Thứ Ba, 3 tháng 9, 2013

Thánh Grêgôriô Cả giáo hoàng, tiến sĩ Hội Thánh

Ngày 3-9:Thánh Grêgôriô Cả giáo hoàng, tiến sĩ Hội Thánh

 Nghiên cứu đời sống các giáo hoàng thời cổ sơ, người ta không thể không chú ý tới một ngôi sao sáng nơi kinh thành bất diệt: Đức Thánh Cha Grêgôriô  Cả (Grégoire I). Ngài là cha chung của nhân loại, nhưng cũng là ân nhân đặc biệt của Anh quốc. Nhờ Ngài mà phần lớn công dân Anh trở lại đạo công giáo. Ngài có công chú giải Kinh thánh; phục hưng nhạc bình ca và tận tâm trong nhiệm vụ chăn dắt đoàn chiên Chúa. Thánh Grêgôriô  Cả đã khuất bóng nhưng sức sống mãnh liệt và đời sống gương mẫu của Ngài vẫn triền miên kéo dài qua các thế hệ.
Ngài xuất thân trong một gia đình quý tộc ở Lamã. Thân phụ Ngài là Gô-diên (Gordien) một nghị viện kỳ cựu và giàu có. Thân mẫu Ngài là bà Sin-vi (Sylvie) một người mẹ đạo đức, ham mê đọc sách Thánh. Thời niên thiếu, Grêgôriô  là một trẻ xuất sắc linh hoạt, đạo đức và thông minh. Trong khi đeo đuổi bút nghiên, Grêgôriô  luôn luôn chiếm giải quán quân về học hành cũng như về đức hạnh. Các giáo sư dạy Ngài đều ca tụng trí khôn thông minh và khiếu thẩm mỹ đặc biệt của Grêgôriô .
Đến tuổi trưởng thành, Grêgôriô  giúp cha lo các công việc bảo vệ nền cộng hoà và giữ chức thẩm phán trong thành phố La-mã, một vinh dự mà ít người đạt được: nhưng Grêgôriô  vẫn chưa thỏa mãn. Tâm hồn Ngài vẫn luôn xao xuyến và muốn làm một công việc gì cho Giáo hội. Ngài khởi công xây cất 6 tu viện ở Xi-xin (Sicilê), một ở La-mã và một nhà thờ nguy nga mang tên thánh An-rê, nhà thờ đó được xây cất ngay trong tư dinh của cha Ngài. Nhiệt thành phụng sự Chúa bằng cách nâng đỡ các tu viện chưa đủ, Ngài còn bán tài sản rồi phân phát cho người nghèo khổ. Một ngày kia Ngài quyết định cởi áo thẩm phán và ẩn mình trong tu viện. Từ đó Ngài bắt đầu sống trầm mặc và suy niệm. Với thời gian Ngài đã trở nên một thầy dòng gương mẫu. Khi cha bề trên từ trần, anh em trong dòng đồng thanh cử Ngài lên kế vị. Đầu tiên với sự khiêm nhường chân thật, Ngài hết sức từ chối. Nhưng vì anh em quá tín nhiệm nên Ngài phải cúi mình lãnh nhận trọng trách đó. Đối với Grêgôriô  làm bề trên là một việc bất đắc dĩ vì Ngài muốn vâng lời hơn điều khiển. Nhưng ý Chúa muốn Ngài làm ngọn đèn soi đàng dẫn lối cho anh em.
Một ngày kia đi qua chợ, Grêgôriô  rất ngạc nhiên khi thấy người ta mang bán trẻ con ở chợ. Trông thấy bầy trẻ thơ ngây Ngài động lòng thương khóc: nhất là khi biết những trẻ con đó đã bị bắt từ Anh quốc là nước chưa có đạo. Bầu nhiệt huyết tông đồ đã khiến Ngài đáp tàu đến bái kiến Đức Giáo Hoàng Biển đức I để xin Ngài phái người sang truyền giáo cho dân tộc Anh, và chính Ngài đã tình nguyện lên đường.
Khi Đức Giáo Hoàng Biển Đức I qua đời, Grêgôriô  được triệu về kinh thành ánh sáng. Đức Thánh Cha Pê-la-giô thấy Ngài, cho Ngài là một nhân vật xuất sắc và tài ba đức độ, liền truyền chức phụ tế cho Ngài rồi sau đó lại tấn phong cho Ngài làm hồng y và đặc cử làm khâm sứ tòa thánh cạnh hoàng đế Ti-bê. Với lòng mộ mến tu viện sẵn có, Đức Hồng y Grêgôriô  không muốn bỏ các thầy dòng, Ngài tìm cách di cư tu viện tới Ti-bê để tiện việc hướng dẫn.
Ngoài trách nhiệm nặng nề của vị đặc sứ tòa thánh và công việc hướng dẫn các tu sĩ trên đường tu đức, Đức hồng y Grêgôriô  còn soạn một bộ sách thời danh bàn về luân lý trong sách Giop. Ngoài ra Ngài lại phải đương đâu với một cuộc tranh luận gay go với Ê-ti-kio (Eutychius). Ông này chủ trương xác người ta sẽ sống lại, nhưng không sống với chính bản tính của thể xác; nghĩa là sau khi sống lại thì thể xác không có thịt và xương, Grêgôriô phải tìm nhiều lý chứng để bênh vực chân lý. Với óc suy luận sâu sắc và với giáo lý căn bản, Ngài đã thuyết phục được Ê-ti-kiô. Thánh nhân nói: Chúng ta sẽ sống lại với chính bản tính hiện có của thể xác. Và Thiên Chúa sẽ ban thêm cho ưu phẩm bất tử; vì khi sống lại Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: Hãy xem chân tay Thầy đây, các con hãy chạm tới thầy”.
Nhưng thánh ý Chúa nhiệm mầu đã muốn dùng Grêgôriô  để làm những việc trọng đại hơn. Chúa đã muốn Ngài nên ngọn đèn sáng, soi đường dẫn lối cho muôn người. Sau khi Đức Giáo Hoàng Pê-la-giô ly trần; toàn thể giáo sĩ và giáo dân đều bỏ thăm chọn Ngài làm cha chung. Hay tin Grêgôriô  liền cải trang và bí mật trốn ra khỏi thành La-mã, rồi băng rừng vượt suối sống lang thang nay đây mai đó trong những hang súc vật. Nhưng Thiên Chúa đã muốn tuyển Ngài làm Đấng chăn chiên tối cao, nên dù Ngài trốn lẩn ở đâu, người ta cũng tìm thấy Ngài.
Ngày 3 tháng 11 năm 590, trong khung cảnh trang nghiêm của thánh đường Thánh Phêrô Thiên Chúa đã chính thức phong Ngài làm Giáo Hoàng, tất cả hàng giáo phẩm và giáo dân hân hoan trong niềm vui toại nguyện. Từ đây Đức Giáo Hoàng Grêgôriô  hết tâm cầm lái con thuyền Giáo hội. Ngài đã làm sáng danh Chúa và mưu ích cho nhân loại trong việc cải tiến những cổ tục đồi bại; tu bổ lại các nền tu đức, phục hưng tinh thần phụng vụ, phát động những phong trào xã hội hầu cải tiến dân sinh. Dưới triều Ngài, La-mã không những không chỉ là một đền thánh, nhưng còn là một trung tâm phát triển mỹ nghệ và khoa học. Nhiều nhân vật quyền thế và nhiều hiệp sĩ nổi danh đã bỏ nghề đao kiếm để vào tu thân trong kinh thành ánh sáng. Hơn thế, Thiên Chúa còn ban cho Đức Giáo Hoàng Grêgôriô  đặc ân làm nhiều phép lạ.
Ngày kia một thiếu phụ đến dâng bánh cho Ngài làm lễ. Tới khi đọc xong câu: “Xin Mình Thánh Chúa giữ hồn con được sống đời đời”. Ngài trao Mình Thánh Chúa cho bà chịu, nhưng bà đó lại mỉm cười một cách ngạo mạn, Ngài không cho bà chịu lễ nữa rồi tiếp tục lên bàn thờ làm lễ. Lễ xong, Đức Thánh Cha xuống hỏi bà lý do tại sao bà cười trước khi rước lễ và phải trả lời to tiếng trước mặt mọi người vì bà đã làm gương xấu trước mặt công chúng. Sau một lúc suy nghĩ, thiếu phụ nói trước mặt Đức Thánh Cha và cộng đoàn rằng: “Tôi không tin bánh từ tay tôi làm lại có thể thành Mình thịt Chúa”. Nghe vậy, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô  lên quì gối trước mặt bàn thờ đọc kinh cầu nguyện với các tín hữu. Ngài tha thiết xin Chúa làm phép lạ mở mắt thiếu phụ bất tín này. Sau giây phút cầu nguyện, bỗng nhiên Mình Thánh trên bàn thờ biến hình sáng láng. Thấy vậy, thiếu phụ động lòng hối cải, các tín hữu cũng thêm đức tin và yêu mến Thánh Thể hơn.
Lần khác các sứ giả đến Lamã xin Đức thánh cha ban xương Thánh để mang về kính trong nhà thờ. Ngài cắt từng miếng nhỏ rồi mang đến gần hài cốt các thánh mà sứ giả muốn xin. Sau đó Ngài đăït các miếng vải ấy vào những hộp nhỏ rồi giao cho các sứ giả mang về, trên đường hồi hương, các sứ giả mở ra những hộp nhỏ xem thì không thấy xương thánh mà chỉ thấy những miếng vải nhỏ. Họ nghĩ rằng: đức thánh cha đã nhầm, liền quay lại đức thánh cha. Ngài mang cái hộp nhỏ đặt trên bàn thờ rồi sấp mình cầu nguyện trước mặt các sứ giả. Sau một lúc, đức thánh cha lấy dao cắt những miếng vải nhỏ thì bỗng thấy máu chảy đầm đìa. Trước phép lạ này, các sứ giả bỡ ngỡ liền xin đức thánh cha ban lại các hộp đó và mang về tôn kính trong nhà thờ.
Tuy quyền cao chức trọng, nhưng đức Grêgôriô  vẫn một niềm khiêm tốn, Ngài thường ngồi ăn với kẻ nghèo hèn và thường rửa chân cho họ. Một ngày kia, Ngài cầm bình nước đến rửa tay cho một người. Bỗng nhiên Ngài thấy họ biến đâu mất. Đến đêm, Chúa Giêsu hiện ra nói với Ngài rằng: “Người mà con đã tiếp hôm qua, đó là chính ta đấy”.
Lòng thương người của Thánh Grêgôriô  không đóng khung trong bốn bức tường của điện Vatican, nhưng còn lan tràn khắp nước Ý và tỏa rộng khắp năm châu. Ngày nay mỗi khi đọc những bức thư của Đức Grêgôriô  ai lại không nhận thấy lòng thương yêu vô lượng của vị cha chung đối với người túng thiếu và bệnh tật ? Chứng kiến đời sống khắc khổ và những cử chỉ bác ái của đức Grêgôriô, nhiều nhân vật trí thức và những người lạc giáo đã ăn năn trở lại, đời sống thánh thiện của Ngài đã thành ngọn đèn hướng dẫn muôn người, Nghiên cứu đời sống và hoàn cảnh xã hội, thời đức Grêgôriô  nhiều sử gia phải hạ bút kết luận bằng bốn chữ “Hoàng kim thời đại”.
Nhưng chúng ta đừng vội tưởng triều đại của Ngài không gặp những khó khăn. Trái lại Ngài phải thường đường đầu với một số địch thủ luôn luôn muốn triệt hạ Ngài. Một hiệp sĩ La mã vì ly dị với vợ để chung sống với một thiếu phụ khác, đã bị Đức Grêgôriô  thẳng thắn phạt vạ tuyệt thông. Uất hận, ông cho người đi mời các pháp sư danh tiếng đến để bày mưu hạ sát Đức Thánh cha. Họ dùng tà thuật gọi quỉ nhập vào con ngựa Đức thánh cha thường cỡi để nó vật ngã và dày xéo Ngài. Một ngày kia, Đức Thánh Cha cỡi ngựa ra ngoài thành. Bỗng nhiên thấy ngựa bất kham như muốn vật ngã mình xuống đất. Nhưng Thiên Chúa thông minh vô cùng đã cho Ngài biết âm mưu của bọn pháp sư, Ngài giơ tay làm dấu thánh giá, tức thì quỉ sợ lãi la hét ầm ỹ rồi trốn ra khỏi ngựa, chứng kiến phép lạ này, các pháp sư đều đồng tâm hối cải và xin thụ giáo. Sau một thời gian học tập, chính bàn tay khả kính và đầy lòng thương yêu ấy đã rửa tội cho các hối nhân. Với tấm lòng nhân từ của người cha, và lòng quảng đại vô biên, Ngài luôn mở rộng cửa lòng tiếp đón hết mọi hạng người.
Và đó chính là lý do cuộc va chạm giữa Đức Giáo Hoàng và hoàng đế Mô-ri (Maurice). Hoàng đế Mô-ri thấy đa số những quân nhân sau khi đã được lệnh giải ngũ đều xin nhập vào hàng giáo phẩm hay các cộng đồng tu sĩ. Vì thế, vịn vào lẽ: nếu nước có biến thì ai chống giữ biên cương, vua liền ra lệnh cấm quân nhân giải ngũ đi tu. Vì ích lợi cho các linh hồn Đức Grêgôriô  liền viết thư cho các hoàng đế: “Nhân danh Chúa Kitô, tôi nói cho các hoàng đế biết rằng: Tôi đã đặt các linh mục để giúp đỡ triều đại của Ngài. Nhưng tại sao Ngài muốn thu hồi những quan nhân muốn sống đời tận hiến, Ngài hãy kiểm thảo lương tâm, Ngài sẽ trả lời làm sao khi Chúa Giêsu đến luận án Ngài ?” Tuy mềm lòng, hoàng đế vẫn cương quyết giữ vững lập trường và làm cho người cha già ngày càng thêm âu lo. Cho tới một ngày kia, Mô-ri thấy một thầy dòng tay cầm gươm đứng trên thành nói với ông: “Môri, ngươi sẽ chết dưới lưỡi gươm này”. Thấy thế Môri hoảng sợ và giác ngộ. Vua đến xin Đức Grêgôriô  thứ lỗi, đồng thời mang nhiều tài sản cho các nhà dòng để xin các thầy cầu nguyện. Chúa tha thứ tội ác cho vua đã xúc phạm đến Đức Giáo Hoàng .
Đại diện Thiên Chúa, để dìu dắt nhân loại, nhưng Đức Grêgôriô  vẫn một niềm khiêm tốn. Ngài xưng mình là tôi đòi của những đầy tớ Chúa (Servus servorum dei). Lời nói đi đôi với việc làm. Một ngày kia, cha Gioan một linh mục người Batư đến bái kiến Ngài. Trước khi linh mục sấp mình xuống hôn nhẫn của Đức Thánh Cha, thì Đức Thánh Cha đã vội sấp mình xuống trước Gioan cho tới khi linh mục đó chỗi dậy. Rồi trong thời gian linh mục Gioan lưu trú tại điện Vatican, chính Đức Giáo Hoàng thường đến thăm và giúp đỡ cha mọi sự cần thiết.
Thời gian đã nhuộm trắng mái tóc của vị cha già và trách nhiệm cao cả đã đè nặng trên vai đức Grêgôriô  trong suốt 14 năm trường. Mỗi khi trông thấy Ngài, người ta có cảm tưởng Thiên Chúa muốn thanh luyện Ngài thánh một vị thánh sống, nhất là hai năm cuối triều, khi Ngài chịu bệnh nằm liệt trên giường.
 Sang đầu năm 604, bệnh tình đức thánh cha trở nên trầm trọng. Vào ngày 12 tháng 3 Ngài trút linh hồn trong tay Chúa giữa sự nhớ thương của đoàn con khắp bốn phương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét