LỊCH SỰ
Tác Giả : Nguyễn Gia Việt
Lưa thưa vạt nắng ngày xưa
Tìm mùi hương cũ như vừa mới quen
Xa xôi dịu vợi còn len
Sợi tình quyện gió mon men một thời...
"Lịch sự ăn mặc trang nhã ai ơi
Ấy là phẩm cách tôn vinh người mình”
Sài Gòn dân trí cao minh
Phép ăn lối ở đám đình uy nghiêm
Lịch lãm phù hợp y xiêm
Tuỳ phương chốn đến cẩn chêm bộ hình
Áo dài truyền thống cung nghinh
Lễ lộc nề nếp gia đình chẳng lai
Văn minh quy chuẩn quần hài
Sơ mi Nam nữ vắt vai thường dùng
Bà ba kiểu cách hoà chung
Gọn gàng nhã nhặn ra đường thảnh thơi
Nam sinh áo trắng tinh khôi
Đóng thùng quần ống, áo vôi đẹp ngời
Nữ sinh tha thướt lụa bồi
Áo dài nắng toả một thời xuyến xao
Ăn mặc đồng bộ thích bao
Sài Gòn hoà nhập phẩm cao sáng ngời
Lịch sự từ tốn lựa lời
Ngôn tình hoàn mỹ tuyệt vời khiêm cung
Cám ơn, thưa dạ chẳng ngừng
Trên môi luôn nở đóa hồng xinh tươi
Chân thành mộc mạc ai ơi
Hốt hồn lữ khách ngàn nơi trầm trồ
Trình độ văn hoá rào tô...
Đạo đức ứng xử tựa hồ nhân văn
Lịch sự phong thái uống ăn
Minh Hương hào phóng nói năng khẽ lời
Ôn hoà tế nhị đồng khơi
Đạo lý phù hợp ăn chơi rõ ràng
Văn minh thực tế nhẹ nhàng
Sài Gòn phong cách lệ làng ưng ưa…
Thời nay nhân bản thiếu thừa
Công dân giáo dục…nhạt bừa lai căng
Thương về...dạo phố dung dăng
Tìm quanh lối cũ học ăn nói mời
Mơ hoang thoáng chốc sống đời
Lưa thưa nhặt ánh tơ trời dịu êm !!!…jl
Sài Gòn ngày xưa quá đẹp, người dân khi ra đường ăn mặc vô cùng lịch sự.
Lịch sự là người có nhiều kinh nghiệm, hiểu biết nhiều nên cư xử trong khuôn phép.
Tế nhị là khéo léo, nhã nhặn trong cách ứng xử, biết chú ý đến cả những điểm rất nhỏ.
1/ LỊCH SỰ TRONG ĂN MẶC
Thí dụ như TT Ngô Đình Diệm ăn mặc rất lịch sự, có khi áo dài khăn đóng truyền thống, có khi đồ vest, ông thắt cravat, tuxedo, tay lại kèm theo cái nón nỉ, cây ba toong máng lên tay.
TT Nguyễn Văn Thiệu và các quan chức VNCH đều ăn mặc lịch sự. Mà hình như dân Miền Nam hồi đó đều vậy, một ông mua ve chai vẫn áo sơ mi, quần tây, đôi nón nỉ kìa.
Quan trọng là người quốc gia biết biết giữ chừng mực, giới hạn khi tiếp khách.
Người xưa có câu “Ăn cho mình, mặc cho người”, không phải cơ thể của mình, quần áo của mình thì muốn mặc thế nào cũng được.
Mặc lịch sự, màu mè trang nhã phù hợp nam nữ, tỉ dụ nam mặc áo dài hường thì không còn gì để nói.
Mặc đã khó còn cách đi đứng, nói chung tác phong còn khó hơn.
Ngày xưa ông bà mình kể chuyện đi học, nữ sinh mặc áo dài mà đi đứng õng ẹo, có những tư thế hở hang là bị bà giáo phạt đòn, giám thị mời phụ huynh lên mắng vốn.
Áo dài nam truyền thống mang nét trang trọng, nghiêm cẩn và nam tính. Nam đi đứng ngay ngắn, tay chân điệu bộ phải ra đàn ông.
Nam không có ưỡn ẹo, nhún ngoáy, chu đít ưỡn háng, dựa cột, tay thõng thượt nâng tà áo hay tay áo đưa ra, không kéo ống quần lên.
Dần dà áo dài nam không còn thông dụng
Chỉ còn áo dài nữ
Áo dài nam chỉ còn tồn tại trong những buổi cúng đình, tế tự mang tính chất dân tộc bản sắc Việt.
Áo dài nam chỉ còn tồn tại và chỉ “cần” trong dịp Tết và Đám Cưới, mặc cho vui, cho dân tộc là vậy.
Người Sài Gòn năm xưa
Áo bà ba xưa là một thường phục ở cả nam và nữ, nó xuất hiện trong nhà, nó xuất hiện ngoài đường khi lao động, đi dạo. Không ai mặc bà ba khi đám cưới, đám giỗ, cúng đình, cúng miễu và đi chùa.
Khi tiếp khách cả nam và nữ phải tròng cái áo dài vô.
Sau này đàn ông áo sơ mi trắng, quần tây là lịch sự rồi. Có thể nói quốc phục mở nam giới VN đã chuyển qua áo sơ mi quần tây bỏ vào thùng rất gọn gàng, cơ động.
Ăn mặc lịch sự cũng là quy chuẩn của văn minh.
Ngày xưa học trò đi học không được mang dép kẹp, dép không quai hậu. Vì tư thế học trò phải lanh lợi, tươi trẻ, không ai chấp nhập kéo chiếc dép lẹp xẹp trên từng bước chân.
Rồi mặc quần tây áo sơ mi bỏ vô thùng thì phải mang giày tây đen, bình dân lắm là đôi dép da.
Người nào mặc vest mà mang dép kẹp hay dép mủ là không giống con giáp nào.
Quy tắc cũng nói rõ là không mặc quần sort hay quần đùi tiếp khách hay đi ra ngoài đường, đi chùa chiền, nhà thờ. Quần đùi là quần lót, chỉ có thể quanh quẩn trong nhà riêng tư, có người lạ phải tròng quần dài vô.
Mặc áo sơ mi không được mở nút cho banh ngực, đó là du côn lưu manh
2/LỊCH SỰ TRONG ĂN NÓI
Ăn nói cho có đầu đuôi, dễ hiểu, trơn tru, ngắn gọn là một quy chuẩn của thế giới văn minh.
-Nói thưa trình, nhẹ nhàng
-có chủ ngữ vị ngữ. ( không được nói trỏng )
-Không được vừa nói vừa cười hì hì, cà hướt cà hưởi, -không chửi thề chửi tục.
Phải biết lịch sự và tế nhị khi giao tiếp.
-Biết cám ơn
-biết xin lỗi.
Lịch sự là những cử chỉ, hành vi giao tiếp ứng xử phù hợp với quy định của xã hội, truyền thống đạo đức dân tộc.
Tế nhị là :
-sự khéo léo sử dụng những cử chỉ, ngôn ngữ trong giao tiếp ứng xử
-biểu lộ là một con người có hiểu biết và có văn hoá.
Lịch sự tế nhị cho thấy cách rõ nét về trình độ văn hóa, đạo đức của mỗi người.
3/ LỊCH SỰ CÁCH ĂN UỐNG
Nhiều bạn trẻ giờ rất vô phép
-khi đi ăn tiệc, món nào ngon là ngồi gắp lia lịa, đó là mất lịch sự.
-Ngồi ăn mà gõ chén, đập đũa, rung đùi cũng không lịch sự.
-Ăn mà húp RỘT RỘT cũng là không ý tứ.
Nhiều người đi đám cưới, biết rõ bàn 10 người, dọn ra đồ ăn đủ 10 người thôi
-nhưng lại “thèm” và có những hành động khó coi. Bao nhiêu đồ ăn chất đầy chén mình. Không cần biết còn Phần ăn của 9 người chưa có.
Dọn món ra, khi ổng đã ăn phần của ổng rồi mà người ta còn ăn nhưng lại dòm lom lom hỏi thẳng:
-"Anh(chị) có ăn cái này ko? tui xớt nha?”
Có nhiều người vốn ăn chậm, thấy ổng hỏi “kỳ cục” quá nên giận lẫy gật đầu đại, vậy là ổng ăn luôn.
Ngay chỗ đông người mà nhìn lom lom rồi lấy đồ ăn nó vô duyên, mất lịch sự.
Không được ăn trên bàn thờ
-tức là bưng đồ trên bàn thờ nhà bạn xuống ăn.
-Không được múc đồ trong nồi nhà người ta, chủ nhà đãi sao thì ăn vậy.
-Đừng ăn mà khách nhận xét thằng này, con này…chết đói.
-Việc ăn uống khá tế nhị, nó có nhiều cung bậc, phú quý sanh lễ nghĩa.
Ông bà ta dạy là:
“Đói thì đầu gối phải bò
Cái chân hay chạy, cái giò hay đi”
Ăn có khi là bản năng, vì đói, vì bần cùng, trong nhiều trường hợp ăn là tồn tại.
Nghèo đôi khi thêm “hèn”, làm những điều mà người coi là không có lễ. Nhưng ông bà cũng dạy :
-"Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”
-"Miếng ăn là miếng tồi tàn,
Mất ăn một miếng lộn gan lên đầu”.
Cái gì cũng có giới hạn ở mức độ vừa phải, chấp nhận được, vượt quá thành lố.
Tóm gọn lại:
“Gỏi chi ngon bằng gỏi tôm càng
Đố ai lịch sự cho bằng làng Minh Hương”
Đó là câu ca dao nói về người Minh Hương lịch sự. Minh Hương là người NAM KỲ LAI TÀU, lớp đầu tiên của Lục Tỉnh, là ông bà mình chứ ai.
-Dân trong làng hòa nhã
-sống yên vui không trộm cướp
-Không tranh chấp
-lo buôn bán, làm rẫy
-lo nuôi dạy con cái học hành đàng hoàng
Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tịnh đã làm quan là bằng chứng.
Năm 1863, vua Tự Đức ban tặng biển khắc 4 chữ “THIÊN TỤC KẢ PHONG" cho làng Minh Hương.
Người Tàu đã vậy, người Nam Kỳ mình lịch sự cũng nhiều lần hơn.
“Trước tôi chào anh em đông đủ
Sau tôi chào bạn cũ lưu niên
Anh hùng hội ngộ, tôi chào riêng anh hùng
Chào cô chào bác, tôi chào cùng chủ gia
Áo đen, áo trắng, áo dài
Chào áo cụt lỡ, chào qua vá quàng
Nghèo hèn cho chí giàu sang
Vải nhuộm nâu tôi chào trước, lụa hồng đào tôi chào sau”
-Người Nam Kỳ tánh hiếu khách, hào phóng, không câu nệ hình thức, sống thực dụng.
-Người Nam Kỳ không lập gia phả, không dài dòng văn tự con chữ hàn lâm. Nhưng nếp sống văn minh là giữ rịt vào máu xương, dạy con cháu phải nhớ.
“Trong khói sóng mênh mông
Có bóng người vô danh
Từ bên này sông Tiền
Qua bên kia sông Hậu
Mang theo chiếc độc huyền
Điệu thơ Lục Vân Tiên
Với câu chữ :
KIẾN NGHĨA BẤT VI VÔ DONG DÃ"
Luật Nam Kỳ là bất thành văn
-Tức không thể hiện văn tự
-Nhưng phải ghi nhớ thuộc lòng
Là áp dụng trong khắp xóm làng.
Mà những quy tắc bất thành văn ở Nam Kỳ nó vô hình dữ lắm nha, thí dụ :
-Dân Nam Kỳ mời bạn ăn cơm, mà bạn ăn hỗn trên mâm cơm quá, họ không nói, nhưng lần sau sẽ không mời.
-Người Nam Kỳ luôn để khách tự giác và không nhắc. Thí dụ thấy :
-bạn mặc đồ vest mang dép tổ ong, họ không chửi thẳng, nhưng sẽ né tránh từ từ và dần dà coi thường, -nói thằng đó “diễn” và hơi …ba trợn.
"Cái thứ ba trợn ba trạo” đồng nghĩa với :
-cái thứ không bình thường, không được coi trọng.
-Xã hội Nam Kỳ thời Pháp dạy và giáo dục đạo đức rất nghiêm.
-Sang thời VNCH thì vô cùng khuôn phép.
Xã hôi VNCH là xã hội
-Có ý thức, biết trên dưới
-Có nhận thức về xã hội tiến bộ, văn minh.
Nên học trò :
-Lễ phép với thầy cô, người lớn
- GHÉT VÀ KHÔNG chửi tục
-Con cái thương yêu cha mẹ, xóm giềng.
-Nên đường xá sạch trơn.
-Không ai được xả rác.
-Ra đường ăn mặc lịch lãm.
-Con nít được dạy vệ sinh.
- Dạy ý thức và tôn trọng.
-Mọi người biết NHÌN VỀ CÁI CHUNG của cộng đồng
- Biết yêu thương và lòng trắc ẩn, bao dung.
-Nền giáo dục nhân bản rèn luyện con người có nhân cách
-Biết mắc cỡ
-Có thái độ sống phù hợp với đạo lý
-Biết đúng sai, giới hạn
-Biết ngừng ở mức độ vừa phải.
Một người có giáo dục, có nhân cách :
-Sẽ là một công dân tốt.
-Có tình yêu quê hương đất nước.
-Biết sống liêm sĩ.
Một nền giáo dục mà KHÔNG DẠY ĐẠO ĐỨC tạo ra:
-Một xã hội có đạo đức bị băng hoại
-Con người lương tri và lương năng cũng mất.
Khi đạo đức biến mất thì :
-Xã hội sẽ không có trật tự, an ninh
-Thường xảy ra trộm cướp
-Giết người
-Con người mất dạy
-Ý thức buông bỏ
-Con người không tôn trọng nhau
Khiến cho cuộc sống của con người đầy dẫy sự đau khổ và bất an.
Người dân có lương tri và tri thức sẽ so sánh và luôn công tâm trong nhận thức.
-Thấy nhiều bạn vẫn miệt thị những nhân vật lịch sử VN, TT Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu bị kêu là bọn Diệm, Thiệu, thằng này thằng nọ mà mình thì còn nhỏ tuổi hơn người.
Đọc sách cũng cần có thái độ văn minh đó.
Những nhân vật lịch sử dù bạn ghét hay thích
Đều phải được đối xử ở mức độ lịch sự, có văn hóa, đó cũng là tôn trọng người khác và tôn trọng chính mình.
Bạn phải viết làm sao để người ta nói bạn có đi học
Chúng ta luôn nói những điều tốt đẹp về đất Sài Gòn, đơn giản đất này tạo ra quy tắc và giữ gìn những quy chuẩn lịch sự, văn minh. Sài Gòn là nơi làm ra tiền và có một nền văn minh tiến bộ, nó gánh vác cả miền Lục Tỉnh và cái đất Việt Nam này.
Người Sài Gòn năng động rất biết làm dịch vụ:
-Biết tạo ra sự lưu thông của đồng tiền cho việc buôn bán tạo ra lợi nhuận
-Tạo ra nhiều việc làm, nên cảnh phồn hoa đô hội.
Người Sài Gòn kiếm tiền là để tiêu xài, nhiều người kêu là dân Sài Gòn “ăn chơi”.
-Những món ăn đó làm nên thành đô của ẩm thực,
-Những món chơi đó tạo ra kinh đô của dịch vụ mà không có nơi nào sánh được.
Sài Gòn tạo ra hàng triệu cơ hội cho người khác
-Người Sài Gòn ăn mặc rất đơn giản không màu mè :
nhưng vô cùng thanh lịch, duyên dáng và sành điệu
-Giọng của người Sài Gòn rất đáng yêu, nó là giọng chuẩn kiểu Lục Tỉnh của Miền Nam
-Người Sài Gòn thẳng thuốm, bộc trực, không vòng vo tam quốc, hàn lâm văn hoa, mỹ miều.
-Nói ra là dứt khoát, sát rạt, thẳng thừng
-Sống biết nhìn người, nhiều sự chia sẻ, thương yêu đồng loại.
Nhiều người nói người Sài Gòn tính tình không phức tạp, thậm chí có thể dễ đoán suy nghĩ, đây là một cái sai trầm trọng.
Như đã nói, luật bất thành văn là tự ý thức, làm sao coi cho được thì làm. Ai vượt qua, ai phá bỏ thì sẽ bị trừng phạt
-Người Sài Gòn sống rất thực tế
-Có tinh thần kỷ luật
-Biêt yêu biết hận
-Có ý thức chánh trị rất rõ ràng.
Nói chung là người Miền Nam, người Sài Gòn và những ai đang sống trong lòng nó:
-Phải giữ luật bất thành văn về thói lịch sự, văn minh.
-Ai phá hay không tuân theo sẽ bị triệt hạ, loại ra không thương tiếc.
-Xin hãy ý thức để mà gìn giữ cái văn minh, lịch sự của đất Sài Gòn, xứ Nam Kỳ
-đừng để tình trạng bị “ép” mới xin lỗi, mà xin lỗi kiểu “em chả” thì nhìn nó ba trợn ba trạo, ba trật bốn vuột lắm.
“Bần cùng bất đắc dĩ
Có lòi trĩ mới phải rịt lá vông”.
Nói thẳng, không riêng Miền Nam hay Sài Gòn,người Hà Nội xưa cũng vô cùng lịch sự trong ăn mặc và cư xử. Văn minh là tiêu chuẩn chung đó bậu.
Nguồn: Quý Nguyễn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét