Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2018

LINH MỤC GIUSE HOÀNG NGỌC MINH VÀ LINH MỤC THÉOPHILE BONNET QUÝ


LINH MC GIUSE HOÀNG NGC MINH VÀ LINH MC THÉOPHILE BONNET QUÝ


Trả lời trong một cuộc phỏng vấn của Tạp chí Eglises d'Asie gần đây, Đức Cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị, Giám Mục Gp. Kon Tum có nhắc đến 2 vị linh mục của Giáo phận đã hy sinh trong lúc thi hành nhiệm vụ mục tử:
"...Chúng tôi không quên các vị tử đạo của mình, Cha Minh và Cha Bonnet đã bị sát hại trong thời chiến khi họ đang trên đường đi cử hành Thánh lễ"... 
(x. Eglises d'Asie - le 01/11/2018 / Frédéric Mounier - Nguyễn Trọng Đa chuyển ngữ - Nguồn: www.vietcatholic.org) 
______________________________________


LINH MỤC GIUSE HOÀNG NGỌC MINH
(1915 - 1960)
Lm Gp Kon Tum 

                                               
Năm 1915, Giuse Hoàng Ngọc Rậu (tức Minh), sinh ra trong một gia đình công giáo làng Hội Am, tỉnh Hải Dương (Bắc Việt).
Là con thứ hai trong gia đình, cậu bé Hoàng Ngọc Minh có ước muốn dâng mình từ khi còn rất nhỏ. Cậu bị cha xứ từ chối hai lần vì lý do còn nhỏ tuổi. Nhưng rồi dịp may đến: có người giới thiệu cậu đến với cha Nhã ở Đồng Xá, cậu được nhận vào ban giúp lễ gần được một năm. Cha Nhã giao cậu giúp lễ cho cha Trọng là nghĩa tử của ngài mới được phong chức. Sau một thời gian, năm lên 10 tuổi cậu dâng mình vào“Nhà Đức Chúa Trời” giúp cha già Thịnh ở xứ Cốc, Vĩnh Bảo trong một thời gian.
Lên 12 tuổi, cậu được nhập Trường Thử tại Đông Xuyên, sang Tiểu chủng viện Ba Đông và rồi qua Giáo hoàng Chủng viện Alberto NamĐịnh. Đang truyền giáo ở Kẻ Sặt, được biết tại Kontum có một Hội thừa sai Việt Nam vừa thành lập và đã được Tòa Thánh châu phê, thầy Rậu liền xin nhập Hội năm 1941. Sau thời gian giúp dạy học ở Tiểu chủng viện Kontum, năm 1942, thầy được Đức cha Khâm (Jean SION) gởi đi học tại Đại chủng viện Xuân Bích, Hà Nội. Nhưng vì chiến cuộc, năm sau Bề Trên lại gọi thầy về Đại chủng viện Qui nhơn. Ngày 21-10-1948, quân đội Pháp đổ bộ lên hải cảng Qui Nhơn. Thầy đã xuống tàu vào Nha Trang để về lại Kontum.
Ngày 3-4-1949 thầy Rậu (từ nay lấy tên là Minh) thụ phong linh mục doĐức cha Khâm. Trước hết cha Minh đi làm phó cha già Simon Thiệt ởVõ Định ngày 20-4-1949. Sau đó cha học tiếng Bahnar mấy tháng ởMangla. Tháng 12 năm 1950, người được gọi đi chánh sở Kon Dŭ. Địa sởnày lúc ấy mới thành lập, thiếu thốn tất cả và núi non hiểm trở. Một chú giúp ngài kể lại: khi cha mới lên nhận sở, mấy ngày đầu, thấy tình cảnh buồn tẻ, các chú giúp “mỗi anh một góc nhà ngồi quay mặt ra rừng khóc sướt mướt”.
Trong 10 năm ở Kon Dŭ, nhờ ơn Chúa, cha đã rửa tội được đến 10 làng Xơđăng. Cha là một trong những linh mục đầu tiên mở trường học với ký túc xá cho con em dân tộc (năm 1952). Năm 1959, 3 làng nhỏ ở Kon Dŭ đã bàn tính với cha để tập trung làm một làng lớn ở Kon Kơla nhưhiện nay. Ngoài công việc truyền giáo, cha còn mở nhà hộ sinh, phòng phát thuốc để săn sóc sức khỏe cho người dân tộc, không phân biệt lương giáo. Cha đang xây dựng một nhà thờ dài gần 40 mét, ngang 12 mét, toàn bằng gỗ cẩm lai và trắc. Trong thời gian này, cha Minh bịphong tê thấp rất đau đớn, có lúc cha phải “bò lết” trong nhà. Vì bệnh quá nặng, ngày 14-9-1960 cha phải về điều trị tại nhà Chung Kontum. Ngày 24-9-1960 được tạm bình phục, cha vội vã trở về sở với đoàn chiên. Dù sống trong vùng chiến cuộc leo thang, nguy hiểm tính mạng, nhưng cha vẫn vui lòng xin Bề trên ở lại, sống chết với con chiên.

Ngày 27-9-1960 cha Gioan Baotixita Nguyễn Quang Huy mời người đến họ Tân Cảnh làm phó tế giúp lễ mồ. Sáng hôm sau, như được ơn Chúa soi sáng, cha dọn mình xưng tội sốt sắng. Sau lễ, cha đi thăm bạn bè và giáo hữu quen biết ở Tân Cảnh. Độ 10 giờ sáng ngày 28-9-1960 cha trởvề Kon Kơla. Khoảng 11 giờ trưa, chỉ còn cách nhà 4 cây số, bị phục kích, xe vừa ngừng thì toán người từ trên mô đất cao nhảy xuống dùng cây vót nhọn đâm đánh cha tàn nhẫn và bắn cả loạt súng vào thân mình cha. Cha ngã gục trên xe; tài xế Huỳnh Hữu cháu của ngài cũng bị 8 viên đạn bất tỉnh. Mấy phút sau, anh Hữu hồi tỉnh, thì bọn sát nhân đã tẩu thoát. Tuy bị trọng thương, anh còn cố lái xe đi một quãng độ 1 cây số; nhưng rồi kiệt sức không lái được nữa, anh để xác cha trên xe, lần mò về rẫy dân tộc gần đó báo tin. Được hung tin, dân làng kẻ đao người ná chạy ra phụ lực đẩy xe đưa thi hài cha về nhà xứ cầu kinh,đồng thời cho người cấp báo địa phương.
Tại Tân Cảnh, vào lúc 18 giờ, khi nghe tin linh mục Hoàng Ngọc Minh bị hạ sát, cha Gioan Baotixita Nguyễn Quang Huy đến Kon Kơla lúc nửa đêm. Vào 2 giờ sáng 29-9-1960, thi thể cha được đưa ra xe rước về nhà thờ Tân Cảnh. Sau đó cha Gioan Baotixita Nguyễn Quang Huy đã cử hành lễ mồ cầu cho cha, cùng với cha Léoni làm tùy phó tế như trong lễ mồ mà chính cha mới giúp nơi đây hôm qua và cha Gioakim Chế Nguyên Khoa làm phó tế. Lễ xong, linh cửu của ngài được rước về Nhà Chung Kontum lúc 2 giờ chiều ngày 29-9-1960 và ngay sau đó được đưa đến nhà thờ Chính Tòa, cho giáo hữu đến kính viếng và cầu nguyện. Qua 16 giờ ngày hôm sau, tức 30-9-1960, đông đủ linh mục, giáo dân, và một số đồng bào lương tất cả ước lượng đến gần 8000 người đưa linh cữu cha đến nơi an nghỉ cuối cùng ở nghĩa địa các cha tại Kontum.
Cha Giuse mất đi, để lại cho giáo sĩ cũng như giáo dân Kontum, nhất là con chiên cha ở Kon Kơla, và cả đến những người ngoài công giáo, một niềm nhớ thương mến tiếc. Cha rất đơn sơ, tính tình hiền lành dịu dàng, vui vẻ. Một cựu bạn học của cha làm chứng: trong 20 năm không bao giờ thấy ngài nặng lời, cứng cỏi với một người nào, sống đời nghèo khó, hy sinh cho người dân tộc không phân biệt lương giáo. Nhớ lại Lời Chúa trong Bát Phúc:
“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. (. . . ). Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì Thầy mà người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt. 5, 3-4. 10-12).
Chúng ta tin Chúa đã ban cho ngài “đất Chúa hứa”.
Ngày 17-1-1961, nhà xứ, trường học, nhà nguyện và tất cả đồ đạc của cha ở Kon Kơla đều bị hỏa hoạn thiêu hủy. Có người nói: “Của cha Minh đã theo ngài cả”. Những di tích vật chất của cha đã tiêu tan, nhưng chính sự nghiệp của cha là sự sống Thiên Chúa mà cha đã truyền sinh, đã hun đúc trong các linh hồn, sự nghiệp ấy còn trường tồn.

(Theo hdgmvietnam.org)

=========


LINH MỤC THÉOPHILE BONNET QUÝ
(1926 – 1961)
THỪA SAI GP. KON TUM

                                              

Đây là bổn phận của tôi phải viết những dòng chữ nầy cho anh chị em bà con thân thuộc của vị thừa sai vừa mất đi là Cha Théophile Bonnet. Cũng xin nói lên nỗi buồn đau sâu sắc của tôi và của những người bạn Linh mục thừa sai Kontum, và hiệp thông với đau buồn của Quý vị, tôi xin chia sẻ những kỷ niệm được vị thừa sai để lại cho Giám mục và các linh mục đồng nghiệp với những chi tiết thật cảm động vào những ngày cuối đời Ngài.
Tôi không thể trình bày sớm hơn về sự kiện đau buồn vì vùng đất chúng tôi đang sống có nhiều biến động. Chúng tôi cần phải từ từ tìm hỏi các nhân chứng và đối chiếu chứng từ để biết chính xác những giờ phút cuối đời Cha Théo.
MỘT CON NGƯỜI HOẠT ĐỘNG
Tôi xin được gọi Ngài như thế, như anh chị em và các bạn đồng sự thường cũng đã gọi Ngài như vậy, đối với Tôi Giám mục của Ngài cũng như đối với mọi người, Ngài vẫn là… THÉO…
Là một chàng trai rất dễ mến, luôn tìm kiếm sự tiếp xúc rất hiệu quả, muốn trao ban tình thân hữu và chiếm được tình cảm của mọi người. Tính tình bộc trực và thẳng thắn, Ngài không quanh co và người ta không cần nghi ngại gì về ý nghĩ của Ngài. Là người tình cảm, Théo rất dễ xúc động, nhưng lại là một người cứng cỏi không ủy mị.
Sự cô độc đè nặng, Ngài cần cuộc sống tập thể nhóm, Ngài nói và tìm kiếm điều đó. Ngài cần có sự liên kết của tình bạn trong kinh nguyện và trong việc làm, và Ngài luôn được tràn đầy. Thật ra, không phải lúc nào Ngài cũng mãn nguyện, vì trong vài hoàn cảnh ngắn, Ngài đã phải sống một mình cũng như hầu hết các bạn khác ở các làng mạc xa.
Như thế, Ngài đã chịu đựng cách can đảm sự thiếu thốn lớn lao vật chất lẫn tinh thần. Ngài sống khổ hạnh trong hy vọng ngày nào đó sự mong ước của Ngài được thực hiện.
Tôi đã thấy rỏ ràng rằng tâm hồn Ngài được nâng lên cao và chấp nhận hy sinh quảng đại trong khi chờ đợi. Ngài thường chân thành nói với tôi về điều đó, và tôi đã cùng với Ngài nghiên cứu khả năng thành lập nhóm thừa sai. Mỗi lần như thế, chúng tôi cùng chấp nhận phải chờ đợi một thời gian nữa. Với quan điểm đó, Cha Théo đã không tránh khỏi gặp phải những  ý kiến phản đối, hoặc hơn nữa thấy người chống đối. Trong khi đó, không bao giờ những khó khăn này làm cho ngài buồn hờn lâu. Các va chạm như thế có thể xảy ra giữa anh em trong cuộc sống này.
Thật ra, Cha Théo không có khả năng hờn giận. Nếu Ngài bị chống đối, lòng quảng đại thúc đẩy Ngài nhanh chóng tha thứ. Nếu Ngài là người phản đối, không bao giờ với ý tưởng xấu, Ngài biết nói những lời hay làm một cử chỉ liên kết thân tình. Sự dễ mến mà Ngài tỏa sáng và tạo ra xung quanh Ngài đã tràn ngập giữa những linh mục đồng nghiệp. Trên vùng Cao nguyên này, hay ở Sài Gòn, giữa người phương Tây hay người Việt, Cha Théo đã có mối quan hệ rộng rãi và hơn nữa những tình bạn bền vững.
Cha Théo, ở tuổi 35 và sau 10 năm hiện diện trong sứ vụ thừa sai Kontum, nơi mà Ngài phụ trách nhiều địa điểm khó khăn, luôn tràn đầy sức sống thể xác lẫn tinh thần: năng động, trách nhiệm, Ngài tích cực hoạt động không mệt mỏi.
Về phương diện này, Ngài yêu mến sâu sắc hoạt động Tông đồ với những âu lo không thể tránh khỏi của một người xây dựng cho vùng sâu vùng xa (1) (Broussard constructeur).
Chín mùi thử thách, giàu kinh nghiệm mục vụ, và thông hiểu nhiều thổ ngữ (tiếng ĐBATTS), Ngài sẵn sàng cho công cuộc truyền giáo một cách tuyệt vời và hiệu quả.
Théo không phải là một người nửa vời, những hoàn cảnh về cái chết của Ngài rất sáng tỏ về phương diện này; và cách cư xử trước những tình huống tồi tệ đã giải thích tính cách của Ngài mà tôi vừa thoáng đề cập.
Lòng trắc ẩn hướng dẫn bởi đức tin, và lòng quảng đại nhờ ân sủng của Ngài, và hơn nữa theo tôi những hoàn cảnh đặc biệt của thời cuộc và của địa phương nơi các nhà thừa sai đang sống là những nguyên nhân sâu xa dẫn tới cái chết của Ngài.
Chắc chắn, họ có một cuộc sống đầy nguy hiểm, đời sống chứng nhân cho Thiên Chúa với đời sống vô thần Mác-xít đối nghịch đang muốn áp đặt bằng mọi cách. Vào lúc này, mỗi người có thể và phải chờ điều tồi tệ nhất. Tôi nói theo ngôn ngữ loài người, bởi vì dưới con mắt đức tin, cái chết phải chăng là lối vào cuộc sống vĩnh cữu và tử vì đạo là ân sủng của mọi ân sủng? Vậy, đối với chúng ta, cuộc đời đã hoàn tất: chúng ta không hy vọng vào nơi thế giới và loài người, và kiếm hy vọng của chúng ta chỉ là ở Chúa. Các vị thừa sai chấp nhận sự hy sinh: họ rao giảng Tin mừng, Lời Chúa khi trời còn sáng và biết rằng “Ông chủ” (Chúa) có thể gọi họ đi bất cứ lúc nào. Họ thích nói: “Với chúng tôi, không có vấn đề gì nữa, tất cả đã rõ ràng”. Đó là giá trị mà họ sống trong bằng an và niềm vui.
Phải chăng nói được rằng đất nước này đang, hoặc sẽ không tránh khỏi sống dưới ách cộng sản? Không! Nhưng chiến tranh phá hoại sự khủng bố, và ít nhất có thể nói đến sự nguy hiểm.
Théo đã có thể đề phòng hơn hay không, khi vẫn luôn trung thành sứ vụ của mình? Tôi tin rằng Ngài đã vâng nghe từ bên trong tiếng gọi khôn ngoan của Thiên Chúa hơn là sự cẩn thận của loài người. Tới đây, chúng ta xin đừng suy đoán thêm…
Đường dẫn tới hy sinh (Khúc quanh dẫn tới hiến tế): KON KƠLA
Vào tháng 12/1960, Cha Théo còn tại Pháp, nơi mà vài tháng trước, Ngài đã trở về khẩn cấp thăm Cha Ngài đang hấp hối. Ngài không cần phải trở lại nhiệm sở đúng thời gian.
Tôi thông báo cho Ngài biết là thuyên chuyển Giám đốc trường Giáo phu và bổ nhiệm Ngài đi xứ. Tôi biết rằng quyết định này làm Ngài ngạc nhiên và cảm thấy nặng nề: Ngài yêu mến học trò và ngôi trường của Ngài.
Ngày 25 tháng giêng năm1961,Ngài viết thư cho tôi: “Con chấp nhận không bàn cải quyết định của Cha và con hy vọng Cha tìm thấy nơi con một linh mục đủ quảng đại và không hề nhỏ mọn để chấp nhận nhiệm sở được Cha bổ nhiệm cho con dẩu tầm thường hoặc khó khăn thế nào chăng nữa. Trong hoàn cảnh hiện nay, chắc chắn không thích hợp để chúng ta quan tâm tới những tiểu tiết, mà là những việc cấp bách chính yếu hơn nhiều.”
Ngày 14/02, tôi đã trả lời cho Ngài: “Tôi còn chưa nói rõ nơi nào tôi bổ nhiệm Cha. Nhưng đó sẽ là một nhiệm sở hẻo lánh, thiếu thốn tất cả, đầy khó khăn và thậm chí nguy hiểm. Một nhiệm sở mà một thừa sai đừng nghĩ sẽ yêu thích.”
Địa sở mà tôi dành cho Ngài là Kon Kơla.
Năm tháng trước đó, ngày 28/09/1960, Cha sở của Kon Kơla, Cha Minh, một linh mục người Việt, đã bị cộng sản giết chết (ám sát), để lại sự tang tóc, rối loạn cho cộng đoàn Kitô hữu rộng lớn.
Hai tháng sau, họ quay lại đốt làng, nhà thờ, nhà xứ và tất cả đồ đạc vật dụng, hơn một nửa số nhà dân bị đốt phá.
Để ổn định lại tình thế của xứ đạo, nắm lại địa bàn, cần một vị thừa sai “dám làm” (missionnaire de choc).
Khi Cha Théo trở lại Kontum vào cuối tháng 02/1961, tôi cho Ngài biết phận sự mới của Ngài, Ngài lấy theo vài vật dụng cần thiết và không ngoái lại phía sau. Ngài không muốn cả những lời chào tạm biệt của học trò cũ vì sự tế nhị đối với người kế nhiệm và theo tôi cũng do sự nhạy cảm riêng. Ngài đến vùng rừng rú, địa sở của Ngài cách Kontum 65 cây số về hướng Bắc.
Chẳng còn gì, kể cả một cái chòi để ở. Trong 10 tháng, từ tháng 3 đến tháng 12 năm 1961, Ngài đã thay đổi tình hình một cách ngoạn mục: sự sống thay vì hoang phế, hi vọng thay vì khủng hoảng. Một nhà nguyện nhỏ xinh xắn bằng gỗ, tre, tranh nứa chẳng mấy chốc được dựng lên và Chúa Giêsu Thánh Thể lại ngự giữa đoàn con của Người. Một nhà xứ đơn sơ nhưng ở được và thích hợp cho một nhà truyền giáo cô độc vùng xa xôi (Bruossard) ở lâu đài được dựng lên bên cạnh nhà nguyện.
Những ưu tư vật chất biến nhanh qua vì … “Điều cần thiết cấp bách hơn nhiều”.
Điều chính yếu đối với Ngài, đó là: giáo huấn tín hữu; chuẩn bị đối phó sự bách hại của cộng sản, một thực tế khủng khiếp; mở rộng vương quốc Chúa bằng cách hoán cải đông đảo lương dân ở chung quanh và cuối cùng làm chứng tá, đối lại chủ nghĩa cộng sản rằng những người công giáo, những linh mục luôn tin vào điều họ rao giảng và điều họ làm.
Ngài tổ chức lại hoạt động mục vụ bằng cách thăm viếng đều đặn 14 xứ họ của Ngài, mặc cho những cơn mưa như thác đổ, những lối đi dốc đèo trơn trợt. Ngài nắm lại các giáo phu, yêu cầu họ rất nhiều, bởi chính Ngài cũng trả giá bằng mạng sống.
Và công việc này của vị tông đồ, hoạt động này của người gieo giống đã hoàn tất trong cùng  thời gian mà cán bộ cộng sản cũng có hoạt động như thế. Ngài đã không gặp họ, vì họ tránh lộ diện. Nhưng không lâu sau, họ liền khiêu khích và đe dọa hơn.
Vào một đêm trong tháng 9, họ thình lình đến Kon Kơla, khoảng 40 người có vũ trang, và triệu tập tất cả dân làng; các thủ lãnh vào nhà Cha Théo và ép buộc Ngài tham dự cuộc học tập với dân làng. Sau đó hoặc là Ngài phải đi gặp họ ở trên đường hoặc họ đến tìm Ngài ở Kon Kơla.
Với những người cộng sản cũng như với tất cả mọi người, những lần gặp gỡ đầu tiên, Cha Théo tỏ ra rất thoải mái, thẳng thắn và chân thật, trong đối thoại để tìm kiếm mối thiện cảm. Ngài nói: “Tại sao không? Đó là những linh hồn cần cứu rỗi!” Thật ra, Ngài vượt  trội hơn họ một cách dễ dàng, bằng sự bình tĩnh và dễ chịu của Ngài, cả biện pháp biện chứng Ngài cũng hỏi hơn hẳn những con người đáng thương này. Nhưng tôi thiết nghĩ Ngài đã làm họ ngạc nhiên hơn nữa, đặt vấn đề cho họ khi Ngài tỏ lộ cho họ thấy con tim đầy yêu thương, không hận thù. Đôi khi, nở một nụ cười giữa lúc họ cố gắng “tẩy não Ngài” Ngài mời họ một điếu thuốc lá, uống một ly rượu. Ngài giữ vị trí chủ nhà đón tiếp, Ngài kiên nhẫn lắng nghe.
Một hôm, Ngài dẫn một cán bộ cộng sản chơi bóng chuyền với Ngài và thanh niên trong làng. Sau một hiệp đấu, Ngài tâm sự: “nếu mọi thanh niên trên thế giới chơi bóng như chúng ta thay vì cầm súng, bạn thấy rằng tất cả sẽ tốt đẹp hơn không?” Giữa một vùng hẻo lánh miền Đông Dương, người thanh niên Pháp này, một linh mục thừa sai, thủ lãnh đội du kích cộng sản, kẻ ngày mai lạnh lùng giết chết đồng đội của mình, nhóm thanh niên “hoang dã” này, những tân tòng mới hôm qua, đã cùng chơi với nhau; tình yêu hoặc hận thù sống mãnh liệt trong ai, những con người này?!!
Cảnh tượng thật mặn mà và thật cao thượng.
*
*             *
Chính vào giai đoạn này, giữa tháng 9, Cha Théo với sự đồng ý của tôi, đã thực hiện ước mong của mình: sống và làm việc theo nhóm với một đồng nghiệp.
Vị thừa sai ở nhiệm sở Dak-Potrang, một vùng người Sédang khá phát triển, xa hơn về phía Bắc vào khoảng bốn giờ đường, Cha Marcel Lantrade đã bị buộc phải rút lui một thời gian. Thật ra, một đồn quân sự quan trọng ở vùng này và rất gần địa sở của Cha Lantrade đã bị cộng quân tấn công từ đêm 31/08 đến 01/09. Vị đồng nghiệp này đã xuống ở Kon Kơla và hai vị thừa sai tổ chức hoạt động mục vụ chung.
Ngày 27/10, có một lễ hội lớn ở Kon Kơla: tôi đã được đến đó, cùng với Cha Jaeques Dournes để kinh lý, chủ trì ban Bí tích rửa tội cho 140 tân tòng và ban Bí tích Thêm sức cho hơn 300 tín hữu. Tất cả đã diễn ra tốt đẹp: du kích không xuất hiện. Tối đó, vào giờ canh thức, tất cả bốn chúng tôi đều rất vui mừng. Một người trong chúng tôi nói: “mặc kệ cộng sản… (hăng hái) tiến nhanh lên! Thật tuyệt vời! và nếu một ngày nào đó họ lột da chúng ta, họ vẫn công nhận đó sẽ là một chiến thẳng nữa cho chúng ta”.
Cha Marcel Lantrade không còn là một thừa sai trẻ nữa. Ở vào tuổi 55 mà Ngài vẫn còn ở một trong những địa điểm khó khăn nhất địa phận mà Ngài đã thành lập hai năm trước.
Sau 10 năm phục vụ, đã đến lúc Ngài xứng đáng được nghỉ phép vào mùa xuân năm 1962 tại Pháp. Dựa trên chính gợi ý của Cha Théo, Cha Lantrade quyết định đi nghỉ không phải vào mùa xuân nhưng vào mùa thu năm 1961 để trở lại vào mùa mưa, thời gian khó khăn nhất. Và như thế, không lâu sau chuyến kinh lý tại Kon Kơla, Cha Lantrade đã chào tạm biệt cộng đoàn của mình hôm trước để chuẩn bị đi nghỉ vào tháng 11. Đó chỉ là sự vắng mặt vài tháng. Tuy nhiên, tôi không muốn để Cha Théo một mình lúc này, hơn nữa, dự kiến công tác tông đồ chắc chắn phát triển ở trong vùng, ngày 04/12 tôi bổ nhiệm Cha Christian Léoni, một thừa sai trẻ đến Kontum năm 1959, làm Cha phó chánh xứ Kon Kơla. Ngày 08/12, Cha Théo về Kontum, tôi đã thông báo cho Ngài biết, tin rằng sẽ mang lại cho Ngài niềm vui. Và như thế đến ngày 15/12, Cha Léoni sẽ lên nhận nhiệm sở. Cha Léoni không đến đó, và tôi đã quyết định cho Cha đi nơi khác, vì ngày 13/12/1961, Cha Théo cha sở của Ngài, đã ngã xuống…
Bây giờ, chúng ta sẽ theo Cha Théo từng ngày:
* Ngày 08 tháng 12 năm 1961:
Cha Théo về Kontum để tham dự lễ khấn và nhập dòng của các Soeur Dòng Ảnh Phép Lạ, một hội dòng Công giáo cấp giáo phận dành riêng cho thiếu nữ người Thượng mà ở đó Cha Théo có đỡ đầu cho vài em.
Trước khi về lại địa sở, Cha Théo đến chào tôi và tôi có dặn dò Ngài cần cẩn thận. Du kích đã có lần nói với Ngài đừng qua lại bằng xe hơi trên 20km đường cách đường chính tới Kon Kơla, nếu không sẽ có thể có “sai lầm”. Trong tháng 10, khi đi kinh lý, chính tôi đã phải đi bộ trên con đường này thế mà tôi biết sau một thời gian tránh né, Théo của tôi đã đi bằng xe hơi Ngài nói với tôi:  “Thưa Đức Cha! Nếu họ muốn giết con, cho dù con đi bộ hay đi xe, họ cũng sẽ biết cách tìm ra con… Đó là bọn giả hình. Và con đã quyết định tiếp tục công việc của con. Coi như không có Việt minh vậy và con còn đi thăm các làng của con bằng bất cứ giá nào”. Sau buổi trưa, Ngài trở về Kon Kơla.
* Ngày 9-10-11 tháng 12 năm 1961:
Tôi đang sao lại nguyên văn tờ giấy tìm thấy trong hồ sơ của Cha Théo sau cái chết của Ngài. Chắc chắn nó được gởi cho tôi. Đó là những dòng chữ cuối cùng của Ngài đề ngày 11/12 tại Kon Kơla. “Deo Gratias! Tạ ơn Chúa! Con vẫn sống và tự do nhưng không phải không lo âu. Con tin rằng những người của con sợ hãi hơn con. Đó là tin đến từ hai ngày nay, một người trong làng đi với họ đã phao tin, họ muốn tiêu diệt con, con là vật cản lớn nhất đối với họ, khi con bị giết, hoạt động của họ sẽ dễ dàng hơn trong vùng này”.
“Từ ngày hôm qua, con bắt đầu cảm thấy có điều gì không tốt, sau khi giải tội ở Kon Turia (con sẽ nói lại với Cha việc này sau), khoảng 17 giờ con đi xuống Kon Du, ban chức việc (phái đoàn) của Kon Kơla đợi con ở đó và họ khuyên con trốn tránh về Kon Hơring vì người ta nói có khoảng hai mươi Việt cộng ở Dak Hơring hành quân về Kon Kơla”.
“Con dâng thánh lễ và nhanh chóng trước khi trời tối, con trở về nhà bằng xe hơi. Con cảm thấy hơi mệt mỏi… chắc chắn, để thêm can đảm, ngày đó con đã làm việc gấp đôi: 3 thánh lễ, 3 bài giảng, giải tội cho 130 người, thăm làng Dak Rouang và Kon Turia, rồi Kon Du… Xin chào!”.
“Tối hôm qua, không như mọi khi, số thanh niên đến ngủ nhà con được tăng cường đông hơn, nhưng chúng con chẳng ngủ ngon được, tới nửa đêm chó bắt đầu sủa gắt và rất lâu… Chúng con ở yên tại chỗ. Không có báo động gì trong đêm”.
“Sáu giờ sáng, khi thức dậy, chó vẫn còn sủa, chúng con nghe tiếng chân người rồi giọng nói chung quanh nhà, con đã hiểu. Để cho an tâm, con hỏi: ‘Ai đó?’-‘Chính họ rồi’- Họ đang bàn kế hành động, rồi họ gọi mọi người ra.”
“Cha ơi! Đừng ra!” các chàng của con nói. Con mặc ấm nhất có thể trong trường hợp mà…
Rồi đợi một lúc, con mở của, nhảy qua hàng rào, vào trong nhà nguyện. Trong lúc đó, mọi người tụ tập lại và khi con nghe ông “cán bộ” bắt đầu tuyên truyền, con ra ngoài và đi tới chỗ ông ta. Con chào họ, không ai trả lời. Rồi một cách lịch sự, con xin họ cho phép ít nhất là phụ nữ và trẻ em tham dự thánh lễ con sắp dâng. “Không!- ông cán bộ trả lời một cách hung dữ- bây giờ họ phải dự buổi tuyên truyền giáo dục của tôi.” Con nài nĩ lần nữa, họ tuyên bố tôn trọng tự do tín ngưỡng; ông ta bảo con: “Cút đi!- ông nói với một giọng thù hằn. Này, sau khi tuyên truyền cho họ xong, chúng tôi cũng sẽ giáo huấn ông. Chúng tôi sẽ giữ ông trong hai giờ”.
“Trong khi ông ta càng bực tức, con càng nhún nhường. ‘ Vâng! Vâng! xin đừng giận!’- Con im lặng rút lui. Con đọc kinh nhật tụng rồi, đi qua đi lại hàng trăm bước, không xa họ, con dâng kinh sáng, tụng ca và một phần phụng vụ các giờ kinh.”
“Thấy ông ta tiếp tục ba hoa, và thái độ của ông ta đối với con không bình thường, con muốn bảo đảm được dâng lễ dẫu xảy ra thế nào, và con đã đi làm lễ một mình”.
“Khi con ra khỏi nhà nguyện, họ ăn sáng. Con uống cà phê và con không phải đợi chờ lâu. Bây giờ những gì xảy ra tiếp theo, chúng ta dựa vào các nhân chứng.”
Thật thế, Cha Théo không phải đợi lâu, gần như lập tức, ba cán bộ cộng sản vào trong nhà xứ. Chính những người này vừa mới bảo dân làng rằng Cha sở không phải là linh mục, nhưng là một tên đại úy, một tên gián điệp, một tên tay sai của “Mỹ-Diệm” nghĩa là sĩ quan của quân đội “Mỹ-Diệm”. Một cáo giác trầm trọng, một lời đe dọa nặng nề từ miệng họ, bởi vì Mỹ-Diệm là kẻ thù của họ. Họ còn nói không thể cho Cha đi lại tự do.
Như thế điều tên “mật thám” nói, mà anh ta là một dấu hỏi trong tờ giấy của Cha, đã được xác định, cộng sản muốn vô hiệu hóa hoặc loại bỏ Cha. Tên mật thám này theo tôi, là người làng […] do cộng sản hướng dẫn nhưng trước sự đe dọa nặng nệ đối với Cha Théo được tất cả các dân làng rất yêu mến, anh ta đã chống lại theo ý riêng mình. Anh ta đã theo dõi chính những kẻ muốn anh ta theo dõi Cha. Tôi giải thích điểm này như thế, điều này vẫn còn bí ẩn, nhưng chúng ta sẽ được sáng tỏ một ngày nào đó.
Các giáo dân rất lo lắng khi thấy ba cán bộ đi vào nhà Cha và chỉ có họ ở lại với Cha. Họ nghĩ Ngài bị bắt giữ ngay lập tức. Họ tập trung thành đám đông chung quanh nhà và sẵn sàng can thiệp. Nhưng không có gì xảy ra. Và giáo dân tin rằng chính thái độ của họ đã làm cho cán bộ phải e sợ… có thể lắm. Cuối cùng họ ra và cả nhóm bỏ đi, Cha vẫn bình tĩnh, Ngài kể lại cho giáo dân cuộc đối thoại như sau: “Họ bảo tôi: không được đi thăm các làng nữa – Vậy tôi làm gì ở đây? Ông hãy nghỉ đi! – Tôi không thể: tôi phải giảng đạo – Ai đã xây nhà thờ này? – Những người Công giáo ở làng này- Ai đã ra lệnh cho họ làm?- Thiên Chúa, vì họ là người Công giáo- Chúa à? Làm gì có Chúa- Ai đã tạo dựng trời và đất?- Không ai cả, chúng tự có- Vậy thì nhà thờ Kon Kơla cũng tự có thôi- Họ chẳng biết trả lời thế nào nữa-Họ cười- Cha cũng nói với giáo dân. Cuối cùng, họ cũng cho phép tôi qua lại”.
Théo có hiểu rằng sự cho phép này thực ra là bản án xử tử Ngài không? Người cộng sản không dung thứ những cá nhân dũng mãnh, những cá nhân chói sáng và cản trở hành động của họ, những cá nhân không thấm nhuần các bài học của họ và không khuất phục sự đe dọa của họ. Và chính Ngài, Cha Théo đã không chấp nhận chịu đựng một cách thụ động, phải hành động giữa ban ngày, chứng tá tinh tuyền. Sẽ không tốt đẹp nếu hành động một cách khác. Ngài đã được phúc tử vì đạo.
* Thứ hai, ngày 11/12: Cha ở lại làng Kon Kơla, Ngài viết những lời đã nêu trên.
* Thứ ba, ngày 12/12: Cha Théo báo rằng theo chương trình đã định, Ngài sẽ đến thăm ba làng. Giáo dân tìm cách can ngăn Ngài. Cha lắng nghe họ một lúc, cuối cùng Ngài nói với họ: “Vâng theo Thánh ý Chúa!… Vậy thì tôi đi một mình”.
Nhưng rồi có 15 giáo dân Thượng quyết định đi với Ngài. Đương nhiên không ai mang vũ khí.
Trong ngày hôm đó, buổi trưa Ngài làm lễ ở làng Wang Kleng, 15 giờ, Ngài ra đi, lúc 17 giờ, dâng thánh lễ thứ hai ở Kon HơDro. Lúc gần tối, Ngài trở về làng Ngô ReNgê, giáo dân đón Ngài trên đường: “Cha ơi! Đừng vào làng, cộng sản đang ở đó”.
Nhưng Cha vẫn cứ vào. Chung quanh làng, khoảng 20 người vũ trang đang chốt chặn. Ba cán bộ đang tuyên truyền cho dân làng. Không ai nói tới Ngài, Cha vào nhà nguyện lợp tranh, Ngài đi ngủ.
* Thứ tư, ngày 13/12: Sáng sớm, giáo dân tụ họp ở nhà nguyện, Cha giải tội cho họ rồi dâng thánh lễ. Sau đó, Ngài nhanh chóng sắp xếp công việc. Ngài bảo: “Nhanh lên! Chúng ta đi thôi, Việt cộng muốn giết tôi”.
Thật ra trước đó một lúc, ông biện cả trong làng, biết được ý định của du kích, đã đến bí mật nói với Ngài: ‘ Cha ơi! nguy rồi, Không đi về trên đường được, chúng con sẽ đưa Cha đi đường vòng ngang qua rừng’. Nhưng một lần nữa, Ngài lại từ chối. Ngài ăn nửa chén cơm, và vội bước lên đường. Những giáo dân tháp tùng cũng vội vã. Hai thanh niên theo kịp Ngài và tự nguyện đi trước, cách vài bước. Những người khác theo sau một quãng. Đi xa chừng 500 mét, có một con suối nhỏ, Ngài nhảy qua rồi lên dốc, Ngài bước nhanh gần như chạy.
Một tràng tiểu liên vang lên, Cha ngã xuống, bàn tay siết chặt tràng hạt. Ngài bị bắn gần như sát họng súng ở cạnh sườn trái, về phía sau một chút. Ngài bị ba vết thương, mà một đã gây chết người, một viên đạn trúng tim. Ngài thở chừng 1-2 phút nữa rồi trút hơi thở.
Giáo dân vội chạy lại, vây quanh bên nhau, hy vọng còn có thể bảo vệ Ngài, nhưng họ thấy đã hết: “Lạy Cha! Cha ơi!” rồi quay về phía rừng, họ gào lên: “Bắn luôn chúng tôi đi!” Nhưng không tiếng trả lời, và họ chẳng thấy một ai cả. Hai giáo dân chạy về làng Ngô Re Ngê để báo nhưng du kích đã ở đó cười nhạo nói về Cha. Một lúc sau, họ bắn vài phát chỉ thiên vui vẻ bỏ đi. Những người khác cùng đi với Ngài vội vàng đặt xác Ngài trong một cái mền và khiêng Ngài về Kon Kơla. Họ đặt Ngài trong nhà nguyện và giáo dân đến đọc kinh và than khóc suốt cả ngày.
Cũng trong ngày, một chục Việt cộng đến làng Kon Du. Dân làng rất sợ hãi, nhưng các cán bộ bảo họ: “Thằng ‘Mỹ – Diệm’ đã chết rồi. Đừng có sợ! Đối với bà con, người ta không làm gì đâu”. Giáo dân gởi vài người đi báo biến cố cho Cha Brice, cha sở Kon Hơring.
Xác Ngài được đưa về Kontum vào chiều thứ năm ngày 14/12. Lễ an táng được tổ chức vào sáng thứ sáu ngày 15/12/1961. Rất đông giáo dân và lương dân, kinh và thượng, trầm mặc, xúc động, đến kính viếng lần cuối cùng người mà trong thâm tâm họ xem như một đấng tử vì đạo.
Thêm một vị nữa trên đất nước Việt Nam đã có rất nhiều vị thánh tử đạo.
** Ở lại nhiệm sở: Trong nghĩa trang nhỏ của địa phận thừa sai, nơi an nghỉ của những vị tiên phong xây dựng (sáng lập) vùng Truyền giáo Dân tộc Bahnars “hoang dã”, Cha Théophile bây giờ được an nghỉ, ngày làm việc của Ngài đã hoàn tất. Và nghĩa trang bé nhỏ này, nơi mà chúng ta yêu mến, không buồn tẻ. Nó thật thân thương, nó biểu tượng cả bình an, hy vọng và niềm vui và rất đỗi anh hùng!
Trong quảng thời gian 15 tháng trong một địa sở vị, thừa sai thứ hai đã hy sinh làm chứng nhân bằng máu của mình. Đức Giêsu, bằng lời Ngài và sau đó là gương của Ngài, đã cho ta thấy tiêu chuẩn của một vị mục tử chân chính và nhân lành: “Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên,… người làm thuê khi thấy sói đến thì bỏ chạy” (Ga 10,11-12).
Cha Théo cũng như người tiền nhiệm, đã học biết điều này. Cả hai trong truyền thống hàng trăm năm của giáo hội Việt Nam nơi sản sinh và làm trỗi dậy những cộng đoàn tín hữu đáng kính phục, đã hòa trộn máu huynh đệ của những Linh mục Thừa sai Pháp-Việt, dẫu chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, hiện nay đã làm cho bao người chống đối nhau, Chúa Giêsu Kitô vẫn dạy: “Anh em hãy yêu thương nhau, như thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).
“Chứng từ đơn giản là sự hiện diện của mục tử kể cả lúc bị tước bỏ tự do, chính sự hiện diện của người là một sự trợ lực quý giá cho tín hữu và đau khổ là nguồn mạch ân sủng của mầu nhiệm Thánh Thể… Thật sai lầm khi nói rằng dưới một chế độ nào đó, sự hiện diện của Linh mục là vô ích: lời cầu nguyện, sự đau khổ, cái chết không vô ích cho tín hữu”.
Đó là thông điệp mà ĐGM S.EX. Dooley, đại diện Tòa thánh tại Đông Dương đã gởi cho hàng giáo phẩm ngày 25/08/1954, ngày Việt minh tiến vào Hà Nội miền Bắc Việt nam.
Chính cùng một chỉ thị mà tôi đã nhắc lại cho các Linh mục của tôi ngày 15/12/1961, trong dự đoán tình hình xấu hơn ở miền Nam Việt Nam.
“Đó là nguyên tắc cơ bản của tất cả các Linh mục phục vụ các linh hồn: Cha sở, chánh phó xứ, giám đốc phải ở lại nhiệm sở của mình”.
Cha Théophile của chúng ta, vào giờ được chọn bởi Thiên Chúa, duy mình Ngài là Chủ sự sống và sự chết, đã tuyệt vời mang lại chứng tá của lòng trung thành trong sứ mạng Thừa sai, đồng thời là chứng tá lớn nhất của tình yêu tỏ lộ: HIẾN MẠNG SỐNG VÌ THA NHÂN…
                                                                        Đức cha PAUL SEITZ
                                                                          Giám Mục Kontum 
                                      (Theo PATER Gp Kon Tum, số tháng 03 và 04/2012)

Nguồn bài viết: Giuse Lê Minh Sơn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét