Về danh từ Người Mọi trong tiếng Việt
Về danh từ Người Mọi trong tiếng Việt Mình thấy có bạn Lí Học nêu ra câu hỏi về danh từ Người Mọi này rất hay tại đây >> Theo bài viế...
Về danh từ Người Mọi trong tiếng Việt
Mình thấy có bạn Lí Học nêu ra câu hỏi về danh từ Người Mọi này rất hay tại đây >>
Theo bài viết của bạn Lí Học mà mình xin trích đoạn "Mới đây, khi dịch cuốn Miền đất huyền ảo của Jacques Dournes, Nhà văn Nguyên Ngọc- một người sinh ra ở Quảng Nam và tương đối am hiểu về Tây Nguyên có chú thích chữ người Mọi trong sách cùng tên như sau: "Có nhiều người hiểu từ Mọi theo nghĩa khinh miệt, đó là một sự sai lầm. Thật ra, từ Mọi ban đầu không hề có ý nghĩa xấu. Nó bắt nguồn từ tơmoi trong tiếng Bahnar, có nghĩa là khách đến thăm nhà mình; hoặc khách mời từ một làng khác đến; hoặc kẻ thù người ngoại quốc theo từ điển Bahnar- Pháp của Guilleminet. Những người phương Tây đầu tiên lên Tây Nguyên là các linh mục Thiên chúa giáo. Họ đến vùng người Bahnar ở Kon Tum lập xứ đạo Kon Tum, là xứ đạo Thiên chúa giáo đầu tiên tại đây. Bấy giờ những người Bahnar ở Kon Tum đến gặp các nhà truyền giáo thường tự xưng mình là tơmoi, là khách. Các nhà truyền giáo lại hiểu rằng đấy là họ tự giới thiệu tên tộc người của họ. Về sau, dần dần tiền tố tơ bị rớt đi, còn lại moi, moi nghiễm nhiên trở thành tên gọi người bản địa. Người Pháp gọi là moi, người Việt gọi là mọi, hoàn toàn là một danh xưng"".
Mình không hiểu do đâu mà nhà văn Nguyên Ngọc viết khẳng định như thế, chứ còn trong bài này viết vào năm 2015 >> http://vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/lang-ba-na-trong-sach-nguoi-ba-na-o-kontum-cua-nguyen-kinh-chi-nguyen-dong-chi, nhà văn Nguyên Ngọc còn chỉ rất rõ là cách giải thích như trên là MỘT GIẢ THUYẾT từ hai anh em học giả Nguyễn Đổng Chi / Nguyễn Kinh Chi. Nên không hiểu, lời chú thích như trên là do từ nhà văn Nguyên Ngọc đã nghiên cứu kỹ lưỡng hay là ông đã viết lại nhưng quên dẫn nguồn rằng ai đã đưa ra giả thuyết này ?
Mà có một văn bản mà mình không thấy ở nêu ra, chính là bộ sách của ngài Thừa Sai Christoforo Borri, được biết là xuất bản năm 1631, viết về xứ Đàng Trong những năm tiền 1620s, thì trong ấy, ngài Thừa Sai Borri có viết rất rõ là
****
Xứ Đàng Trong trải dài theo dọc bờ biển ... Bề rộng của nó không đáng kể, vì nó bị bó hẹp trong khoảng không gian 20 dặm đường thẳng, một phía tận cùng là biển, phía kia là dãy núi lớn, nơi cư ngụ của những "Kẻ Moi", danh xưng có nghĩa là: người man rợ, vì mặc dù họ là người xứ Đàng Trong nhưng họ không biết tuân lệnh chút nào đối với nhà vua trong bất cứ chuyện gì, họ chỉ tin vào sự khắc nghiệt của núi rừng tiếp giáp với vương quốc Lào."
****
Như vậy ít nhất là những năm 1620s hay rất có thể là trước đó nữa, trong tiếng Việt đã có cụm danh từ Kẻ Mọi (cùng với các cụm danh từ Kẻ Chợ / Kẻ Bắc / Kẻ Quảng, v.v), và ngài Thừa Sai Borri cho biết là Kẻ Mọi có ý nghĩa người man rợ, không tuân lệnh vua xứ Đàng Trong. Vậy chắc là không thể nào ý nghĩa bọn man rợ của danh từ Kẻ Mọi là một danh từ rất sau này, do bọn thực dân Pháp suy nghĩ ra để chia mà trị người Việt Nam như vài thầy viết trên mạng đâu đúng không ? Và ít nhất là theo ngài Thừa Sai Borri, những năm 1600s danh từ Kẻ Mọi đã được hiểu là bọn man rợ rồi đó.
Mà xem ra, nếu chúng ta nghiên cứu về sử Việt, thì thấy rất rõ sự các vua chúa Việt Nam xem mình là "Trung Hoa", tức cái rốn của vũ trụ, và họ cho rằng bốn phương tứ hướng đều là người man rợ, nên không hiểu thuyết Tơmơi là bạn, khách của người Bhanar bị người Việt dùng, rơi thành ngữ tơ, rồi mơi thành mọi, rồi mọi là chỉ cho bọn man rợ, của 2 thầy Nguyễn Kinh Chi / Nguyễn Đổng Chi là có đúng không ? Không biết trong tiếng Việt đã có bao nhiêu trường hợp tương tự như danh từ Tơmơi trong tiếng Bhanar chưa bạn ?
Rồi xét tới nữa, thời xưa, tức thời những năm 1600s, lúc đó người Việt mới lấy tới Quảng Nam, nên không biết ở Quảng Nam, những người Thượng có phải thuộc chủng tộc Bhanar không ? Mình đọc thấy khu này có người Cơ Tu, mà không biết người Cơ Tu có được xem là người Bhanar không ?
Và đáng nghi ngờ hơn, mình không hiểu lại sao 2 anh em học giả Nguyễn Kinh Chi / Nguyễn Đổng Chi lại không đi hỏi những người trong một sắc tộc khắc rất gần gũi trong việc giao thương với người Mọi - đó là người Chàm ? Người Chàm là chủ nhân ở miền Trung mà, văn hóa của người Chàm còn đầy ra đó. Nói tới miền Trung, nói tới văn hóa và chữ ở miền Trung mà không nói tới hay nghiên cứu văn hóa người Chàm là coi bộ hơi thiếu. Mình đọc sử thấy người Chàm và những người miền núi có mối quan hệ rất chặt chẽ với nhau, nên không hiểu tại sao các thầy không ai đi hỏi hay tìm hiểu trong văn bản người Chàm, đã có bao giờ người Chàm sử dụng cụm danh từ Mọi chưa, mà các thầy lại đi đọc và suy luận từ quyển từ điển Bhanar của người Pháp nhỉ ?
Mà sao mãi tới tận năm 2017 ở thế kỷ 21, mà thầy Nguyên Ngọc cũng không đặt câu hỏi liên quan tới văn hóa người Chàm trong việc đi tìm từ nguyên chữ Mọi, mà thầy lại đi ngược, lấy cách giải thích từ những năm 1937 của hai học giả Nguyễn Kinh Chi / Nguyễn Đổng Chi mà xem ra thầy quên không chú thích khi diển giải về từ Mọi nhỉ ?
Mời bạn tham khảo.
Dĩ nhiên mình có thể sai, nếu có mời bạn lên tiếng để mình cùng học hỏi.
Thanks
Brian
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét