Thứ Ba, 22 tháng 5, 2018

*Chỉ vì từ “nội chiến” mà Trịnh Công Sơn bị “thất sủng”? - Hoài Nguyễn

*Chỉ vì từ “nội chiến” mà Trịnh Công Sơn bị “thất sủng”?
Trong tập “Ca khúc da vàng” làm nên “hiện tượng và tên tuổi” của Trịnh Công Sơn, có một vài ca khúc bị “phe thắng cuộc” không mấy hài lòng trong đó lẽ là bài “Gia tài của mẹ” mà chỉ hai từ “nội chiến”, Trịnh Công Sơn đã bị “mấy anh” hồi đó còn trong khu “đập” te tua vì “nhận thức mơ hồ về chính trị” và “chưa vững vàng lập trường tư tưởng…”
Bốn mươi hai năm đã trôi qua, đến bây giờ dù Trịnh Công Sơn đã ra người thiên cổ, đã trở về cát bụi nhưng câu chuyện về Trịnh Công Sơn trong thời Chiến tranh Việt Nam vẫn là một đề tài được đem ra mổ xẻ nhiều nhất!
Trong giai đoạn sáng tác đầu tiên, Trịnh Công Sơn với những tình khúc đơn thuần đã để lại cho đời nhiều ca khúc có giá trị về mặt tình yêu đôi lứa, về thân phận con người nhưng đến khi Trịnh Công Sơn “phản chiến” thì lúc đó chưa ai nhận chân ra mục đích thực sự của những tập “Ca khúc da vàng”, “Kinh Việt Nam” là những sáng tác âm nhạc phục vụ cho mục tiêu chính trị mà Trịnh Công Sơn đã được lôi kéo móc nối hoạt động cho phía chống lại chính phủ VNCH!
Lúc đó, về mặt công khai thì Trịnh Công Sơn tham gia trong cái tổ chức gọi là “Hội trí thức yêu nước” mà thực chất là một công cụ hoạt động công khai trong lòng “địch” dưới tên gọi của cộng sản gọi là “Trí vận” , vận động tầng lớp trí thức phán kháng lại chính quyền VNCH bằng nhiều hình thức khác nhau như biểu tình chống bắt lính, sáng tác văn học nghệ thuật để “chống lại cuộc chiến tranh phi nghĩa” …
Công bằng mà nói trong con người của Trịnh Công Sơn có hai phần “Nghệ thuật” và “Chính trị” mà phần nhiều vẫn thiên về tính chất nghệ sĩ nên khi sáng tác một tác phẩm nghệ thuật nào thì tính chất “vị nghệ thuật” vẫn có phần lấn át “vị nhân sinh”.
Do đó khi Trịnh Công Sơn sáng tác tập “Ca khúc da vàng” thì ngay lập tức đã gửi vào khu để các anh phê duyệt và thẩm định mức độ “giác ngộ cách mạng” của nhạc sĩ họ Trịnh.
Theo lời kể của một người bạn gái có lẽ cùng trong nhóm “Trí thức yêu nước” thì hai người có một “lãnh đạo trực tuyến” là nữ, một hôm đến nhà người bạn gái này và phê phán Trịnh Công Sơn: “Sao Trịnh Công Sơn viết nhạc như vậy mà chị cho là tiến bộ? Bài Gia tài của mẹ có câu ‘Hai mươi năm nội chiến từng ngày’. Chữ ‘nội chiến’ không đúng với chiến tranh Việt Nam. Đây là cuộc chiến chống Mỹ xâm lăng giành độc lập thống nhất chứ không phải nội chiến như Trịnh - Nguyễn ngày xưa”…
Người bạn gái Trịnh Sông Sơn phân bua : “ Nhưng rõ ràng là người Việt Nam hai miền Nam - Bắc đang cầm súng giết nhau kia mà.”
Bà lãnh đạo đó bảo rằng : “Cuộc chiến này do Mỹ đổ quân lên miền Nam và chỉ đạo từ A đến Z. ” Rồi chị ta hạ nhỏ giọng như mệnh lệnh: “Các anh ở trong không bằng lòng hai chữ ‘nội chiến’, chị nói Sơn sửa lại đi!”. Nói xong chị ta đi ngay.
Qua mẫu chuyện trên do chính người bạn gái thuật lại, chúng ta thấy rõ ràng là khi viết tập “Ca khúc da vàng”, phía VNCH cũng đã “cảm nhận” có gì đó bất thường với ca từ như do chủ trương tự do văn nghệ và sáng tác nên tập nhạc gọi là “phản chiến” này vẫn được phát hành và lưu hành tự do.
Còn “mấy anh trong khu” soi rất kỹ từng câu chữ để đánh giá về mặt tư tưởng, và cũng vì hai từ “nội chiến” này mà đến ngày 30/4/1975, mặc dù Trịnh Công Sơn rất “hăng hái, nhiệt tình” chạy tới ngay Đài Phát thanh Sài Gòn để hát bài “Nối vòng tay lớn” nhưng mấy “anh trong khu” cũng như “mấy anh ngoài Bắc” vốn đa nghi như Tào Tháo không mấy tin “bụng dạ” của Trịnh Công Sơn, sợ phải gặp tay “ăn ở hai lòng” thì không hay chút nào!
Mà quả thật, một thời gian sau tháng 4/1975, Trịnh Công Sơn đã bị “hất hủi”, thậm chí vòn cho cho đi lao động sản xuất để cải tạo thành “con người mới” nữa đấy!
Trở lại câu chuyện trên thì theo lời người bạn của Trịnh Công Sơn, cô ta “sợ” quá vội chạy lên An Tiêm tìm gặp Trịnh Công Sơn, cầm theo cả tập “Ca khúc da vàng” mà nhạc sĩ vừa ký tặng hôm 18/7/1967.
Cô ta kể cho Trịnh Công Sơn nghe và đề nghị sửa hai chữ “nội chiến” cho rồi, chứ cố ấy ngán mấy chữ: “các anh ở trong không bằng lòng” quá! 
Trịnh Công Sơn suy nghĩ một hồi rồi nói có vẻ bực mình: “Mệt quá, nhạc viết ra rồi còn bắt sửa đi sửa lại...” Và anh thở dài: “Thôi tùy bạn, muốn sửa gì cứ sửa!” 
Cô bạn lấy bút xuống gạch ngang chữ “nội chiến”’ trong tập nhạc, viết lên trên đó chữ “giặc giã”. Rồi gạch bỏ luôn chữ đó, vì thấy: “Dỡ quá phải không Sơn?. Hay là “chinh chiến” vậy? “Chinh chiến” nghe hơi nhẹ hơn tí, nhưng thôi, cũng được nghen Sơn?” Trịnh Công Sơn ậm ừ: “Tùy bạn ... thôi cũng được!”
Tập nhạc mà cô bạn ấy vẫn còn lưu giữ đến nay với mấy dấu gạch sửa đầy kỷ niệm đó. 
Cho dù Trịnh Công Sơn đã đồng ý sửa lại bằng chữ “chinh chiến”, thế mà khi hát người ta vẫn cứ hát “nội chiến”’, thế mới khổ!
Khi cô bạn báo cho Trịnh Công Sơn biết việc đó, anh cười: “Bạn thấy chưa? Đó là quyền của người hát, làm sao mình cản nổi!” 
Tôi cho rằng đó là một điểm đáng trân quý đối với riêng lĩnh vực nghệ thuật của Trịnh Công Sơn khi mà một sáng tác đã được công chúng chấp nhận rồi thì tự dưng nó trở thành “tài sản chung” và không có thế lực cầm quyền nào có thể “sửa sai” được nó theo ý đồ của họ…
Đến tận ngày nay thì “Gia tài của mẹ” lại càng bị cấm nghiêm ngặt không chỉ bởi từ “nội chiến” mà còn hai từ “phạm thượng” khác… Chắc các bạn đã đoán ra…
Copyright of Hoài Nguyễn - 30/3/2017



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét