Thứ Ba, 9 tháng 5, 2023

Vũ Hoàng Chương và “Say đi em”

 


Vũ Hoàng Chương và “Say đi em”
Tản mạn thơ – Hoài Nguyễn
-----------------------------------
Thời còn đi học, ngoài những thi sĩ tiền chiến đang sống ở ngoài Bắc như Xuân Diệu, Huy Cân, Chế Lan Viên. Thế Lữ, Nguyễn Bính … có thơ tái bản trong Nam thì những nhà thơ trong miền Nam dạng “cây đa, cây đề” như Nguyên Sa, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương.… có những bài thơ hay vẫn được bọn học trò chúng tôi “trích” vài câu tâm đắc ghi vào trang bìa vở hoặc sách giáo khoa để thỉnh thoảng “nghêu ngao”. Trong đó có lẽ có mấy câu thơ của Vũ Hoàng Chương mà không đứa học trò nào chúng tôi lại không biết:
“… Em ơi! lửa tắt bình khô rượu
Đời vắng em rồi say với ai?...” (Đời vắng em rồi say với ai)
hoặc
“…Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa
Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh…” (Phương xa)
Nhắc đến Vũ Hoàng Chương (1916-1976), một nhà thơ gốc Nam Định vốn ra đa tài như từng học Cử nhân Toán, bỏ học đi dạy, sáng tác thơ và kịch, làm ở sở Hỏa xa… trước năm 1945.
Đến năm 1946, Kháng chiến toàn quốc nổ ra, Vũ Hoàng Chương tản cư cùng gia đình về Thái Bình, làm nghề dạy học. Đến 1950, gặp lúc quân Pháp càn đến ruồng bắt cả nhà, ông bỏ miền quê, hồi cư về Hà Nội nơi dạy toán rồi chuyển sang dạy văn.
Năm 1954, Vũ Hoàng Chương di cư vào Nam, tiếp tục dạy học và sáng tác ở Sài Gòn.
Có lẽ vì từ năm 1969-1973 Vũ Hoàng Chương là Chủ tịch Trung tâm Văn bút Việt Nam (VNCH) mà sau biến cố 30/4/1975, ông bị chính quyền mới kết tội là “kiệt kích văn hóa”, bắt giam cầm ở Chí Hòa, bị bệnh nặng được cho đưa về nhà ở Sài Gòn 5 ngày thì mất ngày 6/ 9/1976.
Trong sự nghiệp văn chương của mình, Vũ Hoàng Chương để lại cho đời khoảng 15 tập thơ, 4 vở kịch thơ. Vũ Hoàng Chương được xem là một trong những thi sĩ lớn của văn học miền Nam thời ấy, một nhà thơ trữ tình lãng mạn, chứa chan cả trời thơ đất mộng lung linh và trong giới văn học miền Nam trước 1975 gọi ông là một “Thi bá”!
Văn phong của Vũ Hoàng Chương được giới phê bình văn học đánh giá là sang trọng, có dư vị hoài cổ, giàu chất nhạc, với nhiều sắc thái Đông phương.
Từ tính chất ưa tự do phóng đãng, thích phiêu lãng tang bồng, thi sĩ bỏ xứ ra đi làm một gã phong trần với túi thơ bầu rượu ngất ngưởng nghêu ngao. Thời tiền chiến ở miền Bắc, hình như phủ trùm lên một bầu khí hậu u buồn thảm đạm sao đó, khiến cho hầu hết giới thanh niên trẻ tuổi đều mang tâm trạng lạc lõng bơ vơ, đi mà chẳng biết đi về đâu giữa biển đời lênh đênh không bờ bến.
Hầu như trước sự bế tắt thời cuộc chinh chiến loạn lạc, tất cả những tâm hồn nhạy cảm của giới văn nghệ sĩ thời ấy đều tìm đến men rượu, say tình cho nguôi ngoai đi nỗi sầu thế sự. Vũ Hoàng Chương cũng đắm chìm trong hương vị túy lúy cuồng ca quá đỗi trằn trọc, quằn quại thê lương. Và cho ra đời nhiều bài thơ có chứa hương vị rượu trong đó, gộp chung thành tập “Thơ say” (1940) với 32 bài!
Hoài Thanh – Hoài Chân, trong “Thi nhân Việt Nam” từng nhận xét về Vũ Hoàng Chương: “...Ý giả Vũ Hoàng Chương định nối cái nghiệp những thi hào - xưa của Đông Á: cái nghiệp say. Người say đủ thứ: say rượu, say đàn, say ca, say tình đong đưa. Người lại còn “hơn” cổ nhân những thứ say mới nhập cảng: say thuốc phiện, say nhảy đầm. Bấy nhiêu say sưa đều nuôi bằng một say sưa to hơn mọi say sưa khác: say thơ.... cái say sưa của Vũ Hoàng Chương là một thứ say sưa có chừng mực, say sưa mà không hẳn là trụy lạc, mặc dầu từ say sưa đến trụy lạc đường chẳng dài chi. Nhưng trụy lạc hay say sưa đều mang theo một niềm ngao ngán. Niềm ngao ngán ấy ta vốn đã gặp trong thơ xưa. Duy ở đây có cái vị chua chát, hằn học, và bi đát riêng... ”
Từ đó vẫn thường xảy ra trong những cuộc tình du dương thắm thiết của tài tử giai nhân. Những cuộc tình si đầy chất tương tư ủy mị, vì có thể làm cho người ta đi đến chỗ điên cuồng, tuyệt lộ, tự tử nếu không có một lối thoát nào đó mở ra. Ở đây nhà thơ bế tắt chẳng biết ngõ thoát nào hơn là say và say đắm đuối cho quên hết nỗi niềm…
Không lạ gì những thi sĩ thời tiền chiến vẫn hay tìm đến thú vui bên “Nàng tiên nâu” – Bàn đèn thuốc phiện, tìm cảm giác thi vị bên những cô vũ nữ trong những đêm vũ trường mà quên tất thảy cuộc đời điên loạn ngoài kia!
Trong bài thơ “Say đi em!” của Vũ Hoàng Chương trong tập “Thơ Say” của ông cũng mang một tâm trạng như thế!
Vũ Hoàng Chương cũng đã trọn vẹn quăng ném hết tâm tình mình vào “cuộc mộng yêu đương” với một cô nàng vũ nữ kiều diễm, từng nốc cạn bầu rượu tình ái đến ly cuối mặn nồng bốc lửa hoan say chuếnh choáng…
Hà Nội thời thuộc Pháp bảo hộ bên ngoài có một bộ mặt rất thanh bình, vui vẻ, trẻ trung. Nhà cầm quyền thực dân đang cố tình dung túng các cuộc ăn chơi phóng túng để người ta quên đi biến cố đàn áp tàn bạo vừa qua, đồng thời để ru ngủ thanh niên nên các trà đình, tửu điếm, các vũ trường, các nơi chốn hát ả đào và các tiệm hút thuốc phiện mọc lên nhan nhản.
Sống ở Hà Nội thời ấy, Vũ Hoàng Chương ngoài việc buộc phải theo Tây học để tiến thân, còn cắn phải miếng mồi “ru ngủ” của người Pháp. Ông cũng lao vào những thú vui trác táng - rượu, thuốc phiện, nhảy đầm và cả gái nữa!
Bài “Uống đi em!” có lẽ ra đời trước năm 1940 trong một hoàn cảnh bất ngờ khi thi sĩ vào vũ trường nhảy nhót, uống rượu giải sầu, lại gặp một cô vũ nữ vốn là bạn “giang hồ” cũ. Dù là “tình hờ” hay “tình cũ” đã hết nhưng thi sĩ cũng “xáp lại” để có đôi có cặp, để được đối ẩm, khiêu vũ với “cố nhân”! Vũ Hoàng Chương có ý muốn mượn rượu để giải sầu, nhưng uống đến mức “say không còn biết chi đời” mà nỗi sầu vẫn sừng sững như một bức tường thành, không sụp đổ!
Đọc hoặc nghe xong bài “Say đi em!” của Vũ Hoàng Chương, có lẽ chúng ta đều đồng cảm nhận là lời thơ là những cảm xúc mạnh mẽ tự động trào ra trong đầu thi nhân lúc đó, và khởi đi từ cảm xúc này đã được ông hồi tưởng và viết lại trong sự tĩnh lặng!
Thông thường thì các nhà thơ sáng tác thơ không phải ngay lúc tiếp cận với “hoàn cảnh tạo thơ” mà là sau đó một thời gian – dài ngắn tùy cảm xúc mỗi người, tùy độ “thi hứng” khơi mạch và tạo nguồn cho bài thơ! Đó là chính thời gian ấp ủ, “thai nghén” tứ thơ…
Có thể nói bài thơ “Say đi em!” là một điệu “khiêu vũ con chữ” đầy cuồng nhiệt của Vũ Hoàng Chương sau khi đã quay trở về cái tĩnh lặng thường có của mình…
Đã có nhiều thi sĩ viết một bài thơ giống như lúc đang “nổi điên”, đang “say thơ” vậy! Và khi đã “tĩnh tâm”thì lại nhủ thầm sao lúc ấy mình có thể viết ra được những “câu thơ thần kỳ” đến như vậy!
Có lẽ nhà thơ Vũ Hoàng Chương cũng có lần tự hỏi mình như thế!
* Say Đi Em
Thơ: Vũ Hoàng Chương
----------------------------
1.
Khúc nhạc hồng êm ái
Điệu kèn biếc quay cuồng
Một trời phấn hương
Đôi người gió sương
Đầu xanh lận đận, cùng xót thương, càng nhớ thương…
Hoa xưa tươi, trăng xưa ngọt, gối xưa kề, tình nay sao héo?
Hồn ngã lâu rồi nhưng chân còn dẻo
Lòng trót nghiêng mà bước vẫn du dương
Lòng nghiêng tràn hết yêu thương
Bước chân còn nhịp Nghê thường lẳng lơ
2.
Ánh đèn tha thướt
Lưng mềm não nuột dáng tơ
Hàng chân lả lướt
Đê mê hồn gửi cánh tay hờ
Âm ba gờn gợn nhỏ
Ánh sáng phai phai dần…
Bốn tường nghiêng điên đảo bóng giai nhân
Lui đôi vai, tiến đôi chân
Riết đôi tay, ngả đôi thân
Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió
Không biết nữa màu xanh hay sắc đỏ
Hãy thêm say, còn đó rượu chờ ta
Cổ chưa khô đầu chưa nặng mắt chưa hoa
Tay mềm mại bước còn chưa chuếnh choáng
Chưa cuối xứ Mê Ly chưa cùng trời Phóng Đãng
Còn chưa say hồn khát vẫn thèm men
3.
Say đi em! Say đi em!
Say cho lơi lả ánh đèn
Cho cung bậc ngả nghiêng, cho điên rồ xác thịt!
Rượu, rượu nữa! và quên, quên hết!
Ta quá say rồi
Sắc ngả màu trôi…
Gian phòng không đứng vững
Có ai ghì hư ảnh sát kề môi
Chân rã rời
Quay cuồng chi được nữa
Gối mỏi gần rơi!
Trong men cháy giác quan vừa bén lửa
Say không còn biết chi đời
4.
Nhưng em ơi
Đất trời nghiêng ngửa
Mà trước mắt thành Sầu chưa sụp đổ
Đất trời nghiêng ngửa
Thành Sầu không sụp đổ, em ơi!
Vũ Hoàng Chương – ( Tập Thơ Say – 1940 )
-----------------------------------------------------
Hoài Nguyễn - 09/5/2021


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét