Thứ Ba, 15 tháng 11, 2022

MÓN NỢ ÂN TÌNH

 MÓN NỢ ÂN TÌNH

Đọc trong báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật số 52.2000 ra ngày 31.12.2000 vừa qua, có một bài viết về anh Lê Nguyễn Minh Quang, tiến sĩ kỹ sư xây dựng du học từ Pháp về, hiện là phó tổng giám đốc Công Ty Liên Doanh Bachy Soletanche, đang đảm nhận khảo sát và đề ra phương án thi công chống thấm cho đập Dầu Tiếng. Hồ Dầu Tiếng, được xây một cách cẩu thả từ hồi còn chế độ bao cấp năm 1983, chứa một khối lượng 1.450 tỉ m3 nước từ thượng lưu đang bị rò rỉ, thấm dần về phía hạ lưu, gây ra một mối hiểm nguy khó lường trước được...
Ngược giòng thời gian về lại năm 1989, anh sinh viên đại học Bách Khoa Lê Nguyễn Minh Quang đã nhận được học bổng “Vì ngày mai phát triển” lần thứ 2 dưới dạng... vớt ! Vớt ở đây không phải do sức học của anh kém nhưng chỉ vì anh là người thứ 11 so với danh sách chỉ duyệt cho 10 sinh viên ! Thế rồi bất ngờ đã xảy ra, một ông bà ân nhân ở Thụy Sĩ vừa về nước, biết chuyện éo le nói trên, đã quyết định tặng thêm hai học bổng và Quang đã được nhận một trong hai học bổng ấy.
Đọc bài báo đến đây, tôi lại sực nhớ trong sổ tay sưu tầm của mình có chép lại một câu chuyện mà tôi nghĩ là có liên quan. Đó cũng là một bài báo được cắt ra từ báo Tuổi Trẻ số ra ngày 9.5.1989 có tựa đề “HÃY CHIA SẺ CHO NHỮNG NGƯỜI ĐI SAU”. Xin được sao lại nguyên văn dưới đây...
“Chiều ngày 6.5.1989, có 12 bạn sinh viên Đại Học Bách Khoa và Đại Học Y Dược Sàigòn được nhận 12 xuất học bổng toàn năm, mỗi tháng là 30.000 đồng. Hầu hết các bạn đều có gia đình đông anh em, cha mẹ già yếu hoặc mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhưng các bạn đã nỗ lực học hành thật xuất sắc những năm gần đây.
Hai vị ân nhân của họ chính là kỹ sư Dương Quang Thiện và vợ là bà Agnès Hofstetter. Năm nay bà Agnès vừa đúng tuổi được nhận lương hưu trí của chính phủ Thụy Sĩ trước khi theo chồng về Việt Nam, trước đây bà là giáo viên dạy môn nữ công ở trường trung học Zurich. Hai ông bà đã quyết định chia sẻ trọn số lương hưu này cho các bạn trẻ Việt Nam hiếu học nhưng gặp phải hoàn cảnh khó khăn như chính ông bà xưa kia.
Ông bà kể lại quá khứ vất vả cực nhọc kiếm sống, gia đình của bà có đến 6 anh chị em nheo nhóc, còn ông bà thân sinh ra ông thì phải đi chích dạo mỗi ngày từ 5 giờ sáng để nuôi 8 anh em ông ăn học nên người...
Ông Dương Quang Thiện còn nhớ, lúc 24 tuổi, ông được nhận học bổng đi du học của một tổ chức tư nhân ở Thụy Sĩ. Những người trao học bổng đã dặn dò nhắn nhủ ông: “Hôm nay anh nhận học bổng này của chúng tôi và anh không nợ gì chúng tôi cả. Thế nhưng, anh lại mắc nợ những người đi sau anh, những thế hệ đàn em và con cháu của anh. Sau này thành tài, làm ăn khá giả, anh đừng bao giờ quên những người đi sau cũng đang cần một sự giúp đỡ khích lệ của anh...”
Tôi lại cố gắng nhớ lại cũng khoảng hơn mười năm về trước, vào các buổi sáng Chúa Nhật, tôi thường đến hát Lễ chung với các bạn ca đoàn Tâm Ca tại ngôi Nguyện Đường Regina Mundi của các soeurs Dòng Đức Bà, mà chúng tôi thường quen gọi là Nhà Thờ Couvent nằm trên đường NKKN ( Công Lý cũ ). Dạo ấy, tôi thường trông thấy một đôi vợ chồng đẹp lão đi một chiếc xe hơi nhỏ đời 60 đến dự Lễ. Hình như bà lái xe vì ông phải chống gậy bước đi rất yếu. Rõ ràng bà là một người ngoại quốc, còn ông là một người Việt, cả hai có lẽ đã vào độ tuổi cổ lai hy, nhưng vẫn cứ quấn quít trìu mến bên nhau như đôi vợ chồng son.
Tôi tò mò hỏi thăm Soeur Joseph Lê Thị thơm là cô giáo cũ của tôi thì được biết ông chính là kỹ sư Dương Quang Thiện và bà tên là Agnès Hofstetter.
Kể từ dạo ấy, mỗi khi dạy Giáo Lý hoặc chia sẻ tĩnh tâm với các bạn sinh viên, gặp dịp, tôi thường dẫn ra câu chuyện của ông bà như đã nêu ở trên như một chứng từ về Lòng Mến và sự biết ơn. Thế rồi hôm nay, sau gần 12 năm, đọc được câu chuyện về anh Minh Quang trên báo, tôi tin chắc anh đã là một trong 12 bạn sinh viên nhận học bổng ngày ấy từ tay ông bà Dương Quang Thiện.
Tôi thật lòng không biết hai con người quý hóa ấy nay có còn khỏe mạnh và vui hưởng tuổi già trong ân lộc của Chúa hay không ? Mà dẫu các cụ đã trăm tuổi, ắt là cũng mãn nguyện khi biết được rằng chàng trai năm xưa giờ đây, không những tài giỏi xuất sắc, mà còn là một con người quả cảm trung thực, dám cưỡng lại những trò đời tham nhũng hối lộ đang nhan nhản vây quanh...
Bài báo viết về anh đã kết thúc với những hàng chữ sau: “Trong những công trình Quang làm có một công trình đã làm xúc động lòng người: Quang cùng bè bạn, những người từng được nhận học bổng “Vì Ngày Mai Phát Triển” đã lập nên Quỹ “Gia Đình Vì Ngày Mai Phát Triển” để vận động cấp tiếp những học bổng cho lớp đàn em...”
Có lẽ anh Quang đã không bao giờ quên lời nhắn nhủ mà ông Dương Quang Thiện đã chuyển lại: “Hôm nay anh nhận học bổng này của chúng tôi và anh không nợ gì chúng tôi cả. Thế nhưng, anh lại mắc nợ những người đi sau anh, những thế hệ đàn em và con cháu của anh. Sau này thành tài, làm ăn khá giả, anh đừng bao giờ quên những người đi sau cũng đang cần một sự giúp đỡ khích lệ của anh...”
Mắc nợ mà xem ra chẳng nợ nần ai. Chẳng nợ nần ai mà lại cứ mãi canh cánh bên lòng một tâm tình biết ơn. Phải chăng, giống như Thánh Phaolô nói: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái” ( Rm 13, 8 ) ?
Lm. LÊ QUANG UY 17.1.2001


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét