Thứ Ba, 28 tháng 1, 2025

MẸ LÀ MÙA XUÂN

 MẸ LÀ MÙA XUÂN

Tết năm nào cũng vậy, hễ ở đâu có người Việt sinh sống là sẽ nghe vang lên ba bài hát kinh điển: ngoài đời thường có bài "Ly Rượu Mừng" của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, sáng tác năm 1952; những người trong quân ngũ xa nhà, cả xưa lẫn nay, có bài "Xuân này con không về" của ba nhạc sĩ cùng sáng tác đặt bút danh chung là Trịnh Lâm Ngân; và trong Đạo chúng ta có bài "Mẹ là Mùa Xuân" của Hùng Lân, cố nhạc sĩ lão thành Công Giáo, sáng tác năm 1946.
Như vậy trong ba bài hát lừng danh và được phổ biến sâu rộng này, bài "Mẹ là Mùa Xuân" tính đến hôm nay ( 2018 ) có tuổi thọ cao nhất: 72 năm. Kế đó bài "Ly Rượu Mừng" cũng đã được 66 tuổi đời âm nhạc. Còn bài "Xuân này con không về" thì Wikipedia chỉ cho biết đã sáng tác trong khoảng thập niên 60, nghĩa là cũng ngót nghét hơn 60 năm lưu truyền trong dòng chảy âm nhạc bolero.
Có một nét chung dễ thương là cả ba bài hát nổi tiếng này đều nhắc đến người mẹ, bà mẹ đời và Bà Mẹ Đạo. Vậy là bên cạnh mẹ quê hương, mẹ dân tộc, mẹ sinh thành dưỡng dục, người Công Giáo chúng ta còn có thêm một Bà Mẹ, là Mẹ của Thiên Chúa với thật nhiều tước hiệu tuyệt vời thân thương: Mẹ Hằng Cứu Giúp, Mẹ Phù Hộ các Giáo Hữu, Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành.
Cách nay 40 năm, khi hát bè bass trong ca đoàn Phanxicô Đakao, chúng tôi còn nhớ hình ảnh cha Jean Marie Trần Văn Phán, vừa hát mẫu, vừa múa nhịp kiểu Bình Ca, thỉnh thoảng lại dừng lại diễn tả ý nghĩa của bài "Mẹ là Mùa Xuân", giây phút ấy anh em chúng tôi cứ nhìn nhau tủm tỉm cười vì thấy cha già như thoát tục, như trở thành một "Lão Ngoan Đồng", như muốn xuất thần bay lên, nhất là ở câu cuối lên cao để giải kết, cha như đang dõi mắt, hết tâm hồn "trông về cõi phúc vô song"!
Khi làm biên tập cho báo Ephata, và báo Mẹ Hằng Cứu Giúp của Nhà Dòng, đến số báo Xuân, tôi thường ngỏ lời với độc giả thật chân tình rằng: số báo này đến tay anh chị em trong những ngày Tết, xin được xem như một Món Quà nho nhỏ gửi vào trong gia đình của anh chị em, cụ già và bạn trẻ, ba và mẹ, vợ và chồng, em bé đang lon ton bước đi hay thai nhi đang quẫy trong bụng mẹ, những trang báo Tết sẽ gợi nhớ tấm lòng của Mẹ Maria.
Thật vậy, Mẹ luôn theo bước chúng ta trên đường đời, có mặt với chúng ta khi vui lúc buồn, và sẽ nhẹ nhàng ân cần dắt tay con cái Mẹ về đến "bến lành", đến "quê bình an", đến "cõi phúc vô song"…
Xin biết ơn cố nhạc sĩ Hùng Lân, xin thắp một nén hương lòng và nguyện một Kinh Kính Mừng cho hương hồn cụ Phêrô Hoàng Văn Hương (1922 – 1986).
Chắc chắn trong các Thánh Lễ và các cuộc Hành Hương Đức Mẹ Tân Niên nơi này nơi kia, giai điệu và lời nguyện ca "Mẹ là Mùa Xuân" sẽ vang lên và làm ứa ra những giọt nước mắt xúc động của niềm vui, của cảm nhận Mẹ Maria Hằng Cứu Giúp đang nhìn sâu vào mắt chúng ta, vào lòng chúng ta, vào cuộc đời của chúng ta. Lời ca gần như không còn là sáng tác riêng của nhạc sĩ, nhưng đã trở thành lời tâm nguyện của mỗi tín hữu chúng ta, của cả những anh chị em không phải là Công Giáo…
"Ôi Maria! Mẹ là Mùa Xuân ánh sáng. Mẹ là cửa son đền vàng. Bến lành vào quê bình an. Ôi Maria! Dẫu rằng đời con lầm than, bóng tội mờ che trần gian, sức hèn con ngã nhiều phen. Nhưng con luôn trông đến ngày tàn phai mùa đông, ánh vàng sự rỗi reo mừng, hoa trái đau thương lừng hương. Ban ơn cho con biết tìm ngọt trong sầu than, biết tìm mạnh trong nguy nan, biết có xuân trên đông tàn.
Mẹ là Mùa Xuân đem sức thiêng cho cõi lòng. Mẹ là mùa xuân muôn kiếp muôn dân đợi trông. Mẹ là Mùa Xuân bất diệt trên cõi hằng sống, giúp con vượt đời, trông về cõi phúc vô song…"
Lm. Lê Quang Uy, Sàigòn, DCCT, Xuân Mậu Tuất, 2.2018
Ghi chú thêm năm 2025:
Thầy đã khai tâm cho mình về âm nhạc các phần xướng âm, ký âm năm 1976, trong một khóa học tại nhà của thầy trên đường Tự Đức, Đakao, Quận 1
Nguồn bài viết: Giuse Lê Quang Uy


Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2025

Năm Tỵ nói về chuyện Rắn.

 Năm Tỵ nói về chuyện Rắn.

Phiếm luận - Hoài Nguyễn
---------------------------------
Chỉ còn vài ngày nữa là những quốc gia đón Tết Âm lịch sẽ bước qua năm Ất Tỵ, trong đó con vật "cầm trịch" cho năm này chính là Rắn, một loài động vật mang tính hoang dã và tùy theo loại rắn mà có những con gây nguy hiểm đến khả năng tử vong không những đối với các sinh vật khác mà cả với con người.
Rắn là tên gọi chung để chỉ một nhóm các loài động vật bò sát ăn thịt, không chân và thân hình tròn dài. Giống như các loài bò sát có vảy khác, rắn là động vật có xương sống, có màng ối, ngoại nhiệt với các lớp vảy xếp chồng lên nhau che phủ cơ thể.
Rắn có tuổi thọ tương đối thấp so với các loài động vật khác nếu không xung đột với con người cũng như sinh vật khác khỏe hơn. Trung bình một con rắn có thể sống từ 25 - 30 năm. Trên thế giới có gần 2.500 loài rắn. Ở Việt Nam theo thông kê có gần 150 loài rắn, trong đó có 13 loài rắn sông-biển, 34 loài rắn độc.
Rắn có nhiều loại, có loại tên gọi dựa vào màu sắc như : rắn lục (màu xanh lá cây), rắn lục hoa cân (màu xanh điểm xuyết những sọc đỏ); rắn lục đầu bạc (các sọc trắng trên bộ da đen bóng); Cạp nong đầu đỏ (phần đầu và đuôi đỏ chót, thân đen); rắn lá khô đốm (phần thân màu đỏ điểm xuyết những đốm đen) rắn lửa, rắn hổ đất (màu đen xám), rắn sọc dưa (vằn sọc đen trắng pha vào nhau)... Căn cứ vào đặc điểm, tính chất, người ta lại chia ra: Rắn hổ ngựa (loại rắn phóng, chạy nhanh như ngựa sải), rắn hổ hành (lúc nào cũng có mùi hành); Rắn hổ đất (thân đen bóng, đen mốc giống màu đất); rắn chuông (dùng đuôi để phát ra những tiếng kêu để xua đuổi, cảnh báo kẻ thù) ...
Trên thế giới, nhiều nước có tín ngưỡng thờ rắn. Hình tượng rắn được thờ phụng ở rất nhiều quốc gia. Rắn được thần thánh hóa và tôn thờ và đi vào đời sống tâm linh. Hình tượng rắn không chỉ xuất hiện trong hầu hết các nền văn hóa mà còn mang nhiều ý nghĩa khác nhau, đôi khi đối lập nhau. Hình dạng và đặc điểm di chuyển của loài rắn là cơ sở để người xưa hình dung và đồng nhất rắn với những con sông hay nguồn nước. Loài rắn có đặc tính lột da, do vậy nó biểu trưng cho sự tái sinh, bất tử. Các hiện tượng tự nhiên như vòi rồng ở biển, các cơn lốc xoáy với hình thù uốn lượn đã được nhân cách hóa thành hình tượng rắn. Con người nhìn chung là sợ rắn, và vì sợ nên con người thần thánh hóa loài rắn, thờ cúng rắn để mong rắn bảo vệ cho mình. Ba biểu tượng y học liên quan tới rắn còn được sử dụng cho tới ngày nay là “Chén Hygieia”, biểu tượng cho dược học, và “Caduceus” cùng “Gậy Asclepius” là biểu tượng cho y tế nói chung. Ngày nay nọc rắn được sử dụng trong y học để chữa trị một số chứng bệnh hiểm nghèo. Ý nghĩa biểu tượng quan trọng nhất của rắn chính là sự thể hiện nguồn gốc của sự sống và vũ trụ, trên bình diện con người. Da của rắn cũng là loại có giá trị. Thịt rắn vừa thơm ngon, lại chữa được bệnh nên các "dân nhậu" thích món "đặc sản rắn" này. Một số loài rắn còn được ngâm rượu với một số vị thuốc Bắc. Thường người sành rượu rắn luôn quý hũ rượu “thất xà nhị điểu” ngâm với một số vị thuốc quý.
Trong văn hóa người Việt, nhìn chung người ta cho rắn là loài động vật không mấy thân thiện, tốt đẹp, mang biểu tượng của cái ác nên thường lấy hình ảnh con rắn để ví von với những sự thấp kém, không mấy tích cực.
Ở Việt Nam chúng ta thường nghe các câu nói, tục ngữ liên quan đến con rắn, ví dụ một số câu như sau:
"Bạnh cổ như cổ hổ mang" - ví người như rắn
"Len lét như rắn mùng năm" - người có hành động lén lút, sợ sệt
"Vẽ rắn thêm chân" - kẻ hay bịa đặt, ba hoa quá sự thật, phức tạp hóa một vấnđề đơn giản.
"Hang hùm miệng rắn" - chỉ nơi nguy hiểm khó tiếp cận : Đối với những kẻ phản bội gia đình, Tổ quốc
"Cõng rắn cắn gà nhà" - ví những người phản bội quê hương, làm tay sai cho ngoại bang
"Khẩu Phật tâm xà" - chỉ những những người lời nói thì ngon ngọt nhưng bụng dạ ác độc.
"Đánh rắn phải đánh dập đầu" - do nọc rắn ở đầu nên muốn diệt mối nguy hiểm phải phải diệt mối nguy từ phần chính của thủ lĩnh.
"Áp rắn vào ngực" - Rắn là loài độc hại mà lại đem áp vào ngực thì cũng có ngày bị nó cắn mất mạng. Chỉ sự lầm lẫn, thiếu cảnh giác, tự đem họa vào thân.
"Hùm tha rắn cắn' - ý nói không gặp tai họa này thì cũng sẽ gặp tai họa khác.
"Như rắn mất đầu" - Ám chỉ một tổ chức không có người lãnh đạo nên mất phương hướng, dẫn đến tan rã, diệt vong.
"Nọc người bằng mười nọc rắn" - ý nói lòng dạ độc ác, nham hiểm của con người còn độc hơn cả nọc rắn.
"Rắn đến nhà, không đánh thành quái" - hàm ý nếu gặp kẻ ác đến nhà thì phải diệt trừ ngay để chúng không gây hại cho mình.
.......
Trên đây là một số ví dụ theo kinh nghiệm dân gian về những câu nói liên quan đến con rắn, nhìn chung là có một cái nhìn "ác cảm" với loại rắn mà năm nay, năm Ất Tỵ chính là năm cầm tinh của nó...
Tuy nhiên cũng cần nói rõ thêm là người tuổi Tỵ thì chẳng liên quan gỉ đến các câu nói trên.... Các bạn tuổi Tỵ cũng như tuổi gì đi nữa thì không phải "tự ti" về cái tuổi mà cha mẹ mình đã sinh ra mình trong năm đó... Mấy ông thầy bói hoặc tướng số chỉ là những tay bốc phét "ăn ốc đoán mò" thôi...
Trên thế giới, có nhiều quốc gia cũng có những quan niệm và văn hóa khác nhau về loài rắn, nhưng thôi, đó là chuyện của họ...
Cuối năm cũng có một chút xíu phiếm luận về con vật mà người Việt chúng ta sẽ phải nhắc đến trong một năm âm lịch và tất nhiên những điều tốt xấu, thiện lành... đến với ta cũng chỉ là một sự ngẫu nhiên... Đừng nên quy kết cho con rắn và năm Ất Tỵ này ..
Hoài Nguyễn - 24/01/202
(25 tháng Chạp - Giáp Thìn)


Thi phẩm : Ông Đồ

 Thi phẩm : Ông Đồ

Sáng tác : Thi sĩ Vũ Đình Liên 1936
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy Ông Đồ già
Bày mực tàu, giấy đỏ
Bên phố đông người qua.
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
"Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay"
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu.
Ông Đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay
Năm nay đào lại nở
Không thấy Ông Đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ.
Vũ Đình Liên - 1936
Ảnh minh họa nguồn internet



Thứ Hai, 20 tháng 1, 2025

TƯỞNG NHỚ NỮ TU LUCIE HUỲNH THỊ THU HUYỀN

 TƯỞNG NHỚ NỮ TU LUCIE HUỲNH THỊ THU HUYỀN

Lễ Giỗ 16 năm
(20.01.2009 - 20.01.2025)
Nữ tu - nhà thơ Thu Huyền sinh ngày 19-12-1961, tại Nha Trang. Khi còn là học sinh ở Nha Trang, thơ Xuân Ly Băng đã tác động nhiều đến hành trình ơn gọi tận hiến của Chị.
14 năm nữ tu thuộc Dòng Thánh Phaolô thành Chartres Đà Nẵng, chị đã gắn liền với sứ mạng rao giảng Lời Chúa tại vùng Cao Nguyên Việt Nam. Chị đảm nhận dạy lớp Giáo Phu 1.500 người sắc tộc cho Giáo Phận Kon Tum, lớp Giáo Lý Vào Đời và lớp Nữ Sinh Tìm Hiểu Ơn Gọi, cũng như phụ trách Ca đoàn Thiếu Nhi (CĐ Cêcilia) tại Giáo xứ Tân Hương. Hằng tuần, chị viết một bài thơ theo Tin Mừng và đăng trên tờ Gia Đình Tân Hương.
Ngày 20-01-2009, chị bị tai nạn giao thông trên đường đi làm phận sự. Chị đã để lại hơn 300 bài thơ Tin Mừng và một số Thơ Công Giáo khác.
Xin cầu cho linh hồn Sơ Lucie.
____________________________
XUÂN VĨNH AN
Búp mai hé lộ cánh vàng,
Ngày xuân đang ở rất gần bên ta.
Chạnh lòng nhớ Chị đã xa,
Vừa đây cười nói, vậy mà…thiên thu.
Mười bốn năm đời nữ tu
Trọn lòng dâng hiến Giêsu – người tình.
Tây Nguyên nguyện ước hy sinh
Sẻ chia Lời Chúa hết mình hiến trao.
Hồn thơ yêu mến dạt dào,
Tâm hồn rộng mở ca rao tình Ngài.
Ươm trồng ơn gọi hôm nay
Bước theo tiếng Chúa hăng say lên đường.
Lời thơ – ý nhạc quyện hương
Cho đời thêm chút yêu thương xuân đầy.
Nào ngờ ý Chúa nhiệm thay!
Gọi về bên Chúa…một ngày cuối năm.
Tết này mười sáu mùa xuân
Chị vui gặp Chúa suối nguồn cậy trông.
Trang thơ đành ngắt giữa dòng
Cung đàn hụt hẫng, xót lòng thơ tôi.
Cầu cho nhau nhé, Chị ơi!
Chỉ nơi Chúa – xuân tuyệt vời vĩnh an.
Minh Sơn
(Tưởng nhớ Sr. Thu Huyền)
______________________
TÔI NGỦ VỚI MẶT TRỜI
Tôi sẽ ngủ với mặt trời
Trong triều ánh sáng rạng ngời Giêsu
Hỡi người yên giấc thiên thu
Chiều nay hương khói mịt mù không gian
Nghĩa trang còn vệt nắng vàng
Đôi miền sinh- tử kết tràng hương kinh
Đất lạnh mơ bóng Phục Sinh
Bia đá huyệt mộ lặng thinh một đời
Tôi sẽ ngủ với mặt trời
Tình Chúa nhân ái cao vời ngàn năm
Chiều nghĩa trang tiếng thì thầm
Linh hồn đã khuất ươm mầm tin yêu
Đức tin người ! Lễ toàn thiêu
Cuộc trần cát bụi phong nhiêu bão đời
Tôi sẽ ngủ với mặt trời
Trở về bên Chúa một đời nghỉ yên
Chúa là hạnh phúc vô biên
Mặt trời công chính soi miền trần gian
Hoàng hôn xuống đêm dần tàn
Đất trời hạnh ngộ vô vàn yêu thương
Mặt trời tỏa ánh miên trường
Sự sống không mất thiên đường muôn thu
(Sr. Lucie Thu Huyền - Ngày 02-11-2008)
______________
LMSơn 20/01/2025

______


Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2025

CN 2 TN C

 CN 2 TN C

Is 62,1-5: Ngươi sẽ không còn là kẻ bị ruồng bỏ...mà là kẻ Ta ưa thích...Chồng sẽ vui vì vợ, Ta sẽ vui vì ngươi
1Co 12,4-11” : Thánh Thần ban ơn riêng cho mỗi người theo qui định để phục vụ cộng đoàn
Ga 2,1-12: Ngày thứ Ba có tiệc cưới tại Cana..Họ hết rượu rồi...Người bảo gì thì làm theo. Nước hóa thành rượu
1/ Thiên Chúa hứa KẾT HÔN với dân Người
+Sau mầu nhiệm Chúa Hiển Linh và biến cố Chúa chịu phép rửa, Đức Giê-su bắt đầu công việc xây dựng Nước Trời.
+Cựu ước loan báo việc ĐGS thực hiện. Tiên tri Isaia (Is 6,1-5) trình bày một Thiên Chúa yêu thương dân Người: Israen không còn bị bỏ rơi nữa, nhưng sẽ trở nên “cô dâu”, vị hôn thê lý tưởng của Thiên Chúa Tình Yêu. Dân Tân Ước là chúng ta cũng thế: Thiên Chúa vui thích ở giữa dân Người. Chúa hiện diện trong tiệc cưới ở Cana, hình ảnh tiệc Nước Trời.
+ Phụng vụ hôm nay, mở đầu bằng chữ : “Ngày thứ BA có tiệc cưới ở Cana”. Có sự hiện diện của Đức Maria, Chúa Giê-su, và các môn đệ như một gia đình, một cộng đoàn nhân loại. Mẹ Maria hiện diện giữa loài người để đón tiếp “Ơn Chúa viếng thăm”. Mẹ chuyển cầu cho chúng ta. Mẹ nói “HỌ HẾT RƯỢU RỒI...NGƯỜI BẢO GÌ THÌ LÀM THEO”. Phần chúng ta, cũng hãy nghe và làm theo như thế. Mẹ nói: con hết rươu rồi phải không(?)...Người bảo gì hãy làm theo. Hãy tuân giữ giáo huấn, lề luật của Con Mẹ.
2/ TIỆC CƯỚI CANA.
1. “Ngày thứ BA có đám cưới”.
+ Con số 3 nói lên tín điều Một Chúa Ba Ngôi.
+Con số 3,ngày thứ ba, nhắc cho chúng ta nhớ đến niềm tin vào Chúa Phục Sinh vào ngày thứ ba.
+ Đám cưới gợi lại hình ảnh người cha nhân hậu tổ chức tiệc, mặc áo đẹp, xỏ dép cho người con hoang đàng trở về, tổ chức “hát Karaoke”, múa nhảy. mặc áo đẹp dành cho ngày cưới.
+ Tai Galile, Đức Kito ra tay và CÓ RƯỢU nghĩa là Lề Luật rút lui, Ân Sủng thay thế, hình bóng đẩy xa, chân lý thành hiện thực, thực tại phàm trần bị thực tai thiêng liêng thay thế. Cựu ước nhường chỗ cho Tân Ước, cái cũ qua đi, cái mới có đây. Nước trong 6 chum không mất nhưng được kiện toàn. Rượu Cựu ước tốt, rượu Tân Ước tốt hơn. Cựu ước người Do Thái nắm giữ, Tân Ước liên hệ đến chúng ta, ĐEM LAI HƯƠNG VỊ SỰ SỐNG VÀ ÂN SỦNG. Rượu tốt là huấn lệnh tốt của lề luật. Luật dạy rằng: Hãy yêu bạn hữu và ghét kẻ thù, nhưng RƯỢU TỐT và MẠNH HƠN là RƯỢU CỦA TIN MỪNG: Còn Thầy bảo anh em: “Phải yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em”.
3/ Tiệc cưới Cana trình bày thân phận loài người tội lỗi
+ “Họ hết rượu rồi” nghĩa là họ hết rượu yêu thương rồi, họ hết rượu thánh thiện đạo đức rồi, họ hết rượu hy vọng rồi. Hãy là “Người hành hương của hy vọng” như lời Đức Thánh Cha mời gọi trong Năm Thánh. Muốn khỏi thất vọng và luôn hy vọng thì hãy đến với Mẹ Maria, hãy GẶP GỠ CHÚA GIÊ-SU cách cá vị, riêng tư. Một mình với Chúa – solus cum SOLO.
+ Thánh Lễ ngày Chúa Nhật là một cuộc HỘI HỌP, hình ảnh của xã hội loài người nói chung, hình ảnh của dân Chúa nói riêng, cụ thể là CỘNG ĐOÀN GIÁO XỨ tập họp ngày lễ Chúa Nhật: Có Đức Giê-su ở đó, có Đức Maria ở đó, có các Tông đồ ở đó, có các thánh ở đó, có Ba Ngôi TC ở đó...để HÔN LỄ, lễ cưới được hồi sinh, có lại được RƯỢU TÌNH YÊU, RƯỢU YÊU THƯƠNG.
+ Hội Thánh của Đức Kito là HÔN NHÂN mới và vĩnh cửu. Và nhờ Bí tích Thánh Thể, nhờ tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật, Chúa sẽ “Biến nước thành rượu” cho chúng ta, biến sự nhạt nhẽo đôi khi đắng đót trong đời sống để ta được rượu ngon, rượu thượng hạng, rượu nồng ấm, rượu hạnh phúc trong gia đình, ngoài xã hội.
+ Tiêc Thánh Thể ngày Chúa Nhật là cuộc HÔN NHÂN giữa Trời và đất, “TRời cao đất thấp gặp nhau”. Thiên Chúa ở giữa dân Người. Người dùng quyền năng ban cho Hội Thánh đầy “rượu Thánh Thần Tình Yêu” để không thiếu ơn nào (1Co 12,1-11), mỗi người một ơn tuy khác nhau, chức vụ khác nhau để PHỤC VỤ CỘNG ĐOÀN, phục vụ GIÁO XỨ, mang lại lợi ích và niềm vui lớn lao, niềm HY VỌNG tràn đầy Chính trong Hội Thánh và nơi Thánh Thể mà chúng ta đón nhận niềm vui ơn cứu độ.
DÙ GÌ, DÙ GÌ CỨ PHẤN KHỞI ĐI LỄ CHÚA NHẬT.
Nguồn bài viết: tqt30