PHƯƠNG QUÝ
Phương Quý thời 1940 vẫn còn rất hoang sơ. Con đường chính nối từ thị xã, có đoạn đường thẳng băng trước khi vào làng. Đoạn đường đó, khoảng một cây số chạy thẳng đến nhà thờ, nếu hàng năm không phát dọn, cây rừng hai bên sẽ lan dần, gần phủ kín lối đi. Ngay cả những lối vào xóm, cây dại mọc theo hàng rào cũng um tùm. Nhà nhà đều cheo leo giữa khu vườn đầy mít, xoài, hay những cây ăn trái khác đua nhau phủ kín rậm rạp.
Phương Quý thời đó khoảng chừng 115 mái nhà, tranh nhiều hơn ngói. Cả làng khoảng 500 dân, toàn là nông dân. Tuy có nền hành chánh với lý trưởng, phó lý, và hàng tuần thôn, hương kiểm, hương bộ...nhưng là một xóm đạo, cho nên, hầu như mọi việc trong làng đều được cha sở xử lý, trước khi khi trình lên quan tỉnh.
Phương Quý được thành lập sau những năm 1848, khi thầy sáu (phó tế) Nguyễn Do được lệnh Đức Cha Thể (Thánh Cuenot) Giám Mục Đàng Trong lặn lội rừng xanh tìm đến nơi nầy. Rồi 22 năm sau, vùng nầy được đặt tên là Kontum, và kết quả việc truyền giáo với nhiều chục ngàn dân miền Thượng được trở lại Công Giáo.
Năm 1884, Kontum được thiết lập nền hành chánh, đến năm 1893, được nâng lên cấp tỉnh thuộc vùng cao nguyên trung phần. Năm 1890, nhà thờ chính tòa (nhà thờ gỗ) bắt đầu xây cất. Năm 1908, trường Cuenot khánh thành và bắt đàu đào tạo các giáo phu (giáo lý viên) người Thượng để phụ giúp công việc truyền giáo.
Cũng giai đoạn nầy, cánh đồng "Trại Cha" bên kia sông Dak-bla, đối diện Phương Quý được các linh mục vỡ hoang và trồng trọt, để cung cấp lúa gạo cho công việc truyền giáo trong vùng, kho lẩm (Nhà Chung) được đặt tại nhà thờ Phương Quý bây giờ.
Năm 1904, số giáo dân tại Kontum được 17 ngàn, do 20 linh mục, hầu hết là Thừa Sai Pháp (MEP) gồm 147 họ đạo, trong số có 11 họ đạo người Kinh.
Phương Quý được thành lập, đầu tiên do những người giúp việc truyền giáo với các cha, sau khi có gia đình, làm nhà ven sông Dak-bla, đối diện cánh đồng Trại Cha để giúp Nhà Chung làm mùa. Một số khác, từ các vùng trung châu, nhất là dân các xứ Quảng tìm đường lên cao nguyên buôn bán, bị người Thượng bắt, được cố Trinh, là cha sở Phương Quý chuộc về, trong số có cụ Lê Ninh, thân sinh của cố linh mục JB. Lê Thọ. Số khác, được cụ câu Phục về Quảng Nam mộ thêm.
Nhà thờ Tân Hương bây giờ là nơi dừng chân đầu tiên của thầy sáu Do. Thời đó, nơi nầy còn gọi là "Gò Mít", rồi sau đó gọi là Trại Lý, gồm những người từng giúp cha Do định cư sinh sống. Nhà thờ Tân Hương bây giờ cũng chính là nơi được cha Do xây dựng nhà thờ tạm ngay từ đầu, và quyết định làm trung tâm truyền giáo tại đây.
Giáo xứ Phương Nghĩa được hình thành do giáo dân từ vùng Jarai, theo linh mục Hòa đầu tiên đến định cư. Sau đó, những người Công Giáo thuộc các vùng trung châu Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam... bị Văn Thân chém giết dã man, họ trốn thoát và tìm đến rồi lập nghiệp tại hai nơi nầy, vì gần tòa Chánh Sứ để được bảo đãm an ninh, và cũng là nơi thuận tiện để buôn bán.
Giáo xứ Phương Hòa do các tín hữu theo cố Cận (Père Nicolar) đến định cư, và một số chuyên nghề nông từ giáo xứ Tân Hương về đây có nhiều đất đai để thuận tiện canh tác.
Như vậy, Giáo phận Kontum có ba giáo xứ từ thời cha Do, cùng mang tên PHƯƠNG: Phương Nghĩa, Phương Hòa, và Phương Quý. Phương là phương hướng (direction) Nghĩa, Hòa, Quý, do ngụ ý của người muốn đặt tên, mong muốn dân chúng ở các địa danh đó lúc nào cũng đầy NGHĨA ân, sống trong an HÒA, và mọi sự đều vi QUÝ ?
Thế rồi, Trung Tâm Truyền Giáo Kontum mỗi ngày một lớn mạnh, tạo cho khu thị tứ cũng ngày càng đông đúc thêm. Dân miền xuôi các nơi lần lược đến định cư làm ăn, buôn bán. Các chính quyền kế tiếp cũng lập ấp di dân và hình thành những địa danh khác như Trung Lương là trung tâm thành phố, Lương Khế, Võ Lâm...xa hơn có các giáo xứ người kinh như Ngô Trang, Ngô Thạnh do cha cố Thiệt coi sóc và đặt tên.
Ngay sau khi chia hai đất nước năm 1954, chính sách dinh điền của nền Đệ Nhất Cộng Hòa liền được phổ quát để gấp rút ổn định đời sống dân nghèo, những "Khu Trù Mật" thiết lập khắp nơi, được chính phủ tài trợ. Vì thế, thời ông Cao Duy Tín, quận trưởng quận Kontum (1956) đã thành lập hai ấp Trung Tín và Trung Thành sát nhập vào xã Phương Quý. Cùng thời gian nầy, Trung Nghĩa, một xứ đạo được thành lập bên nầy sông Dak-bla, đối diện với Ngô Thạnh.
Lúc đầu Phương Quý mới thành lập ngay trên bờ sông Dak-bla, mà dốc ông thầy Tuần là bến xuống dòng sông. Nhờ bên bồi bên lở, nên dưới dốc ông thầy Tuần, ngày nay Phương Quý thừa hưởng được vùng đất ô nà trải dài gần chục mẫu đất phù sa, khi bờ sông cũ xa dần, và bờ sông bây giờ cách nhau gần cả cây số!
Vào những ngày đầu, người làng Phương Quý muốn về thị xã, phải men theo con đường mòn dọc theo bờ sông Dak-bla. Đến thời cố Trinh, cha sở Phương Quý xây nhà thờ toàn gỗ cà-chít xong, ngài cho một số giáo dân với rìu, rựa sẵn sàng từ làng Konrobang, nghe tiếng trống từ nhà thờ để nhắm hướng, rồi phát rừng rậm mà thành con đường thẳng băng như ngày nay.
Làng Phương Quý nguyên thủy, dọc theo bờ sông Dak-bla, khi dân đến lập nghiệp đông, lấn rừng ra đến nhà thờ họ. Sau đó, dân càng đông hơn, lại lấn thêm rừng và gặp con đường thẳng băng. Vì thế, xóm nguyên thủy được gọi là xóm trong. Còn xóm từ nhà thờ họ ra đến đường thẳng là xóm ngoài. Xóm từ trụ sở dến nhà thờ lớn là xóm dưới. Sau đó, dân tiếp tục đến cư ngụ đông hơn, họ lại lấn rừng bên kia con đường thẳng ra đến quốc lộ 14 được trở thành xóm mới.
Trích từ facebook Thuyen Nguyen
Nhà thờ thứ nhất: 1889-1893
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét