Kỷ niệm 44 năm Pleikly: Giáo dân các sắc tộc thiểu số trao đổi về đường hướng Tân phúc âm hóa
VRNs (10.10.2013) –
Gia Lai – Hơn 100 Ako khul/Yao phu từ các Trung tâm Truyền giáo lớn
Pleikly, Pleichuet, Chưti (Đức Cơ), Chereo-Tơlúi, Chư Đăng Ya (Hà Bầu)
và H’Ra (Phú Yên – Măng Yang) do các cha DCCT Tây Nguyên hướng dẫn,
thuộc Giáo Phận Kontum đã quy tụ về Trung tâm Truyền giáo Pleikly. Họ
cùng nhau nhìn lại những gì Chúa đã ban cho họ, cũng như đánh giá lại
đời sống cộng đoàn của họ ra sao và làm thế nào để thúc đẩy sứ vụ loan
báo Tin Mừng cho người dân tộc, từ 8 giờ sáng ngày 09.10.2013.
Yao phu là cách gọi của
cộng đồng Công giáo các sắc tộc Bahnar, Xêđăng hay Ako khul cách gọi
người trưởng cộng đoàn Công giáo sắc tộc Jarai. Họ là những người bản
địa cộng tác với các linh mục trong nhiệm vụ tông đồ truyền giáo.
Yáo Phu hay Ako Khul là
những người đã có gia đình hoặc chưa có gia đình, được cha sở tuyển
chọn, huấn luyện về Thánh kinh, giáo lý, phụng vụ, đạo đức, nhân bản…
Công việc của họ là đọc và hướng dẫn đọc Lời Chúa trong các nhóm, thuộc
cộng đoàn làng, nhưng không được cử hành các bí tích như linh mục.
Ông Phaxicô Saviê Y Thành,
một trong những Yao phu thuộc giáo xứ Phú Yên, giáo điểm H’Ra, Hạt Măng
Yang nghẹn nghào nói: “Giáo xứ chúng tôi đang gặp khó khan, một số người
đã sa ngã đi theo đạo Hà Mòn. Đạo Hà Mòn sử dụng Kinh Thánh và lời cầu
nguyện của đạo Công Giáo để phá đạo và làm điều xấu. Xin mọi người cầu
nguyện cho giáo xứ chúng tôi được Chúa Thánh Thần soi sáng, hướng dẫn và
biến đổi chúng tôi, để giáo xứ chúng tôi càng ngày càng vững tin, vững
mạnh hơn và nhiều người trở về với Chúa hơn”.
Người đồng bào có một niềm
tin, Chúa đã biết họ, đã thương họ và đã chọn họ trước khi họ biết Chúa.
Bà Maria KSor ALý, giáo xứ Pleichuet, 15 tuổi theo Đạo xác tín: “Tạ ơn
Chúa. Cám ơn cha và anh chị em. Chúa thương tôi khi tôi còn ở trong bụng
mẹ. Khi mẹ tôi mang thai tôi được 5 tháng, mẹ tôi đã 3 lần muốn bỏ tôi
do gia đình tôi quá nghèo, đông con và chưa biết Chúa, nhưng cả 3 lần
đều không phá được. Chúa đã bảo vệ tôi, nên tôi biết, Chúa đã chọn tôi,
để tôi giới thiệu Chúa cho người khác khi tôi chưa lọt lòng mẹ”.
Người đồng bào rất siêng
đọc Kinh Thánh nên họ cảm nhận được cuộc đời của họ gắn kết với cuộc đời
Chúa Giêsu. “Khi cha nhờ tôi dạy giáo lý cho người Jarai và gầy dựng
hội Legio Mariae cho người Jarai thì tôi sợ lắm, vì tôi không biết làm
gì hết. Tôi nghĩ rằng, cha nhờ tôi, có nghĩa là Chúa muốn tôi làm công
việc này, nên tôi đã vâng lời cha giống như lời Xin Vâng của Mẹ Maria.
Khi đi làm công tác mục vụ, rất nhiều người chê tôi nhưng tôi nhìn vào
Thập giá Chúa Kitô, tôi không thấy sợ nữa và mặc cho người ta chê. Tôi
chỉ biết phó thác cho Chúa thôi. Tôi làm công tác mục vụ ở làng không
được nhưng tôi làm công tác mục vụ ở làng khác thì lại tốt hơn”.
Ama
Đok, ako khul xã Chư Gu, huyện Krông Pa. Trước khi tin Chúa anh là công
an, nhưng khi gặp Chúa thì bỏ công an để đi phục vụ Chúa và bị đồng
nghiệp cũ bách hại.
Bà Maria KSor H’Khel tâm sự. Bà Maria KSor H’Khel là con gái đầu lòng của bà KSor ALý và kế thừa mẹ đi truyền giáo.
Cha Giuse Trần Sĩ Tín, CSsR
phân tích: “Chúng ta thấy, cho đến bây giờ, Chúa Giêsu vẫn đang trong
hành trình vác Thánh giá, vì thế những người làm việc cho Chúa phải chấp
nhập những gian nan thử thách và phó thác cho Chúa, sẽ vượt qua được
những khó khăn. Chị KSor H’Khel nói, chị không biết làm gì cả và không
có tài năng gì nhưng chị đã khiêm nhường, gắn kết mọi người trong tình
thương Chúa và phục vụ Chúa hết lòng chính vì vậy chị đã vượt qua được
những gian truân”.
Đời sống cầu nguyện là
phương thức quan trọng nhất trong công việc truyền giáo. Hôsê Rahlan
Hoang, giáo xứ Phú Quang khẳng định: “Khi tôi còn bé, ông ako khul đã rủ
tôi đi chơi và mời tôi vào hội Legio. Mọi người tin tưởng tôi và để cử
tôi là trưởng Hội Legio nên tôi đồng ý. Tôi cảm thấy công việc tôi làm
giống như là Đức Mẹ đi thăm bà Thánh Elisabet. Đời sống cầu nguyện rất
quan trọng và đây là cách duy nhất để truyền giáo, vì thế mỗi bữa cơm
gia đình chúng tôi quy tụ các con lại dạy đọc kinh và cầu nguyện trước
khi ăn cơm. Mỗi lần như thế gia đình chúng tôi có nhiều niềm vui và bình
an. Gia đình chúng tôi rất nghèo nhưng chúng tôi phó thác tất cả cho
Chúa. Chúa cho nhiều thì ăn nhiều, Chúa cho ít thì ăn ít. Có nhiều khi
tôi đi truyền giáo hơn một tuần không có tiền đổ xăng, vợ tôi đã đi mượn
tiền cho tôi đổ xăng. Cứ đi truyền giáo, mọi chuyện tính sau vì có Chúa
lo”.
Ông Têphanô Hyunch, giáo xứ
Hà Bầu: “Khi tôi theo đạo, tôi cảm thấy rất vui vì được Chúa yêu
thương, ban cho tôi rất nhiều ơn. Nhưng tôi có một cái dở là khi tôi
lười không chịu làm việc [không có cái ăn], thì lại đổ thừa cho Chúa
không yêu thương tôi. Tôi tin rằng, Chúa luôn ở bên tôi nên cuộc sống
của chúng tôi sẽ khác. Nhờ có Chúa mà người Jarai chúng tôi mới gắn kết
và liên kết được với nhau trong những nỗi vui nỗi buồn”.
Cha Tín kêu gọi: “Các Yao
Phu khi đi truyền giáo nên mang theo một thanh niên, để kế thừa công
việc mục vụ, đồng thời đẩy mạnh và củng cố việc cầu nguyện cho từng gia
đình và cho từng làng, vì ở đâu có lời cầu nguyện thì ở đó sẽ có người
theo đạo”.
Cha Tín chia sẻ tiếp:
“Những điều chúng ta chia sẻ với nhau là những nét đặc trưng và rõ ràng
của người dân bản địa. Thứ nhất, chúng ta nói nhiều về cầu nguyện, tức
chúng ta có mối liên hệ với Chúa và trò chuyện với Chúa. Thứ hai, Lời
Chúa trong Kinh Thánh. Thứ ba, nói về tác động của Chúa Thánh Thần. Chúa
đã dùng chính chúng ta, dạy dỗ chúng ta và đoàn kết chúng ta trong Hội
Thánh của Chúa, để chúng ta làm việc theo đúng Lời của Chúa và, sống và
làm việc theo Giáo huấn của Hội Thánh.
Đức Thánh cha Phaxicô nói,
muốn loan báo Tin Mừng đi vào Tân phúc âm hóa chỉ có Chúa Giêsu. Kế đến,
là cầu nguyện. Cầu nguyện. Cuối cùng là làm chứng và làm chứng theo
cách chúng ta đã chia sẻ về kinh nghiệm truyền giáo của mỗi người về
tình thương của Chúa dành cho mỗi người”.
Một Yao phu lớn tuổi ước
mong: “Các cha nên tổ chức buổi tĩnh tâm cho các Yao Phu này nhiều lần
trong một năm như thế này, để mọi người có cơ hội gặp nhau, trò chuyện
với nhau và chia sẻ kinh nghiệm cho nhau. Theo đạo thì dễ nhưng sống
trong đạo thì khó.”
Trung tâm Truyền giáo Pleikly nằm trên Đường quốc lộ 14, cách trung tâm tỉnh Gia Lai 60 km, cách Sài Gòn gần 500 km.
Lm. Phêrô Nguyễn Đức Mầu, CSsR
Lm. Giuse Trần Sĩ Tín, CSsR
Được
biết, ngày 10.10.1969, Đức cha Paul Seitz Kim đã sai bốn tu sĩ DCCT đến
vùng Pleikly này và trao trách nhiệm truyền giáo cho người Jarai. Đến
nay đã tròn 44 năm. Đặc biệt năm nay cũng là năm kỷ niệm 50 năm khấn
dòng của các thừa sai tiên khởi của vùng Pleikly này là cha Giuse Trần
Sĩ Tín và Phêrô Nguyễn Đức Mầu.
Bài: HT, VRNs
Ảnh: Phương Trần, VRNs
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét