Ý Lực Sống 55 :
KÍNH NHI VIỄN CHI
1. Hồi xưa còn nhỏ đi học, thầy giáo dạy là câu nói đó cho ta biết: Ông Trời thì ở xa lắm, không ai có thể nhìn thấy được, nhưng ta phải kính trọng Ông Trời. Sau này khi học thêm, thì biết câu này là của Đạo Nho, là của Đức Khổng Tử . Rồi sau đó mình học được nhiều câu nữa cũng của Nho giáo về tính cách của Ông Trời:
* “Hoàng Thiên hữu nhãn” , nghĩa là Ông Trời có mắt mà mắt Ông Trời thì thấy được hết mọi sự.
* “Thiên Võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu”, nghĩa là lưới Trời thưa rỉnh thưa rảng, nhưng không gì chui lậu qua được !
* “Thiện ác đáo đầu chung, hữu báo”, có nghĩa là việc tốt việc xấu ta làm, cuối cùng nó cũng quay về lại với ta thôi, hữu báo là rõ ràng như đã được báo trước rồi ! Chính Ông Trời là quan xét xử mọi sự và thưởng phạt rất nghiêm minh.
Những điều Nho giáo dạy về Ông Trời thì rất nhiều và rất hay không kể hết được.
2. Trên thế giới hiện nay có nhiều tôn giáo khác nhau, tuy khác nhau nhưng lại có 3 điều giống nhau : Thứ nhứt là tin có một Đấng Siêu Linh; thứ hai là tin có cuộc sống sau khi chết; thứ ba là tin có nhân quả. Nho giáo gọi đấng đó là Thiên (Trời), người Việt mình cũng gọi đấng đó là Ông Trời.
3. Khi chưa có tôn giáo nào ở Việt Nam, người Việt mình đã bày tỏ tấm lòng với Ông Trời : Lạy Trời mưa xuống,
Lấy nước tôi uống,
Lấy ruộng tôi cày,
Lấy đầy bát cơm,
Lấy rơm đun bếp.
Ôi ! Một tâm tình thật tuyệt vời với Đấng Thiêng Liêng ! Không chê vào đâu được. Bây giờ thì mất hết rồi. Một câu tuyên truyền rất ngạo mạn mà mình đọc được: “Ông Trời hãy đứng một bên, để cho nông hội đứng lên làm trời !”. Nói năng như vậy là không được đâu !
Không hề có ai thấy được Ông Trời, nhưng đa số người đã tin vào Ông Trời đầy quyền năng và hết lòng tôn kính , kể cả những người không thuộc tôn giáo nào.
4. Quê mình ở Bình Định, tỉnh này tỷ lệ người Công giáo rất thấp. Khi còn nhỏ, mình thấy trước sân của nhiều nhà không theo đạo nào, có trồng một cây trụ cao khoảng 1m5, trên đầu trụ đóng một miếng ván nhỏ , trên tấm ván có bát nhang, ngày lễ, ngày rằm hay dịp Tết. . . thì có lọ hoa rất đơn sơ nữa ! Đầu óc “công giáo” ở tuổi nhỏ của mình thì đó là mê tín dị đoan ! Lớn lên, khi học văn minh Việt Nam thì được biết đó là bàn thờ “Kính Thiên” ! Bàn thờ này là để thờ Ông Trời ! Chủ nhà thắp nhang để kính thờ Trời, để xin Trời phù hộ. . . Thật tuyệt vời phải không ? Bây giờ đâu thấy như vậy nữa ?
5. Khi còn nhỏ học giáo lý công giáo thì có cái từ : “ Kính Sợ “ Thiên Chúa. Không những “kính” mà còn phải biết “sợ” Chúa, vì Thiên Chúa là Đấng đầy quyền năng và thưởng phạt công minh. Làm điều ác đức là thế nào cũng bị đòn ! Luật pháp xã hội cũng thế thôi ! Có thể anh không sợ lãnh đạo nhưng ai cũng sợ luật pháp xét xử khi anh làm điều trái luật ấn định.
6. Nhiều người, kể cả những người có quyền có chức, có súng có đạn . . . mà không thèm tin có Chúa hoặc coi thường Chúa, rồi phạm tội ác tày đình. . . này nọ . Thiên Chúa vẫn hiện hữu và không hề sợ và chạy trốn những loại người như vậy đâu ! Mình có nghe câu này không biết xuất xứ từ đâu : “Trời làm một trận lăng nhăng, ông hoá ra thằng , thằng hoá ra ông !” Con người chết, Thiên Chúa không hề chết !
7. Thánh Augustino, một người thông minh xuất chúng thế kỷ thứ 4, sau một thời gian dài buông tuồng mất nết sống như kẻ vô thần, nhờ lời cầu nguyện và tình thương của người mẹ mà trở thành người tin Chúa mãnh liệt, đã thốt lên câu này: “ Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con !” Biết Chúa là Đấng vô cùng cao cả, biết con là kẻ hèn mọn tội lỗi. Vô tri thì bất mộ.
“Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất “ Đó là kinh Tin Kính của đạo Công Giáo và cũng là niềm tin của mình bây giờ ở tuổi 81 và tin cho đến chết ! Mong những ai có niềm tin vào Đức Chúa hãy cầu nguyện cho mình với. Trong kinh Tin Kính cũng có câu : “Tôi tin Hội Thánh thông công”, nghĩa là chúng ta có thể cầu nguyện cho nhau, vậy chúng ta hãy cầu nguyện cho những người vô thần được ơn biết Chúa. Ơn Chúa là thiêng liêng, mắt mình không thấy được. Amen
Nguồn : Lm. Phêrô Nguyễn Văn Đông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét