Mừng
lễ Thánh Mônica: vai trò của hiền mẫu
Chủ nhật - 26/08/2012 18:37
Ngày 27/08 hàng năm, nhiều
xứ đạo lại hồ hởi tổ chức lễ mừng kính Thánh nữ Mônica, bổn mạng của giới hiền mẫu.
Đây là dịp thuận tiện để những người làm mẹ nhìn lại trách nhiệm và vai trò của
mình trong việc chăm lo giáo dục đời sống đức tin cho con cái và xây dựng bầu
khí gia đình ngày càng thấm đượm Tin Mừng hơn. Gương sáng đạo hạnh của Thánh
Mônica trở thành chuẩn mực cho các hiền mẫu noi theo để “sống thánh” trong gia
đình và giữa đời thường.
Cuộc sống hôm nay đang đặt ra
nhiều thách đố cho các gia đình, đặc biệt là các gia đình Công giáo. Nhu cầu
hưởng thụ vật chất ngày càng cao cùng với lối sống có xu hướng cá nhân hóa đã
tạo nên những khó khăn không nhỏ trong việc duy trì mối tương quan tốt đẹp
trong gia đình. Nhiều biểu hiện sa sút trầm trọng, phổ biến nơi những người trẻ
là tiếng chuông báo động khẩn thiết cho những bậc làm cha mẹ. Các phương tiện
truyền thông thường xuyên đưa tin “nóng” về thảm trạng nhiều “trai tơ, kiều nữ”
dấn sâu vào con đường phạm tội. Biết bao người mẹ đã không thể ngăn tiếng khóc
đắng cay, đau xót nhìn theo bóng hình con yêu lẫm lũi bước vào chốn lao tù !
Tiếng khóc ấy gợi cho chúng ta nhớ đến tiếng khóc của Bà Mônica xưa, nó đã bật
lên như một lời cầu nguyện.
Mônica sinh năm 331 tại Thagaste, Phi Châu (thuộc
Algerie ngày nay). Thánh nữ Mônica đã gặp phải nhiều khó khăn thử thách trong
đời sống gia đình tưởng chừng khó có thể vượt qua nổi. Việc thành hôn với
Patricius, một người ngoại giáo đã tạo nên bước ngoặt trong cuộc đời Mônica. Là
một viên chức hành chính tại Thagaste, thuộc dòng dõi quý phái nhưng tính khí
Patricius lại rất nóng nảy, ngang tàng, ưa phóng khoáng vô độ. Mặc dù rất nể
phục đời sống đạo hạnh của Mônica nhưng Patricius rất khó hòa hợp với vợ mình
về quan điểm niềm tin tôn giáo. Ông nhất mực không cho các con được lãnh phép
Thánh Tẩy. Hơn nữa, mẹ của Patricius là người rất khó tính, lại tỏ thái độ bênh
vực chủ trương không tôn giáo và lối sống phóng túng của con mình. Tình cảnh
này đã khiến cho Mônica phải đau khổ rất nhiều. Trong âm thầm đau đớn, Thánh nữ
đã khóc ròng rã suốt nhiều năm trường, mong cho gia đình được ấm êm, sung túc.
Tiếng khóc của Mônica không tuyệt vọng nhưng luôn chứa đựng niềm tin tưởng
tuyệt đối nơi Chúa, Đấng sẽ lái con thuyền gia đình thánh nhân cập bến hạnh
phúc. Nhờ tâm hồn hiền hòa, đơn sơ, nhẫn nhục chịu đựng và sự thánh thiện lan tỏa,
Mônica đã chinh phục được Patricius cùng mẹ chồng, đã đưa họ trở lại với Kitô
giáo. Patricius mất năm 371 sau khi đã được rửa tội, bỏ lại vợ hiền Mônica cùng
3 đứa con thơ, trong đó có Augustinô. Một mình Mônica tiếp tục mang gánh nặng
gia đình.
Người con trưởng của Mônica là Augustinô thông minh,
lanh lợi, hoạt bát nhưng tính tình phóng khoáng, thích đời sống tự do như thân
phụ lúc sinh thời. Do đó, Augustinô không thể “lọt tai” giáo huấn lề luật Đạo
Chúa và Giáo Hội mà mẹ ông truyền đạt. Trái lại, ông thích thú sống theo các quan
điểm và triết thuyết cổ vũ một lối sống phóng túng, buông thả, tự do như thuyết
Manikê. Mônica vô cùng đau buồn khi thấy con mình trượt dài trên con đường tội
lỗi, xa lìa đức tin. Thánh nữ càng tha thiết cầu nguyện, cầu nguyện trong tiếng
khóc, mong đứa con hư hỏng sớm thức tỉnh trở về cùng Chúa và Giáo Hội. Mônica
đã luôn theo sát Augustinô trên bước đường công danh, sự nghiệp của ông với hy
vọng cảm hóa con mình. Những năm tháng “thỏa chí tang bồng” trên đất Ý của
Augustinô đã ghi đậm dấu ấn tận hiến tâm lực của Mônica. Vui vẻ chịu đau khổ,
Thánh nữ đã không quản trước bất cứ hy sinh, cam go nào miễn là Augustinô nghe
được tiếng Chúa gọi. Lời kinh nguyện của Mônica đã thấm đẫm nước mắt của người
mẹ phải đau khổ tận cùng. Bà đã khóc nhiều đến nỗi có người nói rằng “Mônica
không còn nước mắt để khóc nữa”. Thánh Ambrôsiô, người có ảnh hưởng rất lớn
đến cuộc đời Augustinô, cũng là vị linh hướng của Thánh Mônica, đã an ủi bà: “Nước
mắt bà không vô ích đâu, bà hãy cứ vững lòng trông cậy. Augustinô con bà sẽ trở
lại !”. Đúng là nước mắt và lời cầu nguyện của Mônica đã “không vô ích”.
Chúa đã bù đắp cho Thánh Mônica vượt xa ước nguyện, sự hy sinh của ngài suốt
những năm trường. Lễ Phục Sinh năm 387, chính Giám mục Ambrôsiô đã rửa tội cho
Augustinô. Không những Augustinô được ơn làm một Kitô hữu chân chính mà còn trở
thành một linh mục. Hơn thế nữa, Augustinô đã trở thành một giám mục tài đức,
tận tụy với đàn chiên, đã sống một cuộc đời hoàn toàn lo tìm kiếm Thiên Chúa và
phục vụ Hội Thánh.
Vậy là Mônica hoàn toàn toại nguyện. Sau biến cố trở
lại với Chúa của người chồng và đặc biệt của Augustinô, Thánh Mônica đã hân
hoan từ giã cõi đời ở tuổi 56 trong tâm tình tạ ơn sau hành trình thập giá với
nhiều đắng cay, khổ lụy của đời sống gia đình. Lời tâm huyết của thánh nhân với
Augustinô còn dư âm mãi trong chúng ta: “Con ơi, riêng phần mẹ, mẹ chẳng còn
lấy chi làm vui thích trên trần gian này nữa,…Thiên Chúa đã ban cho mẹ quá lòng
mẹ mong ước: mẹ còn đang được thấy con khinh chê hạnh phúc trần gian mà làm tôi
tớ phụng sự Người. Bây giờ mẹ ở đây làm chi nữa ?” (Các bài đọc Kinh Sách,
tr. 567).
Thật vinh dự cho các bà mẹ của chúng ta khi nhận Thánh
Mônica làm bổn mạng. Là hiền mẫu, những người làm vợ, làm mẹ được mời gọi nhìn
lên Thánh Mônica để chiêm ngắm, học hỏi, nhất là sống “tinh thần Mônica” ngay trong
đời sống gia đình. Không dừng lại ở việc tổ chức mừng lễ Thánh Monica như một
thông lệ, giới hiền mẫu cần thể hiện vai trò chứng nhân Tin Mừng trước bao
nhiêu khó khăn, thúc bách đối với gia đình mình. Dẫu biết, vô vàn những cam go,
nan giải đang đặt ra cho những người làm mẹ, đôi khi những khó khăn vượt quá
khả năng chịu đựng của các bà, các chị. Nào là nhu cầu cơm áo, gạo tiền đòi hỏi
những người mẹ phải cật lực hơn, hy sinh hơn. Nào là bối bận tâm lo cho cuộc
sống tương lai của con cái có nơi ăn, chốn ở đàng hoàng, có nghề nghiệp, vị thế
ổn định trong xã hội. Và còn vô kể những mối lo toan khác đôi khi đã làm cho
những người mẹ của chúng ta phải hoang mang, đau khổ bởi gánh nặng gia đình:
những đứa con hư hỏng, những ông chồng sa đọa… Biết bao người mẹ đã khóc, đã rơi
vào cơn tuyệt vọng vì khó cứu vãn nổi hạnh phúc gia đình. Trong hoàn cảnh đó,
chúng ta rất đỗi cảm phục nhiều người mẹ trong giới hiền mẫu đã thể hiện sinh
động trách nhiệm và vai trò của những “Monica mới”, sống hiền hòa, nhẫn nhục,
âm thầm hy sinh và kiên trì cầu nguyện.
Theo gương Thánh Mônica, những người mẹ đã sống một
đời tận hiến cho hạnh phúc của chồng con, đã thức khuay dậy sớm, tần tảo lo cho
chồng con có một cuộc sống ổn định, nhất là có điều kiện tốt để phát triển bầu
khí gia đình ngày càng thấm nhuần Tin Mừng hơn.
Theo gương Thánh Mônica, các bà, các chị đã ân cần,
tha thiết dâng lên Chúa câu than, tiếng khóc, nỗi niềm đau khổ bởi gánh nặng
gia đình. Như Thánh Mônica, những người mẹ của chúng ta luôn trọn niềm phó
thác, tin tưởng Chúa sẽ thánh hóa nước mắt và lời kinh đau khổ, chúc lành cho
những hy sinh thầm lặng trở thành mảnh đất tốt trổ sinh nhiều hoa thơm thánh thiện
trong gia đình, giữa lòng Giáo Hội và xã hội hôm nay.
Trong tâm tình tạ ơn Chúa, chúng ta hãy cùng giới hiền
mẫu hát lên “Khúc ca một người mẹ”: “Người mẹ hiền Mônica, trong
phong ba bão táp gia đình, lời nguyện cầu không ngưng nghỉ, nhìn về trời kiên
vững niềm tin. Dù biển cuộc đời nổi dông phong ba, dù tình loài người dửng dưng
phôi pha, lòng người mẹ hiền niềm tin không vơi, nguyện một lòng son tin vào
Chúa Trời…” (Khúc ca một người mẹ, nhạc và lời Hồng - Bính).
Mừng lễ Thánh Mônica
năm 2012
J.B.
Nguyễn Quốc Tuấn
Nguồn tin: giaophanvinh.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét