Thứ Ba, 17 tháng 11, 2020

Đức Cố Giám Mục Alexis: Vị Giám Mục Say Mê Người Nghèo.

 Đức Cố Giám Mục Alexis: Vị Giám Mục Say Mê Người Nghèo.

 
Những chuyện người viết sắp kể ra đây về cuộc đời của Đức Cố Giám Mục Alexis Phạm Văn Lộc có lẽ ít ai biết đến, bởi sự khiêm nhường của ngài, không muốn ai biết đến những công phúc mình đã làm. Tôi may mắn được tiếp chuyện với Yă Gong hơn một giờ đồng hồ ngay bên linh cữu của Đức Cố Giám Mục Alexis.

 
Yă Gong là nữ tu thuộc Hội dòng Ảnh Phép Lạ, đã được Bề trên chỉ định để chăm sóc phục vụ Đức Cố Giám Mục Alexis cùng Yă Mar và Yă Nhưn, họ là những người đã hi sinh mấy chục năm cuộc đời để phục vụ Đức Cố Giám Mục, không quản ngại gian nan vất vả, đêm hôm mệt nhọc để sống trọn tình con thảo.

 
Vì học được bài học khiêm nhường của Đức Cố Giám Mục, nên khi được hỏi về những khó nhọc vất vả trong cuộc đời phục vụ Đức Cha, Yă chỉ cười và tiếp tục kể về những kỉ niệm của “Ông” (Yă thường gọi Đức Cố Giám Mục; trên miền Núi Rừng Tây Nguyên thường gọi những vị đáng kính là Ơi (Jrai), Bok (Bahnar) = Ông, vì thế việc gọi Giám Mục là Ông, Ông Ngoại, Ông Nội, Ông Cố là thể hiện lòng kính trọng của con cháu) với người nghèo. Qua những người khác, tôi được biết Yă là người đã tận tình săn sóc Đức Cố Giám Mục từ khi còn làm Giám mục Chính tòa, đến những năm tháng nghỉ hưu, hay lúc ốm đau trên giường bệnh và cả những phút cuối đời, Yă vẫn ở kề bên, trung thành và kiên nhẫn, phó thác và nhân hậu.

 
Yă Gong cho biết Đức Cố Giám Mục Alexis đúng là một giám mục của người nghèo, say mê người nghèo, yêu thương người nghèo.
 
1. Sống nghèo:
 
- Cả khi khỏe lẫn lúc bệnh, ngài không bao giờ dùng sữa Ensure, vì nó đắt tiền. Ngài thường nói với các Yă phục vụ: “Chỉ được mua sữa Ông Thọ thôi”. Tuy ngài nói vậy, các Yă vẫn mua sữa Ensure nhưng dối là sữa Ông Thọ vì sợ ngài không uống.
 
- Nhiều lần và nhiều người đã nhìn thấy một ông cụ già mặc áo sơmi dài tay đen, đeo cổ côn trắng, lọm khọm đi sang Dòng Ảnh Phép Lạ đọc kinh chiều, nhưng ít ai biết rằng, chiếc áo đó ngài đã chọn trong bao tải quần áo cũ quyên góp cho người nghèo, không biết ai đó đã bỏ chiếc áo đó nên ngài đã lấy mặc.
 
- Lúc ngài đau nặng, người ta vào phòng và nhận thấy cái khăn mặt của ngài đã dùng quá lâu, rách nát tả tơi nên nặng lời trách các Yă không mua khăn mới cho ngài. Nhưng mấy ai biết được rằng, các Yă đã năn nỉ nhiều lần mua khăn mới nhưng ngài không cho phép, vì “nó vẫn dùng được”.

Người viết ra những dòng này theo lời kể của một chứng nhân, không phải để cổ xúi một lối sống nghèo khắc kỷ nhiệm ngặt hay ca tụng tán dương theo thói đời, nhưng chỉ một lòng muốn cho độc giả thấy rằng, cuộc đời Đức Cố Giám Mục Alexis là một cuộc đời thanh bần, ngài đã dành tất cả tâm trí, sức lực và tiền của cho người nghèo, tâm hồn cao thượng của ngài luôn có chỗ dành cho họ.

 
2. Yêu thương người nghèo:
 
- Có lần ngài đã nói với Yă Gong: “Tiền bạc giúp người nghèo ông không tiếc, vì họ được ăn và được sống, nhưng ông không ghi chép sổ sách, vì nếu ghi chép mình thấy số tiền lớn lại sợ tiếc tiền không dám mua nữa”
 
- Không nghĩ về sự sống chết của bản thân: Năm ngài bị ngã gẫy chân vì mãi lần chuỗi, con mèo cứ chạy theo và quấn chân ngài, ngài đá con mèo chẳng được lại ngã lăn ra đất, phải đi viện hai tháng ở Sài Gòn. Vậy mà ngài chẳng quản ngại sống chết đau yếu, nhất mực đòi về Kon Tum: “Cho ông về, nhiều người nghèo đang đợi ông, họ sẽ chết đói mất”. Một giờ sáng vẫn tiếp tục đòi về, bác sỹ không đồng ý cho về nên ngài đã khóc. Lần khác, ngài đau bụng, phải nhập viện ở Sài Gòn để phẫu thuật, Cha Tổng Đại Diện Giuse Nguyễn Thanh Liên lo lắng chạy chữa đến quên ăn, Yă Gong lo lắng đứng chờ ngoài phòng cấp cứu đến quên cả…ngồi, chân sưng tấy đau nhức đến nỗi phải… nhập viện; thế nhưng, miệng ngài vẫn lẩm bẩm thương nhớ người nghèo không có cơm ăn. Ngài không hề phàn nàn về đau khổ bệnh tật mà chỉ căn dặn các Yă: “các con hãy lo cho người nghèo, cứ lo đi, Chúa sẽ giúp”.
 
- Sau 1975, dân tình đói khổ càng nhiều, ngài thân làm giám mục nhưng lặn lội tới Quy Nhơn, Bình Định mua bột mì để các Yă làm bánh tráng tiếp tế cho dân. Chính ngài cũng đã đi theo các Yă  đến nấu cơm cho Cô nhi viện và Trại cùi, nhất là các dịp Lễ Giáng Sinh và Tết Nguyên Đán. Ngay cả khi thập tử nhất sinh gần đây, ai cho đồng nào ngài cũng dùng mua gạo cho người nghèo hết. Đến khi ngài an giấc ngàn thu, ngài chẳng còn đồng nào, chỉ còn lại mỗi Chúa làm gia nghiệp. Thật hạnh phúc cho cuộc đời không dính bén đến của cải thế gian và họ ra đi thật nhẹ nhàng êm ái.
 
3. Những lời trăn trối sau cùng cũng là lời dành cho người nghèo:
 
Sáng ngày sau cùng của cuộc đời, Đức Cố Giám Mục đã dành để xin lỗi người đã phục vụ mình suốt mấy mươi năm cuộc đời, nhưng cũng không quên gửi gắm những lời trăn trối cho người nghèo. Không gian trầm lắng, chỉ có vài Yă đang lặng lẽ chăm sóc cho ngài vì biết rằng giờ của ngài đã đến. Yă Gong định xua tan bầu không khí nặng nề nên cất tiếng hỏi:
 
-   Yă Gong: “Ông sợ chết không?
 
-   Đức Cố GM Alexis: Không, nếu Chúa muốn, ông muốn về sớm, ông đã sẵn sàng theo ý Ngài rồi.
 
-   Yă Gong: Ông đi ông đừng quên cầu nguyện cho con nhé.
 
-   ĐGM: Có, ông sẽ cầu nguyện cho con. Ông cũng xin con tha thứ cho ông nhé, trong ngần ấy năm trời Yă đã phục vụ Ông, nhưng nhiều khi Ông nóng nảy.
 
-   Yă Gong: Con cũng xin lỗi ông, có điều gì con sai lỗi trong những năm qua, mong ông tha thứ cho con.
 
-   ĐGM: Nếu Chúa kêu ông đi, và nếu con có khả năng, con cứ tiếp tục giúp đỡ người nghèo như con vẫn làm.
 
-   Yă Gong: Ông bỏ con đi rồi, con lấy đâu ra tiền cho họ?
 
-   ĐGM: Ông đi rồi còn có Chúa, còn có bác Đậu giúp đỡ. Thôi, Ông mệt lắm rồi”.
 
Cái chết là một sự thật và là một nỗi sợ hãi ghê gớm nhất đối với con người, nhưng những ai đã tỉnh thức sẵn sàng thì không có gì phải sợ hãi, vì họ đã làm theo ý Chủ và đang hân hoan chờ đợi được lãnh phần thưởng không bao giờ hư nát. Cả cuộc đời Đức Cố Giám Mục đã hi sinh phục vụ những người nghèo, say mê vì người người nghèo, xả thân người nghèo. Họ là ai? Họ là chính Đức Kitô như lời Ngài đã phán trong Tin Mừng Mathêu: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy” (Mt 25, 40).
 
Ban Truyền Thông – Văn Phòng TGM Kon Tum
(ghi nhanh ngày 19.11.2011)





 
Bên linh cửu Đức Cố Giám Mục Alexis sáng nay, tại nhà thờ Chánh Tòa Kontum, các đoàn thể, cộng đoàn, giáo xứ và anh chị em khắp nơi đã về rất đông để kính viếng cầu nguyện cho ngài.
Suốt bốn ngày gần đây, lượng người tuôn đổ về nhà thờ Chánh Tòa ngày càng đông, không thể đếm hết được.
 
Người ta đến với Đức Cố Giám Mục Alexis bằng cả tấm lòng yêu mến, cảm phục và đầy tâm tình cầu nguyện. Không ai bảo ai, mọi người tự biết mình tuân giữ trật tự, trang nghiêm sốt sáng vào viếng linh cửu, rồi thầm thĩ nguyện cầu cho ngài và cho cả chính họ nữa. Trong nhà thờ trang trí rất đơn sơ, giống như cuộc đời nghèo khó của Đức Cố Giám Mục Alexis vậy (Đức Giám Mục đi xe đạp).
 
Ngoài nhà thờ, khuôn viên xanh mát, sạch sẽ, chỉ trang trí một vài biểu ngữ có  Khẩu hiệu Đức Giám Mục của ngài và mấy lá cờ tang. Bên hông nhà thờ, trước tượng Đức Mẹ sầu bi, các chuyên viên đang khẩn trương làm những việc còn lại cho huyệt táng ngày mai. Trời Kontum mấy ngày hôm nay nắng khô, gió chuyển mùa. Những cơn gió chuyển mùa mang chút se se lạnh như muốn hiệp cùng lòng con cái giáo phận trong cơn đưa tiễn ngậm ngùi với người cha chung yêu dấu.
 
Cuộc đời con người ở trần thế chỉ là kiếp tạm gửi, mai sau mới về chốn quê nhà thật sự trên nước vĩnh hằng, “sinh ký tử quy” là vậy. Lòng người thăm viếng hôm nay buồn rười rượi, nhưng trong thâm tâm họ vẫn tin rằng, Đức Cố Giám Mục Alexis đã đi qua đoạn trường “sống gửi” trần thế để về bên Đấng Hằng Sống trên trời.
 
Nguyện xin Chúa dang rộng vòng tay, đón nhận linh hồn của Đức Cố Giám Mục Alexis vào Nước vinh hiển vô cùng – mà nơi đó, các thánh hằng chiêm ngưỡng dung nhan tinh tuyền của của Đấng Tối cao. Amen!
 
 
TIỂU SỬ ĐỨC CHA ALEXIS PHẠM VĂN LỘC

 
Sinh ngày 17-3-1919, tại Phường Vĩnh Ninh, Tp. Huế, Bình Trị Thiên.

I- Quan hệ gia đình

- Cha Phạm Văn Hi, công chức thời Pháp (chết)
- Mẹ Trương Thị Báu, nội trợ (chết)
- Em trai Phạm Văn Bi (chết)
- Em trai Phạm Văn Hiển (chết)
- Em trai Phạm Văn Vinh (chết)

II- Tiểu sử bản thân:

- 1925-1933: Học tiểu học tại trường Lasan Bình Linh, Huế.
- 1933-1940: Học trung học tại Thiên Hựu, Huế.
- 1940-1941: Tú tài phần hai tại trường Khải Định, Huế.
- 1943-1944: Thầy dạy tại Chủng Viện Thừa Sai Kon Tum.
- 1944-1945: Học tại Đại Chủng Viện Qui Nhơn.
- 1945-1946: Học  tại Đại Chủng Viện Thừa sai Kon Tum.
- 1946-1951: Học tại Đại Chủng Viện Huế.
- 08.06.1951: Thụ phong linh mục do Đức Giám mục JB. Urrutia Thi, tại Huế.
- 1951-1954: Dạy học tại Đại Chủng Viện Thừa sai Kon Tum.
- 1955-1956: Chính xứ Tân Hương, Kon Tum.
- 1957-1969: Giám đốc Chủng Viện Thừa sai Kon Tum.
- 1969-1971: Dụ học tại Pháp (Paris).
- 1972-1974: Chính xứ Kon Mahar, Kon Tum.
- 1974-1975: Giám đốc trường Giáo phụ Cúenot.
- 27.03.1975: Được tấn phong Giám mục phó Giáo phận Kon Tum do Đức Giám mục Paul Léon Seitz Kim, tại Nhà thờ Phương Nghĩa Kon Tum. Với khẩu hiệu Giám mục: “OMNIUM SERVUM : Tôi tớ mọi người” (1 Cor 9,19). 
- 02.10.1975: Giám mục Chính tòa Giáo phận Kon Tum.
- 13.04.1995: Nghỉ hưu.

- Đã an nghỉ trong Chúa lúc 14 giờ 15, Thứ Năm, ngày 17 tháng 11 năm 2011. Hưởng thọ 92 tuổi, với 60 năm Linh mục và 36 năm Giám mục.
- Linh cữu Đức Cha Alexis được quàn tại Nhà thờ Chính Toà Kon Tum, 13 Nguyễn Huệ, Thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum.
- Tẩm liệm vào lúc 16 giờ 00, Thứ Sáu ngày 18.11.2011
- Thánh lễ An táng được cử hành vào lúc 06 giờ 00, Thứ Hai 21.11.2011,  Ngài sẽ an nghỉ nơi phần mộ tại khuôn viên nhà thờ Chính Toà Kon Tum.
 
NGUỒN: VP. TGM KONTUM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét