Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

Tháng 3 - Tháng Kính Thánh Giuse

Tháng 3 - Tháng Kính Thánh Giuse :
Lm AnTon Trần Xuân Sang
Tháng kính Thánh Giuse đã bắt đầu.
Theo truyền thống, Giáo hội Công giáo dành riêng tháng Ba để tôn kính Đức Thánh Giuse, Phu quân của Đức Trinh nữ Maria và Dưỡng phụ của Chúa Giêsu. Đặc biệt là những người cha nên phát triển lòng sùng kính Thánh Giuse, vì chính Thánh Giuse đã được Thiên Chúa chọn để chăm sóc Chúa Con. Các kinh nguyện nên kết hợp với lời cầu xin cùng Đức Thánh Giuse, đặc biệt trong tháng Ba này.Đức Piô IX đã tôn phong Thánh Giuse làm "Đấng bảo trợ Hội Thánh Công Giáo".
Đức Lêô XIII đã viết: "Như xưa kia Thánh Giuse vinh phúc đã lo liệu tất cả những nhu cầu của gia đình Nazareth và che chở gia đình đó một cách thánh thiện, thì nay thật là hợp lý và chính đáng, từ trời Người cũng che chở và bảo vệ Hội Thánh của Đức Giêsu Kitô" (1889). Đức Chân Phước Gioan XXIII đã ghi tên Thánh Giuse vào kinh nguyện Thánh Thể I, sau tên Đức Mẹ. Hội Thánh không ngừng kêu gọi cầu nguyện với Thánh Giuse cho mọi nhu cầu của Hội Thánh, nhất là trong những giai đoạn khó khăn của lịch sử mình. Các gia trưởng hãy siêng năng cầu nguyện với thánh nhân. Hãy học những nhân đức nhân bản và thiêng liêng của Người. Hãy săn sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ và thánh hoá gia đình mình. Hãy tích cực tham gia việc cải thiện và phúc âm hoá xã hội.
Tháng Ba nhắc nhở chúng ta điều quan trọng:“Hãy đến cùng Giuse – Ite ad Joseph” (St 41:55). Thánh nữ Têrêsa Avila (Tiến sĩ Giáo hội) cũng nhắc nhở: “Tôi xin Thánh Cả Giuse cái gì cũng được. Ai không tin, hãy thử mà xem”.
Lạy Thiên Chúa, xin dạy chúng con biết kính yêu ông bà và cha mẹ như Chúa Giêsu đã sống hiếu thảo với Đức Mẹ và Thánh Cả Giuse, xin giúp chúng con biết noi gương Thánh Cả Giuse là can đảm sống ngay chính trong mọi hoàn cảnh và không ngừng canh tân đời sống. Chúng con cầu xin nhờ danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Nhớ về Đức Cha KIM (Paul Léo SEITZ),

 Nhân dịp giỗ lần thứ 30

mời ACE xem tâm sự của cha Aloysius.
Nhớ về Đức Cha KIM (Paul Léo SEITZ),
tâm sự của cha Aloysius Nguyễn Hùng Vị (cvk 63)
DCSeitz3 
Trích email cha Vị gởi ngày 21/02/2014: “Kính gửi Chị Germaine, Anh Tường và Anh Tố bài kỷ niệm về Đức Cha Kim nhân dịp lễ giỗ. Bài viết nhân dịp giỗ 25 năm, cách đây 5 năm, nhưng không kịp gửi, vì sau lễ mới viết xong. Thôi thì bây giờ, nhân dịp 30 năm, trể còn hơn không. En union de prières. Xin Đức Cha bầu cử cho con cái Ngài. Aloysius NHVị. »
Xin hoan hô đóng góp của cha Vị và cầu mong có thêm nhiều người theo gương cha viết về người cha chung của chúng ta trong dịp lễ giỗ này.
chaVi
Anh Võ, anh Hiền, anh Tố, cha tâm, cha Vị, chị Soa, chị Điệp
Tôi chưa bao giờ có ý định viết về Đức Cha KIM. Bỗng nhiên, sắp đến dịp giỗ lần thứ 25 của ngài, tôi tự nhủ mình xem liệu tôi có thể lục lại trong trí nhớ của mình những gì còn đọng lại về vị Giám Mục quá cố kính yêu hay không. Và tôi cố thử xem.
Vào thập niên 60 thế kỷ XX, lúc còn học ở tiểu chủng viện Kontum, tôi chưa bao giờ có được may mắn đến gần Đức Cha KIM như một số các anh em khác. Những bạn này được diễm phúc giúp lễ Đức Cha vào sáng sớm. Có lẽ hồi đó tôi gầy còm và nhỏ con quá nên chưa được cái vinh dự đó chăng. Nhưng tôi cũng lấy làm mừng và cho rằng phải lẽ thôi, vì bấy giờ thuộc được kinh giúp lễ bằng tiếng la-tinh cũng không phải là chuyện dễ... Tuy nhiên, khi lớn hơn, tại nhà thờ chính tòa Kontum, tôi cũng một lần được tham gia vào đoàn giúp lễ Đại Triều với vai trò “lon ton” bảo gì làm nấy. Đúng ra đó là vai trò của người cầm cái đuôi áo cho giám mục khỏi kéo lê dưới đất, nhưng vào thời ấy Đức Cha không còn mặc thứ áo đó nữa. Tôi có nêu thắc mắc với cha bề trên LỘC là chưởng nghi và ngài bảo cứ đi theo, khi nào cần làm gì thì ngài sẽ nói...
Cứ sự thường thì tôi chỉ thấy Đức Cha từ xa, khi ngài đi lại rất hiên ngang qua trước sân Chủng Viện, hoặc lúc ngài lái chiếc Land Rover đi ngang qua đó.
Nếu tôi nhớ không lầm, thì vào năm 1968, học lớp 4e, lần đầu tiên tôi được nghe Đức Cha giảng tĩnh tâm. Lớp tôi cùng với lớp 5e là hai lớp lớn được Đức Cha giảng riêng. Tôi nhớ Đức Cha luôn nhấn mạnh đến tinh thần trách nhiệm, đến nghị lực, đến ý chí. Ngài đưa ra những mẫu gương ngài rút ra từ những sách ngài đã đọc. Ngài đam mê đọc sách và đọc rất nhiều. Tôi có nghe nói là cả trong nhà vệ sinh của ngài cũng có để sách... Nói về tinh thần trách nhiệm, ngài đã đưa ra gương của những viên phi công ngày xưa chẳng may bị rớt máy bay trên núi cao trong lúc đi đưa thư. Dù phải đối chọi với bão tuyết, đói khát, giá buốt và cái chết, họ cũng không chểnh mảng trong việc gìn giữ những bao đựng thư đã được giao phó cho họ mang đi. Về ý chí và nghị lực, thì Đức Cha kể cho chúng tôi gương của một anh chàng tên là Bader (?). Anh chàng này rất thích lái xe. Chẳng may anh bị tai nạn và bị què cả hai chân. Nhưng anh đã không chịu thua số phận. Khi xuất viện, với đôi chân què, anh lại tìm cách lái xe, và, với nghị lực phi thường, anh còn tập cả lái máy bay nữa.
Vì Đức Cha giảng một bài rất hay về ý chí vào buổi sáng, nên, để chuẩn bị cho những câu hỏi vào buổi chiều, thầy CHIỂU, đang giúp ở Chủng Viện năm đó, tức cha NGUYỄN HOÀNG SƠN bây giờ, đã bày cho tôi một câu hỏi để có thể đặt ra cho Đức Cha. Câu hỏi đại ý như sau : để có được ý chí (la volonté) thì phải có ý muốn (la volonté), vậy làm sao để có được ý muốn có ý chí (la volonté de la volonté) ? Đặt được câu hỏi như vậy xem ra cũng oai, nhưng tôi thấy nó cao siêu quá nên đã không dám mạo hiểm giơ tay đặt câu hỏi. Ngoài ra, trong những lần nói chuyện khác với chủng sinh, Đức Cha thường nhắc đến tinh thần hướng đạo : hướng đạo sinh (le scout) luôn trọng danh dự, hướng đạo sinh luôn sống ngay thẳng, huớng đạo sinh vâng lời không cãi lại, v.v. Đức Cha còn cho in ra 10 điều luật hướng đạo bằng tiếng Pháp và phát cho các chủng sinh.
Năm Mậu Thân 1968, như thường lệ, tôi về ăn Tết với Cố CARAT ở Diên Bình, một giáo xứ cách Kontum hơn 30 km về hướng Bắc. Chỉ có mùa nghỉ Hè tôi mới về gia đình ở Nha Trang, vì thời chiến tranh đi lại rất khó khăn. Gia đình tôi quen biết Cố CARAT trước cuộc di cư 1954, khi còn ở miền Bắc. Dịp Tết Mậu Thân 1968 ấy, chiến sự đã nổ ra. Tôi bị kẹt ở Diên Bình khá lâu và đã hết ngày nghỉ mà vẫn chưa trở lại Kontum được. Thật là những ngày sống sợ chết hãi. Tôi còn nhớ : khi trở về Chủng Viện, tôi được đi cùng xe với các Cha thuộc Hội Thừa Sai (MEP). Để tránh mìn và để được an toàn, các xe chở khách và xe tư nhân phải chờ cho quân đội mở đường hoặc đi theo đoàn công-voa của Mỹ. Đoàn xe rất dài, dẫn đầu là xe tăng, đi đến đâu bụi bay mịt mù đến đó, và hai chiếc trực thăng cứ lượn đi lượn lại ở trên đầu. Ngồi trong xe, các ông Cố lần chuỗi bằng tiếng la-tinh. Về đến Chủng Viện, đời sống thường ngày vẫn chưa ổn định. Tối đến, vẫn còn phải ngủ dưới tầng trệt : dọc theo các bức tường, thay cho các bao cát, là đồ Mỹ viện trợ, gồm những bao gạo đỏ Bulgur và bột mì ; cứ y như ở trong một lô-cốt lớn.
Một, hai ngày sau đó, vào một buổi chiều, Đức Cha SEITZ qua gặp Cha Bề Trên LỘC, bây giờ là Đức Cha Alexis. Ngài xin bốn anh tình nguyện lớp 4e đi theo ngài làm công tác. Ham vui nên tôi cũng có mặt trong nhóm đó. Cùng đi còn có thầy CHIỂU. Chúng tôi hí hửng lên ngồi đằng sau chiếc Land Rover, không biết đi đâu và làm gì. Đức Cha lái xe ra khỏi Kontum, đi khá xa về hướng Bắc, và dừng lại bên vệ đường. Trong cảnh dầu sôi lửa bỏng của chiến tranh, đường sá vắng hoe, đậu xe khơi khơi giữa rừng như thế này kể cũng liều. Chúng tôi xuống xe và lúc đó mới té ngửa ra với công việc sắp làm. Trước mặt chúng tôi là 3 xác chết, hay đúng hơn là 3 bộ xương người, chồng chất lên nhau, với những mảng thịt thối rữa màu đen sì, vì đã bị đốt cháy nham nhở bằng xăng hoặc dầu. Người ta nói rằng đó là xác của những anh bộ đội miền Bắc bị chết trận. Mùi xú uế xông lên nồng nặc và khủng khiếp! Có người cho rằng không có xác con gì thối cho bằng xác con người. Có lẽ đúng vậy thật. Đức Cha bảo chúng tôi đào lỗ chôn 3 cái xác ấy, không thể để như thế được, vì thân xác con người phải được kính trọng. Chúng tôi chọn chỗ đào lỗ, không gần các xác quá, vì mùi thối, không xa quá, để không vất vả khi di chuyển, và nhất là phải ở trên hướng gió. Sau Tết là mùa khô nên đất cứng như đá. Chúng tôi cố gắng kẻ đào người xúc thay phiên nhau và cuối cùng cũng coi như xong. Trước khi cho cả 3 xác vào tấm ny-lông gói lại và đem chôn, Đức Cha lấy Kinh Thánh ra đọc một đoạn sách Tôbia. Ngài nói vắn tắt ý nghĩa việc chúng tôi làm. Sau khi mọi người âm thầm cầu nguyện trong giây lát, cuộc an táng bắt đầu. Thầy CHIỂU là người can đảm nhất : tay mang găng cao-su, thầy bốc các khúc xương cho vào tấm ny-lông, chúng tôi phụ giúp bằng những lưỡi cuốc. Chúng tôi lấp đất thật kỹ vì sợ chó hoang đánh mùi lại moi lên. Mặt trời xuống dần và chúng tôi lên xe về lại chủng viện. Qua sự việc này, tôi thấy Đức Cha KIM quả là vị mục tử tốt lành, không những chăm sóc các con chiên trong đàn, mà cả những con chiên ngoài đàn, lý do vì tất cả đều là con cái Thiên Chúa, cho dù họ là ai, là bạn hay thù, là người có đạo hay kẻ tự nhận là vô thần.
Kontum là một giáo phận nghèo, xa xôi, thiếu thốn cả về nhân sự lẫn vật chất. Chính vì thế một trong những ưu tư hàng đầu của Đức Cha là lo liệu cho việc phát triển, nhất là phát triển về dân trí và dân sinh. Tôi cũng như các anh em CVK (= Chủng Viện Kontum) khác luôn ghi ơn Đức Cha nói riêng và giáo phận Kontum nói chung đã cho chúng tôi thụ hưởng một nền giáo dục nhân bản và một nền học vấn được coi là ưu việt vào thời ấy, một nền học vấn mà ngay cả những đứa con nhà giàu chưa chắc đã có được. Chúng tôi được theo học chương trình Pháp cơ đấy. Các sách giáo khoa được nhập từ Pháp. Nhiều cuốn mới toanh, mở ra còn thơm mùi mực in. Chúng tôi luôn biết ơn và hãnh diện về điều này. Có người vì tự ái dân tộc “dỏm” hoặc vì ganh tị (?) cho chúng tôi là mất gốc ! Nhưng ngay cả trong hiện tại, những gia đình khá giả đang cố chạy chọt để con em họ được học trong các ngôi trường song ngữ, trường quốc tế, thậm chí cho đi du học từ những lớp nhỏ. Ấy thế mà đó là điều chúng tôi, đa số là con nhà nghèo, đương nhiên được hưởng nhờ, ngay khi bước chân vào Chủng Viện, ở một miền “khỉ ho cò gáy” như người miền xuôi thời ấy nói về Kontum. Để cho chương trình học được hoàn tất và kết quả học tập có giá trị, Đức Cha đã đưa bốn lớp lớn từ “troisième” đến “terminale” (trung học đệ nhị cấp) lên Đà Lạt. Đức Cha đã may mắn mua lại một bệnh viện tư của Bác sĩ SOHIER để làm Chủng Viện Thừa Sai Kontum cơ sở 2.
Lúc bấy giờ, năm 1966, hai Chủng Viện Nha Trang và Kontum cùng với trường trung học Adran của các Sư Huynh tại Đà Lạt hợp tác với nhau để có đủ giáo sư duy trì chương trình Pháp gồm 2 ban Văn-Triết (ban A) và Lý-Hóa (ban D). Sau khi mãn trung học thì thi ra trường lấy bằng Tú tài (Baccalauréat). Trong khi các chủng sinh Nha Trang được tự do chọn ban A hoặc ban D, thì Đức Cha muốn tất cả chúng tôi chọn ban A. Có lẽ Đức Cha không muốn chúng tôi trở thành các kỹ sư mà phải trở nên những con người có tư duy và có văn hoá. Tuy học chương trình Pháp, nhưng không vì thế mà thua kém thiên hạ. Trên thực tế, chủng sinh Kontum, trước 1975, khi mãn Tiểu Chủng Viện, ra trường có 4 văn bằng : Trung học Pháp(BEPC=Brevet d’Etude du Premier Cycle), Tú tài I ViệtTú tài II ViệtTú tài Pháp (Bac).
Lâu lâu Đức Cha cũng ghé thăm chủng viện “Sohier” và ban lời huấn đức. Ngài luôn nhấn mạnh đến tư cách chứng nhân của chúng tôi khi đi học ở trường ngoài. Ngài muốn chúng tôi sống khiêm tốn, đơn giản, biết vận dụng ý chí. Ngài muốn chúng tôi cuốc bộ mỗi ngày đến trường, mỗi lượt đi hoặc về mất chừng 15-20 phút, dù nắng dù mưa, dù lạnh dù nóng. Và nhất là ngài muốn chúng tôi phải sống thật thà, ngay thẳng, không bao giờ được gian lận trong các bài làm, bài thi ở trường học. Tôi nhớ ngài dùng từ rất nặng diễn tả hình phạt dành cho những hành vi gian lận nói trên : cas de renvoi (= cho về), hay chassé du séminaire (= bị đuổi ra khỏi chủng viện). Ngài luôn khuyến khích chúng tôi sống tự do, trưởng thành, trách nhiệm : “La porte du séminaire est toujours ouverte” (= cửa chủng viện luôn rộng mở đấy); ngài có ý nói nếu ai trong chúng tôi thấy mình không thích hợp với đời tu thì cứ vui vẻ ra về...
Chẳng những Đức Cha lo cho chúng tôi về mặt đức dục và trí dục, ngài còn để ý đến cả mặt thể dục nữa. Ngài đã mời một huấn luyện viên về thể dục người Pháp, ông FLEUTOT, mỗi tuần hai lần, đến tập thể dục cho chúng tôi tại chủng viện Sohier tại Đà Lạt. Tôi nhớ có lần Đức Cha ghé thăm chủng viện đúng vào ngày tập thể dục: ngài ra sân đứng xem. Thật khốn khổ cho chúng tôi: Ông FLEUTOT muốn làm oai biểu diễn cho Đức Cha xem thành quả của ông trên đám học trò của ông là chính chúng tôi: hôm đó ông đứng khoanh tay, nhắm mắt, miệng đếm un deux, un trois ... (một hai, một ba...) và cố tình quên cho chúng tôi nghỉ vào chục động tác cuối cùng mà lẽ ra chúng tôi phải được nghỉ, cho đến khi chúng tôi mỏi rã rời nằm bò trên sân. Đức Cha được một mẻ cười xem ra thích thú lắm.
Sau mùa Hè đỏ lửa 1972, lớp tôi mãn trường và chuẩn bị đi giúp một năm theo truyền thống Kontum trước khi lên Đại Chủng Viện. Cũng như các lớp đàn anh, lớp tôi, cả thảy 9 người, về Tiểu Chủng Viện dạy học cho các lớp nhỏ từ quatrième (lớp 8 bây giờ) trở xuống. Vì chiến tranh ngày càng leo thang và dữ dội, nên Đức Cha quyết định cho di dời Tiểu Chủng Viện từ Kontum lên Đà Lạt, vì ngài mượn được một toà nhà lớn, trước kia là Học Viện của Dòng Chúa Cứu Thế, toạ lạc tại giáo xứ Tùng Lâm, trên một ngọn đồi cao.
Thi Bac (tú tài Pháp) xong và đi nghỉ Hè chưa được bao lâu, thì lớp tôi được Đức Cha gọi về Đà Lạt để dọn dẹp nhà cửa, thiết kế các sân chơi bóng chuyền, bóng rổ, để sẵn sàng đón các “chú tiểu” cho niên khoá mới. Không biết các lớp đàn anh về giúp chủng viện thế nào, mà ngay từ đầu năm học, Đức Cha có cuộc gặp gỡ với lớp chúng tôi, phát cho mỗi người một bản directive (chỉ thị) quay rônêô. Tôi còn nhớ rõ câu mở đầu như sau : “Hier vous étiez élèves, aujourd’hui vous êtes maîtres...” (Hôm qua còn là trò, hôm nay các con là thầy...). Đó là một bản hướng dẫn những gì nên làm và những gì không được làm. Có người tỏ vẻ không vui khi đọc chỉ thị này, vì cho rằng nó hạn chế nhiều điều. Có lẽ rút kinh nghiệm những năm trước, Đức Cha sợ các thầy với tuổi trẻ “ngựa non háu đá” muốn làm “cách mạng” đối với cha bề trên ĐOÀN ĐỨC THIỆP chăng...
Cuối cùng thì một năm vắn vỏi cũng trôi qua cách tốt đẹp. Trong năm học, thỉnh thoảng Đức Cha cũng ghé thăm và cho biết tình hình ở Kontum. Ngài cho biết ngài đang sửa lại chủng viện và cho làm lại château d’eau (tháp nước) đã bị quân đội đánh sập bằng thuốc nổ. Được biết rằng rất may cho chủng viện ở Kontum - một ngôi nhà hai tầng hoàn toàn bằng gỗ do Đức Cha JANNIN (PHƯỚC), vị Giám Quản Tông Toà tiên khởi của Kontum, thiết kế và chỉ huy công trình – có vách bằng tre trát đất nhồi rơm, nên dưới sức công phá của chất nổ, ngói và vách đất phía đầu nhà gần đó bung ra hết, để chừa lại cái sườn nhà. Như vậy chủng viện đã không bị sập. Nếu là nhà gạch, thì chắc là tiêu rồi. Có người lấy làm lạ tại sao trong tình hình như vậy mà Đức Cha lại đổ tiền ra sửa sang nhà cửa làm gì. Cho ai ở ? Và chắc gì dám ở, vì chiến tranh ngày càng khốc liệt ! Theo ý Đức Cha, ngài cho sửa nhà không phải vì cái nhà, nhưng ngài muốn tạo công ăn việc làm cho người dân. Ngài nói với chúng tôi : lấy tiền phát cho người ta cũng là một cách giúp, nhưng không nên giúp như vậy, vì con người khác con gà, không nuôi con người như nuôi gà, con người phải được giúp đỡ để có thể thể hiện phẩm giá của mình. Nên tạo việc cho người ta làm và trả công xứng đáng cho họ. Ôi thật là chí lý và nhân bản. Ngài còn dạy chúng tôi về cách sử dụng tiền bạc : những điều cần thiết thì cho dù tốn kém cũng phải chi, nhưng những gì không cần thiết thì dừng hoang phí, dù chỉ một đồng.
Vì tương lai giáo phận, tôi biết ngài rất chú trọng đến việc đào tạo nhân sự. Mặc dù tình hình ngày càng khó khăn, ngài đã vất vả ngược xuôi để đưa được một số em người Thượng sang Pháp học, cũng như 4 đại chủng sinh, thuộc lớp đàn anh của tôi, đi du học Rôma.
Sau năm đi giúp, đầu niên khóa 1973-1974, một anh bạn họ Phạm và tôi được Đức Cha gửi vào học triết và thần học tại Giáo Hoàng Học Viện (GHHV) Thánh Piô X Đà Lạt. Khi có dịp lên Đà Lạt, Đức Cha lại ghé thăm chúng tôi. Để giúp phương tiện tu học cho tốt, mỗi năm ngài cho chúng tôi một số sách, gửi mua tận bên Pháp. Việc này ngài nhờ cha CHEN già, được mệnh danh là cha Tầu già, một cha giáo sư Dòng Tên người Hoa ở GHHV, xem xét và quản lý giùm ngài. Đối với chúng tôi, ngài là một người cha thực sự. Ngài luôn xưng hô thân mật với từng người : ngài luôn dùng tiếng toi (tutoyer) chứ không nói vous (vouvoyer).
Một ấn tượng tôi có về Đức Cha có lẽ sẽ không bao giờ quên được : đó là việc tôi lỡ dại « giỡn mặt » đối với Đức Cha trong một lần ngài gặp gỡ anh em chúng tôi tại GHHV. Năm đó tôi là lính mới tò te, đang học lớp dư bị. Như thường lệ, hôm đó ngài đến lần lượt bắt tay từng người. Các thầy các lớp đàn anh rất nghiêm trang và kính cẩn, vừa bắt tay vừa nói : « Bonjour Monseigneur » (Kính chào Đức Cha). Tôi thuộc lớp nhỏ nhất nên bắt tay Đức Cha sau cùng. Của đáng tội, không biết lúc bấy giờ ma lực nào xúi dại tôi liều lĩnh tinh nghịch với vị giám mục đáng kính của mình. Thay vì chào ngài như các bậc đàn anh, tôi lại nói cụt ngủn : « Bonjour Père » (Chào Cha) và cố tình siết mạnh tay Đức Cha. Nhưng tay ngài to quá, cái siết tay của tôi chẳng có ép phê gì. Để đáp lại, ngài cười cười như muốn nói : « Ah ! tu vas voir ! » (Xem đây nè !), và bóp lại tay tôi. Tôi oằn người ra vì đau quá. Ngài có vẻ thích thú và không tỏ dấu gì là mình bị xúc phạm. Trong khi đó tôi nghe có tiếng càm ràm phản ứng của một bậc đàn anh : « Cái thằng vô phép, dám giỡn mặt với Đức Cha ! ». Tôi cũng giật mình vì thấy mình đã chơi dại ; nếu tôi ở trong một địa phận khác thì chắc chắn không dám giỡn chơi với đấng Bản Quyền như vậy.
Sau một năm ở Đại Chủng Viện, đến Mùa Hè năm 1974, tôi về Kontum để dự cuộc họp mặt tất cả các đại chủng sinh do Đức Cha tổ chức. Nếu tôi nhớ không lầm thì đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tất cả các thầy thuộc Kontum đang theo học ở Đà Nẵng, Huế và Đà Lạt được Đức Cha triệu tập về Tòa Giám Mục để tĩnh tâm vài ngày và sau đó được sai đi giúp các xứ đạo trong một tháng. Chính Đức Cha phụ trách giảng. Những bài nói chuyện của ngài rất hấp dẫn. Ngài lại có rất nhiều điều để chia sẻ, vì thế thường kéo dài quá giờ quy định. Để sửa chữa điều đó, ngài ra lệnh cho thầy giữ chuông khi đến giờ thi cứ lắc chuông báo hiệu cho ngài kết thúc. Vì ngài cũng không muốn trễ giờ và cũng biết các thầy làm sao dám nói lên điều đó. Ôi ngài dễ thương và tế nhị quá. Tôi còn nhớ một tâm sự của ngài trong một bài giảng : « Cha cám ơn Chúa đã ban cho giáo phận Kontum gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm, vì chính trong sự nguy hiểm mọi người mới đoàn kết và thương yêu nhau ». Và ngài minh họa bằng tình huynh đệ chi binh của các chiến sĩ nơi tiền đồn khi bị bao vây và bị tấn công : họ hết lòng thương yêu, đùm bọc và tiếp sức cho nhau.
Giờ đây ngồi ôn lại những kỷ niệm xưa về Đức Cha, tôi hết lòng cám ơn Chúa đã cho tôi may mắn được biết Đức Cha như một mục tử đáng kính và một người cha quý yêu. Ước gì tôi luôn biết cố gắng sống theo gương lành và theo các lời nhắn nhủ của ngài, để tinh thần thừa sai của ngài luôn thúc đẩy tôi đi tới …
 Aloysius NHVi (cvk1963)
Dịp giỗ lần thứ 25 ĐC Paul Léo SEITZ
1984 - 2009

Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

Thứ Tư Lễ Tro

Thứ Tư Lễ Tro - Suy Niệm Mùa Chay

mùa chay

Anh em phải giữ chay mỗi ngày, trừ các Chúa nhật, từ lễ Suy Tôn Thánh Giá cho đến lễ Phục Sinh, trừ những lúc đau bệnh, những lúc yếu sức, hoặc có lý do chính đáng, hãy xin miễn thứ việc thi hành luật; vì khi cần thiết thì không có luật buộc. Luật Dòng Cát Minh - 16.

“Người ơi hãy nhớ, mình là bụi tro  
Một mai người sẽ trở về bụi tro”. 
Lời ca đơn sơ mà da diết, bi ai mà thiết thực, nhắc chúng ta nhớ về thân phận con người, hướng chúng ta về với Đấng Vĩnh Cửu qua những thực hành cụ thể của cuộc sống hôm nay.
 LỜI NGUYỆN:
Lạy Chúa, ngày hôm nay, tất cả chúng con ăn chay hãm mình, để bước vào mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng. Xin giúp chúng con hằng biết sống khắc khổ, để ngày thêm vững mạnh mà chiến thắng ác thần. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con. Amen.

THÁNH PHANXICA ROMANA, (St. Frances of Rome) Nữ tu ngày 09/3

THÁNH PHANXICA ROMANA,
(St. Frances of Rome)
Nữ tu ngày 09/3


Thiên Chúa tuyển chọn bất cứ một con người nào tùy ý của Ngài. Việc chọn lựa của Ngài hoàn toàn tự do và nhưng không. Cuộc đời của thánh nữ quả phụ Phanxica Romana là gương chói lòa của một bà mẹ gia đình, đã làm tròn bổn phận người vợ hiền, người mẹ nhân hậu và sau này đã trở nên một nữ tu sáng lập Dòng gương mẫu.

CUỘC ĐỜI CỦA THÁNH NỮ PHANXICA ROMANA


Thánh nữ Phanxica Romana được sinh ra trong một gia đình phú quí, giầu có vào năm 1384 tại La Mã, nước Ý Đại Lợi. ngay từ nhỏ, thánh nhân đã được hấp thụ một nền giáo dục đạo hạnh và đầy bác ái theo gương Chúa Kitô. Thánh nhân không hề chạy theo những thói xa hoa, phù phiếm, thác loạn của những con người ăn chơi đàng điếm lúc đó. Thánh nhân đã có tấm lòng bác ái vị tha ngay từ lúc còn thơ bé. Ngài thường lui tới các bệnh viện để thăm hỏi các bệnh nhân và giúp đỡ các người đau yếu, tật nguyền. Thánh nhân tâm niệm:” Chúa đã yêu thương mọi người, nên lui tới các bệnh viện, giúp đỡ những bệnh nhân là trường Chúa đào tạo Ngài “. Lớn lên, vâng lời Cha mẹ, thánh nữ đã kết hôn và sinh được hai trai, một gái. Trong đời sống gia đình, thánh nhân luôn tỏ ra là một người vợ hiền lành, khéo léo, đảm đang và là một người mẹ nhân hậu, tận tâm, tận tình.

THÁNH NHÂN TRỞ THÀNH NỮ TU


Hoàn tất việc gia đình, thánh nhân đã quyết định dấn thân tận hiến cuộc đời cho Chúa trong tu viện do chính Ngài sáng lập. Thánh nhân đã để lại cho Giáo Hội một Dòng tu chuyên lo việc bác ái, chăm sóc bệnh nhân và giúp đỡ các người khó nghèo. Thánh nhân đã được Chúa gọi về khi mới 56 tuổi đời. Xác Ngài được an táng trong nhà thờ của tu viện. Để thưởng công Ngài, Chúa đã cho Ngài làm nhiều phép lạ để chứng tỏ uy quyền và tình thương của Chúa. Vào năm 1608, Đức Thánh cha Phaolô V đã tôn phong Ngài lên bậc hiển thánh.
“Lạy Chúa, Chúa đã làm cho thánh nữ Phanxica trở nên một gương sáng đặc biệt về đời sống hôn nhân cũng như đời sống tu trì. Xin cho chúng con được bền lòng phụng sự Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen”( Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Phanxica Romana ).

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

THÁNH GIO-AN THIÊN CHÚA, (St. John of God) Tu sĩ ngày 08/3

THÁNH GIO-AN THIÊN CHÚA,
(St. John of God)
Tu sĩ ngày 08/3



Thánh là những con người đã sống các nhân đức anh hùng đến nỗi nhìn vào các Ngài, hình ảnh của Chúa Giêsu hiện lên rõ nét nơi các Ngài. Thánh Gio-an Thiên Chúa đã họa lại hình ảnh của Chúa Kitô, Người trở nên một:” Chúa Kitô khác”.

HÌNH ẢNH MỘT CON NGƯỜI

Thánh Vịnh 15, 5-6 có viết:” Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, Là chén phúc lộc dành cho con; Số mạng con, chính Ngài nắm giữ. Phần tuyệt hảo may mắn đã về con, Vâng, gia nghiệp ấy làm con thỏa mãn “ hoặc Chúa nói:” Thầy bảo thật anh em là những người đã bỏ mọi sự theo Thầy, Anh em sẽ được gấp bội và được hưởng sự sống đời đời làm gia nghiệp”( Mt 19, 27-29 ).Thánh Gioan Thiên Chúa sinh ra tại một làng nhỏ thuộc nước Bồ Đào nha vào năm 1495. Lớn lên, thánh nhân được đánh động bởi một lời giảng của thánh Gioan avila về lòng nhân từ bao la, vô biên của Chúa. Từ lời rao giảng này, thánh nhân đã trở về nhà bán hết gia sản mình có, phân chia cho người nghèo và bước theo Đức Giêsu cứu thế. Thánh nhân trở nên như chàng điên vì lòng yêu mến Chúa và yêu thương các người nghèo, đặc biệt là những người kém phần may mắn hơn cả trong xã hội. Thánh nhân đã kiếm nơi để cho các người đau yếu tật nguyền ở và chính Ngài ra tay chữa trị, giúp đỡ họ. Ngài yêu thương họ hơn chính bản thân của mình. Thánh nhân luôn đặt niềm tin nơi bàn tay quan phòng của Chúa. Vì lòng quảng đại, vị tha, bác ái, Chúa hiểu lòng Ngài, nên đã khiến nhiều nhà hảo tâm rộng lòng dâng cúng tiền của để cho Ngài có phương tiện giúp đỡ những người nghèo khó, bệnh hoạn, neo đơn, tật nguyền.

CHÚA ĐỘI MŨ TRIỀU THIÊN CHO THÁNH NHÂN

Sau những năm tận tụy phục vụ đồng loại, giúp đỡ tha nhân, thánh nhân được Chúa gọi về vào tuổi 50, lúc Ngài vẫn còn đầy nhiệt tình phục vụ mọi người ngày 8/3/1550.  Thánh nhân ra đi nhưng Ngài vẫn hiện diện nhờ các tu sĩ Dòng Gioan Thiên Chúa, Dòng mà Ngài đã khổ công đào luyện và để lại cho Giáo Hội, cho nhân loại. Thiên Chúa đã thưởng công cho Ngài và cho công việc bác ái của Ngài vẫn tồn tại mãi nơi nhiều nước, nhiều dân.
“Lạy Chúa, Chúa đã cho thánh Gioan được đầy tràn tình thương đối với kẻ nghèo hèn và người bệnh tật. Xin cho chúng con cũng biết đem lòng bác ái phục vụ anh em hầu đáng hưởng vinh quang nước trời với những người được Chúa tuyển chọn. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen “ ( Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Gioan Thiên Chúa ).

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

THÁNH PERPÊTUA và FÊLICITA, ( SS. Perpetua & Felicity) Tử đạo ngày 07/3

THÁNH PERPÊTUA và FÊLICITA,
( SS. Perpetua & Felicity)
Tử đạo ngày 07/3


Ai ngậm ngùi ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng. Đó là lời thánh vịnh, lời này mang một ý nghĩa sâu đậm.” Ai vác Thập Giá mà theo Chúa Kitô”, chắc chắn sẽ reo khúc khải hoàn ca. Và điều này rất thích hợp với hai thánh nữ Perpêtua và Fêlicita mà Giáo Hội mừng kính hôm nay.

HAI VỊ THÁNH CÙNG TÂM TRẠNG YÊU MẾN CHÚA


Cái giá phải trả cho các anh hùng tử đạo là bị tra tấn, đánh đập, nhốt tù, giết chết. Thánh nữ Perpêtua và Fêlicita, người nô lệ đang có thai, cùng với nhiều bạn hữu khác như Secundulus, Saturnin à Revocatus đều bị bắt tống ngục khi họ nại vào danh Chúa Kitô, tuyên xưng Chúa Kitô là gia nghiệp và là Chúa tể trời đất. Các vị này đều bị giam giữ, tra tấn dưới thời Hoàng đế Sévère cấm cách, ra lệnh tru diệt đạo công giáo. Các vị nữ anh hùng này này đã được chịu phép thánh tẩy ngay trong tù vì trước đó các Ngài mới chỉ là tân tòng. Thánh Perpêtua thuộc gia đình quí phái giầu có, nhiều danh vọng, nên Cha của thánh nhân hết sức khuyên nhủ con mình bỏ đạo để được sống. Thánh nhân đã cương quyết theo Chúa đến hơi thở cuối cùng đúng như lời Chúa đã nói:” Ai tìm mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mạng sống vì Ta thì sẽ cứu được nó “. Thánh Fêlicita khi sinh con trong ngục đau đớn, tên lính chế nhạo Người, Người đã trả lời cách cương quyết:” Giờ tôi chịu đau khổ, nhưng sau này có Đấng chịu đau khổ thay tôi và cho tôi sự sống”. Hai thánh nữ và nhiều bạn khác khi bị lý hình, quân lính điệu ra pháp trường, các Ngài không hề lo sợ, các Ngài vẫn hiên ngang, ca hát, chúc tụng, tôn vinh Chúa, Đấng đã ban sự sống cho các Ngài. Các Ngài đã bị đánh đập, tra tấn dã man và sau cùng bị thú vật xé tan xác. Các Ngài được phúc tử đạo ngày 07/3/203. Thiên Chúa thưởng công và Giáo Hội đã tôn vinh các Ngài.

LỜI CẦU NGUYỆN


Lạy Chúa, nhờ tình yêu nồng nàn của Chúa thúc đẩy, hai thánh nữ Perpêtua và Fêlicita đã coi thường những người bách hại và lướt thắng cả cái chết đau đớn. Cúi xin Chúa nhận lời hai thánh nữ chuyển cầu cho chúng con ngày càntg thiết tha yêu mến Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen( Lời nguyện ca nhập lễ, lễ thánh Perpêtua và Fêlicita, tử đạo)

 

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

Chủ Nhật, 23 tháng 2, 2014

Đức Cha Paul Seitz (Kim) tại Công Đồng Chung Vatican

Kính thưa quí gia đình truyền thông trong giáo phận Kontum.
Chúng tôi đã nhận bản dịch gởi đến khá lâu của Cha  LM Phil. Nguyễn Hữu Tiến  chuyển  ngữ,  trích trong “Interventions  des  Pères   conciliaires   MEP  au  Concile  Vatican  II”  LM  J-B  Itcaina, MEP. Nhân Kỷ Niệm Ngày Lễ Giỗ 30 Năm của Đức Cha Paul Seitz sắp tới, ban mục vụ truyền thông xin đăng lên Trang Mạng Truyền Thông Giáo phận tài liệu : “Đức  Cha  Paul  Seitz (Kim)  tại  Công  Đồng  Chung  Vatican”, để chúng ta tạ ơn Chúa và cảm ơn Đức Cha, Nguyên  Giám mục Giáo phận chẳng những lo cho giáo phận nhà, mà còn đóng góp tích cực và sâu sắc cho Công Đồng Chung Vaticanô II về nhiều mặt, đặc biệt về Phụng Vụ thánh.
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn cha Philiphê.
GPKONTUM (21.02.2014) KONTUM
XIN KÍNH MỜI
.
                               Đức  Cha  Paul  Seitz (Kim)  tại  Công  Đồng  Chung  Vatican
     Trong  phiên  khoáng đại của  kỳ họp thứ nhất, Đức cha Paul  Seitz (Kim), giám  mục  giáo  phận  Kontum, đã phát  biểu  ba  lần. Các  bài phát  biểu  này do cha Jacques Dournes, MEP, (1922-1993), biên soạn, ngài là  thư  ký và chuyên  viên  riêng về thần  học  của  Đức  cha tại Công Đồng chung. Còn cha Joseph Pierron, MEP (1922-1999), dịch các bài phát biểu này sang tiếng La Tinh. Lúc  đó  ngài đang  ở  Roma để chuẩn bị lấy bằng Tiến Sĩ Kinh Thánh. Ở đây, chúng tôi chỉ trình bày tóm tắt các lần phát biểu của Đức cha .
     1. Lần phát biểu đầu tiên là ngày 05 tháng 11 năm 1962, trong  phiên họp về phụng vụ. Ngài nói trên hàng  trăm ngàn người sắc tộc  thiểu số ở Cao Nguyên Việt Nam, chỉ có  5%  được rao giảng Tin Mừng. Trở ngại lớn nhất trong việc rao giảng Tin Mừng là  cách diễn  đạt  đạo, nhất là nghi thức phụng vụ của chúng ta không hội nhập được với nền văn hoá của các sắc dân này.
     Tôn giáo của các sắc tộc thiểu số này có tính cách cộng đồng, bắt nguồn từ các huyền thoại cổ xưa, có nghi lễ riêng và  các vật tế thần. Tôn giáo của họ bao gồm một lễ vật duy nhất, ngoài ra không có sự cầu khẩn hay chúc phúc nào khác. Các lời  kinh  nguyện trong nghi lễ  tế thần là những lời thánh, bất di bất dịch, được đọc bằng tiếng bản xứ. Khi tham  dự  vào  việc  cúng  thần, mỗi  người  dâng  cúng  lễ  vật   rồi sau đó ăn vật cúng thần  này.
      Việc  Giáo  Hội dùng  tiếng La Tinh trong phụng vụ tạo  ra những  suy  nghĩ  như  sau :“Đạo  của  cha  không thích  hợp  với  chúng  tôi”. Vì  vậy, Đức  cha  xin  Giáo  Hội  hãy có những  thích  nghi  cần  thiết  để  công  việc  truyền  giáo  được  dễ  dàng  hơn  nơi  các  nền  văn  hoá  này.
     2. Lần  thứ  hai  ngài  phát  biểu  là  ngày  13  tháng  11  năm  1962, trong  phiên  họp  về  nghệ  thuật  thánh. Lần  nảy ngài  phát  biểu  nhân  danh  hội  đồng  giám  mục  Việt  Nam. Ngài  đề  cập  đặc  biệt  đến  các  điểm  sau  đây 
          – Làm  sao  cho  nghê  thuật  thánh  phục  vụ  cho  phụng  vụ.
        - Làm  sao  cho  chỉ  Đức  Kitô  trên  Thánh  Giá  được  đặt  cao trên bàn  thờ. Nhưng  cũng  phải  có  chổ  cho  ảnh  tượng  Mẹ  Thiên   Chúa.
        - Còn những ảnh tượng  khác  của  Chúa  Giêsu  và  Mẹ  của  Ngài, đã  được làm  phép trọng  thể, thì không chỉ  được  dùng  như   là  để  trang  trí, mà phải có một vai  trò trong phụng  vụ, như  sách  Kinh  Thánh.
       – Làm  sao cho  công trình  xây dựng  dành  cho  việc  phượng  tự  không  xa  lạ  với  người  ngoại  giáo, nó  còn  là  dấu  chỉ  hiện diện  của  Chúa  Kitô, và  là  ngôi  nhà  thờ  của  người  nghèo,  có  đủ  những  đặc  điểm  như : tính  đơn  giản,  chân  lý  và  sự  khó  nghèo.
       3. Lần  phát  biểu  thứ  ba  của  Đức  cha  là  ngày  19  tháng  11  năm  1962, về  lược  đồ  tín  lý  các  nguồn  gốc  Mạc  Khải. Ngài  đưa  ra  những  ý  kiến nghiêm  khắc  về  lược  đồ  này. Ngài  nói  có  nhìều  đìều  đã  được  khẳng  định  không  làm  thỏa  mãn, chẳng  hạn  như  những điều  có  liên  quan  đến sự  không  thể  sai  lầm  và  linh  ứng  trong  Kinh Thánh. Cựu  Ước  và  Tân  Ước  cũng  chưa  đủ  nối  kết  lại với nhau.  Lược  đồ  này  còn  tạo  ra  ngờ  vực  đối  với  những  ai  miệt  mài  trong  công  việc  nghiên  cứu. Tinh  thần  mà  lược  đồ  này  được  cưu  mang  cho  thấy  có  một  sự  giữ  thế  thủ, điều  này  không   thích  hợp  với  Công  Đồng. Ngài  nói  không  thể  sửa  đổi  luợc  đồ  này. Trước  khi  chuyển  qua  nghiên  cứu  các  đề  mục, cần  phải  tiến  hành  việc  bỏ  phiếu.
         Ngoài  ba  lần  phát  biểu  trên, Đức cha Paul  Seitz  còn  có  khoảng  12  bài  tham  luận  tại  Công  Đồng  về  các  lược  đồ  khác : nhất  là  lược  đồ  về  Giáo  Hội, rồi  về  Đại  Kết, Tông  Đồ  Giáo  Dân,  Đời  Sống  và  Sứ  Vụ  Linh  Mục, về  các  Giáo  Hội  Công  Giáo  Đông  Phương, Tự  Do  Tôn  Giáo, Giáo  Hội  trong  Thế  Giới  Ngày  Nay, về  Hoạt  Động  Truyền  Giáo  của  Giáo  Hội. Ngài  chủ  yếu  phê  bình  tất  cả  các  lược  đồ  này  là  không  đủ  ăn  khớp  với  Hiến  Chế  về  Giáo  Hội  Lumen  Gentium, là  Hiến  Chế  tín  lý  chỉ  đạo  các  lược  đồ  khác.

 Trích “Interventions  des  Pères   conciliaires   MEP 
 au  Concile  Vatican  II”  LM  J-B  Itcaina, MEP
LM Phil. Nguyễn Hữu Tiến  chuyển  ngữ

Thư Mời Lễ Giỗ Đức Cha Paul Seitz

Thư Mời Lễ Giỗ Đức Cha Paul Seitz
(15:02:2014 |02:07 AM)
Thư Mời Lễ Giỗ Đức Cha Paul Seitz


Kontum ngày 08.02.2014

Được sự đồng ý của Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám Mục Giáo Phận Kontum,

Văn Phòng Tòa Giám Mục xin kính gửi đến Quý Cha, Quý Tu Sĩ Nam Nữ, Quý Chủng Sinh, Quý Cựu Chủng Sinh cùng toàn thể Cộng Đoàn Dân Chúa trong và ngoài Giáo Phận Thư Mời nhân dịp Lễ Giỗ Đức Cố Giám Mục Paul Léon Seitz (Phaolô Kim).


Tòa Giám Mục Kontum

146 Trần Hưng Đạo - Kontum


THƯ MỜI


Kính thưa Quý Cha và Gia Đình Giáo Phận,

Ngày 24 tháng 02 năm 2014 là ngày giáp 30 năm (1984-2014) Đức Cha Paul Léon Seitz (Phaolô Kim), nguyên Giám Mục Giáo Phận Kontum (1952-1975), người Cha kính mến của Gia Đình Têrêxa, được Chúa gọi về Quê Trời Vĩnh Cửu.

Để tỏ lòng biết ơn Đức Cố Giám Mục Paul Léon Seitz (Phaolô Kim), Tòa Giám Mục Kontum và Gia Đình Têrêxa trân trọng kính mời Quý Cha, Quý Tu Sĩ Nam Nữ, Quý Chủng Sinh, Quý Cựu Chủng Sinh, Quý Khách cùng toàn thể Cộng Đoàn Dân Chúa trong và ngoài Giáo Phận, đặc biệt các thành viên trong Gia Đình Têrêxa đến hiệp dâng Thánh Lễ Giỗ lần thứ 30 của Đức Cố Giám Mục, do Đức Cha Micae, Giám Mục Giáo Phận chủ tế.

· Thời gian: 9giờ00 sáng Thứ Hai, ngày 24 tháng 02 năm 2014

· Địa điểm: Nhà Thờ Chính Tòa Kontum. 13 Nguyễn Huệ, Kontum.

Sự tham dự đông đủ của các thành phần Dân Chúa là dấu chứng đậm nét yêu thương và tri ân của chúng ta đối với Đức Cố Giám Mục.

Sau Thánh Lễ, xin kính mời:

- Quý Đức Cha, Quý Cha, Quý Tu Sĩ Nam Nữ, Quý Chủng Sinh, Quý Cựu Chủng Sinh và Quý Khách dùng cơm trưa tại Tòa Giám Mục.

- Quý Cựu Học Viên Gia Đình Têrêxa dùng cơm trưa huynh đệ tại Nhà Nội Trú Tòa Giám Mục.

Trân trọng kính mời.

VPTGM KT

Lm Luy Nguyễn Quang Hoa

Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

Ðức Mẹ Lộ Ðức, Pháp

Ðức Mẹ Lộ Ðức, Pháp
(The Appearing of Our Lady at Lourdes)

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

I. Diễn Tiến Sự Kiện Ðức Mẹ Hiện Ra tại Lộ Ðức, Pháp
Vào năm 1858, Lộ Ðức, một thị trấn nhỏ ở Pháp có một cô bé tên là Bernadette Soubirous (14 tuổi), cùng với em gái là Toinette Soubirous (11 tuổi), và một người bạn nhỏ khác, Jeanne Abadie (12 tuổi), cùng nhau tới bên sườn núi nhặt củi. Các em đi ngang qua một hang đá gọi là hang Massabielle. Trước hang đá có một giòng suối, Toinette và Jeanne liền vội bước xuống nước lội bộ qua suối, Bernadette theo phía đằng sau. Bất chợt cô nghe thấy tiếng gió mạnh thổi tới, cô ngước mắt lên nhìn thấy các cành lá phía trước đều không có chút lay động nào ảnh hưởng bởi cơn gió cả, chỉ có những cành lá trước cửa hang thì đang lay động. Bernadette không lấy làm điều, vẫn tiếp tục tiến về phía trước, nhưng cô chợt trông thấy ngay trước cửa hang có một làn hào quang, và sau này cô đã kể lại rằng: "Ngay trước cửa hang có một người Phụ Nữ, dáng vóc cao cao giống như tôi đây, người Phụ Nữ ấy gật gật đầu đang làm hiệu với tôi. Người Phụ Nữ này đẹp tuyệt vời, Bà bận một chiếc áo choàng trắng, lưng thắt một dải đai xanh, trên cánh tay quàng một bộ tràng chuổi mân côi". Người Phụ Nữ này ra hiệu muốn Bernadette cùng lần chuỗi mân côi, Bernadette liền quỳ xuống, lấy chuỗi ra và bắt đầu lần chuỗi. Người "Phụ Nữ" này cũng lấy chuỗi ra lần chuỗi.  Vì lần hiện ra lần đầu này, Bernadette không biết đây là Ðức Mẹ Maria, nên Bernadette gọi người Phụ Nữ này là "Bà". Ðọc hết 5 chục kinh, người Phụ Nữ mĩm cười với Bernadette, và rồi biến mất.
Trong lúc đó, Toinette và Jeanne đã lượm được nhiều củi và đang quay trở lại, trông thấy Bernadette đang quỳ trên mặt đất, nên trêu chọc cô ta là "chỉ có việc lần chuỗi thôi, ngoài ra chẳng làm được gì hết". Về đến nhà, Toinette thấy sắc mặt của chị có vẻ khác thường, mới tra hỏi sự việc, Bernadette liền kể lại cho em mình đầu đuôi mọi sự, và yêu cầu cô em hãy giữ kín điều này.
Nhưng đêm hôm đó, Toinette liền kể lại hết cho mẹ của mình. Bà Louise Soubirous, mẹ của Bernadette nói với Bernadette: "Con hoa mắt rồi, điều con trông thấy đó chỉ là tảng đá trắng thôi". Bernadette xác quyết trả lời: "Không, con không có nhìn lầm, rõ ràng là một người Phụ Nữ tuyệt đẹp". Bà Louise liền cấm Bernadette từ nay không được đi tới Hang Ðá nữa.
Hai ngày liên tiếp, Bernadette không đi tới Hang Ðá, nhưng tin đồn này đã truyền đi khắp nơi và đến tai các cô bé gái khác trong xóm, bởi vậy họ rũ nhau đến xin phép ông Francoise Soubirous, bố của Bernadette, và rũ Bernadette cùng đi với họ tới Hang Ðá. Ðược bố cho phép, Bernadette đi cùng bọn họ, họ cầm theo một bình nước thánh. Tới nơi Hang Ðá, mọi người quỳ xuống lần chuỗi mân côi, đọc tới chục thứ 3, ngay tại địa điểm như lần trước, người Phụ Nữ bận đồ trắng lại hiện ra, sau này Bernadette kể lại rằng: "Vào lúc đó, tôi vội vàng la lên: "Bà tới rồi kìa". Nói xong tôi vội lay đầu một cô bé bên cạnh và giơ tay chỉ người phụ nữ, nhưng mọi người chẳng trông thấy gì". Một cô bé khác vội vàng đưa bình nước thánh cho Bernadette, cô vội lấy nước thánh và rảy rảy một lúc. Người Phụ Nữ mĩm cười với Bernadette, và giơ tay làm dấu Thánh Giá. Bernadette bèn nói: "Nếu Bà là người được Thiên Chúa sai phái tới, xin mời Bà hãy bước lại gần đây." Người Phụ Nữ liền bước tới gần, lúc đó, Jeanne và các cô bé khác trèo lên phía trên hang lấy đá ném xuống. Người Phụ Nữ đã biến mất, nhưng Bernadette vẫn cứ quỳ ở đó, hai mắt nhìn lên trời. Các cô bé kia tới kéo Bernadette đứng dậy, nhưng giống như có những giây rễ bám chặt xuống đất vậy, họ kéo mãi kéo vẫn không lay nổi Bernadette. Mọi người dùng hết sức kéo nhưng Bernadette vẫn quỳ vững chắc trên đất. Sau đó mẹ của Bernadette nghe tin vội vàng chạy tới, bà ta khiển trách Bernadette một mách. Những hàng xóm khác vẫn không tin những gì Bernadette kể lại. Họ cho rằng Bernadette đã gặp phải một linh hồn nào đó ở luyện ngục hiện về.
Vì bà Hội Trưởng Hội Con Cái Ðức Mẹ trong vùng vừa mới qua đời, bởi vậy các phụ nữ trong làng và bà Milhet, bà chủ của bà Louis Soubirous, (mẹ của Bernadette) cho rằng đây là linh hồn của bà hội trưởng hiện về thông công. Vào sáng sớm ngày 18 tháng 2 năm 1858, các phụ nữ này cùng đi với Bernadette tới Hang Ðá. Họ cầm theo một cây nến, một cây viết và một tờ giấy. Ngay vào lúc Bernadette nói rằng: "Bà Lạ tới rồi kìa" bà Milhet liền đưa tờ giấy và cây viết cho Bernadette và dặn rằng: "Con hỏi Bà Lạ muốn điều gì? yêu cầu Bà viết lên trên giấy này điều bà ta muốn" Bernadette nói lại với Ðức Mẹ. Và đây là lần đầu tiên  Ðức Mẹ cất tiếng trả lời, sau này Bernadette kể lại những lời Ðức Mẹ đã nói: "Ðiều ta muốn nói, không cần phải viết lên giấy. Con có đồng ý 15 ngày liên tiếp đến nơi này không?" Bernadette đáp: "Con sẽ nhất định đến đây". Ðức Mẹ nói tiếp: "Ta sẽ cho con được hạnh phúc, nhưng không phải ở đời này mà là ở đời sau" Nói xong lời này, Ðức Mẹ biến mất.
Hai ngày tiếp theo, Bernadette mỗi ngày đều đến đây, và Ðức Mẹ mỗi ngày đều hiện ra với Bernadette.
Ngày 21 tháng 2 năm 1858 là ngày Chủ Nhật, một đám đông người cùng đi với Bernadette đến Hang Ðá. Có một vị Bác Sĩ  cùng đi với họ. Vị Bác sĩ này không tin chút nào về những gì Bernadette đã kể lại là cô ta đã gặp Ðức Mẹ hiện ra. Bởi thế, ngay lúc Ðức Mẹ hiện ra và lúc Benadette đang xuất thần thị kiến với Ðức Mẹ, Bác sĩ liền bắt mạch và nghe nhịp tim của Bernadette, kết quả khám nghiệm của ông cho biết là mọi sự rất bình thường, không thấy có triệu chứng thần kinh hay kích thích gì khác thường cả. Lần này, Ðức Mẹ nói với Bernadette: "Con hãy cầu nguyện cho những người tội lỗi ăn năn trở lại". Cùng ngày hôm đó, sau Thánh Lễ, Cảnh sát điều tra viên đến đưa Bernadette về đồn để hỏi thăm sự việc, sau đó cảnh sát điều tra viên kết luận rằng: "Những lời Bernadette nói rất thành thật, không có một chút gì là đáng nghi ngờ cả". Vào buổi chiều, Cảnh Sát Trưởng nghiêm chỉnh chất vấn Bernadette thêm một lần nữa, nhưng ông cũng không thấy có điều gì đáng nghi ngờ về những sự việc Bernadette đã kể lại cả. Ông ta chỉ ra lệnh cấm Bernadette không được tới Hang Ðá kia nữa, nhưng vì đã hứa mỗi ngày sẽ tới với Ðức Mẹ, nên Bernadette cương quyết từ chối tuân giữ lệnh cấm đó.
Ngày 22 tháng 2 năm 1858, bất chấp lệnh cấm, Bernadette vẫn cứ đi đến Hang Ðá, nhưng ngày hôm nay Ðức Mẹ không hiện ra với cô.
Ngày 23 tháng 2 năm 1858, Từ sáng sớm, khoảng 6 giờ, Bernadette đi tới Hang Ðá, và tại đó, đã có hơn 200 người đang đứng đợi sẵn. Và Ðức Mẹ đã hiện ra với Bernadette. Lần này cô xuất thần thị kiến với Ðức Mẹ hơn 1 tiếng đồng hồ.
Ngày tiếp theo, có khoảng 500 người tập họp tại Hang Ðá. Ðức Mẹ vẫn hiện ra như mọi lần. Bernadette đã xuất thần thị kiến với Ðức Mẹ hơn 1 tiếng đồng hồ, nhưng sau cuộc thị kiến, cô từ chối kể lại những sự việc cô đã thấy trong cuộc thị kiến.
Ngày 25 tháng 2 năm 1858, Bernadette qùy ở cửa Hang Ðá lần chuổi được 1 chục sau đó cô vừa qùy vừa lết tới gần và rồi bò lên phía bên trên Hang Ðá, được một lúc, Bernadette lại trở xuống, rồi lại trở lên phía bên trái Háng Ðá (Hang Ðá này có hai cửa Hang, cửa bên phải nay đặt một tượng Ðức Mẹ). Mọi người chẳng biết Bernadette muốn làm gì, và sau này Bernadette kể lại: "Ðức Mẹ bảo tôi rằng: "con hãy uống nước từ nguồn suối, hãy lấy nước suối mà rửa mặt". Tôi chẳng biết là ở gần Hang Ðá có nguồn nước suối, bởi vậy tôi trèo lên bên cạnh Hang Ðá. Nhưng Ðức Mẹ nói với tôi: Không phải bên đó, Ðức Mẹ giơ tay chỉ hướng phía trái và tôi theo hướng đó tìm nguồn nước thì thấy chỉ có một chút nước bùn. Tôi dùng tay moi đất lần thứ nhất, thấy nước quá ít, không đủ trong lành. Tôi lấy tay moi lần thứ hai, sâu thêm một chút, không ngờ nguồn nước suối từ bên trong phun ra, nhưng vẫn còn là nước bùn. Tôi moi thêm một lần thứ ba nữa và nước phun ra càng lúc càng nhiều và càng lúc càng trong lành hơn. Tôi liền uống nước đó".
Trong lúc đó, những người đứng tại hiện trường chỉ thấy Bernadette cúi xuống, rồi lại ngước lên với khuôn mặt ướt đẩm nước, rồi lại cúi xuống như là lấy một thứ cỏ nào đó và nhai nhai. Sau đó một lúc, Bernadette quay trở lại, và về nhà.
Lúc đầu mọi người chế nhạo Bernadette là có những hành động kỳ quái, nhưng sau nầy khi nhìn thấy nguồn nước, (Vì trước đây chẳng ai thấy có giòng nước này cả), nguồn nước suối phun ra càng lúc càng nhiều. Một tuần lễ sau, lưu lượng nước phun ra khoảng 7,000 gallons. Hơn 100 năm nay, nguồn nước này vẫn tiếp tục phun ra, và nhiều người đã uống nước này, và nhiều người bệnh cũng đã uống và đã được chữa lành. Ðó chính là nguồn nước suối Ðức Mẹ Lộ Ðức.
Ngày thứ Sáu 26 tháng 2 năm 1858, có khoảng 800 người tập họp ở trước Hang Ðá, Bernadette trèo lên Hang Ðá, cúi xuống hôn đất, và dùng tay ra hiệu bảo mọi người hãy cúi xuống hôn đất như vậy để làm việc đền tội. Ngày hôm nay, mọi người mới tin rằng, nguồn nước suối hôm qua Bernadette moi ra quả thật là một nguồn nước suối trong lành. Ngày hôm đó cũng đúng vào một ngày thứ Sáu giữ chay, Phúc Âm được đọc trong ngày lại là đoạn  Phúc Âm Thánh Gioan 5,1-15 nói về Phép Lạ những người bệnh tắm ở hồ Bedatha được chữa lành.
Ngày 27 và 28  tháng 2 năm 1858, Ðức Mẹ cũng hiện ra với Bernadette. Những người tập họp ở trước Hang Ðá càng ngày càng đông hơn, Bernadette cũng cúi xuống hôn đất, và mọi người cũng làm theo như Bernadette. Vào chiều ngày 28 tháng 2 năm 1858. Chính quyền ra lệnh cấm Bernadette không được tới Hang Ðá nữa.
Ngày 1 tháng 3 năm 1858, có khoảng 1,000 người tập họp trước Hang Ðá, Ðức Mẹ lại hiện ra với Bernadette.
Ngày 2 tháng 3 năm 1858, Ðức Mẹ hiện ra với Bernadette lần thứ 13. Ðức Mẹ bảo Bernadette hãy nói lại với Cha Xứ rằng Ðức Mẹ muốn xây tại Hang Ðá này một ngôi Thánh Ðường và muốn có những cuộc rước kiệu Thánh Thể chung quanh Hang Ðá này. Bernadette đã kể lại những sự việc này cho Cha Xứ, nhưng Cha Xứ không muốn thực hiện những điều này.
Sáng ngày 3 tháng 3 năm 1858, Ðức Mẹ không hiện ra. Nhưng vào chiều hôm đó Bernadette có nhìn thấy Ðức Mẹ lại hiện ra.
Ngày 4 tháng 3 năm 1858, là lần cuối trong vòng 14 ngày liên tục Ðức Mẹ hiện ra. Số người hiện diện ở trước Hang Ðá càng ngày càng đông hơn, mọi người quay quần chung quanh nguồn suối nước để lấy nước, và hôm đó, Ðức Mẹ lại hiện ra với Bernadette.
Ngày 25 tháng 3 năm 1858, từ sáng sớm, Bernadette đã chỗi dậy đi đến Hang Ðá. Ðức Mẹ hiện ra và bảo cô hãy đến gần với Ðức Mẹ. Bernadette hỏi Ðức Mẹ: "Thưa Bà, xin Bà cho con biết tên Bà là gì". Ðức Mẹ chỉ mĩm cười và không đáp. Bernadette lại hỏi lại một lần thứ hai, và rồi Ðức Mẹ chắp hai tay lại, mặt ngước lên trời, và đáp: "Ta Là Ðấng Vô Nhiễm Nguyên Tội". Sau đó, Ðức Mẹ nói tiếp: "Ta muốn một Ngôi Thánh Ðường được xây cất tại ngay chính nơi này". Bernadette trả lời: "Con đã trình bày sự việc này với cha xứ rồi".
Lần hiện ra thứ 17 là ngày 7 tháng 4 năm 1858, Bernadette đã xuất thần thị kiến với Ðức Mẹ tại Hang Ðá gần một tiếng đồng hồ. Vị bác sĩ cạnh Bernadette nhìn thấy ngọn lửa của cây nến trên tay Bernadette đang đốt một ngón tay của Bernadette, nhưng cô không cảm thấy nóng hay đau đớn gì cả. Về sau, vị bác sĩ này lấy một cây nến khác muốn đốt thử ngón tay của Bernadette để xem cô có phản ứng gì không, nhưng khi vừa mới đốt thì Bernadette đã vội vàng la lên: "Ông đốt tay tôi đau quá vậy".
Lần hiện ra thứ 18, cũng là lần hiện ra cuối cùng, vào ngày 16 tháng 7 năm 1858, ngày lễ Ðức Mẹ Núi Carmelô, lúc đó, Hang Ðá đã bị chính quyền vây rào chận lại rồi, cấm không cho dân chúng tới Hang Ðá nữa. Bernadette phải đứng ở phía đằng trước đối diện với Hang Ðá, cô từ đằng xa tỏ vẻ cung kính cúi đầu chào Hang Ðá, và chính lúc đó, Ðức Mẹ lại hiện ra với cô, và Ðức Mẹ đã tỏ hiện dung mạo rõ ràng và đẹp tuyệt vời để cho cô nhìn thấy giống hệt như đang ở gần bên Ðức Mẹ vậy.
Từ ngày hôm đó, Bernadette đã sống ở trần thế thêm 21 năm nữa, cô không còn gặp thấy Ðức Mẹ hiện ra, và ngày 16 tháng 4 năm 1879 cô đã được Chúa gọi về (hưởng thọ 35 tuổi). Nhưng đã hơn 100 năm nay, Lộ Ðức đã trở thành nơi hành hương Ðức Mẹ cho cả thế giới, và nhiều phép lạ được chữa lành bệnh đã xảy ra cho những người thành tâm đến cầu nguyện.

II. Tóm lược 18 lần hiện ra của Ðức Mẹ ở Lộ Ðức từ ngày 11/2/1858 tới ngày 16/7/1858
1. Lần hiện ra thứ 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7: Vui vẻ (Bắt đầu mùa chay)
Lần hiện ra thứ 1, ngày 11 tháng 2 năm 1858: Bernadette nhìn thấy ở Hang Ðá Massabielle một Phụ Nữ tuyệt đẹp, mặc một áo màu trắng và thắt một đai màu xanh. Người Phụ Nữ mĩm cười với cô nhưng vẫn giữ im lặng, không lên tiếng.
"Tôi muốn làm dấu Thánh Giá. Nhưng tôi không làm nổi, tay tôi như bị xụng xuống. Và khi người Phụ Nữ giơ tay làm dấu Thánh Giá thì lúc đó tôi mới làm được dấu Thánh Giá". Bernadette kể lại lần hiện ra thứ nhất.
Lần hiện ra thứ 2, ngày Chủ Nhật 14 tháng 2 năm 1858: Ðược sự cho phép của bố, Bernadette đi tới Hang Ðá với các người bạn. Cô cảm thấy chút hồi hộp khi nhìn thấy Ðức Mẹ, và cô đã lấy nước Thánh rảy rảy về hướng Ðức Mẹ.
Lần hiện ra thứ 3, ngày 18 tháng 2 năm 1858: Từ sáng sớm, Bernadette đi tới Hang Ðá cùng với bà Milhet, bà chủ của bà Louise Soubirous (mẹ của Bernadette), đây là lần đầu tiên Bernadette nghe thấy Ðức Mẹ lên tiếng nói với cô: "Ðiều mà ta muốn nói thì không cần phải viết ra giấy..." "Con có muốn liên tục 15 ngày đến đây với Ta không?" "Ta không hứa sẽ cho con hạnh phúc ở đời này, nhưng sẽ cho con hạnh phúc ở đời sau". Những ngày tiếp theo với những lần hiện ra thứ 4, 5, 6, 7. Bernadette lần chuỗi Mân Côi với Ðức Mẹ, và đôi lúc vui vẻ đối thoại với Ðức Mẹ. Ðám đông dân chúng đến càng ngày càng đông.
2. Lần hiện ra thứ 8, 9, 10, 11, 12, 13: Làm việc đền tội (Mùa chay)
Từ thứ Tư 24 tháng 2 năm 1858, lần hiện ra thứ 8, cho đến lần hiện ra thứ 13, Ðức Mẹ có vẻ buồn bả, nói và lập lại nhiều lần: "Hãy làm việc đền tội, hãy làm việc đền tội"... "Hãy cầu nguyện cho những kẻ có tội"... "Con có muốn hôn đất để làm việc đền tội thay cho những kẻ có tội không?"... "Con có muốn nhai cỏ để làm việc đền tội cho những kẻ có tội không?"...
Và cuối cùng, vào lần hiện ra thứ 9, Ðức Mẹ bảo: "Hãy đi uống nước từ nguồn suối trong, và hãy dùng nước suối đó để rửa mặt". Bernadette đã làm những việc này. Và sau khi cô uống nguồn nước suối này, tinh thần cô cảm thấy thoải mái hơn.
3. Lần hiện ra thứ 13, 14, 15, 16, 17, 18: Mừng vui (Mùa Phục Sinh)
Suốt lần hiện ra thứ 13, Ðức Mẹ bảo Bernadette "hãy đi và nói với cha xứ hãy xây một ngôi Thánh Ðường tại nơi này và hãy tổ chức đi kiệu Thánh Thể chung quanh đây". Lời yêu cầu này đã được Ðức Mẹ nhắc lại vào lần hiện ra thứ 14, ngày 3 tháng 3 năm 1858. Cho đến ngày 4 tháng 3 năm 1858 (lần hiện ra cuối cùng trong vòng 15 ngày). Cha Peyramale, lúc đầu không đồng ý nhưng sau đó bảo Bernadette rằng: "Con hãy yêu cầu Bà nói cho con biết tên của Bà là gì, rồi sau đó ta mới xây ngôi Thánh Ðường".
Lần hiện ra thứ 16, ngày 25 tháng 3 năm 1858, ngày lễ Truyền Tin. Ðức Mẹ nói với Bernadette tên của Bà: "Ta là Ðấng Vô Nhiễm Nguyên Tội".
Lần hiện ra thứ 17, ngày 7 tháng 4 năm 1858, ngày lễ Phục Sinh, Bernadette không cảm thấy đau đớn gì khi ngon lửa của cây nến đốt ngón tay của cô. Ðây là phép lạ cây nến.
Lần hiện ra cuối cùng (lần thứ 18), ngày 16 tháng 7 năm 1858, vào ngày lễ Ðức Mẹ Núi Carmelô. Bernadette từ đằng xa, đối diện phía trước Hang Ðá, thấy Ðức Mẹ hiện ra rõ ràng với dung mạo tuyệt đẹp và làm cho cô cảm thấy giống như đứng rất gần với Ðức Mẹ vậy.
Trong lần hiện ra thứ 18 này, vì Hang Ðá đã được bao vây bởi một hàng rào do chính quyền ngăn lại để cấm mọi người tới. Nên Bernadette phải đứng từ đằng xa, ở phía đối diện với Hang Ðá, và trông thấy Ðức Mẹ rất rõ ràng, rất gần.

(LM Joseph Trương Chuyển dịch từ tác phẩm tiếng chinese
The Appearing of Our Lady at Lourdes của nhà xuất bản Bosco,
và dựa theo tài liệu của tạp chí Lourdes số 49, tháng 5, năm 1997)