Tranh công cả bức hình xe tăng "húc đổ" cảnh cổng Dinh Độc Lập!
Trong câu chuyện về bức hình xe tăng “húc đổ” cánh cổng Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975, nhiều tư liệu chứng cứ phân tích việc chiếc xe tăng của quân đội CSBV "húc đổ" là "dàn dựng" nhằm mục đích quay phim tuyên truyền, làm "Sử liệu Cách mạng"!
Ngoài ra các báo chí cả trong cũng như ngoài nước cũng rộ lên tranh cãi chuyện chiếc tăng nào, chiếc mang số 390 hay mang số 843 đã "húc đổ" cánh cổng trước? Ai là người đã "soạn thảo văn kiện đầu hàng" cho ông Dương Văn Minh đọc trên Đài Phát thanh Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975 - Đại úy Phạm Xuân Thệ hay Trung tá Bùi Văn Tùng? Dư luận bên "phe thắng cuộc" cũng tranh cãi ỏm tỏi một thời vì cả hai ông này đều cùng với phe của họ! Những chuyện này có thể lên Google tìm đọc nhòe cả con mắt!
Nhưng cái chuyện ai là người chụp bức ảnh chiếc xe tăng đã "húc đổ" cảnh cổng Dinh Độc Lập thì mới đáng buồn... cười!
Các bài viết đăng trên báo chí nước ngoài, các hồi ký của các "nhân vật lịch sử" có mặt tại Dinh Độc Lập thời khắc cuối cùng của Chính quyền VNCH vào tháng Tư năm 1975 và nhất là sáng ngày 30/4 rất ít, ngoài các vị trong thành phần "nội các" Dương Văn Minh - Vũ Văn Mẫu, còn một ít ký giả, phóng viên báo chí ngoại quốc đa số là các nước phương Tây (nhưng không có người Mỹ vì đã ra đi trước 8 giờ sáng 30/4) đã đến Sài Gòn trước đó để săn tin. Và họ hiện diện tại Dinh Độc Lập có lẽ do lời mời và bố trí của "nội các 2 ngày" này để đưa tin tường thuật trung thực về "lễ bàn giao" chính quyền VNCH cho Chính phủ Cách mang Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (CHMNVN) theo như tính toán nước cờ chính trị của ông Dương Văn Minh và những "thế lực chống lưng"!
Theo bài viết của nhà báo Huy Đức của "Bên thắng cuộc" để gọi là "tưởng niệm" Dân biểu VNCH Nguyễn Văn Binh đã từ trần hôm 28/2/2023 thì: (trích)
"Sáng 30/4/1975, sau khi tuyên bố “bàn giao chính quyền cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam”, Đại tướng Dương Văn Minh cùng các ông Vũ Văn Mẫu và Nguyễn Văn Huyền đi từ số 7 Thống Nhất [nay là đường Lê Duẩn] về Dinh Độc Lập.
Trong thời gian đó, tướng Nguyễn Hữu Hạnh mang Tuyên bố “Bàn giao Chính quyền” của Tổng thống Dương Văn Minh và Chỉ thị “buông súng” của Phụ tá Tổng Tham mưu trưởng Nguyễn Hữu Hạnh sang phát trên Đài Phát thanh Sài Gòn. Khi tướng Hạnh trở lại Phủ Thủ tướng [7 Thống Nhất] thì nơi đây đã hoàn toàn vắng lặng. Lúc ấy, ông Minh và gia đình đã vào Dinh Độc Lập.
Đến Dinh Độc Lập, ông Nguyễn Hữu Hạnh thấy cổng Dinh mở, không lính gác. Đại tướng Dương Văn Minh có ý chờ “bàn giao chính quyền”.
Nhưng vì cửa mở, một xe Jeep và một xe GMC đầy lính vũ trang của tiểu đoàn Lôi Hổ (thực tế là một đơn vị Biệt Cách Dù của Thiếu tá Phạm Châu Tài) chạy vào trước thềm Dinh đòi gặp ông Minh. Họ muốn chất vấn ông Minh vì sao lại “bàn giao” trong khi nhiều người còn đòi “tử thủ”. Sau khi được khuyên nhủ là “không nên để cho máu đổ ở giờ thứ 25”, họ rời đi.
Lúc đó là 10 giờ 45 phút ngày 30/4/1975.
Ít phút sau khi hai xe vũ trang của tiểu đoàn Lôi Hổ đi ra, Trung tá Nguyễn Văn Binh đã cẩn thận đóng cổng Dinh Độc Lập lại.
Nếu không có hành động này của Trung tá Nguyễn Văn Binh thì lịch sử đã không có cảnh “húc đổ cổng Dinh Độc Lập” [Chiếc tăng 843 đi theo đường Thống Nhất từ Sở Thú tới trước rồi dừng lại trước cổng phụ trong khi xe tăng 390 tới sau, nhưng hùng dũng húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập, cánh cửa cuối cùng của cuộc chiến]." (hết trích)
Trong bài viết của Huy Đức, theo tôi nghĩ có lẽ là tương đối trung thực và cho thấy lúc đó trừ một số đơn vị tỏ ra uất ức (như Biệt Cách Dù) buộc phải buông súng, bị ông "Tổng thống 2 ngày" Dương Văn Minh "tước quyền chiến đấu", làm cho họ bị gãy súng vào "giờ thứ 25" thì những đơn vị phòng vệ Dinh Độc Lập hầu như không có chút đề kháng nào khi nghe lệnh "Tổng Tư lệnh" chất đống vũ khí của họ trước đài phun nước trong Dinh, nghĩa là buộc toàn thể những người lính trong Dinh phải "bó giáp quy hàng"!
Nhưng hành động "hùng dũng" của chiếc xe tăng quân Bắc Việt tông (nhiều hơn là húc) vào cánh cửa chỉ khép hờ bởi ông Trung tá Bình, mang tính "biểu tượng" và hung hăng cho ra vẻ oai phong, chém gió chứ có ai chống cự lại đâu mà chẳng hùng với dũng! Hành động xe tăng "húc đổ" cánh cổng Dinh Độc Lập có vẻ giống với anh chàng Don Quijote của nhà văn Tây Ban Nha Miguel de Cervantes y Saavedra đi đánh nhau với ... cối xay gió!
Theo một lời kể từ trang HM Blog thì trong thời khắc đó:" Ngày 29/4/1975 ở cửa ngõ Sài Gòn, thấy đoàn xe tăng tiếng vào thành phố, nhóm Ninh là Chính trị viên Đại đội Đặc công 1, Tiểu đoàn 40, ngồi xe tăng thứ 5. Ninh được ngồi trên tháp pháo, cứ thế lao vào tận dinh Độc lập sáng hôm sau (30/4). Xe của Ninh tới Dinh Đôc Lập thì cổng sắt đã bị húc đổ từ trước. Đơn vị anh xuống sân, gom người trong đó, bắt cả phóng viên có ống kinh dài, trói và để ở sân cỏ vì nghi ống tele giống súng bắn tăng của Mỹ.
Do nhiều đơn vị vào đây nên lúc đó khá lộn xộn.
Nhóm đặc công của anh biết anh Phạm Duy Đô, Quyền Đại đội trưởng Đặc công, Tiểu đoàn 19, đoàn 116, mang theo lá cờ.
Anh Đô cầm cờ vào dinh, gặp nội các Dương Văn Minh đang ngồi trong sảnh. Họ tất cả bật dậy, nói chuyện bàn giao, nhưng anh Đô nói “các ông phải đầu hàng” và quay ra xin chỉ thị cấp trên. Chuyện sau đó như báo chí đã mô tả mà Ninh là một nhân chứng....
Xem phim thời sự đen trắng do phóng viên nước ngoài quay thời điểm lịch sử đó sẽ thấy trên nóc dinh Độc Lập có hai lá cờ vẫy, một lá của anh Bùi Quang Thận và ít ai biết rằng lá kia của anh đặc công Đô.
Phim thời sự có cảnh xe tăng húc đổ cổng dinh là diễn lại, lúc đó có ai quay được đâu. May nữ nhà báo Pháp Francoise Demulder có mặt trong thời khắc ấy ghi lại được hình ảnh chiếc tăng 390 đã húc đổ cổng chính nên bớt đi sự tranh cãi “ai vào trước”. " (hết trích)
Một số tài liệu cho thấy ngoài nữ nhà báo Pháp Francoise Demulder, nhà báo Tây Đức Börries Gallasch, phóng viên NBC Jim Laurie chụp hình và viết bài, còn có phóng viên người Úc Neil Davis là người duy nhất quay được những thước phim có giá trị vào thời điểm đó... (Neil Davis đã thiệt mạng khi nỗ lực ghi hình lại một cuộc đảo chính tại Thái Lan.)
Qua những nguồn tư liệu mà tôi tìm đọc được, có lẽ chúng ta hiểu ra vấn đề là việc "húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập" chỉ là hành động thừa, mang tính biểu tượng chiến thắng, đầy tính hung hăng, bạo lực khi vào giờ phút cuối cùng của VNCH, sức đề kháng là bằng 0, và ông Dương Văn Minh đang "huyễn hoặc" chính ông sẽ là người "đàm phán, thương thuyết, bàn giao..." chính quyền mới nhận 2 ngày trước đó cho lực lượng quân sự Bắc Việt Nam (mà ông cho là binh lính CHMNVN) đang tiến vào Sài Gòn từ các hướng!
Nói về chuyện bức ảnh chiếc xe tăng "húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập" lại "lòi ra" một nhân vật muốn đi vào lịch sử để "xí phần" là mình đã chụp được "bức hình lịch sử" đó!
Từ trang kimanhl.blogspot.com có bài viết " Bức ảnh gây nhiều tranh cãi" mà xin trích một phần sau đây cho mọi người tham khảo:
"Phóng viên Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông Tấn xã Việt Nam, được biết là tác giả của bức ảnh lịch sử "Xe tăng quân giải phóng húc sập cổng Dinh Độc ngày 30 tháng Tư năm 1975", khi đó ông 23 tuổi, là một trong những phóng viên miền Bắc có mặt đầu tiên tại Sài Gòn chứng kiến giây phút có giá trị lịch sử lớn lao nầy.
Ông tường thuật rằng: "Tôi đưa máy ảnh lên như một bản năng và nhãn quan của người phóng viên để kịp ghi lại một cách chân thật nhất trong trận chiến lịch sử của quân đội ta."
Vào ngày 29/04/75, Trần Mai Hưởng đẩy xe Honda qua đèo Hải Vân. Vậy bằng cách gì trưa ngày 30 tháng Tư năm 75 ông có mặt tại Sài Gòn để có thể chụp bức ảnh nầy. Với hoàn cảnh giao thông cách đây gần 50 năm (Đèo Hải Vân - Sài Gòn cách nhau 873 kí-lô-mét).
Tiếp theo, đến năm 1995, với bằng chứng đưa ra: Khoảnh khắc chiếc xe tăng húc đổ cổng chính của dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 chỉ có một người duy nhất chụp được đó là nữ nhà báo Pháp Françoise Demulder.
Hay nói cách khác: Các bức ảnh xe tăng húc sập cổng Dinh Độc Lập, tượng trưng cho chế độ Sài Gòn sụp đổ được Việt Nam công bố sau năm 75 là ảnh dàn dựng, ảnh giả.
Phần ông Trần Mai Hưởng đã "nổ" vì ông không nghĩ có một sự thật với bằng chứng đã nằm yên 20 năm mới chịu "khui" ra. " (hết trích)
Lịch sử là những sự kiện xảy ra trong quá khứ và cần lưu truyền lại cho thế hệ tương lai những điều trung thực khách quan nhất thì con cháu chúng ta mới có thể ngẩng mặt mà tự hào...
Tuy nhiên vẫn còn có nhiều những tham vọng cá nhân, mắc chứng bệnh háo danh thành tích nên đã cố tình làm sai lệch lịch sử, thậm chí "đổi trắng thay đen", ngụy tạo, tự đánh bóng tên tuổi mình bằng nhiều thủ đoạn có thể là rất hèn hạ và lưu manh! Chung quy cũng chỉ vị "lợi và danh" mặc dù biết rằng "lợi bất cập hại" và "danh cũng chỉ là hư ảo"!
Sự dối trá nào rồi cũng như cây kim gói trong bọc! Lâu ngày rồi cũng sẽ lòi ra và lúc đó thì hậu quả của sự dối trá, lừa đảo, nhất là lịch sử, chắc ai cũng hiểu...
Hoài Nguyễn - 28/4/2023
*Clip kèm theo là bức hình do Nữ Phóng viên ảnh người Pháp Francoise Demulder và thước phim do Phóng viên Úc Neil Davis thực hiện vào thời khắc trưa ngày 30/4/1975.
Nguồn bài viết: Hoài Nguyễn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét