Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Lễ Đức Mẹ Mân Côi 07-10



Lễ Đức Mẹ Mân Côi 07-10

I. LỊCH SỬ PHỤNG VỤ
Sau cuộc chiến thắng quân Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ tại vịnh Lépante ngày 7-10-1571, nhờ ơn lạ đặc biệt của Ðức Mẹ Rất Thánh Mân Côi, Ðức Thánh Piô V dạy rước kiệu Mẹ trọng thể và thành lập lễ Mẹ Thắng Trận vào ngày mồng 7 tháng 10 để ghi ơn Ðức Mẹ. Ðến đời Ðức Grêgôriô XIII, theo lời dòng Ðaminh tâu xin, đổi lại ngày lễ. Ngài ra sắc lệnh ngày 1-4-1573 đổi là lễ Mẹ Mân Côi được mừng vào Chúa nhật I tháng 10 tại các nhà thờ tôn kính Mẹ Mân Côi. Năm 1671, lễ này cũng được Ðức Clementê X ban phép mừng khắp Giáo hội Tây ban nha. Năm 1716, sau những chiến thắng quân Thổ Nhĩ Kỳ tại Temeswar và Corfu ở ven biển Hylạp, các giáo hữu gọi Mẹ là Mẹ chiến thắng và Ðức Clêmentê XI truyền cho khắp Giáo hội đặc biệt mừng lễ Mẹ Mân Côi hàng năm. Ngày 11-9-1887, Ðức Lêô XIII nâng lễ Mẹ Mân côi lên bậc nhì với kinh lễ và kinh Phụng vụ theo phụng vụ dòng Ðaminh. Ðức Thánh Piô X ấn định mừng lễ Mẹ Mân Côi vào ngày mồng 7 tháng 10.

II. Ý NGHĨA PHỤNG VỤ
Ý nghĩa lễ Mẹ Mân Côi được dựa trên lịch sử, vẻ tuyệt diệu và thần lực của kinh Mân côi, nhất là do chính Ðức Mẹ đã phán dạy và tỏ mình ra là Mẹ rất thánh Mân côi, và nhiều Ðức Giáo Hoàng khuyên dạy đọc kinh Mân côi.

A. LỊCH SỬ KINH MÂN CÔI
Kinh mân côi nguyên tiếng Latinh là Rosarium, tiếng Anh, tiếng Pháp là Rose là hoa hồng tượng trương kinh Kính mừng kết thành vòng hoa thiêng dâng kính Ðức Mẹ như cổ thời Hylạp, và một số nước hiện nay, người ta làm vòng hoa tươi treo vào cổ trao tặng nhau. Trước kia người ta đếm kinh bằng hạt sỏi, dần dần người ta kết những hạt khác thành chuỗi Mân côi gọi là Rosary.
Thế kỷ XII, 150 Thánh vịnh David dài quá đối với nhiều người không thể đọc được, nên người ta đọc 150 kinh Lạy Cha thay thế. Dần dần người ta đọc 150 kinh Kính Mừng thay 150 kinh Lạy Cha. Do đó Thánh Ðaminh gọi là "Thánh vịnh Ðức Mẹ". Sau này Ðức Sixtô IV gọi tắt là "Thánh vịnh".
Bắt đầu kinh Kính mừng chỉ gồm có lời chào của thiên sứ Gabrie: "Kính mừng Maria đầy ơn phúc. Thiên Chúa ở cùng Bà" (Lc 1:28), rồi được thêm lời chào của bà Thánh Elizabeth: "Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ. Và Con lòng Bà gồm phúc lạ" (Lc 1:42). Cũng trong thế kỷ XII, Ðức Mẹ hiện ra trao truyền tràng hạt Mân côi cho Thánh Ðaminh để cải hoá bè rối Albigensê đang tung hoành ở phía nam nước Pháp. Sang thế kỷ XIII, đời Ðức Urbanô IV, Thánh Danh "Giêsu" được thêm vào.
Thời đó người ta đọc 150 kinh Kính mừng cùng với 150 kinh Lạy Cha, nghĩa là mỗi kinh Kính mừng một kinh Lạy Cha. Ðến thế kỷ XIV, thầy Henry Kalkar (1328-1408), dòng Carthusian do Thánh Brunô sáng lập, chia 150 kinh Kính mừng thành từng chục (10) mỗi chục một kinh Lạy Cha. Thế kỷ XV, Cha Ðaminh Prussia (1384-1460) cũng dòng Carthusian chia 150 Kinh Kính mừng thành 3 chỗi 50. Cũng trong thế kỷ này, Chân phúc Alanô de la Roche hay là De Rupe thêm phần suy niệm các mầu nhiệm trong khi lần chuỗi. Từ nay tràng kinh Mân côi gọi là "Vòng hoa hồng". Chân phúc Alanô nhiệt thành phổ biến kinh Mân côi mà Ðức Mẹ đã trao truyền cho Thánh Ðaminh. Chân phúc Alanô thành lập Hội Mân côi năm 1480 và được Ðức Mẹ hứa ban 15 ơn cho những ai trung thành đọc kinh Mân côi. Năm 1521, cha Albertô da Castello, O.P., sửa lại mỗi kinh Lạy Cha với một mầu nhiệm. Năm 1569, Ðức Thánh Piô V với bửu sắc "Consueverent Romani Pontifices" thêm phần thứ hai kinh Kính mừng: "Thánh Maria, Ðức Mẹ Chúa Trời..." với kinh Sáng danh, và ấn định kinh Mân côi như chúng ta đọc ngày nay.

B. TUYỆT DIỆU CỦA KINH MÂN CÔI
Vẻ tuyệt diệu Kinh mân côi gồm hai phần như linh hồn và xác Kinh mân côi.
1. Suy ngắm những mầu nhiệm cuộc đời Chúa Cứu thế và cuộc đời Ðức Mẹ. Trước kia người ta đọc Thánh vịnh Ðức Mẹ là 150 kinh Kính mừng và suy ngắm 150 mầu nhiệm. Nhưng rồi 150 mầu nhiệm được rút lại 15 mầu nhiệm cho 15 chục kinh. 15 mầu nhiệm như là bản tóm Phúc âm nhắc nhớ Ðức Mẹ đồng công với Chúa Kitô trong việc Cứu chuộc loài người từ biến cố mầu nhiệm Nhập thể tới mầu nhiệm Cứu chuộc. Do đó kinh Mân côi bắt nguồn từ bản tính Phúc âm và dẫn ta tới Phúc âm. Phần suy niệm 15 mầu nhiệm chia làm 3 phần vui, thương, mừng là linh hồn kinh Mân côi. Nếu đọc kinh Mân côi mà không suy niệm mầu nhiệm, kinh Mân côi sẽ chỉ có xác mà không có hồn. Ðức Mẹ Fatima dạy rõ: "Ðọc kinh Mân côi và suy ngắm mầu nhiệm".
2. Phần kinh đọc gồm:
a. Kinh Lạy Cha là kinh cầu nguyện chính Chúa Giêsu đã dạy.
b. Kinh Kính mừng là lời thiên sứ Gabriê và lời Thánh Elizabeth chào chúc Ðức Mẹ (Lc 1:28, 41-42). Kinh Thánh Maria Ðức Mẹ Chúa Trời do Ðức Thánh Piô V thêm vào năm 1569.
c. Kinh Sáng Danh cũng được ngài thêm vào.
Nói chung kinh Mân côi tuyệt diệu vì bắt nguồn từ trời cao, chính Ðức Mẹ đã phán dạy và các đức Giáo Hoàng, kể từ Ðức Thánh Piô V đã không ngừng khuyến khích và dòng Thánh Ðaminh đã nhiệt thành turyền bá sâu rộng.

C. THẦN LỰC KINH MÂN CÔI
Ngoài những ơn lạ Ðức Mẹ ban nhờ thần lực của kinh Mân côi về phần hồn cũng như phần xác, lịch sử Giáo hội đã ghi lại 3 cuộc chiến thắng oanh liệt của Kinh Mân côi:
1. Ðầu thế kỷ XII bè rối Albigensê nổi lên miền nam nước Pháp gieo lầm than và đau khổ cho dân nước Pháp. Mọi cố gắng của đạo và đời ngăn chặn bè rối tác hại này đã vô hiệu. Thánh Ðaminh đứng ra khấn xin Ðức Mẹ soi sáng cách nào để cứu vớt những tâm hồn sai lạc. Ðức Mẹ đã hiện ra với ngài, Mẹ cầm một chuỗi Mân côi, dạy ngài cách đọc Kinh Mân côi và truyền cho ngài rao giảng như một phương thuốc linh nghiệm ngăn ngừa tội lỗi và sự lầm lạc. Quả nhiên, hơn 100 ngàn kẻ rối đạo đã từ bỏ sự lầm lạc, và rất nhiều người được thêm phấn khởi sốt sắng đọc kinh Mân côi.
2. Thế kỷ XVI quân Hồi Thổ Nhĩ Kỳ hùng mạnh, đe doạ xâm chiến toàn vùng miền đất Công giáo Âu châu. Trước mối nguy cơ đó, Ðức Thánh Piô V truyền lệnh cho các giáo phận tổ chức một nghi thức cầu nguyện gọi là "việc cầu nguyện 40 giờ" gồm các cuộc cung nghinh Ðức Mẹ và đọc kinh Mân côi. Khi thuỷ quân của Hồi giáo xuống vịnh Lépante để tràn sang Âu châu, và trong khi đô đốc Don Juan người nước Áo chỉ huy hải quân Công giáo ra nghinh chiến, Ðức Thánh Piô V cùng với tòan thể giáo dân rước kiệu Mẹ và đọc Kinh Mân côi cầu cho các chiến sĩ Công giáo chiến thắng. Bỗng nhiên, tại vịnh Lépante gió đổi chiều làm lợi điểm cho các chiến hạm Công giáo ào ạt tấn công đánh chìm các chiến hạm Hồi giáo, làm cho bọn họ hoàn toàn bại trận ngày Chúa nhật 7-10-1571. Nói về cuộc chiến thắng vịnh Lépante nhờ Ðức Mẹ Mân Côi, Ðức Piô XI viết: "Khi quân lực Hồi giáo kiêu hùng với những chiến thuyền hùng mạnh đe doạ khắp các nước Công giáo Âu châu, Ðức Giáo hoàng (Thánh Piô V) kêu gọi tất cả giáo dân sốt sắng khấn xin Mẹ lành trợ lực, địch quân bị bại trận, các chiến thuyền của họ bị đánh chìm".
3. Sau cuộc chiến thắng vịnh Lépante, đạo binh Công giáo còn chiến thắng Hồi quân Thổ Nhĩ Kỳ tại Temeswar và Corfu ở ven biển Hy lạp đời Ðức Clêmentê XI. 

D. CHÍNH ÐỨC MẸ ÐÃ PHÁN DẠY
* Mẹ Maria phán dạy Chân phước Alanô: "Bất cứ ai trung thành đọc kinh Mân côi và suy ngắm những mầu nhiệm sẽ được ân thưởng. Mẹ sẽ xin cho họ được tha mọi hình phạt và mọi tội lỗi trong giờ họ chết. Ðiều đó rất dễ đối với Mẹ, vì Mẹ là Mẹ Vua Trời và Người gọi Mẹ là Ðấng đầy ơn. Và vì đầy ơn, Mẹ có thể ban phát ơn phúc cho các con cái dấu yêu của Mẹ".
* Tại Lộ Ðức, Ðức Mẹ hiện ra với Bernađetta, đeo tràng hạt vàng ở cánh tay phải, và đọc kinh Mân côi với Bernađetta.
* Tại Fatima, Ðức mẹ hiện ra với 3 trẻ em Lucia, Phanxicô và Giaxinta 6 lần từ 13 tháng 5 tới 13 tháng 10 năm 1917. Cả 6 lần Ðức Mẹ đều thúc giục: "Các con hãy tiếp tục đọc kinh Mân côi hằng ngày". Ngày 13 tháng 10, Ðức Mẹ xưng mình: "Ta là Ðức Mẹ Mân Côi".

E. CÁC ĐỨC GIÁO HOÀNG KHUYÊN DẠY
Từ khi Ðức Mẹ trao truyền Thánh Ðaminh và chân phước Alanô rao giảng Kinh Mân côi, rất nhiều Ðức Giáo Hoàng khuyên dạy và khích lệ. Nhất là các Ðức Giáo Hoàng: Ðức Lêô X, Ðức Thánh Piô V, Ðức Gregoriô XIII, Ðức Sixtô V, Ðức Clementê VIII, Ðức Alexandrô VII, Ðức Clementê IX, Ðức Clementê X, Ðức Innocentê XI, Ðức Benedictô XIII, Ðức Benedictô XIV, Ðức Clementê XIX, Ðức Piô VII, Ðức Piô IX, Ðức Lêô XIII, Ðức Benedictô XV, và Ðức Piô XI. Ðáng kể nhất là Ðức Lêô XIII đã được gọi là Ðức Giáo hoàng của kinh Mân côi vì riêng ngài đã ban hành 9 thông điệp và 3 tông thư về kinh Mân côi. Sau các ngài, đáng kể có Ðức Piô XII, Ðức Phaolô VI và Ðức Gioan Phaolô II.

III.  Ý NGHĨA LỜI CHÚA TRONG THÁNH LỄ
Bài đọc I: Tông đồ Công vụ 1:12-14
Ðoạn văn thuật lại Giáo hội tiên khởi cầu nguyện tại Giêrusalem. Có ba nhóm được chứng kiến cuộc đời của Chúa Giêsu:
Nhóm 1: Các Tông đồ đã cùng sống với Chúa Giêsu từ lúc Gioan làm phép rửa, cho đến ngày Chúa Giêsu lên trời;
Nhóm 2: Các bà đi viếng mồ mà thấy mồ trống không thấy xác Chúa (xem Lc 24:22-24);
Nhóm 3: Mẹ Maria và các anh em Chúa đã chứng kiến thời thơ ấu của Chúa Giêsu.
Tất cả họ đồng tâm nhất trí chuyên cần cầu nguyện. Kinh Mân côi ngày nay là một kinh cầu nguyện noi gương Mẹ Maria, và như là một phương thế kết hợp với Mẹ để đi sâu vào mầu nhiệm của Chúa Giêsu, Con Mẹ.
Phúc âm: Luca 1:26-38
Thánh truyện Truyền tin là mầu nhiệm thứ nhất của kinh Mân côi, được chọn vào lễ Ðức Mẹ Mân côi vì liên quan tới lời Ðức Mẹ thưa thiên sứ: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời ngài truyền". Mẹ được thiên sứ cho biết Mẹ được đẹp lòng Thiên Chúa và đối với Chúa thì không có gì là không có thể. Mẹ đã thưa "Xin vâng" thánh lệnh của Thiên Chúa và đã trở nên Mẹ Chúa Cứu Thế.
Công đồng Vatican II nói về đời sống của Mẹ: "Ðức Trinh Nữ tiến lên trong cuộc lữ hành đức tin" (LG, 58). Cuộc lữ hành là cuộc lên đường về nơi thánh: Mẹ Maria đã lên đường đi lên đồi Canvê nơi Chúa tự hiến tế. Rồi Mẹ cùng với cộng đoàn tiên khởi lên lầu trên đợi Chúa Thánh Thần xuống. Biến cố Truyền tin và đời sống Mẹ cho chúng ta một gương mẫu đức tin trong ba hoàn cảnh: Mẹ tin vào Thiên Chúa, Mẹ phó thác nơi Người, và Mẹ sống theo kế hoạch của Người. Ðức tin không những là ý nghĩa đầy đủ của lời nói xuông, nhưng là một lời "Yes" và Amen dõng dạc đáp lại những lời phán bảo, những lời phán hứa và những lệnh truyền của Thiên Chúa.

IV.  15 ƠN ÐỨC MẸ HỨA BAN CHO NHỮNG AI ÐỌC KINH MÂN CÔI
Ðức Mẹ hiện ra với chân phước Alanô long trọng hứa ban 15 đặc ân sau đây:
1. Những ai trung thành phụng sự Mẹ bằng cách đọc kinh Mân côi sẽ nhận được những ơn cao cả.
2. Mẹ hứa sẽ phù trợ đặc biệt và ban nhiều đặc ân cho những ai đọc kinh Mân côi.
3. Kinh mân côi sẽ là áo mã giáp để chống lại hoả ngục. Kinh Mân côi tiêu diệt thói xấu, giảm thiểu tội lỗi, và phá tan các ngụy thuyết.
4. Kinh Mân côi giúp nhân đức và các việc lành triển nở. Kinh Mân côi kéo nhiều tình thương của Chúa xuống trên các linh hồn; giúp người ta khinh chê thế tục cùng những giả trá của nó, và nâng tâm hồn họ khao khát những của trên trời. Thực, kinh Mân côi chính là phương tiện giúp thánh hoá các linh hồn.
5. Linh hồn đến với Mẹ bằng kinh Mân côi sẽ không hư mất.
6. Những ai đọc kinh Mân côi sốt sắng và áp dụng những mầu nhiệm của kinh Mân côi vào đời sống mình sẽ không sợ bị rủi ro. Chúa sẽ nhân từ với họ và họ sẽ không phải chết bất tử. Nếu đã sống công chính, họ sẽ được bền vững mãi trong ơn Chúa và xứng đáng hưởng Quê Trời.
7. Những ai thực tôn sùng mầu nhiệm Mân côi sẽ được ơn chịu các phép Bí tích trước giờ chết.
8. Những ai trung thành lần hạt Mân côi, khi sống và nhất là trong giờ chết, sẽ được ánh sáng Chúa soi dẫn cùng với đầy dẫy ân huệ của Ngài. Khi lâm tử, họ sẽ được chia sẻ huân nghiệp của các thánh trên thiên đàng.
9. Mẹ sẽ cứu khỏi luyện tội những ai tôn sùng phép lần hạt Mân côi.
10. Những con cái trung thành của phép lần hạt Mân côi sẽ được thừa hưởng vinh quang lớn lao trên trời.
11. Nhờ lần hạt Mân côi, các con sẽ được hết những gì mình xin.
12. Những ai truyền bá phép lần hạt Mân côi sẽ được Mẹ giúp đỡ trong lúc gian truân, khốn khổ.
13. Mẹ đã xin Con chí thánh Mẹ ơn này cho những ai truyền bá phép lần hạt Mân côi, là họ sẽ được cả Triều đình Thiên quốc cầu bầu cho khi sống và trong giờ lâm tử.
14. Những ai đọc kinh Mân côi đều là con cái Mẹ và là anh em với Con Một Mẹ là Chúa Giêsu Kitô.
15. Tôn sùng phép lần hạt Mân côi là dấu chắc chắn được ơn tiền định cứu rỗi.

V. LỜI CÁC THÁNH
- Thánh Gioan Kim Khẩu: Thiên Chúa cai trị thế gian, nhưng kinh nguyện điều khiển Thiên Chúa.
- Thánh Augustinô: Bất cứ lúc nào chúng ta sốt sắng đọc kinh Lạy Cha, tội mọn của chúng ta sẽ được thứ tha.
- Thánh Bênađô: Kinh Kính mừng làm cho quỉ dữ trốn chạy, hoả ngục run sợ.
- Thánh Ðaminh: Sau thánh lễ và kinh Phụng vụ, không có sự tôn kính nào đẹp lòng Chúa Giêsu và Mẹ Thánh Người bằng sốt sắng đọc kinh Mân côi.
- Thánh Bônaventura: Ai lơ là với Mẹ sẽ chết trong tội lỗi. Mẹ Maria chào chúc chúng ta với ơn lành, nếu chúng ta kính chào Mẹ bằng kinh Kính mừng.
- Ðức Mẹ phán với thánh Mechtildê: Mẹ muốn con biết rằng không ai có thể làm đẹp lòng Mẹ bằng đọc lời thiên sứ chào Mẹ mà Chúa Ba Ngôi chí thánh gửi xuống cho Mẹ và nâng Mẹ lên chức phẩm Mẹ Thiên Chúa.
- Thánh Giêtrudê xem thấy Chúa Giêsu đếm tiền vàng. Chúa nói: Cha đếm kinh Kính mừng mà con đọc. Ðó là tiền mà con có thể mua đường lên thiên đàng.
- Thánh Tôma Kempi: Bạn hãy ân cần kính chào Mẹ bằng lời thiên sứ đã chào Mẹ, Mẹ rất hoan hỉ khi nghe lời chào ấy.
- Chân phúc Alanô: Kinh Kính mừng là một cầu vòng trên trời, là một dấu chỉ lòng thương xót và ân sủng Thiên  Chúa ban cho thế giới. Mẹ muốn dân chúng có lòng sùng kính kinh Mân côi được ơn thánh và phúc lành của Con Mẹ torng cuộc sống và trong giờ họ chết. Mẹ muốn họ thoát khỏi mọi ràng buộc, để họ nên giống các vua đội triều thiên, cầm phủ việt và hưởng phúc vinh quang vĩnh cửu.
- Thánh Bôrômêô: Kinh Mân côi là kinh linh thánh nhất sau thánh lễ hy tế. Các bạn hãy đọc kinh Mân côi siêng năng bao nhiêu có thể.
- Thánh Montfort: Những người rối đạo, những người vô tín ngưỡng, những người kiêu căng chê ghét hay khinh thị kinh Kính mừng và kinh Mân côi, là những người có dấu bị trầm luân hoả ngục. Không có gì có hiệu lực được lên nước Thiên Chúa bằng đọc kinh Mân côi và suy ngắm 15 mầu nhiệm.
- Thánh Phanxicô Salêsiô: Ðọc kinh Mân côi là việc thích thú nhất và là niềm vui thứ nhất của lòng tôi.
- Thánh Anphong: Nhờ kinh Mân côi, biết bao tội nhân bỏ đường tội lỗi, bao linh hồn đã tiến cao trong nẻo trọn lành. Biết bao người nhờ kinh Mân côi đã được ơn chết lành và hưởng phúc trường sinh.
- Thánh Vianney: Tôi biết điều có mãnh lực hơn Thiên Chúa là người cầu nguyện làm cho Thiên Chúa nói "được", khi Người đã nói "không được".

VI. GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI
- Ðức Clêmentê XIII: Ta khoan dung ban một ơn đại xá, một năm một lần cho mỗi người và cho mọi người thật lòng thống hối xưng tội, rước lễ, sốt sắng đọc kinh Mân côi trong giờ đã định cho họ, và cầu nguyện để tiêu diệt các bè rối và thăng tiến Giáo hội.
- Ðức Grêgôriô XVI: Một niềm vui biết bao nhớ lại kinh Mân côi lợi ích cho Giáo hội Công giáo, cũng như cho giáo dân hợp nhau cầu nguyện cầu xin ơn che chở của Rất thánh Trinh nữ.
- Ðức Piô IX: Mỗi phần tử hội kinh Mân côi liên tiếp ngày đêm lần lượt đọc kinh Mân côi như một sự tôn kính không ngừng dâng lên Mẹ Thiên Chúa.
- Ðức Lêô XIII: Các ơn lành Mẹ ban đã được chứng minh rằng nhiều người đã nhận được hiệu lực kinh Mân côi mà Mẹ đã ban dạy và thánh Ðaminh đã vất vả truyền bá.
- Ðức thánh Piô X: Không gì hoàn hảo bằng nhiều tiếng từ khắp nơi trên thế giới cùng dâng lên van xin Rất thánh đồng trinh maria như họ suy ngắm những mầu nhiệm Chúa Kitô, để những ơn lành của lòng từ ái Mẹ không ngừng ban xuống trên Giáo hội.
- Ðức Bênêđictô XV: Kinh Mân côi cần thiết hơn bao giờ hết, vì không những dâng lên Mẹ để nhờ Mẹ làm đẹp lòng Thiên Chúa ban mọi ơn cho chúng ta, và vì hơn mọi kinh khác, kinh Mân côi mang một dấu hiệu kinh chung gia đình.
- Ðức Piô XI: Kinh Mân côi thực là một triều thiên hoa hồng rự rỡ nhất mà tuổi thanh xuân có thể đội: Ðó là những đoá hồng trinh khiết và đoá hồng tình mến, đoá hồng tình yêu huynh đệ, đoá hồng chí tông đồ tươi nở trong khung cảnh lộng lẫy của một gia đình thiêng liêng như đoàn Thanh niên Công giáo Tiến hành.
- Ðức Piô XII: Gia đình tụ họp buổi chiều đọc kinh Mân côi tôn kính Nữ Vương Thiên đàng. Ðời sống gia đình Kitô hữu và lòng sùng đạo thấm nhuần trong các con cái mầm ơn gọi linh mục và tu sĩ. Tinh thần hy sinh Kitô hữu dạy họ chịu đựng nghịch cảnh và sầu đau. Nếu noi gương Mẹ Maria, gia đình sẽ là một nguồn suối các nhân đức, và bình an luôn ngự trị trong đó.
- Ðức Gioan XXIII: Chớ gì kinh Mân côi gia đình là một hương thơm sự an bình cho gia đình các con. Ước chi con cái của các con chạy đến với Mẹ maria để gìn giữ sự trong trắng thơ ngây. Ước chi các bạn thanh thiếu niên học được nơi Ðức Mẹ sự phấn khởi làm việc thiện và bảo đảm sự thanh khiết của họ. Ước chi người đau khổ hy vọng được niềm an ủi nơi Ðức Nữ Trinh.
- Ðức Phaolô VI: Kinh Mân côi đạo đức và phổ cập hiện ra như một chuỗi cứu độ treo trên cánh tay Chúa Cứu Thế và Mẹ Thánh Người, và do đó phát ra mọi ơn lành cho chúng ta và mọi niềm hy vọng đến với chúng ta.
- Ðức Gioan Phaolô II: Trong những chục kinh Mân côi, tấm lòng chúng ta có thể hái lượm được những sự kiện làm thành đời sống cá nhân, gia đình, dân tộc, giáo hội và thế giới. Ðó là những vấn đề cá nhân hay người thân cận, người thân quyến chúng ta. Như vậy, kinh Mân côi hoà nhịp đời sống con người.
  

THÁNH BRUNÔ LINH MỤC

THÁNH BRUNÔ LINH MỤC, ngày 06/10
Lc 10, 13-16

VỊ THÁNH ĐƯỢC GỌI :” THẦY CỦA CÁC THẦY”

Một vị thánh được những người đồng thời tặng khen nhiều danh hiệu như :” Nhà thần học nổi danh, văn sĩ lỗi lạc, nhà ngoại giao tài ba, người khôn ngoan tuyệt vời, thầy của các thầy vv…”. Với biết bao danh hiệu người đồng thời tặng ban cho thánh Brunô, điều ấy nói lên con người hết sức đặc biệt của Ngài. Thánh nhân không đặc biệt sao được khi Hội Thánh, đặc biệt Giáo Triều cho triệu vời Ngài về La Mã để giúp đỡ Đức Giáo Hoàng Urbanô II trong vai trò cố vấn cho Ngài.
Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Roma đã viết:” Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu ! Đường lối của Người, ai theo dõi được ! Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa ? Ai đã làm cố vấn cho Người ? Ai đã  cho Người trước, để Người phải trả lại sau ? Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời ! Amen.” ( Rm 11, 33-36 ). Thánh Brunô là một trong những vị thánh đã cảm nghiệm sâu sắc lời của thánh Phaolô, vị tông đồ dân ngoại trong đoạn viết để ca tụng thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa. Cảm nghiệm hết sức sâu sắc lời thánh Phaolô, thánh Brunô đã phục vụ theo đường lối Chúa. Tất cả đều do hồng ân của Chúa. Ngài có được gì là do Thiên Chúa. Do đó, thánh Brunô luôn tuân phục thánh ý nhiệm mầu của Thiên Chúa.
Thánh Brunô mở mắt chào đời năm 1030 tại Cologne trong một gia đình danh tiếng, thế giá và đạo đức. Ngài   là vị sáng lập Dòng khổ tu Chartreux. Lãnh nhận sứ vụ linh mục, Ngài vẫn còn được các Đấng các Bậc cho tiếp tục con đường học vấn vì thấy Ngài có khả năng tiếp thu và lãnh hội tốt các môn học. Ngài đã gặt hái cách rất khả quan về môn Triết học và Thần học. Với trí thông minh, kiến thức cao cường của Ngài, thánh Brunô đã làm khoa trưởng của nhiều phân khoa đại học. Hội Thánh dùng Ngài vì lòng đạo đức, học vấn uyên bác của Ngài, chính vì vậy, Ngài được triệu hồi về La Mã và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Giáo Triều Roma.
Trong khi phục vụ Hội Thánh, Ngài cũng gặp một số trắc trở, rắc rối vì một số người ghen tương hay chống đối, nhưng nhờ ơn Chúa giúp,  Ngài đã vượt thắng và thành công hơn thất bại. Mãn thời hạn phục vụ, Ngài trở về đời sống  thầm lặng, tĩnh mịch và cầu nguyện. Năm 1084, sau nhiều cuộc bàn hỏi, cầu nguyện tìm ra thánh ý Chúa, Ngài đã thiết lập Dòng khổ tu Chartreux. Linh đạo của Dòng Chartreux là cầu nguyện liên lỉ, soạn sách báo, làm việc lao động chân tay và không ngừng trau dồi kiến thức.
Năm 1088, Ngài được mời về La Mã để giữ chức cố vấn cho Đức Giáo Hoàng Urbanô II là một trong những học trò của Ngài.   Giai đoạn Ngài phục vụ Giáo Triều là thời kỳ Giáo Hội đang gặp trăm ngàn thử thách, nguy khốn, nhưng với ơn Chúa, với trí thông minh, lòng can đảm, sự khôn khéo của Ngài, thánh Brunô đã giúp Giáo Hội vượt qua tất cả.
Năm 1101, thánh Brunô đã trở về với anh em Dòng Chartreux sau khi được phép Đức Thánh Cha cho từ chức cố vấn Giáo Triều Roma, Ngài đã trút hơi thở cuối cùng bình an, thánh thiện về với Chúa trong sự luyến tiếc của anh em trong Dòng.
Lạy thánh Brunô, xin cầu thay nguyện giúp cho chúng con để chúng con được ơn khôn ngoan mà phục vụ Chúa và anh em đồng loại. Amen.
Linh muc Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT

Thánh Phanxicô Assise


Thánh Phanxicô Assise
(1186-1226)
(Giáo Hội mừng kính ngày 04/10)
                                                                                 

Sinh hạ tại Assise ở Ombrie (Ý) năm 1186. Cha của Ngài là ông Piero Bernardone, một thương gia hàng vải hay đi buôn bán ở Pháp, nên đặt tên cho con là Francois. Bà mẹ rất nhân đức nên gây ảnh hưởng nhiều đến con. Francois lại muốn làm hiệp sĩ thích võ nghệ. Năm 1201, người tham chiến chống thành Perouse và bị bắt làm tù binh một năm. Bị bệnh, người bắt đầu suy nghĩ, dần hồi ơn gọi sáng tỏ, người quyết định dâng mình phục vụ Thiên Chúa và “kết nghĩa với đức khó nghèo mà người gọi là “Bà nghèo khó”. Trong một cuộc tranh chấp với bố, người quyết định từ bỏ hết mọi quyền lợi, của cải, kể cả áo quần bố sắm cho và ra đi trần trụi. Hai năm sau, nghe đọc bài Phúc âm từ bỏ của cải (Mt 10, 9-10), người quyết định từ bỏ tất cả, mặc chiếc áo thô buộc giây da, lòng hân hoan, đi rao giảng lời Chúa. Hai đồ đệ đến xin theo, người lấy 3 đoạn Phúc âm (Mt 10,9-20,21;Lc 9, 23) làm mực thước và khi đã có 11 môn đệ, người dọn một khoản lệ ngắn và đi Lamã, xin đức Giáo Hoàng phê chuẩn. Đức Innocent III ban lời chấp nhận tháng 6 năm 1210, họ trở về Assise, xây chòi ở gần nhà thờ Portiocule và đi rao giảng sự thống hối trong cả nước Ý.

Năm 1212, Phanxicô giúp một thiếu nữ quí phái tên là Clara thiết lập ngành nữ “Các bà nghèo,” sau này là các Bà Clarisses. Không bao giờ Phanxicô muốn lập một dòng tu kính cổng cao tường, mà chỉ muốn đi theo Chúa như Phúc âm mô tả. Nhưng dần dần, các thầy hèn mọn càng ngày càng đông nên phải có tổ chức, đọc sách nguyện, ăn ngủ giờ giấc như thầy dòng. Phanxicô phải chia sẽ một phần quyền bính cho “Các phụ tá” trông coi từng nhóm. Năm 1219, các thầy được chia thành “tỉnh” và đi rao giảng . Phanxicô đi qua đến Phi Châu gặp vị Sultan quân Sarrasins để giảng đạo.

Một tổ chức trở nên cần thiết . Phanxicô được mời về và phải thảo bản qui luật thứ hai để xin Đức Thánh Cha Honorius III chấp thuận năm 1223. Người trao quyền lại cho thầy Elie, một con người khó nghèo, và đi vào núi sống ẩn dật. Ngày 14 tháng 9 năm 1224, người được in năm dấu thánh, rất đau đớn và mang cho đến chết. Trong cuộc đi thăm bà thánh Clara trong tu viện, thánh nhân được các chị em cất cho một cái chòi lá trong vườn và ở đó người đã viết bài ca mặt trời, một áng văn danh tiếng của văn chương Ý và viết một bản “chúc thư” về đường hướng của dòng.

Phanxicô qua đời tại Portioncule chiều 3 tháng 10 năm 1226, được tôn phong hiển thánh 2 năm sau do Đức Thánh Cha Grêgôriô IX, mộ người do thầy Elie cất nằm ở đại thánh đường Assise bây giờ. Một vị thánh được coi là “người Kitô hữu chơn thật số một của lịch sử,” “vị thánh dễ thương nhất.”
                                                Nguồn GIA ĐÌNH GIÁO LÝ PHÚ TRUNG
                                                

                                                   Mã nguồn thuộc về www.catholic.org.tw


THÁNH PHANXICÔ ASSISE


THÁNH PHANXICÔ ASSISE, ngày 04/10

MỘT VỊ THÁNH KHÓ NGHÈO
Lc 9, 57-62

Nói về một vị thánh, đề cập đến cuộc đời của một con người là để hiểu biết về người đó: ca ngợi, bắt chước, noi gương người đó trong những việc làm tốt của họ. Thánh Phanxicô Assise là vị thánh của tình yêu. Người là một con người triệt để, vui tươi, trung thực. Cái trung thực của Người đã trở nên nét đẹp nhất của vị thánh thời danh. Sử gia Joseph Lortz đã từng nói :” Điều mà thế kỷ XX thiếu nhiều nhất là tính trung thực”. Thánh Phanxicô Assise là người đã làm rõ nét và sự nổi bật nét trung thực của con người. Chính sự thực tế, bền bỉ, sâu sắc của con người thánh Phanxicô Assise đã nói lên tình yêu của Ngài đặt nơi đâu ? Ngài luôn muốn họa lại hình ảnh của một Giêsu Nagiarét khó nghèo, một vị vua tình yêu cao vời, nhưng lại sống chân thực không hoa mỹ, không hời hợt, không lòe loẹt. Thánh nhân đã sống hết mình, đã sống con người thực nhất của mình. Ngài đã tự ví mình như “một người điên kiểu mới giữa thế gian”.
Phanxicô điên vì  Ngài nhìn thấy tình yêu của Thiên Chúa chan hòa khắp nơi, khắp chốn, khắp trời đất, khắp vũ trụ, nhưng tất cả đều xoay chung quanh Chúa Kitô. Vì chính Chúa Kitô là trung tâm của tất cả mọi sự trên trời dưới đất, trung tâm của lịch sử cứu rỗi con người.  Thánh Phanxicô Assise muốn kéo mọi người lại với Chúa Giêsu vì Người là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử mọi loài thọ sinh ( Col 1, 15-17).
Vào khoảng năm 1182, thánh nhân được sinh ra tại Assise trong một gia đình đạo đức. Cha Ngài là ông Bênađô là một thương gia tơ sợi nổi tiếng. Mẹ Ngài là bà Pica, một bà mẹ nổi tiếng đạo hạnh. Cả hai ông bà đã hun đúc Phanxicô trở thành vị thánh nổi tiếng thời danh. Thánh nhân đã được cảm hóa bởi câu Kinh Thánh:” Lạy Cha chúng tôi ở trên trời “. Bị bắt, bị cầm tù một năm, bị lâm trọng bệnh và được chữa lành, thánh nhân đã cảm nghiệm sâu xa lời Thiên Chúa. Ngài quyết định bỏ tất cả, sống cuộc đời hoàn toàn nghèo khó để nên giống Chúa Kitô năm 1206. Bị Cha già phản đối, dù rằng hiếu thảo là trên hết, nhưng Phanxicô Assise không dám chống lại ý Chúa. Ngài đã bán tất cả của cải của mình, phân phát cho những người nghèo khó và chỉ khoác trên mình một chiếc áo choàng cũ kỹ, rồi đi loan báo Tin Mừng cho Thiên Chúa. Con đường của Chúa huyền diệu. Ngài được chính Thiên Chúa thúc đẩy thành lập Dòng Anh em hèn mọn, khó nghèo. Rồi, Ngài lui về Alverne, một nơi cô tịnh, hoang sơ thuộc phía bắc Assise để suy niệm, ăn chay, cầu nguyện. Lúc xuất thần, thánh nhân nhìn thấy thiên thần Sêraphim và một cây thánh giá. Tỉnh dậy, Ngài thấy được Chúa in năm dấu thánh trên thân xác Ngài lúc đó vào năm 1224. Hai năm sau đó, Ngài lâm bệnh nặng. Trước khi ra đi về với Chúa, Ngài đã khuyên nhủ anh em trong Dòng :” Hãy sống khó nghèo và sống đức tin sâu xa vào Hội Thánh Chúa”. Ngày 04/10/1226, thánh nhân ra đi về với Chúa trong sự an bình và thánh thiện tuyệt vời.  Đức Thánh Cha Grêgoriô đã tôn Ngài lên bậc hiển thánh.
Thánh Phanxicô đã sống khó nghèo tuyệt đối. Ngài muốn bắt chước Chúa, muốn noi gương đức Mẹ để sống cuộc đời khó nghèo. Do đó, Ngài đã kéo mọi người, kéo mọi vật, mọi thụ tạo lại gần Thiên Chúa. Ngài đã gọi nhân đức nghèo là” Bà Chúa nghèo”, Ngài đã gọi Mặt Trời là Anh Mặt Trời, Mặt Trăng là chị Mặt Trăng, thần chết là chị chết vv…Ngài muốn nói lên một thực tế là tất cả đều do Tình Yêu của Thiên Chúa. Trong Đức Kitô, mọi sự, mọi vật, mọi loài, kể cả con người đều hòa quyện nơi Tình Yêu của Chúa và như thế, tất cả đều trở nên bài ca tình yêu muôn thuở, cảm tạ tri ân Thiên Chúa Ba Ngôi.
Xin Chúa ban cho chúng con được bắt chước đời sống khó nghèo của thánh Phanxicô Assise mà biết lướt thắng vinh hoa phú quý để càng ngày càng gia tăng lòng yêu mến Chúa và cảm thông chia sẻ với anh chị em nghèo khó. Amen.
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT

CÁC THIÊN THẦN HỘ THỦ


CÁC THIÊN THẦN HỘ THỦ
(Guardian Angles)

Ngày 02/10


Mt 18,1-5.10

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT


Nếu sức mạnh của sự dữ và ma quỉ đông hàng hà sa số, đang ngày đêm bay lượn quanh nhân loại,xung quanh chúng ta để tìm cơ hội làm hại con người thì sung sướng và hạnh phúc,vững dạ thay khi Chúa gửi đến cho loài người một sức mạnh vô cùng hữu hiệu là các Thiên Thần.Sự trợ giúp này,Chúa và Giáo Hội gọi là các Thiên Thần Hộ Thủ hay Bản Mệnh.Các Thiên Thần Bản Mệnh gìn giữ con người khỏi hiểm nguy, khỏi mọi sự dữ quấy phá,đưa con người tránh xa dịp tội để con người kết hợp và tiến bước tới Chúa.

THIÊN THẦN BẢN MỆNH LÀ AI?
Thiên Chúa thiết lập vũ trụ,tạo dựng con người.Sách khải nguyên ngay từ những trang đầu đã thuật lại việc Thiên chúa tạo dựng Trời Ðất, tạo nên Con người. Trong vũ trụ hỗn mang đan xen bóng tối và sự sáng. Lực của bóng tối,của ma quỉmạnh mẽ vô cùng. Ma quỉ có số đông vô số kể lúc nào cũng lượn quanh con người,rình mò cắn xé.Ngay trang đầu khởi nguyên,Kinh Thánh đã viết:".thần khí Chúa bay lượn là là trên mặt nước " và trong Tân Ước,trong đêm Giáng Sinh,Thiên Thần của Chúa với muôn cơ binh đàn ca,vinh tụng xướng hát,tôn vinh con Thiên Chúa là Ðức Giêsu xuống thế làm người.Ðây là các Thiên thần luôn túc trực để thờ phượng Chúa và nâng đỡ con người. Trong số này,có muôn vàn Thiên Thần Bản Mệnh, Chúa sai tới để nâng đỡ,gìn giữ từng người.Các ngài giúp con người tránh xa các dịp tội,thêm sức mạnh cho con người để con người thoát những cơn cám dỗ nguy hiểm,nâng đỡ và khuyến khích con người khi con người gặp những sự thất vọng ở trần gian, an ủi con người trong những cơn sầu muộn.Các Thiên Thần Bản Mệnh cũng giúp con người hồi tâm thống hối khi con người yếu đuối,sa ngã,cầu bầu cùng Chúa cho con người. Các Thiên thần Bản Mệnh cũng soi sáng,thêm sức mạnh cho con người khi con người đang hấp hối,nguy tử vv.Các Thiên thần Bản Mệnh có sứ mạng lớn lao là luôn hiện diện bên cạnh con người để giữ gìn,an ủi và che chở con người.Nên, Thánh vịnh 137,1 đã viết:" Lạy Chúa giữa chư vị Thiên Thần,Con đàn ca kính Chúa " hoặc trong lời nguyện nhập lễ ngày 2/10,Giáo Hội đã cất tiếng nguyện xin :" .Chúa sai các Thiên Thần đến gìn giữ chúng con.Xin ban cho chúng con đời này được các Ngài luôn bênh vực che chở,và đời sau được cùng các Ngài hưởng phúc vinh quang".

CÂU CHUYỆN MINH CHỨNG BÀN TAY THIÊN THẦN BẢN MỆNH HỘ PHÙ,CHỞ CHE
Số là có một cha sở miền quê bên Pháp lúc đó đang ở một xứ đạo hẻo lánh,một đêm kia được tin một người đau nặng,đang hấp hối,muốn xin Ngài tới xức dầu.Trời về khuya,với bổn phận mục tử Ngài ra đi làm phận sự của mình. Từ nhà xứ tới nhà người đau,Ngài phải băng qua khu rừng vắng.Khi tới khu rừng,trời đã rất tối,Ngài ngập ngừng,nhưng nghĩ lại và nhớ tới Thiên Thần Bản Mệnh, Ngài cầu nguyện để Thiên Thần cùng đi với Ngài. Ngài mạnh dạn và đã tới xức dầu cho người bệnh kịp thời giờ hấp hối. Câu chuyện đã qua 10 năm rồi,nếu không có biến cố mới này thì nó đã rơi vào quên lãng: Một tử tù sắp bị hành quyết,anh ta rất khó tính và không chịu nghe bất cử một ai. Người ta báo cho vị linh mục năm xưa đã băng qua khu rừng để đi xức dầu cho người đang hấp hối.Linh mục được báo tin có người tử tù muốn gặp, đã tới vì lòng nhân từ, vừa thấy linh mục,người tử tù đã muốn phản ứng,xua đuổi,không muốn gặp vị linh mục,nhưng bỗng anh ta ngừng lại và nói với vị linh mục:" có phải cha là cha sở họ X không ?".Vị linh mục ngạc nhiên trả lời trước đây 10 năm tôi làm cha sở ở họ đó,nhưng bây giờ tôi đã đi nơi khác. Thì ra các đây 10 năm,người tử tù lúc đó là tên ăn cướp giết người,đang lẩn trốn ở khu rừng mà tôi đi qua và hắn định bất cứ gặp thấy ai,hắn sẽ giết chết để lấy quần áo của khổ chủ mà hóa trang,đánh lừa lưới của pháp luật.Người tử tù kể lại:" Lúc đó y muốn giết tôi,nhưng thấy bên cạnh có người thanh niên lực lưỡng,thấy không thể thắng nổi,nên y đã để cho tôi và người thanh niên ấy đi bình an,vô sự ".Nghe người tử tù thuật lại,tôi ngạc nhiên và sực nhớ lại lúc đó tôi dừng lại để cầu nguyện xin Thiên thần Bản Mệnh giúp đỡ. Và như vậy,người thanh niên mà người tử tù thấy chính là Thiên Thần Bản Mệnh của tôi,đã giữ gìn tôi.
Câu chuyện trên minh chứng Thiên Thần Hộ Thủ luôn có mặt khi con người kêu cầu,xin ngài giúp đỡ,can thiệp.
" Lạy Chúa,nhân ngày lễ kính các Thiên Thần Hộ Thủ,xin cho các Ngài luôn ở gần chúng con để trông nom gìn giữ,nhờ đó,chúng con sẽ thoát khỏi mọi nguy hiểm dưới thế và mai sau được hưởng hạnh phúc trên trời "( Lời nguyện tiến lễ ngày 2/10,lễ các Thiên Thần Hộ Thủ ).

Xin cho mọi người chúng con luôn biết kính trọng,yêu mến và cậy trông vào sự che chở của các Thiên Thần Hộ Thủ,và luôn sẵn sàng tuân theo lời chỉ dậy của các Thiên Thần Bản Mệnh qua tiếng nói lương tâm.

LỄ THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU

LỄ THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU, trinh nữ
(Ngày 1 tháng 10)
Mt 18, 1-4


Sống ở trần gian chỉ có 24 tuổi đời, thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã để lại cho trần gian một con đường nên thánh xem ra đơn sơ, giản dị, nhưng cũng là một linh đạo tuyệt vời:” con đường thơ ấu thiêng liêng”. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu là ai ?
Con đường thơ ấu thiêng liêng nói gì cho ta ?
MỘT CON NGƯỜI. MỘT CUỘC ĐỜI:Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, con ông Louis Martin và bà Maria Guérin. Người sinh ngày 2 tháng 1 năm 1873 tại Alencon nước Pháp. Gia đình Ông bà Louis Martin sinh được 9 người con. Tuy nhiên 4 người con đã qua đời, chỉ còn lại 5 chị em gái. Tất cả 5 chị em gái sau này đều bước vào đời tận hiến trong các Dòng tu. Têrêsa mồ côi mẹ từ lúc chưa tròn 4 tuổi. Nỗi buồn mất mẹ cứ hằn sâu trong cuộc đời của Têrêsa. Ông Louis Martin bỏ Alencon lui về Lisieux với cả gia đình. Với truyền thống của một gia đình đạo đức và với tấm lòng đơn sơ, yêu mến Chúa, Têrêsa đã nhất quyết chọn cho mình một con đường. Do đó, thánh nhân đã xin vào tu viện nhà kín  Cát Minh tại Lisieux vào tháng 4 năm 1888 lúc Người mới chưa tròn 15 tuổi . Thánh Têrêsa luôn cảm nghiệm sâu xa tình yêu của Thiên Chúa và Người đã sống cái diệu cảm của một con người đầy ắp Chúa. Tâm hồn của Người thật đạo đức, thánh thiện. Người cảm thấy ơn gọi của Người thật kỳ diệu vì chính vào đêm giáng sinh năm 1886, một biến cố làm cho Người quay trở về với Chúa và Người nhận thấy con người của mình được biến đổi hoàn toàn. Từ đây, ơn gọi yêu mến Chúa và yêu tha nhân thôi thúc Têrêsa. Người đã có thể nói như thánh Phaolô tông đồ:” Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi “. Đời sống trong tu viện Cát Minh càng lúc càng nung đốt tâm hồn của thánh nhân. Đời sống nội tâm của Têrêsa càng ngày càng lên cao. Người đã có mối liên hệ mật thiết với Chúa ở một tầm cao mới, chiều sâu mới, quan hệ tình yêu. Thánh nhân cảm thấy càng ngày càng phải kết hợp với Chúa trong cuộc thống khổ của Ngài. Thánh nhân coi thánh kinh là sách gối đầu và là sách duy nhất giúp Người nên thánh và gần gũi Chúa. Tuy nhiên sự thử thách nội tâm và sự đau khổ thể xác diễn ra hằng ngày trong đời sống của thánh nhân đã làm cho thánh nhân càng ngày càng cảm nghiệm sâu xa mầu nhiệm tình yêu cao vời của Chúa.
Năm 1896 trong đêm thứ sáu tuần thánh, Têrêsa bị ho ra máu lần đầu tiên. Thánh nhân đã sống những tháng ngày trong sự đau khổ triền miên của bệnh tật. Có thể nói, mười tám tháng cuối cùng của cuộc đời Người là một cuộc tử đạo không ngừng. Thân xác bị đau  đớn, nội tâm bị thử thách. Nhưng, thánh nhân đã sống hết mình vì tình yêu. Người lìa trần vào ngày 30 tháng 9 năm 1897, hưởng thọ 24 tuổi. Cái tuổi còn đầy sinh lực và nhựa sống. Người ra đi trong tiếng thì thào:” Lạy Chúa, con yêu Chúa”. Đức Giáo Hoàng Piô XI nâng Người lên bậc hiển thánh và đặt Người làm bổn mạng các xứ truyền giáo.

CON ĐƯỜNG THƠ ẤU THIÊNG LIÊNG CỦA THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU: Thánh Têrêsa đã bỏ cõi đời để đi vào cõi sống vĩnh hằng, Người đi vào cái trọn vẹn, cái lớn lao: yêu Chúa hơn bất cứ người nào trên dương thế này; Têrêsa muốn dâng mình cho tình yêu vô vị lợi, tình yêu nhân từ vô biên của Chúa như của lễ dâng hiến toàn thiêu; Têrêsa muốn yêu mọi người như Chúa Giêsu đã yêu nhân loại.
Người đã sống trọn vẹn con đường tình yêu của Chúa. Người đã chọn một linh đạo cho cuộc đời mình, linh đạo tình yêu nhỏ bé. Con đường của Người là con đường thơ ấu thiêng liêng. Têrêsa tựï ví mình như trẻ nhỏ, mà nhỏ nghĩa là yếu đuối, hèn mọn, không thể tự sức mình làm được gì; nên phải yêu mến thật nhiều, yêu mến không giới hạn để đạt được điều mình ao ước, mong chờ. Quan niệm của Têrêsa giống như những người nghèo của Thiên Chúa mà đặc biệt là thái độ của Mẹ Maria trong kinh Magnificat. Têrêsa  đã cảm nghiệm được con đường nên thánh qua thái độ, cử chỉ của Đức Mẹ. Têrêsa đã hiểu được bí quyết nên thánh theo thánh kinh:” trở nên người lớn nhất phải trở nên bé nhỏ nhất”. Đây là kinh nghiệm sống của Têrêsa trong cuộc sống hằng ngày. Con đường nên thánh của Người là con đường thơ ấu thiêng liêng. Muốn đi con đường ấy, bí quyết thật giản dị: “ Hãy dâng mình yêu Chúa, hãy chấp nhận đau khổ hy sinh vì Chúa, hãy chia sẻ tâm tình của Chúa cứu độ đang đau khổ trong các chi thể của Hội Thánh để cứu rỗi thế gian”.
Hãy yêu Chúa và yêu tha nhân thật nhiều. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đang mời gọi mọi người nên thánh bằng con đường tình  yêu, con đường thơ ấu thiêng liêng…Nên thánh không phải là làm những việc vĩ đại, nhưng con người trở nên thánh bằng con đường nhỏ bé thiêng liêng. Têrêsa đã ví chiếc thang máy bác lên Trời là tình yêu. Con người chỉ có thể đạt được Nước Trời khi họ sống bé nhỏ và yêu thương.
Lạy thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, với tư tưởng phong phú, đầy thánh thiện và đạo đức của Người, xin cho chúng con hiểu được con đường nhỏ bé đầy tình yêu của Người. Xin Người làm rơi hoa hồng là những ân huệ từ Trời xuống thật nhiều cho chúng con. Amen.
Linh mục Giuse Maria Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

Thánh HIÊRÔNIMÔ EMILIANÔ Linh Mục (1481-1537) 30.9

Thánh HIÊRÔNIMÔ EMILIANÔ Linh Mục (1481-1537)
  Cộng hoà Venitia lâm chiến với các vương quốc. Xuất thân từ một gia đình quí tộc. Hêronimô Emilianô nhập ngũ từ hồi niên thiếu. Phục vụ cho quê hương từ hồi 15 tuổi, Ngài sống cuộc đời phóng túng trong quân ngũ, cũng như tỏ ra rất can trường.
JeromeEmilliani.jpg 
Vì vậy mà Ngài được nắm quyền chỉ huy cứ điểm Castelneve trên núi Trêvis. Pháo đài bị chiếm và Hêronimô bị bắt tù. Bị xiềng cổ, tay, chân vào một quả cầu bằng thạch cao để hết trốn thoát nổi. Ngài phải nằm bẹp trong nhà giam. Trong cơn thất vọng tột cùng, đức tin thời còn trẻ trung chỗi dậy như một ánh sáng và như lời quở trách... Cuộc đời Kitô hữu tồi tệ vẽ ra trước mắt. Hêronimô nhận biết mình đã phản nghịch Chúa cách nặng nề.

Ngài tự nghĩ lại mình không đáng chịu nỗi bất hạnh này sao ? Khi ấy với trọn tâm hồn, Ngài nguyện cầu Đức Trinh Nữ Maria và khấn hứa nếu được giải thoát Ngài sẽ đi chân không tới viếng đền Đức Bà Trêvisa và lôi kéo khách hành hương tới đó. Và Ngài đã được giải thoát cách lạ lùng. Đức Trinh nữ Trêvisa trở thành Bà Chúa của Ngài. Trên bàn thờ Đức Mẹ Ngài đặt xiềng xích và treo quả thạch cao để phổ biến lòng nhân hậu của mẹ đối với mình.

Trở lại Venitia, Hêronimô là một anh hùng và được lãnh nhận những vinh dự của quê hương. Nhưng Ngài không quên rằng: chính vì một sứ mệnh đối với Tin Mừng mà Ngài được gỡ khỏi cảnh tù đày. Hết rồi cuộc sống sáng tươi và phân tán, từ nay Ngài sẽ sống đời bác ái cao độ và thành quả của Ngài sẽ dẫn về cho Chúa những người nghèo, các em bị bỏ rơi, lang thang, nhơ bẩn, những kẻ không biết rằng mình có linh hồn.

Hêronimô trở thành cha của chúng. Ngài đi học để chịu chức linh mục. Năm (1518) 37 tuổi Ngài thụ phong linh mục, hiến mình làm việc bác ái, chia sẻ mọi lợi quyền cho người nghèo khó. Khi nạn đói, Ngài bán hết đồ đạc trong gia đình để phân phát cho họ. Ngài thuê nhà để qui tụ các trẻ em không nơi cư ngụ, nuôi dưỡng giáo dục và chuẩn bị cho chúng thành những công nhân Kitô hữu biết hòa trọn niềm vui tôn giáo. Chẳng hạn vào những ngày lễ, người ta thấy chúng mặc đồ trắng, từng đoàn đắt nhau đi viếng các nhà thờ ở Venitia, và ca hát trên các nhà thờ ở Venitia, và ca hát trên các công trường. Dân chúng mừng rỡ góp phần trợ giúp công cuộc cảm kích này.

Chân phước Gaelan và Phêrê Caraffa, người sẽ trở thành Đức Thánh Cha Phaolô IV đã đến Venitia. Lòng bác ái của Hêronimô làm cho các Ngài thán phục, vị tông đồ khi đã thiết lập xong công việc bác ái của mình sẽ đi lập nhiều nhà thương và các cô nhi vịên mồ côi ở những thành phố khác. Nơi nào Ngài nghĩ rằng không ai biết mình thì Ngài hoà mình hoàn toàn vào các đám dân nghèo, sống của bố thí và như họ dịu dàng truyền bá Phúc âm cho họ, Ngài cũng tìm chỗ nương thân cho các thiếu nữ không nơi nương tựa bị đe dọa thất thân.

Trẻ em cũng trở thành những trợ giúp đáng giá cho Ngài. Ngài dạy dỗ chúng và khiến chúng thành giảng viên giáo lý cho các trẻ em khác. Ngài còn săn sóc cho thân thể chúng nữa, lau gội những mái đầu bị trứng tóc như một người mẹ. Người ta cũng thấy Ngài gặt lúa với các nông dân, vừa làm vừa nói với họ những truyện trên trời. Rồi thánh nhân lui về một cái hang trong núi nhiều ngày đêm, để thờ lạy Chúa trong việc cầu nguyện, chay tịnh và sám hối.

Một nạn dịch xảy ra tàn phá xứ sở. Hêronimô Emilianô chạy ngược xuôi săn sóc bệnh nhân, vác người chết đi chôn. Nhiều khía cạnh anh hùng trong đời sống bác ái của thánh nhân đã ảnh hưởng tới hàng giáo sĩ và các giáo dân. Ngài lập một hội dòng để dạy dỗ trẻ em và các linh mục tương lai. Cộng đoàn đầu tiên được Ngài thành lập tại Somasca. Ngài sẽ thiết lập cả trăm học viện, đại học và chủng viện. Đức Piô XI đã đặt thánh Hêronimô Emilianô làm thánh bảo trợ các trẻ em bị bỏ rơi.

CÁC TỔNG LÃNH THIÊN THẦN MICAEN, GÁPRIEN, RAPHAEN 29.9

CÁC TỔNG LÃNH THIÊN THẦN MICAEN, GÁPRIEN, RAPHAEN
Ga 1, 47-51

Hôm nay toàn thể Giáo hội hân hoan mừng lễ các Tổng lãnh Thiên Thần Micaen, Gáprien và Raphaen. Trong niềm vui lớn lao được các Thiên Thần hộ phù, nâng đỡ, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về vai trò của các Thiên Thần trong đời sống Giáo Hội và con người.

THIÊN THẦN LÀ GÌ  ?
Theo điển ngữ Thần Học Thánh Kinh, tên các Thiên Thần không do bản tính mà do chức vụ. Thiên Thần là sứ giả. Các Ngài là” những thần khí chuyên lo phục vụ, được sai đi giúp ích những người sẽ thừa hưởng phần rỗi( Dt 1, 14 ). Các Ngài lập thành một thế giới huyền nhiệm ở ngoài lãnh vực tri giác thông thường của chúng ta.

Cựu Ước thường diễn tả Thiên Chúa như một Đế Vương phương Tây. Những phần tử của triều đình cũng là những tôi tớ Ngài. Người ta còn gọi Ngài là Thánh hoặc Con của Thiên Chúa. Trong số các thần Kêrubim đỡ nâng ngai tòa Chúa, kéo xa giá Ngài, làm xa giá cho Ngài hoặc giữ lối vào thánh địa của Ngài không cho kẻ phàm tục vào; các thần sêraphim chúc tụng vinh quang Chúa và chính một vị trong các thần ấy đã thanh tẩy môi miệng ngôn sứ Isaia trong thị kiến đầu tiên. Người ta còn gặp thấy các thần Kêrubim trong những bức tượng nơi Đền Thờ làm cánh che hòm bia. Như thế, cả một đạo binh thiên quốc ca ngợi vinh quang Thiên Chúa, và tuân phục ý Ngài trong việc điều hành vũ trụ cũng như thi hành các mệnh lệnh của Ngài, đạo binh ấy lập thành một mối liên lạc giữa trời và đất( Stk 28, 12 ).

Tuy nhiên, bên cạnh những sứ giả huyền bí trên, có những đoạn Thánh Kinh đề cập đến một sứ thần của Giavê Thiên Chúa. Nhưng với đà tiến của mạc khải, vai trò sứ thần Giavê dần dần được trao cho các Thiên Thần, những sứ giả thông thường của Thiên Chúa. Vai trò của các Thiên Thần cũng tiến triển đều đều. Lúc đầu người ta xếp lẫn lộn vai trò của các Thiên Thần, họ gán cho các Thiên Thần những phận sự xấu tốt lẫn lộn. Tuy nhiên, sau cuộc lưu đầy ở Babylon về, các phận vụ của các Thiên Thần được phân loại rõ ràng hơn và các Thiên Thần có được một phẩm tính luân lý tương ứng với vai trò của mình. Sau này, các Thiên Thần nhận được tên tương ứng với chức vụ:” Raphaen”Thiên Chúa chữa lành”, Gáprien” Anh hùng của Thiên Chúa”, Micaen” Ai được như Chúa”. Chính Thiên Thần Micaen, thủ lãnh các Thiên Thần, được trao nhiệm vụ coi sóc cộng đoàn Do Thái. Như vậy, gíao lý Cựu Ước đã luôn khẳng định sự hiện hữu của các Thiên Thần và sự hiện diện của họ trong thế giới nhân loại.

Tân Ước cũng liệt kê các Tổng Lãnh Thiên Thần( 1 Thes 4 ); các thần Kêrubim( Dt 9, 5 ), các Ngai Thần, Quản thần, Lãnh Thần, Uy Thần ( Colosê 1, 16 ), các Dũng Thần( Eph. 1, 21 ). Với nhiều cấp bậc thay đổi tùy theo kiểu nói, phẩm trật này không có tính cách một giáo lý nhất định mà chỉ là một yếu tố phụ thuộc và mềm dẻo.

Chính Chúa Giêsu còn minh định địa vị các Thiên Thần đối với con người, hình ảnh huyền bí của Người, nhất là trong vinh quang của Người sau này: tháp tùng Chúa ngày quang lâm( Mt 25, 31 ), lên xuống quanh Chúa( Ga 1, 51 ), Chúa  sai các Thiên Thần đi tụ tập những kẻ được chọn, xua đuổi những kẻ bị luận phạt khỏi Nước Trời. Ngay lúc chịu thương khó, Đức Giêsu đã có thể đòi hỏi sự can thiệp của các Thiên Thần hằng theo phục vụ Người. Như vậy, thế giới Thiên Thần lệ thuộc vào Đức Kitô và chiêm ngưỡng mầu nhiệm của Người.

Đối với con người, các Thiên Thần có một mối giây liên lạc mật thiết. Thiên Thần Gáprien mang hai sứ điệp truyền tin( Lc 1, 19.26); cả một đạo binh Thiên Quốc hát mừng trong đêm giáng sinh( Lc 2, 9-14 ), các Thiên Thần còn báo tin Chúa phục sinh( Mt 28, 5 ) và loan báo cho các môn đệ ý nghĩa cuộc Thăng Thiên( Cv 1, 10t…), phụ tá Đức Kitô trong việc cứu rỗi nhân loại( Dt 1, 14 ). Các Thiên Thần chăm sóc giữ gìn loài người( Mt 18, 10), dâng lên Thiên Chúa lời kinh của các Thánh( Kh.5, 8 ), dẫn đưa linh hồn người công chính vào Thiên Đàng( Lc 16, 22 ). Để nâng đỡ Giáo Hội, các Thiên Thần sát cánh với thủ lãnh của mình là Micaen, tiếp tục cuộc chiến với satan, được khai diễn ngay từ nguyên thủy( Kh 12, 1-9 ).

LỄ HÔM NAY CÓ Ý NGHĨA GÌ  ?

Mừng lễ các Tổng Lãnh Thiên Thần hôm nay, chúng ta toàn thể dân Chúa được hiểu rõ hơn vai trò, chức vụ, phẩm trật của các Thiên Thần, được hiểu rõ hơn về sự duy nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúng ta hãy khắc ghi vào tâm hồn sứ điệp của Tin Mừng đem đến: Đức Kitô đến để làm chứng cho sự thật, sự cứu rỗi. Ngài đến để làm cho vai trò của Chúa Cha nổi bật và Ngài trở về trời để Chúa Thánh Thần tác động trong lịch  sử nhân loại. Ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô đã được tràn đầy Chúa Thánh Thần và các môn đệ cũng được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần. Nên cả Phêrô lẫn các môn đệ đều can đảm, hăng say làm chứng cho Chúa Giêsu chết và sống lại. Chính nhờ có Chúa Thánh Thần xuống, các môn đệ đã rút ra khỏi vỏ ốc sợ sệt của mình để hăng say, kiên trung làm chứng cho sự thật. Một sự thật đã bị con người cố tình làm cho lu mờ và muốn chối bỏ nó. Nhờ Chúa Thánh Thần mà Giáo Hội sơ khai đã đứng vững trong lòng tin. Nhờ Chúa Thánh Thần, Giáo hội hôm nay cũng kiên trì bền trí, đương đầu với những khó khăn thử thách và luôn đứng vững trước ba đào, thử thách, sóng gió.

Mừng lễ các Tổng Lãnh Thiên Thần: Micaen, Gáprien và Raphaen, chúng ta hãy khẩn khoản nài xin các Ngài chuyển cầu cùng Chúa để chúng ta cùng với Tổng Lãnh

Thiên Thần Micaen oai dũng làm chứng cho sự thật, cho công bình và bác ái, để chúng ta cùng với Tổng Lãnh Thiên Thần Gáprien tung hô mầu nhiệm cao cả của Thiên Chúa mỗi khi đọc kinh”kính mừng”, để chúng ta cùng với Tổng Lãnh Thiên Thần Raphaen cứu chữa phần xác và phần hồn mọi người.

Lạy Chúa là Đấng thượng trí vô song, Chúa đã muốn cho Thiên Thần và người thế cộng tác vào chương trình cứu độ. Xin cho các Thiên Thần đang phục vụ Chúa trên trời cũng luôn luôn phù hộ chúng con ở dưới đất( Lời nguyện nhập lễ, lễ Các Tổng Lãnh Thiên Thần Micaen, Gáprien, Raphaen ).

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT

Thánh Venceslao, Tử đạo

Ngày 28/ 9: Thánh Venceslao, Tử đạo

Thánh Venceslao cai trị Bôhêmia vào thời mà miền này mới chỉ có một phần theo Kitô giáo. Cha Ngài, ông Vratilar, là người khôn ngoan dũng cảm lương thiện, một Kitô hữu nhân đức nhưng bà Drahomira mẹ Ngài lại ngả theo lương dân. Em Ngài là Boleslao. Ludmila, bà nội của hai con trẻ, thấy rõ sự nguy hiểm cho cháu nên đã lo giáo dục Venceslao. Còn thánh Venceslao, con người có nhiều đức tính đáng phục đã đáp ứng hoàn toàn sự lo lắng của bà nội. Từ đó Ngài đã có lòng mộ mến các nhân đức, siêng năng tìm hiểu lẽ đạo để sống thành một Kitô hữu chân chính.
Chẳng may ông Vratilar từ trần trong một trận chiến. Bà Drahomira lên nắm quyền nhiếp chính. Bà độc ác và gian xảo, bà đã sát hại các Kitô hữu, triệt hạ các nhà thờ, cấm hành đạo công khai và dạy giáo lý cho trẻ em. Các Kitô hữu có chức phận bị cách chức, nhường chỗ cho lương dân.
Đau lòng vì sự dữ lan tràn, bà Ludmila thuyết phục Venceslao lên nắm quyền. Nhưng để tránh cuộc tranh chấp tương tàn, người ta chia đôi lãnh thổ, một phần trao cho Boleslaô. Lên cai trị với sự tán đồng của dân chúng, thánh Venceslaô chỉ mong cho thần dân được hạnh phúc. Ngài cai trị bằng lòng nhân từ hơn là bằng sức mạnh. Ngài lo trợ giúp mọi cô nhi quả phụ, mọi người nghèo khổ. Thỉnh thoảng trong đêm tối, Ngài vác củi đến cho người bất hạnh, Ngài phóng thích các tù nhân và tìm đến an ủi họ. Nếu phải kết án, chính Ngài đã khóc thương. Ngài luôn kính phục các Linh mục, tự trồng nho ép rượu và giúp lễ. Đêm đêm, Ngài đi chân không đến viếng các nhà thờ. Trong một cuộc hành hương như vậy, người hầu cận cho biết chân mình đã tê cóng không thể đi thêm được nữa. Thánh nhân dặn, hãy đạp lên vết chân Ngài. Anh ta đã vâng theo và cảm thấy ấm áp toàn thân.
Drahomira tức giận vì sự êm ấm trong miền Bôhêmia theo Kitô giáo. Bà quyết sát hại Ludmila, người đàn bà nhân đức làm cố vấn cho Venceslao. Hai kẻ sát nhân đã hành sự ngay dưới chân bàn thờ. Sau đó đến lượt thánh Venceslao, người mẹ ác đức đã xúi Radislas nổi loạn. Ông này tập trung một đạo quân hùng hậu đến gây chiến. Khi hai bên giáp trận, thánh Venceslao đã đơn phương độc mã lâm trận chiến như một David giáp mặt Goliath. Thế nhưng Radislas đã xin đầu hàng. Ông ta thấy thiên thần trợ chiến cho Venceslao.
Một lần phải đến tham dự một cuộc họp ở Worm theo lệnh của Hoàng đế Othon I, thánh Venceslao đã tới trễ. Ngài muốn dự hai thánh lễ. Hoàng đế bực tức vì sự chậm trễ này, quyết định sẽ không đứng dậy khi thánh nhân đến. Nhưng rồi khi Ngài tới nơi, ông bỗng đứng lên và mời ngồi bên cạnh mình. Ông cũng đã thấy hai thiên thần hộ vệ và bao phủ Ngài bằng một thánh giá vàng.
Boleslaô, theo lời khuyên của mẹ, quyết hạ sát thánh nhân, hắn lấy tình nghĩa để che lấp ý đồ đen tối của mình. Được mời tới để mừng lễ hai thánh Cosma và Đamianô, thánh Venceslao không một chút nghi ngại gì. Buổi lễ thật linh đình. Đêm sau thánh Venceslao đến nhà thờ cầu nguyện như thói quen. Boleslaô tàng hình theo sau và đã hạ sát thánh nhân ngày 28 tháng 9 năm 935. Trước cửa đền thờ, miệng khẩn cầu ơn tha thứ cho em mình. Thánh nhân từ trần trên vũng máu đào. Sau cái chết, thánh Venceslao được dân chúng tôn kính như một vị tử đạo và trở thành đấng thánh bảo trợ cho xứ Bôhêmia, nay là Czecheslavia.
Mừng lễ thánh Venceslao, xin Chúa qua lời chuyển cầu của thánh nhân ban cho mỗi chúng ta lòng can đảm dám sống cho sự thật và tình yêu.

Thánh Vinh-sơn Phaolô,linh mục

Thánh Vinh-sơn Phaolô,linh mục
(St. Vincent de Paul)
Ngày 27/9

Lc 9, 18-22

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT


Nói về một con người, đề cập đến cuộc sống của một con người là nói lên cuộc sống của con người ấy : thời gian họ sống, thái độ, tư tưởng, cách sống của họ.Thánh Vinh-sơn Phaolô,linh mục là nét đẹp tô điểm Giáo Hội Chúa Kitô.

THÁNH VINH-SƠN PHAOLÔ

Thánh Vinh-sơn Phaolô,sinh tại Pouy miền Aquitaine nước Pháp vào khoảng năm 1581.Ngài lãnh sứ vụ linh mục vào năm 1600.Cuộc đời của Ngài, ngay từ hồi còn thơ ấu đã nổi rõ nét là một con người đầy vị tha,bác ái và hay thương xót những kẻ nghèo hèn.Chính vì thế, thánh Vinh-sơn Phaolô đã luôn rao giảng lòng thương xót của Chúa và sống chứng nhân tình yêu của Chúa trong mọi trạng huống của cuộc đời.Dù với bất cứ chức vụ nào:Bề trên Dòng Thăm Viếng, Bề Trên Tu Hội triều hay trong cương vịcủa một mục tử,thánh Vinh-sơn Phaolô đã luôn chu toàn trách vụ cách hết sức khôn ngoan.Ngài yêu thương các người nghèo khó,những kẻ đau khổ,những kẻ lao động vất vả,đặc biệt Ngài lưu tâm đến việc giáo dục các thiếu nữ.Lời Chúa trong bài giảng tám mối phúc thật Mt 5, 1tt, được Ngài thực hiện cách tận căn: đi và dậy người ta bước đi trên con đường hiến chương nước trời.Ngài đã sống tận cùng lời Chúa:cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống,cho kẻ rách rưới ăn mặc,thăm viếng kẻ bị tù đầy vv.(Mt 25, 1tt ).
Chúa đã dậy mọi người bài học yêu thương.Yêu thương tận cùng và yêu thương không ngừng.Chính Chúa đã sống tận cùng sự yêu thương bằng cái chết trên thập hình.Chết mới nói lên lời.Trên thập giá, Chúa đã nói lên tất cả:yêu thương và tha thứ.Chúa đã trở nên nghèo, để sống với người nghèo.Thánh Vinh-sơn Phaolô đã yêu thương người nghèo,những kẻ bơ vơ vất vưởng,đầu đường xó chợ,không nhà không cửa.Theo gương Chúa,thánh Vinh-sơn Phaolô đã luôn cứu giúp người nghèo,sống như người nghèo trong việc phục vụ, lao động để gần gũi chúa.Phục vụ người nghèo là phục vụ Chúa.Sống như người nghèo là sống như Chúa.Gặp gỡ người nghèo là gặp gỡ Chúa.

MỘT GƯƠNG SÁNG

Thánh Vinh-sơn Phaolô lúc nào cũng tận tụy với công việc. Dù cuộc đời Ngài đã cao tuổi,thánh Vinh-sơn lúc nào cũng rao giảng Tin Mừng, loan báo Tin vui của Chúa không mệt mỏi, không chán nản.Người ta không ngại gọi Ngài là vị tông đồ của giới lao động.Vì quả thực,với tuổi già sức yếu,Ngài luôn hoàn thành sứ mạng của vị mục tử, luôn chu toàn trách vụ của đời linh mục.Ngài luôn tâm niệm lời Chúa:" .đến để phục vụ, đến để tìm kiếm và đến để qui tụ ".
Ngài qua đời vào năm 1660 sau khi đang miệt mài với sứ vụ của mình. Chúa thưởng công Ngài bằng muôn vàn phép lạ sau khi an nghỉ, vì thế, Ðức Giáo Hoàng Clêmentê XIII đã nâng Ngài lên bậc hiển thánh .Với các việc làm mang tính xã hội tuyệt vời của Ngài lúc còn sống, Ðức Thánh Cha Lêô XIII đã tôn Ngài làm bổn mạng các hội từ thiện công giáo.

Lạy thánh Vinh-sơn Phaolô,linh mục xin cầu bầu cho chúng con trước tòa Chúa để chúng con biết bắc chước Ngài mà sống yêu thương,bác ái đối với mọi người.