Giới thiệu nhà thơ Du Tử Lê
Tác giả:Hoài Nguyễn
*
Du Tử Lê tên thật là Lê Cự Phách, sinh năm 1942 tại Kim Bảng - Hà Nam.Sau Hiệp định Genève, 1954, ông di cư vào Nam cùng với gia đình. Đầu tiên ông định cư ở Hội An, Quảng Nam, sau đó là Đà Nẵng. Đến năm 1956, ông vào Sài Gòn và theo học trường Trần Lực, Chu Văn An, sau cùng là Đại học Văn Khoa.
Ông làm thơ từ rất sớm, khi đang còn học tại trường tiểu học Hàng Vôi tại Hà Nội. Sau khi di cư vào Sài Gòn, Du Tử Lê bắt đầu sáng tác nhiều tác phẩm dưới nhiều bút hiệu khác nhau. Bút hiệu Du Tử Lê được dùng chính thức lần đầu tiên vào năm 1958 cho bài Bến tâm hồn, đăng trên tạp chí Mai.
Du Tử Lê từng là sĩ quan thuộc Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, cựu phóng viên chiến trường, thư ký tòa soạn cuối cùng của nguyệt san Tiền phong (một tạp chí của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà), và là giáo sư dạy giờ cho một số trường trung học Sài Gòn. Năm 1973 tại Sài Gòn, ông được trao Giải Thưởng Văn chương Toàn quốc, bộ môn Thơ với tác phẩm Thơ tình Du Tử Lê 1967-1972. Ngày 17/4/1975, Du Tử Lê cùng với Mai Thảo và Phạm Duy bị kết án tử hình vắng mặt trên đài phát thanh của Mặt trận giải phóng Miền Nam vì có thái độ chống đối cộng sản quyết liệt.
Sau sự kiện 30/4/1975, ông tỵ nạn tại Hoa Kỳ, sống ở miền Nam California, tiếp tục nghề viết, và là nhân viên khế ước của Đài tiếng nói Hoa Kỳ từ năm 1996. Ông cũng từng là chủ nhiệm các báo Việt ngữ Nhân chứng, Tay phải, và Văn nghệ ở Mỹ.
Ngoài thơ ra, Du Tử Lê còn viết tiểu thuyết, biên khảo văn học, vẽ tranh… nhưng không nhiều bằng thơ.
Ngày 7/10/2019, Du Tử Lê qua đời tại nhà riêng ở Hoa Kỳ.
Thơ Du Tử Lê rất nặng tình với quê hương, có nhiều bài thể hiện nỗi lòng mong mỏi của người xa xứ được trở về thăm đất mẹ. Những năm cuối đời, ông cùng với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã có ý tưởng và thực hiện một số hoạt động với mong muốn thúc đẩy sự hòa giải và hòa hợp giữa các văn nghệ sĩ hải ngoại và quê nhà.
- Thơ của ông xuất hiện trên nhiều tạp chí trong và ngoài nước. Ông có thơ đăng trên nhật báo Los Angeles Times, 1983 và New York Times, 1994.
- Năm 1993, G.S. Neil L. Jaimeson chọn dịch và phân tích một bài thơ của Du Tử Lê in trong cuốn “Understanding Vietnam,” xuất bản bởi liên đại học Berkeley, UCLA, London, là sách giáo khoa về văn học Việt Nam cho nhiều đại học tại Hoa Kỳ và Âu Châu. Vẫn theo tác giả này thì cùng với Nguyên Sa, sự đóng góp trí tuệ của Du Tử Lê cũng như LM Thanh Lãng và Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam là điều không cần phải hỏi lại (Understanding Vietnam trang 344).
- Du Tử Lê là một trong 6 nhà thơ Việt Nam thuộc thế kỷ thứ hai mươi, có thơ được chọn in trong tuyển tập “Thi Ca Thế Giới Từ Thời Thượng Cổ tới hôm nay/ World Poetry - An Anthology of Verse from Antiquity to Our Time” do nhà W.W. Norton New York, New York ấn hành năm 1998.
- Thơ của ông cũng được một số đại học dùng để giảng dạy cho sinh viên từ năm 1990. Ký giả Jean Claude Pomonti, một nhà báo hàng đầu của tạp chí Le Monde đã chọn một bài thơ của Du Tử Lê để dịch sang Pháp ngữ và phê bình trong tác phẩm “La Rage D’Être Vietnamien” do nhà Seuil de Paris, xuất bản năm 1975.
- Ông là một trong 7 nhà thơ miền Nam, được cố nhà văn Mai Thảo chọn là "7 Vì sao Bắc đẩu" của nửa thế kỷ thi ca Việt Nam. Sáu người kia là Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Bùi Giáng, Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền và Tô Thùy Yên.
- Du Tử Lê là tác giả của trên 400 bài thơ và 77 tác phẩm đã xuất bản.
- Từ năm 1981 tới nay, Du Tử Lê đã có nhiều buổi thuyết trình tại một số đại học tại Hoa Kỳ, Pháp, Đức và Úc Châu. Riêng với đại học Harvard (Boston, Mass.), hai lần ông được mời nói chuyện về thơ của mình.
- Từ năm 2009 tới 2012 mỗi năm Du Tử Lê đều có ít nhất một lần thuyết trình về thơ tại đại học Berkeley và Cal State Fullerton.
- Kể từ tháng 7 năm 2011, nhiều tranh của Du Tử Lê đã được dùng làm bìa sách cũng như in nơi trang bìa của một số tạp chí XB tại Hoa Kỳ.
- Năm 2012, ông đã có 2 cuộc triển lãm cá nhân, một tại Houston, Texas và, một tại Seattle, Washington State.
- Cuộc triển lãm cá nhân lần thứ 3 của Du Tử Lê, vào Thứ Bảy, ngày 30 tháng 3-2013 tại Virginia, là triển lãm mở đầu cho năm 2013. Và năm 2014 được dánh dấu bằng cuộc triển lãm bỏ túi, với 7 tác phẩm hội họa của họ Lê đã được bán hết trong vòng 45 phút tại Coffee Lover, San Jose.
Ông cũng là nhà thơ có nhiều tác phẩm được phổ nhạc. Trong số đó có nhiều ca khúc nổi tiếng như của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, với "Đêm nhớ trăng Sài Gòn", "Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển", "Quê hương là người đó" ("Xa nguồn yêu thương"), Trần Duy Đức với "Chỉ nhớ người thôi đủ hết đời", "Em hiểu vì đâu chim gọi nhau", Nguyên Bích với "Hiến chương yêu", Đăng Khánh với "K. khúc của Lê", Anh Bằng với "Khúc Thụy Du", Phạm Duy với "Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau", Hoàng Quốc Bảo với "Người về như bụi", Từ Công Phụng với "Trên ngọn tình sầu", Phạm Anh Dũng với "Tôi Xa Người"...
Xin giới thiệu một số bài thơ nổi tiếng sau đây của Du Tử Lê đã được phổ nhạc như để tưởng niệm một nhà thơ lớn của miền Nam đã sống hết cuộc đời với thi ca, nghệ thuật…
**
1. Trong tay thánh nữ có đời tôi
hỏi Chúa đi rồi em sẽ hay
tôi buồn như phố cũ như tay
bàn chân từng ngón ngưng không thở
lạc mất đường đi. tạnh dấu bày
hỏi nắng đi rồi em sẽ hay
tôi gầy như lá nhẹ như mây
gió khuya thổi rớt ngàn tâm sự
thiên đàng tôi là người hay ai?
hỏi gió đi rồi em sẽ hay
cảnh tượng tôi un khói. bụi đầy
ai không ném đá tôi nào biết
riêng người vẫn bay trên ngọn cây
hỏi tóc đi! sông những buồn vui
như tôi qua gần hết cuộc đời
trí khô não kiệt. nghe từ đất
tiếng gọi trời xa. thánh nữ ơi
hỏi mắt đi sẽ thấy rừng cao
biển sâu dưới thấp. đêm quê nhà
con đường núi Sọ, không ai đợi
tôi hỏi tôi: mày, đang ở đâu?
hỏi môi đi! môi còn muối mặn
xát ướp lòng tôi thì đã sao?
chỉ e chẳng kịp cho đời khác
cửa mở nhưng tôi chẳng thể về
hỏi tim đi! tim nói lời gì?
máu còn quy ẩn có đôi khi
chỉ cho em biết hồn tôi khuất
sau những hàng cây đã luống thì
hỏi Chúa đi! ngài sẽ trả lời
trong tay thánh nữ có đời tôi.
2. Khúc Thuỵ Du
1.
như con chim bói cá
trên cọc nhọn trăm năm
tôi tìm đời đánh mất
trong vụng nước cuộc đời
như con chim bói cá
tôi thường ngừng cánh bay
ngước nhìn lên huyệt lộ
bầy quạ rỉa xác người
(của tươi đời nhượng lại)
bữa ăn nào ngon hơn
làm sao tôi nói được
như con chim bói cá
tôi lặn sâu trong bùn
hoài công tìm ý nghĩa
cho cảnh tình hôm nay
trên xác người chưa rữa
trên thịt người chưa tan
trên cánh tay chó gặm
trên chiếc đầu lợn tha
tôi sống như người mù
tôi sống như người điên
tôi làm chim bói cá
lặn tìm vuông đời mình
trên mặt đất nhiên lặng
không tăm nào sủi lên
đời sống như thân nấm
mỗi ngày một lùn đi
tâm hồn ta cọc lại
ai làm người như tôi?
2.
mịn màng như nỗi chết
hoang đường như tuổi thơ
chưa một lần hé nở
trên ngọn cờ không bay
đôi mắt nàng không khép
bàn tay nàng không thưa
lọn tóc nàng đêm tối
khư khư ôm tình dài
ngực tôi đầy nắng lửa
hãy nói về cuộc đời
tôi còn gì để sống
hãy nói về cuộc đời
khi tôi không còn nữa
sẽ mang được những gì
về bên kia thế giới
thuỵ ơi và thuỵ ơi
tôi làm ma không đầu
tôi làm ma không bụng
tôi chỉ còn đôi chân
hay chỉ còn đôi tay
sờ soạng tìm thi thể
quờ quạng tìm trái tim
lẫn tan cùng vỏ đạn
dính văng cùng mảnh bom
thuỵ ơi và thuỵ ơi
đừng bao giờ em hỏi
vì sao mình yêu nhau
vì sao môi anh nóng
vì sao tay anh lạnh
vì sao thân anh rung
vì sao chân không vững
vì sao anh van em
hãy cho anh được thở
bằng ngực em rũ buồn
hãy cho anh được ôm
em, ngang bằng sự chết
tình yêu như ngọn dao
anh đâm mình, lút cán
thuỵ ơi và thuỵ ơi
không còn gì có nghĩa
ngoài tình anh tình em
đã ướt đầm thân thể
anh ru anh ngủ mùi
đợi một giờ linh hiển
(03-68)
3. Chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi
chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
chim về góc biển. Bóng ra khơi
lòng tôi lũng thấp. tâm hiu quạnh
chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi.
chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
buổi chiều chăn, gối thiếu hơi ai!
em đi để lại hồn thơ dại
tôi, vó câu buồn sâu sớm mai.
chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
em còn gương lược dấu đường ngôi?
nằm mơ thấy tóc thơm vai hẹn
và, khoảng trời xanh đến rợn người.
chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
bàn tay dư mấy ngón chia phôi!
(tặng nhau chính ngón không đeo nhẫn)
và những tàn phai đầy tuổi tôi.
chỉ nhớ người thôi đủ hết đời
như trời nhớ đất (rất xa xôi.)
nắng mưa nhớ mãi hàng hiên đợi
thư nhớ hồi âm. Lệ nhớ môi.
*
chỉ nhớ người thôi sông đủ cạn
nói gì kiếp khác với đời sau.
đôi khi nghe ấm trên da, thịt
như thể ai đi mới trở về.
2.1990
4. Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đời lưu vong không cả một ngôi mồ
vùi đất lạ thịt xương e khó rã
hồn không đi sao trở lại quê nhà
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
nước ngược dòng sẽ đẩy xác trôi đi
bên kia biển là quê hương tôi đó
rặng tre xưa muôn tuổi vẫn xanh rì
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
và nhớ đừng vội vuốt mắt cho tôi
cho tôi hướng vọng quê tôi lần cuối
biết đâu chừng xác tôi chẳng đến nơi
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
đừng ngập ngừng vì ái ngại cho tôi
những năm trước bao người ngon miệng cá
thì sá gì thêm một xác cong queo
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
cho tôi về gặp lại các con tôi
cho tôi về nhìn thấy lệ chúng rơi
từ những mắt đã buồn hơn bóng tối
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển
và trên đường hãy nhớ hát quốc ca
ôi lâu quá không còn ai hát nữa
(bài hát giờ cũng như một hồn ma)
Khi tôi chết nỗi buồn kia cũng hết
đời lưu vong tận tuyệt với linh hồn.
12-77
5. Ai nhớ ngàn năm một ngón tay
Tháng tư tôi đến rừng chưa thức
Mưa vẫn chờ tôi ở cuối khuya
Có môi chưa nói lời chia biệt
Và mắt chưa buồn như mộ bia
Tháng tư nao nức chiều quên tắt
Chim bảo cây cành hãy lắng nghe
Bước chân ai dưới tàng phong ốm
Mà tiếng giày rơi như suối reo
Tháng tư khao khát, đêm, vô tận
Tôi với người riêng một góc trời
Làm sao anh biết trăng không lạnh
Và cánh chim nào sẽ bỏ tôi
Tháng tư hư ảo người đâu biết
Cảnh tượng hồn tôi : một khán đài
Với bao chiêng, trống, bao cờ xí
Tôi đón anh về tự biển khơi
Tháng tư xe ngựa về ngang phố
Đôi mắt nào treo mỗi góc đường
Đêm ai tóc phủ mềm da lụa
Tôi với người chung một bến sông
Tháng tư nắng ngọt hoa công chúa
Riêng đoá hoàng lan trong mắt tôi
Làm sao anh biết khi xa bạn
Tôi cũng như chiều: tôi mồ côi
Tháng tư chăn gối nồng son, phấn
Đêm với ngày trong một tấm gương
Thịt, xương đã trộn, như sông, núi
Tôi với người, ai mang vết thương ?
Tháng tư rồi sẽ không ai nhớ
Rừng sẽ vì tôi nức nở hoài
Mắt ai rồi sẽ như bia mộ
Ngựa có về qua cũng thiếu đôi
Tháng tư người nhắc làm chi nữa
Cảnh tượng hồn tôi đã miếu thờ
Trống, chiêng, cờ, xí như cơn mộng
Mưa đã chờ tô. Mưa...đã ...mưa
Mai kia sống với vầng trăng ấy
người có còn thương một bóng cây
Góc phố còn treo đôi mắt bão
Ai nhớ ngàn năm một ngón tay ?
6. Đêm, nhớ trăng Sài Gòn
Đêm về theo vết xe lăn
Tôi trăng viễn xứ hồn thanh niên vàng
Tìm tôi đèn thắp hai hàng
Lạc nhau cuối phố sương quàng cỏ cây
Ngỡ hồn ta xứ mưa bay
Tôi chiêng trống gọi mỗi ngày mỗi xa
Đêm về theo bánh xe qua
Nhớ em xa lộ nhớ nhà Hàng Xanh
Nhớ em kim chỉ khứu tình
Trưa ngoan lớp học chiều lành khóm tre
Nhớ mưa buồn khắp Thị Nghè
Nắng Trương Minh Giản trưa hè Tự Do
Nhớ nghĩa trang quê hương bạn bè
Nhớ pho tượng lính buồn se bụi đường
Đêm về theo vết xe lăn
Tôi trăng viễn xứ sầu em bến nào?
1978
7. Ơn em
ơn em thơ dại từ trời,
theo ta xuống biển, vớt đời ta trôi.
ơn em dáng mộng mưa vời,
theo ta lên núi, về đồi yêu thương.
ơn em ngực ngải môi trầm,
cho ta cỏ mặn, trăm lần lá ngoan.
ơn em hơi thoáng chỗ nằm,
dấu quanh dấu quẩn nỗi buồn một nơi.
ơn em tình như mù loà,
như con sâu nhỏ bò qua giấc vùi.
ơn em hồn sớm ngậm ngùi,
kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau.
tạ ơn em… tạ ơn em…
8. Chân dung
tôi ngồi trong
nỗi tôi riêng
bên trong ghế
lạnh, ngoài hiên bóng rời
phòng tôi trần
thiết gương người
tường sơn kỷ
niệm, vách bồi dáng xưa
tóc người chảy
suốt cơn mưa
ngực thơm hoa
bưởi, môi đưa bão về
tôi ngồi giữa cõi-tôi-khuya
có ai gõ cửa? mà nghe lá chào
tưởng người ngọn
sóng lao xao
biển muôn năm
gọi tôi nào có vui
người về có
nén hương, thôi
cắm lên phần mộ
hồn tôi úa vàng
9. Chẳng lớn lao nào hơn nỗi cô đơn
cảm ơn kỷ niệm
nuôi em lớn.
như bóng nuôi
hình lúc thiếu nhau.
cảm ơn ngực ấm
nuôi thương bạn.
giọt lệ nuôi tình
sâu kiếp sau.
cảm ơn xa, vắng
nuôi em lớn.
như lá nuôi rừng
thuở thiếu niên.
cảm ơn chăn, gối
cho mưa, nắng.
quá khứ như
người có tuổi, tên.
cảm ơn định mệnh
nuôi em lớn.
hạt giống u tình
kia, tự tâm.
cảm ơn lênh
láng / đêm / da, thịt.
những ngón tay
thơm chọn lựa, mình.
cảm ơn thần
thánh nuôi em lớn.
như gió nuôi
trời lúc bão lên.
cảm ơn núi nhắc
sông xa, nhớ.
chẳng lớn lao
nào hơn cô đơn.
cảm ơn sách vở
nuôi em lớn.
con chữ nuôi
người trong giấc mơ.
hồn nuôi rưng
rưng từng khối đá.
tôi trầm mình
trong em, đời sau.
cảm ơn hiện tại không sau, trước.
-----------------------------------
Hoài Nguyễn – 12/06/2021
* Nguồn tham khảo: Trang nhà Du Tử Lê, Thi Viện, Wikipedia
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét