Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2023

CHUYỆN RẤT NGẮN, NHƯNG LAN TỎA ĐẾN RẤT NHIỀU NGƯỜI…

 CHUYỆN RẤT NGẮN, NHƯNG LAN TỎA ĐẾN RẤT NHIỀU NGƯỜI…

Tôi lên giường ngủ lúc 11 giờ khuya, bên ngoài trời đang có tuyết rơi. Tôi co ro rúc vào trong chăn, cầm chiếc đồng hồ báo thức lên xem thì phát hiện nó đã ngừng hoạt động từ lúc nào, tôi đã quên không mua pin cho nó.
Bên ngoài trời lạnh như thế, tôi quả thực không muốn phải ngồi dậy, liền gọi điện thoại cho mẹ: “Mẹ ơi, đồng hồ báo thức của con hết pin rồi, ngày mai con có cuộc họp công ty, khoảng 6 giờ mẹ gọi điện đánh thức con dậy nhé!”.
Mẹ ở đầu dây bên kia giọng như đang ngái ngủ, nói: “Được rồi, mẹ biết rồi!”.
Sáng hôm sau, điện thoại báo thức vang lên trong lúc tôi còn đang mộng đẹp. Ở đầu dây bên kia, mẹ nói: “Con gái mau dậy đi, hôm nay con còn có cuộc họp đấy”.
Tôi mở mắt nhìn đồng hồ, mới có 5h40, liền cảm thấy khó chịu mà cằn nhằn mẹ: “Chẳng phải con nói 6 giờ mới gọi con dậy sao? Con còn muốn ngủ thêm một lát nữa, lại bị mẹ làm phiền rồi”.
Mẹ ở đầu dây bên kia lặng im không nói gì, tôi cũng cúp điện thoại…
Tôi ngồi dậy rửa mặt, chải đầu rồi ra khỏi nhà. Thời tiết thật lạnh, khắp nơi toàn là tuyết, trời đất chỉ một màu.
Tại ga xe bus tôi không ngừng dậm chân cho đỡ lạnh, trời vẫn còn tối đen như mực, đứng bên cạnh tôi là hai ông bà lão tóc bạc trắng.
Tôi nghe ông lão nói với bà: “Bà xem xem, cả đêm ngủ không yên giấc, mới sáng sớm đã thúc tôi dậy rồi, nên giờ mới phải chờ lâu như thế”.
Năm phút sau, cuối cùng xe bus cũng đã tới. Tôi vội bước lên xe, tài xế là một người thanh niên còn rất trẻ, anh ta chờ tôi lên xe rồi vội vã lái xe đi.
Tôi nói: “Khoan đã! Anh tài xế, phía dưới còn có hai ông bà lão nữa, thời tiết lạnh như thế mà họ đã đợi từ rất lâu rồi, sao anh không chờ họ lên xe mà đã đi rồi?”.
Anh ta ngoảnh đầu lại, cười nói: “Không sao đâu, đó là cha mẹ của tôi đó. Hôm nay là ngày đầu tiên tôi lái xe bus, nên họ đến xem tôi đấy”.
Tôi đột nhiên rơi lệ, nhìn lại dòng tin nhắn của cha tôi: “Con gái, mẹ của con cả đêm ngủ không được, mới sáng sớm đã tỉnh dậy, bà ấy lo con sẽ muộn giờ”…
------------------
Người Do Thái có một câu ngạn ngữ: “Lúc cha mẹ cho con thứ gì, con đều nở nụ cười; lúc con cái cho cha mẹ thứ gì, cha mẹ khóc”.
Cả đời này, người có thể làm cho chúng ta mọi thứ mà không cầu báo đáp chỉ có cha mẹ, vậy nên, dù thế nào cũng đừng phàn nàn họ, hãy thông cảm cho họ, quan tâm tới họ.
Hãy trân trọng từng phút giây bên cha mẹ, bởi không ai biết được khi nào họ sẽ rời xa ta mãi mãi.
Khi cha mẹ còn hãy luôn nở nụ cười, hãy luôn quan tâm chăm sóc tới họ, đừng để cha mẹ mỏi mắt ngóng trông mà không nhìn thấy hình bóng của bạn.
Khi bạn chập chững bước đi, chỉ có cha mẹ là người nắm lấy đôi bàn tay nhỏ bé, dìu dắt bạn đi những bước đầu đời.
Khi bạn cất tiếng khóc chào đời, chỉ có cha mẹ là người hạnh phúc nâng niu bạn trong vòng tay, cũng chỉ có cha mẹ là người ngày đêm bỉm sữa, chăm sóc bạn từng miếng ăn giấc ngủ.
Khi bạn đau ốm, chỉ có cha mẹ là người mất ăn mất ngủ, ngày đêm túc trực bên giường bệnh. Vì bạn, dẫu phải bán đi khối tài sản cuối cùng trong tay, họ vẫn sẵn sàng.
Khi bạn gặp khó khăn trắc trở, hay khi cả thế giới đều quay lưng với bạn, thì cha mẹ vẫn luôn ở bên che chở bạn, vỗ về bạn. Thời gian có thể làm lòng người thay đổi, nhưng vĩnh viễn không thể thay đổi tình yêu cha mẹ dành cho bạn.
NAM GIANG TU
Nguồn bài viết : Hồng Bính.
Không có mô tả ảnh.
NTất cả cảm x

Thứ Tư, 29 tháng 3, 2023

XIN TRỞ LẠI THỦA NGÀY XƯA TINH NGHỊCH *Ngô Đình Châu

 Nhớ tuổi học trò ngày xưa...

XIN TRỞ LẠI THỦA NGÀY XƯA TINH NGHỊCH
*Ngô Đình Châu
...
Lớp tôi, con trai và con gái học chung với nhau, nhưng chia làm hai thái cực rạch ròi. Các chị lúc đó còn nhỏ xíu, đi học mặc áo dài trắng tinh, đi đứng khoan thai nhẹ nhàng. Vào lớp các chị ngồi cái lưng thẳng tắp, tà áo dài xếp lại gọn gàng, nói cười nhỏ nhẻ, dáng điệu giống y như tiểu thư con nhà quan.
Đám con trai chúng tôi, vừa qua thời kỳ " con nít nhỏ", bước sang thời kỳ "con nít lớn", nên trông thật là lổn nhổn. Vào lớp quần áo chỉnh tề được một lát, sau một hồi đùa nghịch, quần áo xộc xà xộc xệch trông rất "nhảm". Có hôm Thầy cô chưa kịp vào lớp, đám con trai bắt đầu làm loạn. Rượt đuổi nhau í ới từ bàn này sang bàn khác, có khi chạy cả lên bảng đen, bục giảng, và ngay cả bàn viết của Thầy nữa, cả đám quậy phá tưng bừng ầm ầm như quỉ sứ. Trong khi các chị thì khác hẳn, họ chụm lại rù rì từng nhóm nhỏ, thỉnh thoảng đưa mắt lườm nguýt sang đám con trai, không biết họ có rủa thầm chúng tôi là đồ con nít hay không nữa.
Không biết tự lúc nào, đám con trai coi các Chị là bậc bề trên "Nhất Thầy Cô- Nhì mấy Chị". Dù cho chúng tôi có ngỗ ngáo đến đâu chăng nữa, thì không bao giờ vô lễ với mấy nàng. Lúc nào cũng gọi bằng "chị" và xưng "tui" một cách nghiêm chỉnh (cũng may mà chưa xưng bằng "em" nếu không thì thật là xấu mặt) Và cũng lạ một điều, các Cô cũng tự coi mình là "bề trên" của chúng tôi, tệ lắm cũng coi là ngang hàng, chứ không bao giờ họ tự hạ mình là "bề dưới" (dẫu có mai sau!!). Xưng hô với tụi tôi, các nàng có hai cách, hoặc là kẻ cả hoặc là bình bình. Chẳng hạn như thế này là ngang hàng:" Châu cho Hiếu mượn cục gôm!" Còn như thế này là bề trên:"Châu chở chị đi học về với nhen!"
Các Cụ có nói "Gái thập tam, Nam thập luc". Có phải câu này ám chỉ, con gái bắt đầu trổ mả từ tuổi 13, con trai nhổ giò bể tiếng từ tuổi 16. Lúc các Cô bắt đầu trổ mả, có lẽ đám con trai chúng tôi là người phát hiện đầu tiên. Có gì lạ đâu, bởi vì chúng tôi "dòm lén" các chị hàng ngày. Tóc các chị càng ngày càng mượt mà óng ả, chứ không xơ xác như râu bắp nữa. Có chị thì mặn mà da bánh ít, có chị thì trắng trẻo tựa như bông bưởi bông lài, có chị khổ sở với cái mụn dậy thì, lúc thoa nghệ lúc dán thuốc cao...
Trong khi đám con trai nhổ giò cao lêu nghêu, ốm nhách như cây mía lau, giọng nói bể tiếng ồ ề như vịt xiêm, lông mép bắt đầu mọc ra lún phún. Còn các chị, giọng nói trong trẻo thánh thót, đặc biệt nhất là các đường cong "uốn lượn" trước sau bắt đầu xuất hiện. Đến năm 16-17, các chị trở mình biến thành thiếu nữ mãn khai rực rỡ. Tội nghiệp, đám con trai biến đổi từ thằng nhóc sang thằng quỉ sứ mắc dịch.
Chao ôi! ông Trời thật bất công, đám con trai với mặc cảm tự ti nên cảm thấy không "xứng đôi" với các chị một chút nào cả. Các chị càng lớn càng xinh đẹp ra, con trai chúng tôi đâu phải là gỗ đá ngây ngô, sao mà không biết điều đó. A ha! chuyện "lửa gần rơm" là chuyện tất nhiên xảy ra rồi.
Nói một cách huỵch toẹt ra, chúng tôi có cả đám thằng "thầm yêu trộm nhớ" mấy chị, nhưng khổ một nỗi, vì mặc cảm, vì nhút nhát, nên chúng tôi không dám bộc lộ ra điều này. Đang đi trong hành lang, gặp các chị đi ngược chiều là con trai lảng sang hướng khác. Đang "dòm lén" các cô mà bị bắt quả tang thì sợ điếng người. Có hôm "làm gan" mon men đến bắt chuyện với mấy chị, nói được vài câu là hụt hơi hết sức, bèn kiếm cớ chuồn thẳng.
Khổ thân đám con trai, có khi tụi tôi ngồi trong lớp, dõng tai nghe các cô đọc thư tình của ai đó gửi cho các cô, rồi bình luận hay phê bình chi chi đó, sau đó rú lên cười. Chúng tôi nghe mà thất kinh hồn vía, cũng may không phải là thư của chúng tôi, nếu không thì chắc phải độn thổ. Tội nghiệp, trong đám cũng có thằng thức đêm thức hôm để viết nên những lá thư tình lâm li lai láng, định gửi cho ai đó, nhưng nghĩ lại rồi thôi. Nghĩ đến cái cảnh, các nàng lôi lá thư của mình ra "mần thịt" thì cũng đủ khiếp vía. Các chị thiệt ác ghê.
...
Các nàng khi nói chuyện với con trai thì phải giữ khoảng cách, nếu đứng gần quá thì dễ bị coi là quá thân mật. Con trai có rủ đi uống sinh tố hay ăn chè... nếu lần đầu thì phải khéo léo từ chối, dù cho trong lòng rất thích (ăn). Đợi lần sau, nếu được mời nữa thì có thể OK, nhưng nhớ ăn uống phải nhỏ nhẹ, và nhớ là chừa lại cở một phần ba ly chè, cho đúng điệu tiểu thư, chứng tỏ ta đây không phải là hạng đói khát.
Khi quen biết biết đến độ thân tình, con trai có mời đi xi nê,
nếu các nàng ưng ý thì nhớ dắt theo nhỏ bạn, để phía "đối tác"
không thể "làm ăn" gì ráo trọi. Các tiểu thư tuyệt đối không được gọi đám con trai bằng anh và xưng em, nghe sao "lả lơi" quá. dễ bị hiểu lầm. Trước mặt thì gọi bằng "ông" hay bằng tên, sau lưng thì gọi bằng "thằng". Nếu các nàng phải leo lên xe gắn máy cho con trai chở đi, thì ngồi xa ra chừng nào tốt chừng ấy, nhớ vịn yên xe cho thật chặt, để phòng ngừa chiêu thức "vừa chạy vừa thắng", cả lũ con trai, đứa nào cũng "ma quái" như nhau.
Tiểu thư khi ngồi ăn uống trước mặt con trai, phong thái còn nhiêu khê hơn nữa. Trước hết phải tạo dáng ngồi cho đẹp, cái lưng thẳng băng, hai đùi khép lại. Dù đói cồn cào cũng không được gắp lia gắp lịa, trông quá bình dân, chìa đủa gắp từng miếng nhỏ, cho vào miệng nhai từ tốn, không được phát ra tiếng nhai lách chách nghe rất thô, không được độn thức ăn hai bên má, trông rất khỉ. Khi muốn nói chuyện thì phải nuốt thức ăn cho trống miệng rồi mới nói, nếu không thức ăn rơi ra ngoài sẽ rất ngượng...
...
Con trai thời đó còn mang nặng tính sự nghiệp "không công danh thà nát với cỏ cây" Đàn ông chưa có sự nghiệp, hình dáng trông rất "hèn". Nên chưa đủ tự tin để "động đậy" đến các nàng (Trời ơi! quá là ngu, chờ các anh nên sự nghiệp thì đám con gái chúng tôi đã hết thời xuân sắc).
Phía con gái thì ngược lại, các nàng mong trao thân gửi phận cho những người có sự nghiệp, đám con trai chung lớp chung trường chỉ đáng gọi bằng "em cưng".
Nam tài, Nữ sắc: có nghĩa là con trai phải có tài, con gái phải có sắc. Khổ một nổi, cái tài của con trai thường phát triển rất muộn, thường thường thì cũng phải ngoài 30. Trong khi "sắc nước hương trời" chỉ kéo dài từ 17 đến 25, sau đó là coi như đã "qua cầu" Sự tréo ngoe đó cũng đủ đẩy đám con trai con gái về hai hướng khác nhau, "đường đời xa vạn nẻo"...
...
NGÔ ĐÌNH CHÂU
(Trích đoạn "XIN TRỞ LẠI THỦA NGÀY XƯA TINH NGHỊCH" của Ngô Đình Châu
Nguồn bài viết: Thu Hương
Có thể là hình ảnh về 4 người và mọi người đang đứng
Tất cả cảm xú

Thứ Ba, 28 tháng 3, 2023

CHA TÔI.

 Bùi Nhật Lai

Một ngày nọ, Cha tới mượn tiền tôi. Cha nói :
-"Sức khỏe Cha không tốt, cần phải tới bệnh viện để kiểm tra tổng quát."
Vậy nên tôi đã gửi tiền cho Cha.
Không ngờ, chưa được bao lâu, Cha lại gọi điện tới, nói muốn mua một chiếc xe điện 3 bánh. Tôi lưỡng lự một lúc, Cha dường như nghe thấy sự do dự của tôi bèn nói:
-"Con cho Cha một nửa, Cha tự bỏ ra một nửa, đem bán mấy con dê nhà nuôi”.
Nghe thấy vậy, tôi liền mềm lòng. Mấy năm gần đây, Cha tôi đã nuôi hơn chục con dê, nuôi lớn rồi lại đem bán để trang trải chi tiêu hàng ngày. Sau khi Mẹ tôi mất đi, tôi muốn đón Cha lên thành phố ở chung, Cha quyết không chịu đi.
Thằng em trai đang sống ở thị trấn cũng muốn đón Cha tới, nhưng Cha nói đã quen với cuộc sống ở quê, quen với những người trong thôn nên không muốn rời đi.
Không có cách nào thuyết phục, đành theo ý Cha. Tuy nhiên, muốn biếu Cha chi phí sinh hoạt hàng ngày ông cũng không lấy, lần nào cũng nói, cuộc sống thôn dã đơn giản, chi phí ít, cũng không tiêu gì. Mà bây giờ… chuyển tiền cho Cha, nhưng tôi vẫn cảm thấy có gì đó không đúng.
3 tháng trôi qua, tôi quyết định đưa con gái về nhà thăm Cha.
Cửa nhà khóa, chú hàng xóm nói Cha tôi đang đi chăn dê. Tôi bèn dắt con gái xuống dốc, từ xa đã nhìn thấy đàn dê, tới gần mới thấy Cha đang ngồi ngủ bên gốc cây, bên cạnh trải một tấm vải, trên tấm vải có một cái bánh đã ăn được một nửa, một túi dưa muối nhỏ, còn có một bình nước… Trong lòng chợt thấy chua xót, tôi liền gọi:
-"Cha ơi”!
Cha giật mình tỉnh giấc, hồi lâu sau mới nói:
-"Con bé này, sao về nhà mà không báo trước?”.
Con gái tôi liền dành nói trước:
-"Mẹ con nói muốn cho ông ngoại một bất ngờ”.
Cha tôi thực sự rất vui mừng, không nói thêm với tôi điều gì, chỉ kéo cháu gái tới làm quen với bầy dê bảo bối của mình. Một bầy dê nho nhỏ có trên chục con, Cha tôi vui vẻ nói:
-"Đợi thêm một khoảng thời gian nữa có thể bán được rồi, chắc chắn sẽ bán được rất nhiều tiền! Bây giờ giá dê đang tăng”.
Về tới nhà, trong sân có chút bừa bộn, chiếc xe 3 bánh Cha tôi đã đi nhiều năm nằm ở một góc sân.
Tôi thuận miệng liền hỏi:
-"Cha, chiếc xe 3 bánh Cha mới mua đâu rồi?”.
Ông bối rối trả lời:
-"Cha… vẫn chưa mua! Nghe người ta nói tháng sau giá sẽ giảm”.
Trong lúc tôi dọn dẹp ngoài sân, nghe thấy Cha gọi điện cho thằng em trai nói:
-"Chị gái con về nhà, tối nay con cũng về nhà cùng ăn cơm đi!”.
Sau đó Cha còn dặn nhỏ một câu:
-"Mua thêm nhiều đồ ăn ngon nhé”!
Tôi định nói vài câu, rồi lại thôi. Hồi trước, tôi luôn để ý tới sự thiên vị của cha mẹ. Bởi vì sự đố kỵ lúc còn nhỏ, mà tôi luôn xa cách thằng em trai, sau đó thì giận dỗi quyết định thi vào một trường đại học thật tốt, cuối cùng có thể hãnh diện rời khỏi nhà.
Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi vào làm việc ở một công ty nước ngoài khá tốt, còn em trai tôi miễn cưỡng cũng học xong trung cấp nghề, trở thành một công nhân làm trong một dây chuyền lắp ráp tại thị trấn, thằng út lại càng ngưỡng mộ và tôn kính tôi hơn.
Buổi chiều, thằng em trai mang theo con về nhà, còn mua rất nhiều đồ. Cha tôi đích thân xuống bếp, cùng với em trai làm rất nhiều món ngon, đều là những món tôi ưa thích. Lúc Mẹ tôi còn sống, Cha tôi chưa từng nấu ăn. Thật kỳ lạ là mỗi món ăn Cha làm đều giống y như mùi vị thức ăn Mẹ nấu. Ăn từng miếng, tôi dường như sắp khóc.
Buổi tối, tôi ngồi nói chuyện với Cha trong sân, chỉ là không ngờ tới, ông vòng vo một hồi lâu, nói từ chuyện trong thôn, nói tới việc lúc còn sống Mẹ tôi muốn xây lại nhà,… cuối cùng mới nói tới vấn đề chính:
-"Các con, nếu như không quá khó khăn, có thể… con biết đấy, thằng em của con…”
Tôi ngắt lời ông, hỏi:
-"Cha, sửa nhà cần bao nhiêu tiền”
Trong lòng tôi, đột nhiên có một nỗi buồn không thể diễn đạt bằng lời.
-"Khoảng, khoảng 200 triệu …..”
Giọng của ông nhỏ lại, liền lập tức bổ sung
-"nếu bán được bầy dê cũng sẽ được vài chục triệu”.
Tôi ngạc nhiên một lúc, 200 triệu với tôi cũng không phải là con số nhỏ, tôi ngập ngừng nói: -"Cha, đợi con về nhà tính lại rồi nói, cũng không phải vấn đề quá lớn”.
Ông cúi thấp đầu nói:
-"Con gái, làm khó con rồi. Con xem có thể được bao nhiêu, Cha già rồi, sẽ không tiêu tốn khoản nào nữa….”.
Tôi cười nhẹ. trong ánh trăng mờ ảo, chắc chắn Cha không thấy được sự cay đắng trong nụ cười đó.
Bàn bạc với chồng về chuyện của Cha, cả nửa ngày, anh ấy cũng không nói gì, chồng tôi không phải một người nhỏ mọn, nhưng năm nay, tình cảnh của anh ấy còn tệ hơn tôi. Chồng tôi mở một công ty xuất khẩu nhỏ, bây giờ đến tiền lương cũng trở thành vấn đề.
Cuối cùng anh ấy nói:
-"Em đưa tiền cho Cha đi, chúng ta tự thắt chặt chi tiêu chút, vẫn có thể chịu được”.
Nửa tháng sau, khi tôi chuyển tiền cho Cha, tôi gặp được một NGƯỜI HỌ HÀNG tới thành phố làm việc, trong lúc trò chuyện tôi liền thuận miệng hỏi:
-"Nhà của con đã bắt đầu sửa lại chưa ạ”?
Ông ấy hơi ngạc nhiên:
-"Không thấy Cha con nói tới việc sửa lại nhà!”nghĩ một lúc người đó nói:
-"Đúng rồi, Cha con đem dê bán hết rồi, giúp em trai con mua một chiếc xe giao hàng nhỏ, em trai con không còn làm ở chỗ cũ nữa, đã tự lái xe đi giao hàng rồi. Kiếm được kha khá...".
Trái tim tôi giống như bị ném vào băng vậy, cảm thấy thực sự lạnh lẽo.
Hoá ra Cha đã nói dối tôi, từ đầu tới cuối luôn đứng về phía thằng em trai, thiên vị tới mức nói dối tôi lấy tiền giúp đỡ nó, không thể oán hận Cha nhưng có bao nhiêu bất mãn chính tôi cũng không rõ.
Về tới nhà, tôi không thể chịu đựng được nữa, nhốt mình trong phòng vệ sinh, vừa mở nước vừa khóc một trận.
Vài ngày sau đó, tôi đều không chủ động gọi điện thoại cho Cha. Cuối cùng cũng làm Cha gọi trước, tôi chỉ trả lời lấy lệ, Cha cũng đành phải cúp máy. Nhưng không ngờ rằng, đó lại là lần cuối cùng tôi được nghe giọng của Cha.
3 ngày sau, tôi nhận được điện thoại của thằng em trai, nói rằng Cha đã qua đời rồi, vì bị nhồi máu cơ tim... bỗng nhiên nhớ lại cuộc điện thoại 3 ngày trước, những lời dặn dò vụn vặt cùng sự lạnh lùng của tôi, khiến tôi không thể nhớ nổi.
Lập tức trở về nhà, lần đầu tiên tôi và thằng em trai ôm nhau khóc, lúc Mẹ mất tôi vẫn có thể dựa vào vòng tay Cha, còn bây giờ... tất cả những oán trách đối với Cha đều bị sự ra đi đột ngột này làm tan đi hết, chỉ còn sự đau thương bao trùm lấy tôi.
Sau khi lo liệu xong hậu sự của Cha, lúc rời đi, thằng em trai tiễn tôi tới bến xe rồi nói:
-"Chị gái, hãy thường về nhà nhé, Cha Mẹ đều không còn, nhưng nhà của chúng ta vẫn còn".
Một câu nói đó đã khiến cho tôi vốn đã khóc tới cạn nước mắt lại dâng lên dòng lệ. Nắm tay thằng em trai tôi dặn dò nó giữ gìn sức khỏe rồi lên xe đi. Tôi đã nghĩ rằng, có thể sau này tôi sẽ không thường về nơi được gọi là nhà của chúng tôi nữa!
Trải qua vài ngày, tôi mới có thể bình tĩnh lại sau việc Cha qua đời...
Nhưng cuộc đời con người, quả thật là hoạ vô đơn chí, chuyện bất hạnh lại tiếp tục xảy tới, công ty của chồng tôi gặp sự cố, anh ấy bị khách hàng LỪA MẤT toàn bộ tài sản.
Chồng tôi lúc đó gần như sụp đổ, từ một người không bao giờ uống rượu lại thành kẻ say sưa tối ngày. Tôi vô cùng lo lắng, sốt ruột, lại không có cách nào có thể giúp đỡ, suy nghĩ một đêm, cuối cùng quyết định bán nhà.
Trưa ngày hôm đó thằng em trai gọi điện tới
Sau khi Cha mất, thằng em ngược lại rất thường xuyên gọi điện thoại tới. Tôi không có tâm trạng nói chuyện với nó, nó cũng hiểu được sự nôn nóng của tôi, nhẫn nại hỏi, tôi cố gắng mới nói được hết cho thằng út nghe.
Không ngờ được rằng, em trai tôi ngồi tàu hỏa, sáng hôm sau liền tới, Em bước vào nhà không nói gì hết, từ trong tay lấy ra một xấp tiền.
-"Chị, đây là 500 triệu, không nhiều, dùng giải quyết trước đã".
Tôi vô cùng ngạc nhiên hỏi:
-"Tiền này em lấy ở đâu?".
-"Dạ. Một phần từ mấy tháng nay em chở hàng kiếm được 300 triệu, nhà trên thị trấn không được bao nhiêu, chỉ có điều có được từng này..."
Tôi cảm động, cầm tiền đưa lại cho em trai, nói:
-"Chị không thể cầm tiền của em".
Nó vội vã nói:
-"Chị gái, năm ngoái xưởng đóng cửa, em và vợ bị mất việc, muốn có một chiếc xe chở hàng nhưng không có tiền, chị đã đưa ba 400 triệu, nói Cha đưa cho em, còn dặn Cha không được cho tụi em biết là tiền của chị".
Tôi ngây người, em trai nói tiếp:
-"Cha nói, hồi nhỏ, đều là chị nhường em, bởi vì em là em, bây giờ em phải bảo vệ chị, bởi vì chị là con gái. Cha còn nói, tới lúc Cha không còn nữa, em chính là nhà của chị...".
-"Cha ơi!"
Tôi quay đầu, nước mắt rơi xuống như mưa. Tôi là đứa con bất hiếu! SAO LẠI KHÔNG HIỂU cho sự khổ tâm của Cha.
Cha đã biết trước không còn sống được bao lâu, lại càng biết tôi vốn là đứa kiêu ngạo, ngay cả người thân CŨNG SẼ không nhờ vả dựa dẫm, chính vì vậy đã để lại sự yêu thương, dành cho tôi sau này.
Lúc đầu, khi Cha mượn tiền tôi, trong lòng Cha đã biết khó xử, đã phải dùng bao nhiêu dũng khí. Nhưng Cha vẫn làm vậy, chỉ để khi ông mất đi, chúng tôi còn có chỗ dựa, còn có người thân.
Thì ra đứa con mà ông YÊU THƯƠNG NHẤT lại chính là tôi. Tôi quay lại ôm lấy em trai, không thể nói một lời nào, chỉ ôm thật chặt nó.
Giây phút này, Cha tôi đang ở trên thiên đường cũng cảm thấy an lòng, bởi vì đứa con được sống trong tình yêu của ông MÀ HOÀN TOÀN KHÔNG BIẾT, cuối cùng đã hiểu được tất cả.
CHA ƠI!!!
Nguồn : Quí Nguyễn.
Có thể là ảnh chế về văn bản cho biết 'Nghèo đói Tương fa tươi sắng Cha'
Tất cả cảm x

Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2023

THẰNG CHÓ ĐẺ CỦA MÁ Tác Giả: Tiểu Tử

 Má ơi! Bữa nay là ngày 23 tháng chạp, ngày đưa ông Táo. Không biết những người Việt lưu vong như tụi con có còn giữ phong tục hằng năm cúng đưa ông Táo về Trời hay không, chớ vợ của con năm nào đến ngày này cũng mua hoa quả bánh ngọt cúng đưa ông Táo, cũng thành khẩn như ngày xưa, hồi còn ở bên nhà.

Năm nay, nhờ vợ của con lau dọn bàn thờ ông Táo để sửa soạn bày lễ vật ra cúng, nên con mới nhớ ra là ngày 23 tháng chạp. Ngày này cũng là ngày sanh của má. Hồi đó, má hay nói:
-"Ngày sanh của đứa nào còn khó nhớ, chớ ngày sanh của tao là ngày ông Táo về Trời, không dễ gì quên!”.
Và ngày này hồi đó, khi cúng vái, má hay cầu khẩn:
-"Ông về ở trển nhờ tâu lại bữa nay tôi lên thêm một tuổi, cầu xin Ngọc Hoàng bớt cho tôi chút đỉnh khổ cực…”.
Hồi đó, nghe má cầu xin, con phì cười. Bây giờ, nhớ lại, con bỗng ứa nước mắt…Cuộc đời của má - theo lời tía kể - cũng lắm gian truân từ ngày má bỏ cái làng quê ở bờ sông Vàm Cỏ để đi theo tía dấn thân làm cách mạng vào những năm 1928/29. Gia đình giòng họ từ bỏ má cho nên hồi sanh con, tía bận đi xa, má nằm chèo queo một mình trong nhà bảo sanh, chẳng có người nào đi thăm hết. Vậy mà sau đó, má vẫn tiếp tục bôn ba…Mãi về sau, khi con lên sáu bảy tuổi, có lẽ chỉ vì sanh có một mình con nên tía má mới “trụ hình” - vẫn theo lời tía kể - với nhiều cực nhọc và khó khăn tiếp nối dài dài…Hỏi sao sau này mỗi lần đưa ông Táo má không có lời cầu khẩn nghe tội nghiệp như vậy?
Nhớ lại, cách đây ba năm má thọ tròn trăm tuổi. Tính ra, từ ngày con đi chui theo ý má muốn - má nói:
- “Mầy đem vợ con mầy đi đi, để tao còn hy vọng mà sống thêm vài năm nữa”! – cho đến năm đó, con xa má 25 năm. Con mới 72 tuổi má cứ bịnh lên bịnh xuống nhưng năm đó con quyết định phải về. Và con đã về…
Thằng Bảy, con chị Hai Đầy ở Thị Nghè nghỉ chạy xe ôm một bữa để đưa con về cái làng quê nằm bên sông Vàm Cỏ. Nó nói:
-“Đi xe đò chi cho tốn tiền, để con đưa cậu Hai về, sẵn dịp con thăm bà Tám luôn”.
Hồi tụi con bước vào nhà, cả xóm chạy theo mừng. Con nhỏ giúp việc vội vã đỡ má lên rồi tấn gối để má ngồi dựa vào đầu giường
-“Thưa bà cố, có khách”.
Má nhướn mắt nhìn, hai mắt sâu hỏm nằm trên gương mặt gầy nhom đầy vết nám thâm thâm:
-“Đứa nào đó vậy?”.
Con nghẹn ngào:
- “ Dạ, con…”. Chỉ có hai tiếng “Dạ, con” mà má đã nhận ra con ngay mặc dầu đã xa con từ 25 năm! Má nói:
-"Mồ tổ cha mầy! Trôi sông lạc chợ ở đâu mà bây giờ mới dìa? Mà dìa sao không cho tao hay?”
Con ngồi xuống cạnh má:
-“ Sợ cho hay rồi má trông”
Má nói mà gương mặt của má nhăn nhúm lại:
- “ Tao trông từ hai mươi mấy năm nay chớ phải đợi đâu tới bây giờ! ”
Rồi má nhắm mắt một vài giây mới để lăn ra được hai giọt nước mắt. Cái tuổi một trăm của má chỉ còn đủ hai giọt nước mắt để cho má khóc mừng gặp lại thằng con... Xúc động quá con gục đầu vào vai má khóc ngất, khóc lớn tiếng, khóc mà không cần biết cần nghe gì hết. Cái tuổi bảy mươi hai của con còn đầy nước mắt để thấm ướt cái khăn rằn má vắt trên vai...
Suốt ngày hôm đó, má con mình nói biết bao nhiêu chuyện, có sự tham dự của họ hàng chòm xóm. Nhớ gì nói nấy, đụng đâu nói đó... vui như hội. Vậy mà cuối ngày, không thấy má mệt một chút nào hết. Con nhỏ giúp việc ngạc nhiên:
-“Bình thường, bà cố nói chuyện lâu một chút là thở ồ ồ. Bữa nay sao thấy nói hoài không ngừng! Có ông Hai dìa chắc bà cố sống thêm năm bảy năm nữa à ông Hai!”
Đêm đó, má “đuổi” con vô mùng sớm sợ muỗi cắn. Con nằm trên bộ ván cạnh cái hòm dưỡng sinh của má. Con hỏi:
-“Bộ cái hòm hồi đó má sắm tới bây giờ đó hả?”
Má cười khịt khịt vài tiếng rồi mới nói:
-"Đâu có. Cái hòm mầy nói, tao cho cậu Tư rồi. Hồi Cao Miên pháo kích quá, tao đem cậu Tư về đây ở, rồi ổng bịnh ổng chết. Tao có sắm cái hòm khác, cái đó tao cho thằng Hai con cậu Tư. Tội nghiệp thằng làm ăn suy sụp nên rầu riết rồi chết!”
Con nói chen vô:
-" Vậy, cái nầy má sắm sau đám của anh Hai”
Má lại cười khịt:
-"Đâu có. Cái hòm sắm sau cái hòm cho thằng Hai, tao cho dì Sáu rồi. Hồi chỉ nằm xuống, nhà chỉ không có tiền mua hòm thì lấy gì làm đám ma? ”Ngừng lại một chút rồi má mới nói: “ Còn cái hòm nầy chắc tao không cho ai nữa. Họ hàng quyến thuộc lần hồi chết hết, còn lại có mình tao thôi, có nó nằm gần tao cũng yên bụng!”
Nằm tơ lơ mơ một lúc bỗng nghe má hỏi:
-"Thằng chó đẻ... ngủ chưa?”
Con trả lời:
-“Dạ chưa”
Má tằng hắng:
-“Tao tụng kinh một chút nghen”.
Con “Dạ” mà nghe tiếng “Dạ” nghẹn ngang trong cổ. Mấy tiếng “Thằng chó đẻ” của má kêu con đã làm cho con thật xúc động.
Hồi đó – lâu lắm, cách đây sáu mươi mấy bảy chục năm, hồi con còn nhỏ lận – má hay gọi:
-“Thằng chó đẻ, lại hun cái coi!”.
Hồi đó, mổi lần cưng con, nựng con, ôm con vào lòng má luôn luôn gọi con bằng “thằng chó đẻ”! Mà con thì chỉ biết sung sướng khi nghe má gọi như vậy. Rồi con lớn lần, má không còn gọi con bằng “thằng chó đẻ” nữa. Con không để ý và chắc má cũng không để ý đến chuyện đó. Mãi đến bây giờ má lại gọi con bằng “thằng chó đẻ”, gọi tự nhiên như hồi con còn nhỏ. Chỉ có mấy tiếng thật thô thiển bình dị, nghe khô khan như vậy mà sao con cảm nhận tình thương thật là tràn đầy. Và đối với má, dầu tuổi đời của con có cao bao nhiêu nữa, con vẫn là “thằng nhỏ”, “thằng chó đẻ cưng”. Con bắt gặp lại sự sung sướng của hồi đó khi được má gọi như vậy. Rồi bao nhiêu hình ảnh thuở ấu thời hiện về trong đầu con, liên miên chớp tắt. Đêm đó, con trằn trọc tới khuya...
Sáng hôm sau, má biểu con đẩy xe lăn đưa má đến từng bàn thờ để má thắp nhang tạ ơn Trời Phật, Ông Bà. Cuối cùng, đến bàn thờ của tía, má nói:
-“Ông ơi! Có thằng nhỏ nó dìa đó. Ông độ cho nó được mạnh giỏi, độ cho vợ con nó ở bên tây được suông sẻ trong công việc làm ăn...” Đứng sau lưng má, con phải cắn môi thật mạnh để khỏi bật lên thành tiếng nấc!
Đẩy má ngang bàn viết cũ của tía, con thấy trên tường có treo hai khuôn kiếng lọng văn bằng đỏ chói có đóng dấu cũng đỏ chói của Nhà Nước. Con ngừng lại đọc: một tấm là huân chương hạng nhứt và một tấm là huy chương hạng ba cấp cho Lê thị Ráng. Con hỏi:
-“Cái gì vậy, má?”
-Mề-đai của tụi nó cho tao. Tụi nó bươi chuyện thời ông Nhạc nào đâu hồi mấy năm 1928-29 rồi chạy lại cho. Cái hạng nhứt đó cho năm ngoái, còn cái hạng ba mới cho đây”
Con cười:
-“Vậy là họ hạ cấp má rồi”
-"Sao mầy nói vậy?”
-"Thì từ hạng nhứt tuột xuống hạng ba là bị hạ cấp chớ gì nữa?”
Má cười:
-"Mầy không biết. Cái đầu hạng nhứt đó, cho treo chơi chớ không có tiền. Cái hạng ba đó mới có cho tiền”.
-"Vậy má chia cho con chút đỉnh lấy hên coi!”
-“Ối...từ ngày nhận cái mề-đai đó tới nay đã ba tháng rồi mà có thấy tụi nó đưa tiền đâu. Nghe nói còn mấy khâu gì gì đó chưa thông nên có hơi trễ!”
Thấy trên văn bằng đề “Lê Thị Ráng” con thắc mắc:
-“Ụa! Mà Lê Thị Ráng đâu phải là tên của má. Trong khai sanh của con, má là Lê Thị Láng mà!”
Má cười khục khục mấy tiếng rồi mới nói:
-"Để tao nói cho mầy nghe. Hồi đó tao sanh mầy ở gần nhà thờ Cha Tam, trong Chợ Lớn. Cô mụ người tàu, nói tiếng việt còn lơ lớ. Cổ hỏi tao tên gì để làm khai sanh. Tao nói tao tên Ráng, mà R cổ nói không được, nên ra sở khai sanh, cổ nói Ráng thành Láng là như vậy”
Mãi tới bảy mươi hai tuổi con mới biết tên đúng của má là “Ráng”!
Hôm đưa ông Táo, con có tổ chức một bữa tiệc để ăn mừng một trăm tuổi của má, có họ hàng tham dự đầy nhà. Vừa ngồi vào bàn, dì Bảy Giang nói:
-"Theo phong tục mình, con cái phải quì lạy để chúc thọ mẹ cha. Bây giờ, chị Tám được một trăm tuổi, hiếm lắm, quí lắm. Mầy phải lạy má mầy đi rồi ăn uống gì ăn”
Mọi người vỗ tay tán thành. Má cũng cười, nói:
- “Ồ phải! Hồi nẳm, đám cưới của mầy, mầy có đi học lạy với cậu Bảy Dinh, nhưng bên đàng gái miễn lễ chỉ bắt xá thôi, rồi về đây tía mầy cũng miễn luôn. Cho nên tao chưa thấy mầy lạy ra sao hết. Đâu? Mầy lạy tao coi!”
Mọi người lại vỗ tay nữa. Con đứng trước mặt má, chấp tay ấp úng:
-Thưa má. Hôm nay là ngày sanh thứ một trăm của má, con xin lạy mừng thọ má”
Rồi con lạy hai lạy, cũng đủ điệu bộ lên gối xuống gối như con đã học lạy cách đây gần năm chục năm. Con lạy mà nước mắt chảy quanh. Con biết rằng lần lạy đầu tiên này có thể là lần lạy cuối cùng, bởi vì qua Tết, con sẽ trở về Pháp với cái lạnh cắt da của mùa đông, rồi sau đó biết có còn về nữa hay không? Sức khỏe của con càng ngày càng kém, bao nhiêu thứ thuốc uống vô hằng bữa liệu kéo dài sự sống của con được đến bao lâu? Điều này, con đâu dám cho má biết. Mọi người lại vỗ tay khi con lạy xong. Rồi thì nhập tiệc. Bữa tiệc hôm đó thật là vui. Người vui nhứt là má.
Má ơi! Bữa nay là ngày sanh thứ 103 của má, ngày đưa ông Táo về Trời. Vậy là ba năm qua rồi, con đã không về thăm má. “Thằng chó đẻ” của má vẫn còn “trôi sông lạc chợ”, để cho má cứ phải trông nó về, trông hằng ngày, trông mòn con mắt, trông khô nước mắt!
Má thương con, xin má tha thứ cho con... tha thứ cho con….
Nguồn : Quí Nguyễn.

Thứ Bảy, 18 tháng 3, 2023

Chỉ có một câu trong “Diễm xưa” mà Trịnh Công Sơn trở thành … “Đại ca!”

 Chỉ có một câu trong “Diễm xưa” mà Trịnh Công Sơn trở thành … “Đại ca!”

Ca khúc “Diễm xưa” được Trịnh Công Sơn viết vào năm 1960 như một hoài niệm về một mối tình vu vơ và đơn phương với cô nàng Ngô Vũ Bích Diễm thời còn là học trò Trung học ở Huế với bối cảnh là những con đường với những hàng cây Long não, là những tòa tháp cổ với những tà áo tím, áo trắng đi về hằng ngày trong từng tháng ngày qua của những mùa mưa nắng…
Trịnh Công Sơn sau đó vào Sài Gòn học, hỏng Tú tài II còn Ngô Vũ Bích Diễm thong dong bước vào Văn khoa ở Sài Gòn.
Mối tình ở Huế mặc dù tan vỡ nhưng vẫn còn ghi dấu ấn về người con gái mang tên Diễm để Trịnh Công Sơn viết thành một ca khúc trở nên bất hủ - Diễm xưa… Diễm của những ngày xưa!
Do hoàn cảnh gia đình lúc đó khó khăn và cũng không muốn bước chân vào cuộc đời lính, được bạn bè khuyến khích và giúp đỡ nên sẵn năm 1962, Trường Sư phạm Qui Nhơn mới thành lập và tuyển Khóa I (1962-1964) điều kiện chỉ cần có Tú tài I nên Trịnh Công Sơn từ Huế đã vào học và làm quen với môi trường của Thị xã miền biển tỉnh lẻ Qui Nhơn…
Trong thời gian ở phố biển Qui Nhơn này, Trịnh Công Sơn sáng tác trường ca “Tiếng hát Dã Tràng” hay gọi ngắn hơn là “Dã Tràng ca”, Biển nhớ, Nhìn những mùa thu đi, Nắng Thủy tinh và một số nhạc thiếu nhi …
Thuở ấy Qui Nhơn còn nghèo lắm! Cả Thị xã có mỗi một quán bar duy nhất, vừa bán kem, vừa bán cà phê thuốc lá, bia, trà. Đó là bar Phi Điệp, nằm trên đường Phan Bội Châu, đối diện với hội trường Qui Nhơn, nơi Trường Sư phạm Qui Nhơn thường trình diễn văn nghệ. Mỗi buổi chiều hoặc tối, các giáo sinh trong đó có Trịnh Công Sơn hay vào quán kêu một bình trà ngồi với nhau nhâm nhi nghe nhạc.
Khách thường xuyên đến đây không chỉ là các giáo sinh sư phạm, giới ăn chơi mà cả những người lính trận thường chọn làm điểm xả hơi sau những chuyến hành quân…
Thời ấy (và cả thời bây giờ) ở những thành phố lớn cũng thị xã tỉnh lẻ luôn tồn tại một thành phần chuyên bảo kê cho giới làm ăn buôn bán, các nhà hàng vũ trường, kể cả thành phần trẻ em bụi đời đánh giày!
Thành phần này gọi chung là giới “giang hồ” mà ngày nay gọi là “xã hội đen” và những tay trong giới này được gọi là “du đảng”… Tay đứng đầu có “máu mặt” nhất thì được đám đàn em xưng tụng và gọi bằng cái tên rất Tàu là “Đại ca”. Ở Sài Gòn có những tay “du đảng” cộm cán và có tiếng đã từng được nhà văn Duyên Anh, Nguyễn Thụy Long… đưa vào tiểu thuyết của mình như Đại Cathay, Hoàng Guitar, Loan mắt nhung …
Bar Phi Điệp ở Qui Nhơn mà Trịnh Công Sơn hay lui tới lúc ấy cũng không ngoại lệ trong việc có các tay du đảng “bảo kê” và Phi Điệp có “Đại ca” Thành “đầu bò”, thủ lĩnh của một đám du đảng làm việc bảo kê này!
Với tính cách “bất cần đời” của một nghệ sĩ, Trịnh Công Sơn đâu có biết ở bar Phi Điệp “tồn tại” một băng nhóm du đảng, xã hội đen chỉ sử dụng “luật hè phố”, “luật giang hồ” … nên anh cứ cà tửng lui tới chắc cũng chỉ để ngắm biển tìm nguồn cảm hứng cho các nhạc phẩm tương lai sau này!
Một hôm “Đại ca” Thành bất chợt bắt gặp Trịnh Công Sơn trong dáng vẻ gầy gò như học trò, với cặp mắt kính ngồi lơ đãng trong bar chỉ nhìn trời mây non nước mà “chẳng thèm” nhìn ai xung quanh kể cả đám du đảng dữ dằn đang nhìn anh!
Thành “đầu bò” nhìn cái kiểu cách thư sinh, nghệ sĩ “đáng ghét” có vẻ coi đám du đảng của mình “không ra gì” nên “ngứa mắt” liền nổi máu anh chị, muốn thị uy anh chàng giáo sinh sư phạm này nên “lệnh” cho một tên đàn em có vẻ mặt “bặm trợn” tới trước chỗ Trịnh Công Sơn rồi lừ lừ mắt, gằn giọng: “Thằng kia! Tháo kính ra! Đưa đây và… cút!”
Trịnh Công Sơn đang lơ đãng, mơ mộng với cảnh trời biển, nghe thằng du đảng quát thì “mặt xanh như đít nhái”, không còn giọt máu, run lập cập vào tháo cặp kính trắng “giả cận” của mình đưa cho thằng du đãng rồi lật đật… cút!
Nghe bạn bè Trịnh Công Sơn kể lại rằng, sau đó mấy hôm thì thằng du đảng đàn em có báo lại với “Đại ca” Thành là cái “thằng” mình “lột” cặp kính hôm trước chính là nhạc sĩ và đã sáng tác cái bản nhạc gì mà nghe có cái câu “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ…”!
Ở Qui Nhơn – Bình Định có những di tích tháp cổ của người Chiêm Thành xưa kia để lại như Tháp Đôi (trong Qui Nhơn), Tháp Bánh Ít (ngoài Chợ Huyện)… nên những người dân Bình Định rất yêu thích, tự hào về những ngôi tháp cổ này…
Có lẽ “Đại ca” Thành “đầu bò” quê đâu ngoài Chợ Huyện (Tuy Phước) vào trong Thị xã Qui Nhơn xưng hùng với đám du đảng, nghe thằng đàn em nói thế nên… giật mình: “Chết thật! Bài hát này viết về cái Tháp Bánh Ít của quê mình đây mà! Rõ ràng là… mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ, không nói về cái Tháp Bánh Ít thì là cái tháp nào nữa! Bài này thì tao … thuộc nằm lòng!”
Thằng du đảng với trái tim tưởng chừng chai sạn, sỏi đá, dòng máu tưởng đã lạnh tanh như băng giá, một ngày chợt nghe “Diễm xưa” với khúc mở đầu “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ…” đã khơi lại cái “tri giác” nhỏ nhoi và cái “máu cục bộ” nổi lên với niềm tự hào về quê hương khi có một nhạc sĩ mà mình dùng bạo lực đe nẹt đã viết về cái… Tháp Bánh Ít và… tôn vinh nó!
Nghe nói, sau đó “Đại ca” Thành “đầu bò” lại sai đàn em đi tìm và gặp được Trịnh Công Sơn trao cho mảnh giấy viết vài chữ nguệch ngoạc: “Mời nhạc sĩ tới bar Phi Điệp nói chuyện”.
Lần này Trịnh Công Sơn đoán biết là… tin lành, nên tuy cũng hơi ơn ớn khi phải đối diện với đám du đảng nhưng anh cũng tới bar Phi Điệp như y hẹn.
Tại bar Phi Điệp, “Đại ca” Thành “đầu bò” tập hợp đàn em du đảng của mình trước Trịnh Công Sơn, ân cần xin lỗi Trịnh Công Sơn về sự hiểu lầm của mình đối với người nhạc sĩ là viết bài hát về cái … Tháp Bánh Ít – Qui Nhơn của mình, rồi trịnh trọng tuyên bố với đám đàn em “ Từ nay, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là … “đại ca” của giới giang hồ Qui Nhơn”!
Không ai kể lại lúc đó mặt của “Đại ca” Sơn dài thuỗn như thế nào, hay anh chàng nhạc sĩ viết về những ngôi tháp cổ của đền đài lăng tẩm xưa của Huế bỗng dưng được quàng luôn vô cho cái Tháp Bánh Ít ở Qui Nhơn!
Không biết nhạc sĩ họ Trịnh “dở khóc dở cười” như thế nào chứ “văn chương, chữ nghĩa, nghệ thuật” quả là “lợi hại” thật …
Hoài Nguyễn - 22/3/2019
(Viết lại theo nội dung một giai thoại về Trịnh Công Sơn của Hà Đình Nguyên)