Thánh ĐAMINH
nhà giảng thuyết
Mặc dầu là tổ phụ của một Dòng chuyên việc giảng thuyết, Thánh Đa
Minh không phải là nhà Thuyết Giáo bẩm sinh. Ngài đã phải nỗ lực nhiều để trở
thành nhà Thuyết Giáo. Nếu Đức Giêsu có 30 năm ẩn dật ở Nagiarét, thì Đa Minh
khởi sự giảng thuyết khi đã 35 tuổi, sau một tiến trình dài chuẩn bị có định
hướng trong học hành và cầu nguyện. Tiếp theo đó là 10 năm du thuyết theo sự
thúc đẩy của Thánh Thần. Cha Đa Minh đã hình thành những kinh nghiệm sâu sắc để
truyền thụ cho môn sinh mình trong sáu năm cuối đời. Xin mở lại những trang sử,
để theo dõi những chặng đường tâm linh của Ngài, khởi từ chiếc nôi gia đình.
Thánh Đa Minh sinh ngày 24-6-1170 tại Caleruega thuộc giáo phận
Osma, miền Castille, nước Tây Ban Nha. Thân phụ ngài là bá tước Felix de
Guzman, thân mẫu là chân phước Gioanna de Aza. Ba anh em trai đều thụ phong
linh mục, người anh cả Antôniô làm tuyên úy bệnh viện, còn anh thứ Mannes, sau
vào Dòng Thuyết Giáo của em mình.
1/ Cây trồng trên đất chọn lựa
Ngay từ khi chào đời và trong suốt thời thơ ấu, Đa Minh đã được
sống trong bầu khí thuận lợi cho sứ vụ trong tương lai. Tuy thuộc gia đình quí
tộc, mọi người đã đón chờ và nuôi dưỡng cậu để trở thành giáo sĩ chứ không phải
hiệp sĩ. Trước khi sinh, bà Gioanna mơ thấy từ lòng mình có con chó nhảy ra,
cắn bó đuốc chạy khắp địa cầu. Giấc mộng đó chứng tỏ bà ước mong con trai mình
trở thành nhà thuyết giáo. Ước vọng tốt đẹp được diễn ra trong mộng bằng biểu
tượng phổ biến đương thời : vì hình ảnh "con chó ngậm bó đuốc sáng
rực" biểu hiệu nhà thuyết giáo, hỗ trợ vị mục tử Giêsu, canh chừng cho
đoàn chiên khỏi sói rừng, đã từng xuất hiện trong tiểu sử thánh Benađô
(1090-1153) cũng như nhiều bản văn thời Trung Cổ. Tóm lại, Đa Minh từ bé đã
được đào tạo để phục vụ Thiên Chúa.
Như thế, những câu chuyện hấp dẫn thời thơ ấu của Đa Minh, có lẽ
chính là bài học của người thân muốn truyền thụ cho cậu hoài bão lớn lao ấy.
Ngôi sao trên trán là lời nhắc nhủ sống thánh thiện cao vời, những sự kiện đơn
sơ như nằm đất được dùng để nói đến hy sinh. Rồi khi Đa Minh bảy tuổi, gia đình
đã gửi đến cậu ruột là linh mục xứ Gumiel gần đó. Constantin d'Ovieto so sánh
sự kiện này như tiên tri Samuel được gửi đến thày cả Hêli trong Cựu Ước. Bảy
năm sau, Đa Minh được theo học tại trường nhà thờ chính tòa Palencia. Nơi đây,
Đa Minh không màng đến văn chương nghệ thuật, chỉ miệt mài học hỏi Lời Chúa.
Đến độ "nhiều đêm gần như không ngủ để học hỏi Kinh Thánh".
Sau này Kinh Thánh vốn là nguồn suy niệm không bao giờ cạn của
thánh Đa Minh. Hành trang ngài luôn mang theo là Phúc Âm thánh Matthêu và các
thư thánh Phaolô. Trên đường đi thuyết giáo, mỗi tối ngài đưa các bạn đồng hành
vào nơi thanh vắng, cùng nhau đọc một vài đoạn Sách Thánh và chia sẻ cho nhau
những gì mình suy niệm. Còn giờ đây ở Palencia, Đa Minh đang nghiền gẫm và khám
phá Đức Kitô cũng như giáo huấn của Ngài.
2/ Kinh nghiệm giác ngộ
Nhiều nhà sử học gần đây thường coi kinh nghiệm giác ngộ, đổi đời,
hay hoán cải của Đa Minh đã diễn ra trong biến cố bán sách giúp người nghèo.
Nạn đói đang hoành hành ở Palencia, cũng như khắp Tây Ban Nha, trở thành lời
kêu gọi phải hành động. Những năm gắn bó với Kinh Thánh đã sinh hoa kết trái.
Từ một người nghiên cứu Kinh Thánh, cậu sinh viên Đa Minh trở thành người sống
triệt để Tin Mừng.
Vì đối với một sinh viên trẻ, bộ Tin Mừng và phần chú giải mà mình
đã bỏ bao nhiêu thời gian để nắn nót ghi chép là cả một gia tài vô giá không
thể lìa xa. Thế mà, chàng sinh viên Đa Minh đã đem bán gia tài ấy cùng với
những vật dụng khác để có tiền giúp người nghèo. Anh nói : "Tôi không thể
học trên trên những miếng da chết đang khi người khác chết đói". Như thế
Tin Mừng đối với Đa Minh không còn là những hàng chữ chết nữa, mà đã trở thành
Lời ban sự sống. Thánh Jordano nhấn mạnh quyết định bán sách của Đa Minh được
thực hiện nhanh chóng, ngay lập tức, vì muốn thực hiện Lời Chúa : "Ai muốn
nên trọn lành, hãy về bán hết gia tài, bố thí cho người nghèo, đoạn hãy theo
Tôi" (Mt.19,21). Chúa lên tiếng gọi và Đa Minh đã đáp trả vững vàng.
Sau khi hoàn tất chương trình học, Đa Minh theo lời mời của linh
mục Diego, gia nhập hội kinh sĩ địa phận Osma. Ít lâu sau, anh thụ phong linh
mục và làm phó bề trên kinh sĩ đoàn.
3/ Tại Osma
Gia nhập kinh sĩ đoàn trong thời vàng son này, cha Đa Minh đã học
được kinh nghiệm sống chung theo tinh thần Giáo Hội tiên khởi (Cv.4,32). Theo
tu luật Augustino, các kinh sĩ sống hòa hợp "một trái tim một tâm
hồn", để tài sản làm của chung, đề cao kinh nguyên chung, việc học hành và
chia nhau đi rao giảng, giúp đỡ người bất hạnh. Tại Osma, cha Đa Minh nổi bật
về lòng khiêm tốn, trở nên người rốt hết trong cộng đoàn. Sau này, điều đầu
tiên ngài căn dặn về việc huấn luyện tập sinh, là sống khiêm tốn trong lòng
cũng như bên ngoài. Ngoài ra thánh Jordano còn ghi nhận, cha Đa Minh đã sử dụng
cuốn "Đối chiếu các giáo phụ", bàn về các nết xấu và cuộc đời hoàn
thiện. Nhờ đó cha khám phá ra những đường lối muôn nẻo dẫn tới ơn đứu độ. Cha
hết mình sống theo đường lối đó.
"Nhờ ơn sủng hỗ trợ, cuốn sách đã giúp cha đạt được một lương
tâm tinh tuyền, chiêm ngưỡng được nhiều ánh sáng và lên đến đỉnh hoàn
thiện"
Thế nhưng điều cần nhấn mạnh hơn cả trong giai đoạn này là lối cầu
nguyện của cha Đa Minh. Đó là biểu hiện của lòng khát vọng liên kết mật thiết
với Đức Kitô, cảm thông những khốn khổ của nhân trần và hiến toàn thân cho họ
được ơn cứu độ.
4. Cha Đa Minh cầu nguyện
Là người từng chung sống, chứng kiến và nghe cha Đa Minh cầu
nguyện, chân phước Jordano ghi rằng :"Cha thường cầu nguyện suốt đêm, Chúa
đã ban cho cha ơn đặc biệt cầu nguyện cho các tội nhân, cho người nghèo và
người sầu khổ. Cha cảm thông với những sầu khổ của họ tận đáy lòng, và biểu
hiện ra bên ngoài bằng những dòng nước mắt. Có khi giữa đêm thanh vắng. Ngài
lớn tiếng kêu nài : "Chúa ơi ! Rồi đây các tội nhân sẽ ra sao? "
Đó là sự đồng cảm với Đức Kitô, yêu nhân gian bằng những rung cảm,
thao thức của chính Chúa thuở xưa. Tình yêu đó thúc đẩy cha, trong giờ cầu
nguyện, thân thưa với Chúa về những người đã gặp, học với Chúa để biết xót
thương và cảm thông với những người sẽ gặp:
"Lúc nào cha cũng cầu xin cho được lòng bác ái đích thực để
mưu tìm và chăm lo phần rỗi cho mọi người cách hữu hiệu. Cha nghĩ rằng chỉ khi
nào mình noi gương Chúa Cứu Thế, hiến toàn thân toàn sức cứu rỗi các linh hồn
thì mới thực sự trở thành chi thể của Chúa"
Cha không hề nghi ngờ Thiên Chúa Đấng hằng xót thương. Cha chỉ xin
Chúa mở rộng cõi lòng mình để biết yêu thương và cảm thông. Và trong giờ kinh
nguyện nồng cháy đó, cha muốn đưa hết thảy lương dân, người Do thái, người Hồi
giáo hay anh em Ly giáo... nghĩa là tất cả, đến với Chúa Cứu Thế.
Lời cầu nguyện đó biểu lộ lòng cha yêu thương các tội nhân. Cha lấy
tấm lòng của Thiên Chúa để ôm ấp họ. Cha không chuyển cầu cho bằng "kết
hợp" ngày càng sâu xa hơn với Đức Giêsu, là Đấng trên Thánh Giá đã dạy cho
loài người nghệ thuật yêu thương.
Và như thế đó, hết đêm này tới đêm khác, cha Đa Minh học với Chúa
nghệ thuật giảng thuyết. Tuy nhiên, cha không vội vã lên đường thi hành sứ vụ
ngay. Có lẽ cha cũng chưa nghĩ tới điều đó. Suốt đời, cha không bao giờ đốt
giai đoạn, cha biết chờ đợi đúng lúc.
5/ Một đêm không ngủ
Năm 1203, lần đầu tiên cha Đa Minh có cảm hứng lập Dòng, nhưng mọi
chuyện đã xảy ra như bất ngờ. Giám mục Diego chọn cha Đa Minh tháp tùng đi Đan
Mạch cầu hôn cho hoàng tử, con vua Alphonso VIII, miền Castille. Khi đi ngang
miền nam nước Pháp, cha Đa Minh chứng kiến cảnh đau lòng. Người ta thiếu tin
tưởng vào giới chức trong Giáo Hội. Ngày càng đông các thiện nam tín nữ rời bỏ
Giáo Hội đi theo các nhóm Cathares, theo chủ thuyết nhị nguyên, vừa sống thanh
thoát, vừa hoạt động hăng say.
Ngay đêm đầu tiên ngủ tại quán trọ, cha gặp người chủ quán đã gia
nhập nhóm Cathares. Thế là lửa nhiệt tâm với các linh hồn đã đượm nóng suốt bao
năm chiêm niệm tại Osma, bỗng bừng cháy lên. Cha Đa Minh thức trắng đêm, thân
ái nhưng thẳng thắn, trao đổi và thuyết phục người chủ quán trở về chính lộ.
Chính đêm nay cha mường tượng thấy một điều: Muốn cảm hóa được lạc giáo, cần
phải có những người nhiệt tình, hiểu và sống Tin Mừng, sẵn sàng ra đi, đối
thoại và thuyết phục họ.
6/ Đi như người loan báo tin vui
Lửa nhiệt tình truyền giáo đã bùng lên trong cha Đa Minh đêm đó sẽ
không bao giờ tắt nữa. Trong chuyến đi lần thứ hai (1205) để đón công chúa Đan
Mạch, khi nghe tin công Chúa thất lộc (Nhiều người cho rằng công chúa vào tu
trong đan viện), Giám mục Diego và cha Đa Minh hành hương Roma, xin đức thánh
cha cho phép đi giảng cho người Cumans, Hồi Giáo. Trong ước muốn đảm nhận sứ vụ
của Giáo Hội, hai vị đã tình nguyện đến những biên cương khó khăn nhất. Thế
nhưng, tuân theo sự phân công của Giáo Hội, hai vị đã hy sinh ý định lớn lao,
sẵn sàng phục vụ tại miền Nam nước Pháp.
Trở về Montpellier, một lần nữa hai vị được chứng kiến sự thành
công của nhóm Cathares. Các đặc sứ Tòa Thánh, các đan sĩ hoạt động tại đây, hầu
như đã thất vọng hoàn toàn. Hai vị liền để tâm nghiên cứu tình hình và nhận ra
lý do thất bại. Các đặc sứ thì uy nghi lộng lẫy với đoàn tùy tùng đông đảo, còn
phái Cathares thành công nhờ nếp sống nghèo khổ hạnh.
Nguồn gốc sâu xa của các nhóm lạc giáo khởi từ công cuộc canh tân
đã khởi sự được hơn một thế kỷ. Giáo Hội đang sống trong thời đại canh tân,
thường được gọi là cuộc canh tân Grêgoriô VII, vị giáo hoàng đã đẩy mạnh cuộc
cải tổ này. Phong trào đã tìm thấy nguồn sinh lực gợi hứng từ Kinh Thánh và
thời đại các Tông đồ để đáp lại những thách đố và lạm dụng như người ta thấy
ngay trong nội bộ giáo sĩ : sự dốt nát, ù lì và thiếu khả năng để rao giảng.
Tìm cách thoát ra những tệ lạm này, một đàng nhờ các giáo sĩ nhiệt
tình, đàng khác nhờ chính những giáo dân nỗ lực trở lại với đời sống đơn giản
và nghèo khó của giáo hội tiên khởi. Họ lấy việc sống như các Tông đồ làm lý
tưởng. Những vị giáo sĩ muốn canh tân này đã đề ra hình thức cụ thể để thực
hiện lý tưởng của mình bằng lối sống tu trì tại các kinh sĩ đoàn. Họ nỗ lực đưa
đời sống cầu nguyện và sứ vụ tông đồ vào lòng các đan viện. Số các Kinh Sĩ đoàn
ngày càng gia tăng đã phát sinh nhiều cộng đoàn nổi tiếng như Prémontrée,
Saint-Victor và tại Anh là nhóm Gilbertin.
Những tín hữu muốn tham gia cuộc cải tổ liên đới lại thành các
huynh đệ đoàn sám hối, họ nhấn mạnh đời sống nghèo, hãm mình nghiêm ngặt và rao
giảng. Vì quá nhiệt tâm, nhiều người trong họ đã đi đến sai lầm, họ đánh giá
việc khó nghèo như các Tông đồ là điều kiện tiên quyết và tối cần để giảng
thuyết và trao ban các bí tích thành sự. Nhưng dầu sao, nếp sống nghèo của họ
hấp dẫn hơn với quần chúng.
Nhờ kinh nghiệm đã từng theo nếp sống giáo hội sơ khai tại kinh sĩ
đoàn Osma, đức cha Diego và cha Đa Minh hăng hái cổ cõ các viện phụ rũ bỏ các
hành lý cổng kềnh, để ra đi với đôi bàn tay trắng của Đức Kitô. Cần phải trở
thành người loan báo tin vui chứ đừng làm kẻ chinh phục. Vị giám mục nói : "Xin
quý ngài cho đoàn tùy tùng trở về, hãy đi từng hai người một theo gương các
Tông đồ, Chúa sẽ chúc phúc cho những nỗ lực của quý ngài".
Hiến kế xong, hai vị làm ngay điều mình nói và các viện phụ đều
theo ... "Mọi người nhận vị Giám mục làm người chỉ huy toàn chiến dịch.
Tất cả bắt tay vào việc truyền bá đức tin, tự nguyện sống nghèo, đi chân đất và
không mang tiền bạc... Các ngài chỉ giữ lại sách và một số vật dụng tối cần
thiết"
Cha Đa Minh không quản ngại khó khăn vất vả. Mấy tháng liền Cha
dành trọn ban ngày cho tha nhân và thức trắng đêm thờ phượng Chúa. Đặc biệt
trong mỗi lần tranh luận, cha mời đối phương cử trọng tài. Sự tín nhiệm đó đã
đem lại hiệu quả bất ngờ. Một lần kia, Chúa tỏ dấu xác nhận lời cha. "Ở
Montréal, người Cathares không đốt nổi cuốn sách do cha viết". Đã đến lúc
những hoạt động hăng say, lời giảng trìu mến kèm với dấu lạ cuốn sách không bị
cháy, trỗ sinh hoa trái đầu mùa : một vài phụ nữ bỏ phái Cathares đến xin cha
hướng dẫn.
Cảm hứng theo tổ chức của lạc giáo, vốn có các "tín nữ"
yểm trợ đắc lực cho những nhà du thuyết, cha Đa Minh đã bố trí họ trong cộng
đoàn Prouille, miền Fanjeaux nước Pháp, ngay trên địa bàn của lạc giáo. Tu viện
Prouille trở thành cơ sở đầu tiên của nữ đan viện Đa Minh (1206). Dưới mái
trường êm ấm đó, các chị học theo Chúa Cứu Thế hiền từ và khiêm nhượng trong
lòng, luyện tập mở rộng tâm hồn, mong ước cho mọi người được ơn cứu độ ... Và
dĩ nhiên, trước tiên cho những thân hữu lạc giáo sống quanh mình.
Năm 1207, Đức cha Diego phải trở về Osma để thu xếp công việc địa
phận và qua đời tại đó. Chỉ còn cha Đa Minh với cái tên thân ái "Anh Đa
Minh" vẫn tiếp tục rao giảng không mỏi mệt. Theo lời cha Jordano :
"thỉnh thoảng có vài anh em đến chung sống với cha, nhưng chưa có ai khấn
vâng lời".
7/ Tình yêu Chúa thúc bách tôi
Năm 1208, do thái độ cứng rắn, đặc sứ Pierre Castelnau bị sát hại.
Đức Innocentê III mất kiên nhẫn, tuyên bố thánh chiến với Albigeois. Nhưng cha
Đa Minh không tham gia cuộc chiến này. Ba tài liệu viết tay của ngài còn được
lưu giữ, gồm một thư gửi các nữ đan sĩ và hai chứng từ cấp cho người Cathares
trở lại. Con đường ngài chọn vẫn là cầu nguyện và rao giảng. Ngài nói :
"chống kiêu ngạo bằng khiêm tốn, chúng ta hãy đi chân không đến gặp Goliát".
Cha không tin vào vũ khí bạo lực mà tin vào những hòn sỏi nhỏ bé cộng với sự
phù trì của Thiên Chúa.
Lần kia, khi khuyên một người lạc giáo trở về, cha nhận được câu
trả lời bất ngờ : "Tôi không thể rời xa họ, vì tôi ăn nhờ ở trọ trong nhà
họ". Cha Đa Minh vừa lúng túng vừa đau lòng vì không có gì để trợ cấp cho
anh ta. Cuối cùng cha tìm ra giải pháp : tự bán thân mình để lấy tiền cứu anh
khỏi hố thẳm tội lỗi.
Như vậy, cha Đa Minh muốn theo sát Đức Kitô, vì "không có gì
cao quý bằng kẻ hiến mạng sống mình cho người mình yêu". Nhiều lần cha ước
mơ làm nạn nhân của những tấn tuồng tử đạo khủng khiếp. Khi đối phương hỏi ngài
có sợ bị bắt không? Ngài trả lời: "Nếu bắt được tôi, xin các anh đừng giết
tôi ngay, hãy băm xác tôi ra thành trăm mảnh, xẻo tai cắt mũi, rồi để tôi nửa
sống nửa chết hay muốn kết liễu thì tùy ý anh". Lần khác cha vui vẻ theo
nhóm lạc giáo vào rừng gai, nhìn chân xước, máu chảy ngài nói "sám hối
phải thế đó". Rồi cười thoải mái trước sự ngạc nhiên của họ.
8/ Chân dung nhà thuyết giáo
Cha Đa Minh thường chọn đi giảng ở Carcassone, vì ngài nói :
"Ở Toulouse này tôi gặp nhiều người ca tụng, còn ở Carcas-sonne, mọi người
chống lại tôi". Quả thế, tại vùng đó, đối phương sỉ nhục ngài đủ cách. Họ
nhỗ nước miếng, ném bùn, nhét rơm vào áo rồi chế diễu. Như các tông đồ xưa,
ngài sung sướng được chịu sỉ nhục vì Danh Chúa Kitô, kiên cường không lùi bước
trước trở ngại đe dọa. Ngài bình thản tiếp tục hành trình, vui vẻ ca hát.
Viện phụ Guillaume de Pierre, một nhân chứng đương thời cho ta biết
: "Đa Minh khát khao mãnh liệt ơn cứu rỗi các linh hồn ... Ngài hăng say
rao giảng ngày đêm, trong nhà thờ, nơi nhà riêng, giữa cánh đồng và ngay trên
đường đi. Ngài không ngừng công bố Lời Chúa, cổ võ anh em cũng làm như vậy, bao
giờ cũng chỉ nói về Chúa. Ngài từ chối chức giám mục Conséran... Ngài âu yếm an
ủi anh em bệnh tật, kiên nhẫn khích lệ những người nản chí. Ngài quảng đại tặng
người nghèo mọi thứ mình có. Ngài không có giường nào ngoài nhà thờ, nếu không
có nhà thờ, ngài ngủ ghế, ngủ đất, hoặc tháo nệm gia chủ trải để nằm trên trỉ
giường. Bao giờ tôi cũng thấy ngài mặc áo chùng, vá trên vá dưới. Ngài luôn
luôn mặc áo xấu nhất trong anh em. Ngài cổ võ người này kẻ khác sống đức tin và
bình an"
Có lẽ từ năm 1213, cha Đa Minh phổ biến Kinh Mân Côi, khi đó còn
dưới dạng thức đơn giản "Kính Mừng Bà đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà,
Bà có phúc hơn mọi người nữ". Nhóm Cathares vốn coi vật chất là điều xấu,
họ không tin Chúa Giêsu nhập thể trong xác phàm và như thế họ cũng chối nhân
tính đức Giêsu trên Thánh Giá. Lời kinh Mân Côi đơn sơ nhắc nhớ đến mầu nhiệm
nhập thể và cứu độ, có sức tác động giúp suy niệm về cuộc sống, cuộc khổ nạn và
vinh quang của Đức Giêsu, đưa nhiều người rời bỏ lạc giáo
Ghi chú : Theo những sử liệu chính xác, Pierre Alain de la Roche OP (1428-75) ở Bretagne là người ổn định chuỗi 150 với ba mùa Vui, Thương, Mừng như hiện nay. Kinh "Thánh Maria" cũng chuyển biến từ thế kỷ XIII và có dạng hiện nay do đức Pio V ấn định năm 1508. Kinh "Sáng Danh" cuối mỗi chục kinh, xuất hiện ở nhà thờ Đaminh Sopra Minerva tại Roma năm 1613. Thánh danh Giêsu và Maria được đức Urbano IV (1261-64) thêm vào.
Lm. Phanxicô X. Đào Trung Hiệu OP
Nguồn: http://www.daminhvn.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét