Tư liệu lịch sử - 10 Trận Đánh Đẫm Máu Trong Chiến Tranh Việt Nam.
Biên khảo - Hoài Nguyễn
--------------------------------
Sau cuộc chiến tranh Đông Dương giữa người Pháp và Việt Minh, kết thúc bằng trận Điện Biên Phủ mà người Pháp thua trận, theo Hiệp định Genève 1954, Việt Nam bị chia cắt thành hai miền với hai thể chế chính trị khác nhau. Miền Bắc với tên gọi là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa theo phe cộng sản để xây dựng CNXH từ bắc bờ vĩ tuyến 17 còn miền Nam với quốc hiệu Việt Nam Cộng Hòa thuộc khối thế giới tự do phương Tây, kiến thiết đất nước theo nền kinh tế tự do.
Trong khi miền Nam vừa lo tái thiết phần đất của mình sau cuộc chiến tranh 9 năm thì miền Bắc có chủ trương “tái thống nhất” hai miền Nam Bắc bằng con đường bạo lực, chiến tranh và đương nhiên sẽ biến miền Nam theo con đường mà miền Bắc đã chọn!
Thời kỳ đầu từ năm 1954 đến đầu năm 1960, miền Nam được hưởng không khí thanh bình sau cuộc chiến tranh Việt - Pháp, mặc dù đây đó ở những vùng nông thôn đã bắt đầu xuất hiện các hoạt động của các cán bộ cộng sản nằm vùng cùng vũ khí do miền Bắc cài cắm và chôn dấu bí mật nhằm gây dựng cơ sở cho các kế hoạch lâu dài của họ.
Từ năm 1955, chính quyền miền Bắc tiếp tục chi viện người và vũ khí cho phong trào bí mật ở miền Nam nhằm làm “cách mạng” lật đổ chính quyền miền Nam. Càng ngày những hoạt động lúc đầu là tuyên truyền chính trị, vận động quần chúng theo họ, sau này những lực lượng vũ trang ngày càng phát triển mạnh và rộng khắp chủ yếu ở những vùng nông thôn và cũng chỉ áp dụng chiến thuật du kích chiến, đánh những trận nhỏ lẻ chưa có qui mô lớn về chiến trường và gây thương vong nhiều cho cả hai phía.
Lợi dụng sự bất ổn về mặt chính trị trong xã hội miền Nam vào thời Đệ Nhất Cộng Hòa của Tổng thống Ngô Đình Diệm trong đó các giáo phái đòi ly khai, một số quân nhân làm đảo chính, Phật giáo đấu tranh …nên chính quyền miền Bắc gia tăng chỉ đạo những hoạt động từ chính trị kết hợp với quân sự ở miền Nam mà cao điểm là ngày 20/12/1960, tổ chức Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam (MTDTGPMN) ra đời với lực lượng quân sự phát triển ở qui mô lớn, thực hiện những chiến thuật mạnh hơn như vận động chiến, công kiên chiến gây nhiều khó khăn cho quân đội VNCH khi tiểu trừ.
Đến đầu năm 1961, lực lượng quân sự của MTDTGPMN được tăng cường thêm binh sĩ thâm nhập từ miền Bắc, được trang bị vũ khí tốt hơn do khối cộng sản viện trợ so với quân đội VNCH nên cục diện chiến trường đã có nhiều thay đổi, qui mô trận đánh lớn hơn đã lên đến cấp Trung đoàn, Sư đoàn và số thương vong của binh sĩ hai bên đã lên đến con số ngàn …
Như vậy nếu lấy mốc cuộc chiến tranh Việt Nam từ ngày 01/11/1955 và kết thúc vào ngày 30/4/1975 thì trong 20 năm của cuộc chiến này, ngoài những trận đánh nhỏ lẻ theo kiểu du kích, khủng bố với số thương vong không nhiều thì theo thống nhất của các nhà Quân sử của nước ngoài cũng như hai miền Nam Bắc Việt Nam, có thể gom lại thành “Top” 10 trận đánh có qui mô lớn mà thiệt hại thương vong có thể gọi là những trận đánh “đẫm máu” nhất.
Tất nhiên còn có những trận nổi tiếng khác như Đồng Xoài, Bình Giã, Ba Gia, Sa Hùynh, Hành quân sang Campuchia, Hạ Lào … có những thiệt hại thương vong khá lớn nhưng những trận đánh đó chỉ xét ảnh hưởng về mặt chiến thuật, chưa tạo những khúc quanh trong đường lối chiến tranh.
Trong phạm vi bài viết này, sau khi tham khảo một số nguồn tài liệu trong cũng như ngoài nước, tôi chỉ đưa ra những trận đánh theo mốc thứ tự thời gian của chiều dài cuộc chiến, không đánh giá “thắng – thua” bởi vì khái niệm này có tính chất ước lệ, vì thực tế có khi kết thúc trận đánh, phương tiện thông tin tuyên truyền bên nào tham chiến cũng cho rằng “ta thắng – địch thua” khi căn cứ vào “số xác chết thu dọn trên chiến trường”, số “chiến lợi phẩm thu được” …
Việc này đánh giá “thắng – thua” theo qui mô chiến thuật, các bạn có thể tham khảo nhiều nguồn tư liệu khác để biết thêm.
Có 10 trận đánh đáng chú ý trong suốt chiều dài 20 năm của cuộc chiến tranh Việt Nam như sau:
1. Trận Ấp Bắc - 1961
Ngày 28/12/1961, tình báo Mỹ phát hiện có một lực lượng binh sĩ lớn của miền Bắc thâm nhập vào làng Ấp Bắc thuộc xã Tân Phú, huyện Cai Lậy tỉnh Mỹ Tho.
Đầu tháng 01/1963, quân đội VNCH có các cố vấn Mỹ, sử dụng các đơn vị của sư đòan 7, đơn vị Bảo an, và thực hiện chiến thuật Thiết vận xa, Trực thăng vận. Theo đánh giá của các nhà quân sự thì trong trận này về mặt quân sự quân đội VNCH bị thất bại và sau trận đánh này, người Mỹ có ý định thay đổi chiến lược của cuộc chiến mà lúc đầu họ can thiệp chỉ với vai trò cố vấn và hỗ trợ cho quân đội VNCH.
2. Trận Pleiku – 1965
Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ 1964, Mỹ lấy cớ Bắc Việt Nam gây hấn khi cho ngư lội đỉnh tấn công tàu chiến Mỹ ngoài hải phận quốc tế nên cho máy bay ném bom miền bắc, buộc Liên Xô phải tham gia. Để trả đũa, miền Bắc cho quân tăng cường xâm nhập và tấn công các căn cứ do Mỹ thiết lập để cung cấp phương tiện chiến tranh, huấn luyện cho binh sĩ miền Nam.
Ngày 06/02/1965, một tiểu đòan của Bắc Việt Nam tấn công trại Holloway, một cơ sở máy bay trực thăng của Mỹ ở Pleiku và ngày 07/02, một tiểu đòan khác tấn công một căn cứ quân đội VNCH.
Lấy lý do này, Tổng thống Mỹ Johnson quyết định cho quân đội trực tiếp tham chiến với sự mở màn chiến lược chiến tranh này là tháng 3/1965, hai Lữ đòan TQLC Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, bắt đầu cho một sự leo thang chiến tranh khi sau đó tiếp tục đổ quân Mỹ tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam.
3. Trận Vạn Tường – 1965
Căn cứ vào tin do một đào binh miền Bắc cung cấp cho rằng quân đội Bắc Việt Nam sẽ tấn công vào căn cứ Chu Lai, nằm ở phía nam Đà Nẵng xuất phát từ thôn Vạn Tường, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, cách căn cứ này của quân đội Mỹ 17 km, phía Mỹ chủ động tổ chức cuộc Hành quân với tên gọi Starlite (Đúng ra Đại tá P. Wyckoff chỉ huy cuộc hành quân Don đặt tên cho chiến dịch là Satellite nhưng khi kế hoạch của sư đoàn được đánh máy thì máy phát điện bị hỏng, thư ký phải đánh máy dưới ánh đèn cầy nên đã đánh sai thành Starlite. Lỗi này được phát hiện vào sáng sớm ngày hôm sau nhưng không còn thời gian để sửa đổi nữa)
Trong trận này, quân Mỹ hoàn toàn chủ động tổ chức hành quân, lựa chọn chiến trường, đối tượng, thời gian và cách đánh, tập trung lực lượng đông theo chiến lược “tìm và diệt” đối phương và có ưu thế tuyệt đối về binh khí kỹ thuật, nhưng quân Bắc Việt Nam đã biết vận dụng cách đánh “tiếp cận” bám sát đội hình quân Mỹ nên phần nào làm ảnh hưởng tác dụng của yểm trợ phi pháo cho quân Mỹ.
Đây là trận đánh quy mô đầu tiên giữa quân đội Mỹ và Quân đội Bắc Việt Nam trên bộ, diễn ra từ ngày 08/8/1965 và kết thúc vào ngày 24/8 khi quân đội Bắc Việt Nam rút chạy.
4. Trận Ia Drang – 1965
Đây là trận đánh lớn đầu tiên giữa quân đội Mỹ và Bắc Việt Nam vào năm 1965. Trong tháng 10/1965, quân Bắc Việt Nam tấn công trại Lực Lượng Đặc Biệt Pleime của Mỹ dùng huấn luyện các binh sĩ lực lượng đặc biệt người Việt. Quân đội Mỹ đưa ra ba đơn vị phản công để cắt các đơn vị Bắc Việt Nam để họ rút lui sang Campuchia và tiêu diệt các đơn vị chính qui của Bắc Việt.
Trận đánh tại thung lũng Ia Drang là một phần của giai đoạn thứ hai từ ngày 14 đến 18/10 khi quân Bắc Việt Nam tung ra một cuộc tấn công biển người vào các lực lượng Mỹ đổ bộ từ trực thăng gần các căn cứ sát biên giới. Bắc Việt Nam thay vì sử dụng chiến thuật du kích thông thường của họ, nay họ đã áp dụng chiến thuật đánh tiếp cận quân Mỹ nhằm làm hạn chế sự yểm trợ hỏa lực phi pháo cho lính Mỹ. Quân Bắc Việt Nam đã bị đánh bật ra và mặc dù có số thương vong cao, hai bên đã tuyên bố chiến thắng.
5. Trận Khe Sanh – 1968
Vào ngày 21/01/1968, Quân Bắc Việt Nam pháo kích dồn dập vào căn cứ đồn trú TQLC Mỹ tại Khe Sanh rồi sau đó tiếp tục vây gây sức ép lên căn cứ này đến tháng 9/1968 thì quân Mỹ rút bỏ lại Khe Sanh.
Đây là lần đầu tiên quân Bắc Việt Nam cho xe tăng của họ tham chiến, sử dụng tên lửa phòng không do Liên Xô viện trợ nhằm kềm hảm sức mạnh không yểm của người Mỹ.
Đây cũng là một chiến dịch nhằm thực hiện kế “Dương Đông Kích Tây”, làm phân tán sự chú ý của các nhà quân sự Mỹ và VNCH để một thời gian sau đó, vào dịp tết Mậu Thân 1968, đồng loạt nổ ra một trận Tổng Công Kích lên các tỉnh thành miền Nam mà mục tiêu của miền Bắc là quyết tâm “ giải phóng miền Nam” vào năm này.
6. Trận Tổng Công Kích Tết Mậu Thân – 1968
Nhằm tạo một sự bất ngờ trong chiến thuật, mặc dù hai bên tham chiến cam kết ký hưu chiến trong dịp Tết Mậu Thân 1968 nên phía VNCH cũng như Mỹ bị phân tán bởi cuộc chiến ở Khe Sanh, hoàn toàn bất ngờ khi đêm mùng 1 Tết Mậu Thân ( 30/01/1968), lực lượng Bắc Việt Nam và MTDTGPMN đã ém quân và bất ngờ đồng loạt tấn công trên 100 thị trấn, thị xã và thành phố của tòan lãnh thổ VNCH, nặng nề nhất là Thủ đô Sài Gòn của miền Nam và Cố đô Huế.
Cuộc tấn công này kéo dài cho đến 28/3/1968 và phe Bắc Việt Nam bị thiệt hại nặng nề dù chủ động “tấn công bất ngờ”. Sau dịp tết, cuộc tấn công vẫn được phe Bắc Việt Nam thực hiện cho đến giữa năm thì kết thúc với số tàn quân phải rút về dưỡng thương và trốn tránh bên đất Campuchia.
Tuy thất bại về mặt chiến thuật nhưng miền Bắc Việt Nam đã có một “chiến thắng lớn” về tâm lý và ngoại giao, làm rúng động nước Mỹ và thúc đầy phong trào phản chiến ngay tại nước Mỹ.
Cũng thấy được những hạn chế về mặt trang bị vũ khí cho quân đội VNCH nên ngay trong trận Mậu Thân, tòan bộ những đơn vị chủ lực của quân đội VNCH đã được viện trợ và trang bị những vũ khí mới hơn những vũ khí họ sử dụng có từ thời Thế chiến II chống trả những vũ khí tối tân do khối cộng sản viện trợ cho quân miền Bắc trước đó nhiều năm liền.
7. Trận Hamburger Hill – 1969
Sau khi bị quân đội Mỹ và VNCH đánh bại trong trận Tổng Công Kích Tết Mậu Thân, một số đơn vị chính qui của Bắc Việt Nam rút lui và chạy về cố thủ một quả đồi có cây bao phủ thuộc núi A Bia, tỉnh Thừa Thiên.
Một lực lượng quân đội Mỹ và VNCH được lệnh tấn công quả đồi có tên quân sự là cao điểm 973 bắt đầu từ ngày 10/5 đến 20/5/1969 để loại bỏ hai tiểu đòan quân chính qui Bắc Việt Nam.
Trận đánh diễn ra chủ yếu bằng bộ binh phía Mỹ và VNCH có sự yểm trợ của hỏa lực phi pháo nhưng vấp sự kháng cự của quân Bắc Việt cố thủ nhờ vào các địa thế hiểm trở và thời tiết khắc nghiệt khiến hạn chế hỏa lực phi pháo.
Phía quân Mỹ và VNCH đã chiếm được ngọn đồi sau 10 ngày tấn công dữ dội và mức thương vong cao đến mức lính Mỹ gọi ngọn đồi này là “Hamburger Hill - Đồi Thịt Băm”.
Sau khi chiếm được ngọn đồi, thay vì bảo vệ nó, quân Mỹ được lệnh rút lui, gây ra sự phẫn nộ và tiếp tục làm xói mòn sự ủng hộ cho chiến tranh.
8. Trận Mùa Hè Đỏ Lửa – 1972
Cuối tháng 3/1972, nhằm gây áp lực lên phía Mỹ và VNCH tại Hội nghị Paris nhằm giải quyết chiến tranh, từ ngày 30/01/1672 đến 31/01/1973, liên tiếp phía Bắc Việt Nam mở chiến dịch Xuân – Hè 1972 mà phía VNCH gọi là Mùa Hè Đỏ Lửa (tên một ký sự chiến trường của nhà văn quân đội VNCH Phan Nhật Nam), còn Mỹ gọi là Easter Offensive.
Trong tòan bộ cuộc chiến này diễn ra ở 4 chiến trường chính là Trị Thiên, Bắc Cao Nguyên, Đông Nam Bộ, và Tây Nam Bộ.
Chiến trường khốc liệt nhất là Quảng Trị, Kontum và Bình Long với quân số tham gia lên cấp sư đoàn, quân Bắc Việt Nam sử dụng những vũ khí tối tân nhất mà họ có như xe tăng, pháo tầm xa, tên lửa phòng không để bao vây và tấn công những đơn vị trú phòng nơi đây chủ yếu là quân đội VNCH.
Quân đội Mỹ lúc đó đã ngưng các hoạt động tác chiến trên bộ, chỉ còn yểm trợ quân đội VNCH kháng cự các đợt tấn công của quân Bắc Việt Nam bằng hỏa lực phi pháo.
Cuộc chiến kết thúc vào 22/10/1972 và quân đội VNCH đã tái chiếm được các thị xã Quảng Trị, Kontum, An Lộc nhưng cũng mất khỏang 10% lãnh thổ ở những vùng giao tranh và đó chính là sự mặc cả của Bắc Việt Nam tại Hội nghị Paris.
Cuối năm 1972, vào dịp lễ Giáng sinh, Tổng thống Nixon đã ra lệnh oanh tạc Thủ đô Hà Nội, thành phổ cảng Hải Phòng như để trả đũa cho việc miền Bắc tấn công ồ ạt qua bờ vĩ tuyến và chiếm giữ một số vùng lãnh thổ của VNCH.
9. Trận Xuân Lộc – 1975
Sau khi Hiệp định Paris đã được 4 bên ký kết vào có hiệu lực từ ngày 27/01/1973, quân đội Mỹ và các nước đồng minh tham chiến tại Việt Nam lần lượt rút quân về nước. Viện trợ quân sự cũng như kinh tế cho VNCH bị giảm dần và đến đầu năm 1975 thì Mỹ cắt hẳn quân viện cho VNCH.
Trong khi ấy, miền Bắc tiếp tục nhận quân viện khổng lồ từ các nước cộng sản chủ yếu là của Liên Xô và Trung Quốc và chủ trương “giải phóng miền Nam”, miền Bắc tập trung quân đội, thiết bị khí tài chiến tranh nhằm thực hiện cú “dứt điểm” trong cuộc chiến kéo dài 20 năm.
Sau trận chiến khởi đầu tại Ban Mê Thuột vào ngày 10/3/1975, lần lượt các tỉnh Cao nguyên khác và duyên hải Trung phần rơi vào quân miền Bắc.
Ngày 09/4/1975, quân Bắc Việt Nam tiến vào cửa ngõ của thị xã Xuân Lộc nhưng bị sư đoàn 18 và một số đơn vị khác của quân đội VNCH chặn đứng và gây thương vong khá lớn cho quân Bắc Việt Nam.
Đây có thể xem là trận đánh đẫm máu lớn nhất và cuối cùng cho quân Bắc Việt Nam trước khi tấn công vào Sài Gòn.
10. Trận Chiến Cuối Cùng – Sài Gòn sụp đổ 30.4.1975
Khi Xuân Lộc cuối cùng cũng lọt vào tay quân Bắc Việt Nam, Thủ đô Sài Gòn của VNCH trong thế bị bao bao vây bởi một gọng kìm quân áp đảo của Bắc Việt Nam từ ba phía.
Ngày 21/4/1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức và giao quyền hành lại cho Phó Tổng thống Trần Văn Hương để tìm giải pháp chính trị thay cho quân sự.
Tuy nhiên phía miền Bắc khước từ những yêu cầu của chính phủ VNCH là liên tục tấn công áp sát vào bao vây Sài Gòn từ ngày 27/4, liên tục pháo kích vào Sài Gòn đến ngày 29/4.
Ông Trần Văn Hương từ chức và ủy nhiệm cho ông Dương Văn Minh làm “Tổng thống” để tìm giải pháp chấm dứt cuộc chiến và giảm bớt thương vong.
Trong những ngày cuối tháng 4/1975, người Mỹ cho rút tất cả nhân viên dân sự, quân sự cũng như thân nhân của họ, những người đã cộng tác với người Mỹ trong hơn 20 năm tồn tại chính thể VNCH ra khỏi Việt Nam.
Dòng người Việt di tản cũng hình thành trong những ngày tháng cuối tháng 4/1975 theo chân người Mỹ.
Trưa ngày 30/4/1975, “Tổng thống ủy nhiệm” Dương Văn Minh hạ lệnh cho các binh sĩ VNCH phải “hạ súng đầu hàng” quân Bắc Việt Nam…
Chính thể VNCH của miền Nam Việt Nam sụp đổ vào ngày 30/4/1975…
Hoài Nguyễn - 23/3/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét