Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

Thánh Bartôlômêô Tông Đồ

Thánh Bartôlômêô Tông Đồ

Sưu tầm
Thánh Bartolomeo - trong Phúc Âm đôi khi còn được gọi là Nathanael - là một trong mười hai tông đồ. Ngài quê ở thành Cana xứ Galilê. Bạn thân ngài là thánh Philipphê đã đưa ngài đến gặp Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã hết lời khen ngợi thánh nhân khi vừa gặp mặt: Đây là một người Israel chân chính, không có gì gian trá. Thánh nhân đã giảng đạo tại miền Ả rập, và sau đó, tại Armenia, nơi ngài đã chịu tử vì đạo.

 Cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu.
Truyền thống vẫn coi Bartholomeo chính là Nathanael, bạn thân của Philipphê, người đã loan tin về cuộc gặp đầy vui mừng với Chúa Giêsu: Chúng tôi đã được gặp Đấng mà Moses trong Lề Luật và các tiên tri đã viết về, đó là Đức Giêsu, con ông Giuse thành Nazareth. Nathanael, cũng như mọi người Do Thái tốt lành khác, đều biết Đấng Cứu Thế sẽ xuất thân từ thành Bêlem, quê hương vua Đavít. Vì chính ngôn sứ Michah đã tiên báo: Còn ngươi, hỡi Bêlem, thuộc Ephrathah, ngươi không phải là nhỏ bé nhất giữa các tộc Giuđa đâu, vì từ ngươi sẽ xuất hiện Đấng cai trị trên Israel. Có lẽ diện tích nhỏ bé của làng Nazareth đã khiến Nathanael thốt lên lời khinh thường: Từ Nazareth có cái chi hay đâu? Không cần giải thích, Philipphê đã mời người bạn của mình đến gặp Thầy Chí Thánh. Hãy đến mà xem. Philipphê đã quá biết Chúa Kitô không làm ai phải thất vọng. Chúa Giêsu đã kêu gọi Nathanael qua Philipphê, cũng như Người đã kêu gọi Phêrô qua anh trai là Anrê. Đó là đường lối quan phòng của Chúa – mời gọi và hướng dẫn chúng ta thông qua những người khác. Thiên Chúa không muốn hoạt động một mình: Sự khôn ngoan và tốt lành của Người cho chúng ta cộng tác vào công trình tạo dựng và trật tự của mọi vật. Bao nhiêu lần chúng ta đã sẵn lòng làm khí cụ, để cho bè bạn và người thân của chúng ta có thể nhận ra tiếng Chúa kêu gọi họ? Bao nhiêu lần chúng ta đã lên tiếng như thánh Philipphê: Hãy đến mà xem?
Nathanael vui vẻ đi với Philipphê đến gặp Chúa Giêsu… và ông đã kinh ngạc. Thầy Chí Thánh đã chiếm được lòng trung thành đến cùng của Nathanael. Khi nhìn thấy Nathanael cùng với Philipphê đến với mình, Chúa đã nói: Đây là một người Israel chân chính, không có gì gian trá! Thật là một lời ca ngợi quí báu biết bao! Nathanael ngạc nhiên, và hỏi lại: Tại sao Ngài biết tôi? Và Chúa đã đáp lại – cũng là cho chúng ta - bằng những lời đầy mầu nhiệm, nhưng rõ ràng và có sức soi sáng: Trước khi Philipphê gọi ngươi, lúc ngươi còn ở dưới gốc cây vả, Ta đã nhìn thấy ngươi.
Khi nghe Chúa Giêsu nói, Nathanael đã hiểu tỏ tường. Những lời của Chúa nhắc nhở ông về một biến cố riêng tư: có lẽ đó là lời xác nhận về một quyết định nào đó ông sắp thực hiện. Cuộc gặp gỡ đã khiến Nathanael phải thốt ra một lời công khai tuyên xưng niềm tin vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế: Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel. Chúa đã đáp lại: Bởi vì Ta đã bảo cho ngươi rằng Ta đã nhìn thấy ngươi ở dưới gốc cây vả, nên ngươi đã tin. Ngươi sẽ còn nhìn thấy nhiều điều lớn lao hơn nữa. Chúa Giêsu còn mượn lời từ một bản văn của ngôn sứ Daniel, để nhấn mạnh đến những lời Người vừa nói với người môn đệ này: Quả thật, quả thật, Ta nói với ngươi, ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người.
Lời ca ngợi của Chúa. Nhân đức thành thực.
Trong lời Chúa Giêsu ca ngợi Nathanael, chúng ta nhận ra Người đặc biệt yêu chuộng những tâm hồn thành thực. Người gian trá là người hai lưỡi, một lưỡi nói sự thật, còn lưỡi kia nói lời dối trá. Thầy Chí Thánh nói về người môn đệ mới là không có gì gian trá: không có gì giả tạo. Chớ gì mỗi người chúng ta cũng được ca ngợi bằng những lời như thế, bởi vì chúng ta là những người đang cố gắng sống phù hợp với đức tin chúng ta đã tuyên xưng, với tất cả những hệ quả của nó. Kẻ dối trá toàn những tráo trở, luôn luôn thay đổi, lúc nào như một cái chuông vỡ: Bạn đang đọc quyển tự điển về những từ đồng nghĩa của từ thiếu thành thực: ‘hai mặt, phiến diện, vụng trộm, tránh né.’ Khi bạn đóng quyển sách lại, bạn đã xin Chúa để đừng bao giờ có ai áp dụng những tính từ ấy vào bạn, và bạn quyết tâm theo đuổi hơn nữa nhân đức thành thực, một nhân đức vừa siêu nhiên vừa nhân bản.
Nhân đức này là điều căn bản để theo Chúa Kitô, bởi vì Người là Sự Thật chí thánh, Người gớm ghét tất cả những gì là gian trá. Ngay cả những đối thủ của Chúa Kitô cũng phải nhìn nhận Người yêu chuộng sự thật. Có lần họ đã nhìn nhận: Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật, và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. Chúa dạy chúng ta phải có những tư tưởng ước muốn phù hợp với chân lý: Có thì nói có, không thì nói không – thêm điều đặt chuyện là do sự dữ mà ra. Ngược lại, ma quỉ là cha sự dối trá, bởi vì lúc nào chúng cũng ra sức lôi kéo con người vào đàng tội lỗi, tức là sự dối trá kinh khủng nhất. Chúa Giêsu là Đấng lúc nào cũng cảm thông và nhân ái trước mọi yếu đuối của con người, nhưng Người đã nghiêm khắc kết án thói giả hình của bọn Biệt Phái. Từ đó, chúng ta có thể tưởng tượng Chúa đã hài lòng như thế nào trong cuộc gặp gỡ với Nathanael.
Chân lý sẽ đưa chúng ta đến tự do đích thực. Phúc Âm đã thiết lập một tương quan mật thiết giữa sự thật và tự do. Chúa Giêsu Kitô gặp gỡ nhân loại thuộc mọi thời đại, kể cả chúng ta, bằng những lời vẫn như thế: ‘Các ngươi sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải thoát các ngươi’ (Ga 8:32). Những lời ấy đồng thời cũng hàm chứa một đòi hỏi cơ bản và một khuyến cáo: chân thành sống theo chân lý là điều kiện để được tự do đích thực.13 Ước chi chúng ta đừng bao giờ sợ hãi sự thật, mặc dù đôi khi sự thật dường như chỉ đem lại phiền toái, và chúng ta có thể tránh khỏi chỉ bằng một lời nói dối. Thiện ích chỉ xuất phát từ sự thật. Nói dối - dù chỉ giấu giếm một chút sự thật - không bao giờ đem lại giá trị vững bền, ngay cả trong vấn đề kiếm lợi kinh tế, hoặc giải gỡ chúng ta khỏi hình phạt hay một thời gian khốn khó.

 Thành thực với Chúa trong việc linh hướng và trong cuộc sống với tha nhân. Nhân đức đơn sơ.
Chúng ta cần phải sống chân thật và thành thực trong tương quan với tha nhân. Thiếu nhân đức này, việc sống chung trở nên khó khăn hoặc thậm chí còn bất khả. Tóm lại, nếu bị tách rời khỏi sự thật, cuộc sống nhân loại sẽ trở nên ngày càng u ám và tăm tối vì sai lạc. Khi ấy, mặc dù không ý thức, nhưng xã hội sẽ bắt đầu tự lừa dối, bằng việc ưa chuộng sự dữ hơn sự lành.
Chúng ta phải sống hết sức thành thực với Thiên Chúa, đến với Người không chút gian dối, không chút che đậy, vui tươi tin tưởng như một người con trước sự hiện diện đầy nhân ái của cha mẹ.
Nhân đức này đặc biệt cần thiết trong việc linh hướng: chúng ta phải bộc lộ tình trạng linh hồn mình cho những vị hữu trách nhân danh Chúa mà giúp đỡ chúng ta trên con đường về trời. Nơi toà cáo giải, thành thực là điều rất quan trọng, vì một người không nhìn nhận tội lỗi thì không thể nhận lãnh ơn Chúa. Huống nữa, đây không phải chỉ là vấn đề thành thực với con người, mà là với chính Thiên Chúa.
Thái độ giả trá, lừa lọc không thể đem lại những lợi ích. Thánh Augustine nói, Kẻ đến với bác sĩ để được chữa lành, nhưng lại quên mất mình đang nói chuyện với ai, chỉ đưa ra những cơ phận khỏe mạnh mà giấu giếm những cơ phận yếu bệnh. Thiên Chúa là Đấng duy nhất có thể chữa lành những vết thương của bạn, chứ không phải bản thân bạn. Nếu bạn dùng những miếng băng để che giấu những vết thương của mình, bác sĩ sẽ không thể chữa lành cho bạn được. Cần phải để bác sĩ thực hiện việc băng bó, bởi vì ông sẽ băng các vết thương với thứ thuốc đặc hiệu. Trong khi các vết thương lành là nhờ việc chữa trị của bác sĩ, thì chúng lại mưng mủ vì việc xen vào thiếu kinh nghiệm của chính bệnh nhân. Bạn nghĩ bạn giấu
giếm những điều ấy với Đấng nào? Đó là Đấng biết hết mọi sự. Nếu chúng ta thành tâm, tội lỗi còn trở nên một thuận lợi để gắn bó chúng ta mật thiết hơn với Thiên Chúa.
Đi liền với sự thành thực là lòng đơn sơ, một nhân đức mà chúng ta thán phục nơi thánh Bartholomeo, một nhân đức cần thiết giúp chúng ta gặp được Thiên Chúa. Ngược lại với nhân đức này là sự phô trương trong ngôn ngữ và hành vi, ước muốn được nổi trội, hợm hĩnh, khoác lác hay cao ngạo. Đó là những khiếm điểm khiến chúng ta bước theo Chúa rất khó khăn, và tạo nên những trở ngại nghiêm trọng khiến chúng ta không thể giúp tha nhân đến được với Chúa Giêsu. Người đơn sơ không gặp rắc rối hay phức tạp. Họ nhắm thẳng đến việc làm hài lòng Chúa trong mọi sự. Thành thực và đơn sơ là hai nhân đức nhân bản diệu kỳ giúp ta nhận lãnh sứ điệp của Chúa Kitô. Ngược lại, tất cả những rắc rối và phức tạp nội tâm, quanh co và lật lọng, chỉ tạo nên trở ngại khiến ta không thể nghe được tiếng Chúa.
Hôm nay, chúng ta xin thánh Bartholomeo giúp chúng ta thực hành hai nhân đức rất đẹp lòng Chúa và cần thiết cho đời sống cầu nguyện, trong tình thân ái và cách cư xử với tha nhân, cũng như trong công việc tông đồ. Chúng ta xin Đức Mẹ ban ơn để sống trọn một cuộc sống không có những thủ đoạn, luôn luôn thành thực và đơn sơ: ‘Tota pulchra es Maria, et macula original non est in te’… ‘Lạy Mẹ Maria, Mẹ toàn mỹ, không hề vương vấn nguyên tội!’ Nơi Mẹ, không có một bóng mờ tráo trở. Hằng ngày, tôi cầu nguyện xin Đức Mẹ ban cho chúng ta biết cởi mở tâm hồn khi thụ hướng, và để ánh sáng ân sủng có thể chiếu giãi toàn bộ cách sống của chúng ta.
Nếu như chúng ta nài xin, Đức Mẹ sẽ ban cho chúng ta ơn can đảm biết sống thành thực, để có thể đến gần Thiên Chúa Ba Ngôi hơn nữa.18 Hôm nay, thánh Bartholomeo sẽ là vị cầu bầu chủ yếu cho chúng ta với Đức Mẹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét