Chỉ có một câu trong “Diễm xưa” mà Trịnh Công Sơn trở thành … “Đại ca!”
Ca khúc “Diễm xưa” được Trịnh Công Sơn viết vào năm 1960 như một hoài niệm về một mối tình vu vơ và đơn phương với cô nàng Ngô Vũ Bích Diễm thời còn là học trò Trung học ở Huế với bối cảnh là những con đường với những hàng cây Long não, là những tòa tháp cổ với những tà áo tím, áo trắng đi về hằng ngày trong từng tháng ngày qua của những mùa mưa nắng…
Trịnh Công Sơn sau đó vào Sài Gòn học, hỏng Tú tài II còn Ngô Vũ Bích Diễm thong dong bước vào Văn khoa ở Sài Gòn.
Mối tình ở Huế mặc dù tan vỡ nhưng vẫn còn ghi dấu ấn về người con gái mang tên Diễm để Trịnh Công Sơn viết thành một ca khúc trở nên bất hủ - Diễm xưa… Diễm của những ngày xưa!
Do hoàn cảnh gia đình lúc đó khó khăn và cũng không muốn bước chân vào cuộc đời lính, được bạn bè khuyến khích và giúp đỡ nên sẵn năm 1962, Trường Sư phạm Qui Nhơn mới thành lập và tuyển Khóa I (1962-1964) điều kiện chỉ cần có Tú tài I nên Trịnh Công Sơn từ Huế đã vào học và làm quen với môi trường của Thị xã miền biển tỉnh lẻ Qui Nhơn…
Trong thời gian ở phố biển Qui Nhơn này, Trịnh Công Sơn sáng tác trường ca “Tiếng hát Dã Tràng” hay gọi ngắn hơn là “Dã Tràng ca”, Biển nhớ, Nhìn những mùa thu đi, Nắng Thủy tinh và một số nhạc thiếu nhi …
Thuở ấy Qui Nhơn còn nghèo lắm! Cả Thị xã có mỗi một quán bar duy nhất, vừa bán kem, vừa bán cà phê thuốc lá, bia, trà. Đó là bar Phi Điệp, nằm trên đường Phan Bội Châu, đối diện với hội trường Qui Nhơn, nơi Trường Sư phạm Qui Nhơn thường trình diễn văn nghệ. Mỗi buổi chiều hoặc tối, các giáo sinh trong đó có Trịnh Công Sơn hay vào quán kêu một bình trà ngồi với nhau nhâm nhi nghe nhạc.
Khách thường xuyên đến đây không chỉ là các giáo sinh sư phạm, giới ăn chơi mà cả những người lính trận thường chọn làm điểm xả hơi sau những chuyến hành quân…
Thời ấy (và cả thời bây giờ) ở những thành phố lớn cũng thị xã tỉnh lẻ luôn tồn tại một thành phần chuyên bảo kê cho giới làm ăn buôn bán, các nhà hàng vũ trường, kể cả thành phần trẻ em bụi đời đánh giày!
Thành phần này gọi chung là giới “giang hồ” mà ngày nay gọi là “xã hội đen” và những tay trong giới này được gọi là “du đảng”… Tay đứng đầu có “máu mặt” nhất thì được đám đàn em xưng tụng và gọi bằng cái tên rất Tàu là “Đại ca”. Ở Sài Gòn có những tay “du đảng” cộm cán và có tiếng đã từng được nhà văn Duyên Anh, Nguyễn Thụy Long… đưa vào tiểu thuyết của mình như Đại Cathay, Hoàng Guitar, Loan mắt nhung …
Bar Phi Điệp ở Qui Nhơn mà Trịnh Công Sơn hay lui tới lúc ấy cũng không ngoại lệ trong việc có các tay du đảng “bảo kê” và Phi Điệp có “Đại ca” Thành “đầu bò”, thủ lĩnh của một đám du đảng làm việc bảo kê này!
Với tính cách “bất cần đời” của một nghệ sĩ, Trịnh Công Sơn đâu có biết ở bar Phi Điệp “tồn tại” một băng nhóm du đảng, xã hội đen chỉ sử dụng “luật hè phố”, “luật giang hồ” … nên anh cứ cà tửng lui tới chắc cũng chỉ để ngắm biển tìm nguồn cảm hứng cho các nhạc phẩm tương lai sau này!
Một hôm “Đại ca” Thành bất chợt bắt gặp Trịnh Công Sơn trong dáng vẻ gầy gò như học trò, với cặp mắt kính ngồi lơ đãng trong bar chỉ nhìn trời mây non nước mà “chẳng thèm” nhìn ai xung quanh kể cả đám du đảng dữ dằn đang nhìn anh!
Thành “đầu bò” nhìn cái kiểu cách thư sinh, nghệ sĩ “đáng ghét” có vẻ coi đám du đảng của mình “không ra gì” nên “ngứa mắt” liền nổi máu anh chị, muốn thị uy anh chàng giáo sinh sư phạm này nên “lệnh” cho một tên đàn em có vẻ mặt “bặm trợn” tới trước chỗ Trịnh Công Sơn rồi lừ lừ mắt, gằn giọng: “Thằng kia! Tháo kính ra! Đưa đây và… cút!”
Trịnh Công Sơn đang lơ đãng, mơ mộng với cảnh trời biển, nghe thằng du đảng quát thì “mặt xanh như đít nhái”, không còn giọt máu, run lập cập vào tháo cặp kính trắng “giả cận” của mình đưa cho thằng du đãng rồi lật đật… cút!
Nghe bạn bè Trịnh Công Sơn kể lại rằng, sau đó mấy hôm thì thằng du đảng đàn em có báo lại với “Đại ca” Thành là cái “thằng” mình “lột” cặp kính hôm trước chính là nhạc sĩ và đã sáng tác cái bản nhạc gì mà nghe có cái câu “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ…”!
Ở Qui Nhơn – Bình Định có những di tích tháp cổ của người Chiêm Thành xưa kia để lại như Tháp Đôi (trong Qui Nhơn), Tháp Bánh Ít (ngoài Chợ Huyện)… nên những người dân Bình Định rất yêu thích, tự hào về những ngôi tháp cổ này…
Có lẽ “Đại ca” Thành “đầu bò” quê đâu ngoài Chợ Huyện (Tuy Phước) vào trong Thị xã Qui Nhơn xưng hùng với đám du đảng, nghe thằng đàn em nói thế nên… giật mình: “Chết thật! Bài hát này viết về cái Tháp Bánh Ít của quê mình đây mà! Rõ ràng là… mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ, không nói về cái Tháp Bánh Ít thì là cái tháp nào nữa! Bài này thì tao … thuộc nằm lòng!”
Thằng du đảng với trái tim tưởng chừng chai sạn, sỏi đá, dòng máu tưởng đã lạnh tanh như băng giá, một ngày chợt nghe “Diễm xưa” với khúc mở đầu “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ…” đã khơi lại cái “tri giác” nhỏ nhoi và cái “máu cục bộ” nổi lên với niềm tự hào về quê hương khi có một nhạc sĩ mà mình dùng bạo lực đe nẹt đã viết về cái… Tháp Bánh Ít và… tôn vinh nó!
Nghe nói, sau đó “Đại ca” Thành “đầu bò” lại sai đàn em đi tìm và gặp được Trịnh Công Sơn trao cho mảnh giấy viết vài chữ nguệch ngoạc: “Mời nhạc sĩ tới bar Phi Điệp nói chuyện”.
Lần này Trịnh Công Sơn đoán biết là… tin lành, nên tuy cũng hơi ơn ớn khi phải đối diện với đám du đảng nhưng anh cũng tới bar Phi Điệp như y hẹn.
Tại bar Phi Điệp, “Đại ca” Thành “đầu bò” tập hợp đàn em du đảng của mình trước Trịnh Công Sơn, ân cần xin lỗi Trịnh Công Sơn về sự hiểu lầm của mình đối với người nhạc sĩ là viết bài hát về cái … Tháp Bánh Ít – Qui Nhơn của mình, rồi trịnh trọng tuyên bố với đám đàn em “ Từ nay, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là … “đại ca” của giới giang hồ Qui Nhơn”!
Không ai kể lại lúc đó mặt của “Đại ca” Sơn dài thuỗn như thế nào, hay anh chàng nhạc sĩ viết về những ngôi tháp cổ của đền đài lăng tẩm xưa của Huế bỗng dưng được quàng luôn vô cho cái Tháp Bánh Ít ở Qui Nhơn!
Không biết nhạc sĩ họ Trịnh “dở khóc dở cười” như thế nào chứ “văn chương, chữ nghĩa, nghệ thuật” quả là “lợi hại” thật …
Hoài Nguyễn - 22/3/2019
(Viết lại theo nội dung một giai thoại về Trịnh Công Sơn của Hà Đình Nguyên)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét