Quê nhà của người Việt chúng ta
Người Việt Nam nào cũng có một quê nhà trong lòng,dầu người đó sanh ra ở nông thôn,ngoại ô hay đô thị,sống cả đời trong lòng đô thị
Chúng ta thấy rõ,một người sanh ra ở cù lao nào đó,khi đi xa sẽ gọi cù lao đó là quê nhà.Một kẻ sanh ra ở Sài Gòn ,khi đi xa cũng có quê nhà như ai
Ở quê,sẽ có những chiều tà ra hàng ba ngóng gió,trước nhà có cây cau,cây bông lồng đèn,bông trang,bông điệp,sau nhà có bụi chuối đong đưa mà mỗi khi chiều mưa tiếng ểnh ương,nhái bầu kêu ồm ộp
Nhà ở trong đồng sẽ có thêm cái chuồng heo xế xế,tiếng heo ủn ỉn,ụt ịt đòi ăn,rồi thêm cái chuồng gà ,chuồng vịt .Có nhà còn có cái chuồng trâu,chuồng bò .Nghe tụi nó kêu suốt ngày quen lổ tai,ta kêu đó là những âm thanh ngày cũ
Có người nào đó cười nhà ở quê toàn nghe mùi khó chịu .Không phải vậy đâu,thử nghe mùi phân bò,phân trâu đi,nó đặc biệt lắm đó,có khi đi xa nhớ nó hoài ,đã nói quê hương mà bạn,có mùi là có quê đó
Nói vậy có bạn cắc cớ sẽ nói,rồi bên Thanh Đa,bên cầu Chà Và,bên Xóm Mới Ấp Chiến Lược nghe mùi nước đen có phải là quê hương không? Sao lại không,bạn ở riết nghe quen,bạn đi sẽ nhớ nó đó
"Hỏi rằng: người ở quê đâu?
Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà"
Trong ký ức của những người trọng tuổi ,quê nhà là hình ảnh của người thân mà phần đông đều đã khuất theo ông theo bà hết rồi
Chiều chạng vạng bà nội đi ra thềm réo cháu về ăn cơm,cái áo bà ba sờn cũ vá vài miếng,cái khăn rằn vắt hờ trên cổ "Thằng Tí,con Tèo,thằng Tẻo,Con Đẹt đâu về ăn cơm bây ơi"
Là hình ảnh bà ngoại tóc bạc phơ phơ,áo túi nghèo ngồi đong đưa trên võng nhai trầu bỏm bẻm,mùi trầu nồng nàn đậm đà vị cay bay xõa khắp nơi làm cháu ngồi dòm trân trân ngây ngất ,chạy lại thử têm một miếng thì bà rầy "Mèng đéc cơi!Không biết ăn say chết à con"
Quê nhà của chúng ta là những đêm con cháu tụ hội làm đám giỗ tới hai ngày mệt xỉu,tiên thường và chánh giỗ,ánh đèn dầu đốt sáng rực cả cái nhà trên và nhà dưới,tiếng nói chuyện rôm rả suốt canh thâu
Quê nhà thân yêu còn là những ngày gần Tết,ngày 25 tháng Chạp linh thiêng con cháu tụ về dẫy mả và cúng kiếng ,cả dòng họ tụ lại,chừng thời gian sau vắng bóng vài người,rơi rụng lần hồi,khu mả có thêm vài cái,người dẫy mả vắng thêm vài người,đôi khi ngày 25 đi ra mắt đỏ hoe vì tủi thân và thương nhớ ,mới đó mà đây.....
Có những người lúc nào cũng giữ ý nghĩ trong đầu,rằng- sống không bao giờ lìa xa quê hương,những chân trời quê cũ,mảnh đất tổ tiên ,quê nhà,nơi cuống rún không thể chia lìa
“Ta đi giữa lòng đất mẹ
Vẳng nghe tiếng hát ầu ơ
Ngay từ cái thuở ban sơ
Thơm thơm đôi dòng sữa mẹ”
Khái niệm cuống rún là một suy nghĩ thiêng liêng trong hồn nhiều người
Khi mang bầu trong bụng,bào thai được mẹ nuôi bằng cái nhau thai ,một đoạn nối qua bụng đứa bé chổ cái rún
Khi sanh ra thì phải cắt rún,đó là sự lìa xa mẹ đầu tiên trong đời,sau này còn lìa xa một lần nữa là sự chết chóc
Anh em ruột thịt máu mủ vì cùng chung một cái nhau thai trong bụng mẹ
Thành ra Nam Kỳ mình có tục người mẹ giữ cái cuống rún đã héo của con mình như hột xoàn,báu vật
Có câu nơi "chôn nhau cắt rún"tức là nơi ta sanh ra và lớn lên vậy
“Quê hương là cuống rún
Mẹ đem chôn sau vườn
Thấm sâu vào lòng đất
Như suối nguồn yêu thương”
Cái tình quê hương nó ngộ lắm,đó là hình ảnh mà đứa trẻ đã quen khi lớn lên,cái lu chứa nước mưa có những con lăng quăng ,cái mái nhà thấp chủm,mùi khói đốt đồng,mùi hành kho cá,mùi tiêu ,mùi tỏi,mùi khét của khoai lang nướng trong tro,mùi cơm cháy khét ,mùi bùn của con lộ trước nhà
Ta nhớ hết thảy tiếng tằng hắng tiếng ho của bà cố ,nhớ mùi cái lá chuối mà bà gói trong những cái bánh ít mỗi khi nhà có đám
Rồi mỗi khi tắm ao tắm kinh,nhớ mùi nước hôi mùi bùn,nước rong nước nhảy nước ngập đồng có con cá linh,cá rô nó xoi xói
Có khi đang ở một nơi xa xôi nào đó bạn giựt mình cái đụi nhớ về quê xưa,nơi đó cũng có một bến sông,cũng có những giề lục bình,tiếng chim chiều kêu thê thảm
“Nhìn ghe bỗng chạnh tình quê
Rưng rưng nước mắt tư bề người dưng”
Người ta nhớ,người ta thèm riết những cái có khi đã mất từ xưa rồi
Đi quá trời đi,đôi lúc dừng chân nghĩ mệt nghe một câu vọng cổ xa xôi vang lại làm lòng mình muốn quíu .Có những người cả đời chưa nghe hết một tuồng cải lương ,có thể họ không ưa cải lương.Nhưng đi xa,nghe một câu cải lương họ rơi nước mắt lộp độp liền ,rồi biết xuống xề,biết nào là Bình Bán Vắn,Văn Thiên Tường,Nam Ai ...nữa
"Hò ơ ....
Quê người một tối nhá nhem
ai ca vọng cổ
hò ….ơ ….
nghe câu vọng cổ tái tê cõi lòng"
Có những cái nghĩ là tầm thường,nhỏ xíu nhưng khi nhớ tới thì lòng dạ chịu không nổi
Người già thì quyến luyến với tình quê không nói gì,đàng này có những người còn trẻ mà trót quyến luyến cái quê nhà rồi,sống tha hương,chết về giữa lòng đất mẹ nằm nghe sông hát
Ta đi giữa lòng đất mẹ
Vẳng nghe tiếng hát bên sông
Mạ non xanh mởn ruộng đồng
Lúa vàng miên man gió nắng
Chúng ta có bám víu vô những cái đó để biết rằng mình còn có quê hương,đất thiêng và bằng mọi cách cố mà giữ nó
Trên thế giới này nếu nói về "quê nhà" thì có lẽ người Việt Nam là quyến luyến nhiều nhứt nhì ,bằng chứng là một năm gửi về gần 20 tỷ usd đó
Vì cái tình quyến luyến đó mà Việt Nam không bị vong quốc ,đôi khi "ngoại xâm" không đáng sợ bằng "nội xâm" khi cái sau mới làm quê nhà tiêu điều ,xơ xác
Thành ra người Việt yêu quê nhà,nhớ quê hương là phải có ý thức chánh trị rõ ràng,nó khô khan nhưng nó không vô ích.
Yêu quê nhà .
Nguyễn Gia Việt
Nguồn bài viết: Thu Hương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét