Dưới lớp bụi thời gian
By Khai cvk50
Sống là quên đi quá khứ và nhìn tới tương lai. Quên đây ấy là quên những đau buồn, những thù hận, để có một tâm hồn vui tươi lạc quan mà sống. Và như anh Duy Sỹ nói: “rán....”nghe nó lãng mạn và thích thú ,tôi thử phủi lớp bụi thời gian của đầu thập niên 50 của tiểu chủng viện Kontum, để các em có thể tìm ra nhũng gì vui vui không.
Ngày tựu trường đầu tiên (01/09/1950)
Hôm nay tôii nhớ rõ ngày mồng một tháng chín năm 1950, ngày tôi ngơ ngáo xách cái va li da rất trân quý vào thời ấy bước lên bậc thang xi măng cong cong trước nhà nguyện để trở thành “chú”của thiên hạ. Tôi không nhớ có ai đó giúp tôi mang cái va-li đến chủng viện không, nhưng tôi nhớ rõ tôi đã rán nê nó theo chân chú Bình (cha Bình sau này), người anh bạn dì của tôi, người đi trước tôi, hướng dẫn viên và là người bạn thân nhất của tôi cho đến bây giờ.
Tôi không khờ khạo hay rụt rè rè gì cả, mà trái lại rất hãnh diện những bước của một “chú” thiên hạ (thật có đáng không?). Tôi đi ngang phòng đã cho tôi một kỷ niệm khó quên. Tôi tạm gọi là phòng “bô tân ”. Các bạn biết không: thời đó việc chiêu mộ chủng sinh rất khó vì phần lớn địa phận Quy Nhơn bị chiếm đóng, nghĩa là do Việt Minh kiểm soát, thì địa phận Kontum không có đường “binh”. Việc chiêu mộ chỉ quanh quẩn xung quanh thị xã thôi. Năm 1948 không có chiêu sinh lớn nhưng chỉ mở cuộc thi tuyển bổ túc cho lớp 1947 thôi. Tôi được hay bị ghi danh thì tuyển vì tôi lúc đó chỉ cái gọi là “con thú hoang mới được thuần thục”. Các bạn biết mình là gốc Kon Hring làm gì có trường làng hay trường cha để học. Đến 10 tuổi mình cả ngày rông chơi chưa bao giờ biết abc là gì. Bố (cha) mình bắt đầu nghĩ đến phải dạy mình giáo lý để được rước lễ lần đầu. Mình bắt đầu học với người anh cô cậu hơn mình đến 2 tuổi. Lừa gió bẻ măng, cha mình dạy thêm cho mình nhận diện o,i,e. O, I, E là gì các bạn? Thưa đó là học vần thời đó đấy. Ba chữ để bắt đầu cuốn vần không phải là A, B, C mà là O, I, E. Rồi kế tiếp là A, Ă, Â. (Có cái rất “logic” cho cuốn vần cỗ đó nhưng bây giờ không phải lúc nói tới). Dông dài quá đi mất! Thôi tôi nói tiếp về phòng “bô tân”. Đến 1947 tôi được cha tôi gửi cho cha Lưu Phương để học trường “Cố Hiền” ở Tân Hương và cho học lớp Ba( cours élementaire). Lớp Ba cũng chỉ học “bâng quơ” vài ba tiếng pháp thôi. Ít ít không nhiều. Thế mà cũng được chỉ định đi thi để bổ túc cho lớp 1947. Thế mới gọi là “bị” thì đúng hơn vì lúc túng quá nên làm liều. Hôm đó tôi thật rụt rè vừa đi vừa run vào phòng thi. Chánh chủ khảo không ai khác là chính thị chú Trinh(cha Trinh đó). Thi tuyển chỉ một bài “dictée” ngắn. Tôi nhớ rõ không quên một âm thanh nào: “lơ bô tân.” “Giỏi” tiếng pháp như tôi làm sao tìm ra ba chữ đó. Thế thì tôi làm sao trúng tuyển được và đành phải về học thêm 2 năm nữa. Trúng tuyển duy nhất là chú Sự (cha Sự) và một chú nữa được cho là tạm được. Đó là Thiềng. Thiềng được cho là trúng tuyển, nhưng vì học học trường nhà nước “Maison l’eau” nên bị cảnh cáo giam lại cho lần sau. Hai năm sau, 1950, Thiềng. cùng nhập học với tôi. Kể đến đó các bạn biết tại sao tôi không quên phòng “lơ bô tân”. Về sau, tôi lại lại gặp lại thầy Trinh, mãn TCV, làm thầy được chỉ định làm giám thị năm tôi nhập chủng viện 1950. Bây giờ xin giải mã: ba chữ “lơ bô tân”. Nếu có chỉ chút ít tiếng pháp thì biết ngay đó là “Le beau temp”. Sau này khi quen biết Thầy Trinh, tôi có hỏi:
- Thầy có nhớ trước đây, thầy đánh rớt tôi khi thi tuyển vào lớp 47 không?
Thầy cười mỉm:
- Chút chút.
Rồi thầy kể chuyện ông Abraham, để cứu thành Sodoma, có thằng cháu trai, ông Lót, đang ở đó. Ông mặc cả, bắt đầu từ 50, xuống 45, 40, .... mà sau cùng 10 cũng chẳng có. Tôi biết ngay và nói:
- Như vậy nếu ngày đó mà con có viết ra được 10 mots vocabulaires, thì con cũng trúng tuyển chứ gì ?
Thầy lại cười. Nụ cười thật đáng yêu.
Chỉ chuyện “ lơ bô tân “ mà đã chiếm nhiều chỗ như thế. Thôi tôi xin tiếp tục.
Qua phòng “bô tân”là cầu thang lên phòng ngủ.
Bây giờ chúng ta quay lại hiện trường chủng viện một chút để biết tiểu chủng viện (TCV) thời đó ở đâu. Từ nhà nguyện chủng viện nhìn ra, thì bên phải là tiểu chủng viện và bên trái là đại chủng viện. Thời đó, 1950, tiểu và đại chủng viện cùng sát cánh bên nhau dưới hai cánh của gà mẹ đang ấp ủ mấy gà con đơn côi của mình. Như vậy các bạn biết không gian mà tôi sắp kể là cánh phải, bên cạnh phòng ĐC Kim, là Toà Giám Mục Kontum (TGM) Về ở đó, Ngài mới bắt đầu xây TGM Kontum hiện giờ.
Tôi bám gót xách Valy chạy theo chú Bình vì e sợ mình có lạc lối chăng?
Tôi bắt chước chú Bình đi liếc nhìn xem tên mình ở giường nào. Thì đây rồi, tôi được xếp nằm ở giữa các đàn anh. À mà quên, tôi không nói rõ tổng số người đang chiếm bao nhiêu của không gian to lớn của phòng ngủ, không được một phần tư. Xin thưa chỉ 21 người, nhưng đó là số người đông nhất kể từ 1945, khi Nhật đầu hàng và người Pháp trở lại. Và chủng viện cũng được mở cửa lại năm 1947. Số 21 là số tốt nhất nếu chơi bài phải không? Nếu tốt suy ra trong số 21 người đó, chúng ta có 2 linh mục, cha Bình và cha Sự. Tỷ lệ 2 trên 21, coi như 2/20 hay 10%. Nhưng nếu tỷ lệ áp dụng cho lớp 6e mà thôi thì ra 2/7. Xỉn ai biết sau này có trường hợp nào mà tỷ lệ cao hơn.
Trong ¼ nhà ngủ, thì 4 góc là 4 anh lớp 4e. Có 4 hàng giường, thì lớp của tôi, lớp “che” được xếp hàng giữa hàng 2 và 3. Tôi xin mở ngoặc để giải thích tiếng che một chút. “Che” là tiếng “lóng” để chỉ những kẻ thấp bé, người bất tài, là kẻ rốt nhất. Tiếng nầy có nguồn gốc không giống ai. Trên quốc lộ 14 có địa danh : ‘Ba biên giới’. Thời pháp gọi là ‘Trois frontiers’. Người Việt đọc là “ba lân che”. Thời chúng tôi có hai môn thể thao thông dụng mà giờ chơi bắt buộc mọi người phải ra sân: bóng chuyền và bóng đá. Sân bóng chuyền thì nhỏ hẹp mà khi chơi mọi người phải ra quân. Ai chơi khá khá thì vào trong, ai chơi dở thì đứng ngoài biên “hors de frontier”, để được đánh vớt hay đi nhặt những quả banh bị “hors”. Chúng tôi thường gọi họ là “ba lân che’. Khi cha Lôc vê đó, ngài gọi tắt là “che”. Tiếng “che” thông dụng đến đổi được dùng trong các bài huấn đức của cha Lộc để nói về Đức Mẹ tự hạ xưng mình chỉ là “che”, là rốt hèn, là tôi tá khi được báo tin làm mẹ của Ngôi Hai. Tiếng “che” đã vào ngõ ngoặccủa lảng quên nên cũng xin đóng ngoặc lại luôn.
Bây giờ tôi điểm danh nào:
Lớp 4e. 5 người : Hấn(rip), Ngai, Nho (rip), Ngoan, Sang(rip)
Ghi chú thêm: Hấn còn có tên là Nhàn, Nho là Nhi, Ngoan là Nhị và Sang là Nhì. Tại sao lại có thêm Nhàn, Nhi, Nhị, Nhì. Chuyện này lâm li bi đát lắm, xin sẽ kể sau. Ngai hiện còn sống ở VN và Ngoan (Nhị hay đại lão Đờn Cò) còn sống tại Mỹ.
Lớp 6e, 7 người : Rev.Bình, Cảnh, Hoá, Hộ(rip) Luôn(rip) Mai(rip), Rev.Sự (rip)
Ghi chú thêm: Bốn đã đi chầu Chúa. Cha Bình và Hoá ở VN, Cảnh ở Pháp.
Lớp 8e, 9 người: Hoà, Minh, Ngãi(Khải), Sinh(rip), Suy, Toán, Thiềng( Thuyền) Trọng , Vận(rip)
(Ghi chú thêm: Hoà, Minh, Toán , sống ở VN. Khải, Thuyền, Trọng ỏ Mỹ, Suy tại Úc. Sinh, Vận ( tên Dũng sau này) qui tiên.
Nếu với con số 21 người thì : 2 người làm Cha và 19 người còn lại đều được lên chức đức cha và đức ông cả, nhưng cha và ông chịu khó viết chữ nhỏ thôi.
Tính đến bây giờ, trong những người còn sống hay nói theo người Quảng Nam còn “chơi “được... ồ! Thôi khoan đã, tôi xin mở ngoặc để giải thích thêm chút về ý nghĩa của chữ “chơi” của cách nói của người Quảng Nam để tránh ngộ nhận và lại cho GL lại dám ăn tục nói khoét. Người Quảng Nam (có thể người Bình Định nữa) có cụm từ “có chơi không” để hỏi thăm sức khỏe của mấy đứa nhỏ của người thân quen. Chẳng hạn như : Con nhỏ hay thằng nhỏ (hay sắp nhỏ ) ở nhà “có chơi không?”có ý là con nhỏ, thằng nhỏ ở nhà có mạnh khỏe và chơi đùa không?. Để rõ hơn, tôi xin kể một câu chuyện vừa cười vừa “méo “trong giai thoại của chủng viện Kontum (CVK)
Trong thời kỳ bao cấp sau 75, TCV được phục vụ bởi các Sơ dòng Ảnh Vảy. Vì thời bao cấp, TCV thường được công an(ca) nhà nước gửi đến gọi là để giúp đỡ. Trình độ tiếng Việt của các sơ tương đối khá ( hầu hết các sơ là người dân tộc), nhưng vẫn chưa sạch nước cản giữa “con” và “thằng “. Một hôm có chú “ca”người Bắc vào chủng viện và lân la chào hỏi. Một Sơ tiếp chuyện và thăm hỏi:
- Con “cu “ông ở nhà có “chơi” không? ( Trình độ tiếng Việt của Sơ phân biệt được cách nói Bắc Nam, nhưng còn mù mờ giữa “thằng và “con” ,xin lỗi nhé).
- Bà Sơ đang hỏi gì ạ?
- Tôi hỏi : Con “cu” ông ở nhà có “ chơi” không?
- ? ! ? ! ( thế nà thế lào?!?!)
( Hết kể và nếu ai muốn nghe tiếp thì liên lạc với Rev Tiến, Đài Loan)
Bây giờ xin trở lại những người còn sống hay còn “chơi” được phân phối như sau:
USA : 4, Pháp: 1, Úc : 1, VN. : 5. Phần còn lại: Tiên Cảnh.
Xin kể tiếp. Trong va ly có gì? Các bạn đang muốn biết phải không? Thì đây, tôi xin kể.
Một bộ áo dài đen, quần trắng (không kể bộ áo đang mặc). Hai bộ áo quần “bà ba”. Đôi dép sandal, ca uống nước, kem đánh răng, xà phòng giặt quần áo và vài thứ lỉnh kỉnh khác như kim chỉ vân vân. Không quên, mỗi người phải mang theo mùng, chăn, gối. Bấy nhiêu cũng đủ cho chiếc Vali căn phồng rồi. Lại thêm một cái thau(chậu) để rửa mặt và giặt giũ. Đó là hành trang để bắt đầu chức “chú”,chức binh nhì “đơ dèm” cùi bắp (deuzieme classe)
Y phục bắt buộc của các chú là áo dài đen, quần trắng. Mặc mọi nơi và mọi lúc cũng giống như linh mục mặc áo chủng đen vậy. Mỗi người có đôi dép sandal , nhưng không được đi trừ lúc đi dạo bên ngoài và khi trời lạnh dưới 10 độ C. Khi đi dạo thì phải đội nón cối trắng mà tôi đã quên kê khai ở trên và được phép mang kính dâm. Các bạn thử nhắm mắt hình dung xem các chú hồi đó có chút ngố ngố thế nào đó phải không các bạn? Đó là phong cách tu hành của thời kỳ đó.
Như tôi mô tả: từ nhà nguyện nhìn ra: cánh phải là TCV và cánh trái là ĐCV. Cả hai đều tựu trường cùng một ngày . Cả hai cùng chung nhà nguyện trong giờ kinh và thánh lễ. Trừ giờ nguyện gẫm . Cả hai cùng chung nhà ăn và ẩm thực giống nhau. . Các thầy phụ trách xướng kinh và đọc sách trong lúc ăn. Chỉ ngày thứ 5, Chúa Nhật mới được phép nói chuyện trong nhà ăn. Trong nhà nguyện thì các thầy phục trách hết mọi việc. Hát lễ, hát kinh chiều đều do các thầy, các chú phụ họa theo.
Nhưng chỉ một năm sau các thầy được gửi đi học Saigon và bây giờ, chúng tôi (TCV) lên ngôi.
Lên ngôi thì phải trị vì. Chúng tôi phải phụ trách mọi việc của phụng vụ, ca hát, không những tại ở nhà mà cả ở Nhà thờ Chánh Tòa nữa với con số không còn là 21 nữa.
Ở ngôi vị độc tôn thì độc tài thương nảy sinh. Các bạn biết tài hát ca ở người dân tộc là bẩm sinh. Lúc ấy trường Cuenot có quảng 120 ca viên. Họ ca đoàn chính của nhà thờ Chính Tòa. Thế mà, vì ganh tị cai ưu điểm của họ, mà TCV đôi khi dành việc giúp lễ cả ca hát trong những ngày lễ có GM cử hành( lễ đại triều). Quãng hơn 10 đối 120 ca viên (vì phải trừ ra it 8 người lo việc giúp lễ cầm mũ gậy, thì lố bịch hết chỗ nói. Với 120 ca viên thì họ chỉ thở nhẹ ra thi đã đủ tràn ngập cả nhà thờ rồi. Còn 10 người thì sao? Chăc chắn chúng tôi phải lòi gân cổ để “rống” rồi. Nên biêt thêm thời ấy chưa có Micro. Thế thì hát hay hay rống hay vậy? Chỉ có một ngườ dám công khai “khen” chúng tôi. Đó là cha Alberty( Cố Hiền), người đã đào tạo những ca viên xuât sắc khi làm cha sở Tân Hương, như Nho, Hấn, hiện là nòng cốt về ca hát phụng vụ tại Chủng viện. Cha cũng là người dạy hát bình ca Gregorien la tinh cho chúng tôi. Lời khen đó là: “Các con hát như con bò rống”. Đó là toàn cảnh thực trạng của tiểu chủng viện Kontum vào năm 1951-52.
Thôi bây giờ gác lại những chuyện cười ra nước mắt đó đi và chúng ta điểm qua các đấng trong giai đoạn đó.
Đưc cha Phao lô Kim (Seitz).
Các bạn đã biết Đức Cha(ĐC) Gio an Khâm( Sion) là tiên nhiệm của ĐC Phao lô Kim. Ngài đã chết tại Pháp trong lúc ngài vê đó để chữa bệnh. Trươc khi đi, Ngài đã khai mạc Năm Thánh và phong chưc sớm cho 2 linh mục: Cha Lê và cha Văn. Hai linh mục nầy là 2 trái đầu mùa của chủng viện Kontum. Tại sao gọi là phong chưc sớm , vì 2 cha con phải ở lại ĐCV một năm nữa để hoàn tất chương trình học. ĐC Sion đã mất vào năm 1951. ĐC Kim được chọn để làm GM Kontum có lẽ từ tháng 8 hay 9, tôi không nhớ chính xác, nhưng nhớ rằng Ngài về nhậm chức sau ngày 3 tháng 10, 1952. Ngài nhận chức GM do ĐC Khuê (Hồng y sau nầy) tại Hà Nội. Tại sao tôi quả quyết rằng ĐC về Kontum sau ngày 3 tháng 10, ngày lễ Tê rê sa. Người Kontum thường nói: Tê- rê- xa nước sa đầy đồng. Năm đó lụt rất lớn theo chu kỳ 10 năm. ĐC Kim đã đến Saigon, nhưng chưa đến Kontum được vì đường giao thông bị lut ngập và đường hàng không thời đó chưa có. Chiêc cầu qua sông Dak Bla khi đó con ở dưới thấp chứ không phải chiếc cầu cao mà các bạn thấy sau nầy. Sau cùng ĐC Kim cũng đã đến Kontum. Ngài về Tòa Giám Mục (TGM) lúc đo còn tọa lạc tại nhà xứ Nhà thờ Phương Nghĩa. Còn nhà xứ lại ở bên kia đường tức là nhà dòng Ảnh Vảy bây giờ.
Nơi Ngài đến thăm đầu tiên là chủng viện. Chúng tôi tổ chức đon tiêp Ngài vơi hết khả năng mình. Long trọng nhưng không râm rộ vì luc đó chúng tôi chỉ trên dưới 20 người nhưng cũng ca hát cũng đọc diễn văn rất xôm trò. Đáp từ, Ngài nói bằng tiêng việt giọng bắc rât trôi chảy. (Tôi con nhớ rõ vài ý tưởng mà tôi không bao giờ quên được)
“Các con thân mến! Các con biêt khi cha vừa đên Kontum là cha đã muốn gặp các con ngay. Các con hát hết sức minh, các con đọc diên văn (discours en francais) cũng rất xuất sắc, kìa xem nào, các con it quá. Nhưng các con đừng lo vì trong vài năm nữa cha sợ nơi nầy sẽ không còn đủ chỗ để đón nhận các chủng sinh”. Các bạn đã biết và chứng rõ điều đó vì đến thời các bạn Kontum không đủ chỗ chứa mà phải mở rộng tới Sohier Đà lạt.
Ngài về Kontum la Ngài xúc tiến ngay việc xây cất Tòa Giám Mục mới và trước tiên Ngài dọn về ở ngay bên cạnh phòng ngủ chúng tôi. Tôi nhớ lại sự kiện vào lễ Phục Sinh năm 1953, như thường lệ chúng tôi tụ họp để hát bài alleluja( nhiều bè) trước khi cơm trưa, được thịnh soạn hơn thường. Hôm đó chúng tôi rất cao hứng vì ĐC mới dọn về cạnh bên, nên rung chuông lớn nhỏ inh ỏi. Đức Cha đang trong phòng bổng chạy vội ra ngoài và có vẻ lo lắng hỏi: “Có việc gì vậy? Tại sao các con kéo chuông?” Chúng tôi không biết một điều là ở ngoài Bắc, nếu chuông nhà thờ mà bât thường đổ chuông như thế là có sự kiện lớn, thì đó là báo động kêu cứu, nếu không bị hỏa hoạn thì có kẻ đến phá hại hay hành hung cha xứ. Đức Cha, mĩm cười trở về phòng khi được biết: “chúng con chỉ kéo chuông vì quá vui mừng khi ĐC về ở ngay cạnh chúng con”
Như vậy chúng ta xác định ngày di chuyển TGM về chủng viện là trong tuần thánh năm 1953. ĐC ở ngay cạnh chúng tôi. Hằng ngày ĐC lên xuông cùng một cầu thang với chúng tôi.
Chúng tôi được sống gần cạnh ĐC đến hêt niên khóa 52-53. Đến tháng 9 năm đó, 1953, chúng tôi, 2 lớp lớn được, gửi đi học tại tiểu chủng viện Giu se Saigon. Còn lưu lại là cvk52. Đầu năm 1954, chúng tôi về nghỉ Têt ở Kontum. Sau Tết, Kontum bị chiếm đóng. ĐC phải rời TGM Kontum, và sống lưu vong ở Pleiku. Cha Bình và tôi bị kẹt lại Kontum và về lại Kon Hơ ring làm nông. Thây Trí cũng ở lại Kontum bên cạnh TGM. Thế mới có chuyện Thầy Trí đã gìn giữ an toàn phòng ĐC. Chuyện đó là đúng vì Cha Bình và mình cũng ở đó suốt thời gian cho đên hiệp định Geneve năm 1954.
Đó chông gai đầu tiên của ĐC gặp phải trên con đường vốn lắm chông gai của chức vụ chủ chăn Giáo Phận Kontum.
Đức Cha Lộc.
Với tôi, ĐC Lộc là Giám Mục, là thần tượng, là tôn sư, là bạn.
Là thần tượng, Ngài có cái gì đó khác với các cha giáo đang thời. Ngài về với chủng viện Kontum trước ĐC Kim một năm. Ngài về mang theo không khí mới cho chủng viện thở. Trong các cuộc chơi giải trí, thể thao ngài hòa đồng với chúng tôi. Ngài cũng đi chân không, giặt giũ, cùng chúng tôi. Sau cơm tối, Ngài cùng đi bách bộ trên thềm hè chủng viện mà chúng tôi vây quanh cùng đi vơi Ngài. Chúng tôi rất mê Ngài kể chuyện đông, chuyện tây, chuyện trời, mây, mưa, gió mà tưởng như mông lung, giải trí. Nhưng không phải thế đâu, Ngài đang gieo sâu vào tâm trí chúng tôi một tinh thần kỷ luật tự giác. Trước đó, chúng tôi giữ kỷ luật “ngó chừng”, nghiêm chỉnh khi có bề trên hay giám thị, nhưng bây giờ chúng tôi biết mình phải làm gì khi không có ai coi ngó mình.
Là tôn sư, Ngài dạy học rất sáng giá. Ngài dạy tiếng pháp là chinh. Chúng tôi được truyền đạt nhiều tinh hoa của tiếng pháp. Bên cạnh đó, ngài cũng dạy chúng tôi lối hành văn tiếng việt khúc chiết, trong sáng. Hồi đó, chủng viện không dạy môn toán algèbre. Khi gửi chúng tôi đi học ở chủng viện Giu se Sai Gon thì mới đụng chuyện. Làm sao đây? Ngài bèn mở lớp dạy algebre câp tốc trong một tháng. Với các lớp đàn anh, họ có it nhất cái căn bản để chạy theo, nhưng riêng cho 5e như tôi, tôi dư sức qua cầu.
Là người bạn, Ngài rât gần gủi, ân cần. Trong các tháng hè, Ngài thường đến nhà chúng tôi chơi, cùng ăn, cùng ở cùng đi thăm các cha nơi xa xôi hẻo lánh. Cha Minh cũng được chúng tôi đên “ăn vạ” cả tuần, ăn măng le kho thịt gà, uống rượu đỏ, tôi ngủ sạp nhà sàn. Nhưng kỷ niệm thân thương đó nay đã nằm dưới lớp bụi thơi gian. Còn rât, rất nhiều chuyện về ĐC Lộc. Xin hẹn đến dịp khác.
ĐC Chung. ĐC Chung là giám mục CVK đầu tiên. Ngài có nickname là Pha Pha (papa=cha chung = ngày xưa gọi Đức Giáo Hoàng là Đức thánh Pha pha). Ngài không vào ĐCV Kontum( lúc ấy đang mở, mà được gửi học ở ĐCV Giuse Saigon ngay từ khi tốt nghiệp TCV Kontum. Ngài rất thân vơi gia đình chúng tôi vì hầu hết các thầy, các chú đều đến Kon Hơ ring vào các dịp hè. Ngài chịu chức linh mục vào năm 1955 và vinh qui tại Cồn dầu. Rât may, cha Bình và tôi được mừng vinh qui với Ngài vì năm đó chúng tôi về nghỉ hè tại Đà Nẵng. Chúng tôi lưu lại Cồn Dầu vài ba ngày rất vui và có gặp mặt Nguyên và Giáo ở đó đang chuẩn bị đi tu CVK
Ngoài kỷ niệm tình cờ được mừng vinh quy vơi Ngài như vừa kể trên, tôi còn có vài kỷ niệm khác cũng thú vị không kém.
Có lẽ vào năm 1948, khi ở Tân Hương với cố Nhì( cha Hutinet), tôi găp Ngài và Ngài gọi đúng tên tôi:
- Ngãi! Mi học ở đây hồi nào?
- Dạ. Từ môt năm nay rồi.
- Sao chưa đi học chủng viện.
- Vừa rồi thi rớt mất
- Vậy mi phải đợi 2 năm nữa.
- Dạ!
Thật là ấn tượng vì Ngài biết và nhớ đến mình đến cả tên. Như các bạn biết, Kon Hơ ring là “tụ điểm” của các thầy, các chú trong nhưng ký nghỉ hè. Ông Cụ tôi rất hiếu khách, nhất là các Linh muc, các Thầy, các Chú đên thăm chơi vào những dịp hè. Gà đày sân, măng le đầy rừng. Gà kho măng le trở thành “món ăn khủng” của các khách đã xó dịp dừng chân tại đây. ĐC biêt tôi hơn tôi biết Ngài vì lúc đó tôi chỉ là thằng nhóc con, chạy lon ton giúp bàn dọn dẹp bàn ghế. ĐC lại quen và được cha Hutinet cưng vì, Ngài đến dó để mượn chiếc xe dạp “dura” xe có giàn nhôm, nhẹ và là “nữ hoàng” vào thời ấy. Cha Hutinet rất “cưng” xế, đến nổi tôi cũng không được sờ tới, dù chỉ để lau chùi. Thế mới biêt cha Hutinet quí chú Chung như thế nào! Nên biết thêm là cha Hutinet là nguyên bề trên TCV Kontum và chú Chung là học trò ‘cưng” của Ngài đó.
Kỷ niệm thứ nhì là khi Ngài là cha sở TÂN CẢNH ( Tân Cảnh là tên do chính Ngài đật mại ra từ Dak Tơ kan), tôi có dịp đến ĂN TẾT với Ngài có lẽ vào năm 1959-60. Tôi nghĩ rằng Nguyên, Giáo cũng có mặt và một vài chủng sinh khác. Hôm đó la 30 Tết. Tôi đến đây với ý định là ngủ lại để mừng giao thừa với Ngài. Đến gần chiều thì chúng tôi mới bàn đến giao thừa tôí nay. Thì ra kế hoạch của Ngài là chỉ cần giết con gà trống lớn nhất là mấy cha con vui vẻ buổi tối tất niên rồi. Lúc đó trời còn sớm, gà chưa lên chuồng. Ngài cuời và vào phòng mang ra cây súng săn 12 (calibre 12), lắp “tút” (cartouche) đạn ria có gần dến trăm viên đạn nhỏ và ra ngoài tìm chú gà trống to tướng xem chừng như đang “hét ra lửa” giữa đám gà mái liễu yếu đào thơ. Ngài tách rời nó ra, đưa súng lên vai, nhắm, và “bầm”! Chú gà ra đi không kịp ăn Tết. Chúng tôi làm thủ tục tẫm nước nóng, vặt lông. Trên bàn mỗ, chặt đến đâu, chúng tôi nghe tiếng rắc rắc rớt xuống chậu nhôm. Chúng tôi có dịp cùng cười như ngày hội. Ngài nghe cười cũng đến
- Gà có mập(béo) không?
- Dạ mập lắm! Mà cha bắn giỏi quá.
- Mang, nai, heo rừng kia mới giỏi chớ một con gà thì là chi.
- Con gà hứng trọn trăm viên đạn “ria” của cha đó.
- Rứa hả?
Và dĩ nhiên, tối hôm đó chúng tôi mừng giao thừa có món cháo “ghé” thit gà với đạn ria.
Còn 2 kỷ niệm nữa, rất nhỏ nhưng khó quên. Lúc rời Kontum vào Sai Gon để vượt biên. Trưa đó tôi ghé lại nhà ngài khi đã là giám mục phó Kontum. Tôi đến để thăm Ngài vì từ ngày Ngài làm Giám Mục, tôi không dám gặp mặt Ngài dù chỉ một lần, vì sợ gây phiền phức cho Ngài. Thứ đến, tôi cũng có ý từ giả Ngài để đi xa. Tôi đã lựa lời nói hàm ý là tôi sẽ đi vượt biên bằng đường biển. Cha con găp nhau vui vẻ và tôi đã có bữa ăn đối với tôi lúc đó là “thịnh soạn”. Và một kỷ niệm, khi Ngài và ĐC Oanh tại Mỹ, tôi không thể đến thăm Ngài chỉ nói chuyện qua điện thoại. Cha con nói chuyện thật vui vẻ kéo dài cả tiếng đồng hồ kể những chuyện xưa, chuyện nay. Ngài nhớ rât rõ mọi việc. Đến hôm sau, tôi lại gọi Ngài nữa. Ngài không nhớ là tôi đã nói chuyện với Ngài hôm qua. Ngài lại hỏi tôi:
- Là Khải hả? Mi đang ở đâu.
- Con là Khải ở Georgia đây
- Mi ở cách đây bao xa?
- Cha không nhớ hôm qua Cha con mình đã nói chuyện cả tiếng đồng hồ mà cha không nhớ sao.
- Mi có gọi tao hôm qua hả?
Quả thật Ngài không nhớ những chuyên vừa mới xảy ra. Nhưng với những chuyện xa xưa, Ngài nhớ rất rõ. Sống lâu như Ngài đã là món quà quí giá lắm rồi.
Các cha bề trên.
Cha Décrouille. Tôi vào chủng viện lúc cha Décrouille làm bề trên tiểu chủng viện. Ngài là là mẫu bề trên “classic”, mẫu mực, nghiêm trang và đạo đức. Nhưng dưới thời Ngài, đã xuất hiện một thần tượng mà tôi vừa kể trên: cha Lộc và rồi ĐC Lộc. Từ cổ điển kiểu Décrouille, biến thành moderne kiểu Lộc. Chúng tôi thấy rõ điều đó, khi chúng tôi được gửi học ở Sài Gòn. Đối với cha Décrouille, tôi chỉ có một kỷ niệm khóc mếu máo khi bị cáo buộc bẻ đũa như tôi đã kể với các bạn rồi đó. Những bề trên tiếp theo: cha Thomaan, Cha Lộc, cha Thiệp. Ở Sohier có cha Trinh. Cha Chung rồi cha Vượng. Cac bạn biết các Ngài nhiều hơn tôi.
Tôi rất ít kỷ niệm với các đấng bề trên ngoài ĐC Lộc và cha
Trinh.
Tôi vào chủng viện đúng lúc chú Trinh “thăng cấp” Thầy. Cách đây 2 năm chính chú Trinh đã đánh rớt tôi vào chủng viện 1948 với cha Sự. Rớt là dĩ nhiên, không rớt mới là lạ.
Thầy Trinh làm giám thị và dạy môn Pháp văn và Toán lớp 6e. Hết năm thực tập thì thầy Trinh theo học ĐCV Giuse Sài Gòn.
Sau khi chịu chức LM, thì Ngài về chủng viện Kontum giúp cha bề trên Lộc. Ngài là quản lý và tiếp theo là Bề trên Sohier. Tôi không có kỷ niệm gì với Sohier và khiêm tôn hơn nữa là đến bây giờ tôi cũng chưa biết đến Sohier thơ mộng đó nằm ở đâu trong thành phố thơ mộng Dalat. Các bạn sau tôi biết cha Trinh nhiều hơn tôi vì tôi chỉ đơn thuần là người bạn tri âm của Ngài thôi. Thời gian phục vụ của ngài ngăn ngũi vì ngài đã ra đi trong một tai nạn xe trên đường Dalat-Saigon. Xin vĩnh biệt!
Một nhân vật xuyên thời gian từ mà các bạn ai cũng biết: Thầy Trí. Trước đây tôi đã đưa thông tin sai lạc về nguồn gôc thầy Trí. Tôi đã nói thầy Trí vốn là cựu latinh TCV Làng Sông, Qui Nhơn. Thực sự tôi đã tin như vậy vì thầy Trí rất giỏi môn Latinh. Tôi học môn Latinh với cha Khoa. Nhưng người giúp tôi thông đạt môn nầy là thầy Trí. Tôi mới biêt thầy Trí vốn là cựu Sư Huynh dòng Giu se Bình Định của ĐC Jean Sion. Thầy Trí chính là môn sinh của Ngài và chính Ngài đã mời thầy Trí đên Kontum. Trước khi làm giám thị, thầy Trí ở tầng dưới TGM với ĐC Sion, lúc bấy giờ là nhà xứ giáo xứ chính tòa bây giờ. Chúng tôi cũng quen biết thầy Trí ở đó qua những buổi đi dạo ngày nghỉ thứ 5, Chúa Nhật.
Thầy Trí “ trụ trì” tại TCV/KT từ 1951 đên mãn đời. Thầy đâ mất sau 1975 tại Kontum. CVK ai cũng biêt đên thầy Trí dù rằng chỉ biết thầy là người thường xướng bài hát Salve Regina mỗi tối. Thời chúng tôi, thầy có tên là Trí lác (đầu có nhiều ‘gàu’ trắng hay Trí tréo( khi ngồi, thầy có thể tréo chân đên 2 vòng). Khi về chủng viện làm giám thị, thày mang theo lồng chim gáy. Chim nầy gáy rất hay vì đã dụ bắt nhiều chim gáy hoang ở khu rừng mà bây giờ là Tòa Giám Mục.
Đó là những gì dưới lớp bụi thời gian, mà tôi đã gợi nhớ để góp phần với nhiều bạn khác, và với Tới Sáu Cam, trong mong ước có được một cái gì đó, để nối kết chúng ta, những CVK đã sống, đang sống và sẽ tiếp mãi trên cánh đồng truyền giáo Kontum muôn thuở.
D
saigo
16
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét