Thứ Ba, 3 tháng 5, 2022

OÁI OĂM CUỘC ĐỜI

 OÁI OĂM CUỘC ĐỜI

Tác Giã: Trần Hữu Thuần
Ông nội tôi lấy vợ rất sớm, vợ ông tôi lớn hơn ông đến năm sáu tuổi. Tuổi pháp lý thời đó là nữ thập tam, nam thập lục nên việc ông tôi lập gia đình lúc mười bảy tuổi với một cô gái hăm hai hăm ba là đúng pháp luật và cũng chẳng phải là tảo hôn. Dĩ nhiên, cuộc hôn nhân này chẳng phải vì tình yêu lại càng chẳng phải do tự do đến với nhau. Nó là thành quả của lời hứa hẹn của hai ông cố tôi vào một lúc chếnh choáng say, lúc bà nội tôi đã lên năm lên sáu còn ông nội tôi còn nằm trong cái bụng vừa nhô lên của bà cố nội nội tôi. Phải nói rõ là bà cố nội nội tức là mẹ của ông nội tôi còn bà cố nội ngoại là mẹ của bà nội tôi.
Đến lượt cha tôi cũng phải vâng lời Nội lập gia đình sớm, nhưng may mắn không phải lấy vợ lớn tuổi hơn vì mẹ tôi kém cha tôi một tuổi, cha tôi mười tám, mẹ tôi mười bảy. Vì vậy khi tôi ra đời, chẳng những cha mẹ tôi còn trẻ mà Nội tôi chỉ mới ba mươi lăm tuổi, mười bảy cộng mười tám là ba mươi lăm vì cả Nội cả cha tôi đều có con trong năm lập gia đình. Tuổi ba mươi lăm ngày nay có người cắp sách đi học thế mà Nội tôi đã thành ông nội.
Đại gia đình tôi sống tại ngoại ô một quận miền Trung, trong mấy dãy nhà ngói âm dương thừa kế từ đời ông cố ông tổ nên vách nhà đã rêu phong, mái ngói rêu bám xanh lè, nhiều cây đa cây đề nhỏ mọc ra từ các chỗ nứt vách, rễ đâm tua tủa như đầu tóc rối biếng chải của một người đàn bà có tóc rễ tre.
Tôi lên ba thì cha tôi mất vì bệnh thương hàn, mẹ tôi thành góa phụ lúc vừa hai mươi tuổi. Ở tuổi ngày nay các cô còn cắp sách đi học, còn cúp cua giờ học đi ăn cóc ăn ổi ăn kem ăn chè và “cua” trai đẹp thì mẹ tôi đã thành góa phụ thay chồng nuôi con là tôi. Bệnh thương hàn lúc đó chưa có thuốc chữa, thầy lang chỉ biết ra lệnh kiêng ăn do kinh nghiệm bệnh này ăn vào thì chết mà chẳng hiểu tại sao phải chết. Người bệnh uống nước hồ nước cháo chờ may mắn thì thoát chết. Thoát chết cũng vẫn chưa được ăn, phải ăn cháo loãng rồi đặc dần dần cả tháng, sau đó chuyển qua cơm nhão một thời gian trước khi được ăn cơm “thật.” Vội vàng ăn thức ăn đặc ngay dù chỉ một muỗng cũng có thể đứt ruột mà chết vì vi trùng bệnh này ăn mòn ruột non. Đây là giai đoạn nhiều người chết nhất vì thèm ăn quá nhịn không nổi. Cũng may, là cháu đích tôn duy nhất, tôi được ông bà nội tôi cưng chiều, nhất là lúc này tôi là người duy nhất nối dõi tông đường.
Ông bà nội tôi chỉ có cha tôi là con trai và hai người con gái đã lấy chồng khi vừa lên mười sáu mười bảy tuổi. Gia đình nội tôi may mắn thuộc loại dư ăn dư để nên mẹ tôi không phải quá vất vả trong việc nuôi tôi. Mẹ tôi còn trẻ lắm nhưng chẳng hiểu vì thương cha tôi hay vì lý do nào khác mà nhất định từ chối không bước đi bước nữa cho dẫu có nhiều người ngắm nghía kể cả những người ông bà nội tôi mở lời. Thời đó, con gái về nhà chồng là đã suốt đời thuộc về nhà chồng, chồng chết nếu tái giá người chủ hôn chính là cha mẹ chồng không phải là cha mẹ ruột như lần đầu xuất giá.
Để mưu sinh, một năm sau khi cha tôi mất, nhờ vốn của ông bà nội, mẹ tôi sang lại một tiệm vải ở chợ quận cách nhà chúng tôi chừng mươi lăm phút đi bộ. Nhờ duyên dáng và thành thực, sạp vải của mẹ tôi khấm khá, hàng bán chạy không ứ đọng. Thêm vào đó, vì còn trẻ, mẹ tôi biết cách chọn hàng đáp ứng được đòi hỏi ăn mặc theo thời trang của thanh thiếu niên nam nữ. Cần mua sắm vải vóc quần áo, các cô các cậu bảo nhau:
“Mua gì tụi bay lại hàng cô Hằng. Cô ấy có nhiều kiểu mới và bán hàng lúc nào cũng đúng giá, không sợ bị hớ.”
Bị hớ tức bị mua lầm giá, bị người bán phỉnhbán giá cao hơn giá thực. Chẳng có gì đáng giận bằng đang khoe một chiếc áo mới đẹp bị ngay cô bạn thân chận ngang hỏi:
“Mày mua bao nhiêu đó? Ôi, thôi chết rồi, bị hớ rồi. Giá áo như thế này cô Hằng chỉ bán chưa tới phân nửa hay hai phần giá mày mua.”
Chủ nhân chiếc áo tức nghẹn họng vì tiền trao cháo múc, giá cả đã thỏa thuận sau khi người mua đã mặc cả gay gắt, trả lại đã không được mà chưa chừng còn bị mắng cho ê mặt:
“Đồ con gái thúi, mua hàng thì phải tìm hiểu giá cả, rồi phải biết trả giá. Giá tui nói ra, cô có quyền mặc cả và có quyền mua hay không mua. Thuận mua vừa bán, tôi có đè cô ra lấy tiền đâu mà giờ đem trả nói là sai giá?”
Đâu phải chỉ người bán hàng xỉa xói mà người các sạp chung quanh cũng mượn dịp chửi bới; khách qua đường có ai muốn bênh vực cũng chẳng dám vì nói sao lại lại miệng lưỡi hàng tôm hàng cá.
Để rảnh tay buôn bán, mẹ tôi mướn một con bé mồ côi trong xóm đến ở luôn trong nhà để trông nom tôi. Mẹ tôi phân bua:
“Để nó chơi với cháu, có gì có người chạy báo ông bà nội.”
Con bé tên Liên. Gọi là con bé nhưng nó lớn hơn tôi đâu chừng hai ba tuổi, vì chính nó cũng chẳng biết tuổi thực của nó là bao nhiêu. Chưa được một tuổi, nó mồ côi cả cha lẫn mẹ chết vì dẫm phải mìn thời đó Việt Cộng thường chôn trên đường để chống quân đội Quốc Gia phục kích ban đêm hay mở đường ban sáng. Một bà già xóm giềng đem nó về nuôi. Mẹ nuôi nó còn nghèo hơn người nghèo trong xóm nên nó chẳng bữa nào được cơm không độn khoai độn bắp. Con nhà nghèo nên dẫu mới bảy tám tuổi Liên đã làm được mọi công chuyện trong nhà, nấu cơm, gánh nước, chẻ củi, nhúm bếp, rửa chén. Liên lanh lẹ gọn gàng, chăm sóc tôi cẩn thận nên mẹ tôi và ông bà nội tôi yên tâm giao phó tôi cho Liên. Liên gọi tôi bằng “cậu Hai,” nghĩa là coi tôi là chủ và tự nhận là người giúp việc. Hàng ngày Liên cho tôi ăn uống, tắm rửa cho tôi, dỗ tôi ngủ, dẫn tôi đi chơi. Thương Liên ngoan ngoãn hiền lành, ông bà nội và mẹ tôi dần dà coi Liên như con cháu, ăn uống đồng bàn, cho Liên quần áo ăn mặc sạch sẽ gọn gàng, người mới quen biết không ai nghĩ Liên chỉ là người ăn người ở trong nhà.
Lên năm tuổi, tôi bắt đầu vào trường, học lớp Năm, giờ là lớp Một. Ngoại trừ ngày đầu tiên Mẹ tôi dẫn tôi đến trường, suốt năm học ngày mưa như ngày nắng chỉ Liên đưa đón tôi. Tưởng Liên là chị tôi, đám bạn học thắc mắc:
“Ủa, sao mày gọi chị Liên mày bằng tên mà không gọi bằng chị?”
Tôi ầm ừ cho qua chuyện, không biết phải giải thích cách nào, chẳng lẽ nói toạc ra Liên là người giúp việc của nhà tôi.
Tôi đi học, Liên rảnh rỗi nên mẹ tôi đưa Liên ra chợ phụ trông coi sạp hàng. Vì Liên chưa biết đọc biết viết, mẹ tôi mua sách vần về dạy cho Liên đọc, mua tập và bút về cho Liên tập viết. Nghe tôi học bài, Liên học theo và còn thuộc bài hơn tôi. Trước khi đi ngủ, Liên dò bài cho tôi mà không cần mở tập để theo dõi. Thế nhưng, tôi đọc sai một từ là Liên chận ngay, bắt tôi đọc lại cho đúng.
Liên cũng học tính cộng trừ nhân chia và tính đố với tôi, và thường giải bài mau hơn tôi và đôi khi còn giảng lại cho tôi. Được vậy một phần có lẽ do Liên nhiều tuổi hơn nên hiểu được những điều tôi chưa hiểu được ở tuổi tôi. Một đứa bé mười tuổi hiểu cách nào được bài toán giả sử kiểu Một vòi nước chảy vào bao nhiêu, bị một lỗ thủng chảy ra bao nhiêu, hỏi bao lâu đầy thùng chứa hay Một chiếc xe chạy từ A sang B tốc độc bấy nhiêu, một chiếc khác chạy từ B sang A tốc độ bấy nhiêu, hỏi lúc nào hai xe gặp nhau. Đứa bé chưa đủ quan niệm về thời gian và độ dài làm sao có thể hiểu được câu hỏi lắc léo như vậy? Tôi học lớp nào, Liên học theo đến lớp đó. Sau năm lớp Nhất, bây giờ là lớp Năm, tôi thi lấy bằng Tiểu học. Kỳ thi gồm hai lần, một lần thi viết và một lần thi vấn đáp, đậu thi viết mới được vào vấn đáp, và dĩ nhiên qua được thi vấn đáp mới được gọi là đậu bằng Tiểu học. Người không đậu kỳ thi thứ nhất có thể tự chuẩn bị để vài tháng sau thi kì thứ hai. Liên năn nỉ xin mẹ tôi cho ghi tên thí sinh tự do để đi thi với tôi. Kết quả, hai chị em đều đậu, và Liên đậu Bình Thứ tức nhiều điểm hơn tôi chỉ đậu Thứ. Bằng Tiểu học lúc đó còn quan trọng với đời học sinh và với gia đình. Lớp tôi năm đó sĩ số học sinh trai gái trên dưới sáu mươi, kỳ đầu chỉ đậu được bốn người kể cả Liên thí sinh tự do. Ông bà nội và mẹ tôi hãnh diện ra mặt với bà con xóm giềng.
Tôi lên mười, Liên mười ba mười bốn, đã có dáng dấp một thiếu nữ xinh đẹp trong khi tôi vẫn còn là một chú bé lờ khờ. Mỗi lần đưa đón tôi, Liên đã biết ửng hồng đôi má khi một vài thanh niên hoặc học trò lớp lớn trêu ghẹo. Đúng là con gái phát triển trước con trai. Tôi vẫn gọi Liên bằng tên trống không nhưng Liên không gọi tôi bằng cậu Hai nữa mà cũng gọi tôi bằng tên.
Tôi ra tỉnh học lớp Đệ Thất bậc Trung học Đệ Nhất Cấp, giờ gọi là lớp Sáu Cấp Hai, vì quận lúc bấy giờ không có trường Trung học. Ra tỉnh, tôi bắt đầu lột xác thằng bé nhà quê quận nhỏ để dần dần tự biến thành một chú bé tỉnh lỵ. Trước hết tôi phải học cách nói, cách ăn mặc, cách đi đứng cho đúng kiểu thành thị. Lúc mới xa nhà, tôi nhớ nhà nên mỗi tháng về thăm vào cuối tuần. Mỗi lần về, Liên ra mặt mừng rỡ gặp lại tôi, quấn quít bên tôi. Một vài năm sau, lớn thêm một chút, tôi nhận ra thành thị có nhiều niềm vui giải trí hơn quận lỵ. Thành thị có rạp ciné, có sân đá bóng, và nhất là có các bóng hồng níu chân tôi nên hai ba tháng tôi mới về nhà một lần không tính các kì nghỉ.
Thời gian đã thổi tôi lớn nhanh thành một thiếu niên đẹp trai, từ tốn trong lời ăn tiếng nói, chững chạc trong đi đứng tiếp xúc. Có lần tôi nghe mẹ tôi nói nhỏ với bà nội tôi:
“Má coi, thằng cháu nội Má mọc râu lún phún rồi đó.”
Quả thực, tôi đang dậy thì, miệng đã lún phún râu và tiếng nói đã bắt đầu ồ ề. Liên còn tiến nhanh hơn tôi, đã trở thành một thiếu nữ ngực nở, eo thon, duyên dáng đậm đà. Mỗi lần tôi về, Liên nhìn tôi với đôi mắt long lanh mà cho dẫu ngu đần đến mấy tôi không thể không hiểu được ý nghĩa của đôi mắt đó. Tôi không tránh khỏi để lòng mình xao xuyến, nhiều đêm năm trằn trọc nghĩ đến Liên, lòng tự nhủ sẽ có lúc thổ lộ tâm tư với Liên và thuyết phục mẹ tôi hỏi cưới Liên cho tôi. Tôi thấy trước nhiều ngăn trở tôi không tránh khỏi khi tiến tới bước này. Ông bà nội và mẹ tôi làm sao có thể chấp nhận cho con trai thừa tự duy nhất nhận một cô gái mồ côi ở đợ lại còn lớn hơn ba bốn tuổi làm vợ? Mặt mũi nào ông bà và mẹ tôi giới thiệu với họ hàng một cô con dâu như vậy?
Năm Đệ Tứ tức lớp Chín, năm tôi phải học nhiều để chuẩn bị thi Trung học Đệ Nhất Cấp, một kỳ thi ngày nay đã bỏ cũng như đã bỏ thi bằng Tiểu học. Tôi đã mười lăm tuổi, một thiếu niên khỏe mạnh điển trai trong lúc Liên đã mười bảy mười tám vào tuổi bẻ gãy sừng trâu. Chừng nửa tháng trước Tết, tôi nhận được điện tín khẩn của mẹ tôi bảo tôi xin phép về gấp vì bà nội tôi lâm bệnh nặng sợ khó qua khỏi. Sau khi nộp đơn xin phép nghỉ học về thăm bà nội, trong đơn nói rõ nếu phải cư tang bà nội tôi thì xin phép nghỉ luôn đến sau Tết, tôi vội vàng lấy chuyến xe đò cuối cùng về nhà khi đã gần nửa đêm. Không khi ảm đạm chết chóc bao trùm căn nhà cổ kính vốn đã thiếu ánh sáng của gia đình tôi. Bà nội tôi nằm trên chiếc giường quen thuộc trong căn phòng quen thuộc nhưng giờ đây bà không còn là bà nội trẻ trung tươi mát quen thuộc mà tôi đã gặp mấy tháng trước. Trước mắt tôi giờ đây là một người đàn bà thân thể gầy còm, bộ mặt hốc hác với đôi mắt hõm sâu và một mái tóc không chải lòa xòa. Ông nội bảo tôi:
“Con về kịp lúc, bà đang nuối con.”
Nuối tức người sắp qua đời trông mong gặp một người nào đó nên vẫn chưa thở hơi cuối cùng được. Tôi bước vội lại gần giường bà. Mở đôi mắt không còn sức sống nhìn tôi, bà lẩm bẩm điều gì tôi không nghe được. Ông tôi bảo:
“Con kề tai nghe Nội nói, Nội muốn bảo con gì đó.”
Tôi kế tai sát đôi môi Nội đang thều thào:
“Con học cho thành tài rồi mau cưới vợ để có con nối dõi tông đường.”
Tôi vâng dạ liên miệng rồi đứng lên. Bà tôi nhìn tôi, một tia sáng hiếm hoi còn sót lại trong đôi mắt vốn tinh anh chiếu vào đôi mắt tôi. Bà tôi mỉm cười rồi thở hắt ra, êm ái về với tổ tiên ông bà. Tang lễ được trang trọng tổ chức, Liên xin phép ông tôi cho được bịt khăn tang như hàng cháu. Chôn cất bà và rước thầy cúng thất xong thì vừa kịp thời giờ chuẩn bị ăn Tết. Tết năm đó là cái Tết ảm đạm nhất trong gia đình tôi vì ai có thể vui được với khăn tang còn thơm mùi vải trên đầu. Bà mất, mẹ tôi phải quán xuyến hết những gì bà tôi làm trước đây như điều hành ruộng vườn, chi thu tiền bạc, quán xuyến người làm người ở trong nhà.
Mẹ giao cho Liên gần như hoàn toàn quán xuyến sạp vải và quần áo may sẵn, mỗi ngày chỉ tạt qua vài lần để kiểm soát, cuối ngày kiểm soát sổ sách. Liên lanh lẹ, ngay thẳng, và trung thành, coi mẹ tôi như mẹ ruột, mọi công việc được giao đều tận tụy chu toàn nên càng ngày càng được mẹ tôi tin tưởng. Mỗi lần về, mẹ tôi nói nhỏ khen Liên với“Liên giỏi lắm con, và chẳng gian manh. Mẹ đã thử mấy lần hoặc hớ hênh tiền bạc, hoặc giả vờ tính sổ sách sai. Tiền bạc mẹ để đâu Liên đều để yên đó không hề đụng đến, sổ sách sai khi tìm thấy Liên vội vàng báo cho mẹ biết để chỉnh lại.”
Tôi cười:
“Vậy là may cho nhà mình, không có Liên ai đỡ tay phụ mẹ?”
Mẹ tôi cười:
“Thì mày về phụ mẹ chứ còn ai nữa.”
Tôi ấp úng:
“Hay mẹ ….”
Mẹ nhìn tôi chờ đợi nhưng tôi bỏ lửng câu nói vì kịp nghĩ ra không nên làm mẹ khó xử trong lúc mẹ đa đoan công việc này. Bỏ Liên ra, chẳng những mẹ tôi không còn người tin cậy phụ giúp mẹ mà bản thân tôi cũng khó tiếp tục theo đuổi việc học. Mẹ cười bảo tôi:
“Cái thằng, nói gì mà bỏ nửa chừng sao mẹ hiểu được.”
Tôi mỉm cười bỏ lãng ra ngoài. Cuối năm học đó, tôi đậu thi viết và vấn đáp kỳ thi Trung học Đệ Nhất Cấp và vẫn là số ít trong số các người đậu lần thi thứ nhất. Để tiếp tục lên Đệ Nhị Cấp gồm ba lớp Đệ Tam, Đệ Nhị, và Đệ Nhất tức lớp Mười, Mười Một, và Mười Hai cấp Ba bây giờ,
tôi phải ra Huế học vì miền Trung lúc đó chỉ Huế mới có trường công và tư mở các lớp Đệ Tam Đệ Nhị cho riêng nam riêng nữ hoặc chung cho cả hai giới. Trường Quốc Học, Thiên Hựu, Pellerin riêng nam. Trường Đồng Khánh, Jeanne d’Arc riêng nữ. Trường Bán Công, Bình Minh chung cho nam nữ. Riêng lớp Đệ Nhất tức lớp Mười Hai, chỉ trường Quốc Học mới có lớp chung cho nam nữ. Tôi thi được vào học Đệ Tam trường Quốc Học, trường công nên không phải trả tiền học hàng tháng.
Huế lại càng có nhiều quyền rũ tôi hơn tỉnh lỵ tôi trọ học mấy năm Đệ Nhất Cấp, tiệm ăn với thức ăn ngon hơn, rạp ciné với phim hay hơn, nhà sách với sách nhập cảng phong phú hơn. Tôi say sưa với Bún Bò Cung An định, với cà phê Phấn, với bánh Bèo Ngự Bình, với bánh Khoái Huỳnh Thúc Kháng, với chè đút Thương Bạc, với cơm Hến Cồn Hến, với Nhãn Kim Long, với Thanh Trà Hòn Chén. Tôi mê mẩn với các ngôi sao điện ảnh như Grégory Peck, Ava Garner, Alain Delon, Doris Day, Marlon Brando, Anthony Quinns, Clark Gable, Johny Holiday, Sylvie Vartan, James Dean, Richard Jordan, Anthony Perkins. Tôi miệt mài với các văn thi sĩ và triết gia mê hoặc tuổi trẻ như Jean-Paul Sartre, Françoise Sagan, Simone de Beauvoir, André Gide, André Malraux. Thêm và đó, tôi còn lính quính các cô nữ sinh Huế, Học trò trong Quảng ra thi, Thấy cô gái Huế chân đi không rời. Ra thi mới thấy lần đầu mà đã quíu chân huống chi tôi ăn đó ở đó, ngày nào đi học và quay về đều phải chạy xe đạp ngang qua trường Đồng Khánh, ngôi trường chứa hàng trăm hàng ngàn bóng dáng người đẹp phất phơ trong áo dài trắng. Thời đó nữ sinh không còn mặc áo tím nữa mà mặc áo trắng dài quần trắng hay đen.
Và hơn nữa, tôi có nhiều điều để học hỏi hơn ở chốn thần kinh văn vật này, nơi mà chén ăn cơm chỉ lớn hơn chung trà đôi chút, đĩa thịt luộc được cắt lát, thịt xắt mỏng như giấy xếp thành bông hoa, nơi các loại chè ngọt dịu nhưng thanh cảnh. Lên Đệ Nhị, tôi mười bảy, đã trưởng thành, đã biết ăn diện, áo hộp, quần thẳng nếp. Đây là thời một số vải quần Tây nilon mới nhập vào, thoạt đầu là một loại vải mình bóng loáng, ủi một lần là li quần chết luôn cho đến khi rách, kế đến là một loại khác đẹp hơn, không bóng mà có vẻ xốp, cũng chết li như loại trước. Sau đó nữa là các loại vải bề ngoài trông bình thường hơn hai loại ban đầu. Giày da không có loại đóng sẵn mà phải đặt thợ giày đóng bằng tay, giá rất đắt, một đôi lên đến năm trăm đồng so với giá tô phở lớn năm đổng một tô. Gia tài cha tôi để lại cho tôi và tiền lời từ sập vải đủ cho mẹ tôi cung ứng cho tôi chi phí rộng rãi hơn so với các bạn đồng trang lứa. Nhiều hấp dẫn như thế, viện cớ đường xa, tôi chỉ về nhà một năm hai lần vào dịp Tết và kỳ nghỉ hè.
Liên càng lớn càng xinh đẹp, má lúm đồng tiền, đôi mắt bồ câu đen nhánh, thân hình thon thả đầy nhựa sống. Quyến rũ nhất là nụ cười liêu trai mê hoặc và tiếng nói thánh thót như ngọc rơi. Hiếm có chàng trai nào không dừng chân trước sạp khi bị thu hút bởi nụ cười và tiếng nói của Liên, nghĩa là không thoát khỏi phải mua một món hàng nào đó trước khi tỉnh cơn mê.
Mỗi lần tôi về, Liên quyến luyến tôi, chăm sóc tôi kỹ lưỡng không đợi tôi phải mở lời. Chiều về, Liên đích thân nấu các món ăn Liên biết tôi thích ví như canh thịt gà hay ếch nấu lá giang, trứng chiên có nấm hương nấm rơm, thịt heo bọc lá dứa hấp thay vì cho vào nước luộc, cá chiên dòn nhai nghe rùm rụm. Rảnh rỗi chút, Liên nấu Mì Quảng, Bún Bò với cách nấu riêng của Liên mà tôi cảm thấy ngon hơn cả mẹ tôi nấu cho dẫu chính mẹ tôi là người đã chỉ cho Liên cách thức nấu lúc ban đầu. Và một thay đổi lớn hơn cả là Liên không gọi tôi bằng tên nữa mà gọi tôi bằng anh Hai, một tiếng gọi nghe vừa êm ái vừa pha chút nhõng nhẽo nghịch ngợm và xưng em với tôi, trong khi tôi vẫn gọi Liên bằng tên.
“Anh Hai đi hoài chẳng chịu về, em cứ trông anh về mãi.”
Chú ý đến cách xưng hô thay đổi, mẹ tôi nhíu mày nhìn tôi nhưng không nói gì. Chút thời gian sau cách xưng hô đó thành quen, chẳng ai chú ý đến nữa, cộng thêm mẹ tôi bận rộn với việc nhà việc buôn bán nên chẳng hơi sức đâu chú ý đến chuyện vụn vặt. Liên càng ngày càng đẹp, một vẻ đẹp quyến rũ nhưng dịu dàng. Nhiều lần tôi hỏi Liên tại sao chưa có người yêu hoặc tại sao chưa chịu nhận lời những người ngấm nghé, Liên nhìn tôi bằng đôi mắt đầy ắp trìu mến, mỉm một nụ cười say đắm lòng người rồi quay ngoắt đi không trả lời. Đúng hơn, duy nhất một lần Liên nói nhẹ như hơi thở:
“Anh Hai biết tại sao rồi, sao còn hỏi em.”
Vì quá ôm đồm công việc, đi sớm về muộn ngày nắng như ngày mưa, mẹ tôi ngã bệnh. Liên viết thư cho tôi biết mẹ tôi bệnh và đang rước thầy thuốc Bắc. Thời đó quận lỵ chẳng có bác sĩ hay trạm xá, nơi nào có y tá cho thuốc là may mắn lắm rồi. Bệnh chỉ trông vào thầy thuốc Nam thuốc Bắc, mà các vị thầy này thật khó biết giỏi dỡ thế nào vì thường câu nói đầu môi của họ là phước chủ may thầy. Thư từ thời đó đi rất chậm, mươi ngày nửa tháng mới đến nơi nhận nên tôi nhận thư Liên buổi sáng thì buổi chiều nhận được điện tín khẩn bảo tôi về gấp vì mẹ tôi bệnh nặng. Lặp lại y như bà nội tôi bệnh nặng và mất trước đó, ngày tôi nhận điện cũng chừng hai tuần trước Tết. Tôi lại viết đơn xin phép, nói rõ nếu phải cư tang mẹ tôi thì xin nghỉ đến sau Tết. Tôi về săn sóc mẹ được chừng vài ngày thì thầy thuốc lắc đầu bảo tôi:
“Cậu Hai ơi, nếu thang này nữa mà bà không khá thì thú thật tôi chẳng biết làm sao, tôi hết cách rồi.”
Tôi nhìn ông thầy, lạc giọng:
“Thật vậy sao Thầy? Thầy còn cách nào khác hay biết Thầy nào có cách khác không?”
Ông thầy lắc đầu, mệt mỏi nhận tiền rồi xách tráp ra khỏi cửa. Dù cả nhà cố giấu không để mẹ tôi biết, mẹ tôi vẫn linh cảm được tình hình tuyệt vọng, nhất là vì không thấy ông thầy trở lại. Tối hôm đó, bên ngọn đèn dầu, mẹ tôi thì thào bảo tôi:
“Con nói Liên ra ngoài, mẹ có chuyện nói riêng con.”
Không đợi tôi bảo, Liên đi ra ngoài khép chặt cửa lại. Từ ngoài lọt vào, tôi nghe tiếng chân Liên chạy thình thịch và tiếng khóc nức nở . Mẹ thì thào:
“Ngày giờ của Mẹ đã đếm xong rồi. Con còn lại một mình, cố gắng mà học hành cho có tương lai rồi tìm nơi xứng đáng mà cưới vợ để có con nối dõi tông đường.”
Sau câu nói y như lời trối của bà tôi lúc trước, mẹ cho tôi biết tiền bạc cất giấu ở đâu, nợ nần ai đòi được ai không ghi trong sổ sách nào, hàng họ còn bao nhiêu lời lổ bao nhiêu..
“Tiền bạc Mẹ để lại đủ cho con sống thong thả nhưng Mẹ muốn con học thành tài để tự lập. Gia tài Mẹ để lại chỉ một biến cố bất thường là mất hết nhưng tài năng học hành của con thì không ai lấy của con được.”
Mẹ tôi ngưng lại, thở mệt nhọc rồi hạ giọng vốn đã thấp nghe như hơi gió:
“Mẹ biết Liên có cảm tình với con và con cũng không ghét nó, nhưng Mẹ khuyên con đừng để tình cảm dính líu vì có nhiều điều không tiện cho mẹ nói rõ ra.”
Tôi gặng hỏi:
“Điều gì không tiện vậy Mẹ?”
Mẹ tôi cố gượng mỉm một nụ cười bí ẩn:
“Mẹ nói ra không được, rồi con sẽ biết thôi.”
Tôi muốn hỏi thêm cho rõ nhưng mẹ khoát tay bảo tôi đứng lên:
“Con gọi Liên vào Mẹ bảo.”
Tôi ra ngồi trên ghế trường kỷ nhìn đăm đăm lên bài vị bà Nội tôi, thì thầm khấn vái xin Nội cứu Mẹ. Không biết Mẹ tôi nói gì với Liên nhưng lát sau Liên mở cửa chạy nhanh về phía tôi, nước mắt đầm đìa, ôm chầm lấy tôi, òa lên khóc:
“Anh Hai ơi, Mẹ không còn nữa rồi.”
Tôi dịu dàng an ủi:
“Liên nói gì vậy, Mẹ sẽ khỏe lại thôi.”
Liên nắm chặt tay tôi, lắc đầu:
“Em biết, Mẹ không khỏe lại đâu. Mẹ nói anh mời Nội cho Mẹ.”
Tôi gõ cửa mời Nội qua phòng Mẹ. Bắc chiếc ghế cho Nội ngồi cạnh mẹ, tôi đứng hầu phía chân giường. Mẹ tôi thì thào với Nội tôi:
“Con xin lỗi Cha, con không báo hiếu Cha thay chồng con được nữa rồi.”
Cố ngăn nước mắt, Nội tôi nói:
“Con nói gì vậy, thầy này chạy có thầy khác. Mai Cha đích thân đi mời cụ Phó Bảng giỏi nhất vùng này, con sẽ khỏe lại thôi.”
Mẹ tôi cố mỉm một nụ cười không còn là nụ cười:
“Con cám ơn Cha, nhưng con nghĩ mệnh con đã hết, Cha đừng nhọc công vô ích. Con đi rồi, xin Cha thương lấy cháu nó mà dạy dỗ nó. Nó trẻ người non dạ, nhiều khi lỗi lầm với Cha mà chính nó cũng không biết.”
Mẹ nói thế nhưng tôi không hiểu được tôi đã lỗi lầm gì với nội tôi. Từ khi biết thế nào là ăn ở phải đạo, tôi chưa một lần phạm lỗi dù nhỏ dù lớn với nội. Hôm sau, Nội đích thân đi mời cụ Phó Bảng. Cụ đến bắt mạch, xem nét mặt mẹ tôi rồi kéo tay Nội tôi ra ngoài. Khi hai ông vào, cụ Phó Bảng đưa tôi hai toa thuốc:
“Cậu Hai hốt hai toa này cho bà uống thử, nếu có hiệu quả tôi sẽ chữa tiếp.”
Tôi nhìn cụ Phó Bảng nước mắt lưng tròng vì hiểu hàm ý lời nói của Cụ. Hai ngày sau, mẹ tôi yếu dần rồi đi về với tổ tiên. Như bà Nội tôi, mẹ tôi bỏ tôi chỉ mươi ngày trước Tết. Năm đó gia đình tôi lại thêm một cái Tết ảm đạm. còn ảm đạm hơn cho tôi vì tôi đã mất mẹ tôi, người tôi yêu thương nhất đời.
Sau Tết, tôi trở lại Huế học tiếp thi Tú Tài Một. Ngày đó, lên Đệ Nhị Cấp, học sinh phải chọn chuyên ngành hoặc ban A chuyên Vật lý, Hoa học, và Vạn vật giờ gọi là Sinh vật; hoặc ban B chuyên Toán; hoặc ban C chuyên văn và sinh ngữ, triết học. Tôi theo ban C vì khá Văn và sinh ngữ hơn các môn khác. Học xong Đệ Nhị, học sinh phải thi Tú Tài Một cũng gồm hai đợt thi viết, đậu thi viết vào thi vấn đáp, và cũng có kì thi thứ hai mấy tháng sau cho học sinh rớt kì một. Đậu Tú Tài Một mới được học tiếp lớp Đệ Nhất chuẩn bị thi Tú Tài Hai. Đậu Tú Tài Hai mới được lên Đại học.
Tôi viết một lá thư dài tỏ rõ tình cảm tôi với Liên, nói tôi yêu Liên, sẽ hỏi xin Nội cho tôi cưới Liên nếu Liên nhận lời tôi. Sau hơn một tháng thấp thỏm, tôi vội mở thư Liên ngay khi vừa nhận được, mong đọc được lời đồng ý của Liên. Thư Liên viết rất dài, nói rõ tình yêu Liên dành cho tôi nhưng không nói nhận hay không nhận lời cầu hôn của tôi. Tôi viết một thư khác yêu cầu Liên nói rõ, nhưng Liên cũng chỉ trả lời ỡm ờ, nói còn nhiều điều khó xử Liên chưa giải quyết được để nói rõ nhận lời tôi hay không cho dẫu Liên vẫn một lòng yêu tôi.
Năm học kết thúc, tôi về nghỉ hè. Nhà tôi buồn hẳn vì vắng bà Nội giờ còn thêm vắng Mẹ tôi. Ông Nội tôi năm mươi còn tráng kiện, suốt ngày hoặc thơ thẩn trong vườn chăm sóc mấy luống rau, hoặc ra sân chăm lo mấy chậu kiểng. Liên giờ đây làm hết công việc của bà Nội và Mẹ tôi để lại, kiêm luôn cả việc buôn bán sạp hàng nên bận rộn suốt ngày. Sổ sách tính toán do ông Nội tôi lo. Tôi một mình chẳng biết làm gì cho hết ngày, sách đọc mãi cũng chán, rong chơi trong xóm chỉ thấy lạ vài ngày đầu rồi chẳng có nơi nào phong cảnh nào có thể giúp tôi khuây khỏa.
Tôi hơi ngạc nhiên khi cuối ngày Liên từ chợ về lo lắng nấu nướng và chăm sóc săn đón tôi thì ông tôi không giấu nét mặt khó chịu, có khi vùng vằng dứt ngang mọi chuyện đi vào phòng. Có phải ông cũng biết tình cảm Liên dành cho tôi và biết tôi không hờ hững với Liên nhưng không tiện bảo tôi nên làm vậy để ngăn chặn tôi như lời trối bóng gió của Mẹ tôi chăng? Tôi cố phớt lờ thái độ của ông tôi, vẫn không thay đổi cách cư xử với Liên, vẫn cười đùa thân mật vì tự thấy không có lỗi gì cả.
Hết hè, tôi trở về Huế tiếp tục học lớp Đệ Nhất chuẩn bị thi Tú Tài Hai năm sau. Lúc này, Liên là người gửi tiền cho tôi ăn học, không phải tiền riêng của Liên mà tiền rút ra từ phần gia tài tôi thừa hưởng từ cha mẹ tôi và tiền chia lời cho tôi từ sạp vải. Năm sau tôi thi đậu Tú Tài Hai. Về nhà, ông tôi và Liên mừng rỡ tổ chức tiệc mừng mời bà con họ hàng như để vừa để thông báo việc tôi thi đậu vừa hãnh diện khoe thành quả học hành của tôi. Nội tôi hãnh diện là phải vì cả quận lỵ nơi chúng tôi sinh sống, tôi là người thứ hai thứ ba gì đó đậu Tú Tài Hai kể từ khi có chính sách giáo dục bằng chữ Quốc Ngữ. Sau một hai ngày vui mừng vì thành quả học tập của tôi, ông tôi lần này không che giấu sự khó chịu của ông mỗi khi tôi thân mật với Liên, nhất là khi Liên thân mật với tôi. Đang trò chuyện vui vẻ, ông tôi đột nhiên nói trống không:
-"Dẹp đi, bay dẹp hết đi.”
Tôi ngơ ngác không hiểu điều gì xẩy ra. Liên bặm môi vùng vằng bỏ đi chỗ khác. Một thay đổi nữa là Liên cho dẫu vẫn gọi tôi bằng anh Hai nhưng không xưng em với tôi nữa mà xưng tên như trước đây đã một thời xưng như vậy.
Thấy không khí gia đình nặng nề, sau một tháng, tôi xin phép Nội trở ra Huế viện cớ ôn bài thi vào trường Đại Học Sư phạm. Đậu vào Đại Học Sư phạm Anh Văn, tôi ghi danh học thêm lớp Cử nhân Anh văn vì hai chương trình gần gủi nhau nhiều phần, hi vọng sau bốn năm tôi có được hai bằng đại học cùng lúc. Như trước đây mẹ tôi đã làm, mỗi hai tháng Liên gửi mandat tiền cho tôi nhưng số tiền thêm một phần ba nhiều hơn số trước đây mẹ tôi gửi. Trong thư, Liên nói vì tôi đã lên Đại Học nên chắc phải cần nhiều tiền hơn để mua sách vở. Tôi không từ chối vì biết đó là tiền tôi được hưởng, cho dẫu nếu Liên gửi ít đi thì tôi cũng chẳng có gì để than phiền khiếu nại. Học sư phạm, tôi được trợ cấp học bỗng nên tiền bạc nói chung tôi dư dã.
Nỗi đau nhất của tôi lúc này là mất mẹ. Thêm và đó, tôi thắc mắc không tìm được câu trả lời về thái độ bực bội của nội tôi khi tôi và Liên gần gũi nhau, và lý do tại sao Liên thay đổi cách xưng hô. Vì không thấy vui khi về nhà, tôi viện cớ bài vở nhiều vì học hai chương trình nên viết thư về xin lỗi Nội. Liên vẫn gửi mandat theo định kỳ cho tôi, kèm theo thư hỏi tôi sao không về thăm nhà. Tôi trả lời Liên mọi câu hỏi ngoại trừ câu hỏi tại sao tôi không về.
Kỳ hè năm thứ hai Đại Học, tôi về nghỉ tại nhà sau hai năm biền biệt. Thời gian này, ông nội tôi không giấu giếm sự khó chịu của ông mỗi khi Liên và tôi gần gũi thân mật nhau. Ông không cần nói trống không “Dẹp đi” như kỳ nghỉ trước mà nói thẳng:
-"Hai đứa bay làm gì mà cứ quấn lấy nhau, xốn con mắt tao quá.”
Rõ ràng không phải nội khó chịu vì ngăn cản không muốn tôi và Liên gần gũi nhau do không chấp nhận cuộc hôn nhân của chúng tôi mà phải vì một lý do nào khác tôi không hiểu thấu được. Trăn trở lời trối trăng của mẹ tôi, Mẹ khuyên con đừng để tình cảm dính líu vì có nhiều điều không tiện cho mẹ nói rõ ra, tôi vẫn không hiểu cho hết mẹ tôi muốn nói gì với tôi. Điều gì liên quan giữa nội và tôi mà Mẹ không tiện nói cho tôi biết? Nếu không chấp nhận cuộc hôn nhân của tôi và Liên, sao nội không nói rõ như thế mà phải tỏ thái độ như hằn học, như ganh tương với quan hệ giữa hai chúng tôi? Thêm vào đó, tôi có cảm giác Liên biết một điều gì về thái độ của nội biểu hiện qua việc thay đổi cách xưng hô của Liên nhưng lại không nói rõ cho tôi biết. Suy nghĩ cách nào tôi vẫn không tìm được câu trả lời, vì vậy tôi quyết định xin phép Nội quay lại Huế sau một tháng ở nhà, viện cớ chuẩn bị bài vở để khỏi thua bạn trong năm học tới. Nội tôi không giữ tôi ở lại dù chỉ là một lời nói đưa.
Ngày chia tay, Liên khóc sướt mướt:
“Anh Hai sao vậy? Đã hai năm không về thăm Liên, giờ mới về một tháng lại bỏ đi nữa. Sao vậy anh?”
Không thấy tôi nói gì, Liên thút thít bảo tôi:
“Anh Hai đã muốn thế thì cứ đi. Liên sẽ gửi mandat cho anh như mọi lần. Anh có cần thêm tiền không?”
Tôi lắc đầu nói như vậy đã quá đủ cho tôi rồi. Liên tiễn tôi ra đầu ngõ, khóc sướt mướt, dặn đi dặn lại tôi Tết về hè về. Tôi ậm ừ, dịu dàng chào Liên rồi bước vội ra đường không ngoái đầu nhìn lại dù biết Liên còn đứng đóng ngóng theo bước chân tôi.
Ngày tốt nghiệp sư phạm và đại học, tôi đánh điện về báo tin cho ông tôi và cho Liên. Liên đánh điện bảo tôi về nhưng tôi kiếm cớ đợi nhận Sự Vụ Lệnh bổ nhiệm nên viết thư về cáo lỗi. Trong thư gửi Liên, tôi bảo Liên từ nay đừng gửi tiền cho tôi nữa vì tôi đã có lương. Tôi không cho ông tôi cũng như Liên biết địa chỉ nơi tôi được bổ nhiệm đến dạy học nên có muốn hai người cũng chẳng biết cách nào liên lạc với tôi.
Hai năm sau ngày chính thức thành thầy giáo, tôi xin phép nghỉ Tết sau khi đã hoàn tất việc thi Lục Cá Nguyệt, ngày nay gọi là thi học kỳ, cho các lớp tôi dạy để về dự giỗ bà nội và mẹ tôi. Vì giỗ bà tôi và mẹ tôi chỉ cách nhau ba ngày nên ông nội tôi ngay năm đầu sau khi mẹ tôi mất đã quyết định chọn ngày giữa hai ngày chính để giỗ chung. Đã bốn năm xa quê nên cảnh vật đã có nhiều thay đổi. Quận lỵ đã phát triển rộng thêm, nhiều dãy nhà ngói nhà lầu khang trang nằm xen kẻ với các mái nhà tôn khiêm nhường. Hàng quán mở ra san sát hai bên lề đường. Căn nhà ngói cũ thừa kế nơi ông tôi đang ở cũng đã được thay thế bằng một ngôi nhà lầu nhỏ gọn hơn nhưng khang trang tân thời hơn. Sân trước tráng xi măng kéo dài thành một lối đi ra tận ngõ đóng lại bằng hai cánh cửa sắt. Vườn trước vườn sau đều có tường thành vây bọc. Trên sân trước, nhiều cây cảnh mới tôi không thấy trước đây nằm ngang hàng thẳng lối cạnh các cây cảnh quen thuộc. Mai trong chậu và trong vườn đã bắt đầu nở hoa, loáng thoáng mấy cánh hoa vàng chen lẫn giữa các chùm nụ xanh biếc. Gia đình tôi vốn thích mai vàng. Bản thân tôi cũng mê mẩn với các cây mai nở rộ hoa vàng mỗi dịp Tết.
Không đợi mời, tôi mở chốt cánh cổng sắt bước theo lối đi vào nhà. Chẳng thấy bóng dáng một ai. Chợt một đứa bé chừng bốn năm tuổi đột ngột từ trong chạy ùa ra, tay ôm một chiếc xe đồ chơi làm bằng gỗ. Tôi mỉm cười, lòng thắc mắc chẳng biết chú bé con cái nhà ai mà có thể chơi với đồ chơi vốn là của tôi ngày tôi bằng tuổi chú bé. Thấy tôi, chú bé dừng lại nhìn dò hỏi. Tôi lên tiếng:
“Cháu con ai? Mẹ cháu tên gì?”
Đứa bé nói chưa sõi:
“Dạ cháu tên Tâm, con mẹ Liên.”
Tôi như ngạt thở, ngồi xuống ngang tầm đứa bé:
“Cháu nói mẹ gì?”
“Dạ, mẹ Liên.”
“Còn cha cháu?”
Đứa bé như muốn bỏ chạy. Tôi nắm tay nó nhắc lại câu hỏi:
“Cha cháu tên gì?”
Nó nói tên ông Nội tôi. Tôi đứng bật dậy như vừa chạm phải một tảng băng lớn. Cùng lúc đó, tôi nghe giọng nói thánh thót quen thuộc từ nhà sau vọng lên:
-"Tâm, con đâu rồi, lại đây với Mẹ.”
Liên chạy vội lên tìm con và khựng lại khi nhìn thấy tôi:
-"Ô, anh Hai. Anh về bao giờ sao không báo?”
Liên nói trống không, không xưng tên hay xưng em như quen nói trước đây. Không trả lời, tôi hỏi ngược lại:
-"Con Liên đây sao? Cha nó là ai?”
Liên cúi gầm mặt, ngập ngừng rồi không nhìn thẳng vào tôi nói như hơi thở:
-"Là ông Nội"
Tôi cố nhìn mặt Liên mong tìm thấy dấu vết đùa nghịch dối trá trong đó. Nhưng không, Liên cúi gầm mặt thú nhận. Tôi quay phắt người nắm chiếc túi xách mang theo và bước vội ra cửa. Liên chạy vội theo khóc lớn:
-"Anh Hai, đừng đi.”
Tôi không trả lời, bước mau hơn. Đột nhiên, tôi nghe đàng sau lưng tôi tiếng Liên thở hổn hển:
-"Anh Hai, đừng giận em.”
Liên giúi vào tay tôi một bức thư bỏ phong bì dán sẵn sàng chứng tỏ thư đã được viết từ lâu. Liên nói nhanh một hơi như sợ tôi bỏ đi trước khi nghe hết những gì Liên muốn nói:
-"Xin anh hiểu cho em. Em yêu anh và biết anh cũng yêu em. Đọc thư, anh sẽ biết tại sao em không nhận lời anh cầu hôn và tại sao em không giải thích lý do ông Nội có thái độ khó chịu với anh mỗi lần anh về nhà.”
Tôi im lặng bỏ bức thư vào túi áo, khẽ chào Liên mà không quay mặt lại rồi bước mau như chạy:
-"Vĩnh biệt em.”
Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi gọi Liên bằng em.
Thư Liên xin lỗi vì đã phụ tôi, kể lại việc ông tôi đã tìm cách lân la với Liên từ lúc Liên còn nhỏ, thời tôi còn học Tiểu học. Sau khi bà Nội và nhất là sau khi mẹ tôi mất, ông tôi chẳng còn e dè gì nữa. Vì thế, mỗi lần tôi về, ông tôi đều tỏ vẻ khó chịu ra mặt khi thấy Liên và tôi gần gũi thân mật với nhau. Không lâu sau lần tôi về thăm nhà trước lần này, Liên có thai và ông tôi tổ chức lễ cưới, chẳng báo cho tôi biết cũng không cho phép Liên nói gì với tôi.
Xin anh hiểu cho em. Em một thân một mình, đã thất thân với ông, khi em mới lên mười hai mười ba tuổi. Vì vậy, mặt mũi nào em nhận lời yêu anh. Lòng em quặn thắt vì biết anh đau đớn khi không được em nhận lời. Mẹ đã biết chuyện ông nội bậy bạ với em từ ngày em còn ít tuổi nhưng đã không nói gì, chỉ khéo léo dặn anh đừng dính líu đến em. Cũng vậy, Mẹ đã bắt em thề không được đến với anh. Anh bảo em phải làm gì khác bây giờ? Thú thật mọi chuyện với anh để xin anh tha thứ? Bỏ Nội để đi nơi khác? Đi đâu khi em tứ cố vô thân? Đến với anh? Ngàn lần không được, em không thể đem tấm thân không còn trinh trắng đến làm hại cuộc đời anh, nhất là nếu anh biết được người lấy đi sự trong trắng của em lại chính là ông Nội.
Đời oái oăm quá! Đời đánh tôi đau quá! Đánh đau đến độ tôi không biết cựa quậy thế nào để tránh. Con của người tôi yêu giờ là chú ruột tôi? Người tôi yêu giờ là bà Nội kế của tôi?
Mai vàng trong vườn hai bên ngõ ra đường cái đang loáng thoáng khoe sắc nhưng tôi không còn cảm thấy Xuân đang về, Tết đang đến. Tại sao Tết lại trở thành ngày tôi phải CHỊU TANG
Một Tết chịu tang bà Nội tôi.
Một Tết chịu tang Mẹ tôi.
Và Tết này chịu tang cho tình yêu của tôi?
Trần Hữu Thuần
(Grand Rapids, Michigan),
(Tết Tân Sửu 2021)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét