Lễ Đức Mẹ Mân Côi 07-10
I. LỊCH SỬ PHỤNG VỤ
Sau cuộc chiến thắng quân Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ tại
vịnh Lépante ngày 7-10-1571, nhờ ơn lạ đặc biệt của Ðức Mẹ Rất Thánh Mân Côi,
Ðức Thánh Piô V dạy rước kiệu Mẹ trọng thể và thành lập lễ Mẹ Thắng Trận vào
ngày mồng 7 tháng 10 để ghi ơn Ðức Mẹ. Ðến đời Ðức Grêgôriô XIII, theo lời dòng
Ðaminh tâu xin, đổi lại ngày lễ. Ngài ra sắc lệnh ngày 1-4-1573 đổi là lễ Mẹ
Mân Côi được mừng vào Chúa nhật I tháng 10 tại các nhà thờ tôn kính Mẹ Mân Côi.
Năm 1671, lễ này cũng được Ðức Clementê X ban phép mừng khắp Giáo hội Tây ban
nha. Năm 1716, sau những chiến thắng quân Thổ Nhĩ Kỳ tại Temeswar và Corfu ở
ven biển Hylạp, các giáo hữu gọi Mẹ là Mẹ chiến thắng và Ðức Clêmentê XI truyền
cho khắp Giáo hội đặc biệt mừng lễ Mẹ Mân Côi hàng năm. Ngày 11-9-1887, Ðức Lêô
XIII nâng lễ Mẹ Mân côi lên bậc nhì với kinh lễ và kinh Phụng vụ theo phụng vụ
dòng Ðaminh. Ðức Thánh Piô X ấn định mừng lễ Mẹ Mân Côi vào ngày mồng 7 tháng
10.
II. Ý NGHĨA PHỤNG VỤ
Ý nghĩa lễ Mẹ Mân Côi được dựa trên lịch sử, vẻ tuyệt
diệu và thần lực của kinh Mân côi, nhất là do chính Ðức Mẹ đã phán dạy và tỏ
mình ra là Mẹ rất thánh Mân côi, và nhiều Ðức Giáo Hoàng khuyên dạy đọc kinh
Mân côi.
A. LỊCH SỬ KINH MÂN CÔI
Kinh mân côi nguyên tiếng Latinh là Rosarium, tiếng
Anh, tiếng Pháp là Rose là hoa hồng tượng trương kinh Kính mừng kết thành vòng
hoa thiêng dâng kính Ðức Mẹ như cổ thời Hylạp, và một số nước hiện nay, người
ta làm vòng hoa tươi treo vào cổ trao tặng nhau. Trước kia người ta đếm kinh
bằng hạt sỏi, dần dần người ta kết những hạt khác thành chuỗi Mân côi gọi là
Rosary.
Thế kỷ XII, 150 Thánh vịnh David dài quá đối với
nhiều người không thể đọc được, nên người ta đọc 150 kinh Lạy Cha thay thế. Dần
dần người ta đọc 150 kinh Kính Mừng thay 150 kinh Lạy Cha. Do đó Thánh Ðaminh
gọi là "Thánh vịnh Ðức Mẹ". Sau này Ðức Sixtô IV gọi tắt là
"Thánh vịnh".
Bắt đầu kinh Kính mừng chỉ gồm có lời chào của thiên
sứ Gabrie: "Kính mừng Maria đầy ơn phúc. Thiên Chúa ở cùng Bà" (Lc
1:28), rồi được thêm lời chào của bà Thánh Elizabeth: "Bà có phúc lạ hơn
mọi người nữ. Và Con lòng Bà gồm phúc lạ" (Lc 1:42). Cũng trong thế kỷ
XII, Ðức Mẹ hiện ra trao truyền tràng hạt Mân côi cho Thánh Ðaminh để cải hoá
bè rối Albigensê đang tung hoành ở phía nam nước Pháp. Sang thế kỷ XIII, đời
Ðức Urbanô IV, Thánh Danh "Giêsu" được thêm vào.
Thời đó người ta đọc 150 kinh Kính mừng cùng với 150
kinh Lạy Cha, nghĩa là mỗi kinh Kính mừng một kinh Lạy Cha. Ðến thế kỷ XIV,
thầy Henry Kalkar (1328-1408), dòng Carthusian do Thánh Brunô sáng lập, chia
150 kinh Kính mừng thành từng chục (10) mỗi chục một kinh Lạy Cha. Thế kỷ XV,
Cha Ðaminh Prussia
(1384-1460) cũng dòng Carthusian chia 150 Kinh Kính mừng thành 3 chỗi 50. Cũng
trong thế kỷ này, Chân phúc Alanô de la Roche hay là De Rupe thêm phần suy niệm
các mầu nhiệm trong khi lần chuỗi. Từ nay tràng kinh Mân côi gọi là "Vòng
hoa hồng". Chân phúc Alanô nhiệt thành phổ biến kinh Mân côi mà Ðức Mẹ đã
trao truyền cho Thánh Ðaminh. Chân phúc Alanô thành lập Hội Mân côi năm 1480 và
được Ðức Mẹ hứa ban 15 ơn cho những ai trung thành đọc kinh Mân côi. Năm 1521,
cha Albertô da Castello, O.P., sửa lại mỗi kinh Lạy Cha với một mầu nhiệm. Năm
1569, Ðức Thánh Piô V với bửu sắc "Consueverent Romani Pontifices"
thêm phần thứ hai kinh Kính mừng: "Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa Trời..."
với kinh Sáng danh, và ấn định kinh Mân côi như chúng ta đọc ngày nay.
B. TUYỆT DIỆU CỦA KINH MÂN CÔI
Vẻ tuyệt diệu Kinh mân côi gồm hai phần như linh hồn
và xác Kinh mân côi.
1. Suy ngắm những mầu nhiệm cuộc đời Chúa Cứu thế và
cuộc đời Ðức Mẹ. Trước kia người ta đọc Thánh vịnh Ðức Mẹ là 150 kinh Kính mừng
và suy ngắm 150 mầu nhiệm. Nhưng rồi 150 mầu nhiệm được rút lại 15 mầu nhiệm
cho 15 chục kinh. 15 mầu nhiệm như là bản tóm Phúc âm nhắc nhớ Ðức Mẹ đồng công
với Chúa Kitô trong việc Cứu chuộc loài người từ biến cố mầu nhiệm Nhập thể tới
mầu nhiệm Cứu chuộc. Do đó kinh Mân côi bắt nguồn từ bản tính Phúc âm và dẫn ta
tới Phúc âm. Phần suy niệm 15 mầu nhiệm chia làm 3 phần vui, thương, mừng là
linh hồn kinh Mân côi. Nếu đọc kinh Mân côi mà không suy niệm mầu nhiệm, kinh
Mân côi sẽ chỉ có xác mà không có hồn. Ðức Mẹ Fatima dạy rõ: "Ðọc kinh Mân
côi và suy ngắm mầu nhiệm".
2. Phần kinh đọc gồm:
a. Kinh Lạy Cha là kinh cầu nguyện chính Chúa Giêsu
đã dạy.
b. Kinh Kính mừng là lời thiên sứ Gabriê và lời Thánh
Elizabeth chào
chúc Ðức Mẹ (Lc 1:28, 41-42). Kinh Thánh Maria Ðức Mẹ Chúa Trời do Ðức Thánh
Piô V thêm vào năm 1569.
c. Kinh Sáng Danh cũng được ngài thêm vào.
Nói chung kinh Mân côi tuyệt diệu vì bắt nguồn từ
trời cao, chính Ðức Mẹ đã phán dạy và các đức Giáo Hoàng, kể từ Ðức Thánh Piô V
đã không ngừng khuyến khích và dòng Thánh Ðaminh đã nhiệt thành turyền bá sâu
rộng.
C. THẦN LỰC KINH MÂN CÔI
Ngoài những ơn lạ Ðức Mẹ ban nhờ thần lực của kinh
Mân côi về phần hồn cũng như phần xác, lịch sử Giáo hội đã ghi lại 3 cuộc chiến
thắng oanh liệt của Kinh Mân côi:
1. Ðầu thế kỷ XII bè rối Albigensê nổi lên miền nam
nước Pháp gieo lầm than và đau khổ cho dân nước Pháp. Mọi cố gắng của đạo và
đời ngăn chặn bè rối tác hại này đã vô hiệu. Thánh Ðaminh đứng ra khấn xin Ðức
Mẹ soi sáng cách nào để cứu vớt những tâm hồn sai lạc. Ðức Mẹ đã hiện ra với
ngài, Mẹ cầm một chuỗi Mân côi, dạy ngài cách đọc Kinh Mân côi và truyền cho
ngài rao giảng như một phương thuốc linh nghiệm ngăn ngừa tội lỗi và sự lầm
lạc. Quả nhiên, hơn 100 ngàn kẻ rối đạo đã từ bỏ sự lầm lạc, và rất nhiều người
được thêm phấn khởi sốt sắng đọc kinh Mân côi.
2. Thế kỷ XVI quân Hồi Thổ Nhĩ Kỳ hùng mạnh, đe doạ
xâm chiến toàn vùng miền đất Công giáo Âu châu. Trước mối nguy cơ đó, Ðức Thánh
Piô V truyền lệnh cho các giáo phận tổ chức một nghi thức cầu nguyện gọi là
"việc cầu nguyện 40 giờ" gồm các cuộc cung nghinh Ðức Mẹ và đọc kinh
Mân côi. Khi thuỷ quân của Hồi giáo xuống vịnh Lépante để tràn sang Âu châu, và
trong khi đô đốc Don Juan người nước Áo chỉ huy hải quân Công giáo ra nghinh
chiến, Ðức Thánh Piô V cùng với tòan thể giáo dân rước kiệu Mẹ và đọc Kinh Mân
côi cầu cho các chiến sĩ Công giáo chiến thắng. Bỗng nhiên, tại vịnh Lépante
gió đổi chiều làm lợi điểm cho các chiến hạm Công giáo ào ạt tấn công đánh chìm
các chiến hạm Hồi giáo, làm cho bọn họ hoàn toàn bại trận ngày Chúa nhật
7-10-1571. Nói về cuộc chiến thắng vịnh Lépante nhờ Ðức Mẹ Mân Côi, Ðức Piô XI
viết: "Khi quân lực Hồi giáo kiêu hùng với những chiến thuyền hùng mạnh đe
doạ khắp các nước Công giáo Âu châu, Ðức Giáo hoàng (Thánh Piô V) kêu gọi tất
cả giáo dân sốt sắng khấn xin Mẹ lành trợ lực, địch quân bị bại trận, các chiến
thuyền của họ bị đánh chìm".
3. Sau cuộc chiến thắng vịnh Lépante, đạo binh Công
giáo còn chiến thắng Hồi quân Thổ Nhĩ Kỳ tại Temeswar và Corfu ở ven biển Hy
lạp đời Ðức Clêmentê XI.
D. CHÍNH ÐỨC MẸ ÐÃ PHÁN DẠY
* Mẹ Maria phán dạy Chân phước Alanô: "Bất cứ ai
trung thành đọc kinh Mân côi và suy ngắm những mầu nhiệm sẽ được ân thưởng. Mẹ
sẽ xin cho họ được tha mọi hình phạt và mọi tội lỗi trong giờ họ chết. Ðiều đó
rất dễ đối với Mẹ, vì Mẹ là Mẹ Vua Trời và Người gọi Mẹ là Ðấng đầy ơn. Và vì
đầy ơn, Mẹ có thể ban phát ơn phúc cho các con cái dấu yêu của Mẹ".
* Tại Lộ Ðức, Ðức Mẹ hiện ra với Bernađetta, đeo
tràng hạt vàng ở cánh tay phải, và đọc kinh Mân côi với Bernađetta.
* Tại Fatima, Ðức mẹ hiện ra với 3 trẻ em Lucia,
Phanxicô và Giaxinta 6 lần từ 13 tháng 5 tới 13 tháng 10 năm 1917. Cả 6 lần Ðức
Mẹ đều thúc giục: "Các con hãy tiếp tục đọc kinh Mân côi hằng ngày".
Ngày 13 tháng 10, Ðức Mẹ xưng mình: "Ta là Ðức Mẹ Mân Côi".
E. CÁC ĐỨC GIÁO HOÀNG KHUYÊN DẠY
Từ khi Ðức Mẹ trao truyền Thánh Ðaminh và chân phước
Alanô rao giảng Kinh Mân côi, rất nhiều Ðức Giáo Hoàng khuyên dạy và khích lệ.
Nhất là các Ðức Giáo Hoàng: Ðức Lêô X, Ðức Thánh Piô V, Ðức Gregoriô XIII, Ðức
Sixtô V, Ðức Clementê VIII, Ðức Alexandrô VII, Ðức Clementê IX, Ðức Clementê X,
Ðức Innocentê XI, Ðức Benedictô XIII, Ðức Benedictô XIV, Ðức Clementê XIX, Ðức
Piô VII, Ðức Piô IX, Ðức Lêô XIII, Ðức Benedictô XV, và Ðức Piô XI. Ðáng kể
nhất là Ðức Lêô XIII đã được gọi là Ðức Giáo hoàng của kinh Mân côi vì riêng
ngài đã ban hành 9 thông điệp và 3 tông thư về kinh Mân côi. Sau các ngài, đáng
kể có Ðức Piô XII, Ðức Phaolô VI và Ðức Gioan Phaolô II.
III. Ý NGHĨA LỜI CHÚA TRONG
THÁNH LỄ
Bài đọc I: Tông đồ Công vụ 1:12-14
Ðoạn văn thuật lại Giáo hội tiên khởi cầu nguyện tại
Giêrusalem. Có ba nhóm được chứng kiến cuộc đời của Chúa Giêsu:
Nhóm 1: Các Tông đồ đã cùng sống với Chúa Giêsu từ
lúc Gioan làm phép rửa, cho đến ngày Chúa Giêsu lên trời;
Nhóm 2: Các bà đi viếng mồ mà thấy mồ trống không
thấy xác Chúa (xem Lc 24:22-24);
Nhóm 3: Mẹ Maria và các anh em Chúa đã chứng kiến
thời thơ ấu của Chúa Giêsu.
Tất cả họ đồng tâm nhất trí chuyên cần cầu nguyện.
Kinh Mân côi ngày nay là một kinh cầu nguyện noi gương Mẹ Maria, và như là một
phương thế kết hợp với Mẹ để đi sâu vào mầu nhiệm của Chúa Giêsu, Con Mẹ.
Phúc âm: Luca 1:26-38
Thánh truyện Truyền tin là mầu nhiệm thứ nhất của
kinh Mân côi, được chọn vào lễ Ðức Mẹ Mân côi vì liên quan tới lời Ðức Mẹ thưa
thiên sứ: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời ngài truyền".
Mẹ được thiên sứ cho biết Mẹ được đẹp lòng Thiên Chúa và đối với Chúa thì không
có gì là không có thể. Mẹ đã thưa "Xin vâng" thánh lệnh của Thiên
Chúa và đã trở nên Mẹ Chúa Cứu Thế.
Công đồng Vatican II nói về đời sống của Mẹ:
"Ðức Trinh Nữ tiến lên trong cuộc lữ hành đức tin" (LG, 58). Cuộc lữ
hành là cuộc lên đường về nơi thánh: Mẹ Maria đã lên đường đi lên đồi Canvê nơi
Chúa tự hiến tế. Rồi Mẹ cùng với cộng đoàn tiên khởi lên lầu trên đợi Chúa
Thánh Thần xuống. Biến cố Truyền tin và đời sống Mẹ cho chúng ta một gương mẫu
đức tin trong ba hoàn cảnh: Mẹ tin vào Thiên Chúa, Mẹ phó thác nơi Người, và Mẹ
sống theo kế hoạch của Người. Ðức tin không những là ý nghĩa đầy đủ của lời nói
xuông, nhưng là một lời "Yes" và Amen dõng dạc đáp lại những lời phán
bảo, những lời phán hứa và những lệnh truyền của Thiên Chúa.
IV. 15 ƠN ÐỨC MẸ HỨA BAN
CHO NHỮNG AI ÐỌC KINH MÂN CÔI
Ðức Mẹ hiện ra với chân phước Alanô long trọng hứa
ban 15 đặc ân sau đây:
1. Những ai trung thành phụng sự Mẹ bằng cách đọc
kinh Mân côi sẽ nhận được những ơn cao cả.
2. Mẹ hứa sẽ phù trợ đặc biệt và ban nhiều đặc ân cho
những ai đọc kinh Mân côi.
3. Kinh mân côi sẽ là áo mã giáp để chống lại hoả
ngục. Kinh Mân côi tiêu diệt thói xấu, giảm thiểu tội lỗi, và phá tan các ngụy
thuyết.
4. Kinh Mân côi giúp nhân đức và các việc lành triển
nở. Kinh Mân côi kéo nhiều tình thương của Chúa xuống trên các linh hồn; giúp
người ta khinh chê thế tục cùng những giả trá của nó, và nâng tâm hồn họ khao
khát những của trên trời. Thực, kinh Mân côi chính là phương tiện giúp thánh
hoá các linh hồn.
5. Linh hồn đến với Mẹ bằng kinh Mân côi sẽ không hư
mất.
6. Những ai đọc kinh Mân côi sốt sắng và áp dụng
những mầu nhiệm của kinh Mân côi vào đời sống mình sẽ không sợ bị rủi ro. Chúa
sẽ nhân từ với họ và họ sẽ không phải chết bất tử. Nếu đã sống công chính, họ
sẽ được bền vững mãi trong ơn Chúa và xứng đáng hưởng Quê Trời.
7. Những ai thực tôn sùng mầu nhiệm Mân côi sẽ được
ơn chịu các phép Bí tích trước giờ chết.
8. Những ai trung thành lần hạt Mân côi, khi sống và
nhất là trong giờ chết, sẽ được ánh sáng Chúa soi dẫn cùng với đầy dẫy ân huệ
của Ngài. Khi lâm tử, họ sẽ được chia sẻ huân nghiệp của các thánh trên thiên
đàng.
9. Mẹ sẽ cứu khỏi luyện tội những ai tôn sùng phép
lần hạt Mân côi.
10. Những con cái trung thành của phép lần hạt Mân
côi sẽ được thừa hưởng vinh quang lớn lao trên trời.
11. Nhờ lần hạt Mân côi, các con sẽ được hết những gì
mình xin.
12. Những ai truyền bá phép lần hạt Mân côi sẽ được
Mẹ giúp đỡ trong lúc gian truân, khốn khổ.
13. Mẹ đã xin Con chí thánh Mẹ ơn này cho những ai
truyền bá phép lần hạt Mân côi, là họ sẽ được cả Triều đình Thiên quốc cầu bầu
cho khi sống và trong giờ lâm tử.
14. Những ai đọc kinh Mân côi đều là con cái Mẹ và là
anh em với Con Một Mẹ là Chúa Giêsu Kitô.
15. Tôn sùng phép lần hạt Mân côi là dấu chắc chắn
được ơn tiền định cứu rỗi.
V. LỜI CÁC THÁNH
- Thánh Gioan Kim Khẩu: Thiên Chúa cai trị thế gian,
nhưng kinh nguyện điều khiển Thiên Chúa.
- Thánh Augustinô: Bất cứ lúc nào chúng ta sốt sắng
đọc kinh Lạy Cha, tội mọn của chúng ta sẽ được thứ tha.
- Thánh Bênađô: Kinh Kính mừng làm cho quỉ dữ trốn
chạy, hoả ngục run sợ.
- Thánh Ðaminh: Sau thánh lễ và kinh Phụng vụ, không
có sự tôn kính nào đẹp lòng Chúa Giêsu và Mẹ Thánh Người bằng sốt sắng đọc kinh
Mân côi.
- Thánh Bônaventura: Ai lơ là với Mẹ sẽ chết trong
tội lỗi. Mẹ Maria chào chúc chúng ta với ơn lành, nếu chúng ta kính chào Mẹ
bằng kinh Kính mừng.
- Ðức Mẹ phán với thánh Mechtildê: Mẹ muốn con biết
rằng không ai có thể làm đẹp lòng Mẹ bằng đọc lời thiên sứ chào Mẹ mà Chúa Ba
Ngôi chí thánh gửi xuống cho Mẹ và nâng Mẹ lên chức phẩm Mẹ Thiên Chúa.
- Thánh Giêtrudê xem thấy Chúa Giêsu đếm tiền vàng.
Chúa nói: Cha đếm kinh Kính mừng mà con đọc. Ðó là tiền mà con có thể mua đường
lên thiên đàng.
- Thánh Tôma Kempi: Bạn hãy ân cần kính chào Mẹ bằng
lời thiên sứ đã chào Mẹ, Mẹ rất hoan hỉ khi nghe lời chào ấy.
- Chân phúc Alanô: Kinh Kính mừng là một cầu vòng
trên trời, là một dấu chỉ lòng thương xót và ân sủng Thiên Chúa ban cho
thế giới. Mẹ muốn dân chúng có lòng sùng kính kinh Mân côi được ơn thánh và
phúc lành của Con Mẹ torng cuộc sống và trong giờ họ chết. Mẹ muốn họ thoát
khỏi mọi ràng buộc, để họ nên giống các vua đội triều thiên, cầm phủ việt và
hưởng phúc vinh quang vĩnh cửu.
- Thánh Bôrômêô: Kinh Mân côi là kinh linh thánh nhất
sau thánh lễ hy tế. Các bạn hãy đọc kinh Mân côi siêng năng bao nhiêu có thể.
- Thánh Montfort: Những người rối đạo, những người vô
tín ngưỡng, những người kiêu căng chê ghét hay khinh thị kinh Kính mừng và kinh
Mân côi, là những người có dấu bị trầm luân hoả ngục. Không có gì có hiệu lực
được lên nước Thiên Chúa bằng đọc kinh Mân côi và suy ngắm 15 mầu nhiệm.
- Thánh Phanxicô Salêsiô: Ðọc kinh Mân côi là việc
thích thú nhất và là niềm vui thứ nhất của lòng tôi.
- Thánh Anphong: Nhờ kinh Mân côi, biết bao tội nhân
bỏ đường tội lỗi, bao linh hồn đã tiến cao trong nẻo trọn lành. Biết bao người
nhờ kinh Mân côi đã được ơn chết lành và hưởng phúc trường sinh.
- Thánh Vianney: Tôi biết điều có mãnh lực hơn Thiên
Chúa là người cầu nguyện làm cho Thiên Chúa nói "được", khi Người đã
nói "không được".
VI. GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI
- Ðức Clêmentê XIII: Ta khoan dung ban một ơn đại xá,
một năm một lần cho mỗi người và cho mọi người thật lòng thống hối xưng tội,
rước lễ, sốt sắng đọc kinh Mân côi trong giờ đã định cho họ, và cầu nguyện để
tiêu diệt các bè rối và thăng tiến Giáo hội.
- Ðức Grêgôriô XVI: Một niềm vui biết bao nhớ lại
kinh Mân côi lợi ích cho Giáo hội Công giáo, cũng như cho giáo dân hợp nhau cầu
nguyện cầu xin ơn che chở của Rất thánh Trinh nữ.
- Ðức Piô IX: Mỗi phần tử hội kinh Mân côi liên tiếp
ngày đêm lần lượt đọc kinh Mân côi như một sự tôn kính không ngừng dâng lên Mẹ
Thiên Chúa.
- Ðức Lêô XIII: Các ơn lành Mẹ ban đã được chứng minh
rằng nhiều người đã nhận được hiệu lực kinh Mân côi mà Mẹ đã ban dạy và thánh
Ðaminh đã vất vả truyền bá.
- Ðức thánh Piô X: Không gì hoàn hảo bằng nhiều tiếng
từ khắp nơi trên thế giới cùng dâng lên van xin Rất thánh đồng trinh maria như
họ suy ngắm những mầu nhiệm Chúa Kitô, để những ơn lành của lòng từ ái Mẹ không
ngừng ban xuống trên Giáo hội.
- Ðức Bênêđictô XV: Kinh Mân côi cần thiết hơn bao
giờ hết, vì không những dâng lên Mẹ để nhờ Mẹ làm đẹp lòng Thiên Chúa ban mọi
ơn cho chúng ta, và vì hơn mọi kinh khác, kinh Mân côi mang một dấu hiệu kinh
chung gia đình.
- Ðức Piô XI: Kinh Mân côi thực là một triều thiên
hoa hồng rự rỡ nhất mà tuổi thanh xuân có thể đội: Ðó là những đoá hồng trinh
khiết và đoá hồng tình mến, đoá hồng tình yêu huynh đệ, đoá hồng chí tông đồ
tươi nở trong khung cảnh lộng lẫy của một gia đình thiêng liêng như đoàn Thanh
niên Công giáo Tiến hành.
- Ðức Piô XII: Gia đình tụ họp buổi chiều đọc kinh
Mân côi tôn kính Nữ Vương Thiên đàng. Ðời sống gia đình Kitô hữu và lòng sùng
đạo thấm nhuần trong các con cái mầm ơn gọi linh mục và tu sĩ. Tinh thần hy
sinh Kitô hữu dạy họ chịu đựng nghịch cảnh và sầu đau. Nếu noi gương Mẹ Maria,
gia đình sẽ là một nguồn suối các nhân đức, và bình an luôn ngự trị trong đó.
- Ðức Gioan XXIII: Chớ gì kinh Mân côi gia đình là
một hương thơm sự an bình cho gia đình các con. Ước chi con cái của các con
chạy đến với Mẹ maria để gìn giữ sự trong trắng thơ ngây. Ước chi các bạn thanh
thiếu niên học được nơi Ðức Mẹ sự phấn khởi làm việc thiện và bảo đảm sự thanh
khiết của họ. Ước chi người đau khổ hy vọng được niềm an ủi nơi Ðức Nữ Trinh.
- Ðức Phaolô VI: Kinh Mân côi đạo đức và phổ cập hiện
ra như một chuỗi cứu độ treo trên cánh tay Chúa Cứu Thế và Mẹ Thánh Người, và
do đó phát ra mọi ơn lành cho chúng ta và mọi niềm hy vọng đến với chúng ta.
- Ðức Gioan Phaolô II: Trong những chục kinh Mân côi,
tấm lòng chúng ta có thể hái lượm được những sự kiện làm thành đời sống cá
nhân, gia đình, dân tộc, giáo hội và thế giới. Ðó là những vấn đề cá nhân hay
người thân cận, người thân quyến chúng ta. Như vậy, kinh Mân côi hoà nhịp đời
sống con người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét