Nhà văn Aziz Nesin và Những Người Thích Đùa
LGT: Trong những năm qua làm quen với mạng xã hội Facebook, có lẽ người Việt chúng ta chứng kiến qua những đăng tải trên mạng này nhiều vô kể những câu chuyện về đủ thứ dạng, hạng người trên thế giới và trong đất nước mà khi xem, đọc xong thì không biết nên khóc hay cười!
Mấy ngày nay mạng xã hội tiếp tục nóng lên với sự kiện các “Hiệp sĩ đường phố”, với chuyện lão già “ấu dâm” với đủ thứ chuyện “lá cải, lá đa...” và tôi cũng xem thoáng qua với những bài viết rất thật nhưng cứ như là đùa!
Tự dưng nhớ những câu chuyện ngắn đã đọc rất lâu rồi trong tập truyện ngắn “Những người thích đùa” của nhà văn trào phúng Aziz Nesin...
Aziz Nesin tên khai sinh Mehmet Nusret Nesin (20.12.1915 - 06.7.1995), là một trong những nhà văn trào phúng nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ. Với ngòi bút sắc sảo, lối nói chuyện hóm hỉnh nhưng không kém phần sâu cay đã đưa tên tuổi của ông lên tới đỉnh cao văn học. Ông là tác giả của hơn 1000 cuốn sách đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng. Đến với bạn đọc Việt Nam truyện ngắn của ông vẫn rất gần gũi và thân thuộc
Đọc truyện của Aziz Nesin, ta có thể nhận thấy tiếng cười của ông rất sắc nhọn khi đả kích, châm biếm bọn cầm quyền thống trị đạo đức giả; và cũng nhận thấy tiếng cười của ông thật hiền lành, nhân hậu khi nói về những thói hư tật xấu của con người trong cuộc sống hàng ngày, những chuyện vặt vãnh đáng yêu của con người.
Ông đã vẽ nên một bức biếm họa về xã hội ở quê hương ông nhưng cũng rất giống với nhiều quốc gia khác trong đó có Việt Nam.
Những truyện ngắn trào phúng đặc sắc nhất của Aziz Nesin đã được chọn lọc, tập hợp trong cuốn "Những người thích đùa" với 26 truyện ngắn, đem lại cho người đọc những tiếng cười sảng khoái nhưng không kém phần sâu sắc.
Ở các tác phẩm trào phúng của ông, người đọc cảm nhận được cái hài hước, cái châm biếm sâu cay mà hiếm tác giả nào làm được. Khóc mà cười, cười mà lại trào nước mắt - những câu chuyện chỉ có thể là của Aziz Nesin. Đôi khi đọc sách của ông người ta rơi vào trạng thái không biết nên khóc hay nên cười.
Aziz Nesin tin rằng nhà văn trào phúng như người khổng lồ có sứ mệnh nâng đỡ cả thế giới, những câu chuyện của ông không viết ra chỉ để cười. Ông không viết những truyện cười vô thưởng vô phạt. Ông viết để xóa đi những bất công, phi lý trong xã hội con người, giúp con người sống tốt hơn.
Nếu có điều kiện, tôi sẽ giới thiệu cho các bạn những truyện ngắn trong tập truyện ngắn này để chúng suy ngẫm về xã hội chúng ta đang sống ...
Hoài Nguyễn - 18/5/2018
--------------------------------
Nghĩa Vụ Đối Với Tổ Quốc
Truyện ngắn Aziz Nesin
***
Cả trại giam xôn xao về cái tin ấy.
-Này, các đằng ấy đã biết tin gì chưa? Ichxan Vadelin đang ở đây đấy!
-Làm gì có chuyện!
-Tớ nói điêu tớ làm con chó!
-Hắn đã "đoạn" từ lâu rồi kia mà!
-Lại còn mở tiệm cà phê đàng hoàng nữa chứ?
-Cóc tin được! Cậu nói láo!
-Tớ nói láo tớ chết! Người ta mới giải hắn về hồi chiều, bằng tàu chở thư mà! Giải từ Aidilie về. Chính tớ nhìn thấy hắn ở dưới sân. Hắn tắm ở nhà tắm xong bị dẫn về biệt khám.
-Thế đấy! Đã tưởng dứt được rồi, thế nào mà bỗng dưng lại bị tóm gáy điệu về ở với cánh ta không biết?
-Nhưng Ichxan Vadelin là ai vậy?
-Các chú mày còn nhóc con nên không biết hắn. Hồi hắn còn làm ăn, các chú mày hãy còn bú tí mẹ! Tao quen hắn từ hồi ở Mactreckhan kia! Hồi ấy trại giam này chưa có. Mới có trại Mactreckhan thôi! Bọn ta được ngồi ở đó.
-Hồi ấy phải nói hắn nhanh thật!
Ichxan phải nằm ở biệt khám hai tuần, rồi được chuyển sang khu 2. Đó là khu giam các phạm nhân đặc ân, những kẻ tái phạm cũ biết rõ hắn.
-Chào người anh em!
Một người vừa đun xong trà trên một cái hỏa lò. Ichxan Vadelin sỗ sàng quăng tờ giấy một00 xuống khay. Người ta lại bắt đầu đun một ấm trà ngon nữa.
Người ngồi trước mặt Ichxan Vadelin là Nuri - bị kết án 60 năm tù về tội tham ô. Nuri mặc một chiếc áo choàng màu mận chín trông hết sức sang trọng. Ichxan Vadelin - chạc 50 tuổi - chỉ chuyện trò với mỗi mình, dường như không nhìn thấy ai xung quanh nữa.
-Thế đầu đuôi làm sao hả Ichxan?
-Tôi kể ra chỉ sợ anh không tin, cho tôi là nói phét. Vì chính tôi cũng thấy chuyện này thật khó tin. Ai chứ tôi thì, chắc anh biết đấy, đã như chim bị đạn rồi! Lạy chúa! Năm nay tôi đã 50 tuổi đầu, tóc đã bạc, vậy mà chưa bao giờ tôi bị một vố cay như thế này. Mà lần này tôi bị lại là do tôi tận tâm phục vụ cho tổ quốc, do tôi làm nghĩa vụ công dân của mình mới tức chứ!
Chắc anh biết đấy, lâu nay tôi vẫn có một tiệm cà phê riêng. Một hôm, có hai tay của Sở Cẩm đến nhà tôi bảo:
-Mời ông đi theo chúng tôi về Sở!
Các tay mật thám cũ tay nào tôi cũng nhẵn mặt cả. Nhưng hai tay này là lính mới, nên tôi không biết. "Được! Đi thì đi!" tôi nghĩ bụng thế, "Mình chẳng làm gì nên tội thì sợ đếch gì!".
Đến Sở, tôi thấy Haida đã ngồi chờ ở đó... Haida làm ở Sở Cẩm từ hồi tôi còn làm ăn. Bây giờ ông ta đã lên chức Chánh Cẩm. Haida có một mắt hơi lé, trông lúc nào cũng có vẻ lờ đờ, nên được mọi người tặng cho biệt hiệu là Lé. Haida Lé dữ hơn cọp.
-Bẩm quan cho gọi em có việc gì đây ạ? - tôi hỏi Haida Lé.
-Ngồi xuống đây đã Ichxan! - Haida Lé đáp và chỉ vào chiếc ghế. Tôi đoán ngay là ông ta cần tôi. Vì tính ai chứ tính Haida Lé tôi biết rõ lắm. Tôi mà có tội tình gì thì ông ta đã nhảy xổ vào tôi mà bóp cổ cho thấy ông bà vải rồi, chứ chả mời mọc tử tế như thế.
-Thưa ngài Haida - tôi nói - em đã đoạn tuyệt hẳn nghề cũ rồi! Sau cái lần cuối vớ được một mẻ bẫm, em đã thanh toán sòng phẳng các món, và còn dư một ít thì mở tiệm cà phê để làm ăn sinh sống. Bây giờ quan muốn gọi em có việc gì vậy ạ?
Haida Lé nghe tôi nói rồi bảo:
-Đúng. Các khoản cũ coi như đã thanh toán xong. Hôm nay ta cho gọi anh đến đây là muốn anh thực hiện nghĩa vụ công dân của anh đối với tổ quốc.
Tôi nghĩ bụng: không biết nghĩa vụ đối với tổ quốc là nghĩa vụ gì? Chắc chỉ có chuyện đi lính thôi! A! Ra người ta muốn bắt tôi đi lính!
-Bẩm quan! - tôi nói - Em xin thưa với quan là em đã hoàn thành nghĩa vụ công dân rồi ạ! Em đã phục vụ trong hải quân đúng 6 năm chẵn, không kém một ngày. Ấy là chưa kể em còn nằm mấy tháng trong hầm nhà thờ Divankhan ở Casumpasa. Bây giờ em đã ngoài 50 rồi, quan còn muốn gì ở em nữa ạ?
Haida Lé sai mang cho tôi tách cà phê và rút thuốc lá mời. Tôi lại nghĩ ngay: chắc ông ta muốn mình làm chỉ điểm đây!
-Thưa ông anh, nếu ông anh có ý định gì khác thì xin ông anh cứ nói thẳng. Nếu giúp được, em sẵn sàng ngày... Còn cái tiệm cà phê của em thì ông anh cứ coi là của ông anh!
-Anh nghĩ nhầm rồi, Ichxan ạ! - Haida Lé đáp - Không ai định bắt anh đi lính! Nhưng tổ quốc muốn giao cho anh một nhiệm vụ khác. Anh phải cứu lấy danh dự cho quốc gia, cho chính phủ! Chính phủ rất cần đến sự giúp đỡ của anh.
-Ấy chết! Sao ông lại giễu em thế! Có đâu một quốc gia hùng mạnh như nước ta mà lại cần đến sự giúp đỡ của một tên trộm già như em!
-Chuyện gì mà không thể có! - Haida Lé đáp - Việc quốc gia nó phức tạp lắm, nên đòi hỏi phải có sự giúp đỡ của mỗi người công dân. Và bây giờ đến lượt nó đòi hỏi sự giúp đỡ của anh.
-Thôi được! Nếu ông anh đã nói là nghĩa vụ quốc gia thì em đâu dám từ chối. Ông anh có bảo chết em cũng xin chết ngay...
Đến đây Haida Lé mới nói thật cho tôi biết rõ sự thể.
Hóa ra là có một đoàn khách quốc tế sang thăm nước ta. Đoàn rất đông người. Có đủ cả người Mỹ, người Đức, người Đan Mạch, người Pháp. Có cả thương gia, bác sĩ, kỹ sư, giáo sư... Họ muốn đến tìm hiểu tình hình để viện trợ kinh tế cho ta. Nhưng đến chỗ nào họ cũng thấy tình trạng hết sức bí bét. Nghe nói tình hình lâm nghiệp họ phát ớn, tìm hiểu tình hình y tế họ thấy ngán ngẩm. Đến xem các nhà máy họ lại càng kinh. Tóm lại là đi đến đâu ta cũng ngượng chính mặt với họ đến đấy. Vì thế chính phủ ta mới quyết định bằng bất cứ giá nào phải làm cho họ kinh ngạc một phen.
-Bởi vậy, Ichxan ạ! Bây giờ là trách nhiệm của anh đối với tổ quốc. Anh phải cố mà làm tròn nó!
Tôi đoán chắc chính phủ ta không có cách gì làm cho các quan khách quốc tế hài lòng, nên quyết định chứng tỏ cho họ thấy trình độ chống nạn trộm cắp của ta cao đến mức nào. Tôi bảo:
-Thưa Haida, em hiểu, xin Haida tin rằng chắc chắn em sẽ cho họ biết trình độ ăn cắp của ta rất cao, chứ không như các nghề khác!
-Anh đoán gần đúng - Haida xác nhận - Chúng ta phải cho họ biết cảnh sát của chúng ta mạnh như thế nào, và biết cách làm việc ra sao.
-Thế thì em thấy hơi khó... - tôi thở dài.
-Tất nhiên là khó rồi! Có thế mới gọi anh đến...
Anh là một tên móc túi chuyên nghiệp, đã từng nhiều lần vào tù ra tội. Anh rất sành sõi cái việc này. Vậy anh hãy thi hành nghĩa vụ công dân của mình.
-Xin ông anh cho em biết rõ hơn là em phải làm gì ạ? - tôi yêu cầu ông ta.
Haida Lé giảng giải cho tôi biết nhiệm vụ. Người ta sẽ chỉ cho tôi cái khách sạn có đoàn quốc tế ở. Nhiệm vụ của tôi là phải vét nhẵn túi các vị trong đoàn, không để sót một thứ gì. Tất nhiên các quan khách sẽ thi nhau kêu trời và chạy đến báo cảnh sát. Ở sở cảnh sát người ta sẽ bảo họ: "Xin các vị yên trí! Cảnh sát của chúng tôi làm việc rất cừ! Chỉ 5 phút nữa chúng tôi sẽ tóm hết những tên ăn trộm!". Còn tôi thì ngay sau đó đem tất cả những thứ lấy được về nạp cho Sở. Thế là những người bị mất cắp sẽ nhận được nguyên vẹn tài sản của họ.
"Đây! Xin mời các vị nhận lại đồ vật của mình!". Cảnh sát của ta sẽ giơ tay chào và bảo họ như vậy. Các vị khách ngốc nghếch kia tất nhiên sẽ phải nghĩ: "Chà! Thế mới gọi là làm việc chứ!"
-Em không làm được đâu, Haida ạ! - tôi từ chối - Bây giờ em thấy không đang tâm...
-Sao vậy? - Haida Lé hỏi.
-Thứ nhất là vì em bỏ nghề đã lâu, bây giờ chân tay ngượng nghịu sợ không làm nổi...
-Không lo! Anh vẫn làm được thôi!
-Thứ hai, bấy lâu nay em đã giữ được mình không nhúng tay vào chuyện ấy...
-Giữ mãi rồi cũng có ngày không giữ được đâu! Cũng như đôi giày mới ấy rồi cũng có lúc nó phải nhúng bùn.
-Tụi trẻ bây giờ có nhiều đứa bợm lắm! Ông anh giao cho chúng nó việc này có lẽ tốt hơn.
-Nhưng lũ ôn con ấy chúng lưu manh lắm! Xoáy thì chúng xoáy được đấy. Nhưng xoáy xong chúng nó biến thì có mà thánh tìm!... Lúc ấy thật là bẽ mặt với các vị khách quốc tế. Vì thế chúng ta mới cần một tên trộm thật thà như anh.
-Đội ơn ông anh đã có lòng tin em. Nhưng quả thật em không làm được đâu ạ!
-Tùy đấy, Ichxan ạ! Có điều nếu anh không chịu làm, ta buộc phải đóng cửa tiệm cà phê của anh lại. Ta còn lạ quái gì cái tiệm của anh! Nó vừa là sòng bạc, vừa là ổ thuốc phiện lậu...
Thế là tôi đành phải nhận lời.
-Thôi được em xin làm - tôi nói - nhưng làm nghĩa vụ cho tổ quốc thì em cũng được cái gì chứ ạ? Chả lẽ em lại làm không công?
Haida Lé nổi cáu quát:
-Người ta nghĩ đến nghĩa vụ công dân, mà anh thì lo chuyện lợi lộc. Thật không biết xấu hổ!
-Xin ông anh bớt giận! - tôi nói - Ông anh làm việc cho cảnh sát, tức là cũng làm nghĩa vụ công dân, thì ông anh được lương. Ngay cả các ngài nghị viên có lẽ cũng chả ngài nào muốn làm nghĩa vụ không công cho chính phủ. Tình bạn đi đằng tình bạn, còn công việc đi đằng công việc chứ ạ! Việc nào nó phải đi việc nấy. Nghĩa vụ là một chuyện, còn quyền lợi lại là chuyện khác chứ ạ! Tiền bạc có hại gì đến nghĩa vụ đâu!
-Thôi được. Ta thỏa thuận thế này vậy nhé! - Haida Lé dấu dịu - Ta cho anh muốn làm gì ở cái tiệm cà phê của anh thì làm. Có điều anh phải nhớ là "moi" được cái gì của khách, anh phải đem nộp cho ta ngay, rõ chưa?
-Dạ, rõ ạ!
Cầu chúa Ala phù hộ cho anh! Ta đặt mọi hy vọng vào anh đấy! Nếu anh moi được ví của ngài trưởng đoàn thì càng đáng khen. Thôi, cho anh đi! Chúc anh may mắn!
Ừ, thì tôi đi! Gì chứ cái chuyện xoáy vặt đối với tôi ngon hơn óc chó!
Tôi đến khách sạn và bắt đầu ngồi chờ.
Chờ đến tối thì thấy các vị khách bắt đầu kéo nhau về. Tôi giở tập ảnh ra xem lại. Đích thị ông trưởng đoàn đang đi cùng bà vợ kia rồi! Tôi đứng lên, đi sát hẳn vào người ông ta lần chỗ để ví, rồi bất ngờ hích nhẹ vào ngực ông ta một cái. Thế là xong! Êm như ru! Té ra tôi vẫn chưa quên nghề...
Sau đó tôi chạy ngay đến nhà vệ sinh công cộng ở quảng trường Tacxim, mở ví ra xem. Trong ví toàn giấy bạc mới tinh! Thề có thánh Ala chứng giám, tôi đã kìm được lòng tham, không lấy một tờ nào. Có bao nhiêu tôi mang nguyên về Sở.
-Anh biến đi đâu thế? - Vừa thấy mặt tôi từ ngoài cửa, Haida Lé đã quát hỏi ngay. Nhưng khi tôi chìa chiếc ví ra thì ông ta sướng đến nỗi hôn luôn tôi một cái vào trán.
-Cừ lắm! Anh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ - Ông ta khen tôi - Ông trưởng đoàn vừa đến báo cho ta biết là bị mất cắp. Trông ông ta rất buồn. "Xin ngài cứ yên trí!" ta bảo với ông ta như vậy, "Chậm nhất là ngày mai chúng tôi sẽ tìm lại cho ngài chiếc ví. Cảnh sát của chúng tôi làm việc rất giỏi!"
-Em đã hoàn thành nghĩa vụ đối với tổ quốc rồi, bây giờ xin chào ông anh! Chúc ông anh mọi sự tốt đẹp! - tôi nói với Haida thế, nhưng ông ta bảo:
-Khoan đã! Mới một lần thế thì ít quá! Chú em phải lần lượt moi túi tất cả các ông khách ấy cho ta!
-Nhưng em chỉ sợ làm mãi quen tay, đến lúc muốn thôi không được.
Nhưng Haida chẳng thèm nghe tôi.
Tôi lại bắt đầu đi moi các đại biểu khác. Có một ông rất khù khờ, bị tôi moi nhẵn cả túi quần túi ấo, lấy hết cả ví, cả chìa khóa buồng, khăn mùi soa, bật lửa, hộp thuốc lá, thậm chí cả ghim cài ve áo, mà vẫn chẳng hay biết gì hết. Không khéo bị lột cả quần ngủ mà ông ta vẫn không biết gì cũng nên!... "Hay ta thử cắt hết cúc áo của hắn ta xem sao?" Tôi nghĩ bụng như vậy, rồi cắt thật, không để lại một cái nào. Sau đó tôi đem ngay tất cả về Sở, bày ra trước mặt Haida.
-Giỏi lắm, Ichxan ạ! - ông ta bảo - Anh làm việc khá lắm!
Tôi bảo ông ta:
-Ông anh ạ! Em đã định lột truồng hắn ra, nhưng sau nghĩ thương hại...
Tóm lại là suốt một ngày tôi cứ đi moi hết vị này đến vị khác trong đoàn... Tôi làm việc như một nhà phẫu thuật lành nghề. Nói thật chứ, giá tôi có lấy mất một lá phổi của những anh chàng đù đờ này thì có lẽ họ cũng hay biết gì.
Haida nghe tôi kể thì cứ ôm bụng mà cười.
Một hôm, tôi moi nhẵn được ví đầm của một bà và đem đến cho Haida Lé. Nhưng không thấy bà này đến báo cảnh sát gì cả. Thấy vậy một viên cảnh sát biết tiếng nước ngoài bèn gọi điện về khách sạn:
-Các ngài có bị mất gì không?
-Không - người ta trả lời.
-Các ngài cứ soát kỹ lại tất cả các ví xách và túi quần túi áo xem sao!
Một lát sau bỗng có tiếng chuông.
-Có một bà của chúng tôi bị mất sạch các thứ trong túi sắc.
-Bà đó có một chiếc khăn tay màu hồng phải không ạ?
-Phải rồi! Sao các ông biết?
-Cảnh sát của chúng tôi cái gì cũng biết hết!
Cảnh sát của chúng tôi cừ thế đấy! Họ báo cho người mất trộm biết bà ta bị mất trộm, và tên trộm đã bị bắt!...
Trước khi đoàn về nước, một phóng viên nhà báo hỏi vị trưởng đoàn:
-Ở nước chúng tôi ngài thích nhất cái gì ạ?
Vị trưởng đoàn là một người có học thức, ông ta im lặng không đáp.
Một nhà báo khác nói:
-Cảnh sát của các ông rất mạnh!
Bấy giờ vị trưởng đoàn mới trả lời như thế này:
-Đoàn chúng tôi có 9 người cả thảy. Chúng tôi ở Xtămbun có một hôm, mà mỗi người trong đoàn chúng tôi đã bị mất cắp 9 lần!... Cảnh sát của các ông cũng có thể là mạnh, nhưng những tên trộm của các ông còn mạnh hơn nhiều!
Lập tức sáng hôm sau những lời phát biểu này được đăng ngay trên các báo: Ngài trưởng đoàn tuyên bố rằng nạn trộm cắp ở Thổ Nhĩ Kỳ hết sức phát triển!
Nhưng thế thì việc gì đến tôi kia chứ? Tại sao mấy ông cảnh sát lại nổi cáu và hạ lệnh tống giam tôi? Hay tôi đã thực hiện vượt mức yêu cầu của họ?
Tôi bảo họ:
-Nhưng chính các ông bảo tôi phải đi ăn cắp để thực hiện nghĩa vụ đối với tổ quốc cơ mà! Tôi sẽ đưa chuyện này ra tòa. Tôi sẽ kể hết với mọi người cho mà xem! - tôi dọa Haida Lé.
-Nếu anh làm như thế, ta sẽ đổ cho anh là thủ phạm của tất cả các vụ trộm chưa tìm ra. Những vụ như thế ta có hàng trăm. Anh tin ta đi! Ta sẽ có cách làm cho anh phải nhận và ký vào biên bản hỏi cung. Anh sẽ phải chịu 1000 năm tù là ít!
Cuối cùng trước tòa tôi đành phải câm như hến và người ta kết án tôi 2 năm tù. Ichxan Vadelin kết thúc câu chuyện của mình.
-Hai năm cũng chả mấy! Ngoảnh đi ngoảnh lại là hết ngay thôi! - một người ngồi nghe chuyện lên tiếng an ủi.
Ichxan Vadelin bảo:
-Đã đành thế rồi. Nhưng tuổi tôi đâu còn ít ỏi gì để mà ngồi tù. May phước là chỉ bị có 2 năm! Làm nghĩa vụ của tổ quốc sướng thế đấy! Hoan hô nước ta!
***
Cái Kính
Truyện ngắn Aziz Nesin
***
Một hôm, cách đây chừng 7, 8 tháng, có người bạn hỏi tôi:
-Tại sao anh không đeo kính?
-Làm sao tôi phải đeo?
-Tuổi anh bây giờ là phải đeo rồi chứ còn sao nữa. Không đeo, đến lúc mắt hỏng nặng, không nhìn thấy gì đâu!
Từ lúc người bạn đó ra về, mắt tôi tự dưng mờ hẳn. Nhìn gần nhìn xa đều không rõ nữa.
Lâu nay tôi vẫn thầm mong cho tóc chóng rụng, cho trán hói đi. Rồi đeo thêm chiếc kính vào cho ra dáng trí thức. Vì tôi cho như thế là dấu hiệu của một anh trí thức. Ngay như anh bán thịt bây giờ mà để trán hói và mang kính vào, tôi cho trông cũng không khác gì giáo sư đại học! Nhưng cái mơ ước ấy của tôi không thực hiện được, vì tóc tôi mỗi ngày một dày thêm. Thế thì ít ra tôi cũng nên sắm cái kính mà đeo vậy. Ai nhìn thấy tôi, người ta phải bảo: bác học đấy!
Vậy là tôi đi khám đốc tờ. Khám xong, ông này bảo tôi:
-Anh bị cận thị! một, 75 đi-ốp!
Theo đơn ông ta dặn, tôi sắm một cái kính. Nhưng cứ động đeo vào là tôi thấy mặt mày sa sầm, buồn nôn không chịu được. Thậm chí có lần, nói vô phép các bạn, tôi nôn thật! Nôn thốc nôn tháo, nôn ra cả mật xanh mật vàng. Không đeo thì không nhìn thấy gì, mà đeo thì tuy nhìn thấy được, nhưng lại bị cảm giác buồn nôn. Thật đúng là khổ!
Một ông bạn khác thương hại bảo tôi:
-Tôi có thể giới thiệu với anh một ông bác sĩ giỏi. Anh hãy đến ông ta khám xem!
Ông bác sĩ này xem mắt tôi, rồi xem chiếc kính.
-Thằng cha lang băm nào cho anh đơn mua cái kính này thế? Có phải anh bị cận thị đâu!
-Thế tôi bị làm sao ạ?
-Viễn thị! 2 đi-ốp!
Tôi lại mua kính mới. Đeo chiếc kính này tôi không còn thấy chóng mặt buồn nôn nữa, nhưng lúc nào cũng bị chảy nước mắt. Đâm ra mắt tôi lúc nào cũng đỏ hoe; như khóc ai vậy. Tôi bị cái cảm giác thương xót rất lạ. Cặp kính này chỉ có đeo để đi đưa đám là hợp.
Một ông bạn thân tỏ vẻ ái ngại cho tôi:
-Thế này thì cậu đến mù mất! Cậu phải đi khám bệnh viện nhà nước xem sao! Ở đấy họ khám cẩn thận. Lại có giáo sư nhãn khoa nữa, chứ không như mấy ông bác sĩ tư!
Bệnh viện nhà nước quả là có khác thật: máy móc nhiều, mà dụng cụ cái gì cũng sáng loáng.
Tôi được một giáo sư khám. Tôi kể cho giáo sư nghe cái bất hạnh của tôi:
-Người thì bảo tôi là cận thị, người thì bảo là viễn thị!
Giáo sư giận lắm:
-Quân ngu! Anh không phải cân thị, cũng không phải viễn thị, mà là loạn thị!
Theo đơn của giáo sư, tôi mua đôi kính khác. Cặp kính này tôi đeo vừa lắm, trông cái gì cũng rõ. Phải mỗi tội bây giờ cái gì như cũng lùi hẳn ra xa. Mấy bức tường trong căn buồn tôi sống hàng chục năm nay dường như bị lùi xa đến hàng ba chục thước. Tôi giơ tay chực bắt tay người quen, nhưng không sao với tới được. Định viết, giấy đã chạy xa khỏi tay đến hai thước. Nhìn vật gì cũng thấy bé tí xíu. Người thì chỉ bằng hạt đậu ván... Nhưng tệ hại nhất là tôi không ăn uống gì được! Vì vừa ngồi vào bàn là đĩa thức ăn đã chạy đi xa hai chục thước rồi. Mùi súp nóng bốc ngay dưới mũi, nhưng cứ cầm thìa chực múc, thì bát súp đã ở cách xa hàng hai mét! Tôi không ăn uống cử động gì được nữa. Một anh bạn phải dắt tay tôi đến một bác sĩ khác tốt nghiệp ở Mỹ về. Khám xét cẩn thận xong ông ta bảo tôi:
-Đứa nào cho anh đơn mua cái kính này đây? Đúng là đồ lang vườn dốt nát! Anh cứ kiện lên phòng công tố cho nó bỏ mẹ!
-Thôi! Cứ để thánh Ala trừng phạt hắn! - Tôi nói.
Tôi lại thay kính mới. Bây giờ mắt tôi nhìn cái gì một cũng hóa hai. Nhà tôi đang bảy người, bỗng nhiên thành mười bốn. Mỗi người lại có một người giống hệt mình. Thật tôi chưa bao giờ thấy chuyện lạ như vậy. Chả lẽ lại có những người giống nhau đến mức độ như thế hay sao? Vô lý quá! Nhìn xuống chân thì thấy bốn chiếc ủng, nhìn bàn tay thì thấy có mười ngón!
Tôi đến một ông bác sĩ khác. Ông này học ở Đức về.
-Ai bảo anh đeo kính này?
-Làm sao ạ?
-Sai chứ còn sao nữa!
Hóa ra một mắt tôi bị viễn, còn mắt kia thì cận. Vị danh y mới lại ghi cho tôi chiếc kính khác. Bây giờ tôi không phân biệt được sáng tối nữa. Xung quanh tôi tối như hũ nút.
-Đứa dốt nào ghi cho anh chiếc kính này vậy hả? Mắt anh hoàn toàn bình thường, có làm sao đâu?
-Nhưng tôi không thấy gì cả! Tối cứ như bưng ấy!
-Thế là anh bị quáng gà thôi, chứ chẳng có làm sao hết!
Lại uống thuốc, lại tiêm, lại kính mới... Bây giờ các vật ở xa trông lại hóa gần. Chân đáng lẽ leo lên tàu thuỷ, thì lại bước ngay xuống biển... Vì tàu chưa cập bến, nhưng trông cứ như đã ngay sát bờ. Không còn viên bác sĩ nào trong tỉnh là tôi chưa mò đến! Ông này bảo mắt phải tôi cận, mắt trái viễn thì ông khác nói ngược lại. Ông trước kêu bị loạn thị thì ông sau phán là bị đục nhân mắt. Đeo kính của cái ông bảo tôi bị đục nhân mắt, thì cái gì cũng ra màu xanh cả. Có ông còn đoán tôi bị chứng mù màu. Nhìn phía trước nhìn sang bên, nhìn xa nhìn gần, cái gì cũng biến thành hai, màu sắc lẫn hết. Đi trên đường thẳng mà tôi có cảm giác như bước xuống cầu thang, mỗi bậc cách nhau hàng bốn năm chục phân. Tôi cứ phải bước từng bước dài như lạc đà vậy.
Một lần, đang đi trên cầu, thế quái nào tôi bước hụt một cái, ngã lăn quay xuống dưới. Vì cứ tưởng những bậc cầu thấp hơn đến một mét. Cái kính bị văng đi làm tôi không nhìn thấy gì nữa. Cái gì cũng mờ mờ ảo ảo. Người ta đỡ tôi dậy:
-Cái kính của tôi đâu rồi? - Tôi hỏi.
Họ tìm thấy kính đưa cho tôi. Tôi đeo kính vào thì... Thánh Ala ơi!... Mọi vật bỗng trở nên sáng sủa rõ ràng quá! Vật nào đúng vật nấy, rõ mồn một! Rõ như chưa bao giờ tôi có thể nhìn rõ vậy. Hay kính của người khác chăng? Không! Đích thị kính của tôi đây mà! Đúng gọng sừng to màu đen đây! Tôi sướng không sao tả được! Bây giờ thì đừng hòng tôi bước chân đến một anh bác sĩ mắt nào nhé! Tôi đã đọc được cả mấy dòng chữ nhỏ nhất trên báo và nhìn rõ cả tên chiếc tàu thủy đậu tít ngoài xa. Tôi đi về nhà, lòng vô cùng sung sướng.
-Kính của anh sao thế kia? - Vợ tôi hỏi.
-Làm sao?
Tôi bỏ kính ra xem. Ngón tay thò qua được cả lỗ gọng! Té ra mắt kính đã bị vỡ rơi mất rồi mà tôi không biết!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét