Thứ Tư, 31 tháng 5, 2023

Miền Nam trước 1975 có là “phồn vinh giả tạo”?

 Miền Nam trước 1975 có là “phồn vinh giả tạo”?

TUẤN KHANH
Sau năm 1975, một trong những cách mô tả của báo chí nhà nước mới VỀ SỰ THỊNH VƯỢNG CỦA MIỀN NAM là một XÃ HỘI PHỒN VINH GIẢ TẠO Cách dẫn giải của cụm từ này, đơn giản là do :
-đô-la của đế quốc Mỹ đổ vào
-sự ăn xài phủ phê có tính giai đoạn
-quan chức tham nhũng giàu có
-bọn tư bản mua bán lũng đoạn…
nên xã hội miền Nam Việt Nam có vẻ đầy sức sống nhưng trong lòng của xã hội là sự nghèo kém và lạc hậu vì bị áp bức, bóc lột.
Những quan điểm như vậy, dù thiếu tính nghiên cứu khoa học và được dẫn đường bằng cái nhìn đay nghiến vô cớ, cũng KHIẾN KHÔNG ÍT NGƯỜI TIN VÀO ĐIỀU NẦY, thậm chí đó là căn bản lý luận của những luận văn khảo sát miền Nam hoặc báo chí trong suốt trong một thời gian dài.
Cho đến khi ngôn luận đời sống xã hội được mở rộng, đặc biệt là sau khi các mạng xã hội, blog… phát triển THÌ LUẬN ĐIỆU NẦY CHÌM DÂN , nhưng KHÔNG CÓ AI nói lại, xin lỗi hoặc có một sự tự trọng nhất định ĐỂ CẢI CHÍNH VỀ ĐỜI SỐNG THẬT của người dân miền Nam, nếu không nói đó là loại ngôn luận phủ định đầy xúc phạm.
Mới đây, trong một bài viết của nhà báo Trương Huy San, có nói về thời kỳ phát triển viễn thông sau 1975 với một số quan chức có ý thức về tương lai đất nước, bài viết có dẫn con số về đầu điện thoại sử dụng ở hai miền trước 1975. Theo bài viết, con số thống kê được chính quyền mới ghi nhận lại, cho thấy trong thập niên 1960, điện thoại tư nhân đã tăng rất nhanh ở miền Nam: Năm1965, 23.377; năm 1966, 24.837; năm 1967, 27.082; năm 1968, 30.964; năm 1969, 36.150; năm 1970, 34.889; năm 1971; 38.133 máy.
Những con số này cho thấy sự phổ biến trong đời sống dân sự Việt Nam. Đồng thời gian, các tài liệu về lịch sử viễn thông – phương tiện điện thoại cố định ở Đại Hàn, Phi Luật Tân, Tân Gia Ba,Thái Lan… cho thấy điện thoại cố định (landline telephone) là hầu như chỉ dành cho các văn phòng công sở, không phổ biến cho dân dụng.
Dĩ nhiên, miền Bắc thì lại càng không có, do mọi nguồn lực đều tập trung phục vụ cho chiến tranh chứ không là phát triển truyền thông đại chúng. Bên cạnh, việc quản lý nghiêm ngặt các phương tiện liên lạc này vì sợ gián điệp, cảnh giác… khiến điện thoại chỉ có ở các cơ quan, nhưng không đều.
Trong bài viết, nhà báo Trương Huy San lập lại vài chi tiết mà nhiều người miền Nam đã biết, là NĂM 1966 ngày 30 tháng 1 lần đầu tiên người dân Sài Gòn được xem một bộ phim Mỹ, vừa có tiếng Việt vừa có tiếng Anh, qua 1.000 máy vô tuyến truyền hình được đặt ở những địa điểm đông người tại Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Tín hiệu được phát đi từ hai máy bay hiệu Constellation bay vòng quanh Sài Gòn.
NĂM 1966 ngày 31 tháng 1 Tháp vô tuyến truyền hình đã được khánh thành tại số 7 đường Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai). Máy vô tuyến truyền hình trở thành phổ biến ở các đô thị lớn và bắt đầu về tới các vùng nông thôn miền Nam.
NĂM 1970 Ngày 7 Tháng Chín miền Bắc mới cho phát thử một chương trình truyền hình đen trắng NĂM 1975 ngày 30 tháng Tư TRỞ VỀ SAU một số người dân ở Hà Nội, mới được “xem vô tuyến” nhờ các máy thu hình
-ĐƯA TỪ MIỀN NAM RA chuyển hệ
-hoặc đưa từ Liên Xô và các nước Đông Âu.
Truyền thông báo chí, ngay cả của nhà nước cũng phát triển rất hạn chế ở miền Bắc. Trong thập niên 1960, trong một xã may ra có ông chủ tịch hay bí thư là có được chiếc máy thu thanh hiệu XIONG MAOhoặc ORIONTO. Sau năm 1975, những chiếc radio bán dẫn Nhật như Standard, National… được các anh bộ đội, các cán bộ vào Nam công tác đưa ra nhưng nó vẫn là một mặt hàng bị “nhà nước quản lý”.
Trong ký ức nhạt nhòa, tôi vẫn còn nhớ những buổi chiều chủ nhật đón xem các bộ phim cao bồi và siêu nhân trên truyền hình ở Sài Gòn vào các chiều chủ nhật. Bọn trẻ con vẫn hò hét và tán chuyện với nhau về những tình tiết hấp dẫn trên TV.
Truyền hình là phương tiện giải trí mắc tiền và riêng tư nhiều hơn cả điện thoại gia đình, nhưng theo một bài viết của nhà báo Phạm Công Luận, thì lúc đó, “Máy truyền hình đã xuất hiện tại VN, lần đầu tiên, năm 1966. Một chiếc Denon, 12 inches, giá 16.500 đồng, 19 inches: 30.000 đồng… Mặc dù kỹ thuật còn lỉnh kỉnh, như: vô tuyến truyền hình, chương trình cao su, hát nói nhiều hơn hình ảnh, ti vi – một danh từ mới – đã được “khán thính giả” VN chiếu cố kỹ.
Nhà nhà đều có ti vi. Ai không có thì đi coi cọp. Ăng ten mọc như mắc cưởi, hướng loạn trên các mái nhà, nhất là ở các tỉnh. Chương trình được hâm mộ nhất là… cải lương và… đài Mỹ. Batman xuất hiện khắp hang cùng ngõ hẻm. Lúc đó điện còn yếu, mỗi nhà một SURVOLTEUR cho ti vi”. Một thống kê khác, cho thấy lúc đó sức mua của người dân miền Nam rất mạnh, nên cho đến đầu thập niên 70, cứ 50 người thì có một gia đình sở hữu truyền hình.
NĂM 1980 chính quyền mới thử nghiệm phát truyền hình màu lần đầu, cố gắng nối kết giữa các hệ phát hình xã hội chủ nghĩa và tư bản như NTSC, Secam, Pal…
NĂM 1983, ông thầy của tôi làm việc ở Sài Gòn, gom góp tiền bạc mua được chiếc tivi màu 14 inch JVC vỏ đỏ. Ông kể chuyện mình dành dụm mãi mới mua với giá gần 1, 4 lạng vàng. Mua xong, ông gửi về quê ở Hà Nội để cho ông cụ thân sinh xem giải trí, vốn cả đời chưa thấy truyền hình màu là gì. Thế nhưng chỉ qua tháng sau, ông nhận lại chiếc truyền hình ấy với thùng, bao còn mới tinh. Hỏi ra mới biết, khi ông cụ nhận được quà không bao lâu, thì xóm làng biết chuyện. Phía hội, đoàn, cả công an khu vực cũng ghé nhà, thuyết phục cụ mỗi đêm nối dây mang ra sân cho cả xóm mấy mươi người cùng xem vì tình nghĩa xóm làng. Đột nhiên từ chỗ có của, nhưng không được vui hưởng, mà trở thành người hàng đêm phải quét sân, dọn tivi ra, rồi hết giờ lại dọn vào… quá mệt mỏi nên ông cụ gửi trả tivi về Sài Gòn, nói rằng ông chỉ muốn được yên.
VỀ ĐIỆN THOẠI CỐ ĐỊNH
NĂM 1980, từ giữa những năm 80, khi liên lạc viễn thông không còn bị nhìn với ánh mắt nghi kỵ, và nằm trong kế hoạch phát triển
NĂM 1995-2000, với mục tiêu 100 người dân/1 điện thoại, người Sài Gòn dù trải qua nhiều đợt vô cùng khốn khó, đã dẫn đầu cả nước để đóng tiền “cọc”, đưa điện thoại cố định về nhà.
Cần phải nói, mỗi điện thoại lúc đó bị yêu cầu ĐÓNG TIỀN THẾ CHÂN 4 đến 5 triệu đồng, tương đương 4-5 cây vàng (năm 2005, giá vàng là 955.000 đồng/chỉ), nhưng đến giờ, hầu như KHÔNG AI LẤY LẠI ĐƯỢC số tiền thế chân đó.!
Chắc là Sài Gòn không chỉ là “phồn vinh giả tạo” đâu, vì sau năm 1980, ở các chợ điện tử của quận 5, quận 1, quận 10… mọc lên như nấm các cửa hàng chuyển hệ truyền hình của phương Tây, sang các hệ màu xã hội chủ nghĩa đang phát. Sự phát triển của các của hàng này cũng chứng mình một điều là các phương tiện bị gọi là xa xỉ vào lúc đó, đều là tài sản có sẳn của nhiều gia đình miền Nam còn lại sau các chiến dịch đánh tư sản X1, X2, X3 . Mà khiến bộ mặt xã hội trở nên mệt mỏi và kiệt quệ…
Cái cách sống và chọn tiện nghi cho mình, đắt tiền nhưng vẫn chấp nhận sau giai đoạn chiến tranh kết thúc, rõ là một xã hội đã quen với nhu cầu và mức sống như vậy. Bốn chữ PHỒN VINH GIÃ TẠO miền Nam nhận được quả là không có ý nghĩa gì, khi ít phút nhìn lại lịch sử bằng sự thật.
Nguồn bài viết: Quý Nguyễn
Tất cả cảm xú

Thứ Tư, 24 tháng 5, 2023

TỰ NGẪM SỰ ĐỜI .

 TỰ NGẪM SỰ ĐỜI .

1 ÷
Bạc vàng biệt thự xe hơi
Chỉ là những thứ đồ chơi rẻ tiền
Con ngoan chồng giỏi vợ hiền
Mới là vô giá núi tiền cũng thua.
.............................
2 ÷
Anh em trong họ rất gần
Nhưng không đi lại dần dần thành xa
Người ngoài lui tới vào ra
Buồn vui chia sẻ cùng ta thành gần.
.................................
3 ÷
Anh em muốn mãi trọn tình
Thì nên tiền bạc phân minh rõ ràng
Thà cho nhau cả cục vàng
Làm ăn chung chạ một ngàn cũng chia.
..........................
4 ÷
Hạnh phúc chẳng phải vì tiền
Hạnh phúc vì có vợ hiền con ngoan
Hạnh phúc chẳng phải giàu sang
Hạnh phúc vì có xóm làng mến yêu.
...........................
5 ÷
Giàu tiền chớ vội khoe khoang
Bởi vì thứ âý chỉ mang tạm thời
Giàu tình giàu nghĩa tuyệt vời
Mới là vĩnh cửu ngàn đời chẳng phai.
..............................
6 ÷
Khi yêu chín bỏ làm mười
Biết sai nhưng vẫn mỉm cười bỏ qua
Ghét rồi một thổi thành ba
Còn lôi tên tuổi mẹ cha dày vò.
...................................
7 ÷
Thà rằng ăn cháo ăn rau
Gia đình hạnh phúc bên nhau sum vầy
Còn hơn thịt cá vun đầy
Mỗi người mỗi ngã tháng ngày lẻ loi.
..........................
8 ÷
Cho con kiến thức trong đầu
Để con tìm cách làm giàu mới hay
Cho con nhà cửa đất đai
Mà không biết giữ trắng tay mấy hồi.
..........................
9 ÷
Mẹ cho con cả cuộc đời
Cho hết gia đạo không lời kể ơn
Nuôi mẹ được vài bữa cơm
Đã nghe than thở sớm hôm nhọc nhằn.
...........................
10 ÷
Dù đi khắp bốn phương trời
Công danh thành đạt rạng ngời non sông
Cuối đời vẫn cứ ước mong
Trở về mảnh đất cha ông quê mình.
...............................
11 ÷
Người già chẳng ước nhiều tiền
Chỉ cần tạm đủ khỏi phiền cháu con
Người già chẳng ước ăn ngon
Chỉ cần thái độ cháu con vui lòng.
................................
12 ÷
Đẻ con không phải dễ dàng
Nuôi con khôn lớn lại càng khó khăn
Dạy con thật tốt mới căng
Mẹ cha ai cũng băn khoăn điều này.
...............................
13 ÷
Báo đáp cha mẹ khi còn
Đừng chờ đến lúc vào hòm khóc than
Chăm sóc chu đáo nhẹ nhàng
Chứ đâu đòi hỏi bạc vàng gì đâu.
.........................
14 ÷
Có tiền trăm bạn nghìn bè
Kết tình huynh đệ rượu chè thâu đêm
Hết tiền đau ốm triền miên
Chỉ còn lại vợ nằm bên cạnh mình.
...................
15 ÷
Vợ chồng mà mất niềm tin
Giống như một chiếc đèn pin chập chờn
Mỗi khi cầm nó đi đường
Lòng luôn lo lắng bất thường xảy ra.
.....................................
16 ÷
Ở ngoài dạy cả ngàn người
Về nhà vẫn phải nghe lời mẹ cha
Lời mẹ chưa hẳn sâu xa
Nhưng luôn tốt đẹp để ta nên người.
................................
17 ÷
Ta không cầu bạc cầu tiền
Không cầu địa vị chức quyền cao sang
Chỉ cầu hai chữ Bình an
Cha mẹ mạnh khỏe con ngoan vợ hiền.
................................
18 ÷
Giàu sang chỉ biết hôm nay
Lỡ đâu mai mốt trắng tay không chừng
Cho nên chớ có vội mừng
Mà nên khiêm tốn chứ đừng huyênh hoang.
........................................
19 ÷
Họ giàu kệ họ em ơi
Mình nghèo mình sống thế thôi em à
Mỗi ngày ba bữa cơm cà
Vợ chồng con cái thuận hòa cũng vui.
.....................
20 ÷
Khi nghèo muốn có đủ ăn
Giàu rồi lại muốn tiếng tăm lẫy lừng
Lòng người tham quá vô chừng
Đến khi hấp hối mới ngừng chữ tham.
......................
21 ÷
Tuổi già sức khỏe yếu đi
Nhà cao cửa rộng thiết chi nữa nào
Chỉ cần vui vẻ hỏi chào
Cháu con hiếu thảo ngọt ngào thương yêu.
.........................................
22 ÷
Giàu tiền mà chẳng giàu tâm
Anh em ruột thịt người thân chẳng màng
Chờ chết ôm lấy hủ vàng
Chôn xuôi âm phủ để làng chửi ngu.
....................................
23 ÷
Đã là bổn phận làm con
Phải lo chữ hiếu vuông tròn trước sau
Hai bên nội ngoại như nhau
Đừng nên phân biệt mà đau lòng người.
...............................
24 ÷
Cha giàu con được ấm no
Vì thương con cái cha lo chu toàn
Con giàu chưa hẳn cha nhàn
Có người còn tính từng ngàn với cha
.............................
25 ÷
Tuổi già đổi tính là thường
Con cái thấu hiểu nhịn nhường mẹ cha
Chứ đừng hỗn láo lu loa
Mang tội bất hiếu mẹ cha tủi hờn.
........................................
Cảm ơn quý bạn đọc thân mến, nếu thấy hay và ý nghĩa thì đừng quên chia sẻ cho mọi người cùng đọc, và chia sẻ để nhận chia sẻ nhiều hơn bạn nhé ...
Nguồn bài viết: Hồng Bính.




Nguồn bài viếtNTất cả cảm x

Thứ Tư, 10 tháng 5, 2023

Ngày Của Mẹ - Mother's Day

 Ngày Của Mẹ - Mother's Day

Ngày của Mẹ – Mother's Day – được qui ước vào ngày Chủ Nhật thứ hai của Tháng Năm, năm nay rơi vào 14/5/2023.
Một lần nữa, những người con trên thế giới này lại có dịp để tỏ lòng thành kính với người Mẹ kính yêu của mình.
"Ngày của Mẹ" có nguồn gốc từ thời Hy Lạp cổ đại. Thời đó, lễ hội tôn vinh nữ thần Cybelle, mẹ của tất cả các vị thần Hy Lạp, được tổ chức vào thời điểm Xuân Phân - khi mặt trời ở gần xích đạo nhất. Trong khi đó tại La Mã cổ đại, người ta ăn mừng lễ hội Matronialia để tôn vinh nữ thần Juno, nữ hoàng của các vị thần La Mã, vợ của thần Jupiter.
Ở Mỹ, vào năm 1911, ngày của Mẹ được tổ chức hầu hết các tiểu bang của liên bang Hoa Kỳ. Và vào ngày 8/5/1914, Tổng Thống Woodrow Wilson ký một nghị quyết ấn định ngày Chủ Nhật thứ hai của Tháng Năm hằng năm được lấy làm ngày của Mẹ.
Có ai đó đã từng nói: “Vũ trụ có nhiều kỳ quan, nhưng kỳ quan tuyệt phẩm nhất là trái tim người mẹ”. Mẹ là người sinh thành và nuôi dưỡng chúng ta, thương yêu chúng ta nhất trên đời một cách vô điều kiện. Chính vì vậy, ngày của Mẹ ra đời là dịp để hàng triệu người trên khắp thế giới dùng cơ hội này để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với người mẹ kính yêu của mình, người đã dành trọn cả cuộc đời để chúng ta có một tương lai và cuộc sống tốt đẹp hơn.
Còn ở Việt Nam, dù đã có lễ Vu Lan báo hiếu vào ngày Rằm Tháng 7 hàng năm, nhưng những năm gần đây, theo xu hướng hội nhập quốc tế, chúng ta cũng đã mừng Ngày của Mẹ vào Chủ nhật thứ hai của Tháng Năm và được các bạn trẻ đón nhận khá nồng nhiệt. Vào ngày này, những món quà phổ biến nhất dành tặng mẹ đó là hoa, quà, thiệp chúc mừng hay đơn giản là một bữa cơm do chính tay người con nấu, thật thiết thực và ý nghĩa.
Nhân dịp “Ngày Của Mẹ – Mother's Day”, xin chúc các bạn đang còn mẹ một niềm hạnh phúc đang còn mẹ, có những cách báo đáp tình yêu của con cái dành cho người mẹ yêu dấu của mình…
Nguồn bài viết: Hoài Nguyễn - 10/5/2023.


Thứ Ba, 9 tháng 5, 2023

Triết lý cục SON và cục BÙN.

 Triết lý cục SON và cục BÙN.

Mỗi một con người, ai cũng sở hữu một cục Son và một cục Bùn.
Cục SON là tài năng, là lòng tốt, là việc tốt, là tất cả những gì được gọi là tốt của người đó. Cục BÙN là những khuyết điểm, là tính hư, tật xấu, là những cái gì của người đó mà làm cho người khác không ưa không thích.
Cục SON lớn hay nhỏ, cục BÙN to hay bé thì ở mỗi người đều khác nhau. Trong một kiếp sống làm người thì nó cũng có thể thay đổi. Cái này mà lên thì cái kia phải xuống và ngược lại.
Đã sống chung với người khác, ta được hạnh phúc là nhờ cục SON, ta thấy khó sống là do cục BÙN của họ.
Công bằng mà nói, thì khi sống với ai thì mình phải thấy nơi họ cả hai điều này. Mình chỉ xài cục Son , không xài cục Bùn. Khi vợ chồng giận nhau thì phải nhớ cục Son của “đối phương” chứ đừng chỉ thấy cục Bùn !
Mỗi người phải tìm cách, tìm giờ để phát triển cục Son và giảm ”trọng lượng” cục Bùn ! Ông tổng thống cũng có 24 giờ một ngày, ông nông dân cũng như thế. Một ngày ai làm việc tốt nhiều là phát triển cục Son, ngược lại chỉ làm việc ác hay lười biếng thì cục Bùn sẽ lớn thêm ! Cả hai thứ này đều phải mang vào kiếp sau ! Chính Chúa là Đấng xét xử nghiêm minh ! Tôn giáo nào cũng tin có đời sống sau khi chết.
Không nên “khai trừ” ai chỉ vì cục Bùn của họ, trong khi họ có cục Son mà mọi người đang cần, và hãy nhớ rằng mình cũng có cục Bùn tổ bổ ! Chỉ mình mới có thể vét sạch bùn trong “đầm lầy” vườn nhà mình. Hãy lấy cái xà trong mắt mình trước. Chúa Giêsu đã dạy như vậy.
Có một cái bể cạn, có hòn non bộ, có cá đủ màu sắc rất đẹp bơi lội thật vui mắt, có bèo xanh tươi, có hoa nở đủ màu . . . Nhìn vào, thật tuyệt vời ! Nhưng chẳng may, trong đáy hồ có Bùn ! Nhất định phải vét, phải quét sạch bùn ! Phải quậy tung lên mới được ! Khi đó người ta chỉ thấy toàn bùn ! Không thấy cá đâu nữa, không thấy hoa đâu nữa ! Chỉ thấy toàn bùn ! Cách làm này không hay đâu ! Hãy tin rằng Chúa có cách làm của Ngài để quét sạch bùn lầy ! Phần mình nên bớt bươi móc và cầu nguyện nhiều hơn. Giáo Hội Hiệp Thông, Giáo Hội thông công đúng nghĩa là như vậy. Giáo Hội có phẩm trật. Chúa Giêsu đặt Phêro làm đầu. Phêro lãnh trách nhiệm và chịu trách nhiệm trước Chúa.
Chuyện kể : Có một người kia đi tìm Chân Lý. Ngang qua một cửa hiệu thấy để chữ : Ở đây có bán chân lý. Mừng quá, ông vào mua. Cương quyết mua cho bằng được, đắt mấy cũng mua. Chủ tiệm hỏi khách hàng : Ông mua chân lý toàn phần hay chân lý một phần ? Mua chân lý toàn phần thôi, một nửa cái bánh mì cũng là bánh mì, nhưng một nửa chân lý vẫn không phải là chân lý ! Thế là bất thành ! Chủ cửa hiệu thương ông khách hàng bèn giới thiệu tới cửa hiệu bán chân lý khác ! Nhưng ở đó cũng chỉ có thứ chân lý một phần thôi ! Thấy tội nghiệp khách hàng ham chân lý toàn phần bèn mách bảo : Ông hãy đến cuối đường gần đây thôi, ông sẽ thấy một cửa hiệu có tên là GIÊSU, ở đó chắc chắn ông sẽ được điều ông mong ước. Ở đó miễn phí hoàn toàn ! Khỏi tốn đồng nào, nhưng phải thật lòng. Ông sẽ được có những thứ rất quan trọng và rất cần thiết cho đời này và đời sau. Vì GIÊSU chính là CON ĐƯỜNG, là SỰ THẬT toàn phần, và là SỰ SỐNG !
Vì con người chúng ta có giới hạn nên chúng ta chỉ có chân lý một phần thôi, và đừng bảo nó là toàn phần ! Nhất là khi ta đánh giá một con người.
Chúa Giêsu dạy và bảo chúng ta có mỗi một bài học này thôi : HÃY HỌC CÙNG TA, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Người kiêu căng chỉ đề cao cục Son của mình và chuyên bươi móc cái rác trong con mắt anh em mình.
Nguồn: Lm. Phêrô Nguyễn Văn Đông.



Vũ Hoàng Chương và “Say đi em”

 


Vũ Hoàng Chương và “Say đi em”
Tản mạn thơ – Hoài Nguyễn
-----------------------------------
Thời còn đi học, ngoài những thi sĩ tiền chiến đang sống ở ngoài Bắc như Xuân Diệu, Huy Cân, Chế Lan Viên. Thế Lữ, Nguyễn Bính … có thơ tái bản trong Nam thì những nhà thơ trong miền Nam dạng “cây đa, cây đề” như Nguyên Sa, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương.… có những bài thơ hay vẫn được bọn học trò chúng tôi “trích” vài câu tâm đắc ghi vào trang bìa vở hoặc sách giáo khoa để thỉnh thoảng “nghêu ngao”. Trong đó có lẽ có mấy câu thơ của Vũ Hoàng Chương mà không đứa học trò nào chúng tôi lại không biết:
“… Em ơi! lửa tắt bình khô rượu
Đời vắng em rồi say với ai?...” (Đời vắng em rồi say với ai)
hoặc
“…Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa
Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh…” (Phương xa)
Nhắc đến Vũ Hoàng Chương (1916-1976), một nhà thơ gốc Nam Định vốn ra đa tài như từng học Cử nhân Toán, bỏ học đi dạy, sáng tác thơ và kịch, làm ở sở Hỏa xa… trước năm 1945.
Đến năm 1946, Kháng chiến toàn quốc nổ ra, Vũ Hoàng Chương tản cư cùng gia đình về Thái Bình, làm nghề dạy học. Đến 1950, gặp lúc quân Pháp càn đến ruồng bắt cả nhà, ông bỏ miền quê, hồi cư về Hà Nội nơi dạy toán rồi chuyển sang dạy văn.
Năm 1954, Vũ Hoàng Chương di cư vào Nam, tiếp tục dạy học và sáng tác ở Sài Gòn.
Có lẽ vì từ năm 1969-1973 Vũ Hoàng Chương là Chủ tịch Trung tâm Văn bút Việt Nam (VNCH) mà sau biến cố 30/4/1975, ông bị chính quyền mới kết tội là “kiệt kích văn hóa”, bắt giam cầm ở Chí Hòa, bị bệnh nặng được cho đưa về nhà ở Sài Gòn 5 ngày thì mất ngày 6/ 9/1976.
Trong sự nghiệp văn chương của mình, Vũ Hoàng Chương để lại cho đời khoảng 15 tập thơ, 4 vở kịch thơ. Vũ Hoàng Chương được xem là một trong những thi sĩ lớn của văn học miền Nam thời ấy, một nhà thơ trữ tình lãng mạn, chứa chan cả trời thơ đất mộng lung linh và trong giới văn học miền Nam trước 1975 gọi ông là một “Thi bá”!
Văn phong của Vũ Hoàng Chương được giới phê bình văn học đánh giá là sang trọng, có dư vị hoài cổ, giàu chất nhạc, với nhiều sắc thái Đông phương.
Từ tính chất ưa tự do phóng đãng, thích phiêu lãng tang bồng, thi sĩ bỏ xứ ra đi làm một gã phong trần với túi thơ bầu rượu ngất ngưởng nghêu ngao. Thời tiền chiến ở miền Bắc, hình như phủ trùm lên một bầu khí hậu u buồn thảm đạm sao đó, khiến cho hầu hết giới thanh niên trẻ tuổi đều mang tâm trạng lạc lõng bơ vơ, đi mà chẳng biết đi về đâu giữa biển đời lênh đênh không bờ bến.
Hầu như trước sự bế tắt thời cuộc chinh chiến loạn lạc, tất cả những tâm hồn nhạy cảm của giới văn nghệ sĩ thời ấy đều tìm đến men rượu, say tình cho nguôi ngoai đi nỗi sầu thế sự. Vũ Hoàng Chương cũng đắm chìm trong hương vị túy lúy cuồng ca quá đỗi trằn trọc, quằn quại thê lương. Và cho ra đời nhiều bài thơ có chứa hương vị rượu trong đó, gộp chung thành tập “Thơ say” (1940) với 32 bài!
Hoài Thanh – Hoài Chân, trong “Thi nhân Việt Nam” từng nhận xét về Vũ Hoàng Chương: “...Ý giả Vũ Hoàng Chương định nối cái nghiệp những thi hào - xưa của Đông Á: cái nghiệp say. Người say đủ thứ: say rượu, say đàn, say ca, say tình đong đưa. Người lại còn “hơn” cổ nhân những thứ say mới nhập cảng: say thuốc phiện, say nhảy đầm. Bấy nhiêu say sưa đều nuôi bằng một say sưa to hơn mọi say sưa khác: say thơ.... cái say sưa của Vũ Hoàng Chương là một thứ say sưa có chừng mực, say sưa mà không hẳn là trụy lạc, mặc dầu từ say sưa đến trụy lạc đường chẳng dài chi. Nhưng trụy lạc hay say sưa đều mang theo một niềm ngao ngán. Niềm ngao ngán ấy ta vốn đã gặp trong thơ xưa. Duy ở đây có cái vị chua chát, hằn học, và bi đát riêng... ”
Từ đó vẫn thường xảy ra trong những cuộc tình du dương thắm thiết của tài tử giai nhân. Những cuộc tình si đầy chất tương tư ủy mị, vì có thể làm cho người ta đi đến chỗ điên cuồng, tuyệt lộ, tự tử nếu không có một lối thoát nào đó mở ra. Ở đây nhà thơ bế tắt chẳng biết ngõ thoát nào hơn là say và say đắm đuối cho quên hết nỗi niềm…
Không lạ gì những thi sĩ thời tiền chiến vẫn hay tìm đến thú vui bên “Nàng tiên nâu” – Bàn đèn thuốc phiện, tìm cảm giác thi vị bên những cô vũ nữ trong những đêm vũ trường mà quên tất thảy cuộc đời điên loạn ngoài kia!
Trong bài thơ “Say đi em!” của Vũ Hoàng Chương trong tập “Thơ Say” của ông cũng mang một tâm trạng như thế!
Vũ Hoàng Chương cũng đã trọn vẹn quăng ném hết tâm tình mình vào “cuộc mộng yêu đương” với một cô nàng vũ nữ kiều diễm, từng nốc cạn bầu rượu tình ái đến ly cuối mặn nồng bốc lửa hoan say chuếnh choáng…
Hà Nội thời thuộc Pháp bảo hộ bên ngoài có một bộ mặt rất thanh bình, vui vẻ, trẻ trung. Nhà cầm quyền thực dân đang cố tình dung túng các cuộc ăn chơi phóng túng để người ta quên đi biến cố đàn áp tàn bạo vừa qua, đồng thời để ru ngủ thanh niên nên các trà đình, tửu điếm, các vũ trường, các nơi chốn hát ả đào và các tiệm hút thuốc phiện mọc lên nhan nhản.
Sống ở Hà Nội thời ấy, Vũ Hoàng Chương ngoài việc buộc phải theo Tây học để tiến thân, còn cắn phải miếng mồi “ru ngủ” của người Pháp. Ông cũng lao vào những thú vui trác táng - rượu, thuốc phiện, nhảy đầm và cả gái nữa!
Bài “Uống đi em!” có lẽ ra đời trước năm 1940 trong một hoàn cảnh bất ngờ khi thi sĩ vào vũ trường nhảy nhót, uống rượu giải sầu, lại gặp một cô vũ nữ vốn là bạn “giang hồ” cũ. Dù là “tình hờ” hay “tình cũ” đã hết nhưng thi sĩ cũng “xáp lại” để có đôi có cặp, để được đối ẩm, khiêu vũ với “cố nhân”! Vũ Hoàng Chương có ý muốn mượn rượu để giải sầu, nhưng uống đến mức “say không còn biết chi đời” mà nỗi sầu vẫn sừng sững như một bức tường thành, không sụp đổ!
Đọc hoặc nghe xong bài “Say đi em!” của Vũ Hoàng Chương, có lẽ chúng ta đều đồng cảm nhận là lời thơ là những cảm xúc mạnh mẽ tự động trào ra trong đầu thi nhân lúc đó, và khởi đi từ cảm xúc này đã được ông hồi tưởng và viết lại trong sự tĩnh lặng!
Thông thường thì các nhà thơ sáng tác thơ không phải ngay lúc tiếp cận với “hoàn cảnh tạo thơ” mà là sau đó một thời gian – dài ngắn tùy cảm xúc mỗi người, tùy độ “thi hứng” khơi mạch và tạo nguồn cho bài thơ! Đó là chính thời gian ấp ủ, “thai nghén” tứ thơ…
Có thể nói bài thơ “Say đi em!” là một điệu “khiêu vũ con chữ” đầy cuồng nhiệt của Vũ Hoàng Chương sau khi đã quay trở về cái tĩnh lặng thường có của mình…
Đã có nhiều thi sĩ viết một bài thơ giống như lúc đang “nổi điên”, đang “say thơ” vậy! Và khi đã “tĩnh tâm”thì lại nhủ thầm sao lúc ấy mình có thể viết ra được những “câu thơ thần kỳ” đến như vậy!
Có lẽ nhà thơ Vũ Hoàng Chương cũng có lần tự hỏi mình như thế!
* Say Đi Em
Thơ: Vũ Hoàng Chương
----------------------------
1.
Khúc nhạc hồng êm ái
Điệu kèn biếc quay cuồng
Một trời phấn hương
Đôi người gió sương
Đầu xanh lận đận, cùng xót thương, càng nhớ thương…
Hoa xưa tươi, trăng xưa ngọt, gối xưa kề, tình nay sao héo?
Hồn ngã lâu rồi nhưng chân còn dẻo
Lòng trót nghiêng mà bước vẫn du dương
Lòng nghiêng tràn hết yêu thương
Bước chân còn nhịp Nghê thường lẳng lơ
2.
Ánh đèn tha thướt
Lưng mềm não nuột dáng tơ
Hàng chân lả lướt
Đê mê hồn gửi cánh tay hờ
Âm ba gờn gợn nhỏ
Ánh sáng phai phai dần…
Bốn tường nghiêng điên đảo bóng giai nhân
Lui đôi vai, tiến đôi chân
Riết đôi tay, ngả đôi thân
Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió
Không biết nữa màu xanh hay sắc đỏ
Hãy thêm say, còn đó rượu chờ ta
Cổ chưa khô đầu chưa nặng mắt chưa hoa
Tay mềm mại bước còn chưa chuếnh choáng
Chưa cuối xứ Mê Ly chưa cùng trời Phóng Đãng
Còn chưa say hồn khát vẫn thèm men
3.
Say đi em! Say đi em!
Say cho lơi lả ánh đèn
Cho cung bậc ngả nghiêng, cho điên rồ xác thịt!
Rượu, rượu nữa! và quên, quên hết!
Ta quá say rồi
Sắc ngả màu trôi…
Gian phòng không đứng vững
Có ai ghì hư ảnh sát kề môi
Chân rã rời
Quay cuồng chi được nữa
Gối mỏi gần rơi!
Trong men cháy giác quan vừa bén lửa
Say không còn biết chi đời
4.
Nhưng em ơi
Đất trời nghiêng ngửa
Mà trước mắt thành Sầu chưa sụp đổ
Đất trời nghiêng ngửa
Thành Sầu không sụp đổ, em ơi!
Vũ Hoàng Chương – ( Tập Thơ Say – 1940 )
-----------------------------------------------------
Hoài Nguyễn - 09/5/2021


Thứ Ba, 2 tháng 5, 2023

Tư liệu lịch sử - 10 Trận Đánh Đẫm Máu Trong Chiến Tranh Việt Nam.

 Tư liệu lịch sử - 10 Trận Đánh Đẫm Máu Trong Chiến Tranh Việt Nam.

Biên khảo - Hoài Nguyễn
--------------------------------
Sau cuộc chiến tranh Đông Dương giữa người Pháp và Việt Minh, kết thúc bằng trận Điện Biên Phủ mà người Pháp thua trận, theo Hiệp định Genève 1954, Việt Nam bị chia cắt thành hai miền với hai thể chế chính trị khác nhau. Miền Bắc với tên gọi là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa theo phe cộng sản để xây dựng CNXH từ bắc bờ vĩ tuyến 17 còn miền Nam với quốc hiệu Việt Nam Cộng Hòa thuộc khối thế giới tự do phương Tây, kiến thiết đất nước theo nền kinh tế tự do.
Trong khi miền Nam vừa lo tái thiết phần đất của mình sau cuộc chiến tranh 9 năm thì miền Bắc có chủ trương “tái thống nhất” hai miền Nam Bắc bằng con đường bạo lực, chiến tranh và đương nhiên sẽ biến miền Nam theo con đường mà miền Bắc đã chọn!
Thời kỳ đầu từ năm 1954 đến đầu năm 1960, miền Nam được hưởng không khí thanh bình sau cuộc chiến tranh Việt - Pháp, mặc dù đây đó ở những vùng nông thôn đã bắt đầu xuất hiện các hoạt động của các cán bộ cộng sản nằm vùng cùng vũ khí do miền Bắc cài cắm và chôn dấu bí mật nhằm gây dựng cơ sở cho các kế hoạch lâu dài của họ.
Từ năm 1955, chính quyền miền Bắc tiếp tục chi viện người và vũ khí cho phong trào bí mật ở miền Nam nhằm làm “cách mạng” lật đổ chính quyền miền Nam. Càng ngày những hoạt động lúc đầu là tuyên truyền chính trị, vận động quần chúng theo họ, sau này những lực lượng vũ trang ngày càng phát triển mạnh và rộng khắp chủ yếu ở những vùng nông thôn và cũng chỉ áp dụng chiến thuật du kích chiến, đánh những trận nhỏ lẻ chưa có qui mô lớn về chiến trường và gây thương vong nhiều cho cả hai phía.
Lợi dụng sự bất ổn về mặt chính trị trong xã hội miền Nam vào thời Đệ Nhất Cộng Hòa của Tổng thống Ngô Đình Diệm trong đó các giáo phái đòi ly khai, một số quân nhân làm đảo chính, Phật giáo đấu tranh …nên chính quyền miền Bắc gia tăng chỉ đạo những hoạt động từ chính trị kết hợp với quân sự ở miền Nam mà cao điểm là ngày 20/12/1960, tổ chức Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam (MTDTGPMN) ra đời với lực lượng quân sự phát triển ở qui mô lớn, thực hiện những chiến thuật mạnh hơn như vận động chiến, công kiên chiến gây nhiều khó khăn cho quân đội VNCH khi tiểu trừ.
Đến đầu năm 1961, lực lượng quân sự của MTDTGPMN được tăng cường thêm binh sĩ thâm nhập từ miền Bắc, được trang bị vũ khí tốt hơn do khối cộng sản viện trợ so với quân đội VNCH nên cục diện chiến trường đã có nhiều thay đổi, qui mô trận đánh lớn hơn đã lên đến cấp Trung đoàn, Sư đoàn và số thương vong của binh sĩ hai bên đã lên đến con số ngàn …
Như vậy nếu lấy mốc cuộc chiến tranh Việt Nam từ ngày 01/11/1955 và kết thúc vào ngày 30/4/1975 thì trong 20 năm của cuộc chiến này, ngoài những trận đánh nhỏ lẻ theo kiểu du kích, khủng bố với số thương vong không nhiều thì theo thống nhất của các nhà Quân sử của nước ngoài cũng như hai miền Nam Bắc Việt Nam, có thể gom lại thành “Top” 10 trận đánh có qui mô lớn mà thiệt hại thương vong có thể gọi là những trận đánh “đẫm máu” nhất.
Tất nhiên còn có những trận nổi tiếng khác như Đồng Xoài, Bình Giã, Ba Gia, Sa Hùynh, Hành quân sang Campuchia, Hạ Lào … có những thiệt hại thương vong khá lớn nhưng những trận đánh đó chỉ xét ảnh hưởng về mặt chiến thuật, chưa tạo những khúc quanh trong đường lối chiến tranh.
Trong phạm vi bài viết này, sau khi tham khảo một số nguồn tài liệu trong cũng như ngoài nước, tôi chỉ đưa ra những trận đánh theo mốc thứ tự thời gian của chiều dài cuộc chiến, không đánh giá “thắng – thua” bởi vì khái niệm này có tính chất ước lệ, vì thực tế có khi kết thúc trận đánh, phương tiện thông tin tuyên truyền bên nào tham chiến cũng cho rằng “ta thắng – địch thua” khi căn cứ vào “số xác chết thu dọn trên chiến trường”, số “chiến lợi phẩm thu được” …
Việc này đánh giá “thắng – thua” theo qui mô chiến thuật, các bạn có thể tham khảo nhiều nguồn tư liệu khác để biết thêm.
Có 10 trận đánh đáng chú ý trong suốt chiều dài 20 năm của cuộc chiến tranh Việt Nam như sau:
1. Trận Ấp Bắc - 1961
Ngày 28/12/1961, tình báo Mỹ phát hiện có một lực lượng binh sĩ lớn của miền Bắc thâm nhập vào làng Ấp Bắc thuộc xã Tân Phú, huyện Cai Lậy tỉnh Mỹ Tho.
Đầu tháng 01/1963, quân đội VNCH có các cố vấn Mỹ, sử dụng các đơn vị của sư đòan 7, đơn vị Bảo an, và thực hiện chiến thuật Thiết vận xa, Trực thăng vận. Theo đánh giá của các nhà quân sự thì trong trận này về mặt quân sự quân đội VNCH bị thất bại và sau trận đánh này, người Mỹ có ý định thay đổi chiến lược của cuộc chiến mà lúc đầu họ can thiệp chỉ với vai trò cố vấn và hỗ trợ cho quân đội VNCH.
2. Trận Pleiku – 1965
Sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ 1964, Mỹ lấy cớ Bắc Việt Nam gây hấn khi cho ngư lội đỉnh tấn công tàu chiến Mỹ ngoài hải phận quốc tế nên cho máy bay ném bom miền bắc, buộc Liên Xô phải tham gia. Để trả đũa, miền Bắc cho quân tăng cường xâm nhập và tấn công các căn cứ do Mỹ thiết lập để cung cấp phương tiện chiến tranh, huấn luyện cho binh sĩ miền Nam.
Ngày 06/02/1965, một tiểu đòan của Bắc Việt Nam tấn công trại Holloway, một cơ sở máy bay trực thăng của Mỹ ở Pleiku và ngày 07/02, một tiểu đòan khác tấn công một căn cứ quân đội VNCH.
Lấy lý do này, Tổng thống Mỹ Johnson quyết định cho quân đội trực tiếp tham chiến với sự mở màn chiến lược chiến tranh này là tháng 3/1965, hai Lữ đòan TQLC Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, bắt đầu cho một sự leo thang chiến tranh khi sau đó tiếp tục đổ quân Mỹ tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam.
3. Trận Vạn Tường – 1965
Căn cứ vào tin do một đào binh miền Bắc cung cấp cho rằng quân đội Bắc Việt Nam sẽ tấn công vào căn cứ Chu Lai, nằm ở phía nam Đà Nẵng xuất phát từ thôn Vạn Tường, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, cách căn cứ này của quân đội Mỹ 17 km, phía Mỹ chủ động tổ chức cuộc Hành quân với tên gọi Starlite (Đúng ra Đại tá P. Wyckoff chỉ huy cuộc hành quân Don đặt tên cho chiến dịch là Satellite nhưng khi kế hoạch của sư đoàn được đánh máy thì máy phát điện bị hỏng, thư ký phải đánh máy dưới ánh đèn cầy nên đã đánh sai thành Starlite. Lỗi này được phát hiện vào sáng sớm ngày hôm sau nhưng không còn thời gian để sửa đổi nữa)
Trong trận này, quân Mỹ hoàn toàn chủ động tổ chức hành quân, lựa chọn chiến trường, đối tượng, thời gian và cách đánh, tập trung lực lượng đông theo chiến lược “tìm và diệt” đối phương và có ưu thế tuyệt đối về binh khí kỹ thuật, nhưng quân Bắc Việt Nam đã biết vận dụng cách đánh “tiếp cận” bám sát đội hình quân Mỹ nên phần nào làm ảnh hưởng tác dụng của yểm trợ phi pháo cho quân Mỹ.
Đây là trận đánh quy mô đầu tiên giữa quân đội Mỹ và Quân đội Bắc Việt Nam trên bộ, diễn ra từ ngày 08/8/1965 và kết thúc vào ngày 24/8 khi quân đội Bắc Việt Nam rút chạy.
4. Trận Ia Drang – 1965
Đây là trận đánh lớn đầu tiên giữa quân đội Mỹ và Bắc Việt Nam vào năm 1965. Trong tháng 10/1965, quân Bắc Việt Nam tấn công trại Lực Lượng Đặc Biệt Pleime của Mỹ dùng huấn luyện các binh sĩ lực lượng đặc biệt người Việt. Quân đội Mỹ đưa ra ba đơn vị phản công để cắt các đơn vị Bắc Việt Nam để họ rút lui sang Campuchia và tiêu diệt các đơn vị chính qui của Bắc Việt.
Trận đánh tại thung lũng Ia Drang là một phần của giai đoạn thứ hai từ ngày 14 đến 18/10 khi quân Bắc Việt Nam tung ra một cuộc tấn công biển người vào các lực lượng Mỹ đổ bộ từ trực thăng gần các căn cứ sát biên giới. Bắc Việt Nam thay vì sử dụng chiến thuật du kích thông thường của họ, nay họ đã áp dụng chiến thuật đánh tiếp cận quân Mỹ nhằm làm hạn chế sự yểm trợ hỏa lực phi pháo cho lính Mỹ. Quân Bắc Việt Nam đã bị đánh bật ra và mặc dù có số thương vong cao, hai bên đã tuyên bố chiến thắng.
5. Trận Khe Sanh – 1968
Vào ngày 21/01/1968, Quân Bắc Việt Nam pháo kích dồn dập vào căn cứ đồn trú TQLC Mỹ tại Khe Sanh rồi sau đó tiếp tục vây gây sức ép lên căn cứ này đến tháng 9/1968 thì quân Mỹ rút bỏ lại Khe Sanh.
Đây là lần đầu tiên quân Bắc Việt Nam cho xe tăng của họ tham chiến, sử dụng tên lửa phòng không do Liên Xô viện trợ nhằm kềm hảm sức mạnh không yểm của người Mỹ.
Đây cũng là một chiến dịch nhằm thực hiện kế “Dương Đông Kích Tây”, làm phân tán sự chú ý của các nhà quân sự Mỹ và VNCH để một thời gian sau đó, vào dịp tết Mậu Thân 1968, đồng loạt nổ ra một trận Tổng Công Kích lên các tỉnh thành miền Nam mà mục tiêu của miền Bắc là quyết tâm “ giải phóng miền Nam” vào năm này.
6. Trận Tổng Công Kích Tết Mậu Thân – 1968
Nhằm tạo một sự bất ngờ trong chiến thuật, mặc dù hai bên tham chiến cam kết ký hưu chiến trong dịp Tết Mậu Thân 1968 nên phía VNCH cũng như Mỹ bị phân tán bởi cuộc chiến ở Khe Sanh, hoàn toàn bất ngờ khi đêm mùng 1 Tết Mậu Thân ( 30/01/1968), lực lượng Bắc Việt Nam và MTDTGPMN đã ém quân và bất ngờ đồng loạt tấn công trên 100 thị trấn, thị xã và thành phố của tòan lãnh thổ VNCH, nặng nề nhất là Thủ đô Sài Gòn của miền Nam và Cố đô Huế.
Cuộc tấn công này kéo dài cho đến 28/3/1968 và phe Bắc Việt Nam bị thiệt hại nặng nề dù chủ động “tấn công bất ngờ”. Sau dịp tết, cuộc tấn công vẫn được phe Bắc Việt Nam thực hiện cho đến giữa năm thì kết thúc với số tàn quân phải rút về dưỡng thương và trốn tránh bên đất Campuchia.
Tuy thất bại về mặt chiến thuật nhưng miền Bắc Việt Nam đã có một “chiến thắng lớn” về tâm lý và ngoại giao, làm rúng động nước Mỹ và thúc đầy phong trào phản chiến ngay tại nước Mỹ.
Cũng thấy được những hạn chế về mặt trang bị vũ khí cho quân đội VNCH nên ngay trong trận Mậu Thân, tòan bộ những đơn vị chủ lực của quân đội VNCH đã được viện trợ và trang bị những vũ khí mới hơn những vũ khí họ sử dụng có từ thời Thế chiến II chống trả những vũ khí tối tân do khối cộng sản viện trợ cho quân miền Bắc trước đó nhiều năm liền.
7. Trận Hamburger Hill – 1969
Sau khi bị quân đội Mỹ và VNCH đánh bại trong trận Tổng Công Kích Tết Mậu Thân, một số đơn vị chính qui của Bắc Việt Nam rút lui và chạy về cố thủ một quả đồi có cây bao phủ thuộc núi A Bia, tỉnh Thừa Thiên.
Một lực lượng quân đội Mỹ và VNCH được lệnh tấn công quả đồi có tên quân sự là cao điểm 973 bắt đầu từ ngày 10/5 đến 20/5/1969 để loại bỏ hai tiểu đòan quân chính qui Bắc Việt Nam.
Trận đánh diễn ra chủ yếu bằng bộ binh phía Mỹ và VNCH có sự yểm trợ của hỏa lực phi pháo nhưng vấp sự kháng cự của quân Bắc Việt cố thủ nhờ vào các địa thế hiểm trở và thời tiết khắc nghiệt khiến hạn chế hỏa lực phi pháo.
Phía quân Mỹ và VNCH đã chiếm được ngọn đồi sau 10 ngày tấn công dữ dội và mức thương vong cao đến mức lính Mỹ gọi ngọn đồi này là “Hamburger Hill - Đồi Thịt Băm”.
Sau khi chiếm được ngọn đồi, thay vì bảo vệ nó, quân Mỹ được lệnh rút lui, gây ra sự phẫn nộ và tiếp tục làm xói mòn sự ủng hộ cho chiến tranh.
8. Trận Mùa Hè Đỏ Lửa – 1972
Cuối tháng 3/1972, nhằm gây áp lực lên phía Mỹ và VNCH tại Hội nghị Paris nhằm giải quyết chiến tranh, từ ngày 30/01/1672 đến 31/01/1973, liên tiếp phía Bắc Việt Nam mở chiến dịch Xuân – Hè 1972 mà phía VNCH gọi là Mùa Hè Đỏ Lửa (tên một ký sự chiến trường của nhà văn quân đội VNCH Phan Nhật Nam), còn Mỹ gọi là Easter Offensive.
Trong tòan bộ cuộc chiến này diễn ra ở 4 chiến trường chính là Trị Thiên, Bắc Cao Nguyên, Đông Nam Bộ, và Tây Nam Bộ.
Chiến trường khốc liệt nhất là Quảng Trị, Kontum và Bình Long với quân số tham gia lên cấp sư đoàn, quân Bắc Việt Nam sử dụng những vũ khí tối tân nhất mà họ có như xe tăng, pháo tầm xa, tên lửa phòng không để bao vây và tấn công những đơn vị trú phòng nơi đây chủ yếu là quân đội VNCH.
Quân đội Mỹ lúc đó đã ngưng các hoạt động tác chiến trên bộ, chỉ còn yểm trợ quân đội VNCH kháng cự các đợt tấn công của quân Bắc Việt Nam bằng hỏa lực phi pháo.
Cuộc chiến kết thúc vào 22/10/1972 và quân đội VNCH đã tái chiếm được các thị xã Quảng Trị, Kontum, An Lộc nhưng cũng mất khỏang 10% lãnh thổ ở những vùng giao tranh và đó chính là sự mặc cả của Bắc Việt Nam tại Hội nghị Paris.
Cuối năm 1972, vào dịp lễ Giáng sinh, Tổng thống Nixon đã ra lệnh oanh tạc Thủ đô Hà Nội, thành phổ cảng Hải Phòng như để trả đũa cho việc miền Bắc tấn công ồ ạt qua bờ vĩ tuyến và chiếm giữ một số vùng lãnh thổ của VNCH.
9. Trận Xuân Lộc – 1975
Sau khi Hiệp định Paris đã được 4 bên ký kết vào có hiệu lực từ ngày 27/01/1973, quân đội Mỹ và các nước đồng minh tham chiến tại Việt Nam lần lượt rút quân về nước. Viện trợ quân sự cũng như kinh tế cho VNCH bị giảm dần và đến đầu năm 1975 thì Mỹ cắt hẳn quân viện cho VNCH.
Trong khi ấy, miền Bắc tiếp tục nhận quân viện khổng lồ từ các nước cộng sản chủ yếu là của Liên Xô và Trung Quốc và chủ trương “giải phóng miền Nam”, miền Bắc tập trung quân đội, thiết bị khí tài chiến tranh nhằm thực hiện cú “dứt điểm” trong cuộc chiến kéo dài 20 năm.
Sau trận chiến khởi đầu tại Ban Mê Thuột vào ngày 10/3/1975, lần lượt các tỉnh Cao nguyên khác và duyên hải Trung phần rơi vào quân miền Bắc.
Ngày 09/4/1975, quân Bắc Việt Nam tiến vào cửa ngõ của thị xã Xuân Lộc nhưng bị sư đoàn 18 và một số đơn vị khác của quân đội VNCH chặn đứng và gây thương vong khá lớn cho quân Bắc Việt Nam.
Đây có thể xem là trận đánh đẫm máu lớn nhất và cuối cùng cho quân Bắc Việt Nam trước khi tấn công vào Sài Gòn.
10. Trận Chiến Cuối Cùng – Sài Gòn sụp đổ 30.4.1975
Khi Xuân Lộc cuối cùng cũng lọt vào tay quân Bắc Việt Nam, Thủ đô Sài Gòn của VNCH trong thế bị bao bao vây bởi một gọng kìm quân áp đảo của Bắc Việt Nam từ ba phía.
Ngày 21/4/1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức và giao quyền hành lại cho Phó Tổng thống Trần Văn Hương để tìm giải pháp chính trị thay cho quân sự.
Tuy nhiên phía miền Bắc khước từ những yêu cầu của chính phủ VNCH là liên tục tấn công áp sát vào bao vây Sài Gòn từ ngày 27/4, liên tục pháo kích vào Sài Gòn đến ngày 29/4.
Ông Trần Văn Hương từ chức và ủy nhiệm cho ông Dương Văn Minh làm “Tổng thống” để tìm giải pháp chấm dứt cuộc chiến và giảm bớt thương vong.
Trong những ngày cuối tháng 4/1975, người Mỹ cho rút tất cả nhân viên dân sự, quân sự cũng như thân nhân của họ, những người đã cộng tác với người Mỹ trong hơn 20 năm tồn tại chính thể VNCH ra khỏi Việt Nam.
Dòng người Việt di tản cũng hình thành trong những ngày tháng cuối tháng 4/1975 theo chân người Mỹ.
Trưa ngày 30/4/1975, “Tổng thống ủy nhiệm” Dương Văn Minh hạ lệnh cho các binh sĩ VNCH phải “hạ súng đầu hàng” quân Bắc Việt Nam…
Chính thể VNCH của miền Nam Việt Nam sụp đổ vào ngày 30/4/1975…
Hoài Nguyễn - 23/3/2016