Thứ Tư, 16 tháng 5, 2018

*Phong thái của một kẻ sĩ … sinh nhầm thời.- Phiếm luận - Hoài Nguyễn

*Phong thái của một kẻ sĩ … sinh nhầm thời.
Phiếm luận - Hoài Nguyễn 



Trong những nhà thơ miền Nam thuộc hàng tiền bối, tôi đặc biệt yêu quý cụ Nguyễn Đình Chiểu, một “nhà thơ mù” nhưng “tâm ngời sáng” của miền đất “Nam kỳ Lục tỉnh” xưa kia.
Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), tục gọi là Đồ Chiểu (khi dạy học), tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai (sau khi bị mù); là nhà thơ lớn nhất của miền Nam Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ XIX, giai đoạn của một đất nước Việt Nam đầy nhiễu nhương bị ngoại xâm giày xéo và chiếm cứ.
Cụ Đồ Chiểu lúc này mắt đã bị mù lòa nhưng tai vẫn “chứng kiến” những cảnh đời éo le của nước nhà khi bị giặc Pháp đô hộ, biết cảnh của bọn bán nước cầu vinh đang nhỡn nhơ trên nỗi đau của đồng bào, nghe những câu chuyện của những bậc sĩ phu yêu nước luôn phản kháng chống lại sự đàn áp của bè lũ cướp nước và cướp nước.
Một sự tha hóa về đạo đức trong xã hội đã hình thành và phá vỡ cái “đạo” mà cha ông đã lưu truyền ngàn đời nay.
Lòng yêu nước thương dân của cụ Đồ Chiểu chỉ biết thể hiện qua ngòi bút, qua văn chương mang màu sắc “phản kháng bất bạo động”, mang tính “ẩn dụ” qua những tác phẩm còn lưu truyền đến ngày nay như: “Truyện Lục Vân Tiên” (1851) gồm 2082 câu thơ lục bát. Đây là một "bản trường ca ca ngợi chính nghĩa, những đạo đức đáng quý đáng trọng ở đời" đã làm nên tên tuổi Nguyễn Đình Chiểu, và là một tác phẩm lớn của văn học Việt Nam, được nhân dân, đặc biệt là nhân dân Nam Bộ yêu chuộng; “Dương Từ - Hà Mậu”(truyện thơ Nôm, bắt đầu soạn khoảng 1854); “Ngư Tiều vấn đáp” (1867); “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”(1861); và nhiều bài thơ văn khác…
Về quan điểm sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu, cụ dứt khoát đứng về phía nhân dân chống lại bọn cướp nước, bán nước và tay sai, bọn bồi bút đang phục vụ cho chế độ mới ngoi lên ở Việt Nam thời ấy.
Trong bài “Than đạo”, cụ Đồ Chiểu thể hiện một “thông điệp” về vai trò “kẻ sĩ” theo quan niệm thời đó rất rõ ràng: 
“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”
Tòan bài “Than đạo” như sau:
Ba vua năm đế dấu vừa qua,
Nối đạo trời rao đức thánh ta.
Hai chữ can thường dằn các nước,
Một câu trung hiếu dựng muôn nhà.
Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm,
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.
Căm lấy lòng nhơ mong thói bạc,
Trời gần chẳng gánh gánh trời xa.
Hai câu thơ mang đến cho chúng ta một quan niệm văn chương thời ấy và vẫn còn tính “thời sự” cho đến tận ngày nay, đó là quan niệm “văn dĩ tải đạo”. Những nhà thơ nhà văn như Nguyễn Đình Chiểu không thể cầm giáo gươm súng đạn và đánh giặc thì họ sẽ cầm bút để tấn công kẻ thù trên mặt trận tư tưởng tinh thần. Nó giống như con thuyền có thể là nhỏ bé kia, dẫu có trở bao nhiêu “đạo” thì cũng không đắm không chìm. Đạo đức là một thứ văn chương thời bấy giờ luôn hướng đến và đem vào thơ ca để mang đến sự truyền tải đến với người đọc. Còn mấy “thằng gian tà” gồm những kẻ bán nước và cướp nước kia dẫu có dùng bút mà vạch tội đâm thẳng vào bộ mặt chúng cũng không tà, không mòn bút.
Văn chương “tải đạo” đâm giặc bằng ngòi bút của ông thể hiện lòng căm thù giặc sâu sắc, vạch ra những tội ác mà bọn chúng đã gây ra cho chính nhân dân ta, những nỗi nhục nỗi khổ ấy được thể hiện rõ trong những câu thơ bài “Chạy Tây”:
“Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây
Một bàn cờ thế phút sa tay
Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy
Mất ổ bầy chim dáo dác bay”
Như vậy qua đây chúng ta thấy Nguyễn Đình Chiểu đã thể hiện rõ quan niệm sáng tác trong hai câu thơ của mình qua những bài thơ của mình. Thế mới biết rằng Nguyễn Đình Chiểu luôn đi đầu trong việc cầm bút để đánh giặc. 
Thời đại của cụ Đồ Chiểu dễ dàng phân biệt “chính – tà” và kẻ cướp nước cũng như bán nước nên mặc dù không còn sức lực để chiến đấu chống ngoại xâm nhưng cụ đã “mài sắc” ngòi bút và dùng mảng thơ văn đạo lý về cuộc đời thường để phát triển trở thành thơ văn yêu nước, với hai nội dung chủ yếu: tố cáo tội ác của giặc và ca ngợi những tấm gương yêu nước sáng ngời.
Khi Pháp xâm lược Việt Nam, trước cảnh nước mất nhà tan, một số tên “bút nô”, “điếm bút”, “bồi bút” vì chút bơ sữa, cơm thừa canh cặn của bọn giặc “cướp – bán” nước, đã dùng thơ văn để tô vẽ cho bộ mặt của kẻ thù nhân dân, thanh minh và cố bảo vệ cho thái độ đầu hàng của chúng trước bọn giặc. 
Đối lập với bọn này, ngòi bút Nguyễn Đình Chiểu chỉ xoay quanh một vấn đề là vấn đề mất nước. Lời ca tiếng thép của ngòi bút ông lúc này đều hướng vào một mục tiêu duy nhất là cuộc đấu tranh chống ngoại xâm.
Thời đại của cụ Đồ Chiểu sống không chỉ hiện diện bọn Trịnh Hâm, Bùi Kiệm gian hiểm, bọn Đặng Sinh ỷ thế làm càn, bọn tham vàng bỏ nghĩa Võ Công, mà còn nhiều bộ mặt xấu xa gian ác và giả dối khác. 
Bọn chúng đối lập với những con người sáng ngời đạo đức như Lục Vân Tiên, Kiều Nguyệt Nga, Hớn Minh, Tử Trực. Tuy trải qua nhiều gian nan nguy hiểm nhưng cuối cùng những người tốt vẫn được hưởng sung sướng, hạnh phúc. Đó chính là giấc mơ lớn về cuộc sống tốt đẹp với những con người tốt đẹp, sống theo đạo lý của nhân dân, như nhân dân mơ ước.
Hơn thế kỷ sau, đất nước Việt Nam lại có xu hướng quay lại thời kỳ của cụ Đồ Chiểu xưa kia, cũng với bọn cướp nước và bán nước nhưng với hình thức và nội dung tinh vi hơn nhiều.
Ngày nay bọn bồi bút, điếm bút, đĩ bút … đông nhan nhãn như quân Nguyên và cũng như xưa kia, vì miếng cơm manh áo, vì bơ thừa sữa cặn mà bán rẽ lương tâm, quay lưng với dân tộc, đất nước … sẵn sàng bẻ cong ngòi bút viết tung hê những điều mà ai cũng biết là trái với lương tri loài người, là phục vụ cho bọn cai trị độc tài…
Như người ta vẫn thường ca cẩm ngày nay “bọn Ác” nhiều hơn “người Hiền”, quỷ sứ nhiều hơn thiên thần, bọn nịnh thần lấn át trung thần, người ngay sợ kẻ gian … thì bọn cầm bút cũng vậy!
Thời đại ngày nay đầy rẫy những bọn tham quan ô lại mà người ta ví như chuột, sâu đục khoét tài nguyên đất nước, chèn ép nhân dân, sống phè phỡn xa hoa trên nỗi đau dân tộc, nhắm mắt làm ngơ cho kẻ thù truyền kiếp phương Bắc gặm nhắm dần mòn đất đai tổ tiên để lại…
Bây giờ tìm ra những người như cụ Đồ Chiểu xưa kia thật hiếm, nhưng mới vừa mở mắt ra đã thấy bọn “bưng bô” đông kịt như bầy kền kền chờ rỉa rói xác chết!
Tìm ra cái “chất dũng” của người cầm bút hôm nay để “đâm mấy thằng gian” khó như tìm kim đáy bể!
Bây giờ tìm đọc thơ văn “kiểu” như của cụ Đồ Chiểu nhằm vạch mặt bọn người theo giặc, phản bội quê hương, bọn "theo quân tả đạo, quăng vùa hương, xô bàn độc" đế "ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì", những kẻ tham danh cầu lợi "ăn dơ tanh rình, đổi hình tóc râu" thực sự khó lắm thay!
Cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương sáng về một người trí thức yêu nước, sống và lao động nghệ thuật trong hoàn cảnh lịch sử đất nước trải qua một thời gian khó nhưng vĩ đại. Toàn bộ cuộc đời ông từ ý nghĩ đến hành động đều thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, sâu sắc. Sự nghiệp thơ văn của ông là thơ văn yêu nước. Theo ông, nhân nghĩa là yêu nước thương dân, biết đứng về lẽ phải của nhân dân chống lại áp bức của tà quyền.
Tóm lại, thơ văn đạo lý của Nguyễn Đình Chiểu xuất phát từ truyền thống đạo lý của dân tộc, ca ngợi đạo làm người trong cuộc đời thường, có giá trị giáo dục sâu sắc. Ngòi bút của cụ thương ghét rất rõ ràng, dù thực sự lúc ấy chính – tà đang lẫn lộn, không phải ai cũng nhận ra con đường chính nghĩa để đi theo. Còn thơ văn yêu nước của ông "không đi bên lề các cuộc khởi nghĩa, mà trực tiếp tham gia vào phong trào kháng chiến như một thành viên thực sự. Nó giải quyết những khúc mắc về tư tưởng, động viên tinh thần nghĩa sĩ và nhân dân. Vì vậy nó cũng hầu như mang nguyên vẹn cái âm điệu bi hùng của cuộc sống và con người thời đại…
Cái tên Nguyễn Đình Chiểu sẽ còn được con cháu mai sau nhắc đến mãi mãi như một kẻ sĩ … sinh nhầm thời ....


Copyright of Hoài Nguyễn - (16/5/2017 )


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét