Tôi nhớ cha già Diện, có một thời gian Ngài là cha Bề Trên của Địa Phận Kontum, tới năm 1975 thì tôi về làm việc tại Địa Phận Kontum, khi đó Ngài thuộc vào hàng các cha già và nghỉ hưu. Cha già Diện là một Linh Mục rất đạo đức, tuy mù lòa nhưng ngày nào Ngài cũng cầm chổi quét sân. Mỗi lần tôi đến nhà hưu dưỡng thăm các Cha thì Ngài nói với tôi:
- Cha đến đây để tôi sờ má xem cha mập hay ốm.
Tôi cảm động rưng rưng nước mắt khi Ngài đưa tay chạm vào má của tôi.
Thời gian từ 1975 đến 1980: Ngài ở nhà hưu dưỡng, lúc đó nhà hưu dưỡng có 4 Linh Mục là: cha Nghĩa, cha Diện, cha Cẩn, cha Thận. Các Ngài nghỉ hưu nên không làm gì, suốt ngày giải tội cho giáo dân đến nhà hưu xưng tội.
Từ năm 1976 đến năm 1983 tôi làm quản lý ở Tòa Giám Mục, bổn phận của tôi là phải lo cho các Cha già ở nhà hưu, nói là lo nhưng thời kỳ đó các Cha già sống rất là thiếu thốn. Có một lần vào khoảng năm 1977, cha Diện hỏi tôi:
- Cha Đông ơi! Bây giờ người ta có còn làm sữa không?
Tôi không hiểu nên hỏi lại:
- Sữa gì cơ ạ?
Ngài nói:
- Sữa đặc, sữa lon đấy mà.
Tôi trả lời:
- Bây giờ thì có, nhưng Hợp Tác Xã chỉ bán cho những người có giấy chứng nhận vừa sinh đẻ mà thôi.
Ngài thở ra và nói:
- Không biết làm sao mà đẻ được bây giờ?
Rồi Ngài hỏi tôi:
- Mà có ngon không?
Tôi trả lời:
- Con cũng không biết nữa vì mấy năm nay con không uống sữa.
Tôi cảm thấy thương Ngài quá, vì người già thường hay hóa trẻ, thèm gì thì nói nấy, vì vậy nên tôi đi gặp một giáo dân là cô Nữ, thuộc giáo xứ Tân Hương. Tôi nhờ cô cố gắng bằng cách nào đó mua dùm tôi một lon sữa, nhưng cô nói:
- Người ta có sanh đẻ thì mới được mua sữa, còn như con không đẻ thì làm sao mua được sữa bây giờ?
Tôi nói đùa với cô Nữ:
- Giờ cô cố gắng tìm cách đi đẻ... cũng được, để mua một lon sữa.
Tôi không ngờ và cũng không biết cô Nữ làm sao mà mua được một lon sữa đặc có đường, cô gói rất kỹ lưỡng và đưa cho tôi vào ban đêm.
Sáng hôm sau tôi mang lon sữa xuống nhà hưu dưỡng nói nhỏ với cha Diện:
- Cha ơi! con có sữa rồi.
Ngài hỏi tôi:
- Làm sao cha có sữa?.
Tôi cười và trả lởi:
- Con mới đẻ.
Ngài mắc cười vì câu trả lời hóm hỉnh của tôi.
Nghe tôi nói có sữa, bốn Cha già cầm 4 cái ca vội vàng xuống nhà cơm, ai cũng mừng...
Chúng tôi xuống nhà cơm, dì Mười Đào là người phụ trách nấu cơm cho các Cha già, tôi nói dì nấu cho tôi một nồi nước sôi để pha sữa, nghe tôi nói có sữa dì cũng ngạc nhiên không biết vì sao mà tôi có...sữa? Tôi cũng nói đùa là.. mình mới đẻ làm dì cũng mắc cười quá chừng luôn. Tôi bảo dì mang thêm 2 cái ly, 1 cho dì và 1 cho tôi. Tôi đục 2 lỗ trên nắp lon sữa, sữa nó trào ra. Cha Diện tuy bị mù, nhưng Ngài cũng tinh ý và hỏi tôi:
- Sữa có ngon không cha Đông?
Tôi thắc mắc là tại sao Ngài lại hỏi vậy thì Ngài nói:
- Tôi biết thế nào cha cũng liếm chỗ sữa trào ra.
Mà đúng là tôi có liếm phần sữa bị trào ra. Sữa thật là ngon và chúng tôi ngồi nhâm nhi hằng nửa giờ chỉ với một ly sữa. Sau bao nhiêu năm bây giờ mới được uống sữa nên các Ngài có vẻ vui lắm.
Cha Diện cũng là một gương sáng cho tôi về sự hy sinh và tấm lòng luôn biết chia sẻ, Ngài luôn nghĩ đến người khác. Hồi đó mua vải rất khó khăn, một năm mỗi người chỉ được mua 2m mà thôi, Ngài biết điều đó nên nói với tôi:
- Cha Đông à, bây giờ mua vải cũng khó khăn, quần áo cũ của tôi vẫn còn dùng được, Cha chỉ cần để dành cho tôi 1 bộ quần áo cũ tương đối còn tốt, để sau này tôi chết thì mặc cho tôi, phần còn lại Cha đem chia hết cho người nghèo. Áo ấm thì cha để cho tôi 1 cái mà thôi, còn lại bao nhiêu thì Cha cho những người thiếu thốn, tôi già rồi, tôi không mặc nhiều đâu, sandal, giày dép cũng vậy, tôi không mang nhiều đâu. Còn cái đồng hồ treo tường, vì tôi mù nên nghe tiếng gõ của nó thì tôi biết giờ, Cha để lại cho tôi, sau này khi tôi chết thì Cha cho ông Quý, người đã giúp tôi lâu năm rồi.
Đó cũng là gương tốt cho tôi.
Tôi nhớ có một lần vào khoảng đầu tháng 11 năm 1980, tôi khoe với Cha già Diện:
- Cha ơi! Mình sắp có lúa mới rồi.
Vì hồi đó tôi làm ruộng. Ngài hỏi:
- Khi nào thì có?
Tôi trả lời:
- Khoảng 2 tuần nữa thì gặt được.
Ngài nói:
- Có khi là trễ rồi.
Lúc đó tôi không hiểu ý Ngài vì tôi thấy Ngài vẫn còn mạnh khỏe. Nhưng mà...thật đúng là như vậy, vì khoảng 10 ngày sau khi tôi chuẩn bị đi làm lễ ở dòng Phaolồ Têrêxa thì tôi thấy chú Phước là người giúp các Cha già, chú đang ngồi trước hè nhà tôi, chú thông báo với tôi là cha Diện mất rồi. Tôi vội vàng đến nhà hưu.
Sơ Hạnh dòng Bác Ái Vinh Sơn giúp các Cha vào ban ngày, nhưng vì cha Diện ngày càng yếu nên hôm đó sơ ở lại đêm. Sơ kể với tôi:
- Đêm hôm qua khoảng 12 giờ thì Cha kêu con dậy, bảo con dẫn đi tiểu, bảo con thay quần áo mới cho Ngài, rối Ngài nói với con là Ngài sắp đi, sơ hãy đọc kinh cầu nguyện cho tôi. Con nói để con nhờ chú Phước gọi cha Đông xuống, nhưng Ngài bảo là "đã chào cha Đông rồi, cũng đừng làm phiền các cha già vì tôi đã chào các Ngài rồi". Con đọc Kinh cho Cha, Cha âm thầm đi lúc nào con cũng không biết.
Tôi thấy chú Phước và sơ đã mặc áo lễ cho Cha. Cha nằm mà như đang ngủ vậy. Tôi thấy Ngài có một cái chết thật bình an ở vào cái tuổi 90, tôi luôn nhớ điều này và tôi ao ước cũng được như Ngài vậy. ( LM Nguyễn Vân Đông)
GIỖ CHA SIMON NGUYỄN DIỆN - NGUYÊN TĐD ĐỊA PHẬN KONTUM.
TIỂU SỬ – CHỦNG SINH.
Linh mục Simon Nguyễn Diện sinh năm 1890 tại Hòa Mỹ, An Ngãi, Quảng Nam thuộc Địa phận Đông Đàng Trong (năm 1924 đổi thành giáo phận Qui Nhơn).
Học Tiểu chủng viện Làng Sông và Đại Chủng Viện Đại An (Qui Nhơn).
Thụ phong linh mục năm 1920 tại Địa phận Đông Đàng Trong (Qui Nhơn).
LÊN KONTUM TRUYỀN GIÁO
Lên Kon Tum phục vụ tại:
– Plei Rơuăk, Plei Jơdrập: 1923 – 1943[1]
– Ngài lập làng Ngô Thạnh (người Kinh) năm 1925. Làng này xưa vốn có vài người đến giúp Cha Bề trên Kemlin, ra làm nhà gần làng dân tộc. Sau có linh mục (cha Phaolô Nguyễn Đình Ban) đến mở mang thêm nhưng vẫn còn ít oi, đến đời cha Simon Diện mới tấn phát khá thêm và thành lập làng gọi là Ngô Thạnh[2] .
– Thành lập họ Phụng Sơn (họ nhánh của giáo xứ Phương Hòa, gốc người Tân Hương và Phương Hòa đến lập nghiệp) : vào năm 1924[3].
– Kon Mơnei: vào năm 1943[4].
– Plei Groi: 1943 – 1945[5].
– Thành viên Hội đồng tư vấn và tài chính Địa phận Kon tum: vào tháng 6.1944 + 1949-1953[6] .
+ Bề trên Tổng đại diện 19.3.1945 – 5.5.1946.
+ Đại diện thừa ủy : 1946-1954
– Chính xứ Phương Nghĩa (trước kia là Địa sở Kon Tum): [7]
+ 1945-1946[8]
+ 1953-1963.
– Linh hướng và giải tội các dì Mến Thánh Giá phục vụ trường Cuenot và Chủng viện Thừa sai Kon tum: 8.1946.
– Chủ tịch và tuyên úy Nghĩa Binh Thánh Thể Địa phận: 11.1946[9].
– Hội đồng Tư vấn và Tài chính Địa phận và Đại diện thừa ủy (Vic. déléqué): 12.1948[10].
– Tái bổ nhiệm Đại diện thừa ủy: 8.3.1949[11].
– Bồi thẩm (Assesseur) Tòa án hôn phối Địa phận): 10.1954.
– Cha sở Ngô Trang và tuyên úy chi nhánh Yă Ảnh Phép Lạ tại Ngô Trang: 1963-1970.
– Nghỉ hưu tại Nhà hưu các Cha Việt Nam- Kon Tum, 13 đường Câu Tài (sau 1975 là đường Nguyễn Trãi): 1970-1979.
– Qua đời ngày 11.11.1979 tại Nhà hưu các Cha VN- Kon Tum. Thọ 89 tuổi (1890-1979), với 59 năm linh mục (1920-1979), 56 năm phục vụ tại Kon Tum (1923-1979), 9 năm trên cương vị Bề trên (cha Tổng đại diện) Địa phận Kon tum (1945-1954).
– Thánh lễ an táng tại nhà thờ Chính tòa Kon Tum , do ĐC Alexis Phạm Văn Lộc chủ tế.
– An táng tại Mả Thánh (đường Nguyễn Huệ, KT), sau cải táng lần 1 về Nghĩa trang Thắng Lợi tháng 11.1984, cải táng lần 2 về Nhà nguyện Chủng viện Thừa sai KT 16.12.2004.
TẤM GƯƠNG
Cha Simon Nguyễn Diện được biết đến là một linh mục đạo đức, thánh thiện, hiền lành. Ngài không bao giờ tỏ thái độ khó chịu la lối với người khác.
Ngài là một linh mục cần mẫn, làm việc miệt mài, liên lỉ để mở mang Nước Chúa tại Địa phận Kon Tum. Đời sống đơn sơ, nghèo khó. Ngài chân thành yêu thương người Thượng, sống hết mình vì họ.
Sau bao năm cống hiến tinh thần, sức lực cho đoàn chiên, lúc nghỉ hưu tại Nhà hưu dưỡng, Ngài vẫn cần mẫn ngồi tòa giải tội cho bao hối nhân Kinh-Thượng, mặc cho tuổi già đau yếu và đôi mắt mù lòa, cho đến khi trút hơi thở cuối cùng.
Ngài là tấm gương sáng cho các linh mục đàn em noi theo.
Ngài là hiện thân tình yêu phục vụ của Chúa Kitô trên cánh đồng truyền giáo Kon Tum, trong một giai đoạn lịch sử khá đặc biệt: chiến tranh, loạn lạc, đức tin bị thử thách…Ngài mang trên đôi vai nhiều trọng trách của Địa phận với tinh thần nhẫn nại, kiên vững cùng với vị chủ chăn địa phận và anh em linh mục ra sức củng cố, xây dựng, mở mang Nước Chúa, hiểu theo nghĩa thu nhận các linh hồn cũng như đặt nền móng cơ sở vật chất, lập làng mạc công giáo góp phần làm tiền đề vững chắc cho sự phát triển của Địa phận Kon tum trong giai đoạn kế tiếp và trong tương lai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét