Ngô Đình Diệm - Một Nhân Cách Lớn…
(Bài đăng lại nhân 59 năm, ngày Tổng thống Ngô Đình Diệm bị sát hại)
Một con người bình thường thì ai cũng có một “nhân cách” và có điều những nhân cách khác nhau do sự đánh giá qua thể hiện của con người đó. Một con người làm chính trị, quân sự, văn học, nghệ thuật … đều có những nhân cách riêng theo cái “nghề” mà họ đã chọn…
Một con người “làm chính trị” thì cái nhân cách lại càng quan trọng và sự đánh giá nhân cách của họ là do chính dân tộc họ quyết định. Họ rất hiểu điều này vì họ chính là “người của công chúng”, họ cũng có nhiều đối thủ và cũng không phải không có kẻ thù luôn “soi” vào từng hành động, lời nói, ứng xử mà các phương tiện thông tin đại chúng vẫn thường hay đề cập đến họ…
Một nguyên thủ quốc gia lại càng đòi hỏi có một “nhân cách đặc biệt” hơn những “chính trị gia” bình thường khác vì họ là đại diện cho cả một quốc gia và dân tộc. Họ là hiện thân của “quốc hồn, quốc túy” nếu có thể gọi là như vậy!
Lịch sử như một dòng chảy lạnh lùng và thời gian chẳng bao giờ lấy lại được nhưng nếu “ngược dòng lịch sử” để chúng ta bình tâm “soi” lại các nhân vật lịch sử, dẫu họ là người “thiên cổ” nhưng lớp hậu sinh chúng ta có những lúc cần phải đánh giá “công- tội” một cách khách quan.
Lẽ thường tình thì “Thắng làm vua, thua làm giặc”, thiên hạ thì “phù thịnh chứ không ai phù suy”… nhưng lịch sử cần phải công bằng trong đánh giá, nhất là đánh giá về nhân cách của những lớp tiền bối, có vai trò hệ trọng trong lịch sử…
Miền Nam Việt Nam thời Đệ Nhất Cộng hòa do ông Ngô Đình Diệm làm Tổng thống trong thời điểm hiện nay rất được nhiều nhà nghiên cứu lịch sử khai thác và phân tích nhất là “nhân cách và cái chết” của Ông Diệm.
Bỏ qua những yếu tố tuyên truyền, xuyên tạc và bôi nhọ lúc đó nhất là lúc ông Diệm bị “thảm sát” bởi đám “tay chân” của ngoại bang vào năm 1963, các nhà nghiên cứu khai thác qua các tư liệu trong và ngoài nước, của các người thân cận và đối thủ, kẻ thù của ông Diệm thì đánh giá chung nhất là ông Diệm có cuộc sống “khổ hạnh và khắc kỷ”, “Lời nói và Nhân cách” xứng đáng của một vị Tổng thống.
Lịch sử cũng ghi nhận ông Diệm là người xuất thân Nho học, được học hành từ Mỹ, được người Mỹ đưa về nước “tham chính” trong một giai đoạn đất nước phân tranh hai miền nhưng có thể nói là ông là một “nhân sĩ”, một “chí sĩ” có một nhân cách và tinh thần dân tộc mà lớp “hậu sinh” ngày này chắc khó lòng có được!
Những đối thủ, kẻ thù chính trị của ông thường cho rằng ông Diệm là một nhà cai trị “độc tài, gia đình trị” … để tìm cách bôi nhọ, hạ thấp uy tín và nằm trong mưu đồ “hạ bệ “ ông theo một lộ trình nhất định nào đó…
Nhưng những tài liệu được “giải mã” gần đây cho thấy ông Diệm bị chính người Mỹ sát hại chỉ vì cái chất “sĩ” khảng khái, “uy vũ bất năng khuất” này…
Trên cương vị một Tổng thống một quốc gia độc lập mặc dù là đồng minh của Hoa Kỳ nhưng ông Ngô Đình Diệm đã cương quyết không chấp nhận bốn yêu sách của chính quyền John Fitzgerald Kennedy thông qua Đại sứ Henry Cabot Lodge tại VNCH:
- Miền Nam Việt Nam phải nhường hải cảng Cam Ranh cho Hoa Kỳ 99 năm.
- Chấp thuận cho Hoa Kỳ đưa 200.000 quân vào miền Nam Việt Nam
- Đặt Bộ Quốc Phòng VNCH dưới quyền chỉ huy của Quân Đội Hoa Kỳ.
- Phải đưa ông cố vấn Ngô Đình Nhu ra nước ngoài.
Và cũng với tinh thần độc lập dân tộc và tính khảng khái của một nguyên thủ quốc gia có “nhân cách lớn” mà ông Diệm cùng bào đệ Ngô Đình Nhu bị “thảm sát” vào ngày 02/11/1963 dưới bàn tay của đám tướng tá đảo chính mà người giật dây không ai khác là Mỹ.
Nếu tin vào “quả báo” thì sau khi “hạ thủ” Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm chỉ 20 ngày sau tức ngày 22/11/1963 chính Tổng thống John Fitzgerald Kennedy cũng bị người khác sát hại!
Trước những thời khắc diễn ra cuộc đảo chính của nhóm “Quân nhân Cách mạng” vào ngày 01/11/1963, khi Đại sứ Hoa Kỳ Henry Cabot Lodge đề nghị Tổng thống Ngô Đình Diệm ra đi để bảo tòan tính mạng, ông Diệm vẫn tỏ ra can đảm và bất khuất, lớn tiếng nói thẳng với Cabot Lodge rằng:
“Ông Đại sứ có biết ngài đang nói chuyện với ai không? Tôi xin ngài biết cho rằng, ngài đang nói chuyện với Tổng thống của một nước độc lập có chủ quyền. Tôi không bỏ dân tộc tôi. Tôi chỉ rời nước tôi, nếu đó là ý muốn của toàn dân tôi. Tôi sẽ không ra đi theo lời yêu cầu của ông Đại sứ và của các tướng làm loạn. Chính phủ Hoa Kỳ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước thế giới về vấn nạn khốn nạn này.”
Thời kỳ tương đối thanh bình với “gạo trắng nước trong”, “giã gạo đêm trăng” … ở miền Nam Việt Nam qua mau khi sau cái chết của ông Diệm một năm thì đến 1965, quân đội Mỹ ồ ạt đổ bộ vào miền Nam và cuộc chiến tranh hai miền kéo dài hơn 10 năm trời nữa với bao tàn phá vật chất, tinh thần, sinh mệnh của cả hai miền!
Lịch sử và nhiều nhà phân tích cũng nhận định về sự kiện này, cho rằng người Mỹ quá “ngu” khi giết hại ông Diệm, giết hại một người có tinh thần quốc gia dân tộc để giành quyền điều khiển chiến tranh “chống lại chủ nghĩa Cộng sản” tại “tiền đồn của Thế giới tự do” này!
Sự “thay ngựa giữa dòng” của người Mỹ rốt cuộc không thể nào tìm người điều hành quốc gia VNCH hữu hiệu hơn ông Diệm và hệ lụy tất yếu của sự sụp đổ của thể chế dân chủ ở miền Nam vào ngày 30/4/1975 mà “Chính phủ Hoa Kỳ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước thế giới về vấn nạn khốn nạn này.”
Hoài Nguyễn - 02/11/2022
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét