lam và bọn nịnh thần, xu thời của Vua, nhưng Vua không nghe. Thánh nhân trở về Roma, tham dự Công Đồng Bari chống lại lạc thuyết của những người Hy Lạp cố chấp, cứng cổ.Trong Công Đồng Bari, thánh nhân đã minh chứng cách hùng hồn, tế nhị và logích về tín điều Chúa Thánh Thần do Chúa Cha và Chúa Con nhiệm sinh.

CHÚA YÊU THƯƠNG VÀ GIÁO HỘI TÔN VINH


Vua Henri I lên ngôi thay thế vị Vua tiền nhiệm tham lam, hà tiện, keo kiệt, đã cho mời thánh Anselmô về lại Anh Quốc để lấy lòng dân chúng. Tuy nhiên, với tuổi cao, sức lực suy tàn và cùng kiệt, thánh Anselmô chỉ trở về địa phận được thời gian ngắn, Ngài linh cảm giờ cuối cùng đã tới. Giờ mà Chúa Giêsu nói:” Bây giờ là giờ Con Người được tôn vinh…”, thánh nhân đã lãnh nhận các bí tích sau hết một cách sốt sắng và ra đi về với Chúa ngày 21 tháng 4 năm 1109. Thiên Chúa đã thưởng công Ngài và Giáo Hội với bao công đức, với sự uyên bác về tư tưởng, giáo lý đã tôn phong Ngài, nâng Ngài lên bậc tiến sĩ Hội Thánh.
Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh giám mục An-xen-mô được ơn tìm hiểu và giảng dạy lẽ khôn ngoan siêu việt của Chúa. Xin ban ơn đức tin để soi sáng trí tuệ chúng con, nhờ đó tâm hồn chúng con sẽ say mê những điều Chúa mạc khải( lời nguyện nhập lễ, lễ thánh An-xen-mô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh).

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

THÁNH MARTINÔ I, Giáo hoàng, tử đạo, ngày 13/4

THÁNH MARTINÔ I,

Giáo hoàng, tử đạo, ngày 13/4



Trong ca hiệp lễ, lễ thánh giáo hoàng hay giám mục có viết:” Lạy Chúa, Chúa biết rõ mọi sự, Chúa biết con thương Chúa”( lời của thánh Phêrô). Thánh Mác-ti-nô I là vị giáo hoàng đã kiên trung đổ máu đào làm chứng cho Chúa phục sinh vì Người yêu mến Chúa.

THÁNH MÁC-TI-NÔ I :

Ngay trong ca nhập lễ, ta đọc thấy:’’Chúa đã lập với vị thánh này một giao ước bình an, đặt Người làm thủ lãnh và ban cho Người chức tư tế, tồn tại đến muôn đời”( Hc 45, 30  ). Thánh Mác-ti-nô sinh tại Todi miền Ombrie, nước Ý trong một gia đình đạo đức. Ngay từ nhỏ, thánh nhân đã hấp thụ một nền giáo dục tốt về mọi mặt. Vì thế, vào năm 649, ngay những ngày đầu tiên, thánh nhân ngự trên Ngai Giáo Hoàng, Ngài đã cố gắng thuyết phục các anh em lạc giáo, bè rối và ly giáo, nhất là nhóm ly khai Phaolô đệ Constantinople được Hoàng Đế Constance bao che, đỡ đầu, đang hoành hành và lan tràn khắp nơi. Để làm công việc hết sức khó khăn, đòi hỏi can đảm, hăng say và đầy cương quyết, thánh Mác-ti-nô I đã triệu tập công đồng chung từ ngày 5 tới ngày 31 tháng 10 năm 649, gồm 500 giám mục để lên án bọn lạc giáo và ly giáo. Đang khi công đồng chung họp, Hoàng Đế Constance sai Olympius tới để đuổi Đức Giáo Hoàng và giải tán công đồng. Tuy nhiên, ý Chúa rất nhiệm mầu, Olympius bị bệnh chết cách thảm thương. Constance không chịu dừng bước, Hoàng Đế lại sai Théodore Calliopas đến tiếm chiếm đền thờ Latran và cung điện của Đức Thánh Cha, rồi bắt Ngài giam ở đảo Naxos năm 653, để sau này đưa về Constantinople. Thánh nhân bị bỏ tù ở Constantinople, bị tra tấn, khinh bỉ, ngược đãi vì danh Chúa Giêsu.

THIÊN CHÚA TÔN VINH NGƯỜI:

Thánh vịnh 112,1 có viết:” Hạnh phúc thay, người kính sợ Chúa, những ưa cùng thích mệnh lệnh Chúa truyền ban” “ Giữa tối tăm bừng lên một ánh sáng, chiếu rọi kẻ ngay lành: đó là người từ bi nhân hậu và công chính”( Tv 112, 4 ). Thánh Mác-ti-nô I đã can đảm hiến dâng cuộc đời mình trong hy tế thập giá với Đức Kitô. Thánh nhân, sau đó bị đầy qua Hy Lạp, ở tại Chersonèse. Thiên Chúa đã cất Người về với Ngài vào năm 654, đúng như lời thánh vịnh viết :” Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong vui sướng…”. Thánh nhân đã ra đi trong nước mắt, nhưng đã về trong hân hoan, hạnh phúc. Thiên Chúa đã thưởng Ngài vì Ngài đã yêu đến hy sinh mạng sống để làm chứng cho tình yêu như Chúa Giêsu( Ga 15, 13 ).

Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã cho thánh Giáo Hoàng Mác-ti-nô tử đạo, được can đảm không lùi bước trước lời đe dọa, cũng chẳng nao núng khi chịu cực hình. Xin cho chúng con được kiên cường bất khuất để đương đầu với nghịch cảnh trong cuộc sống trần gian( Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Mác-ti-nô, giáo hoàng, tử đạo).

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT