Ý Lực Sống 47 :
THIÊNG LIÊNG và MẦU NHIỆM
1. Muốn hiểu đạo Công Giáo hơn, nên tìm hiểu hai từ này, vì trong kinh đọc cũng như khi học giáo lý hai từ này ta hay gặp.
“ Chúng con lạy ơn Đức Chúa Thánh Thần thiêng liêng sáng láng vô cùng . . . “
“ Đây là mầu nhiệm đức tin . “
“ Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất muôn vật hữu hình và vô hình. . .” ( Vô hình là thiêng liêng)
2. Khi dạy giáo lý cho trẻ em, mình nói đơn giản cho các em dễ hiểu và dễ nhớ : Thiêng liêng là mắt mình không nhìn thấy được và mầu nhiệm là trí mình không hiểu thấu được.
* Mắt là để nhìn, để thấy : Mọi con loài vật Chúa dựng nên đều có hai mắt để làm gì ai cũng biết. Khả năng nhìn có thể khác nhau. Mắt con chim ó nhìn xa tốt hơn mắt các loài khác; cũng vậy mắt con mèo ban đêm nhìn sự vật tốt hơn mắt người. Thị lực mắt người cũng không giống nhau hoàn toàn, người thì cận thị, người thì viễn thị, người thì loạn thị . . .
* Trí là để hiểu : Chúa cho con người có trí khôn, con loài vật không có trí khôn. Chỉ có loài người mở trường dạy học thôi. Trí khôn mỗi người cũng không hoàn toàn giống nhau. Kẻ thông minh, người chậm hiểu. Muốn phát triển thân xác thì phải ăn, muốn phát triển trí khôn thì phải học, học suốt đời cũng không thể biết hết mọi sự được đâu !
Tóm lại : Thiêng liêng là mắt mình không thấy được. Mầu nhiệm là trí mình không hiểu được. Đi sâu hơn vào lãnh vực đức tin :
3. Thiêng liêng là mắt mình không thấy được. Thiên Chúa là Đấng Thiêng Liêng. Thiêng liêng là không hình dáng, không màu sắc, không âm thanh. . . nhưng hiện hữu. Ta tin có Chúa mặc dù mắt ta không nhìn thấy Chúa. Tuy không nhìn thấy được Chúa nhưng chúng ta thấy được công trình của Chúa nhờ trí khôn. Không ai lại nói con bò là hữu thần hay vô thần vì nó có con mắt thấy được mà không có trí khôn để suy nghĩ.
“ Thiên Chúa dựng nên muôn vật hữu hình và vô hình . . . “ Ở đây hiểu “vô hình” là thiêng liêng. Linh hồn con người , các Thiên Thần, là thiêng liêng đều do Chúa dựng nên mà mắt người không nhìn thấy được, nhưng “mắt” Chúa thì thấy hết mọi sự. Nhưng nếu Chúa cho thì mình cũng có thể thấy được. Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức chỉ có Bernadette là chiêm ngắm được, cả đám đông không thấy gì !
Không ai thấy được linh hồn mình hay của người khác; không ai thấy được Thiên Thần trợ thủ, nhưng chính Chúa Giêsu đã khẳng định nhiều lần về sự hiện hữu của linh hồn và của các Thiên Thần kể không hết đâu.
4. Mầu nhiệm là trí mình không hiểu được.
Con người cho dù thông minh cho mấy đi nữa thì cũng bất lực trước sự vô biên vô cùng của Thiên Chúa. Chính vì thế thành phải “xài” tới cái gọi là ĐỨC TIN. Không ai nói đức tin nơi con loài vật bao giờ. Không chối bỏ được, dù không thấy và không hiểu, nên đành phải chấp nhận sự hiện hữu của nó : Đó thì gọi là TIN.
Albert Einstein nhà thông thái thượng thặng thế kỷ 20 có nói câu này : “ Kết nối con người và Chúa đó là Niềm Tin “.
Kinh Tin Kính của Hội Thánh Công Giáo mà lớn bé trẻ già ai cũng thuộc nằm lòng : Tôi TIN kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất . . . Đâu có ai chứng kiến Chúa dựng nên trời đất ? Nên chỉ TIN thôi.
Trong Phúc Âm, Thánh Tôma vì thấy nên mới tin, nhưng Chúa Giêsu bảo với Tôma : Phúc cho ai không thấy mà TIN.
Các nhà khoa học có đức tin cũng xác nhận nhờ đức tin vào Chúa mà họ có ánh sáng cho những khám phá của họ. Đức Tin không mù quáng là như vậy.
Tin hay không tin có Chúa đó là quyền tự do của con người. Ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên. Ta cũng có thể nói ép dầu ép mỡ ai nỡ ép “tin”! Nhưng có gieo thì mới có gặt, không gieo thì làm sao có gặt và hễ gieo cái gì thì gặt cái đó. Luật đời cũng thế và luật Trời cũng vậy thôi.
Cha mẹ phải là thầy dạy ĐỨC TIN cho con cái đầu tiên. Hễ tin có Chúa đầy yêu thương thì chúng ta mới mến Chúa thật tình.
Chúng ta hãy bắt chước thánh Phêro mà xin với Chúa : Xin Thầy ban thêm Đức Tin cho con. “Domine ! Adauge mihi Fidem”. AMEN
Nguồn: Lm. Phê-rô Nguyễn Văn Đông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét