Nhớ tuổi học trò ngày xưa...
XIN TRỞ LẠI THỦA NGÀY XƯA TINH NGHỊCH
*Ngô Đình Châu
...
Lớp tôi, con trai và con gái học chung với nhau, nhưng chia làm hai thái cực rạch ròi. Các chị lúc đó còn nhỏ xíu, đi học mặc áo dài trắng tinh, đi đứng khoan thai nhẹ nhàng. Vào lớp các chị ngồi cái lưng thẳng tắp, tà áo dài xếp lại gọn gàng, nói cười nhỏ nhẻ, dáng điệu giống y như tiểu thư con nhà quan.
Đám con trai chúng tôi, vừa qua thời kỳ " con nít nhỏ", bước sang thời kỳ "con nít lớn", nên trông thật là lổn nhổn. Vào lớp quần áo chỉnh tề được một lát, sau một hồi đùa nghịch, quần áo xộc xà xộc xệch trông rất "nhảm". Có hôm Thầy cô chưa kịp vào lớp, đám con trai bắt đầu làm loạn. Rượt đuổi nhau í ới từ bàn này sang bàn khác, có khi chạy cả lên bảng đen, bục giảng, và ngay cả bàn viết của Thầy nữa, cả đám quậy phá tưng bừng ầm ầm như quỉ sứ. Trong khi các chị thì khác hẳn, họ chụm lại rù rì từng nhóm nhỏ, thỉnh thoảng đưa mắt lườm nguýt sang đám con trai, không biết họ có rủa thầm chúng tôi là đồ con nít hay không nữa.
Không biết tự lúc nào, đám con trai coi các Chị là bậc bề trên "Nhất Thầy Cô- Nhì mấy Chị". Dù cho chúng tôi có ngỗ ngáo đến đâu chăng nữa, thì không bao giờ vô lễ với mấy nàng. Lúc nào cũng gọi bằng "chị" và xưng "tui" một cách nghiêm chỉnh (cũng may mà chưa xưng bằng "em" nếu không thì thật là xấu mặt) Và cũng lạ một điều, các Cô cũng tự coi mình là "bề trên" của chúng tôi, tệ lắm cũng coi là ngang hàng, chứ không bao giờ họ tự hạ mình là "bề dưới" (dẫu có mai sau!!). Xưng hô với tụi tôi, các nàng có hai cách, hoặc là kẻ cả hoặc là bình bình. Chẳng hạn như thế này là ngang hàng:" Châu cho Hiếu mượn cục gôm!" Còn như thế này là bề trên:"Châu chở chị đi học về với nhen!"
Các Cụ có nói "Gái thập tam, Nam thập luc". Có phải câu này ám chỉ, con gái bắt đầu trổ mả từ tuổi 13, con trai nhổ giò bể tiếng từ tuổi 16. Lúc các Cô bắt đầu trổ mả, có lẽ đám con trai chúng tôi là người phát hiện đầu tiên. Có gì lạ đâu, bởi vì chúng tôi "dòm lén" các chị hàng ngày. Tóc các chị càng ngày càng mượt mà óng ả, chứ không xơ xác như râu bắp nữa. Có chị thì mặn mà da bánh ít, có chị thì trắng trẻo tựa như bông bưởi bông lài, có chị khổ sở với cái mụn dậy thì, lúc thoa nghệ lúc dán thuốc cao...
Trong khi đám con trai nhổ giò cao lêu nghêu, ốm nhách như cây mía lau, giọng nói bể tiếng ồ ề như vịt xiêm, lông mép bắt đầu mọc ra lún phún. Còn các chị, giọng nói trong trẻo thánh thót, đặc biệt nhất là các đường cong "uốn lượn" trước sau bắt đầu xuất hiện. Đến năm 16-17, các chị trở mình biến thành thiếu nữ mãn khai rực rỡ. Tội nghiệp, đám con trai biến đổi từ thằng nhóc sang thằng quỉ sứ mắc dịch.
Chao ôi! ông Trời thật bất công, đám con trai với mặc cảm tự ti nên cảm thấy không "xứng đôi" với các chị một chút nào cả. Các chị càng lớn càng xinh đẹp ra, con trai chúng tôi đâu phải là gỗ đá ngây ngô, sao mà không biết điều đó. A ha! chuyện "lửa gần rơm" là chuyện tất nhiên xảy ra rồi.
Nói một cách huỵch toẹt ra, chúng tôi có cả đám thằng "thầm yêu trộm nhớ" mấy chị, nhưng khổ một nỗi, vì mặc cảm, vì nhút nhát, nên chúng tôi không dám bộc lộ ra điều này. Đang đi trong hành lang, gặp các chị đi ngược chiều là con trai lảng sang hướng khác. Đang "dòm lén" các cô mà bị bắt quả tang thì sợ điếng người. Có hôm "làm gan" mon men đến bắt chuyện với mấy chị, nói được vài câu là hụt hơi hết sức, bèn kiếm cớ chuồn thẳng.
Khổ thân đám con trai, có khi tụi tôi ngồi trong lớp, dõng tai nghe các cô đọc thư tình của ai đó gửi cho các cô, rồi bình luận hay phê bình chi chi đó, sau đó rú lên cười. Chúng tôi nghe mà thất kinh hồn vía, cũng may không phải là thư của chúng tôi, nếu không thì chắc phải độn thổ. Tội nghiệp, trong đám cũng có thằng thức đêm thức hôm để viết nên những lá thư tình lâm li lai láng, định gửi cho ai đó, nhưng nghĩ lại rồi thôi. Nghĩ đến cái cảnh, các nàng lôi lá thư của mình ra "mần thịt" thì cũng đủ khiếp vía. Các chị thiệt ác ghê.
...
Các nàng khi nói chuyện với con trai thì phải giữ khoảng cách, nếu đứng gần quá thì dễ bị coi là quá thân mật. Con trai có rủ đi uống sinh tố hay ăn chè... nếu lần đầu thì phải khéo léo từ chối, dù cho trong lòng rất thích (ăn). Đợi lần sau, nếu được mời nữa thì có thể OK, nhưng nhớ ăn uống phải nhỏ nhẹ, và nhớ là chừa lại cở một phần ba ly chè, cho đúng điệu tiểu thư, chứng tỏ ta đây không phải là hạng đói khát.
Khi quen biết biết đến độ thân tình, con trai có mời đi xi nê,
nếu các nàng ưng ý thì nhớ dắt theo nhỏ bạn, để phía "đối tác"
không thể "làm ăn" gì ráo trọi. Các tiểu thư tuyệt đối không được gọi đám con trai bằng anh và xưng em, nghe sao "lả lơi" quá. dễ bị hiểu lầm. Trước mặt thì gọi bằng "ông" hay bằng tên, sau lưng thì gọi bằng "thằng". Nếu các nàng phải leo lên xe gắn máy cho con trai chở đi, thì ngồi xa ra chừng nào tốt chừng ấy, nhớ vịn yên xe cho thật chặt, để phòng ngừa chiêu thức "vừa chạy vừa thắng", cả lũ con trai, đứa nào cũng "ma quái" như nhau.
Tiểu thư khi ngồi ăn uống trước mặt con trai, phong thái còn nhiêu khê hơn nữa. Trước hết phải tạo dáng ngồi cho đẹp, cái lưng thẳng băng, hai đùi khép lại. Dù đói cồn cào cũng không được gắp lia gắp lịa, trông quá bình dân, chìa đủa gắp từng miếng nhỏ, cho vào miệng nhai từ tốn, không được phát ra tiếng nhai lách chách nghe rất thô, không được độn thức ăn hai bên má, trông rất khỉ. Khi muốn nói chuyện thì phải nuốt thức ăn cho trống miệng rồi mới nói, nếu không thức ăn rơi ra ngoài sẽ rất ngượng...
...
Con trai thời đó còn mang nặng tính sự nghiệp "không công danh thà nát với cỏ cây" Đàn ông chưa có sự nghiệp, hình dáng trông rất "hèn". Nên chưa đủ tự tin để "động đậy" đến các nàng (Trời ơi! quá là ngu, chờ các anh nên sự nghiệp thì đám con gái chúng tôi đã hết thời xuân sắc).
Phía con gái thì ngược lại, các nàng mong trao thân gửi phận cho những người có sự nghiệp, đám con trai chung lớp chung trường chỉ đáng gọi bằng "em cưng".
Nam tài, Nữ sắc: có nghĩa là con trai phải có tài, con gái phải có sắc. Khổ một nổi, cái tài của con trai thường phát triển rất muộn, thường thường thì cũng phải ngoài 30. Trong khi "sắc nước hương trời" chỉ kéo dài từ 17 đến 25, sau đó là coi như đã "qua cầu" Sự tréo ngoe đó cũng đủ đẩy đám con trai con gái về hai hướng khác nhau, "đường đời xa vạn nẻo"...
...
NGÔ ĐÌNH CHÂU
(Trích đoạn "XIN TRỞ LẠI THỦA NGÀY XƯA TINH NGHỊCH" của Ngô Đình Châu
Nguồn bài viết: Thu Hương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét