Để tưởng nhớ nhà thơ Du Tử Lê
Sau sự ra đi của nhà thơ Tô Thùy Yên mấy tháng trước, ngày 9/10/2019, giới văn nghệ hải ngoại lại thêm một mất mát nữa. Đó là sự ra đi của nhà thơ Du Tử Lê.
Nhà thơ Du Tử Lê tên thật là Lê Cự Phách, sinh năm 1942 tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Sau Hiệp định Genève, 1954, Lê Cự Phách di cư vào Nam cùng với gia đình. Đầu tiên ông định cư ở Hội An, Quảng Nam, sau đó là Đà Nẵng. Đến năm 1956, ông vào Sài Gòn và theo học trường Trần Lục, trường Chu Văn An, sau cùng là Đại học Văn Khoa.
Ông làm thơ từ rất sớm, khi đang còn học tại trường tiểu học Hàng Vôi tại Hà Nội. Sau khi di cư vào Sài Gòn, Du Tử Lê bắt đầu sáng tác nhiều tác phẩm dưới nhiều bút hiệu khác nhau. Bút hiệu Du Tử Lê được dùng chính thức lần đầu tiên vào năm 1958 cho bài "Bến tâm hồn", đăng trên tạp chí Mai.
Du Tử Lê từng là sĩ quan thuộc Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, cựu phóng viên chiến trường, thư ký tòa soạn cuối cùng của nguyệt san Tiền phong (một tạp chí của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa), và là giáo sư dạy giờ cho một số trường trung học Sài Gòn.
Năm 1973 tại Sài Gòn, ông được trao Giải thưởng Văn chương Toàn quốc, bộ môn Thơ với tác phẩm Thơ tình Du Tử Lê 1967-1972.
Ngày 17/4/1975, Du Tử Lê cùng với Mai Thảo và Phạm Duy bị kết án tử hình vắng mặt trên đài phát thanh của Mặt trận giải phóng Miền Nam vì có thái độ chống đối cộng sản quyết liệt. Sau sự kiện 30/4/1975, ông sang tỵ nạn bên Hoa Kỳ.
Ông chuyển đến sống ở miền Nam California, tiếp tục nghề viết, và là nhân viên khế ước của đài tiếng nói Hoa Kỳ từ năm 1996. Ông cũng từng là chủ nhiệm các báo Việt ngữ Nhân chứng, Tay Phải, và Văn nghệ ở Hoa Kỳ.
Sau khi học Đại học Văn khoa Sài Gòn, ông tu nghiệp báo chí tại Indianapolis, Indiana (1969). Giải thưởng Văn chương toàn quốc tại Sài Gòn năm 1973 (tập Thơ tình Du Tử Lê 1967-1972). Ông có tới 70 tập thơ và văn xuôi. Du Tử Lê cũng là nhà thơ châu Á duy nhất được phỏng vấn và có thơ đăng trên hai nhật báo lớn của Hoa Kỳ: Los Angeles Times (1983) và New York Times(1996). Thơ ông cũng đã và đang được đưa vào giảng dạy, làm tài liệu nghiên cứu, đọc thêm tại một số trường đại học tại Hoa Kỳ và Châu Âu.
*20 bài thơ của Du Tử Lê
1. Bạn cũ trong nhau có niết bàn
Tôi đây. Bạn cũ. Tâm nghìn Phật
mỗi Phật nghìn tay. Em-Pháp-Hoa
dốc gió. Đêm lầy kinh-cứu-khổ
xin tế độ tôi những thiệt thà
tôi đây. Bạn cũ. Từ nay hết
chẳng nắng mưa nào chia biệt ta
cám ơn huệ nhãn em khai mở
tiền kiếp xưa mình đã có nhau
bạn cũ. Còn đây đêm rất thấp
tóc nồng da thịt. Phấn son thơm
hôm nay quỳ dưới chân Bồ Tát
tụng một pho tình-yêu-hoa-nghiêm
bạn cũ. Tôi đây. Vô lượng kiếp
tứ đại giai không. Chỉ giữ tình
hãy trì mật-chú kinh chung thủy
để thấy trong nhau có niết bàn
2. Khúc tháng chín
Này tháng chín, mùa thu về rất sẽ
Em biết không? Tôi kẻ đứng bên đường
Hồn tháng chạp, cuối đời khua tiếng gậy
Em từ tâm có đủ lượng bao dung?
Này tháng chín, mùa thu về như thể
Giữa đêm qua, có kẻ lén vào
Vườn hạnh phúc một người đang tập nói
Chàng phục sinh như một giấc mơ
Này tháng chín, mùa thu hồng, lối biếc
Mưa ở đâu? Ướt trí nhớ ai?
Chàng đứng lại bên kia bờ nước cuốn
Em bên này có lạnh đôi bàn tay?
Này tháng chín, mùa thu về rất mới
Bởi hôm qua có kẻ qua đời
Hồn thánh thiện lối vào thơm cỏ cũ
Em xạ hương từ quá khứ tôi
Này tháng chín, này em, này tháng chín
Em biết không, tôi, kẻ đứng bên đường
Hồn hải điển có bao giờ qui thuận
Bỗng bình minh như một cửa gương
Này tháng chín, lược đời tôi, hãy chải
Và cho tôi sợi tóc cuối chân ngày
Đêm tháng chạp tôi sẽ ngồi nối lại
Những con đường (những sợi tóc rơi)
Những con đường mãi mãi chả ai thôi
Quên nhắc đến bởi chính hồn em đó
Này tháng chín, nghe không lời nói nhỏ:
“Hoàng hôn em, tôi gửi một que… diêm”
3. Đồng dao mới
Em yêu dấu hết đời anh có lẽ
Không còn gì để gửi lại cho ai
Không còn gì để giữ cho ngày mai
Em lấy hết từ lâu đời sống đó
Em cũng biết phải không , tình vốn chát
Như môi ta lạnh xót một đêm nào
Như chim đi theo đường gió nghẹn ngào
Sương với lá trong lòng nhau quấn quít
Sông với núi không bao giờ cách biệt
Đêm với ngày sự thực chẳng chia tay
Những cánh rừng yên ngủ với heo may
Nhưng có phải trái tim nồng vẫn đập
Năm với tháng chia nhau mầm khốn nhục
Vui với buồn cũng một mặt gương soi
Ta với đời cũng chỉ một ta thôi
Và em nữa vẫn là em tội nghiệp
Máu vẫn chảy nên tình còn oan nghiệt
Mưa vẫn đi nên sông sẽ quay về
Biển vẫn xanh nên sóng sẽ vỗ về
Em cứ ngủ dù ngày mai bão tố
Em cứ gửi hồn em trong cõi trú
Mộng sẽ về kịp lúc gió lay cây
Trăng sẽ về đúng lúc tóc em bay
Anh sẽ bảo cả đời anh bên nhỏ
Đêm vẫn nở những đóa quỳnh rực rỡ
Em cứ buồn trắng ngát cả đêm thâu
Khóc với cười cũng chẳng khác chi nhau
Và chúng chỉ cho thấy tình ta, thực
Ngực ngây ngất dậy hương lần thứ nhất
Trên vai thơm răng ngập xuống một lần
Trên môi non hồn hé nụ ân cần
Máu như chỉ kim khâu tình mãn kiếp
Ta đứng thẳng trong tình ta lẫm liệt
Núi chưa từng khuất phục gió mưa sa
Chim lìa đời còn đập cánh thiết tha
Ngựa vẫn chạy tận cùng hơi thở cuối
Em cứ hát những lời xanh bóng tối
Những lời thầm lả tả nỗi đau riêng
Lửa sẽ về trong hồn lạnh đêm nghiêm
Em sẽ thấy thời gian như dát bạc
Đời hung hiểm muốn tình ta tan tác
Nhưng sông thề với núi chẳng chia tay
Nhưng mưa thề với biển sẽ ra khơi
Cây với cỏ có bao giờ tạm biệt
Than với củi sống chung cùng một phút
Những tàn tro chẳng thể có hai đời
Như que diêm chỉ có một tiếng cười
Như ta chỉ có một đời tiêu phí
Em đắm đuối đến vô cùng ủy mị
Em đam mê như hơi thở vơi đầy
Như chiều vàng thích đứng trên ngọn cây
Như anh thích những đời mưa luống tuổi
Ta nín lặng sống cùng đau đớn, mới
Trong yêu thương ta chấp nhận cực hình
Khi vung gươm ta đón đợi đầu mình
Và khinh bỉ chung quanh bầy ác thú
Đời vốn thế con thò lò sấp ngửa
Bận tâm chi tình nghĩa thế gian này
Em chớ buồn kẻo tàn tạ thơ ngây
Kẻo đêm rụng thêm chùm đau đớn, cũ
Ôi tóc lạnh xuống môi thờ thẫn nhớ
Em vì ta héo úa một mùa hương
Em vì ta sớm bỏ một mùa son
Như sông sớm bỏ nguồn ra với biển
Tình giông bão sá gì hơn với thiệt
Đúng hay sai , ta uống chẳng phân trần
Nhục nhã ư ? Ta uống chẳng ngại ngần
Hạnh phúc hiếm ? Ta cùng nhau san sẻ
Em yêu dấu hết đời anh có lẽ
Không còn gì để gửi lại cho ai
Không còn gì để giữ cho ngày mai
Em lấy hết từ lâu đời sống đó
4. Một bài thơ nhỏ
Người về như bụi,
Vàng trang sách xưa.
Người về như mưa,
Soi tìm dấu cũ.
Tôi buồn như cỏ,
Một đời héo khô.
Tôi buồn như gió,
Ngang qua thềm nhà.
Thấy ai ngồi đợi,
Bóng hình chia đôi,
Sầu tôi lụ khụ.
Người về như sóng,
Buồn tôi quanh năm.
Người về như đêm,
Mơ hồ cõi chết.
Tình tôi phập phều,
Những tăm phụ bạc.
Lòng tôi gian ác,
Giấu trong miệng cười.
Người về như sương,
Ẩn sau lá động.
Người về như gương,
Thấy mình mất tích.
Người về như sông,
Tràn tôi, lụt lội.
Hồn tôi thả nổi,
Như khóm lục bình.
Sầu ai về cội.
5. Bài nhân gian tháng tám
Buổi chiều xám chỗ ngồi tôi tháng tám
Em dung nhan như một vết dao
Trong trí nhớ của một người khánh tận
Núi sông người thoáng chốc cũng hư hao.
Em mười bảy bước chân vào tháng chạp
Hàng cây khô vai gọi lá hai hàng
Đâu sự thật cảnh đời tôi đã xế
Em đi qua, chỉ thức dậy điêu tàn.
Đêm cao ốc bàn tay buồn, mắt lặng
Gió mưa đi tít tận trời nào
Môi tháng sáu bao dung hồn phiêu bạt
Em tin không? Tôi chết ngọt ngào.
Em bước xuống cuộc đời tôi ảm đạm
Với bình minh, mười bảy vết son tươi
Kẻ khánh tận, cuối cùng soi trí nhớ
Trong bài thơ tháng bảy đã chia hai.
Nếu em biết có lần tôi đã hỏi
Tôi đợi ai cuối cuộc chơi này?
Như tháng tám đi qua người sẽ khuất
Riêng vết son còn đỏ nẫu môi cười.
Bài thơ nhỏ gói nỗi sầu vô hạn
Đường chim đi, nghìn dặm có ai tìm
Em không thể thì thôi đừng nắng, gió
Củi than riêng, tôi đốt một mình.
Đêm tháng tám, chỗ ngồi tôi lửa cháy .
6.Chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi
Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
Chim về góc biển . Bóng ra khơi
Lòng tôi lũng thấp . Tâm hiu quạnh
Chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi
Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
Buổi chiều chăn gối thiếu hơi ai
Em đi để lại hồn thơ dại
Tôi vó câu buồn sâu sớm mai
Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
Em còn gương lược dấu đường ngôi
Nằm mơ thấy tóc thơm vai hẹn
Và khoảng trời xanh đến rợn người
Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
Bàn tay dư mấy ngón chia phôi
(Tặng nhau chín ngón không đeo nhẫn)
Và những tàn phai đầy tuổi tôi
Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
Như trời nhớ đất (rất xa xôi)
Nắng mưa nhớ mãi hàng hiên đợi
Thư nhớ hồi âm – Lệ nhớ môi
Chỉ nhớ người thôi sông đủ cạn
Nói gì kiếp khác với đời sau
Đôi khi nghe ấm trên da thịt
Như thể ai đi mới trở về
7. Trong tay Thánh Nữ có đời tôi
Hỏi Chúa đi rồi em sẽ hay
Tôi buồn như phố cũ mưa bay
Bàn chân từng ngón ngưng không thở
Lạc mất đường đi tận dấu bày
Hỏi nắng đi rồi em sẽ hay
Tôi gầy như phiến lá trên cây
Gió khuya thôi rớt ngàn tâm sự
Thiên đường tôi là người hay ai
Sông chẳng thể không trôi về biển lớn
Người bên bờ buông tóc thả cho mây
Nên suốt kiếp tôi vẫn là đứa trẻ
Buồn vui theo chiếc kẹo ở tay người
Hỏi gió đi rồi em sẽ hay
Tôi chờ em đến thắp đêm vui
Có đêm nhìn xuống bàn tay lạnh
Và chỗ em ngồi đã bỏ không
Hỏi Chúa đi rồi em sẽ hay
Tôi về thương nỗi nhớ trên tay
Trái tim giòng máu lệ chưa cạn
Đời đóng lên hoài vạn dấu đinh
8. Ơn em
ơn em thơ dại từ trời,
theo ta xuống biển, vớt đời ta trôi.
ơn em dáng mộng mưa vời,
theo ta lên núi, về đồi yêu thương.
ơn em ngực ngải môi trầm,
cho ta cỏ mặn, trăm lần lá ngoan.
ơn em hơi thoáng chỗ nằm,
dấu quanh dấu quẩn nỗi buồn một nơi.
ơn em tình như mù lòa,
như con sâu nhỏ bò qua giấc vùi.
ơn em hồn sớm ngậm ngùi,
kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau.
tạ ơn em… tạ ơn em…
Từ Công Phụng
9. K. Khúc riêng chàng
tôi xa người như xa núi sông
em bên kia suối? – bên kia rừng
em bên kia nắng? – bên kia gió
tôi một dòng sương, lên, mênh mông
tôi xa người như xa biển đông
chiều lên lênh láng chiều, giăng hàng
những cây ghi dấu ngày em đến
đã chết từ đêm mưa không sang
tôi xa người xa đôi môi tham
em biết: rồi em như chim ngàn
thôi còn khua động làm chi nữa
hồn tôi vốn đã là tro than
tôi xa người xa đôi mắt ngoan
vườn tôi trăng lạnh đến hoang tàn
em xa xôi quá làm sao biết
vốn liếng tôi còn: những ngổn ngang
tôi xa người xa trên sân bay
hồn tôi cồn cát dấu chân bầy
em vui đời khác làm sao hiểu
tôi sống âm thầm như cỏ cây
tôi xa người xa hơi thuốc cay
ngày mai tình sẽ bỏ tim này
chiều em không đến hàng cây cũng
nghiêng xuống tôi: từng ngọn heo may
tôi xa người xa bàn tay, vui
bàn tay có ngón đã chôn đời
bàn tay có ngón không đeo nhẫn
có ngón dành riêng cho môi tôi
tôi xa người xa miền thiết tha
hoa xuân đã héo rụng, hiên nhà
phố xưa em buộc đôi hàng bím
nay tóc về đâu? – hồn ở đâu?
tôi xa người xa niềm mê oan
hồn tôi khô xác sợi giây đàn
máu tôi đã gửi trong con chữ
dẫu chết, còn nguyên lời oán than
tôi xa người xa một mùi hương
bãi khuya, hồn ốc, lạc thiên đường
nhớ ai buồn ngất trên vai áo
mưa ở đâu về? – như vết thương
10. Đêm nhớ trăng Sài Gòn
đêm về theo vết xe lăn
tôi trăng viễn xứ hồn thanh niên vàng
tìm tôi đèn thắp hai hàng
lạc nhau cuối phố sương quàng cổ cây
ngỡ hồn tu xứ mưa bay
tôi chiêng, trống gọi mỗi ngày mỗi xa
đêm về trên bánh xe qua
nhớ em Xa Lộ, nhớ nhà Hàng Xanh
nhớ em kim chỉ khíu tình
trưa ngoan lớp học chiều lành khóm tre
nhớ mưa buồn khắp Thị Nghè
nắng Trương Minh Giảng lá hè Tự Do
nhớ nghĩa trang: quê bạn bè
nhớ pho tượng lính buồn se bụi đường
đêm về trên vết xe lăn
tôi trăng viễn xứ, sầu em bến nào?
11. Khi người về
Người về đâu không người không về đâu
Chiều chưa mưa nên chiều chưa thay màu
Tôi cây me đứng run từng lá
Lá đã vàng rồi tôi đã vàng theo
Tình người say không tình người không say
Đêm sắp sang nên đêm sắp ùa đầy
Hồn tôi ngủ sớm trong tay áo
Tay áo người bay hương ngất ngây
Người yêu ai không người không yêu ai
Lời tôi van xin lời tôi trải dài
Trên trang nhật ký tôi than trách
Tôi trách than người không tôi trách than ai
Khi người về tôi không nhìn không trông
Lòng tôi sông nước đủ trăm dòng
Quanh co một nỗi buồn vô hạn
Qua suốt một đời vẫn nhớ nhung
Người không về nên lòng người dửng dưng
Tình tôi mong nên tình tôi khôn cùng
Xế trưa sân nắng sầu con gió
Tôi gió may nhiều tôi tủi thân
Người thương người không người không thương
Tôi xa xôi nên tôi chả được gần
Người kiêu sa thế tôi đành ước
Vôi vữa cho người lát tuổi xuân
Người không về nên tôi cũng chả buồn đi
Bao nhiêu dự tính có ra gì
Bèo trôi từng lớp trên lưng sóng
Tôi quá chân rồi tôi giết tôi
Người phương nào người có nghe nôn nao
Tôi ở đây nghe lòng tôi rì rào
Lá me vàng rụng con đường nhớ
Tôi nghĩ về người đêm ngày tôi xanh xao.
12. Phúc âm nàng
1.
không, bây giờ y không còn đến đó
nơi có ổ gà, có rào kẽm, có bức trường thành, có sân bay nhà thương, nhà xác
nơi những trưa đi qua mắt y đổ lửa
những chiều về cát liếm thịt da
nơi ngày tháng vẫn đi qua trong từng cơn khó nhọc
những phiến ẩn ức câm
nghìn năm như đá dựng
nơi y đã ngồi
gom những viên sỏi đầu tiên của một hạnh phúc hiếm
(ôi hạnh phúc bất ngờ
như tai hoạ giáng xuống)
không, bây giờ y không còn đến đó
cho tới một ngày nào
một ngày nào người yêu y đủ lớn
–phải chăng đó là lúc nàng đã trưởng thành?
–vâng đó là lúc nàng đã trưởng thành
mà đừng vội nghĩ rằng khi ấy nàng sẽ già và tóc nàng rụng đi, cụt ngủn
trán nàng sẽ nhăn, rất nhiều vết nhăn tội nghiệp
tay nàng sẽ thô, những ngón mềm sẽ thôi thơm như dòng sữa sớm
ồ không đâu, không bao giờ có thế
đó là lúc nàng giật mình soi gương thấy mắt nàng lóng lánh
như những hạt mưa to
trong veo thành nhẫn nhục
đó là lúc nàng thấy tóc nàng dài, ngực nàng căng, và đôi môi nàng thắm đỏ
nụ cười vì thế mà cũng xinh thêm
không còn se khô như những quả ô mai ngậm hoài vẫn mặn
đấy lời tâm sự của chàng
rất trang nghiêm
nhưng ngậm ngùi ngỏ với đám đông vô hình trước mặt
rồi đám đông tự động vơi tan
lúc bóng tối trở về lấp đầy từng ngăn ký ức
trong một ngôi quán quen
chàng rã rời đứng dậy
nỗi nhớ nhung nhũn mềm
làm trúng thêm gân cốt
mỗi chúng ta đều khư khư giữ lấy cho mình
một số vết thương đã khô thành sẹo
và âu yếm ngắm nhìn
chân dung mình treo trên vách tường trí nhớ
2.
vâng chúng tôi thường gặp nhau vào mỗi chiều thứ sáu
ngày chúa bị đóng đinh
ngày giáo dân không được phép ăn thịt
(để tưởng nhớ đến ngài)
tôi là kẻ đã tự đặt mình ra ngoài vòng tín ngưỡng
nhưng đôi khi cũng bàng hoàng
chợt nhận ra dù mình vô thần nhưng cuối cùng đã mặc nhiên tôn thờ một chúa
(chúa của tôi, ôi chúa của tôi
vô cùng yếu đuối)
nàng buồn như trái chín
mắt gầy đêm mưa xanh
hồn căng trên thập tự
đầu cúi xuống dương gian
chớp hoài đôi mắt ướt
tôi thích được quì dưới chân nàng
để xin những điều vớ vẩn
vốn là kẻ đa nghi
tôi không tin thượng đế
nhưng lại chắc một điều
hạnh phúc nào cũng thật
như trong tình yêu tôi
vốn cả trăm điều gian dối
đời sống ta như một ô chữ cũ
có sắp hoài cũng chẳng khác hơn
ngoài những giòng vô nghĩa
3.
kẻ phán xét trong nàng
bảo chiều nay bão lớn
và ngày mai hãy thả chim câu
(những con bồ câu của thánh Nô – Ê trong sáng thế ký)
để cho chúng bay đi
đem tin về
trời sẽ trong xanh vào những ngày kế tiếp
tôi theo nàng rời tàu
bước lên bờ đất thịt
hãy tin, hãy tin
cuối cùng rồi chúng ta cũng có những bình minh êm ả
những ngày vàng sau quá đỗi đau thương
4.
vâng, chúng tôi thường gặp nhau vào những chiều thứ sáu
ở một góc đường
dưới những tàn cây gỗ dầu xác xơ lá nám
với nhiều sợi dây leo
xiết quanh thân cổ thụ
những buổi chiều hết tiền
chúng tôi rủ nhau lang thang dưới phố
và hôn nhau
ở mỗi đầu đường
ở giữa cua vắng
ở bên ngoài những cửa hàng trưng bày bán tạp phẩm
cũng có những chiều
chúng tôi rủ nhau chui vào rạp hát
và cũng rất thường
nàng rúc đầu vào ngực tôi nức nở
(hệt như con gà mái cục cục đòi ăn, lúc đói)
tôi chẳng biết nói sao
vì chính mình cũng đang nát tan nhục tủi
tôi không tin thượng đế
nhưng lại chắc một điều là hận thù có thật
cũng như tôi tin nàng tuyệt vời
hơn bất cứ một người đàn bà nào hiện đang có mặt
(dù tôi không quên rằng tôi đã ví
nàng như một con gà mái hay cục cục, lúc đói
nhưng cũng xin thêm rằng con gà mái kia
rất dễ ưa, cả tin và tính tình nhút nhát)
nàng tin nơi tình yêu
như giáo dân tin nơi phép nhiệm mầu của chúa
hãy tin ôi hãy tin
nước sẽ rút về bờ kia tuyệt vọng
và ở cuối chân trời
một vầng hồng sẽ nở
5.
bây giờ buổi chiều một mình trở lại
cũng con đường có hàng cây gỗ dầu xác xơ lá nám
với những sợi dây leo
quấn quanh thân cổ thụ
cũng vào ngày chúa bị đóng đinh
(nhưng toà thánh đã loan tin vì tình trạng chiến tranh
đặc biệt cho phép giáo dân Việt Nam ăn thịt)
em làm sao hiểu được
nỗi đớn đau anh khi đêm đến trở về
thắp đèn lên tìm kiếm bóng mình cho đỡ quạnh
và lắng nghe bản tin cuối cùng
tổng kết vinh quang một ngày chiến sự
đời sống ta hôm nay
chỉ còn toàn chữ số
6.
anh cố sống để chờ
một ngày nào mẹ cha loan tin cho phép anh được đem trầu cau đến hỏi em làm vợ
hay một ngày nào
chúng ta sẽ bỏ đi rất xa
làm một phường bất hiếu
kịp khi hết đời mình
(7-1969)
13. Mai sau soi thấy vết thương tôi còn
Gọi tôi tiếng gọi bồi hồi
đêm, mưa góc phố, người ngồi ghế, khuya
Vầng trăng, tôi, cũ, chia lìa
Em đi cuối sớm, ai về đầu hôm?
Gọi tôi, tiếng gọi ai, buồn
Nhân gian thăm thẳm, ngọn, nguồn cũng xa
Người về cây, cỏ tháng ba
Hồn tôi tháng bảy mưa sa đầm, đầm
Gọi tôi, tiếng gọi tiêu, trầm
Trái tim nhật, nguyệt, mái hồn tử, sinh
Núi sông đốm lửa cuối ghềnh
Cõi âm: ký ức; cõi trần: lát dao
Gọi tôi tiếng gọi rầu, rầu
Ngưạ trong tuyệt lộ, chim đầu ải, sương
Người còn giữ được mảnh gương?
Mai sau soi thấy vết thương tôi, còn.
14. Bài nhân gian thứ nhất
Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
đôi mắt người hồ như biển đông
có mưa-tôi-cũ về ngang đó
tự buổi thiên đàng chưa lập xong
Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
mái tóc người hồ như rừng cây
có mấy che lối về cho lá
và những con đường thật riêng tây
Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
tôi có người hồ như vết thương
có đêm ngó xuống bàn tay lạnh
và chỗ em ngồi đã bỏ không
Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
tôi có người hồ như tấm gương
thấy tôi thắt cổ trên cành tuyết,
và bóng đo dài nỗi tủi thân
Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
tôi có người hồ như hạt sương
có bông hoa đỏ chiều tâm khúc
tôi thấy từ em một quê hương
Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
tôi có người hồ như tiếng chim
theo cơn bão rớt về ngang phố
tôi học từ em: niềm lãng quên
Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
tôi có người hồ như ấu thơ
đêm đêm khóc vụng cùng chăn gối
và buồn thấy như mẹ ở xa
Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
tôi biết người mang một nỗi buồn
biết ta cuối kiếp tim còn lạnh
cùng nỗi sầu bay đâu hư không
Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
tôi xin người sớm phục sinh tôi.
15. Ai nhớ ngàn năm một ngón tay
Chia sẻ qua Facebook Twitter Email
Tháng Tư9
Tháng tư tôi đến rừng chưa thức
Mưa vẫn chờ tôi ở cuối khuya
Có môi chưa nói lời chia biệt
Và mắt chưa buồn như mộ bia
Tháng tư nao nức chiều quên tắt
Chim bảo cây cành hãy lắng nghe
Bước chân ai dưới tàng phong ốm
Mà tiếng giày rơi như suối reo
Tháng tư khao khát, đêm, vô tận
Tôi với người riêng một góc trời
Làm sao anh biết trăng không lạnh
Và cánh chim nào sẽ bỏ tôi
Tháng tư hư ảo người đâu biết
Cảnh tượng hồn tôi: một khán đài
Với bao chiêng, trống, bao cờ xí
Tôi đón anh về tự biển khơi
Tháng tư xe ngựa về ngang phố
Đôi mắt nào treo mỗi góc đường
Đêm ai tóc phủ mềm da lụa
Tôi với người chung một bến sông
Tháng tư nắng ngọt hoa công chúa
Riêng đoá hoàng lan trong mắt tôi
Làm sao anh biết khi xa bạn
Tôi cũng như chiều: tôi mồ côi
Tháng tư chăn gối nồng son, phấn
Đêm với ngày trong một tấm gương
Thịt, xương đã trộn, như sông, núi
Tôi với người, ai mang vết thương ?
Tháng tư rồi sẽ không ai nhớ
Rừng sẽ vì tôi nức nở hoài
Mắt ai rồi sẽ như bia mộ
Ngựa có về qua cũng thiếu đôi
Tháng tư người nhắc làm chi nữa
Cảnh tượng hồn tôi đã miếu thờ
Trống, chiêng, cờ, xí như cơn mộng
Mưa đã chờ tôị. Mưa…đã …mưa
Mai kia sống với vầng trăng ấy
người có còn thương một bóng cây
Góc phố còn treo đôi mắt bão
Ai nhớ ngàn năm một ngón tay?
16. Tôi trở về trên những dặm gai đâm
I
Chao đảo quá như chưa từng biết khổ
em ở đâu? Buổi sáng ngọc, vô cùng
chân trời gió. Bình minh mù. Nắng cũ
tôi trở về trên những dặm gai đâm
II
Mắt hiu hắt như chưa từng hạnh ngộ
những bàn chân nhớ cát bỏng lưng đồi
em nghiêm cẩn che mờ sông núi đó
tôi ngu ngơ để mất cả gia tài
III
Tay luống cuống như chưa từng biết nắm
tôi vẫn chờ, quà chợ, tuổi lên năm
như thuở mẹ bán buôn thời giặc giã
tôi, khăn tay, đẫm lệ tối, đi tìm
IV
Môi vụng dại như chưa từng biết nói
gọi tên em. Tôi thẹn đỏ, trong mơ
ngày dấu mặt cho đừng ai thăm hỏi
sao thơ tôi “bầm dập đến không ngờ”
V
Chân run rẩy như chưa từng biết chạy
trốn đi đâu? khi tình đã trao rồi
em thánh thiện, chỉ mình tôi có tội
(tội yêu người, kiếp khác vẫn chưa nguôi)
VI
Vai buốt lạnh như chưa từng biết ấm
rơi lên tôi hỡi tóc ủ hương mưa
chị thấy xót, thương em mình lận đận
nhưng khuyên gì ? – Một kẻ lấm tương tư !
VII
Hồn luýnh quýnh như chưa từng biết nhớ
khát khao tôi, tựa lá của trăm rừng
thời mới lớn, mẹ dạy khôn đấy chứ
sao hôm nay, tôi lại quá ngu đần ?
VIII
Tim tức nghẹn như chưa từng biết thở
nắng mưa tôi em phó mặc cho trời
cho máu chảy với dao đời chém ngọt
nên lúc buồn, tôi hỏi: tại sao? Tôi?
IX
không. Tôi nhớ. In là em đã bảo
“Chúa thương tình: thánh hoá mối lương duyên”
hồn thanh sạch cùng mắt môi dấy bão
xóa bôi xong. Ngày cũ – Quả hoang đường
X
Bài hát dạo của người trong biển ngọc
em nghe chưa? Có thuộc một đôi lời?
17. Khúc Thụy du
1.
Như con chim bói cá
Trên cọc nhọn trăm năm
Tôi tìm đời đánh mất
Trong vũng nước cuộc đời
Như con chim bói cá
Tôi thường ngừng cánh bay
Ngước nhìn lên huyệt lộ
Bầy quạ rỉa xác người
(Của tươi đời nhượng lại)
Bữa ăn nào ngon hơn
Làm sao tôi nói được
Như con chim bói cá
Tôi lặn sâu trong bùn
Hoài công tìm ý nghĩa
Cho cảnh tình hôm nay
Trên xác người chưa rữa
Trên thịt người chưa tan
Trên cánh tay chó gậm
Trên chiếc đầu lợn tha
Tôi sống như người mù
Tôi sống như người điên
Tôi làm chim bói cá
Lặn tìm vuông đời mình
Trên mặt dài nhiên lặng
Không tăm nào sủi lên
Đời sống như thân nấm
Mỗi ngày một lùn đi
Tâm hồn ta cọc lại
Ai làm người như tôi?
2.
Mịn màng như nỗi chết
Hoang đường như tuổi thơ
Chưa một lần hé mở
Trên ngọn cờ không bay
Đôi mắt nàng không khép
Bàn tay nàng không thưa
Lọn tóc nàng đêm tối
Khư khư ôm tình dài
Ngực tôi đầy nắng lửa
Hãy nói về cuộc đời
Tôi còn gì để sống
Hãy nói về cuộc đời
Khi tôi không còn nữa
Sẽ mang được những gì
Về bên kia thế giới
Thụy ơi và Thụy ơi
Tôi làm ma không đầu
Tôi làm ma không bụng
Tôi chỉ còn đôi chân
Hay chỉ còn đôi tay
Sờ soạng tìm thi thể
Quờ quạng tìm trái tim
Lẫn tan cùng vỏ đạn
Dính văng cùng mảnh bom
Thụy ơi và Thụy ơi
Đừng bao giờ em hỏi
Vì sao mình yêu nhau
Vì sao môi anh nóng
Vì sao tay anh lạnh
Vì sao thân anh run
Vì sao chân không vững
Vì sao anh van em
Hãy cho anh được thở
Bằng ngực em rũ buồn
Hãy cho anh được ôm
Em, ngang bằng sự chết
Tình yêu như ngọn dao
Anh đâm mình, lút cán
Thụy ơi và Thụy ơi
Không còn gì có nghĩa
Ngoài tình em tình em
Đã ướt đầm thân thể
Anh ru anh ngủ mùi
Đợi một giờ linh hiển.
(03-68)[1]
Chú thích
1. Về tên gọi của bài thơ có hai giả thuyết. Một là: Thụy là tên riêng của bà Thụy Châu, vợ cũ của nhà thơ Du Tử Lê, còn Du lấy từ bút danh của chính tác giả. Hai là, theo nghĩa Hán Việt, “Thụy Du” là một khúc hát về giấc ngủ, cái chết, hoặc một chuyến đi dài. ^
18. Tôi Xa Người
Khúc K. Riêng Chàng
tôi xa người như xa núi sông
em bên kia suối ? - bên kia rừng ?
em bên kia nắng ? - bên kia gió ?
tôi một dòng sương lên mênh mông
tôi xa người như xa biển đông
chiều dâng lênh láng chiều giăng hàng
những cây ghi dấu ngày em đến
đã chết từ đêm mưa không sang
tôi xa người, xa đôi môi tham
em biết, rồi em như chim ngàn
thôi còn khua động làm chi nữa
hồn tôi vốn đã là tro than
tôi xa người, xa đôi mắt ngoan
vườn tôi trăng lạnh đến hoang tàn
em xa xôi quá làm sao biết
vốn liếng tôi còn : những ngổn ngang !
tôi xa người, xa trên sân bay
hồn tôi cồn cát dấu chân bầy
em vui đời khác làm sao hiểu
tôi sống âm thầm như cỏ cây
tôi xa người, xa hơi thuốc cay
ngày mai tình sẽ bỏ tim này
chiều em không đến hàng cây cũng
nghiêng xuống tôi : từng ngọn heo may
tôi xa người, xa bàn tay vui
bàn tay có ngón đã chôn đời
bàn tay có ngón không đeo nhẫn
có ngón dành riêng cho môi tôi
tôi xa người, xa niềm thiết tha
hoa xuân đã rụng héo hiên nhà
phố xưa em buộc đôi hàng bím
nay tóc về đâu ? - hồn ở đâu ?
tôi xa người, xa miền mê oan
hồn tôi khô xác sợi giây đàn
máu tôi đã gửi trong từng chữ
dẫu chết, còn nguyên lời oán than
tôi xa người, xa một mùi hương
bãi khuya, hồn ốc lạc thiên đường
nhớ ai buồn ngất trên vai áo
mưa ở đâu về ? - như vết thương.
1983
19. Trăng Khuyết
Nguyên tác - Thu khúc – Du Tử Lê
trăng khuyết, như đời tôi
cũng thôi, một kiếp người
em về, khuya có vui
đầy hồn tôi mưa bụi
tôi về, khuya thiếu... tôi
nhớ người, môi tháng tám
gió ngất, như lòng tôi
chiều thu, im tiếng rồi
những ngón tay mồ côi
đường ngôi không tiếng gọi
em còn trong cõi tôi
thoảng mùi hương tháng chín
nắng xót, như biển khơi
đường xa hút bóng người
nỗi buồn nào có đôi ?
sao đời tôi khép vội
tóc buồn xuống hai vai
em nghìn năm mây khói
tôi đã khóc đêm qua
như đứa trẻ nhớ nhà
em ở đâu đêm qua ?
quê nhà tôi, mất dấu
tôi ở đây đêm qua
mênh mông hồn nghĩa địa
trăng khuyết, như tình tôi
còn nhau không cuối đời
em, một trời gió nổi
tôi, một trời gió nổi
tôi, một trời mưa thôi
mắt người đêm tháng chạp
đắp buồn ván quan tôi
áo người trưa tháng tám
gói hồn tôi không vui
kịp về không hỡi bé ?
vầng trăng ta khuyết rồi.
8-1984
20. Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đời lưu vong không cả một ngôi mồ
vùi đất lạ thịt xương e khó rã
hồn không đi, sao trở lại quê nhà
khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi
bên kia biển là quê hương tôi đó
rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì
khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
và nhớ đừng vội vuốt mắt cho tôi
cho tôi hướng vọng quê tôi lần cuối
biết đâu chừng xác tôi chẳng đến nơi
khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đừng ngập ngừng vì ái ngại cho tôi
những năm trước bao người ngon miệng cá
thì sá gì thêm một xác cong queo
khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
cho tôi về gặp lại các con tôi
cho tôi về nhìn thấy lệ chúng rơi
từ những mắt đã buồn hơn bóng tối.
khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết
đời lưu vong tận huyệt với linh hồn.
(12/1977)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét