Thứ Hai, 3 tháng 2, 2014

Các Thánh Tử Đạo Nhật Bản

Các Thánh Tử Đạo Nhật Bản
A.D. 1597 (ngày 5 tháng  2)


Đế quốc Nhật Bản được khám phá ra khoảng năm 1541 do các thương gia Bồ Đào Nha; Japan (Nhật bản) là tên của một trong các bán đảo hợp thành đế quốc. Nó được chia thành những vương quốc nhỏ, tất cả tuân phục một Hoàng Đế. Các thành phố chính là Meaco và Jedo. Cung cách của người dân này khác hẳn với cung cách của chúng ta trong nhiều trườg hợp. Đặc tính của họ là tự hào, và trọng danh dự một cách thái quá. Họ thờ những thần hình quái dị, và được xem là biểu tưởng cho một số tổ tiên độc ác nổi tiếng:  đáng kể nhất là Amida và Xacha. Các sư sãi của họ được gọi là Bonzas, và tất cả đều vâng phục Jaco, hoặc sư cả.
Thánh Phan-xi-cô Xaviê đến Nhật bản năm 1549, rửa tội cho rất nhiều người, và toàn bộ các tỉnh lị đã lãnh nhận đức tin. Các đại đế vương của Arima, Bungo, và Omura gởi cho Đức Giáo Hoàng Gregory XIII một sứ mệnh tuân phục long trọng  năm 1582, và năm 1587 đã có trên hai trăm ngàn Kitô hữu tại Nhật Bản; trong số những Kitô hữu này có mấy  nhà vua, hoàng hậu, và bonzas; thế nhưng vào năm 1588, Cambacundono, một ông vua ngạo mạn đã cướp dành cho mình những danh dự của một vị thần, ra lệnh cho tất cả các Giáo Sĩ Dòng tên trong vòng 6 tháng phải rời khỏi các lãnh địa của ông. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cải trang ở lại đó.
 Năm 1593, cuộc bắt bạo tiếp tục, và một số người Nhật cải đạo lãnh nhận triều thiên tử đạo.Hoàng đế Tagcosama, một trong những con người kiêu căng và nham hiểm nhất, đã nổi giận và ghen tương vì bị một số thương gia Âu Châu muốn giữ độc quyền buôn bán ở đó, gieo sự nghi ngờ, họ nói với vua rằng các nhà truyền giáo rao gỉang đức tin Kitô giáo là có ý giúp người Bồ đào Nha hay Tây Ban Nha xâm chiếm đất nước cách dễ dàng. Năm 1957 ba Giáo Sĩ thuộc Dòng Tên và 6 thuộc Dòng Phan-xi-cô bị đóng đinh vào thập tự trên một nọn đồi gần Nagasaki. Các Giáo Sĩ Dòng Phan-xi-cô một số là người Tây ban Nha, và một số là người Ấn Độ, và người đứng đầu là Cha Phêrô Baotixita, chính uỷ của Dòng, quê ở Avila, Tây Ban Nha. Trong số các Giáo Sĩ Dòng Tên, có Phaolô Miki, một người Nhật Bản thuộc gia đình quý phái và là một nhà giảng thuyết lừng danh, lúc đó ngài 33 tuổi. Hai người kia là Gioan Goto và Gia-cô-bê Kisai vào Dòng đang khi  trong tù chỉ một thời gian ngắn trước khi bị khổ hình. Một số tân tòng người Nhật cùng chịu khổ hình với các ngài. Có tất cả 26 vị chết vì đạo, trong số đó có ba chú giúp lễ; hai thiếu niên tuổi 15, và người thứ ba 12 tuổi, thế nhưng mọi người đều vui sướng và kiên trì trong đau khổ. Hai mươi vị trong số này được đem về Meaco, ở đây họ chỉ bị cắt một phần tai trái, thay vì phải cắt mũi và cả hai tai. Các vị này bị dẫn qua nhiều thành phố và những nơi công cộng, má họ đẫm máu để làm kinh hoàng cho những người khác.
Khi 29 chiến sĩ của Đức Kitô được dẫn đến nơi hành hình gần Nagasaki, các ngài được phép xưng tội với hai giáo sĩ dòng tên trong tỉnh đó, rồi bị trói tay và chân vào thập giá bằng giây thừng và giây xích, với một miếng sắt bó quanh cổ, dựng cao lên trên không, chân mỗi thập giá cắm vào một lỗ đã đào sẵn dưới đất. Các thập giá được dựng thành hàng ngang, mỗi thập giá cách nhau 1m2, mỗi người có một lính hành hình đứng bên tay cầm giáo để đâm vào cạnh sườn, vì đây là cách xử án thập tự của người Nhật. Khi tất cả thập gía được dựng lên, những người hành hình giơ giáo lên, và khi được lệnh, tất cả cùng đâm vào những người chịu tử hình; ngay lúc đó họ tắt hơi và đến lãnh nhận phần thưởng của những cực hình họ đã chịu. Máu và áo của họ được các Kitô hữu cất giữ và các phép lạ được thực hiện từ đó. Đức Urban VIII, được xếp vào hàng các vị tử đạo, và được tôn kính vào ngày 5 tháng Hai, ngày khải hoàn của các ngài. Những nhà truyền giáo còn sót lại thì bị mang lên tàu đưa ra khỏi các lãnh địa này, ngoại trừ 28 linh mục, đã cải trang trốn ở lại.
Khi sắp chết, Tagcosama ra lệnh không được thiêu xác ông ta theo tục lệ ở Nhật, nhưng phải được bảo trì cất giữ trong cung điện Fuximi , để ông ta có thể được  sùng kính cùng với các thần dưới tước hiệu tân thần chiến tranh. Ngôi đền nguy nga nhất trong đế quốc được xây lên cho ông ta và xác của ông được đặt trong đó. Các tu sĩ Dòng Tên trở lại Nhật ngay sau đó, và mặc dầu chỉ có khoảng một trăm nhà truyền giáo, năm 1599 các ngài đã cải đạo được 40 ngàn người, và năm 1600 trên 30 ngàn người, xây 50 nhà thờ, vì dân chúng rất lấy làm công phẫn khi thấy vua này là một bạo chúa tham lam, kiêu căng và nham hiểm nhất lại được sùng kính như là thần thánh. Thế nhưng, năm 1602 Cubosama lại tiếp tục cuộc bắt đạo đẫm máu, và nhiều người Nhật trở lại bị chém đầu, đóng đinh và thiêu sống.
Năm 1614, những dã man mới được áp dụng để chế ngự sự kiên trì của các tín hữu như kẹp dập bàn chân giữa hai miếng gỗ, cắt hoặc vặn tay chân , châm sắt nung đỏ vào người, lột da móng tay, dí than đỏ vào bàn tay, dùng kìm xẻo thịt, lấy giáo đâm vào các phần thân thể, xoay tròn để xẻo thịt, cho đến khi họ mở miệng chối bỏ đức tin—vô số người không thể đếm được kể cả trẻ em đã kiên trì chịu đựng cho đến khi tắt thở. Năm 1616, Xongun lên kế vị còn hung bạo hơn cha là Cubosama.
Nổi tiếng hơn cả trong số những anh hùng đạo đức lày là Cha Charles Spinola. Ngài thuộc hàng quý tộc Genoese, vào tu Dòng Tên ở Hole, lúc đó chú của ngài là Đức Hồng Y Spinola là Giám Mục của thành phố đó. Với lòng nhiệt thành và ước ao được tử vì đạo, ngài xin sang Nhật truyền giáo. Ngài đến đó năm 1602, hoạt động nhều năm trong cánh đồng truyền giáo, mang được nhiều người về với Chúa Kitô nhờ đức tính ôn hoà và đời sống khổ chế, vì thức ăn hằng ngày của ngài chỉ là một ít cơm và rau. Ngài phải chịu 4 năm tù tàn bạo nhất, suốt thời gian này ngài phải chịu những cơn sốt hãi hùng, ngài không thể có được một giọt nước lã ngoài bữa ăn từ người canh gác; thế nhưng từ trong tù ngục, ngài viết : “Thưa Cha, thật ngọt ngào và vui sướng dường bao khi được chịu đau khổ vì Chúa Giêsu Kitô! Con đã thấy rõ điều này bằng những kinh nghiệm hơn là con có thể diễn tả, nhất là từ khi chúng con ở nơi tù ngục này và vẫn tiếp tục ăn chay. Thaân xác con giờ thì đã tiều tuỵ, nhưng con càng thấy sung sướng khi nhìn thấy cái chết gần kề. Thật là hạnh phúc cho con, ước gì lễ Phục Sinh tới, con sẽ hát Alleluia trên trời với cộng đoàn các Thánh!”
Trong bức thơ dài gửi cho chú Maximilian Spinola, Ngài nói: “Ôi nếu chú nếm được sự hoan hỷ mà Thiên Chúa đổ đầy vào những tâm hồn phục vụ Người, và chịu cực khổ vì Người, chú sẽ lên án biết là chừng nào tất cả những gì mà thế gian hứa tặng! Bây giờ cháu bắt đầu là người môn đệ của Chúa Giêsu Kitô, bởi vì chính vì tình yêu của Người mà cháu bị giam trong tù, nơi mà cháu phải chịu muôn vàn cực khổ. Nhưng cháu bảo đảm với chú rằng khi cháu lả đi vì đói, Thiên Chúa tăng sức mạnh cho cháu bằng sự an ủi ngọt ngào của Người, do đó cháu nhận thấy đã được đền bù cho việc phục vụ Người. Mặc dầu cháu chưa qua khỏi những năm tù, thời gian như có vẻ ngắn lại, nhờ lòng ao ước tột độ được chịu khổ vì Người, Đấng ngay bây giờ sẽ đền bù cho những lao nhọc của chúng ta. Ngoài những bệnh tật khác, cháu đã bị dằn vặt vì cơn sốt liên tục cả trăm ngày nhưng không có một liều thuốc uống hoặc được ăn uống đầy đủ. Tất cả thời gian này, tâm hồn cháu tràn ngập niềm vui, và cháu cảm thấy tâm hồn cháu quá nhỏ bé để chứa đựng nó. Cháu chưa bao giờ cảm thấy trái tim cháu có thể đủ để chứa niềm sung sướng này, và cháu nghĩ là cháu đã đến được cổng thiên đàng.” Sự vui sướng của ngài lên đến cực độ khi đưc tin ngài sẽ bị thiêu sống, và ngài không bao giờ ngừng tạ ơn Chúa vì ơn huệ cao cả mà ngài cảm thấy mình bất xứng. Ngài được dẫn đi từ nhà tù cuối cùng của ngài ở Omura tới Nagasaki, tại đây 50 vị từ đạo cùng chịu cực hình trên một ngọn đồi trong tầm nhìn của thành phố —9 giáo sĩ Dòng Tên, 4 Dòng Phan-xi-cô, và 6 Dòng Đa-minh, số còn lại là giáo dân; 25 người bị thiêu, những người khác bị chém đầu. 25 cọc nhọn được xếp thành hàng ngang, và các vị tử đạo bị cột vào đó. Lửa được châm bên dưới đống củi cách các ngài  7m5, rồi lan dần dần, khoảng hai tiếng thì đến các ngài. Cha Spinola đứng thẳng, mắt hướng về trời cho tới khi sợi dây trói ngài cháy, ngài rơi vào đống lửa và bị thiêu rụi ngày 02 tháng 9 năm 1622, lúc đó ngài 58 tuối. Những người khác, đặc biệt là các tu sĩ Dòng Tên chịu cực hình bằng nhiều cách, hoặc bị thiêu sống bằng lửa cháy âm i, hoặc bị đóng đinh, chém đầu, hay ném vào núi lửa, hoặc treo ngược đầu xuống trong cái hố và cực hình này dày vò các ngài trong 3 hay 4 ngày trước khi chết.
Năm 1639, các người Bồ Đào Nha và những người Châu Âu khác, trừ Hoà Lan, bị cấm không được vào Nhật, ngay cả để buôn bán; cả các nhà đại sứ mà Bồ Đào Nha sai tới đó cũng bị chém đầu. Năm 1642, 5 tu sĩ Dòng Tên lén vào Nhật, những chẳng bao lâu bị khám phá ra, và sau khi chịu các cực hình dã man, bị treo ngược, đầu nằm trong hố cho tới khi tắt thở. Như vậy, nước Nhật đã khích lệ chiến sĩ Giáo Hội và đã làm cho Giáo Hội được khải hoàn nhờ các Thánh Tử Đạo vinh quang.


Trích "The Lives of the Fathers, Martyrs and Other Principal Saints" by the Rev. Alban Butler, 1984
Sơ Têrêsa Trần Kim, MTG Đàlat chuyển ngữ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét