Nhân dịp giỗ lần thứ 30
mời ACE xem tâm sự của cha Aloysius.
Nhớ về Đức Cha KIM (Paul Léo SEITZ),
tâm sự của cha Aloysius Nguyễn Hùng Vị (cvk 63)
Trích email cha Vị gởi ngày 21/02/2014: “Kính gửi Chị Germaine, Anh Tường và Anh Tố bài kỷ niệm về Đức Cha Kim nhân dịp lễ giỗ. Bài viết nhân dịp giỗ 25 năm, cách đây 5 năm, nhưng không kịp gửi, vì sau lễ mới viết xong. Thôi thì bây giờ, nhân dịp 30 năm, trể còn hơn không. En union de prières. Xin Đức Cha bầu cử cho con cái Ngài. Aloysius NHVị. »
Xin hoan hô đóng góp của cha Vị và cầu mong có thêm nhiều người theo gương cha viết về người cha chung của chúng ta trong dịp lễ giỗ này.
Anh Võ, anh Hiền, anh Tố, cha tâm, cha Vị, chị Soa, chị Điệp
Tôi chưa bao giờ có ý định viết về Đức Cha KIM. Bỗng nhiên, sắp đến dịp giỗ lần thứ 25 của ngài, tôi tự nhủ mình xem liệu tôi có thể lục lại trong trí nhớ của mình những gì còn đọng lại về vị Giám Mục quá cố kính yêu hay không. Và tôi cố thử xem.
Vào thập niên 60 thế kỷ XX, lúc còn học ở tiểu chủng viện Kontum, tôi chưa bao giờ có được may mắn đến gần Đức Cha KIM như một số các anh em khác. Những bạn này được diễm phúc giúp lễ Đức Cha vào sáng sớm. Có lẽ hồi đó tôi gầy còm và nhỏ con quá nên chưa được cái vinh dự đó chăng. Nhưng tôi cũng lấy làm mừng và cho rằng phải lẽ thôi, vì bấy giờ thuộc được kinh giúp lễ bằng tiếng la-tinh cũng không phải là chuyện dễ... Tuy nhiên, khi lớn hơn, tại nhà thờ chính tòa Kontum, tôi cũng một lần được tham gia vào đoàn giúp lễ Đại Triều với vai trò “lon ton” bảo gì làm nấy. Đúng ra đó là vai trò của người cầm cái đuôi áo cho giám mục khỏi kéo lê dưới đất, nhưng vào thời ấy Đức Cha không còn mặc thứ áo đó nữa. Tôi có nêu thắc mắc với cha bề trên LỘC là chưởng nghi và ngài bảo cứ đi theo, khi nào cần làm gì thì ngài sẽ nói...
Cứ sự thường thì tôi chỉ thấy Đức Cha từ xa, khi ngài đi lại rất hiên ngang qua trước sân Chủng Viện, hoặc lúc ngài lái chiếc Land Rover đi ngang qua đó.
Nếu tôi nhớ không lầm, thì vào năm 1968, học lớp 4e, lần đầu tiên tôi được nghe Đức Cha giảng tĩnh tâm. Lớp tôi cùng với lớp 5e là hai lớp lớn được Đức Cha giảng riêng. Tôi nhớ Đức Cha luôn nhấn mạnh đến tinh thần trách nhiệm, đến nghị lực, đến ý chí. Ngài đưa ra những mẫu gương ngài rút ra từ những sách ngài đã đọc. Ngài đam mê đọc sách và đọc rất nhiều. Tôi có nghe nói là cả trong nhà vệ sinh của ngài cũng có để sách... Nói về tinh thần trách nhiệm, ngài đã đưa ra gương của những viên phi công ngày xưa chẳng may bị rớt máy bay trên núi cao trong lúc đi đưa thư. Dù phải đối chọi với bão tuyết, đói khát, giá buốt và cái chết, họ cũng không chểnh mảng trong việc gìn giữ những bao đựng thư đã được giao phó cho họ mang đi. Về ý chí và nghị lực, thì Đức Cha kể cho chúng tôi gương của một anh chàng tên là Bader (?). Anh chàng này rất thích lái xe. Chẳng may anh bị tai nạn và bị què cả hai chân. Nhưng anh đã không chịu thua số phận. Khi xuất viện, với đôi chân què, anh lại tìm cách lái xe, và, với nghị lực phi thường, anh còn tập cả lái máy bay nữa.
Vì Đức Cha giảng một bài rất hay về ý chí vào buổi sáng, nên, để chuẩn bị cho những câu hỏi vào buổi chiều, thầy CHIỂU, đang giúp ở Chủng Viện năm đó, tức cha NGUYỄN HOÀNG SƠN bây giờ, đã bày cho tôi một câu hỏi để có thể đặt ra cho Đức Cha. Câu hỏi đại ý như sau : để có được ý chí (la volonté) thì phải có ý muốn (la volonté), vậy làm sao để có được ý muốn có ý chí (la volonté de la volonté) ? Đặt được câu hỏi như vậy xem ra cũng oai, nhưng tôi thấy nó cao siêu quá nên đã không dám mạo hiểm giơ tay đặt câu hỏi. Ngoài ra, trong những lần nói chuyện khác với chủng sinh, Đức Cha thường nhắc đến tinh thần hướng đạo : hướng đạo sinh (le scout) luôn trọng danh dự, hướng đạo sinh luôn sống ngay thẳng, huớng đạo sinh vâng lời không cãi lại, v.v. Đức Cha còn cho in ra 10 điều luật hướng đạo bằng tiếng Pháp và phát cho các chủng sinh.
Năm Mậu Thân 1968, như thường lệ, tôi về ăn Tết với Cố CARAT ở Diên Bình, một giáo xứ cách Kontum hơn 30 km về hướng Bắc. Chỉ có mùa nghỉ Hè tôi mới về gia đình ở Nha Trang, vì thời chiến tranh đi lại rất khó khăn. Gia đình tôi quen biết Cố CARAT trước cuộc di cư 1954, khi còn ở miền Bắc. Dịp Tết Mậu Thân 1968 ấy, chiến sự đã nổ ra. Tôi bị kẹt ở Diên Bình khá lâu và đã hết ngày nghỉ mà vẫn chưa trở lại Kontum được. Thật là những ngày sống sợ chết hãi. Tôi còn nhớ : khi trở về Chủng Viện, tôi được đi cùng xe với các Cha thuộc Hội Thừa Sai (MEP). Để tránh mìn và để được an toàn, các xe chở khách và xe tư nhân phải chờ cho quân đội mở đường hoặc đi theo đoàn công-voa của Mỹ. Đoàn xe rất dài, dẫn đầu là xe tăng, đi đến đâu bụi bay mịt mù đến đó, và hai chiếc trực thăng cứ lượn đi lượn lại ở trên đầu. Ngồi trong xe, các ông Cố lần chuỗi bằng tiếng la-tinh. Về đến Chủng Viện, đời sống thường ngày vẫn chưa ổn định. Tối đến, vẫn còn phải ngủ dưới tầng trệt : dọc theo các bức tường, thay cho các bao cát, là đồ Mỹ viện trợ, gồm những bao gạo đỏ Bulgur và bột mì ; cứ y như ở trong một lô-cốt lớn.
Một, hai ngày sau đó, vào một buổi chiều, Đức Cha SEITZ qua gặp Cha Bề Trên LỘC, bây giờ là Đức Cha Alexis. Ngài xin bốn anh tình nguyện lớp 4e đi theo ngài làm công tác. Ham vui nên tôi cũng có mặt trong nhóm đó. Cùng đi còn có thầy CHIỂU. Chúng tôi hí hửng lên ngồi đằng sau chiếc Land Rover, không biết đi đâu và làm gì. Đức Cha lái xe ra khỏi Kontum, đi khá xa về hướng Bắc, và dừng lại bên vệ đường. Trong cảnh dầu sôi lửa bỏng của chiến tranh, đường sá vắng hoe, đậu xe khơi khơi giữa rừng như thế này kể cũng liều. Chúng tôi xuống xe và lúc đó mới té ngửa ra với công việc sắp làm. Trước mặt chúng tôi là 3 xác chết, hay đúng hơn là 3 bộ xương người, chồng chất lên nhau, với những mảng thịt thối rữa màu đen sì, vì đã bị đốt cháy nham nhở bằng xăng hoặc dầu. Người ta nói rằng đó là xác của những anh bộ đội miền Bắc bị chết trận. Mùi xú uế xông lên nồng nặc và khủng khiếp! Có người cho rằng không có xác con gì thối cho bằng xác con người. Có lẽ đúng vậy thật. Đức Cha bảo chúng tôi đào lỗ chôn 3 cái xác ấy, không thể để như thế được, vì thân xác con người phải được kính trọng. Chúng tôi chọn chỗ đào lỗ, không gần các xác quá, vì mùi thối, không xa quá, để không vất vả khi di chuyển, và nhất là phải ở trên hướng gió. Sau Tết là mùa khô nên đất cứng như đá. Chúng tôi cố gắng kẻ đào người xúc thay phiên nhau và cuối cùng cũng coi như xong. Trước khi cho cả 3 xác vào tấm ny-lông gói lại và đem chôn, Đức Cha lấy Kinh Thánh ra đọc một đoạn sách Tôbia. Ngài nói vắn tắt ý nghĩa việc chúng tôi làm. Sau khi mọi người âm thầm cầu nguyện trong giây lát, cuộc an táng bắt đầu. Thầy CHIỂU là người can đảm nhất : tay mang găng cao-su, thầy bốc các khúc xương cho vào tấm ny-lông, chúng tôi phụ giúp bằng những lưỡi cuốc. Chúng tôi lấp đất thật kỹ vì sợ chó hoang đánh mùi lại moi lên. Mặt trời xuống dần và chúng tôi lên xe về lại chủng viện. Qua sự việc này, tôi thấy Đức Cha KIM quả là vị mục tử tốt lành, không những chăm sóc các con chiên trong đàn, mà cả những con chiên ngoài đàn, lý do vì tất cả đều là con cái Thiên Chúa, cho dù họ là ai, là bạn hay thù, là người có đạo hay kẻ tự nhận là vô thần.
Kontum là một giáo phận nghèo, xa xôi, thiếu thốn cả về nhân sự lẫn vật chất. Chính vì thế một trong những ưu tư hàng đầu của Đức Cha là lo liệu cho việc phát triển, nhất là phát triển về dân trí và dân sinh. Tôi cũng như các anh em CVK (= Chủng Viện Kontum) khác luôn ghi ơn Đức Cha nói riêng và giáo phận Kontum nói chung đã cho chúng tôi thụ hưởng một nền giáo dục nhân bản và một nền học vấn được coi là ưu việt vào thời ấy, một nền học vấn mà ngay cả những đứa con nhà giàu chưa chắc đã có được. Chúng tôi được theo học chương trình Pháp cơ đấy. Các sách giáo khoa được nhập từ Pháp. Nhiều cuốn mới toanh, mở ra còn thơm mùi mực in. Chúng tôi luôn biết ơn và hãnh diện về điều này. Có người vì tự ái dân tộc “dỏm” hoặc vì ganh tị (?) cho chúng tôi là mất gốc ! Nhưng ngay cả trong hiện tại, những gia đình khá giả đang cố chạy chọt để con em họ được học trong các ngôi trường song ngữ, trường quốc tế, thậm chí cho đi du học từ những lớp nhỏ. Ấy thế mà đó là điều chúng tôi, đa số là con nhà nghèo, đương nhiên được hưởng nhờ, ngay khi bước chân vào Chủng Viện, ở một miền “khỉ ho cò gáy” như người miền xuôi thời ấy nói về Kontum. Để cho chương trình học được hoàn tất và kết quả học tập có giá trị, Đức Cha đã đưa bốn lớp lớn từ “troisième” đến “terminale” (trung học đệ nhị cấp) lên Đà Lạt. Đức Cha đã may mắn mua lại một bệnh viện tư của Bác sĩ SOHIER để làm Chủng Viện Thừa Sai Kontum cơ sở 2.
Lúc bấy giờ, năm 1966, hai Chủng Viện Nha Trang và Kontum cùng với trường trung học Adran của các Sư Huynh tại Đà Lạt hợp tác với nhau để có đủ giáo sư duy trì chương trình Pháp gồm 2 ban Văn-Triết (ban A) và Lý-Hóa (ban D). Sau khi mãn trung học thì thi ra trường lấy bằng Tú tài (Baccalauréat). Trong khi các chủng sinh Nha Trang được tự do chọn ban A hoặc ban D, thì Đức Cha muốn tất cả chúng tôi chọn ban A. Có lẽ Đức Cha không muốn chúng tôi trở thành các kỹ sư mà phải trở nên những con người có tư duy và có văn hoá. Tuy học chương trình Pháp, nhưng không vì thế mà thua kém thiên hạ. Trên thực tế, chủng sinh Kontum, trước 1975, khi mãn Tiểu Chủng Viện, ra trường có 4 văn bằng : Trung học Pháp(BEPC=Brevet d’Etude du Premier Cycle), Tú tài I Việt, Tú tài II Việt, Tú tài Pháp (Bac).
Lâu lâu Đức Cha cũng ghé thăm chủng viện “Sohier” và ban lời huấn đức. Ngài luôn nhấn mạnh đến tư cách chứng nhân của chúng tôi khi đi học ở trường ngoài. Ngài muốn chúng tôi sống khiêm tốn, đơn giản, biết vận dụng ý chí. Ngài muốn chúng tôi cuốc bộ mỗi ngày đến trường, mỗi lượt đi hoặc về mất chừng 15-20 phút, dù nắng dù mưa, dù lạnh dù nóng. Và nhất là ngài muốn chúng tôi phải sống thật thà, ngay thẳng, không bao giờ được gian lận trong các bài làm, bài thi ở trường học. Tôi nhớ ngài dùng từ rất nặng diễn tả hình phạt dành cho những hành vi gian lận nói trên : cas de renvoi (= cho về), hay chassé du séminaire (= bị đuổi ra khỏi chủng viện). Ngài luôn khuyến khích chúng tôi sống tự do, trưởng thành, trách nhiệm : “La porte du séminaire est toujours ouverte” (= cửa chủng viện luôn rộng mở đấy); ngài có ý nói nếu ai trong chúng tôi thấy mình không thích hợp với đời tu thì cứ vui vẻ ra về...
Chẳng những Đức Cha lo cho chúng tôi về mặt đức dục và trí dục, ngài còn để ý đến cả mặt thể dục nữa. Ngài đã mời một huấn luyện viên về thể dục người Pháp, ông FLEUTOT, mỗi tuần hai lần, đến tập thể dục cho chúng tôi tại chủng viện Sohier tại Đà Lạt. Tôi nhớ có lần Đức Cha ghé thăm chủng viện đúng vào ngày tập thể dục: ngài ra sân đứng xem. Thật khốn khổ cho chúng tôi: Ông FLEUTOT muốn làm oai biểu diễn cho Đức Cha xem thành quả của ông trên đám học trò của ông là chính chúng tôi: hôm đó ông đứng khoanh tay, nhắm mắt, miệng đếm un deux, un trois ... (một hai, một ba...) và cố tình quên cho chúng tôi nghỉ vào chục động tác cuối cùng mà lẽ ra chúng tôi phải được nghỉ, cho đến khi chúng tôi mỏi rã rời nằm bò trên sân. Đức Cha được một mẻ cười xem ra thích thú lắm.
Sau mùa Hè đỏ lửa 1972, lớp tôi mãn trường và chuẩn bị đi giúp một năm theo truyền thống Kontum trước khi lên Đại Chủng Viện. Cũng như các lớp đàn anh, lớp tôi, cả thảy 9 người, về Tiểu Chủng Viện dạy học cho các lớp nhỏ từ quatrième (lớp 8 bây giờ) trở xuống. Vì chiến tranh ngày càng leo thang và dữ dội, nên Đức Cha quyết định cho di dời Tiểu Chủng Viện từ Kontum lên Đà Lạt, vì ngài mượn được một toà nhà lớn, trước kia là Học Viện của Dòng Chúa Cứu Thế, toạ lạc tại giáo xứ Tùng Lâm, trên một ngọn đồi cao.
Thi Bac (tú tài Pháp) xong và đi nghỉ Hè chưa được bao lâu, thì lớp tôi được Đức Cha gọi về Đà Lạt để dọn dẹp nhà cửa, thiết kế các sân chơi bóng chuyền, bóng rổ, để sẵn sàng đón các “chú tiểu” cho niên khoá mới. Không biết các lớp đàn anh về giúp chủng viện thế nào, mà ngay từ đầu năm học, Đức Cha có cuộc gặp gỡ với lớp chúng tôi, phát cho mỗi người một bản directive (chỉ thị) quay rônêô. Tôi còn nhớ rõ câu mở đầu như sau : “Hier vous étiez élèves, aujourd’hui vous êtes maîtres...” (Hôm qua còn là trò, hôm nay các con là thầy...). Đó là một bản hướng dẫn những gì nên làm và những gì không được làm. Có người tỏ vẻ không vui khi đọc chỉ thị này, vì cho rằng nó hạn chế nhiều điều. Có lẽ rút kinh nghiệm những năm trước, Đức Cha sợ các thầy với tuổi trẻ “ngựa non háu đá” muốn làm “cách mạng” đối với cha bề trên ĐOÀN ĐỨC THIỆP chăng...
Cuối cùng thì một năm vắn vỏi cũng trôi qua cách tốt đẹp. Trong năm học, thỉnh thoảng Đức Cha cũng ghé thăm và cho biết tình hình ở Kontum. Ngài cho biết ngài đang sửa lại chủng viện và cho làm lại château d’eau (tháp nước) đã bị quân đội đánh sập bằng thuốc nổ. Được biết rằng rất may cho chủng viện ở Kontum - một ngôi nhà hai tầng hoàn toàn bằng gỗ do Đức Cha JANNIN (PHƯỚC), vị Giám Quản Tông Toà tiên khởi của Kontum, thiết kế và chỉ huy công trình – có vách bằng tre trát đất nhồi rơm, nên dưới sức công phá của chất nổ, ngói và vách đất phía đầu nhà gần đó bung ra hết, để chừa lại cái sườn nhà. Như vậy chủng viện đã không bị sập. Nếu là nhà gạch, thì chắc là tiêu rồi. Có người lấy làm lạ tại sao trong tình hình như vậy mà Đức Cha lại đổ tiền ra sửa sang nhà cửa làm gì. Cho ai ở ? Và chắc gì dám ở, vì chiến tranh ngày càng khốc liệt ! Theo ý Đức Cha, ngài cho sửa nhà không phải vì cái nhà, nhưng ngài muốn tạo công ăn việc làm cho người dân. Ngài nói với chúng tôi : lấy tiền phát cho người ta cũng là một cách giúp, nhưng không nên giúp như vậy, vì con người khác con gà, không nuôi con người như nuôi gà, con người phải được giúp đỡ để có thể thể hiện phẩm giá của mình. Nên tạo việc cho người ta làm và trả công xứng đáng cho họ. Ôi thật là chí lý và nhân bản. Ngài còn dạy chúng tôi về cách sử dụng tiền bạc : những điều cần thiết thì cho dù tốn kém cũng phải chi, nhưng những gì không cần thiết thì dừng hoang phí, dù chỉ một đồng.
Vì tương lai giáo phận, tôi biết ngài rất chú trọng đến việc đào tạo nhân sự. Mặc dù tình hình ngày càng khó khăn, ngài đã vất vả ngược xuôi để đưa được một số em người Thượng sang Pháp học, cũng như 4 đại chủng sinh, thuộc lớp đàn anh của tôi, đi du học Rôma.
Sau năm đi giúp, đầu niên khóa 1973-1974, một anh bạn họ Phạm và tôi được Đức Cha gửi vào học triết và thần học tại Giáo Hoàng Học Viện (GHHV) Thánh Piô X Đà Lạt. Khi có dịp lên Đà Lạt, Đức Cha lại ghé thăm chúng tôi. Để giúp phương tiện tu học cho tốt, mỗi năm ngài cho chúng tôi một số sách, gửi mua tận bên Pháp. Việc này ngài nhờ cha CHEN già, được mệnh danh là cha Tầu già, một cha giáo sư Dòng Tên người Hoa ở GHHV, xem xét và quản lý giùm ngài. Đối với chúng tôi, ngài là một người cha thực sự. Ngài luôn xưng hô thân mật với từng người : ngài luôn dùng tiếng toi (tutoyer) chứ không nói vous (vouvoyer).
Một ấn tượng tôi có về Đức Cha có lẽ sẽ không bao giờ quên được : đó là việc tôi lỡ dại « giỡn mặt » đối với Đức Cha trong một lần ngài gặp gỡ anh em chúng tôi tại GHHV. Năm đó tôi là lính mới tò te, đang học lớp dư bị. Như thường lệ, hôm đó ngài đến lần lượt bắt tay từng người. Các thầy các lớp đàn anh rất nghiêm trang và kính cẩn, vừa bắt tay vừa nói : « Bonjour Monseigneur » (Kính chào Đức Cha). Tôi thuộc lớp nhỏ nhất nên bắt tay Đức Cha sau cùng. Của đáng tội, không biết lúc bấy giờ ma lực nào xúi dại tôi liều lĩnh tinh nghịch với vị giám mục đáng kính của mình. Thay vì chào ngài như các bậc đàn anh, tôi lại nói cụt ngủn : « Bonjour Père » (Chào Cha) và cố tình siết mạnh tay Đức Cha. Nhưng tay ngài to quá, cái siết tay của tôi chẳng có ép phê gì. Để đáp lại, ngài cười cười như muốn nói : « Ah ! tu vas voir ! » (Xem đây nè !), và bóp lại tay tôi. Tôi oằn người ra vì đau quá. Ngài có vẻ thích thú và không tỏ dấu gì là mình bị xúc phạm. Trong khi đó tôi nghe có tiếng càm ràm phản ứng của một bậc đàn anh : « Cái thằng vô phép, dám giỡn mặt với Đức Cha ! ». Tôi cũng giật mình vì thấy mình đã chơi dại ; nếu tôi ở trong một địa phận khác thì chắc chắn không dám giỡn chơi với đấng Bản Quyền như vậy.
Sau một năm ở Đại Chủng Viện, đến Mùa Hè năm 1974, tôi về Kontum để dự cuộc họp mặt tất cả các đại chủng sinh do Đức Cha tổ chức. Nếu tôi nhớ không lầm thì đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tất cả các thầy thuộc Kontum đang theo học ở Đà Nẵng, Huế và Đà Lạt được Đức Cha triệu tập về Tòa Giám Mục để tĩnh tâm vài ngày và sau đó được sai đi giúp các xứ đạo trong một tháng. Chính Đức Cha phụ trách giảng. Những bài nói chuyện của ngài rất hấp dẫn. Ngài lại có rất nhiều điều để chia sẻ, vì thế thường kéo dài quá giờ quy định. Để sửa chữa điều đó, ngài ra lệnh cho thầy giữ chuông khi đến giờ thi cứ lắc chuông báo hiệu cho ngài kết thúc. Vì ngài cũng không muốn trễ giờ và cũng biết các thầy làm sao dám nói lên điều đó. Ôi ngài dễ thương và tế nhị quá. Tôi còn nhớ một tâm sự của ngài trong một bài giảng : « Cha cám ơn Chúa đã ban cho giáo phận Kontum gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm, vì chính trong sự nguy hiểm mọi người mới đoàn kết và thương yêu nhau ». Và ngài minh họa bằng tình huynh đệ chi binh của các chiến sĩ nơi tiền đồn khi bị bao vây và bị tấn công : họ hết lòng thương yêu, đùm bọc và tiếp sức cho nhau.
Giờ đây ngồi ôn lại những kỷ niệm xưa về Đức Cha, tôi hết lòng cám ơn Chúa đã cho tôi may mắn được biết Đức Cha như một mục tử đáng kính và một người cha quý yêu. Ước gì tôi luôn biết cố gắng sống theo gương lành và theo các lời nhắn nhủ của ngài, để tinh thần thừa sai của ngài luôn thúc đẩy tôi đi tới …
Aloysius NHVi (cvk1963)
Dịp giỗ lần thứ 25 ĐC Paul Léo SEITZ
1984 - 2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét