TÁC ĐỘNG CỦA
ĐIỀU KIỆN TỰ
NHIÊN ĐẾN ĐỊNH CƯ
VÀ SINH HOẠT KINH TẾ TẠI
KON TUM VÀO NỬA CUỐI THẾ
KỶ XIX
ThS. Hồ Thành Tâm
Đại học
Quốc gia Hà Nội
Trong bất cứ
cuộc di cư nào, việc lựa chọn địa
bàn thích hợp (về khí hậu,
thổ nhưỡng, thủy
văn…) để định cư
là công việc quan trọng hàng đầu. Bởi lẽ người
di dân khi đến nơi cư
trú mới, ngoài của cải
vật chất mang đi, họ còn mang theo cả
kinh nghiệm sản xuất,
tập quán sinh hoạt, nếp
sống… vốn được
đúc rút qua quá trình sinh sống
lâu dài tại cố hương,
đến thực hành nơi vùng quê mới.
Các cuộc chuyển cư
do đó không bao giờ là sự đoạn
tuyệt hoàn toàn với quá khứ. Cho nên, khi quan sát một
điểm định cư
mới nào, ta luôn có thể tìm thấy những sợi dây liên kết giữa cộng đồng
tại chỗ với
nơi mà họ đã rời
đi. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải
chú ý rằng, các kinh nghiệm, tập
quán của vùng đất cũ được ươm trồng nơi
quê hương mới, sẽ
được cải biến
ít nhiều để thích hợp với các điều kiện
tự nhiên, xã hội tại
đây.
(ảnh: ikt.vn)
Vào nửa cuối
thế kỷ XIX, khu vực mà ngày nay là thành phố
Kon Tum đã được các nhóm di
dân[1] lựa chọn làm địa bàn cư trú mới. Nguyên nhân của các cuộc di cư này, mà
một phần chủ
yếu của nó là do chính sách cấm đạo
của triều đình nhà Nguyễn, đã được bàn đến nhiều, nên chúng tôi sẽ không đề cập ở đây. Có nhiều lý do, cả tự nhiên lẫn con người,
khiến vùng đất thành phố Kon Tum níu chân được
các nhóm di dân chứ không phải vùng nào khác[2].
Về mặt
tự nhiên, khu vực thành phố Kon Tum là vùng đồng
bằng có dạng trũng trên nền phù sa cổ, nằm trong
thung lũng các ngọn núi bao
quanh thành phố[3]. Vì nằm trên nền phù sa cổ cho
nên chất đất nơi
đây khá thích hợp cho việc trồng
trọt các loại cây nông nghiệp. Do nằm kẹp giữa hai con sông Đăk Bla ở phía Nam và Pôcô ở phía Tây (cùng thuộc hệ
thống sông Sésan), lượng phù sa bồi đắp hàng năm
của hai con sông này và lượng nước
tưới khá dồi dào đủ để phát triển nông nghiệp[4]. Hơn nữa, vì bề mặt đồng bằng
Đăk Bla có dạng trũng khiến nơi
này trở thành một cái ao/hồ tự nhiên tuyệt vời
tích chứa nước mưa,
phục vụ nhu cầu
người dân định cư[5].
Trong khi đó, khu vực phía Bắc tỉnh
Gia Lai hiện nay (huyện Chư
Pah) chủ yếu là loại đất đỏ vàng hoặc vùng Đăk Tô là đất
xám bạc màu[6], không thích hợp cho trồng trọt và định cư
lâu dài. Chính giáo sĩ P. Dourisboure cũng đã nhận ra những hạn chế
về điều kiện
thổ nhưỡng của
khu vực này nên mới quyết
định rời bỏ
địa sở Kon Kơxâm
để tiến lên vùng đồng bằng Đăk
Bla[7]. Như vậy, xét về điều kiện đất
đai, và quan trọng hơn, nguồn
nước đủ để
phục vụ đời
sống, thì vùng đồng bằng
Reungao như các giáo sĩ Pháp gọi, hay vùng thung lũng Kon Tum[8], chính là
địa điểm lý tưởng để định cư.
Về mặt
con người, các giáo sĩ Pháp, những người
tiên phong trong việc khai phá
vùng Kon Tum, ngay trong những
ngày đầu xây dựng kế
hoạch về một
cơ sở truyền
giáo trên Tây Nguyên, đã nhắm đến việc
định cư tại
vùng đồng bằng Đăk Bla. Mặc dù chỉ được nghe phong phanh về con sông Đăk Bla, nhưng vị
linh mục Cuénot đã chỉ thị
cho phái đoàn của Dourisboure:
“Khi các Cha đến chỗ cách Kơ Lăng một vài
ngày đường về hướng
Tây, và nếu các Cha gặp được
con sông mà người ta đã cho tôi
biết, thì chắc các Cha sẽ tìm thấy vùng
đồng bằng ở
hai bên bờ sông, các Cha hãy hạ trại
lưu trú ở đó, và hãy biết rằng
các Cha đang ở trong vườn nho được giao phó cho các Cha chăm sóc vậy”[9]. Một điều rất rõ ràng trong kế hoạch
của các vị thừa
sai là muốn lợi dụng
dòng chảy ngược của
con sông Đăk Bla để mở rộng
công cuộc truyền đạo
đến xứ Lào. Vả chăng, các tính toán của
họ chỉ dừng
lại ở vùng đồng bằng Reungao
mà không đi xa hơn lên phía Bắc, nơi
cư trú của các bộ lạc Sedang. Cần lưu
ý rằng đến năm 1920 thì đồn Đăk Tô, biểu tượng của nền
an ninh của chính quyền thực
dân, mới được xây dựng[10]. Điều đó
cho thấy hành trình gian nan của người
Pháp trong nỗ lực bình định những vùng
lãnh thổ do các bộ lạc
Thượng kiên cường chống
trả. Với tính chất quan trọng/nhạy cảm
của một trung tâm truyền giáo toàn vùng, các giáo sĩ Pháp đã lựa chọn
địa điểm xây dựng trong vùng đồng
bằng Đăk Bla, nơi những
người Bahnar hiền lành, thật thà cư trú
thay vì mạo hiểm đi sâu vào lãnh thổ của
các bộ lạc Sedang chưa đầu phục[11].
Như vậy
đến cuối thế
kỷ XIX, vùng đồng bằng
Kon Tum hội tụ đầy
đủ cả ba yếu
tốThiên thời (chính sách cấm đạo
của nhà Nguyễn buộc
các giáo sĩ Pháp phải lên Kon
Tum lánh nạn), Địa lợi
(vùng đồng bằng Đăk Bla có nhiều điều
kiện thuận lợi
cho việc định cư,
phát triển sản xuất)
và Nhân hòa (về cơ bản,
các cộng đồng người
Bahnar trong vùng không có thái độ
thù địch với các giáo sĩ và sứ mệnh
của họ), để
trở thành địa điểm
định cư lý tưởng
và hơn một thế
kỷ sau, phát triển thành một đô thị hiện đại,
sầm uất như
hiện nay.
Các cuộc di dân ban đầu có quy mô nhỏ lẻ
nhưng một khi đã hội tụ tại vùng Kon Tum, chúng đã khiến cho cơ cấu dân cư nơi
này có những chuyển biến
mà trước đến giờ
chưa từng xảy
ra. Phân tích cấu trúc dân cư thời
điểm này cho ta thấy có ba nhóm cư dân chính, tuy chênh lệch về
mặt số lượng
nhưng vai trò của mỗi
nhóm lại rất khác nhau.
Nhóm thứ nhất,
đó là người bản địa,
chủ yếu là người Bahnar, theo các giáo sĩ Pháp rời bỏ
làng cũ để thành lập các làng mới. Đây là trường
hợp di dân nội vùng mà nguyên do khiến một
số người Bahnar rời bỏ làng cũ để thành lập làng mới có
thể là do bất đồng
với các thành viên khác tại làng cũ, như trường hợp một
bộ phận người
dân Kon TrangOr đã rời đi để lập
nên Kon Tum[12]. P. Dourisboure cũng thuật
lại trường hợp
vào năm 1853 khi cha Sáu Do mua lại
một số nô lệ
(do nợ nần, bị
bắt cóc…) từ các làng khác để thành lập nên làng Đăk Kấm[13].
Ngoài ra còn có thể kể đến
một số làng khác như Tân Hương, Phương Nghĩa, Phương Hòa, Phụng Sơn[14]. Đây là bộ phận
chiếm số lượng
đông đảo nhất trong lực lượng di dân
đến Kon Tum.
Nhóm thứ hai, đó là những người
Kinh từ đồng bằng
di cư lên Kon Tum. Lịch sử
tương tác giữa người
Kinh vùng đồng bằng với
người Thượng cao nguyên đã diễn ra từ
sớm, bao gồm cả
việc đi lại buôn bán của các thương lái
người Kinh tại những
vùng cư trú của người
Thượng. Mặc dù vậy,
khu vực Bắc Tây Nguyên, trong đó có vùng Kon Tum, đến nửa
cuối thế kỷ
XIX vẫn nằm ngoài phạm vi lui tới của các thương lái người
Kinh[15]. Việc xác định thời
điểm những lớp
người Kinh đầu tiên đặt chân đến vùng
Bắc Tây Nguyên này vẫn đang là một vấn đề bỏ
ngỏ, bởi mặc
dù các thương lái Kinh chưa đặt
chân đến đây, nhưng từ
sớm, tại khu vực này đã khá phát triển
nạn săn bắt nô lệ,
mà nạn nhân có khi là những người
Kinh kém may mắn ở vùng đồng bằng bị lọt
vào tay người Thượng qua các cuộc tràn xuống cướp bóc[16]. Võ Chuẩn có nêu lên trường hợp
lập làng Phương Quí vào năm 1887 do cha Poyet chuộc một
số người Kinh bị người Sedang bắt[17]. Tuy nhiên, số lượng
người Kinh bị bắt
đến vùng Kon Tum theo con đường này là rất ít, mà phải đến những
thập niên đầu thế
kỷ XX, người Kinh di cư lên đây mới dần đông hơn đưa đến việc
thành lập hai làng Trung Lương (1914) và Lương Khê (1927). Đây là nhóm có số lượng
đông thứ hai trong những nhóm di cư và, với kinh
nghiệm của một
cư dân nông nghiệp truyền
thống, họ là lực
lượng năng động và có vai trò quan trọng hàng đầu trong việc
khai phá vùng Kon Tum vào đầu
thế kỷ XX.
Nhóm thứ ba, ít nhất về số lượng,
lần đầu tiên xuất hiện tại cao nguyên nhưng đóng vai trò định hướng,
chính là các giáo sĩ Pháp. Đây là lần
đầu tiên vùng Tây Nguyên ghi nhận sự
hiện diện của
người phương Tây, không chỉ khác biệt về thành phần nhân chủng học so với cư
dân bản địa, họ
còn thuộc về một
nền văn minh khác – nền văn minh phương Tây tiên tiến, đại
diện cho thời đại,
đến khai phá vùng Kon Tum. Là
những người thuấm
nhuần tinh thần khoa học tiến bộ của
phương Tây, các giáo sĩ Pháp,
sau ba thế kỷ thực
hành sứ mệnh truyền giáo tại Đại Việt,
đã tiếp xúc và học tập
kinh nghiệm canh tác nông nghiệp của
cư dân bản địa,
và rất nhanh chóng mang đến thực
hành tại vùng đồng bằng
Đăk Bla, cải biến quan trọng tư duy sản xuất
của người dân nơi đây[18].
Phân tích cấu trúc dân cư vùng Kon Tum hồi
cuối thế kỷ
XIX cho phép ta chỉ ra được đặc
điểm của việc
lựa chọn địa
điểm định cư
lập làng gắn liền
với vai trò của nhóm cư dân nào trên đây và biểu
hiện của điều
kiện tự nhiên đã tác động đến
phương thức sản
xuất của các nhóm cư dân.
Một đặc
điểm dễ nhận
thấy trong việc thành lập các làng đầu
tiên tại vùng đồng bằng
Đăk Bla đó là chúng đều được xây dựng dọc ven con
sông này. Có thể kể đến
như các làng Tân Hương (1874), Phương Nghĩa (1882), Phương Quí (1887), Phương Hòa (1892). Riêng hai làng Kinh là Trung
Lương và Lương Khê, tuy nằm xa hơn trong
đất liền, nhưng
nguồn nước trong các ao/hồ thời
bấy giờ vẫn
có thể đảm bảo
nhu cầu của họ.
Nguồn nước đóng vai trò quyết định
trong việc lựa chọn
địa điểm lập
làng hồi nửa cuối
thế kỷ XIX ở
Kon Tum. Điều gì đã khiến việc
lập làng từ lúc này trở đi phụ thuộc vào nguồn nước đến vậy?
Chúng ta biết rằng,
hình thức canh tác cổ truyền
của người Bahnar là rẫy khô[19]. Theo đó, sau khi đã phát/đốt rẫy
và gieo hạt xong, người ta phó mặc mùa màng cho thời
tiết, những năm mưa nắng điều hòa thì được mùa, ngược lại thì mất mùa[20]. Tính chất
bấp bênh của nền
nông nghiệp phụ thuộc
hoàn toàn vào thiên nhiên như vậy khiến
mất mùa và đói kém luôn là mối đe dọa
thường trực đối
với bất cứ
làng Bahnar nào. Người Bahnar vốn có truyền thống dựng làng gần nguồn nước (sông/suối) nhưng chỉ sử
dụng nguồn nước
này phục vụ nhu cầu
sinh hoạt hàng ngày, vả chăng, bản thân họ chưa bao giờ nổi tiếng về
cách thức dẫn thủy
nhập điền như
một số tộc
người khác[21]. Việc lựa
chọn địa điểm
lập làng dọc hai bên ven sông Đăk Bla nhằm khai thác nguồn nước
dồi dào của con sông này phục vụ
sản xuất nông nghiệp là một thay đổi quan trọng đến từ các giáo sĩ Pháp.
Cùng với thời
gian, công cuộc truyền bá đạo
Thiên chúa tại Kon Tum ngày
càng trở nên phát triển, số
lượng người theo đạo ngày càng đông. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vùng Bahnar vẫn còn không ít người hoài nghi đạo mới, tỏ thái độ mỉa mai những thành viên cải đạo
trong làng[22]. Do vậy, các
giáo sĩ thấy cần phải
lập các làng mới vừa
để đảm bảo
không gian sinh sống cho các
tân tòng và đồng thời tách họ khỏi ác cảm của
những người cùng làng chưa cải
đạo. Việc chọn
địa điểm lập
làng mới liên quan đến nhiều
vấn đề mà quan trọng nhất, chính
là phải đảm bảo
việc sản xuất
lương thực. Các giáo sĩ đã nhìn thấy ngay những hạn chế trong phương thức canh
tác cổ truyền của
người bản địa.
Dự kiến về
một miền truyền
giáo phồn thịnh đòi hỏi các giáo sĩ phải
thoát khỏi thói quen nông nghiệp đó, và bằng kiến thức cũng như kinh nghiệm học tập
được từ người
nông dân vùng đồng bằng, họ
đã nhanh chóng nhận ra tiềm năng của vùng đồng bằng Đăk Bla màu mỡ, nơi
mà người Bahnar đã không biết khai thác[23]. Các giáo sĩ đã cử người
đi mua trâu bò, nông cụ và hướng dẫn
cho các giáo dân thực hành canh
tác ruộng nước. Phương
thức canh tác mới trên vùng đồng bằng Đăk Bla
đã nhanh chóng phát huy được
tác dụng của nó: vụ mùa 1867 tại
làng Jơri Kông “quá tốt đẹp”,
không chỉ đáp ứng đủ
nhu cầu lương thực
cho người dân mà còn được mang đi đổi lấy muối và các vật phẩm cần thiết
tại vùng đồng bằng[24].
Người Bahnar ở các làng lân cận nhanh chóng bị thuyết
phục bởi tính hiệu quả của phương
thức canh tác mới, đã xin gia nhập vào làng Jơri Kông và các nơi
khác cũng bắt chước lối
canh tác mới này[25]. Với phương
thức này, việc lập
các làng mới do vậy buộc
phải ở gần
các con sông, và đó là lý do các làng được
thành lập ở Kon Tum hồi nửa cuối thế
kỷ XIX đã được xây dựng ở những vị
trí như vốn dĩ. Nông nghiệp một
khi đã ổn định sẽ
tạo thành cái đà quan trọng cho sự phát triển về lâu dài của Kon Tum. Đó là vai trò lập làng và định
hướng phương thức
sản xuất của
các giáo sĩ Pháp trong việc
hình thành nên những điểm định
cư tại Kon Tum vào nửa cuối
thế kỷ XIX.
Nhóm cư dân thứ hai có vai trò quan trọng
trong vận hành đời sống
kinh tế Kon Tum chính là những người
Kinh di cư. Phần lớn
họ đến từ
các tỉnh như Quảng
Ngãi, Quảng Nam, Huế… và đông hơn cả là Bình Định[26]. Nông dân miền Trung là những người đã
thích nghi một cách tuyệt vời
với việc canh tác nông nghiệp trong các đồng bằng thung
lũng nhỏ hẹp bị
đồi núi chia cắt mạnh.
Tuy nhiên có thể thấy, trung tâm thành phố Kon Tum không có nhiều địa
điểm thích hợp cho việc trồng lúa nước. Năm 1933, Võ Chuẩn cho biết cả tổng Tân Hương chỉ có
243m2ruộng nước[27]. Với số ruộng ít ỏi
như vậy, người
Kinh tại thành phố không thể tự túc được nguồn
lương thực tại
chỗ, cho nên trong danh mục các hàng hóa của người
Thượng bán cho người Kinh tại chợ Kon Tum
mà Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Đổng
Chi đã chỉ ra, chúng ta thấy có mặt
hàng gạo. Người Kinh cần gạo (và các
thổ sản khác) của người Thượng và đổi lại, họ cung cấp cho người Thượng những
mặt hàng mà họ không tự sản xuất được.
Cho nên, một trong những nghề
thịnh hành nhất của
người Kinh tại Kon Tum là nghề đi buôn[28]. Người Kinh mang các mặt hàng từ vùng biển (cá,
mắm, muối…[29]), các đặc sản
miền Trung (vải trắng,
dù, giầy nịt da…) hoặc thông qua các kênh trung gian khác để mang đến cho người Thượng chiêng, đồng la, ghè, nồi
đồng…[30]
Như vậy,
cộng đồng người
Kinh tại Kon Tum vào nửa cuối
thế kỷ XIX đã tiếp nối mối quan hệ giao lưu kinh
tế giữa hai vùng đồng bằng-miền núi vốn đã có từ trước[31]. Cùng với nghề buôn
bán, cộng đồng các tộc người tại thành phố Kon Tum còn phát triển
thêm các nghề phụ, đặc
biệt là kinh tế vườn.
Kon Tum là vùng rừng núi, phần lớn vật phẩm
thường ngày của người
dân đều khai thác từ rừng
núi. Bằng hình thức vườn,
người ta đã biết cách mang một mảnh của rừng
về ngay cạnh nhà. Vườn trồng các loại cây café, chè, cam, quít, thơm, chuối, dừa, mít, thuốc lá…, vừa để dùng tại chỗ vừa để
mang đi trao đổi với các vùng khác[32]. Theo Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Đổng
Chi thì hầu như ai ai cũng có vườn[33], còn theo Võ Chuẩn, vào năm 1933 cả thành phố có 432 cái vườn
(không kể vườn của
nhà thờ và các cơ sở
công)[34]. Với dân số thành phố vào thời điểm đó khoảng 5.000 người,
tính ra cứ hơn 10 người, tức khoảng từ
2-3 hộ có một cái vườn. Vườn, như vậy,
đã đóng góp một phần quan trọng vào đời sống kinh tế của các cộng đồng
người tại đây.
*
* *
Như vậy,
chúng ta thấy rằng điều
kiện tự nhiên đã quy định việc
lựa chọn vùng thành phố Kon Tum làm địa điểm
định cư và lập
làng của các nhóm di dân lên
đây hồi nửa cuối
thế kỷ XIX. Chính các đặc điểm
tự nhiên của vùng đất này cũng quy định
các hình thức sản xuất
chủ yếu mà nghề trồng lúa nước phải
nhường lại vị
trí hàng đầu cho nghề buôn bán và làm vườn. Nổi
bật lên trong các nhóm di dân
chính là vai trò định hướng của
các giáo sĩ Pháp và tính chất
năng động của những
người Kinh trong vận hành nền kinh tế địa phương.
Ở một vị
trí lặng lẽ hơn
nhưng không kém phần quan trọng, đó chính là cộng
đồng cư dân bản
địa, bởi lẽ
đây là thành phần chủ đạo
trong cấu trúc dân số thành phố Kon Tum nửa cuối thế
kỷ XIX. Vì nhiều nguyên nhân, các nhóm cư dân đã tập trung tại Kon
Tum và xem đây như là quê hương thứ
hai. Lịch sử vùng Kon Tum đã chứng kiến
một giai đoạn ôn hòa, hợp tác và giúp đỡ
nhau cùng phát triển, tuy có
lúc thăng trầm nhất định,
giữa cộng đồng
các tộc người tại
vùng Kon Tum cho đến hôm nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Henri Maitre (2008), Rừng người
Thượng, nxb Tri thức, HN.
Li Tana (1998), Nguyễn Cochinchina. Sourthern Vietnam in the seventeenth and eighteenth
century, Southeast Asia Program Publication, Ithaca, New York.
Nguyên Ngọc (2013), Đất nước đứng
lên, nxb Kim Đồng, HN.
Nguyễn
Khắc Sử (cb) (2007), Khảo cổ
học tiền sử
Kon Tum, nxb KHXH, HN.
Nguyễn
Kinh Chi, Nguyễn Đổng Chi (2011), Người Bahnar ở Kon Tum, nxb Tri thức,
HN.
Nguyễn
Văn Chiển (cb) (1985), Tây
Nguyên các điều kiện tự
nhiên và tài nguyên thiên nhiên, nxb Khoa học và kỹ thuật, HN.
P. Dourisboure (1972), Dân làng hồ, Sài Gòn.
Tạ
Văn Sỹ (2012), Tạp ký Kon Tum, nxb Văn học, HN.
Võ Chuẩn, Kon Tum tỉnh
chí, in trong Nam Phong tạp
chí, các số 191, 192, 193 từ tháng 12-1933 đến tháng 3-1934.
(Đọc lần
cuối 8-2013)
[1] Các nhóm di dân
bao gồm di dân nội vùng và di dân liên vùng. Điều này sẽ được chúng tôi
phân tích kỹ hơn ở
phần sau.
[2] Khu vực huyện
Chư Pah (tỉnh Gia Lai hiện nay) là một
trong những cơ sơ
lưu trú khá lâu của các giáo sĩ Pháp cùng các giáo dân trước khi họ quyết định rời
đến vùng đồng bằng
Đăk Bla hiện nay để định
cư lâu dài.
[3] Chính xác hơn, địa
hình vùng thành phố Kon Tum là
kiểu đồng bằng
bóc mòn tích tụ với núi sót. Xem Nguyễn Văn Chiển (cb) (1985), Tây Nguyên các điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên, nxb Khoa học và kỹ
thuật, HN., tr.137. Ngoài ra
cũng xem Nguyễn Khắc Sử
(cb) (2007), Khảo cổ học
tiền sử Kon Tum, nxb KHXH, HN., tr.20-22.
[4] Nguyễn Khắc
Sử, sđd, tr.25-26.
[5] Tri thức dân gian đã hoàn toàn chính xác khi gọi vùng thành phố Kon Tum là“làng hồ”. Chúng tôi nghĩ, vào cuối thế
kỷ XIX-đầu XX, số lượng ao/hồ ở
Kon Tum là khá nhiều đến mức
trở thành một đặc
điểm đại diện
cho vùng đất. Một phác họa về các ao/hồ Kon Tum gần đây có thể
tham khảo Tạ Văn Sỹ
(2012), Tạp ký Kon Tum, nxb Văn
học, HN., tr.79-85.
[6] Nguyễn Văn Chiển, sđd, tr.197-204.
[7] P. Dourisboure
(1972), Dân làng hồ, Sài Gòn,
tr.202.
[8] Vùng thung lũng
Kon Tum cần được hình dung rộng hơn địa giới
hành chính của thành phố Kon Tum hiện nay. Thành phố
Kon Tum chỉ là một bộ
phận, hơn nữa,
là bộ phận trung tâm của thung lũng này.
[9] P. Dourisboure,
sđd, tr.41.
[10] Võ Chuẩn, Kon Tum tỉnh chí, in trong Nam Phong tạp chí, số 191,
tháng 12-1933, tr.544.
[11] Trong hồi ký của
mình, P. Dourisboure đã nhiều lần thuật
lại các cuộc tấn
công nhằm tiêu diệt phái đoàn thừa sai của các bộ lạc Sedang hiếu chiến.
[12] Võ Chuẩn, Kon Tum tỉnh chí, in trong Nam Phong tạp chí, số 191,
tháng 12-1933, tr.530.
[13] P.
Dourisboure, sđd, tr.106-107. Điều
này cũng cho thấy tình trạng nô lệ hóa một bộ phận
người Thượng để
mang đi buôn bán, trao đổi hoặc phục
dịch trong làng của những
người chiếm hữu.
Xem Henri Maitre (2008), Rừng
người Thượng, nxb Tri thức, HN., tr.242-252. Trong một bài viết trước đây khi
khảo sát về mạng
lưới đường sá ở
thành phố Kon Tum vào những năm 1900-1930, chúng tôi đã cho rằng con đường Trần Phú hiện nay có thể được mở vào những năm 1930. Sau khi đọc
lại hồi ký của
P. Dourisboure, chúng tôi xin đính chính lại thời điểm con đường này được mở là khoảng năm 1853 như
một đường đi lại giữa làng Đăk
Kấm mới lập
và trung tâm Rehai.
[14] Võ Chuẩn, Kon Tum tỉnh chí, in trong Nam Phong tạp chí, số 192,
tháng 1-1934, tr.30.
[15] P. Dourisboure
chỉ ra khu vực xa nhất mà các thương
lái lui đến buôn bán là tại làng Kon Phar, tức vùng núi Hàm Rồng tỉnh
Gia Lai ngày nay. P. Dourisboure, sđd, tr.16.
[16] Li Tana, dẫn lại
theo G. C. Hickey, chỉ ra rằng làng Kon Trang trong khu vùng người Sedang, đã hoạt động
như là một trung tâm buôn bán nô lệ. Hickey cũng cho biết, Bok Piơm (hay Bok Khiêm trong hồi
ký của P. Dourisboure) cũng là
một tay buôn bán nô lệ có tiếng,
mang cả người Kinh lẫn người Thượng đem đi bán ở các chợ Lào. Chính P. Dourisboure đã gặp Bok Khiêm lần
đầu tiên tại Kon Phar khi ông này đang truy đuổi một
người nô lệ đang bỏ trốn. Xem P.
Dourisboure, sđd, tr.17-18. Nạn
buôn bán nô lệ người Kinh này có lẽ xuất
hiện không lâu sau khi các nhóm
di dân người Việt theo chân Nguyễn Hoàng vào khai thác xứ Đàng Trong. Li Tana (1998), Nguyễn Cochinchina. Sourthern Vietnam in the seventeenth and eighteenth
century, Southeast Asia Program Publication, Ithaca, New York,
tr.125-129.
[17] Võ Chuẩn, Kon Tum tỉnh chí, in trong Nam Phong tạp chí, số 192,
tháng 1-1934, tr.30.
[18] Trong hồi ký của
mình, P. Dourisboure đã tập cho
các tân tòng thực hành việc cày ruộng bằng cày và
sử dụng nhiều
nông cụ khác. Việc này đã tạo nên sự chuyển biến
trong nhận thức của
một bộ phận
người Thượng khiến
nhiều người trong số họ đã từ bỏ
lối sản xuất
chọc lỗ tra hạt
truyền thống để
gia nhập vào làng Jơri Kông – thành quả của
tầm nhìn và kinh nghiệm sản
xuất tiến bộ
của các giáo sĩ Pháp. Xem quá
trình thành lập làng Jơri Kông tháng 12-1868 P. Dourisboure, sđd,
tr.203-208.
[19] Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Đổng
Chi (2011), Người Bahnar ở Kon Tum, nxb Tri thức, HN., tr.240-246.
[20] Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng
Chi có ghi lại lời khấn
của một người
Bahnar trước khi làm lễ trỉa
lúa như sau: “Hôm nay chúng tôi
trỉa lúa, chúng tôi xin thần sấm
sét, thần ya Pôm, thần lúa, thần núi, thần
cây, thần đá đến ăn uống
rượu, gan gà. Các ông hảy thương
chúng tôi, cho nhiều lúa gạo để
chúng tôi mua được chiêng, được ghè satôk”. (Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Đổng
Chi, sđd, tr.242). Điều thú vị trong lời khấn trên đây
là, người khấn kể
tên một loạt các vị thần phù hộ cho nông nghiệp (thần
sấm sét cũng có thể suy rộng
ra là mưa) nhưng lại
không kể tên thần Nước
(yang Dak). Điều này cho thấy phương
thức canh tác cổ truyền
của người Bahnar không đặt nặng
vấn đề phải
ở gần nguồn
nước (sông).
[21] Trong tác phẩm Đất
nước đứng lên, Nguyên Ngọc có đề
cập đến chi tiết Núp đã “cả
gan” múc nước suối Thi-om tưới lúa chống hạn, điều
mà người Bahnar từ xưa
đến giờ chưa
bao giờ làm, khiến cho các già làng rất sợ.
Xem Nguyên Ngọc (2013), Đất nước
đứng lên, nxb Kim Đồng, HN, tr.174-175.
[22] P.
Dourisboure, sđd, tr.97-98.
[23] P.
Dourisboure, sđd, tr.201-202. Dourisboure đã hình dung các làng mới này giống như những “nông trại kiểu mẫu”.
[24] P.
Dourisboure, sđd, tr.206-207.
[25] Cho nên, năm
1933, khi hai anh em Nguyễn
Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi lên Kon Tum nhìn thấy người
Thượng cũng biết dùng cày cày ruộng, đã tấm tắc khen đấy là nơi
“đô hội lớn”. Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn
Đổng Chi, sđd, tr.147, 153. Các
mảnh ruộng nước
thời bấy giờ
có thể được quan sát ở làng Kon K’tu 1 hoặc
vùng trước cổng chùa Bác Ái.
[26] Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Đổng
Chi, sđd, tr.144.
[27] Võ Chuẩn, Kon Tum tỉnh chí, in trong Nam Phong tạp chí, số 192,
tháng 1-1934, tr.27. Ruộng nước tập
trung tại các làng Tân Hương, Phương Quí, Phương
Nghĩa. Có lẽ Võ Chuẩn không tính đến số
ruộng Lào nằm ở
vùng ven thành phố ngày nay có
diện tích khá lớn.
[28] Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Đổng
Chi, sđd, tr.148-149. Vì không nặng
về canh tác nông nghiệp cho nên chúng ta ít thấy ảnh
hưởng của nông nghiệp in dấu trong
đời sống người
Kinh tại đây. Khảo sát các địa danh tại Kon
Tum do người Kinh đặt ra hồi
nửa cuối thế
kỷ XIX, chúng ta không thấy địa
danh nào mang yếu tố “nước”.
[29] Mối quan hệ giao lưu kinh
tế Kinh-Thượng này được phản ánh
trong câu ca dao “Ai về nhắn với
nậu nguồn/ Măng le/ Mít non gửi xuống,
cá chuồn gửi lên”.
[30] Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Đổng
Chi, sđd, tr.148-149.
[31] Để hiểu
rõ hơn về vấn
đề này, vui lòng đọc bài MIỀN THƯỢNG TRONG
MỐI QUAN HỆ GIAO LƯU KINH TẾ VỚI ĐÀNG TRONG
[32] Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Đổng
Chi, sđd, tr.147.
[33] Nguyễn Kinh Chi, Nguyễn Đổng
Chi, sđd, tr.147.
[34] Võ Chuẩn, Kon Tum tỉnh chí, in trong Nam Phong tạp chí, số 193,
tháng 2, 3-1934, tr.142. Tại
thành phố hiện nay vẫn còn giữ lại một
số các tên như Xóm rau, Xóm lưới, Xóm lò heo…, các tên gọi này đều lấy nghề nghiệp
chính tại xóm đó để đặt
tên xóm. Liệu có phải chúng xuất phát từ giai
đoạn này chăng!
Nguồn :
http://cehitam.wordpress.com/2013/08/19/tac-dong-cua-dieu-kien-tu-nhien-den-dinh-cu-va-sinh-hoat-kinh-te-tai-kon-tum-vao-nua-cuoi-the-ky-xix/