Thứ Hai, 3 tháng 2, 2014

Một số nhận định của ÐTGM Nagasaki và của ÐHY José Saraiva Martins về chứng tá của 188 vị tử vì đạo Nhật Bản

Một số nhận định của ÐTGM Nagasaki
và của ÐHY José Saraiva Martins
về chứng tá của 188 vị tử vì đạo Nhật Bản

Prepared for Internet by Radio Veritas Asia, Philippines

Một số nhận định của Ðức Cha Mitsuaki Takami, Tổng Giám Mục Nagasaki và của Ðức Hồng Y José Saraiva Martins, nguyên Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, về chứng tá của 188 vị tử vì đạo Nhật Bản.
Nagasaki, Nhật Bản (Vat. 24/11/2008; Avvenire 20-11-2008; RG 20-11-2008) - Sáng ngày 24-11-2008, Ðức Hồng Y José Saraiva Martins, nguyên Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, đặc sứ của Ðức Thánh Cha, đã chủ sự thánh lễ tôn phong chân phước cho 188 vị tử đạo Nhật Bản, tại vận động trường đấu banh bầu dục ở Nagasaki bên Nhật Bản.
Ðứng đầu danh sách 188 vị tử đạo là cha Phêrô Kassui Kibe, dòng Tên, 3 Linh Mục khác và 184 giáo dân, trong đó có 60 phụ nữ, 33 thanh thiếu niên dưới 20 tuổi và 18 trẻ em dưới 5 tuổi. Vị tử đạo trẻ nhất là Ignatio 1 tuổi, 2 em Regina và Benedetto 2 tuổi, có 7 em khác 3 tuổi. Người lớn tuổi nhất là bà Madalena Hayashida 68 tuổi. Trong số các vị tử đạo cũng có vài người là các Samurai. Các vị đã bị giết giữa các năm 1603-1639.
Tham dự thánh lễ phong chân phước cũng có phái đoàn công giáo Việt Nam, do Ðức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục Sài Sòn, hướng dẫn. Ngoài Ðức Hồng Y còn có Ðức Cha Phêrô Trần Ðình Tứ, Giám Mục Phú Cường, Ðức Cha Phaolô Bùi Văn Ðọc, Giám Mục Mỹ Tho, 3 Linh Mục và hai giáo dân.
Giáo Hội Công Giáo Nhật Bản hiện có 450 ngàn tín hữu trên tổng số 127 triệu dân. Tuy con số ít ỏi, nhưng Giáo Hội nắm giữ vai trò quan trọng trong đời sống xã hội nhờ các trường học, nhà thương và các hoạt động bác ái xã hội do Giáo Hội điều khiển. Giáo phận Nagasaki là cộng đoàn công giáo cổ xưa nhất Nhật Bản. Tuy số giáo dân đứng hàng thứ hai sau Tokyo, nhưng Nagasaki có đông linh mục nhất, với 100 linh mục giáo phận, và 40 linh mục dòng. Giáo phận cũng cử các linh mục đến làm việc trong các giáo phận khác. Tiểu chủng viện của tổng giáo phận Nagasaki có 25 chủng sinh, trong đó có 16 chú gốc Nagasaki. Ðây cũng là tiểu chủng viện duy nhất tại Nhật Bản.
Sau chuyến viếng thăm mục vụ của Ðức Gioan Phaolô II hồi năm 1981 Giáo Hội được người dân Nhật chú ý nhiều hơn, và có rất nhiều cặp vợ chồng trẻ xin phép được làm đám cưới trong các nhà thờ công giáo.

Sau đây chúng tôi gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của Ðức Cha Mitsuaki Takami, Tổng Giám Mục Nagasaki và của Ðức Hồng Y José Saraiva Martins, nguyên Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, về chứng tá của 188 thánh tử đạo Nhật Bản.
Hỏi: Thưa Ðức Cha Takami, lễ phong chân phước đã tới sau một lộ trình kéo dài nhiều năm. Ðâu đã là các giai đoạn của lộ trình này thưa Ðức Cha?
Ðáp: Sự dấn thân cho việc phong chân phước cho 188 vị tử đạo Nhật Bản đã bắt đầu với chuyến viếng thăm mục vụ của Ðức Gioan Phaolô II hồi năm 1981. Trong khi chuẩn bị cho chuyến viếng thăm này của Ðức Gioan Phaolô II Ðức Hồng Y Tổng trưởng Bộ Truyền Giáo đã gặp Linh Mục Diego Yuki, hồi đó là Giám đốc viện bảo tàng của 26 vị tử đạo. Năm sau đó Hội Ðồng Giám Mục Nhật Bản đã thành lập Ủy ban đặc trách việc xin phong chân phước cho 188 vị tử đạo nói trên. Ủy ban này đã làm việc một cách không liên tục cho tới cách đây 3 năm, khi Cha Misobe được chỉ định làm Chủ tịch, thì công việc mới được tiến hành nhanh chóng hơn, với các tìm kiếm và nghiên cứu tại 17 quê quán hay nơi sinh sống của các vị tử đạo, tất cả là giáo dân thuộc mọi giai tầng xã hội, ngoại trừ 4 linh mục và 1 tu sĩ. Sau cùng ngày mùng 1-6-2007 Bộ Phong Thánh đã chập thuận và Ðức Thánh Cha Biển Ðức XVI đã ký sắc lệnh và công bố ngày phong chân phước vào tháng 10.
Hỏi: Thưa Ðức Cha đây là lần đầu tiên lễ tôn phong chân phước được tổ chức tại Nagasaki bên Nhật Bản. Việc lựa chọn Nagasaki có theo dấu vết của truyền thống hay không?
Ðáp: Các Kitô hữu Nhật Bản coi Nagasaki như là chiếc nôi lòng tin của họ. Nhưng thành phố này đã được chọn vì nhiều lý do thuận tiện và cụ thể khác nữa, chẳng hạn vì số linh mục của giáo phận đông đảo cần thiết cho việc tổ chức. Tại Nagasaki Giáo Hội Công Giáo được thừa nhận như là một cộng đoàn quan trọng. Ngoài việc ủng hộ Giáo Hội, chính quyền thành phố còn cho mượn sân vận động để tổ chức lễ phong chân phước ngày 24 tháng 11. Chính quyền đánh giá cao việc có đông đảo tín hữu lui tới các nhà thờ. Dĩ nhiên đó cũng là ước mong của chúng tôi. Nhưng chúng ta cũng không được quên rằng con số 60.000 tín hữu tại Nagasaki cũng đang giảm sút. Vì các gia đình có ít con, có nhiều người di cư đi sống tại các nơi khác và số người lớn theo đạo cũng giảm.
Hỏi: Biến cố phong chân phước cho các vị tử đạo có trở thành dịp suy tư cho toàn nước Nhật hay không thưa Ðức Cha?
Ðáp: Làm cho người Nhật, kể cả các tín hữu công giáo hiểu ý nghĩa của việc tử đạo thật không luôn luôn là điều dễ dàng. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên một lễ nghi phong chân phước được cử hành trên đất Nhật. Vì khó mà thông truyền ý nghĩa của việc tử đạo cho người khác nên Hội Ðồng Giám Mục đã cho công bố các tài liệu về các vị tử đạo, và Ủy ban đặc trách lễ phong chân phước đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ. Thế rồi mỗi giáo phận cũng đã dấn thân giải thích cho mọi người hiểu ý nghĩa của lễ phong chân phước.

Tiếp theo đây là vài nhận định của Ðức Hồng Y José Saraiva Martins, nguyên Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, đặc sứ của Ðức Thánh Cha, chủ sự thánh lễ phong chân phước này.
Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, 188 chân phước tử đạo Nhật Bản đã để lại sứ điệp nào cho Giáo Hội hoàn vũ nói chung và cho Giáo Hội Nhật Bản nói riêng?
Ðáp: Trước hết các vị đưa ra cho chúng ta một sứ điệp rất phong phú, thời sự và quan trọng. Sứ điệp thứ nhất hướng tới người trẻ và giáo dân. Trong số 188 vị tử đạo có 183 vị là giáo dân, chỉ có 5 vị là linh mục thừa sai gồm 4 vị dòng Tên và 1 vị dòng thánh Agostino. Chúng ta biết là Ðức Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh rất nhiều trên vai trò của giáo dân giữa lòng Giáo Hội và ngài đã khẳng định rằng sự thánh thiện không phải chỉ dành để cho các linh mục và các nữ tu, mà cả cho giáo dân và cho toàn thể Giáo Hội nữa. Nên thánh là ơn gọi của mọi Kitô hữu. Vì thế một trong các điểm của sứ điệp là nhắc nhớ cho anh chị em giáo dân biết rằng họ được mời gọi nên thánh và làm chứng cho điều quan trọng nhất trong Giáo Hội là sự thánh thiện. Tử đạo là chứng tá mạnh mẽ nhất: thích hiến dâng mạng sống hơn là chối bỏ lòng tin của mình. Ðiều này giả thiết các vị đã sống lòng tin một cách sâu xa trong cuộc sống thường ngày.
Thế rồi còn có một điểm khác nữa của sứ điệp hướng tới các gia đình Kitô. Trong số các vị tử đạo có nhiều gia đình gồm cha mẹ và con cái. Chúng ta biết tình trạng gia đình trên thế giới ngày nay đang gặp khủng hoảng như thế nào. Rất tiếc là các giá trị của gia đình ngày càng mờ nhạt đi, nhiều khi cho tới chỗ biến mất không còn gì. Vì vậy sự kiện cả gia đình đều chết vì đạo nhắc nhớ cho các gia đình ngày nay, cha mẹ và con cái, phải sống chứng tá cho lòng tin, sống lòng tin sâu đậm. Vì vậy đậy không phải là một chứng tá cá nhân, mà là chứng tá tập thể của toàn gia đình, là Giáo Hội tại gia.
Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y tại sao các vị lại đã bị bách hại và bị giết chết như thế?
Ðáp: Chắc chắn không phải là vì các lý do chính trị hay kinh tế rồi, vì chúng ta biết rõ là vào thời đó cũng có các người Bồ Ðào Nha, Tây Ban Nha, người tây phương nói chung, sang Viễn Ðông buôn bán doanh thương. Thái độ khép kín với Tây Âu và nền văn hóa tây âu cũng đã khiến cho Giáo Hội Công Giáo bị liên lụy. Do đó có thể có người giải thích sự tử đạo này trong chìa khóa chính trị. Vì đạo Công Giáo đã do người tây phương đưa vào Nhật Bản, và người ta chống lại người tây phương nên họ cũng chống lại tín hữu công giáo. Nhưng giải thích như thế không đúng. Các tín hữu này đã hy sinh mạng sống vì lòng tin. Ðây là lý do đã được các nghiên cứu lịch sử minh chứng. Cái chết của các vị không thuộc trật tự trần thế, dân sự, kinh tế hay hành chánh, mà hoàn toàn thuộc trật tự tôn giáo. Người ta đã thù ghét người công giáo, vì sợ họ bành trướng tại các vùng đất viễn đông. Vì thế đã có môt cuộc bách hại rất mạnh mẽ và bạo lực chống lại các Kitô hữu. Bằng chứng là người ta hứa cho tiền những ai tố cáo các Kitô hữu. Chẳng hạn ai tố cáo một linh mục thì được thưởng 10 đồng; ai tố cáo một tu sĩ thì được thưởng 5 đồng; ai tố cáo một giáo dân thì được thưởng 3 đồng. Vì thế lý do cái chết vì lòng tin của các vị rất là rõ ràng.
Ngoài ra còn có một sự kiện khác nữa: đó là những người bách hại các Kitô hữu quảng cáo biến cố xử tử các Kitô hữu bằng cách chém đầu, hay đóng đanh hoặc thiêu sống khi các vị còn sống, và họ muốn cho nhiều người tới chứng kiến các vụ hành quyết. Ðể làm gì vậy? Ðể nói rằng: "Hãy coi đó, nếu các người trở thành Kitô hữu hay nếu các người không chối bỏ lòng tin của mình, thì các người cũng sẽ chịu số phận như thế". Họ đã quảng cáo rất mạnh mẽ cho các vụ hành quyết nhóm. Dĩ nhiên sự kiện này đã gây ra một hiệu qủa mà chính họ đã không ngờ tới: đó là khi làm như thế họ đã khiến cho có rất nhiều nhân chứng và chứng từ lịch sử rất qúy báu của các vụ bách hại đó.
Dầu sao đi nữa thì vẫn có một điều rất chắc chắn trên bình diện lịch sử: đó là lý do duy nhất khiến cho 188 vị đã bị giết chết là lòng tin, mà các vị đã nhất quyết không chối bỏ, cho dù có phải hy sinh mạng sống đi nữa.
Hỏi: Thưa Ðức Hồng Y, Ðức Hồng Y có trông thấy một tương quan giữa vụ bách hại Kitô hữu Nhật Bản hồi thế kỷ XVI với các cuộc bách hại tại Á châu hiện nay như bên Ấn Ðộ, Indonesia và Irak hay không?
Ðáp: Có. Chắc chắn là có tương quan rồi, một tương quan giáo hội rất sâu đậm trong nghĩa này: đó là Giáo Hội công giáo, Giáo Hội của Chúa Kitô là một Giáo Hội của các vị tử đạo và đã luôn luôn là Giáo Hội của các vị tử đạo. Trong hơn hai ngàn năm lịch sử của mình Giáo Hội đã không bao giờ cởi bỏ chiếc áo đẫm máu tử đạo của mình. Giáo Hội mà Chúa Kitô đã nghĩ, đã muốn, đã thành lập, để tiếp tục sứ mệnh của Chúa sau khi Người về trời, không chỉ là Giáo Hội của lời sai "các con hãy ra đi và dậy dỗ", tức Giáo Hội truyền giáo; cũng không phải chỉ là Giáo Hội thánh thể được xây dựng trên bí tích Thánh Thể "hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy"; mà cũng là Giáo Hội của các vị tử đạo nữa, vì Chúa Giêsu đã nói: "Nếu họ đã bắt bớ Thầy thì họ cũng sẽ bắt bớ các con". Ðó là lý do của các cuộc bách hại dọc dài lịch sử Giáo Hội, trong các thế kỷ thời Giáo Hội khai sinh cũng như trong các thế kỷ sau đó và cho tới ngày nay. Chúng phản ánh lời của Chúa Giêsu và là bằng chứng cho thấy Giáo Hội thực sự là Giáo Hội của các vị tử đạo.
Và chính máu các vị tử đạo khiến cho Giáo Hội được phong phú và khiến cho sự hữu hiệu và thừa tác của Giáo Hội được phong phú. Chúng ta không được ảo tưởng: Giáo Hội truyền giáo cũng là Giáo Hội của máu: đó là chứng tá cao cả mà Chúa Kitô đã là người đầu tiên sống và nó phải phản ánh trên mọi thành phần của thân mình Chúa Kitô. Như thế Kitô hữu phải luôn sẵn sàng hiến dâng mạng sống mình để bảo vệ lòng tin nếu cần. Ðó là điều đã xảy ra và đang xảy ra tại những nước mà qúy vị vừa nhắc tới trên đây.

Linh Tiến Khải
(Radio Vatican)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét