Thứ Năm, 10 tháng 3, 2022

Trận chiến cuối cùng.

 *Trận chiến cuối cùng.

Trường ca – Hoài Nguyễn
----------------------------
I.
Hai mươi năm, bảy ngàn ngày trận mạc.
Cuộc trường chinh đi suốt cuộc đời người.
Đất nước buồn với vạn chén ly bôi.
Cha ra trận, con tiếp đường chinh chiến.
Bao chàng trai khoát vào đời cung kiếm
Lửa chiến tranh thiêu đốt chuỗi ngày xanh
Vừa kịp lớn, chưa xong giấc mộng lành.
Bao trận chiến, bạc phai màu áo lính.
Bốn hai năm vẫn còn mang thương tích
Của một nỗi đau huynh đệ tương tàn
Của nỗi buồn thấm đẫm dải khăn tang
Trên bia mộ hoang tàn bao tử sĩ.
Để căm hận oán hờn từ thiên lý
Để ôm sầu vong quốc vạn trùng khơi
Để tháng tư, ngày ấy dẫu xa vời
Khi nhớ đến, bao phận người rơi lệ.
Đã bao năm sao vẫn hoài nhớ thế!
Ngày tan hàng, xong cuộc chiến tang thương
Kẻ bại vong thất thểu giữa phố phường
Đời vô định giữa màu trời xắm ngắt.
Có nỗi đau không đong bằng nước mắt
Thành phố xưa nay chợt hóa vô tình
Xót xa thương bao thân phận tàn binh
Tiếng nhật lệnh, bao kiếp đời thay đổi.
Súng đã gãy, ngày mai là đen tối
Là ngục tù rộng mở cửa thênh thang
Là nỗi đau điếm nhục sắc da vàng.
Sống lay lắt trên quê mình một thuở.
Những người lính mãi ôm sầu vạn cổ
Ngắm tượng mình chiều đông đổ liêu xiêu
Nghĩa trang nay cỏ hoang mọc tiêu điều
Hương khói vắng lạnh lùng hồn tử sĩ.
Thôi anh nhé, hãy cứ nằm yên nghỉ
Gác lại những lo âu với muộn phiền
Anh đã về nơi ấy rất bình yên.
Miền miên viễn chẳng ai mang niềm hận.
Anh đã thoát một đời người lính trận.
Trận cuối cùng, lệnh buông súng vừa ban.
Đã bao năm, anh chưa hết bàng hoàng
Tháng tư ấy, sống còn, anh mãi nhớ…
II.
Giữa tháng ba, cao nguyên như ngợp thở
Pháo tầm xa quân Bắc dập liên hồi
Đất Ban Mê, tên lửa khuya cày xới
Xích xe tăng nghiền nát những con đường.
Người lính thoát trùng vây rồi lạc hướng.
Đành bỏ rừng về duyên hải xa xôi
Gửi yêu thương ở lại với núi đồi.
Lệnh di tản biết bao giờ trở lại?
Cao nguyên mất, lòng quân dân tê tái
Hỏa tuyến đầu chung số phận thê lương
Hướng vào nam, tử sinh một con đường
Đất Xuân Lộc, một ngày thành tuyến lửa.
Mười hai ngày đêm giữa trùng vây bủa.
Người lính miền Nam thân xác mệt nhoài
Sau lưng, Sài Gòn mù mịt tương lai
Thay chủ tướng mong thế cờ chuyển đổi.
Người đồng minh bỏ cuộc chơi chạy vội.
Thoát riêng mình, bỏ bè bạn đơn thân
Quân Bắc phương sức ép cứ ngày gần.
Người lính gượng đứng lên lần sau cuối.
Hai mươi năm, sức người rồi cũng đuối
Lửa chiến tranh thiêu cháy đất nước này
Lũ cuồng ngông lòng tham chẳng đổi thay
Xua bao lớp trai trẻ vào địa ngục.
Anh em đánh nhau, chẳng hề tủi nhục?
Chỉ mẹ đau, nhìn bao xác đứa con
Bao đứa ra đi, chẳng mấy đứa còn.
Trái tim mẹ ngàn năm còn rỉ máu.
Hai người lính, hai màu cờ sắc áo
Súng Nga Tàu cùng súng Mỹ hơn thua
Chỉ thịt xương người Việt suốt cùng mùa
Bảy ngàn đêm đủ để sầu vạn cổ.
Tuổi trẻ Việt có những ngày thế đó.
Từng đêm dài ôm thép súng tê tay
Khuya hố nhỏ, mong đón sáng ban mai
Để nhận ra một ngày mình còn sống…
III.
Hai mươi năm, mẹ từng đêm mong ngóng
Ngày hòa bình, được nhìn những đứa con
Nhưng hỡi ơi! Sao mẹ cứ mỏi mòn
Sau trận chiến cuối cùng, con đi mãi…
Bốn hai năm, hồn mẹ buồn tê tái
Bao nén hương chẳng ấm được nỗi lòng
Đứa lao tù, đứa thân phận lưu vong
Đứa tàn phế, đứa vùi thây trận mạc.
Đứa sống sót, mang tâm hồn lưu lạc.
Mãi cô đơn trên đất nước quê mình.
Đứa quê người cũng chua xót lặng thinh.
Phận vong quốc ngàn năm hoài ray rứt.
Nặng tình quê, hồn ai không đau nhức
Bốn hai năm, canh cánh một nỗi niềm.
Khi từng ngày bao nhiêu cảnh nhói tim
Để nhớ lại những ngày xưa đã mất.
Để có lúc, một mình ta thức giấc.
Nhớ một thời trai trẻ đã đi qua.
Tàn chiến chinh, mắt cay đẫm lệ nhòa.
Ngày buông súng, thấy nẻo đời vô định.
Lũ chính khách, rặt một phường toan tính
Đâu xót thương thân phận những kiếp người.
Chẳng nặng lòng cảnh máu chảy đầu rơi.
Đỉnh quyền lực dựng xây bằng tội ác.
Bốn hai năm, lòng người còn tan tác
Nhận chân ra bao đê tiện thấp hèn
Hiểu bao điều ma mị đám dân đen
Cùng luận được cả vạn điều dối trá.
Dân nhận diện bọn cường hào ác bá.
Tiếc uổng công nuôi dưỡng chúng ngày xưa.
Sao ngu ngơ cõng ma quỷ vào chùa
Để chễm chệ trên đài sen Bồ tát.
Để ngày nay, chúng làm bao điều ác
Đưa quê hương đến thảm họa diệt vong
Rước giặc thù về giày xéo non sông.
Dân tủi nhục sống mòn trên đất nước.
Bạo quyền đạp vào bao điều mơ ước.
Tức nước vỡ bờ, ngày ấy không xa.
Trận chiến cuối cùng dù có phong ba
Sóng đã nổi, thuyền hung tàn ắt lật…
IV.
Lịch sử sang trang, trả bao điều thật.
Trả cho dân được làm chủ đời mình.
Để cho người không còn cứ lặng thinh.
Quyền được sống của người dân đất Việt.
Để ngày mai, anh em không dị biệt
Biết yêu thương, ngẩng cao mặt làm Người.
Biết dang vòng tay rộng nối trùng khơi.
Dân Việt có ngày quay về đất hứa.
Ngày mai ấy, lòng người luôn mở cửa.
Cùng chung tay xây dựng lại cơ đồ
Những tình ca nối nhịp những câu thơ.
Người đã chết sẽ thấy hồn thanh thản.
Sóng cuồng nộ, quỷ dữ nào dễ cản
Khi mỗi chúng ta đã hóa thiên thần.
Biết đứng về chính nghĩa của nhân dân.
Chân lý ấy vẫn ngàn đời bất diệt.
Trận chiến cuối cùng không phân thua thiệt
Không sợ hy sinh, không tính lợi quyền
Không lo toan phận mình được bình yên
Hồn dân tộc trong ta và tất cả…
Ngày mai ấy, rực bao hương hoa lạ.
Triệu người vui rộn rã những tiếng cười
Đêm hoa đăng sẽ thắp sáng biển khơi
Xua bao bóng tà ma ngày năm cũ.
Rồi sẽ tan hết những cơn bão lũ.
Ta bắt tay xây dựng lại cửa nhà.
Đất nước rộn ràng vang khúc hoan ca.
Trung – Nam – Bắc, một niềm vui trọn vẹn…
Trước tổ tiên, ta không còn hổ thẹn
Ngày hội thề ngẩng mặt giống Rồng – Tiên
Nam Quan – Cà Mau, một dải nối liền.
Hoàng – Trường Sa sẽ “Châu về Hợp phố”.
Đất nước ơi, đã qua rồi giông tố…
Bức dư đồ sẽ vẽ lại như xưa.
Trên quê hương hoa tươi thắm bốn mùa.
Câu thơ sẽ chẳng còn niềm khắc khoải.
Anh và em sẽ có ngày gặp lại.
Bốn hai năm biền biệt tháng tư xưa
Nối yêu thương cách trở đã bao mùa.
Được phục sinh giữa tự tình dân tộc …
Hoài Nguyễn - 12/4/2017
Có thể là hình ảnh về 2 người và ngoài trời

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét